HƯƠNG VĨNH (Canada)
ĐÊM BA MƯƠI TẾT
Thấm thoát đã trên bốn thập niên (1975-2017). Với những người tị nạn đầu tiên đặt chân lên một đất nước tạm dung – tiếp theo sau biến cố 30/4/1975 – Đêm Giao Thừa 2017 nầy là “Đêm Ba Mươi Tết thứ bốn mươi hai” ở häi ngoại.
Ý nghĩa Đêm Ba Mươi
Đêm Ba Mươi là đêm quan trọng nhất vì là thời gian giao lưu giữa năm cũ và năm mới. Đó là đêm ba mươi tháng Chạp (hay củ mật), cũng còn gọi là Đêm Ba Mươi Tết. Sở dĩ gọi là “củ mật” vì vào thời gian gần Tết, thường xảy ra nạn trộm cướp nên mọi nhà đều phải phòng bị hết sức cẩn mật.
Đặc biệt ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, vào Đêm Ba Mươi Têt, trời tối như mực, có khi hai người đi cạnh nhau mà không nhìn thấy nhau. Vì vậy tục ngữ có câu “Tối như Đêm Ba Mươi Tết”.
Xưa kia, Đêm Ba Mươi Tết cũng còn là lúc trốn nợ cuối năm. Thông thường chủ nợ cố đòi cho được nợ vào dịp đó. Người ta “kiêng” bị đòi nợ cuối năm vì sợ rơi vào tình cảnh bị nợ đòi suốt năm. Bởi vậy người mắc nợ phải trốn nợ cho tới khi gần giao thừa mới dám trở về nhà… Chính tục lệ đòi nợ cuối năm mà người ta thường nói “giàu có ba mươi Tết mới hay!”
Ngoài ra, cũng theo tục lệ từ trước đến nay, Đêm Ba Mươi Tết là đêm quan trọng không kém ngày đầu năm. Ngay từ chiều ba mươi, người ta đã làm “cơm cúng” gia tiên. Và tối ba mươi là “đêm không ngủ” để chuẩn bị đón mừng Tổ Tiên về ăn Tết cùng đón giao thừa – tức tiễn năm cũ và mừng năm mới.
Người Việt Nam rất có tình có nghĩa. Với năm cũ sắp hết, cho dù phải trải qua nhiều rủi ro bất hạnh hoặc làm ăn phát đạt hanh thông, mọi người vẫn tiễn đưa năm cũ với tấm lòng biết ơn vì được Đất Trời cho hưởng lộc sống trọn vẹn năm qua.
Bốn mươi hai “Đêm Ba Mươi” ở hải ngoại
Vào những năm đầu tiên khi mới định cư ở Bắc Mỹ, nỗi buồn Đêm Ba Mươi thật thấm thía! Vùng Bắc Mỹ là nơi mùa đông giá buốt kéo dài bốn năm tháng khiến nỗi cô đơn càng sâu đậm hơn.
Thay vì tiếng pháo giao thừa nổ ran như khi còn ở quê nhà, một làn tuyết trắng xóa bao trùm cảnh vật, đượm màu thê lương. Không còn cảnh tượng tấp nập đến chùa lễ bái và hái lộc đầu xuân hay đi nhà thờ dự lễ giao thừa để được sự chúc phúc của Chúa cho suốt cả năm. Không còn thấy bày ra giữa sân những mâm ngũ quả tốt tươi với những nén hương phảng phất quyện lên không trung trong giây phút linh thiêng giao hòa giữa năm cũ và năm mới!
Ai nấy ngồi thức giấc cô đơn trong căn phòng vắng lặng để sống lại trong ký ức những đêm giao thừa đã đi vào dĩ vãng ở một không gian và thời gian khác.
Mặc dù xuân đến và xuân đi nhiều lần ở nơi phương xa, nhưng không khí mùa xuân không bao giờ trở lại. Mồng Một Tet cũng chỉ là một ngày trong chuỗi ngày dài của cuộc đời thường. Dần dà ai nấy cũng thích ứng với cuộc sống mới, không chút bận tâm với việc “xuân về”, “xuân đến” hay “xuân đi”…
Từ đầu thập niên 1980 trở đi – dòng người vượt biên khá đông. Không khí Tết bắt đầu hồi sinh. Chùa chiền cũng như nhà thờ bắt đầu tổ chức lễ lạt để đón xuân trong đêm Giao Thừa và những ngày đầu năm…
Khởi từ thập niên 1990, việc đón xuân của Việt kiều ở hải ngoại có phần trang trọng hơn, với những khóa lễ đông người tham dự để mừng xuân mới. Những hội chợ Tết được tổ chức rầm rộ, với những quán xá đủ loại cùng những chương trình văn nghệ giúp vui…
Đêm Giao Thừa thứ bốn mươi hai
Đêm Giao Thừa năm nay – năm Đinh Dậu 2017 – là Đêm Giao Thừa thứ bốn mươi hai ở hãi ngoại. Trời đêm nay lạnh lẽo hơn. Không khí đón xuân dĩ nhiên không tưng bừng náo nhiệt như ở quê nhà. Không có tiếng pháo giao thừa nổ ran, không có cảnh người người tấp nập đi thưởng xuân như trẩy hội. Vắng cảnh từng đoàn nam thanh nữ tú đèo nhau trên các xe gắn máy chạy khắp phố phường để du xuân…
Những ngày đầu xuân năm nay cũng là cơ hội hiếm có để nhiều người gặp gỡ nhau ở chốn tôn nghiêm hay tại những hội chợ Tết. Một hiện tượng rất đáng chú ý là thế hệ trẻ đông đảo đang lớn lên trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Họ là những người trẻ đến từ VN hay sinh đẻ ở häi ngoại từ mấy thập niên qua. Giờ đây họ đã trưởng thành và phần đông đã thành gia thất, có người đang “tay bồng tay mang”.
Những em bé nhỏ tuổi chiếm một phần đáng kể trong số những người tham dự các cuộc họp mặt đông đảo đó. Thật là một niềm vui lớn lao nhưng cũng là điều lo âu đối với giới phụ huynh. Tương lai đang chờ đợi các em như thế nào?
Hiện tại rất nhiều cha mẹ vui mừng thấy con cái đỗ đạt thành tài, nhưng cũng không thiếu những phụ huynh đang khóc thầm vì gia đình đổ vỡ, con cái hư hỏng, trở thành bụi đời, xa rời tổ ấm gia đình đi vào con đường xì ke ma túy hoặc gia nhập băng đảng…
Hiện nay, có thể một số thanh thiếu niên đang ôm hận vào lòng vì các bậc phụ huynh trước kia đã không hướng dẫn tốt nên giờ đây họ phải chuốc lấy những sự đổ vỡ trong cuộc sống đa tạp nầy. Xin các vị cao niên nên lắng nghe những lời oán thán trầm thống đó!
Đến Thăm Anh Đêm 30
Đêm Ba Mươi Tết ở hải ngoại, khách ly hương không khỏi ngậm ngùi khi tình cờ nghe lại nhạc khúc Đến Thăm Anh Đêm 30. Thơ của Nguyễn Đình Toàn, do Vũ Thành An phổ nhạc:
Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.
Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha, người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba rụng cùng mùa.
Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau
Đá buồn chết theo sau ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau.
Vancouver BC Canada
CUNG CHÚC TÂN XUÂN ĐINH DẬU 2017!
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang