ĐẠI LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
GIÁO DÂN VÙNG PARIS
HỌC GƯƠNG BẢO TOÀN VÀ KIẾN THIẾT GIÁO XỨ
Paris, ngày 15.11.2015.
Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Paris, từ Créteil, Evry, Corbeil, Essonnes, qua Paris, Sarcelles, Cergy, Marne-La-Vallée, Ermont, Villiers-Le-Bel, đến Antony, Yvelynes, Versailles,… tất cả đều qui tụ về Giáo Xứ Paris để cùng nhau cử hành đại lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Chương trình xoay quanh ba việc :
11 giờ 30 : thánh lễ cho những ai không thể tham dự Đại Lễ Đồng Tế.
13 giờ 30 – 14 giờ 30 : Giờ Chầu Mình Thánh, suy tôn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đồng thời có các cha ngồi tòa cho những ai muốn dọn mình đi vào Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh.
15 giờ 00 : Thánh Lễ Đồng Tế.
Chúa nhật 15.11.2015 hôm nay, gần 20 linh mục và giáo sĩ, gồm các vị trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ, một vài vị trong Ban Tuyên Úy vùng Paris và nhiều linh mục sinh viên tu học tại Học Viện Công Giáo Paris, đã cùng Đức Ông Giám Đốc Giuse Mai Đức Vinh rước xương thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cả cộng đoàn cùng đứng lên đồng ca bản « Khải Hoàn Ca » của Hải Linh : « Tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời Việt Nam. Tấm lòng yêu mến, con thiết tha hòa khúc khải hoàn ca. Đồng thanh ta hát khen mừng, bao Đấng Anh Hùng, xưa đã thắng gian nan, tòa cao chói lói trên trời hiển vinh muôn đời. Đồng thanh ta hát khen mừng. Bao Đấng Anh Hùng nay chiến thắng khải hoàn trên chốn phúc vinh sáng ngời. Hãy lắng nghe tiếng con nài xin : cho quê hương thoát cơn đau thương, tới ngày bình an tươi sáng. Hãy lắng nghe tiếng con nài xin : qua gian nan Giáo Hội vinh quang tới ngày hạnh phúc thanh nhàn. Và mọi người hôn kính xương thánh.
Sau đó Đại Lễ đồng tế đã được cử hành để ghi ơn và nêu gương các vị Tiến Nhân đã lấy máu đào tô thắm Giáo Hội Quê Hương Việt Nam. Đặc biệt bài chia sẻ Phúc Âm của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, hướng theo chương trình « Dự án cơ sở tương lai » được mở ra từ tháng 05-2014, đã rất độc đáo với đề tài « Bài học về tinh thần liên đới bảo toàn và kiến thiết xứ đạo ». Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của Đức Ông :
BÀI HỌC VỀ TINH THẦN LIÊN ĐỚI BẢO TOÀN VÀ KIẾN THIẾT XỨ ĐẠO
Kính thưa quý cha, quý thày, quý tu sĩ và quý ông bà, anh chị em,
Các Thánh Tử Đạo Tiền Nhân đã để lại cho chúng ta nhiều bài học về đời sống
đức tin, về đời sống gia đình, về đời sống cộng đoàn và về đời sống xã hội. Mỗi
lần chúng ta mừng lễ các Ngài, chúng ta hãy múc lấy nơi các ngài một bài học cụ
thể cho đời sống Kitô hữu chúng ta. Năm nay, trong bối cảnh Giáo Xứ chúng ta
đang muốn tìm mua một cơ sở mới làm trung tâm sinh hoạt lâu dài cho thế hệ
tương lai, tôi muốn chia sẻ với cộng đồng phụng vụ hôm nay một bài học biểu lộ
đức tin vừa sâu sắc vừa thực tế, mà các Thánh Cha Ông chúng ta để lại cho chúng
ta.
Bài học đó là tinh thần liên đới bảo toàn và kiến thiết họ đạo ngay trong suốt thời bách hại, nói tắt là tinh thần liên đới cộng đoàn.
Thưa quý cộng đồng phụng vụ,
Đọc lịch sử giáo Hội Việt Nam thời bắt đạo, chúng ta nhận rõ một điều là nhiều khi ‘lệnh vua thua lệ làng’, ‘vỏ quít dày có móng tay nhọn’, nghĩa là : lệnh cấm đạo của vua chúa càng gắt gao, các họ đạo công giáo càng có những sáng kiến tránh né, để bảo tòan đức tin, bảo vệ họ đạo, bảo vệ nhà thờ, che chở các linh mục, thày giảng và ông trùm ông biện. Họ cương quyết sống theo lời dạy của tổ tiên có sẵn trong văn hóa bình dân : ‘Hợp quần gây sức mạnh’, ‘đoàn kết thì sống chia rẽ thì chết’, phải ‘tự lực tự cường’, ‘đồng sinh đồng tử’ và ‘vạn chúng nhất tâm’.
Đúng như bản điều trần mà quan thượng Nguyễn Đăng Giai đệ lên vua Tự Đức. Trong đó quan thượng viết : ‘Thưa hoàng đế, thần nhận thấy người theo đạo Gia tô gầy dựng một họ đạo như thế này : trước hết họ chinh phục một người, đàn ông cũng như đàn bà, rồi trở thành một gia đình, một xóm đạo. Họ nuôi không những người đói kém, cho quần áo những người rét lạnh, giúp đỡ những người bất hạnh, thăm viếng người đau ốm, an ủi người sầu khổ. Họ tụ họp đông đảo tiễn đưa những người quá cố. Họ không phân biệt giàu nghèo, mà coi nhau như anh em thân thuộc. Họ bảo nhau sống đức hạnh và làm ích cho người khác … Dù nghèo, họ cũng đóng thuế sòng phẳng, trong họ đạo không có trộm cắp hay rối loạn. Sáng tối họ đọc kinh ở nhà thờ hay tại gia đình, hầu được hạnh phúc trên thiên đàng» (DMAH 3, tr.59-61).
Không cần phải đọc chuyện các thánh Tử Đạo là giám mục, linh mục, thày giảng hay nữ tu, chúng ta chỉ cần đọc truyện các thánh trùm họ Giuse Hoàng Lương Cảnh, Matthêu Nguyễn Văn Phượng, Giuse Nguyễn Văn Lựu, Emmanuel Ngyễn Văn Phụng, Mactino Thọ. Các thánh lý trưởng : Gioan Baotixita Còn, Micae Nguyễn Huy Mỹ, chúng ta sẽ thấy những nhận định của quan thượng Nguyễn Đăng Giai rất đúng sự thật về tinh thần liên đới của giáo dân trong một họ đạo thời bách hại. Ngoài ra còn có những thánh tử đạo là giáo dân can đảm bảo vệ họ đạo, che chở các linh mục như Matthêu Lê Văn Gẫm, ông Phaolô Vũ Văn Dương, bà Anê Lê thị Thành…
Tinh thần liên đới họ đạo trong thời bách hại đã được thể hiện dưới những việc làm cụ thể nào ? – Tôi xin vắn tắt nêu lên 7 trường hợp :
- Đoàn kết sống vững đức tin như trường hợp 32 gia trưởng thuộc họ đạo Lavang năm 1687. Trước mặt quan tòa, cả nhóm đều thưa lớn tiếng : «Tất cả chúng tôi đều theo đạo Chúa Trời, chúng tôi thà chết chứ không bỏ đạo » (DMAH 1, tr.130).
- Che chở các giáo dân bị lùng bắt, như trường hợp cô Daria bị lính lùng bắt để ép bỏ đạo và làm vợ lẽ cho một ông quan thời Chúa Trịnh Tráng. Cô đã được cả họ đạo che giấu và bảo vệ (DMAH 1, tr.110).
- Giấu các đồ thờ phượng. Có rất nhiều trường hợp. Bình thường các đồ thờ phượng của các thừa sai được cất giấu tại các tu viện dòng Mến Thánh Giá. Những nơi hẻo lánh, thì gửi nơi các gia đình ông trùm, ông biện. Nổi bật nhất là ông trùm Năm xứ Kim Sen, bà Anna Thuận xứ Đa Phạn, bà Annê Lê Thị Thành xứ Phúc Nhạc.
- Đón tiếp và chứa chấp các thừa sai. Trường hợp này rất nguy hiểm. Nhìều sắc lệnh của vua Chúa đã được ban hành cấm đón tiếp và chứa chấp các linh mục và thày giảng. Bà Annê Lê Thị Thành đã bị bắt, bị tù và bị xử trảm vì đã giấu cố Lý trong vườn của nhà bà. Ông trùm Thọ bị bắt vì đã giấu cha Ngân, ông trùm Còn bị bắt và xử trảm vì đã giấu cha Thịnh và đồ thờ phượng. Khi giấu cố Lý trong vườn, bà Annê Lê Thị Thành đã nói với cố : ‘Xin cố ẩn chỗ này. Xin Đức Chúa Trời gìn giữ cố cho cố khỏi bị bắt. Bằng không, lính bắt được cố thì cũng bắt con nữa. Hai cha con sẽ bị bắt với nhau’. Nói xong bà và cô gái út tên là Nụ lấy rạ phủ lên cố Lý. Nhưng vừa lúc ấy, lính ùa vào và bắt luôn cố Lý và bà Thành (DMAH 3, tr.25)
- Dùng mưu trí đánh tháo các linh mục hay giáo dân bị lính bắt giải về tỉnh. Như trường hợp làng Xương Điền tỉnh Nam Định đã lợi dụng lúc lính ăn cơm mà giải thoát cha Dominicô Tước. Cũng tương tự, giáo dân xứ Kẻ Sặt đã giải thoát cha Vicentê Đỗ Yến.
- Góp tiền bạc để chuộc anh em giáo dân hay linh mục, thày giảng bị quan bắt. Có trường hợp phải nộp cho quan tỉnh tới 500 quan tiền. Thánh Philippê Phan Văn Minh và ông lý trưởng Micae Lý Mỹ đã yêu cầu giáo dân đừng góp tiền mua chuộc các ngài, vì như vậy là một hình thức tham nhũng. Khi quan đòi tiền chuộc, cha Gia đã trả lời cho quan huyện Trung Hiên rằng : ‘Thưa quan, xin quan đừng đợi chờ tiền chuộc. Giá chuộc tôi, một đồng đỏ cũng không được. Quan không trả tự do cho tôi, thì xin quan cứ giải tôi về kinh đô’.
- Góp tiền để mua nhà làm nơi thờ phượng, đọc kinh tối sáng, cho con em học giáo lý. Góp tiền để bảo vệ nhà thờ, không cho lính phá theo lệnh quan. Tại trấn Qui Nhơn, nhiều họ đạo phải góp tiền làm lại nhà thờ sau mỗi lần chúa Nguyễn ra lệnh cấm đạo và phá hủy các nơi thờ phượng. Tại trấn Thanh Hóa, năm 1798, quan làm tiền dân có đạo bằng cách đặt điều kiện ‘phải nộp đủ số tiền quan muốn, bằng không quan cho lương dân tháo gỡ nhà thờ’ (DMAH 1, tr.246)
Tinh thần liên đới họ đạo còn được biểu lộ qua nhiều việc làm khác, như dân làng chia nhau đi thăm những người bị bắt và bị giam vì Đức Tin. Như cả họ đạo rủ nhau ra tận pháp trường để ủng hộ tinh thần cho người sắp bị xử tử. Khi một người bị chém đầu vì đức tin, giáo dân ùa vào thấm máu hay kiếm một di vật làm kỷ niệm. Sau đó, là người Việt Nam sống đạo hiếu, giáo dân nghĩ rằng : ‘Nghĩa tử là nghĩa tận’, ‘Sinh cư tử táng’, nên họ góp tiền, tìm mọi cách để mai táng các anh hùng tử đạo cho xứng đáng’.
Kính thưa quý cha, quý thày, quý tu sĩ và toàn thể cộng đoàn,
Trên đây, tôi trình bày vắn tắt tinh thần liên đới của giáo dân trong các họ đạo thời bách hại. Dĩ nhiên các Thánh Tử Đạo là những người đã sống tích cực tinh thần liên đới này. Càng hãnh diện, chúng ta càng có bổn phận noi gương để xây dựng cộng đoàn chúng ta đang sống. Xin hãy làm cho cộng đoàn Antony, Cergy, Ermont, Marne La Vallée, Sevran, Sarcelles và Villiers le Bel, thành những cộng đoàn liên đới huynh đệ về mọi mặt. Để từ các cộng đoàn ngoại ô, chúng ta chung sức xây dựng giáo Xứ Việt Nam Vùng Paris của chúng ta, trong mọi chương trình sinh hoạt, đặc biệt chương trình tìm mua cơ sở mới đang tiến hành. Liên đới đức tin, liên đới huynh đệ, liên đới để tự lực tự cường mà Giáo Xứ chúng ta phải cố gắng sống, luôn là một bài học sâu sắc, mà văn hóa Việt Nam và các Thánh Tử Đạo Tiền nhân, đã sống và để lại cho chúng ta, như một gia sản thiêng liêng. Chúng ta phải thực thi cụ thể tinh thần liên đới cộng đoàn và giáo xứ, theo lời dạy của tổ tiên và gương sáng của các Thánh Tiền Nhân.
Để kết thúc, tôi xin trích dẫn lời kêu gọi tâm huyết của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi đến giáo dân Việt Nam nhân ngày Đại Lễ Phong Thánh năm 1988. Ngài nói : «Hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng : máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh em, đức tin của tổ tiên anh em vẫn tiếp tục và còn truyền tụng qua nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng tinh thần kiên trì và liên đới cho tất cả những ai là người tín hữu Chúa kitô và đồng thời là người Việt Nam chân chính’ (KY tr.96). Ước chi được như vậy. Amen (Bài này viết theo một phần của bài ‘Tinh Thần Liên Đới Trong Thời Bách Hại’ in trong sách ‘Các Thánh Tử Đạo Thăng Hoa Văn Hóa Việt Nam’ II, Giáo Xứ Việt Nam xuất bản 2012, tr.81-119).
Sau Thánh Lễ, Đức Ông Mai Đức Vinh, Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris, đã ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người đã đóng góp vào Đại Lễ mứng các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay. Lời cám ơn đầu tiên Đức Ông đã gửi đến các linh mục sinh viên đã đến giúp giải tội và tham dự Đại Lễ. Lời cám ơn thứ hai, ngài gửi đến các Trưởng Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Giới Trẻ, Ca đoàn tổng hợp và tất cả những người đã góp phần tổ chức, điều hợp Phụng vụ và Thánh ca, giúp Cộng Đoàn tham dự Thánh Lễ sốt sắng. Lời cám ơn thứ ba, ngài gửi đến hết mọi người trong Cộng Đoàn, trước nhất là những người hiện diện đã đến đông đảo, làm cho Đại Lễ thêm trang trọng và sốt sắng, sau nữa là cả những người vắng mặt, vì đã kết hiệp bằng tinh thần với Giáo Xứ để mừng Đại Lễ. Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu cho chúng ta được theo gương các ngài, mà kiên trung và vững mạnh để sống và rao truyền Đức Tin và không quên liên đới bảo toàn và kiến thiết giáo xứ.
Tiếp theo đó, thầy phó tế Phạm Bá Nha đã cho thông tin mới cập nhật về
« Chiến dịch SỔ VÀNG » như sau
: Theo ban Kế Toán cho biết, cho tới ngày 4.11.2015, Sổ Vàng cho Cơ
Sở mới của Giáo Xứ đã nhận được số tiền 236.762
euros của 243 ân nhân góp giúp. Xin chân thành cám ơn quý ân
nhân. Hôm nay, chúng tôi xin vắn tắt trả lời một vấn nạn : ‘Khi nào gia đình
tôi biết rõ các số tiền Giáo Xứ phải chi, rồi mới góp giúp !’. - Giáo Xứ chúng
ta cần ba món tiền lớn : - ‘tiền mua cơ sở’, - ‘tiền tân trang cơ sở cho đúng
luật an ninh hiện nay và cho thích ứng với nhu cầu của Giáo Xứ’, - ‘tiền bảo
trì cơ sở và nuôi sống các sinh hoạt lâu dài của Giáo Xứ’. Chúng tôi không thể
nói con số đúng 100% về mỗi món tiền, mà chỉ ước lượng: - Tiền mua, tiền
notaire…. quãng 1.800.000e, - tiền tân trang quãng 2.000.000e, - tiền bảo trì
cơ sở và nuôi sống các sinh hoạt quãng trên 1.000.000e… Dĩ nhiên, số tiền khẩn
trương Giáo Xứ phải có, để xúc tiến chương trình là ‘tiền mua’ và ‘tiền sửa’.
Nếu không được quý Gia Đình mau mắn góp giúp cho thì công việc không thể nào
tiến tới được. Vì thế Giáo Xứ rất ghi ơn những gia đình đã góp giúp và tha thết
xin quý Gia Đình khác mau mắn góp giúp. Thuê kiến trúc sư vẽ họa đồ tân trang
cơ sở mà trong quỹ không đủ tiền thì ‘thật là nhiêu khê !’… Xin Chúa thương
chúc lành cho công trình Nhà Chúa và cho mọi gia Đình thiện chí.
Kết thúc Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cả cộng đoàn đã cùng hợp cùng ca đoàn hát bài « Vui ngày trở về » của Thành Tâm :
‘‘Người đi trong đau thương sẽ về với vui cười.
Hòa tiếng tơ đàn hát rộn ràng câu nhớ thương.
Người gieo trong đau thương, gặt trong ngàn tiếng ca.
Lời ca đẹp ý thơ nhìn lúa mênh mông lòng tràn dâng mến thương ’’…..
Paris, ngày 15 tháng 11 năm 2015
Trần Văn Cảnh
Bài viết khác
Hình : Giáo Xứ Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lịch Trình Khoá Giáo Lý Hôn Nhân tại Giáo Xứ
Tiếng vọng … từ Thư viện Giáo xứ - Lê Quang Đại
Thư mời Ngày Tĩnh Tâm 07-09-2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Hình : Rước Kiệu và Thánh Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Hai Ngày Gặp Gỡ của Nhóm Gia Đình Louis-Zélie 6-7/07/2024
Hình : Hai ngày Kermesse 19-20/05/2024 của Giáo Xứ
Kết Quả xổ số Tombola ngày Thân Hữu Giáo xứ 19/05/2024
Hình : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Diễn Nguyện 14 Đàng Thánh Giá Và Thánh Lễ Lá - Chúa Nhật 24/03/2024 - Huy Quyên
Hình : Thánh Lễ Lá tại Giáo Xứ - Chúa nhật 24/03/2024 - Ngọc Huy
Vidéo : Hai bài Chia Sẻ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 với Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải - Chúa nhật 10/03/2024
Hình : Ngày Giáo Xứ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 - Chúa nhật 10/03/2024
Tết Cao Niên Cảm Tạ - Một Người Tham Dự
Vidéo & Hình : Tiệc Tết Cao Niên Giáp Thìn - Giáo Xứ Việt Nam Paris - 03/03/2024
Lịch trình Giáo Lý Hôn Nhân Năm 2024 - Ban Mục Vụ Hôn Nhân
Hình : Tiệc Tết Giáp Thìn Giáo Xứ Việt Nam Paris - 28/01/2024