Đức Ông Mai Đức Vinh
Cơ Sở Giáo Xứ 30 Năm tại Boissonnade
(1968-1998)
15 rue Boissonade, 75014 Paris.
1. Công trình xây cất.
Giấy phép do sở thiết kế đô thành cấp số 66 34 3908, ngày 01.12.1966, để xây "một ngôi nhà tạm cho Giáo Xứ Việt Nam" (Batiment provisoire pour la Mission Vietnamienne). Phí tổn xây cất hoàn toàn do dòng Visitandines bỏ ra, Cha Trần Thanh Giản là người "quán xuyến kỹ thuật" cùng làm việc với kiến trúc sư Eugene Berhaut và hãng thầu xây cất Rouzaud Centre. Công trình xây cất hoàn thành vào năm 1968, và dòng Visitandines cho Giáo Xứ Việt Nam thuê với giá rẻ hơn giá chính thức (năm 1971 tiền thuê nhà là 15.000f, năm 1982, 36.000F, đến năm 1985, nhà dòng đòi trả 57.243F và kể từ đó mỗi năm tăng thêm 10% theo giá chính thức). Một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng, theo Cha Trần Thanh Giản cho biết : "Để cho mọi vận động cơ sở thêm hiệu lực, kể từ 1965, Cộng Đoàn Việt Nam vẫn giữ danh xưng tiếng pháp là "Mission Catholique Vietnamienne", nhưng đổi danh xưng tiếng việt thành "Giáo Xứ Việt Nam Paris", và viết trên tấm đá hoa đặt ở cửa ra vào nhà Boissonade. Thực ra ngay năm 1951, khi viết thư cho Đức Khâm Sứ John Dooley ở Hà Nội, cha Trần Thanh Giản đã muốn "đề cao Liên Đoàn như một giáo xứ Việt Nam ở Paris" (une sorte de Paroisse vietnamienne à Paris).
Ngôi nhà gồm ba lầu đổ xuống: lầu I, lầu II, và lầu III. Chiều dài của mỗi lầu là 18m50, chiều rộng là 8m90, do đó diện tích mỗi lầu là 165m2, và chiều cao của ngôi nhà là 12m50. Ngôi nhà được xây trên một mặt đất thấp hơn mặt đường phố 6m, nên cửa từ đường phố bước vào ngay lầu I, tức là tầng trệt (sánh với mặt đường), đi xuống lầu II tức tầng hầm một (sánh với mật đường) rồi xuống lầu III tức tầng hầm II (sánh với mặt đường). Có thể nói ngôi nhà ba lầu nằm gọn dưới một hủng đất trong vườn rộn mênh mông của dòng Visitandines.
2. Hai lần tân trang.
Lần thứ nhất 1978 : Sau 10 năm xử dụng, ngôi nhà tạm thời được xây với những vật liệu nhẹ đã xuống cấp, nhất là có nhiều điểm không đúng quy luật an ninh (normes de sécurité), nên ngay năm 1976 rồi 1978, sở Cảnh Sát An Ninh đã viết thơ yêu cầu phải sửa chữa, bằng không sẽ đóng cửa, Do đó tháng 12.1978, cha Samuel Trương Đình Hòe và các cộng sự viên đã vận động xin Toà Tổng Giám Mục giúp trùng tu lại, đặc biệt về bốn việc : Bắt lại các đường giây điện, mở rộng cửa ra vào và đặt thêm các "cửa chắn lửa", nới rộng nhà nguyện, sơn quét toàn bộ trong và ngoài. Phí tổn hết 327.900frs, toà Tổng Giám mục và nhà dòng Visitandines trả 2/3, Giáo Xứ trả 1/3, tức 109.000frs (8).
Lần thứ hai 1985 : Ban Giám Đốc và ban Thường Vụ dã tu sửa lại gian cung thánh cho sáng sủa, thay lại toàn bộ màn gấm đủ năm mầu xanh, trắng, vàng đỏ và tím, mua tại Hồng Kông; đặt hai tòa Trái Tim Chúa và tòa Đức Mẹ (do ông Nguyễn Tiến Đạt sáng chế). Tiếp năm sau (1996), chỉnh trang lại nhà bếp và mua bếp mới lớn và đặt ống thông khói lớn để tăng cường cho bữa cơm chủ nhật. Phí tổn hết 96.000Frs do các gia đình góp giúp.
3. Không thể nối dài hay mở rộng cơ sở Boissonade này.
Sau khi thất bại về dự án "cất cơ sở mới" (Projet de construction nouvelle) của năm 1981, ngày 10.07.82, tôi đệ lên Đức cha Pézéril dự án khác nhằm nối dài nhà này ra để nhà nguyện có thể dài thêm 75m2. Theo thơ phúc đáp của Đức Cha M. Coloni đề ngày 9.11.1982 và lần gặp bà Bề trên dòng Thăm Viếng ngày 03.03.1983, Tòa Giám Mục và nhà dòng đều ủng hộ dự án này với tư cách là chủ nhà và chủ đất. Nhà dòng xin kiến trúc sư của họ lập hồ sơ xin phép Tòa Đô Chính. Ngày 19.03.1983, tôi đệ đơn lên Tòa Chưởng Ấn chương trình vận động tài chánh cho dự án nối dài cơ sở (Plan de financement de l'opération). Nhưng theo thơ của bà Bề Trên đề ngày 09.03.83, thì sở Thiết Kế Đô Thị không cho phép. Lý do: Ngôi nhà này được phép xây cất năm 1967 chỉ với tính cách là nhà ở tạm thời (logement provisoire). Theo luật kiến thiết, một nhà xây cất tạm như vậy, chỉ có giá trị hiện hữu trog vòng 20 năm. Cơ sở của Giáo Xứ sẽ đúng 20 tuổi vào năm 1987. Do đó không có quyền mở rộng nối dài hay xây cao thêm nữa. Tôi muốn vận động để tìm một lối thoát, ngày 12. 04.83, tôi lên gặp cha Raymond, Chưởng Ấn tòa Tổng Giám Mục và ngài cho ý kiến "không nên vận động nối dài nhà Boissonade, vì như vậy là tạo dịp cho người ta lục lại những hồ sơ không có lợi cho mình". Ngày 19.05.83, tôi qua gặp bà Bề Trên và ngỏ ý xin được cất một một ngôi nhà nguyện tiền chế nằm khuất trên vạt đất sau nhà của sở vệ sinh. Ngày 21; 05.1983, bà biên thơ trả lời "không có hy vọng tiến tới dự án" (Il n"y a, hélas, aucun espoir d'aboutir de ce projet)
Hiện nay, tôi chưa nhìn ra một cách nào để vận động và làm một phương án mới hầu hy vọng mở rộng hay nối dài "cho nhà nguyện có thêm chỗ".
4. Mở rộng khuôn viên.
Ngôi nhà Boissonade được bao vây bởi một vòng tường ximăng, từ cửa vào, đầu nhà phía trái có khoảng trống hai mét và khoảng cách theo chiều dọc rộng một mét rưỡi, riêng đầu nhà phía tay phải là một khoảng đất rộng chừng 100m2. Mục đích cuả vòng tường xi măng là để không ai đi lang thang vào vườn rộng lớn của dòng Visitandines, một tu viện chiêm niệm. Trên khoảng đất lầy lội này, có hai cây dẻ lớn. Chính trên khoảng đất này cha Trần Thanh Giản và cha Đỗ Văn Y đã âm thầm chuẩn bị và dựng nên một nhà gỗ lập tôn làm kho chứa đồ, và sau ngăn thành "phòng" cho một vài người làm việc ở quán ăn xã hội tạm trú. Người ở lâu và có nhiều "chuyện cười ra nước mắt" là bà Nguyễn Thị Nuôi.
Vì lý do an ninh và vệ sinh, năm 1978 cơ quan An Ninh Cảnh Sát, Tòa Giám mục và nhà dòng Thăm Viếng đòi phải phá "barắc" đi và dọn sạch sân, đồng thời phải đưa bà Nguyễn Thị Nuôi vào trung tâm người già. Năm 1982, mọi sự đã hoàn thành. Trẻ em giáo lý có sân sinh hoạt
Sau đó, khuôn viên của cơ sở đã ghi dấu nhiều cố gắng tự lực tự cường của Cộng Đoàn chúng ta, mà đáng kể lả việc "mở rộng sân" và "dựng nhà giáo lý".
5. Mở rộng sân.
Năm 1984, trong lá thư "Góp Sức Mùa Chay", cha Giám Đốc nói lên những nhu cầu và mọi diễn tiến công việc như sau : "Thưa qúy Ông Bà và anh chị em, Sự hiện diện của giới trẻ trong Cộng
Đoàn mỗi ngày một đông. Đó là một niềm vui, một phấn khởi cho mọi người. Cũng vì thế, mọi người, cách riêng Ban Giám Đốc và Hội Đồng Mục Vụ, đều cố gắng theo sự có thể, đáp ứng các nhu cầu sống đạo của giới trẻ. Thêm vào đó, tổ chức của hai ngày Thân Hữu ngay tại Giáo Xứ là điều hợp lý, thuận tiện và đầy ý nghĩa. Nhưng ai cũng thấy nhà cửa chật chội, sân vườn hầu như không có. Cần phải tìm cách tận dụng cho hết các khoảnh đất trong khuôn viên giáo xứ...
Đó là lý do mà mùa hè 1984 Giáo Xứ đã hoàn thành một nhà kho , san bằng và đổ xi măng cái sân rộng hơn 100m2, sửa lại và lát đá lối đi sau nhà. Nhiều phụ huynh và nhiều bạn trẻ đã hăng say góp sức, góp công cho việc tu bổ này. Thay mặt Cộng Đoàn, tôi chân thành cám ơn mỗi người. Kết quả cụ thể của việc làm là trong nhà trật tự và an ninh hơn, có thêm phòng mở lớp pháp văn cho các bạn trẻ
Phí tổn của công trình này do giáo dân đóng góp, là 27.300,00frs.
6. Nhà Giáo Lý.
Năm 1993, Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ lại đệ đơn xin nhà dòng cho "làm lại nhà nhẹ hiện có trong sân". Qua năm 1994, ngày 15. 12, Ban Giám Đốc lại đệ đơn xin với nhà dòng Thăm Viếng, đính kèm mấy lời của cha Yves de Mallmann "
exprime par la présente l'avis favorable du Diocèse de Paris au projet de construction qu"envisage la Mission Vietnamienne
" (13.01.1997). Ngày 15.01.1995, nhà dòng trả lời "từ chối. Không nản, ngày 26.01.1995, cha Vinh sang trình bày trực tiếp với bà Bề Trên ... Nhờ ơn Thánh Giuse và lời yểm trợ của Đức Cha Claude Frikart và của cha Yves Mallmann, nhà dòng chấp nhận qua một tấm Carte viết ngày 19.03.05. Vui mừng, ngày 29.03.95 cha Vinh viết thơ cám ơn và nộp trình "họa đồ của nhà giáo lý" đã được kiến trúc sư Hương Lan hoàn thành từ tháng 2.1995. Công trình khởi sự vào tháng 7. 1995 : tyrước tiên là phá hoàn toàn các nếp nhà cũ...khởi sự lại từ việc đặt móng... Góp công, góp tiền là cả cộng đoàn... Phí tổ trọn gói là 230.000frs.
7. Ba trường hợp phải cám ơn :
Khi nói về vấn đề cơ sở của Giáo Xứ Việt Nam, cách riêng cơ sở Boissonade, chúng ta phải cám ơn cha Trần Thanh Giản. Ngài rất tận tụy và hoạt động khéo léo cho Cộng Đoàn Việt Nam có một cơ sở độc lập và lâu bền. Cha Giản đáng được nêu danh như lời của cha Đinh Văn Hưởng : " Nói về những vận động cho có cơ sở, không ai nhiều công hơn cha Giản". Tiếp đến là nhà dòng Thăm Viếng : "Tu viện Visitandines là ân nhân lớn của Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam" (DHY J.Marty). Trường hợp thứ ba là tu viện Capucins, 32 rue Boissonade, 75014 Paris : Kể từ sau 1975, nhà nguyện 15 Boissonade trở thành quá bé nhỏ, chen chúc tối đa chỉ được 200 người. Đến xem số ghế, cảnh sát đã cảnh cáo nhiều lần ...Vì thế từ 1980, Giáo Xứ được các cha Capucins cho muợn nhà dâng lễ 11g30 mỗi chủ nhật. (Xin đọc '60 năm GXVN Paris' t.2 tr. 1045-1060).