Chuyện làm báo
C |
ách đây khoảng 6 tháng, trong thời gian cách ly vì dịch bệnh Covid-19, thầy
phó tế Giang Minh Đức có nhờ tôi tham gia viết bài cho báo Giáo Xứ. Lúc đó, tôi
đã từ chối vì tôi nghĩ là mình không có nhiều thời giờ, với lại tôi còn ngại 3 điều :
thứ nhất, « biết viết gì bây giờ ? » ; thứ hai, « liệu
mình viết có khách quan hay không ? » ; thứ ba, « điều mình
viết có đúng hay không ? ». Nhưng khi tôi đi sinh hoạt trở lại vào đầu
tháng 9, thì được biết là có một số người làm việc cho báo Giáo Xứ về hưu. Nghĩ
là báo Giáo Xứ đang thiếu người nên tôi đã đồng ý tham gia viết bài cho tờ báo
của chúng ta.
Thật ra, « biết viết gì bây giờ ? » cũng
không hẵn là một vấn đề khó khăn lắm. Lúc nhận lời viết bài cho báo Giáo Xứ,
tôi bỗng có ý nghĩ : « Lần đầu tiên mình viết báo, vậy tại sao mình
không viết về chuyện làm báo nhĩ ? ». Nhiều khi chỉ cần có một ý tưởng
nào đó thoáng qua trong đầu là ta có thể tìm được một đề tài rồi. Vào thời đại
internet này, nếu các bạn lên mạng thì các bạn có thể thấy đủ mọi chuyện
« trên trời dưới đất » được đăng tải dưới nhiều hình thức khác nhau :
blog, vidéo, … Cách đây khoảng 1 năm, trong lúc đang xem kênh Youtube, tôi bỗng phát hiện một loạt
vidéo rất thú vị của một cô gái trẻ Việt Nam. Cô ta nói về đủ thứ chuyện của cuộc
sống với một suy nghĩ khá sâu sắc và một kiến thức rất đáng nể. Cô ta tự giới
thiệu là một « nhà sáng tạo nội dung ». Đó là lần đầu tiên tôi được
nghe nói về một ngành nghề có cái tên kỳ quái như vậy. Thấy các vidéo này hay
và cũng tò mò muốn biết thêm về cô gái này, tôi đã xem khá nhiều. Và tôi được
biết rằng cô là con gái một gia đình khá giả ở Hà Nội nhưng muốn sống tự lập.
Cô ta đã đi du học 4 năm ở Anh và trong thời gian này, cô đã đi làm nhiều việc
vặt vãnh để kiếm thêm tiền giống như bất cứ sinh viên nào ở Tây phương. Trở về
Việt Nam với những kiến thức và nhận thức mới mẻ, cô ta vào Sài-Gòn sống và trở
thành một « nhà sáng tạo nội dung » (créateur de contenu).
Thế là vấn đề « tìm đề
tài » coi như đã giải quyết xong. Bây giờ, tôi xin nói qua về vấn đề « khách
quan » trong việc viết báo. Nếu các bạn đang theo học ngành báo chí, hẵn ở
trường, người ta sẽ dạy bạn là phải viết « nhanh, rõ ràng, khách quan,
chính xác, đầy đủ, gọn ». Khi bạn xem các chương trình thời sự trên truyền
hình, các bạn sẽ thấy là người dẫn chương trình thường dùng những câu rất ngắn
nhưng rõ ràng và đầy đủ ý nghĩa. Phải nói ngắn gọn bởi vì thời gian của chương
trình có hạn. Nhưng điều quan trọng hơn là phải nói một cách khách quan, có sao
nói vậy, không được thêm bớt. Nếu cần phải đưa ra nhận định về một sự kiện nào
đó, cách mà các đài truyền hình thường sử dụng là hỏi ý kiến của nhiều đối tượng
khác nhau trong quần chúng hay các khách mời.
Trong bài này, tôi không
muốn bàn đến « Chủ quan là gì ? Khách quan là gì ? » vì hai
khái niệm này có tính chất triết học rất sâu xa, liên quan đến những khái niệm
cũng chẳng dễ hiểu hơn chút nào như ý thức, tác nhân, nhân vị, thực tế, và sự
thật. Vốn liếng triết học của tôi chỉ vỏn vẹn có môn « Triết học
Mác-Lênin » mà tôi đã được học thời còn là sinh viên ở Việt Nam. Mặc dù tôi
học môn này khá giỏi (lúc thi tôi được điểm 7/10), nhưng tôi chỉ nhớ đến các cụm
từ như « thực tế khách quan », « sự tồn tại khách quan của vật
chất » chứ không hề nghe một lời giải thích rõ ràng nào về bản thân khái
niệm « khách quan » cả. Vậy tôi, cũng như các bạn, cứ hiểu « chủ
quan » và « khách quan » theo như cách chúng ta vẫn thường sử dụng
hai từ khá phổ biến này trong cuộc sống hằng ngày nhé. Vấn đề mà chúng ta quan
tâm ở đây là « Tại sao người làm báo phải có một thái độ khách
quan ? ».
Khi chúng ta viết một bài
báo là để cho nhiều người đọc. Mỗi người đọc sẽ có những nhận thức khác nhau về
điều chúng ta viết. Đó là vì mọi sự nhận thức, quan sát hay đánh giá về mọi sự
vật sự việc đều có tính tương đối. Nếu có bạn nào đã đọc thuyết tương đối của
Einstein, chắc hẵn các bạn đều biết câu chuyện sau đây (mà tôi xin mạn phép
phóng tác lại để có thêm chút thi vị). Có một người chồng trẻ, tên Jean, đáp
tàu lửa trở về sau một chuyến công tác ở xa nhà. Vợ anh, tên Jane, đứng đợi chồng
trên bến. Tàu tiến vào bến với một tốc độ đều. Lúc toa tàu của Jean chạy ngang chỗ
Jane đang đứng, Jean lấy hành lý xuống và vì quá vui mừng sắp được gặp lại vợ
mình, anh sơ ý làm rơi món quà mà anh đã mua cho nàng. Chúng ta hãy theo dõi đoạn
đối thoại sau đây khi hai người gặp lại nhau trên bến :
-
Jane :
Anh có mệt lắm không ? Em thấy anh không được vui.
-
Jean :
Anh không mệt. Nhưng anh không vui vì lúc lấy hành lý, anh đã làm rơi món quà
mà anh mua để tặng em.
-
Jane :
À, lúc nãy em có thấy anh quăng một vật gì đó. Nó là quà của em sao ?
-
Jean :
Anh không có quăng. Anh chỉ lỡ tay. Nó rơi thẳng đứng xuống ngay chân anh và đã
vỡ tan rồi.
-
Jane :
Không phải vậy. Rõ ràng là anh đã quăng nó vì em thấy nó bay theo một đường
parabole. Anh không còn yêu em nữa, phải không ?
Trong câu chuyện này, sự rơi của món quà là một sự kiện khách quan, nhưng
những nhận định của hai vợ chồng là những nhận định chủ quan. Mặc dù họ rất yêu
nhau nhưng tính chủ quan đã dẫn đến việc họ cãi nhau. Nếu họ có cái nhìn khách
quan và có hiểu biết về thuyết tương đối thì câu chuyện sẽ diễn ra một cách
khác :
-
Jane :
Anh có mệt lắm không ? Em thấy anh không được vui.
-
Jean :
Anh không mệt. Nhưng anh không vui vì lúc lấy hành lý, anh đã lỡ tay làm rơi
món quà mà anh mua để tặng em. Nó rơi thẳng đứng xuống ngay chân anh và đã vỡ
tan rồi.
-
Jane :
Uổng thật. Nhưng không sao đâu anh.
-
Jean :
Em không giận anh sao ? Em không nghĩ là anh cố ý quăng món quà đó vì chắc
hẵn em thấy nó bay theo một đường parabole sao ?
-
Jane :
Quả là em có thấy như vậy, nhưng đó là vì em nhìn một sự kiện xảy ra trong hệ
qui chiếu của anh từ hệ qui chiếu của em. Nếu sự kiện đó xảy ra trong hệ qui
chiếu của em thì em sẽ thấy giống như anh thôi bởi vì theo thuyết tương đối,
không có một thí nghiệm nào cho phép chúng ta biết được là chúng ta đang ở
trong một hệ qui chiếu đứng yên hay trong một hệ qui chiếu chuyển động thẳng đều.
-
Jean :
Em đáng yêu quá ! Lần đi công tác sau, anh sẽ mua cho em một món quà quí giá hơn và anh sẽ cẩn
thận hơn.
Như vậy, muốn có được sự khách quan thì chúng ta phải có thiện chí
« nhìn sự vật sự việc bằng con mắt của người khác ». Muốn làm được
điều đó, trong nhiều trường hợp, chúng ta phải cần có một số kiến thức nhất định.
« Hiểu sâu, biết rộng » cũng là một tố chất cần thiết của người làm
báo.
Bây giờ, giả sử rằng chúng
ta viết một bài báo một cách khách quan nhất có thể. Nhưng liệu điều đó có đảm
bảo là những điều chúng ta viết là đúng hay sai ? Chúng ta vẫn thường nghe
câu « nhà báo nói láo ăn tiền » từ trước năm 1975. Thời đó, ở miền
nam Việt Nam, có khoảng 40 tờ nhật báo. Với một số lượng tờ báo khá lớn ra mỗi
ngày như vậy, tất phải có cạnh tranh. Dẫn đến hiện tượng là phải viết bài theo
thị hiếu của quần chúng thì báo mới bán chạy. Tôi nhớ thời đó, ba tôi có đặt
mua dài hạn một tờ nhật báo trong đó có một mục mà tôi rất thích đọc. Đó là
truyện « chưởng ». Nhưng chỉ đọc khoảng 5 phút là đã hết sạch rồi. Phải
đợi đến ngày hôm sau mới được đọc tiếp. Thế là tòa soạn báo kiếm được bộn tiền
vì ngày nào người ta cũng phải mua báo thì mới có thể đọc tiếp được chuyện mình
thích. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy còn có một người cũng kiếm được nhiều tiền
qua kiểu ấy. Chẳng ai khác, chính là tác giả của truyện « chưởng »
đó. Ông ta cũng phải viết mỗi ngày vì ngày nào không viết thì không có tiền nhuận
bút. Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi thấy các truyện kiếm hiệp, truyện nào
cũng dài lê thê. Và phần đông các truyện này có những đoạn kết khá tệ. Lý do là
sau nhiều năm tháng « câu giờ » (và « câu tiền »), tác giả
đã đuối rồi. Vì thế, tôi không nghĩ là nhà báo « nói láo », họ chỉ
« nói dai » thôi. « Nói dai » mới « ăn tiền ». Chuyện gì mà mọi người quan tâm thì cứ nói
hoài, nói đến khi nào họ chán thì thôi. Trong thời gian cách ly vì dịch bệnh
Covid-19, các đài truyền hình ở Pháp ngày nào cũng đưa tin về dịch bệnh này. Có
rất nhiều điều được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Riết rồi dân Pháp cũng chán.
« Biết rồi, khổ lắm, nói mãi ! ».
Trở lại chuyện đúng sai
khi viết báo. Nếu tôi hỏi bạn thế nào là đúng, thế nào là sai thì bạn sẽ nhận
ra rằng câu hỏi này không dễ dàng trả lời chút nào. Lại đụng một khái niệm triết
học nữa rồi. Sau một thời gian suy nghĩ, có thể bạn sẽ nói với tôi là : điều
đúng là điều được đại đa số người đồng ý, điều sai là điều mà đại đa số người
không đồng ý. Hóa ra, đúng sai chỉ là một thỏa ước của con người với nhau thôi.
Nghĩ cho cùng, đó là cách vận hành của xã hội. Khi có nhiều người sống chung với
nhau trong cùng một môi trường thì họ phải thỏa thuận với nhau những điều gì
nên làm và những điều gì không nên làm thì khi đó xã hội mới có trật tự được.
Nhưng nếu bạn suy nghĩ thêm chút nữa, bạn sẽ nhận ra rằng việc con người tự quyết
định điều gì đúng, điều gì sai là xuất phát từ tội tổ tông. Ngày xưa, Adam và
Eva, vì có tính kiêu ngạo, muốn biết điều gì đúng, điều gì sai nên đã nghe lời
dụ dỗ của Satan ăn trái của « cây biết điều thiện, điều ác » mà Thiên
Chúa đã cấm. Kể từ đó, con người mắc phải tội chết. Chết mà vẫn không biết được
« sự thật » là gì bởi vì đó chỉ là « bánh vẻ » của Satan mà
thôi.
Nhà báo người Đức Udo Ulfkotte có nói : « Sẽ
không có sự thật tuyệt đối, sẽ có những vụ việc đến vài chục năm sau mới được
giải mật. Vậy người tiêu dùng thông minh trong thời đại bùng nổ thông tin cần
có bộ lọc thông tin của mình để bớt hoang mang giữa các dòng chảy khác
nhau. ». Bởi vậy, nếu có bạn nào muốn viết bài cho báo Giáo Xứ, thì bạn cứ
mạnh dạn, đừng e ngại. Sẽ có những người đồng ý với bạn, nhưng chắc chắn cũng sẽ
có những người không đồng ý với bạn. Còn điều bạn viết là đúng hay sai thì chỉ
có Chúa mới biết mà thôi.
Quang-Đại
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang