Vũ Hạ :
Chuyện Đọc Sách
Nhóm Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam – Paris cùng vài thân hữu.
Theo các thống kê được báo chí trong nước đăng tải hiện nay thì tính ra từ đầu năm đến cuối tháng 11/2015 đồng bào ta trong nước đã chi khoảng 63 nghìn tỉ đồng cho bia rượu trong khi chỉ bỏ ra khoảng 2 nghìn tỉ đồng để… mua sách, tức là chênh lệch gấp hơn 30 lần. Một hiện trạng đáng buồn !Con số hơn 3 tỉ lít bia tiêu thụ năm vừa qua tăng đáng kể: 6,8% so với cùng kì năm trước. Bảng vàng ghi danh thành tích đáng ngại là dân ta đoạt giải quán quân Đông Nam Á, và nếu tính toàn cõi châu Á thì chỉ "bị" hai dân tộc lảo đảo qua mặt là Nhật Bản và Trung Hoa –có lẽ vì họ có những mùa đông băng giá cần sưởi ấm – trung bình mỗi người Việt Nam nốc 32 lít bia trong năm.
Chưa hết, Hiệp Hội Bia Rượu Việt Nam còn "hồ hởi phấn khởi" với viễn kiến – qua lời ông Dương Đình Giám, viện trưởng Viện Chiến Lược và Chính Sách Công Nghiệp thuộc Bộ Công Thương – rằng chỉ tiêu phải đạt vào năm 2020, tức không còn bao lâu nữa đâu, là 4 tỉ rưỡi lít, tăng hơn 1 tỉ lít so với hiện nay. Đương nhiên, để đạt chỉ tiêu thì phẩm chất cần phải "nồng" hơn, những quán nhậu phải "hoành tráng" hơn, các tiếp viên phải "cởi mở" hơn… ; đó là chưa nói quảng cáo phải rầm rộ "vì dân vì nước và nhất là vì đảng" hơn, bởi tuy số dzách về tiêu thụ nhưng nước ta lại lẹt đẹt đứng hạng thứ 8 về thu nhập tức sản xuất bia vùng Đông Nam Á. Nghịch lí nầy cần phải "khắc phục" cấp tốc trước khi cả bọn lăn ra ngủ ! Thế nào rồi điệp khúc "ta về ta… uống ao ta" cũng sẽ ra rả ngày đêm trên các "phương tiện" truyền thanh truyền hình cũng như loa gắn cột đèn trên mọi phố phường thời bao cấp chưa xa.
Xin nhắc lại, trong khi tổng doanh thu của sách năm vừa qua – theo Cục Xuất Bản, In Và Phát Hành thuộc Bộ Thông Tin & Truyền Thông – chỉ trên dưới 2 nghìn tỉ đồng, với số lượng xuất bản gồm 270 triệu ấn bản của 24 nghìn tựa sách, không kể hơn 22 triệu ấn bản thuộc 375 loại văn hóa phẩm khác.
2 nghìn tỉ đồng quả là con số quá mức khiêm tốn đến tội nghiệp. Tính ra bình quân mỗi người đọc khoảng 0,8 quyển sách một năm (!)
Để lí giải thảm trạng nầy, có người sẽ nghĩ : có thể vì giá sách cao quá chăng (nên với không tới) ?
Thế nầy, nếu vì sách đắt quá nên tiêu thụ ít thì hẳn bia phải rẻ lắm nên tiêu thụ nhiều, và tỉ số doanh thu lại chênh lệch đến hơn gấp 30 lần thì vị chi phải uống nhiều, nhiều lắm ! Kiểu "uống ngày chưa đủ tranh thủ uống đêm", uống cho cạn tàu ráo máng !
Lại có người sẽ bảo : thời nay độc giả trèo lên mạng Internet tha hồ đọc không mất một xu chứ uống bia đâu có miễn phí.
Đúng (một phần). May là không có chuyện uống miễn phí, chứ nếu có thì đừng hòng thu 2 nghìn tỉ đồng bán sách nhé !
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Công Ty Sách Thái Hà khẳng định : « Với tư cách thành viên ban chấp hành trung ương Hội Xuất Bản Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ các nhà xuất bản và kết nối tác giả dịch giả với bạn đọc, tôi phải nói sách Việt Nam hiện nay là không đắt. Một cuốn sách có vài chục ngàn, đắt lắm thì hơn trăm ngàn, nhưng nói chung là chỉ khoảng vài chục ngàn một cuốn ; rõ ràng không đắt so với mức lương vài triệu một tháng, còn lương cao là vài chục triệu chứ không phải vài triệu một tháng. » Ông Nguyễn Mạnh Hùng còn quả quyết rằng chi phí một buổi nhậu có thể mua được cả chục quyển sách !
Nhưng bà Tuyết, chủ nhân tiệm sách Hồng Đức ở Huế cho hay : « Có dịp mà sách cũ xả ra thì sinh viên bu đông, giảm 50 % hay 70 % thì học sinh ào vô mua nhiều lắm, chứng tỏ họ rất muốn mua sách nhưng mà giá sách rất là cao. Ví dụ một cuốn sách trăm nghìn mà giảm giá còn ba mươi nghìn thôi thì họ mua rất nhiều, tức nhiên họ vẫn ham muốn đọc sách nhưng họ không có tiền. »
Ra, chỉ học sinh, người nghèo mới ham đọc sách ; còn quan lại, người giàu thì siêng uống bia. Nếu mà đọc sách cứ nghèo mãi thì cũng nên bỏ đi uống bia quách, cho chóng giàu, nhỉ !
Ông Nam, một doanh nhân chuyên phân phối bia Miền Trung, nhận định : « Nếu có dịp vào miền Tây Nam Bộ hay Sài Gòn thì thấy những vùng mặc dù rất nghèo khổ thế nhưng quán bia quán rượu thì rất hoành tráng và số lượng người uống hằng ngày cực lớn… »
Thế mới biết : đọc sách hay nhậu nhẹt thuộc vấn đề "văn hoá", chứ không vì loại nầy đắt hay món kia rẻ. Người Nhật, như đã thưa chuyện, dẫn đầu châu Á về số lượng bia tiêu thụ. Thế nhưng, đồng thời cũng là một trong những dân tộc đọc sách nhiều (tính cả truyện tranh manga) và dẫn đầu thế giới về lượng độc giả nhật báo. Để so sánh, ngay người Pháp cũng đọc 2 quyển rưỡi một năm mỗi người ; mà người Pháp cũng có đầy đủ trang thiết bị như người Việt nếu không muốn nói là hơn để lùng chữ trên mạng Internet "đọc chùa".
Hay là đọc ít vì thời đại tân kì, mất thì giờ cho chuyện khác, như biện dẫn của nhà thơ kiêm dịch giả Hoàng Hưng, cư ngụ tại Hà Nội : « Tôi cũng là người in sách, dịch sách ; in sách ra chủ yếu chỉ là tặng hay biếu chứ không hy vọng người ta mua sách của mình. Các phương tiện nghe-nhìn hấp dẫn người ta hơn thói quen đọc sách. » Điều nầy không sai, nhưng giải thích làm sao khi những quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật… thì lượng độc giả không giảm mấy ?
Vả, nên nhớ đọc sách không chỉ để giải trí mà còn là để tiếp nhận tri thức.
Đồng ý rằng những năm sau nầy có nhiều người "đọc sách" qua mạng Internet, nhất là những người trẻ tuổi chào đời với máy bảng cầm tay. Để xem họ – không riêng gì giới trẻ – đọc gì trên mạng nhé :
Google vừa công bố 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam trong năm vừa qua thì dẫn đầu là 2 ca khúc "Vợ Người Ta" và "Không Phải Dạng Vừa Đâu", sau đó là bộ phim sướt mướt "Cô Dâu 8 Tuổi"… (!) ; trong khi người dân Tân Gia Ba lưu ý về mức độ ô nhiễm không khí, người Nhật lo lắng về tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (Daesh), người Nam Hàn tìm hiểu về hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers)…
Đúng là dân ta chưa quan tâm lắm với các vấn đề như Biển Đông, Hiệp Định Hợp Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP)…, nhưng xin cũng đừng quá bi quan vì so sánh các thống kê hằng năm thì dân ta "chỉ" đứng hạng 8 trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới năm 2014 về tìm hiểu "thông tin" với từ khoá "sex".
Thế mà không bi quan à ?!!
Lí do khiến lạc quan vì năm 2009 thì dân ta đứng đầu thế giới ạ !
Và năm vừa qua lại đâm ra quan tâm đến… "Vợ Người Ta", thế là tình hình có đôi chút khả quan đấy chứ.
Trở lại vấn đề sách in trên giấy, giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, viện trưởng Viện Thông Tin, Khoa Học Và Xã Hội tại Hà Nội, phàn nàn : « … Sách vở 10 cuốn thì 9 cuốn vất đi, nhiều sách cũng chẳng cần phải đọc vì đọc vào càng dốt đi thì đọc làm gì. »
Có thể tạm kết luận rằng sách vở xuất bản trong nước những năm sau nầy kém phẩm chất, chẳng những vô bổ mà còn thuộc loại đồi truỵ hơn cả "sách vở đồi truỵ của Mỹ-Nguỵ" để lại và bị đốt đi trước khi… tái bản (và có sửa đổi không cần hỏi ý tác giả) – 2 nghìn tỉ đồng chắc phần nhiều thu được từ các sách nầy.
Nhưng. Lại Nhưng. Chuyện kể rằng : Giáo Xứ Việt Nam – Paris thành lập thư viện đã 25 năm (1/4 thế kỉ), mấy hôm nay đã bước vào năm thứ 26 rồi. Giáo xứ nhỏ bé nên phòng thư viện làm sao to, lại còn chứa đến gần 10 nghìn tựa sách, đủ loại : truyện ngắn, truyện dài, tùy bút có, kí sự cũng có ; thêm sách dịch như tiểu thuyết, kiếm hiệp, sách dạy làm người ; rồi khoa học kĩ thuật, lịch sử, hồi kí ; nhân văn thiên văn đủ cả ; tự điển cũng có đến vài mươi bộ ; các tác giả kim cổ quây quần, ca dao kề vai thơ mới, truyện khôi hài sát cánh với thuật viết văn… Gần 10 nghìn tựa sách chứ phải ít đâu, đọc không dừng mà đọc đến hết cả đời cũng chưa vơi nữa là.
Nhóm Thư Viện, 15 người, là những người chuyên nhiệm quản lí cái thư viện ấy với những công đoạn sau :
– thu thập sách từ các nơi : tác giả gửi đến là mau mắn nhận và không quên gửi lời cảm ơn, ai vừa có người thân qua đời để lại ê hề sách mà không biết làm gì thì báo cho để phân nhiệm (cùng nhau) mang xe đến chở, xa mấy cũng quyết đến mà khuân về ;
– tiếp theo là phần kiểm điểm xem sách nào có rồi, quyển nào chưa. Những sách đã có thì lại xem quyển có sẵn và quyển mới mang về thì quyển nào xuất bản lâu đời hơn, còn đủ các trang và ít tơi tả hơn để giữ lại ;
– sau đó đến phân loại theo đề mục, ghi mã số vào mục lục trong máy vi tính ;
– đặt vào kệ sách đúng nơi phân định và nhân tiện phủi bụi những quyển sách cạnh bên ;
– chia phiên gác trực thư viện hai ngày cuối tuần với lời nhắn nhủ nhau : nụ cười trên môi như hoa giữa mùa xuân nhé ! Không quên hướng dẫn và tìm từ khoá vì lắm khi độc giả nhớ nhầm tựa, rồi có lúc trèo thang lên tuốt trên cao mang quyển sách xuống, không phải, lại trèo lên (lên) trèo lên…
Như đã thưa, phòng thư viện bé tí nhưng ngập sách – tuy đã ra công dựng cái gác lửng chứa đầy tự điển, loại ít người chịu đọc – mà giữa phòng vẫn phải có cái bàn to sắp ghế chung quanh cho những ai muốn ghé mắt ghé chân chứ. Vậy nhưng, mỗi thứ bảy, phòng thư viện lại bị các ban Giáo Lí, Việt Ngữ trưng dụng để dạy học, nên quý độc giả nào muốn mượn hay trả sách đều phải đợi giờ giữa hai khoá lớp để xông vào chụp giật (khoảng 5 phút). Chúa nhật, ngoại trừ giờ lễ vì nhân viên trực cũng phải dự thánh lễ như các giáo hữu khác thôi, chứ những giờ khác thì tha hồ, giữ chỗ bao lâu cũng được, muốn nằm dài ra trên bàn ngáy pho pho cũng chẳng phiền ai, vì…
Vâng, bao nhiêu là công khó, tốn kém điện nước thế mà số độc giả hiện nay là trên dưới… 30 người (!) Xin nhắc lại, thành viên Nhóm Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam – Paris gồm… 15 người.
Cái nhóm nhỏ ấy e ngại rằng năm tới đây số độc giả dám thản nhiên tuột xuống dưới con số ngưỡng là 15, tức ít hơn cả những người ra công chăm sóc bảo quản thư viện. Câu hỏi được đặt ra là : có nên giữ giá biểu niên liễm 13€ không ? Đảo nghi vấn, rằng : có phải vì niên liễm cao quá nên số độc giả tuột dốc không phanh ? Hãy để mọi người tranh cãi và đưa ra đáp số thoả đáng…
Hiện tại, các anh các chị gác trực thư viện cho hay : mỗi ngày có độ… 1 người đến mượn sách đọc, có hôm không.
Tuy tình thế thập phần nguy ngập là vậy mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam – Paris vẫn kiên trì xuất bản sách, cho năm 2015 vừa qua đã trình làng đến những 8 tựa sách. Chì !
Cụ Tản Đà đã từng ta thán : ôi, "văn chương hạ giới rẻ như bèo !"
Làm sao mà rẻ "như" bèo được. Cụ lạc quan quá đi mất. Phải là rẻ "hơn" bèo chứ, cỡ bùn đấy !
Thế thì chuyện ít đọc sách không chỉ là vấn nạn của quốc nội mà hải ngoại cũng "trần ai". Mong rằng người mình bên Anh, bên Mỹ có khác.
Còn nếu có thống kê báo rằng dân Pháp uống rượu nho nhiều lắm thì đó là chuyện của Tây, nào phải của Ta !
Nhân dịp Tết Tây vừa qua, sắp đến Tết Ta, thôi thì : "Cùng nhau nâng chén ta chúc nơi nơi…" Yô !
Vũ Hạ
10/01/2016
10/01/2016
____________________________________________
Nguồn :tham khảo :
https://www.danluan.org/tin-tuc/20151229/google-chung-thuc-dan-tri-thap-roi-dung-gan-co-cai-nua
http://nld.com.vn/ban-doc/ham-uong-ruou-luoi-doc-sach-20150407215626979.htm
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/much-mony-for-consum-than-bk-12252015064523.html
Vũ Hạ xin mời quý vị cùng thưởng thức nhạc phầm : Hạt Bụi Nhỏ
Thơ: Dzuy Sơn Tuyền
Nhạc: Liên Bình định
(Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt nam Hải Ngoại)
Tiếng Hát: Tâm Linh
Nhạc: Liên Bình định
(Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt nam Hải Ngoại)
Tiếng Hát: Tâm Linh
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang