Đức Ông Mai Đức Vinh
Phải thật lòng công nhận : Tòa Tổng Giám Mục rất quan tâm đến việc tìm cơ sở hay nơi dâng lễ cho Cộng Đoàn Việt Nam. Nhất là sau 1975, số người Việt Nam tới Pháp mỗi ngày một đông. Chúng ta nêu lên vắn tắt những trường hợp cụ thể sau đây :
(1977) - Nhà thờ Sainte Genevièvre cũng gọi là nhà thờ Saint Étienne du Mont (sau diện Panthéon, Paris 75005).
Vào năm 1978, khi làn sóng tị nạn nổi lên và số người Việt tị nạn gia tăng tại Pháp, Đức hồng y F. Marty muốn cho Cộng Đoàn Việt Nam một ngôi nhà thờ khá lớn và giầu di tích lịch sử, nhất là có mộ thánh nữ Geneviève.. Nhưng không thành vì hai lý do : một số linh muc và giáo dân Pháp thuộc xứ đạo họp thành "ủy ban bảo vệ" (Comité de défense) và nhóm giáo dân thủ cựu (integristes) mới chiếm giữ nhà thờ Saint Nikolas gần đó đe sẽ chiếm luôn nhà thờ Saint Etienne du Mont nếu Tòa Tổng Giám Mục đem cho một cộng đoàn ngoại kiều. Cả hai nhóm đều vịn vào lý do : Đây là nhà thờ lịch sử của Paris, vì trong đó có mộ của thánh Geneviève (420-500), người đã bảo vệ thành phố khỏi bị quân Huns d'Attila chiếm đóng và được tôn là thánh Bảo Trợ thủ đô.
(1979) - Nhà thờ Marie Médiatrice (48bis Bd Serurier, Paris 75019) :
Nhà thờ này được xây do lời khấn của Đức Hồng Y Suhard "Xin Đức Mẹ Trung Gian Các Ơn" gìn giữ thủ đô khỏi bị chiếm đóng và tàn phá (1944). Công việc xây cất khởi sự năm 1951 và hoàn thành năm 1954, được thánh hiến bởi ĐHY Feltin. Nhà thờ được xử dụng như một thánh đường của họ đạo, khá sầm uất, cho tới 1974, vì mở đường vòng đai (périphérique) thành phố Paris, nhà thờ bị đóng cửa và bị bỏ hoang
Được giáo phận đề nghị, Ban Giám Đốc Giáo Xứ do cha Denis Lương Tấn Hoàng hướng dẫn đã ba lần thăm viếng, nhưng cuối cùng do dự và tòa Tổng Giám Mục cũng khuyên không nên lấy. Lý do về Giáo Xứ : nhà thờ sưởi bằng hệ thống điện, có tám phòng nhỏ đàng cuối nhà thờ, hoàn toàn nằm dưới đất, vừa ẩm thấp vừa không có cửa cho ánh sáng vào. Muốn trang bị lại phải tốn trên 1.000.000frs mà lúc đó Giáo Xứ không có tiền. Toà Giám mục, nhất là Đức Cha Pézéril và cha Frikart, rất ái ngại.
Về sau lại có tin chính phủ sẽ xây một nhà tù và một nhà thương nhi đồng kế cận, Vì thế Tòa Tổng Giám mục khuyên Giáo Xứ không nên nhận. Nhà thờ tiếp tục bỏ hoang cho tới năm 1984, nhân dịp đi hành hương Fatima, ĐHY J.M. Lustiger mới có ý nghĩ trao nhà thờ này cho cộng đoàn Bồ Đào Nha quán xuyến như một trung tâm dâng kính Đức Mẹ Fatima. Cộng đoàn Bồ dào nhà tiếp nhận năm 1988.
(1982) Nhà thờ Notre Dames des Malades, 15 rue Philippe Girard, Paris 75010.
Đây là một tu viện các nữ tu chuyên lo bệnh nhân. Các nữ tu giao nhà này lại cho giáo phận Paris, giáo phận giao cho giáo xứ Saint Joseph-Artisan quản lý. Giáo Xứ rất mừng, vì có một nhà thờ đẹp chứa được độ 400 người, có nhà xứ , nhiều phòng ốc, có thể chỉnh trang lại thành "cantine", lớp giáo lý.Để chuẩn bị ngày tiếp nhận cơ sở mới, Ban Giám Đốc lo gây quỹ khẩn cấp để có tài chánh lo việc trùng tu.
Cha Vinh lên xin Đức Cha Pézéril cho phép và kèm theo một lá thư kêu gọi giáo dân rộng tay góp qũy. Đứùc Cha chấp nhận và ngày 22.02.82, đã viết thư cho phép... Dựa vào lá thư của Đức Cha D. Pézéril, cha Mai Đức Vinh viết một lá thư dài gửi cho cả Cộng Đoàn, thư đề 15.03.1982 ... Đồng thời Giáo Xứ đã nhờ kiến trúc sư J.Boissau vẽ đồ án chỉnh trang cơ sở : một hệ thống ba hay bốn nhà vệ sinh, trang bị lại phòng khánh tiết, xây thêm cầu thang lên lầu ba, chuyển phòng ăn và gian bếp đi nơi khác, sơn quét lại tường nhà bên ngoài, đặc biệt mặt tiền nhà thờ
Nhưng buồn thay, bỗng nhiên một hôm lên thăm lại cơ sở, chúng tôi gặp các thầy dòng Mẹ Calcutta đã dọn đồ tới ở
Thì ra Tòa Giám mục hay đúng hơn Đức Hồng Y J.M. Lustiger đã đổi y, và không cho Cộng Đoàn Việt Nam nữa.
Lý do :
a) giá tiền chỉnh trang ngôi nhà lên tới 800.000frs (Giáo Xứ vẫn không có tiền),
b) giáo dân giáo xứ Saint Joseph-Artisan không muốn nhượng hoàn toàn cho Cộng Đoàn Việt Nam, họ muốn giữ làm nhà giáo lý và dâng lễ 10g mỗi chủ nhật.
(1987) Nhà thờ Saint Cyrille et Methode. 124 rue de Bagnolet, 7520 Paris.
Nằm trong giáo xứ Saint Germain de Charonne. Đây là một nhà thờ khá lớn không biết xây từ bao giờ, nhưng bị bom thời đệ nhị thế chiến và trùng tu lại quãng 1980. Khi trùng tu, người ta cắt nhà thờ thành hai tầng, tầng trên dâng lễ và tầng dưới làm thành một phòng khánh tiết đẹp và rộng lớn, dính vào chung quanh tầng dưới của nhà thờ là các phòng giáo lý rất tốt. Qua cha Menteur, Đức Hồng Y Lustiger đề nghị Giáo Xứ Việt Nam đến dâng lễ tại tầng trên của nhà thờ, còn tầng dưới và các phòng ốc thì xứ Saint Germain xử dụng hết. Giáo Xứ đến xem hai lần tiếp xúc với một linh mục giáo xứ Saint Germain, rồi bàn thảo với cha Menteur và khi ngài cho biết "Đức Hồng Y bảo "không cho hết, chỉ cho nhà tầng trên đểû dâng lễ thôi". " (on ne peut pas tout donner !), Giáo Xứ quyết định không nhận, vì "trong điều kiện như vậy là làm cho GXVN bị tê liệt và chết mòn. Ngày 10.12. 1987, một lá thư được ký tên bởi lm Joseph Mai Đức Vinh, Giám Đốc Giáo Xứ và ông Nguyễn Văn Hộ, chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ, đệ lên ĐHY qua trung gian cha Menteur : trước tiên cám ơn sự quan tâm ưu ái của ĐHY và Giáo phận Paris, thứ đến nói rõ những lý do 'không nhận hồng ân này'....
(1989) Nhà thờ Notre Dame des Blancs Manteaux (NDBM), 12 rue des Blancs Manteaux 75004 Paris.
Đây là một đề nghị riêng của Đức Hồng y J.M. Lustiger và ngài rất tha thiết thực hiện (Cha Menteur : "C'est une proposition personnelle du cardinal, il y tient beaucoup").
Vì thế, chưa bao giờ có nhiều cuộc trao đổi thân tình và nghiêm chỉnh giữa Tòa Tổng Giám Mục và Giáo Xứ Viêt Nam (GXVN) như trong thời gian ba tháng 6,7,8. 1989 này:
Thứ sáu, 30.6.89 ban sáng Đức Cha C. Frikart điện thoại cho cha Vinh, ban chiều Đức Cha A. Vingt-Trois;
sáng thứ bảy 01.07.89, Đức Cha A. Vingt-Trois đến gặp cha Vinh tại Giáo Xứ ;
Ngày 04.07.89, cha Vinh, cha Sách, Sơ Têrêsa và bà Nguyễn Đình Thái đi gặp cha Dieulafé, cha sở xứ NDBM;
Thứ tư, 05.07.89, cha Dieulafé đến thăm giáo xứ và cho biết "giáo dân cay đắng khi biết Cộng Đoàn VN sẽ về NDBM và ngài ngỏ ý Giáo Xứ VN cứ ở tại Boissonade là tốt";
Thứ sáu, 07.07.89, cha Vinh và cha sách đến gặp cha H. Vallet, hạt trưởng "trao đổi về việc xếp đặt lại giáo xứ NDBM"; thứ hai, 10.07.89, Đức Cha A. Vingt-Trois biên thơ cho biết: "Không có vấn đề giải tán giáo xứ NDBM, Đức Hồng Y muốn bổ nhiệm cha Vinh làm cha sở vừa Cộng Đoàn Việt Nam, vừa Giáo Xứ NDBM, điều hành một lúc hai Hội Đồng Mục vụ Pháp và Việt, và sẽ bổ nhiệm một linh mục Pháp làm việc trong "ban giám đốc. Và như vậy, không có chuyện giải tán họ đạo Pháp
";
Ngày thứ năm, 18.07.89, cha Vinh và cha Sách được mời lên hội ý với Đức Cha George Soubrier và Đức ông Menteur.
Thứ ba, 25. 07. 89, cha Vinh biên thơ cho Đức Cha Vingt-Trois trình bày :
1) Sau những lần trao đổi với cha sở Dieulefe và cha quản hạt H. Vallet, thì con thấy đề nghị của Đức Hồng Y J.M. Lustiger xem ra "tuyệt hảo" cho Giáo Xứ Việt Nam.
2) Nhưng theo thư của Đúc Cha đề ngày 10.07.89 và cuộc trao đổi với Đức Cha G. Soubrier và Đức ông Menteur, thì "đề nghị về xứ NDBM xem ra quá khó khăn và phức tạp.
3) Vì thế, sau khi tham khảo với một vài linh mục Pháp và một vài linh mục Việt Nam đã có kinh nghiệm làm việc trong xứ đạo Pháp, tất cả đều khuyên con không nên nhận "đề nghị về xứ NDBM.
4) Và bản thân con, con nhận thấy những bất lợi sau đây :
a) Căn tính của Giáo Xứ VN (L'identité de la Mission): ở lại Boissonade, Giáo Xứ VN là giáo xứ độc lập, về NDBM Giáo Xứ VN bị lệ thuộc vào họ đạo Pháp (cả khi con được bổ nhiệm là cha sở).
b) Công việc mục vụ của con : ở Boissonade công việc đã quá nặng, về NDBM công việc mục vụ sẽ gấp đôi (cho dù có thêm một linh mục Pháp).
c) Nhà thờ : ở Boissonade thật sự không đủ chỗ cho giáo dân, ở NDBM thật sự có nhiều chỗ, nhưng có nhiều vấn đề tế nhị và phiền hà, như tổ chức giờ lễ, đàn Orgues và những người chơi đàn, những bức tranh lớn của Viện bảo tàng Louvre. ;
d) Cơ sở nhà xứ và hầm nhà thờ không đủ chỗ sinh hoạt cho hai cộng đoàn Pháp-Việt; hầu hết các phòng của nhà xứ, nhất là hầm nhà thờ cần phải chỉnh trang lại; làm sao lấy lại được những phòng mà cộng đoàn nữ tu Madona Haus và gia đình người gác cổng đang ở.
5) Ngân sách chi tiêu tại NDBM xem ra rất nặng, nhất là tiền sưởi, tiền thù lao cho những người đến chơi đàn, và tiền trả cho người làm việc.
6) Những giả thiết có thể xẩy ra (Les hypothèses possibles) : Sớm muộn có thể xẩy ra những đụng độ (conflits) giữa hai cộng đoàn Việt-Pháp hay ngay trong ban giám đốc Việt Pháp. Lúc đó, cộng đồng Pháp sẽ ở lại xứ của họ, còn cộng đoàn Việt Nam biết đi đâu. Bầu khí Hiện Xuống mà cha Menteur nhấn mạnh thật lý tưởng, nhưng con thấy không thực hiện được với những vấn đề thực tế như vậy. "
Thứ năm, 27.07.89, Đức ông Menteur viết thơ cho cha Vinh nhắc lại "đây là dự án của chính Đức Hồng Y, ngài rất tha thiết với dự án đó. Vì thế, trước khi có một quyết định dứt khoát, ngài muốn gặp cha vào đầu tháng chín " (le projet est un projet personnel du cardinal. Il y tient beaucoup. Pour cette raison, avant une décision définitive, il désire vous rencontrer au début septembre) ;
Thứ bảy 26.08.89, Đức Cha A. Vingt-Trois điện thoại cho cha Vinh nói lại ước nguyện của Đức Hồng Y. cùng ngày cha Vinh biên thơ cho Đức ông Menteur xin ngài lấy hẹn với Đức Hồng Y vào quãng 11-22.09.89. Nhưng vì bận công việc, Đức Hồng Y cho hẹn vào ngày thứ bảy, 07.10.89, lúc 11g00. Hôm đó cha Sách, chị Têrêsa và cha Vinh lên gặp Đức Hồng Y, trình bày lại mọi diễn tiến và mọi suy nghĩ về đề nghị của Ngài cho GXVN
Lúc đầu ngài tỏ vẻ buồn
nhưng sau cùng, ngài nói chuyện thân mật, cùng đọc ba Kinh Kính Mừng và ngài bảo : "Hiện giờ tôi không nhìn ra giải pháp nào tốt hơn cho GXVN, nhưng tôi sẽ cố có một sáng kiến khác
".
(1995) Nhà thờ Saint Marcel, 82 Bd de l'Hôpital, 75013 Paris :
Đức ông Yves Malmann đề nghị Giáo Xứ vừa giữ cơ sở Boissonade làm nơi sinh hoạt, nhưng mỗi chủ nhật thì đến dâng lễ tại nhà thờ xứ Saint-Marcel. Ban Giám Đốc không chấp nhận đề nghị này, vì : Một khi giáo dân đến xứ Saint-Marcel dâng lễ rồi, họ sẽ không trở về Boissonade để sinh hoạt nữa, mà sẽ xuống metro về thẳng nhà. Như vậy, Giáo Xứ VN sẽ chết dần
Điều thực tế khác, là giáo dân Việt Nam từ xa tới, cần "nhà vệ sinh", mà tại xứ Saint Marcel chỉ có một nhà
và còn nhiều bất lợi khác cho sinh hoạt mục vụ của Giáo Xứ VN. Vì thế đề nghị này không thành
(Xin đọc thêm trong cuốn 60 năm GXVN Paris t.2, tr. 1060-1069).