Đoàn Thị
Đến Hẹn
L |
ễ quan thầy Đoàn TNTT, điểm hẹn của tôi hằng năm với vài phụ huynh thế kỷ trước, gặp gỡ cha, Sơ, và tìm lại hương xưa ngày cũ, thuở một nách chồng con, vất vả mà rất hạnh phúc.
***
Trưa thứ bảy, cơm trưa xong nhóc của tôi chuẩn bị bài vở, đồng phục… để đến GX (Giáo Xứ) trên đường Boissonnade, cơ sở nhỏ hơn hiện nay.
Phụ huynh có người ‘‘thả con’’ trước cửa GX rồi chạy ra chợ trong quận 13, phụ huynh bố đứng trên lề đường mồi điếu thuốc hàn huyên chuyện vãn.
Mẹ thiếu nhi ngoan hơn bố, không thuốc lá phì phèo, ‘‘nhóm chợ nhỏ’’ từ tầng trệt xuống nhà bếp, đến sân chơi dưới cùng ngoài trời, trước lạ sau quen vì năm nào cũng có ‘‘ma mới’’ nhập cuộc.
Cha tuyên úy Đoàn TNTT đầu thập niên chín mươi ‘‘trẻ măng’’, lên xuống ba tầng lầu thoăng thoắt, dĩ nhiên ngài thua xa đám Ấu, Thiếu, Nghĩa chân sáo nhảy mỗi lần hai bậc thang như chơi.
***
Hơn hai mươi năm sau, phụ huynh tóc muối tiêu, đầu bạc trắng, dân ‘‘cựu trào’’ thiểu số vẫn còn đó nhờ đám thiếu nhi hồi trước giờ đã trưởng thành vẫn ở lại với Đoàn, đa số cùng lứa đã vỗ cánh đi bốn phương trời.
Gần đến giờ lễ, nhà thờ còn vắng, tôi hàn huyên với Sơ Phú, Sơ hỏi thăm thằng nhóc của tôi, trong suy nghĩ của sơ nó vẫn là thằng Thiếu Nhi nhỏ xíu nên khi xem hình nó bây giờ, Sơ ngạc nhiên vì nhận ra nó lớn thật rồi.
Cha Sách tuy sức yếu nhưng ngày lễ quan thầy Đoàn cha bỗng ‘‘trẻ ra và yêu đời’’, ở giữa bầy con nít ngây thơ như rứa muốn già không phải dễ đâu, đó cũng là lý do tôi không thể lỡ hẹn với đoàn TNTT Kitô Vua.
Dù tôi đã tham dự nhiều lần nghi thức quàng khăn, trao cờ cho đội trưởng, đội phó Ấu, Thiếu, Nghĩa nhân lễ Quan Thầy Đoàn, nhưng cảm xúc của tôi không bao giờ suy giảm, vui sướng với phụ huynh các em như lần thằng nhóc của tôi nhận chức đội phó.
Nghi thức vừa chấm dứt, tiếng hô ‘‘bên trái quay, tiến bước’’ vang lên đưa tôi về thực tại, mấy chục đội viên ‘‘mới nhậm chức’’ quay bên trái, bên phải loạn xị, tuổi trẻ sôi nổi, nông nổi là vậy.
Nhạc lễ TNTT nhộn nhịp kèn trống, gần như một dàn nhạc giao hưởng thu hẹp, mang sắc thái ‘‘tân cổ giao duyên’’ có bài mang âm hưởng thánh ca Tây rất hợp thời.
Thánh lễ gia đình trong xóm tôi cũng có dàn nhạc bỏ túi khá hấp dẫn, nhạc phụng vụ trẻ trung hay lắm và rất ‘‘Pop-Rock’’ khiến ông già bà lão ‘‘nhín khe’’ không hát kịp tụi nhóc.
‘‘Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an’’, thầy sáu Nha vừa dứt lời, cha Sinh lên tiếng, các con ‘‘Đứng im’’, thế mà đám nhóc nghe làm răng lại đồng thanh ‘‘Hy sinh’’.
Cũng tại bánh mì thịt, xôi, mì xào… phía sau nhà thờ hấp dẫn quá làm chúng nó ngỡ cha hô ‘‘Thiếu nhi’’ nên mới đáp như rứa, thật ra cu tý cu tèo của Đoàn đang đói meo đến lãng tai đấy.
Theo thông lệ, con nít ăn trước, người lớn tính sau, phụ huynh bèn vây lấy nhau mà ‘‘họp chợ’’.
Cô cựu giáo lý của thằng nhóc nhà tôi chia sẻ, sang năm làm sui, rể Tây, và nói thêm :
- Tụi trẻ bây giờ ‘‘lấy Tây’’ nhiều lắm.
Tôi nghe mà hết hồn, vì tiếng ‘‘lấy Tây’’ thời xưa ở xứ mình không được hoan nghênh, nay thì kẻ khóc người cười vì dâu rể gốc bản địa có đứa chê nước mắm quốc túy của ông cha Ta.
Có người hả hê có con dâu, thằng rể ‘‘lô can’’ mê mắm muối xứ Việt như phó mác thum thủm, ăn bún bò Huế cay xè mới ngon, thích món rau luộc chấm tương chao ăn tới đâu giảm cân tới đó.
Chuyện phong tục tập quán, ăn uống chỉ là râu ria, cốt lõi của chuyện tình của chúng nó là, ‘‘moa, toa’’ bình đẳng, không có cảnh ‘‘12 bến nước’’ có gì toa ráng chịu.
Rể Tây, ai cũng khen dễ chịu, dễ thương, vì cô dâu Việt được đưa lên hàng bà nội tướng hét ra lửa, thống lĩnh gia đình bé nhỏ của đôi ta, kiểu nịnh đầm thu hút con gái Mít thời thượng đấy.
Ở trọ xứ người là vậy, không lấy ‘‘dân địa phương’’ mới lạ, tuy hơi mủi lòng vì đàn cháu sau này có đứa sẽ quên tiếng Việt, nhưng điều quan trọng nếu các con được hạnh phúc là đủ rồi.
Điều phụ huynh thế hệ chúng tôi vẫn còn canh cánh bên lòng là liệu con cháu sau này chúng nó có còn giữ đạo như mình, đi lễ mỗi tuần hay một năm chỉ dự thánh lễ Phục Sinh và Giáng Sinh thôi.
Câu trả lời nằm đâu đó trong bài hát ‘‘Còn tìm với Mẹ’’ (Chercher avec toi, Marie), ước gì các con luôn cùng Đức Mẹ tìm chọn cuộc sống trần gian tạm bợ theo dấu chân Chúa.
Hy vọng tứ quý nhà Lương Nhất, hai trai hai gái nhà Pierre Bùi, hai trai một gái nhà ca trưởng và giáo lý viên Triển Lan…, hậu duệ TNTT sẽ là con chiên ngoan đạo duy trì truyền thống Đoàn Kitô Vua.
20 Nov. 2016 / Đoàn Thị
Bài viết khác
Hình : Buổi Văn Nghệ Hướng Đến Tương Lai do Đoàn TNTT Paris tổ chức
Lịch Trình Sinh Hoạt Niên Khoá 2024-2025 ĐTNTT GX
Hình : Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu tại Giáo Xứ thứ bảy 01/06/2024
Vidéo : Thánh Lễ Thêm Sức của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể KiTô Vua Paris - 08/06/2024 - Huy Quyên
Hình : Thánh Lễ Thêm Sức tại Giáo Xứ thứ bảy 03/06/2023
Hình : Rước Lễ Lần Đầu tại Giáo Xứ thứ bảy 10/06/2023
Vidéo : Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu tại Giáo Xứ Việt Nam Paris - Thứ bảy 10/06/2023 - Công Huy
Hình : Rước Lễ Trọng Thể và Tuyên Xưng Đức Tin tại Giáo Xứ thứ bảy 20/05/2023
Vidéo : Thánh Lễ Thêm Sức tại Giáo Xứ Việt Nam Paris - Thứ bảy 03/06/2023 - Công Huy
Hình : Đoàn TNTT Giáo Xứ Mừng Tết Quý Mão 19/02/2023
Hình : Thánh Ca & Ca Nhạc Với Ca Sĩ Công Giáo Mai Thiên Vân Ngày 05/11/2022
Vidéo : Thánh ca & ca nhạc với ca sĩ Công giáo Mai Thiên Vân ngày 05/11/2022
Hình : Nghi thức Sai Đi cho Các Giáo Lý viên của ĐTNTT Paris ngày 01/10/2022
Hình : Đoàn TNTT Giáo Xứ khai giảng năm học niên khoá 2022-2023
Lịch Trình Sinh Hoạt Niên Khoá 2022-2023 ĐTNTT GX
Vidéo : Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu tại Giáo Xứ Việt Nam Paris lúc 17g00 ngày 18/06/2022
Hình : Lễ Chứng Nhân Đức Tin của các em trong ĐTNTT Giáo Xứ Paris
Hình : Nghi thức Rước Lễ Trọng Thể & Tuyên Xưng Đức Tin - ĐTNTT Giáo Xứ Paris