Vào những năm người Pháp rút khỏi VN (1955-1956), số người Việt càng ngày càng tăng tại Marseille. Trong đó, có một Linh mục Pháp từ VN về Pháp đã đi thăm người VN không phân biệt tôn giáo.
Trong khung cảnh đó, khoảng 1960-1965, một Linh mục Pháp (Hội Xuân Bích) tên Courtois (tên VN Bùi Xuân Lịch) từ Vins sur Caramy thường xuyên đi thăm và dâng Lễ cho người Việt ở Toulon, Marseille, Avignon, Nime, Montpellier, với danh nghĩa Mission Catholique Vietnamienne, đã được Ủy Ban Ngoại Kiều Giáo phận công nhận. Đợt cuối cùng người Việt đến Marseille là người tị nạn 1975.
Vào khoảng 1965-1966, Cha Giuse Trương Quang Cảnh (Dòng Đa Minh), từ Tây Ban Nha, được một số người Việt vận động xin về Marseille, đảm nhận Phòng Tuyên Úy Việt kiều (Aumonerie Catholique des Vietnamiens de Marseille). Mỗi chiều chúa nhật Cha dâng Lễ tại nhà thờ Sant Victor. Từ đó, Cha Courtois rút lui khỏi Marseille. Từ 1966-1981, Cha Cảnh tận tụy cho người Việt. Nhưng trong những năm sau, Cha gặp khó khăn, vì sự bất hòa của cộng đồng người Việt, ngày càng phức tạp. Cha đã trình sự việc với Đức Cha Etchegaray, và âm thầm ra đi.
Tháng 07.1982, ĐC Etchagaray trao cho Cha Anton Nguyễn Văn Phải (Mỹ Tho) phụ trách cộng đoàn VN tại Marseille. Từ 1983-1985, hàng tuần Cha cử hành Thánh Lễ VN tổ chức tại nhà chung. Từ 1985, cộng đoàn Marseille sinh hoạt tại Giáo xứ Saint Défendent, có Thánh Lễ vào đầu tháng, với khoảng trên 100 người.
Ngoài Thánh Lễ, đa số sinh hoạt duy trì sống đạo, như : cầu nguyện theo nhóm Mân Côi, Phạt Tạ, các Đẳng Linh Hồn, thăm viếng... Về nhân sự, ngày càng yếu kém vì tuổi già và người trẻ đi làm xa. Tuy nhiên, có người tham gia vào Văn Phòng Hội Đồng Mục Vụ hoặc Ủy Ban Tân Tòng của Giáo phận.
Trước kia, cộng đoàn có giờ phát thanh từ 30 đến 45 phút trên đài của Giáo phận, có lớp Pháp Văn cho người tị nạn, lớp Việt Văn cho người Pháp, văn phòng tiếp đón người tị nạn. Hiện nay cộng đoàn chỉ có tờ ‘‘thông tin’’ vào Thánh Lễ, và lớp Tiếng Việt cho Thiếu Nhi.
Cộng đoàn Marseille là tổ chức thuần túy tôn giáo, sống đạo trong tinh thần tương thân tương ái, cởi mở đón tiếp mọi người, dựa trên Bác Ái Phúc Âm.