ÔB. Max và Valérie Vermorel, 35 tuổi, 2 con, thuộc xứ St-Germain de Charonne (20e). Trước khi lập gia đình, vợ chồng tôi mỗi đứa đều giúp riêng một hội từ thiện tùy ý. Nhưng từ 1996, năm lập gia đình, chúng tôi bắt đầu góp giúp Giáo Hội. Kể từ đó chúng tôi cảm thấy mình có bổn phận với Giáo Hội, mà gần gũi nhất là Giáo Xứ. Nhất là từ 6 tháng nay, Max là thành viên của Ban Tài Chánh của Giáo Xứ. Việc này giúp chúng tôi hiểu biết hơn về bộ máy của Giáo Hội. Khi góp giúp, chính là chúng tôi nghĩ nhiều đến giáo xứ nhỏ bé của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ đến món tiền góp giúp này sẽ đi về đâu : Đó là chuyện tự nhiên khi một người góp giúp. Thoáng nhìn vào giáo xứ, chúng tôi thấy ngay bao nhiêu là món chi : điện, sưởi của nhà thờ, nhà hội, phòng giáo lý, nhà ở của linh mục, tiền nuôi sống linh mục, sinh hoạt các hội đoàn... Nhìn rộng ra dến Giáo Phận, đến Giáo Hội hoàn vũ : Chả có gì bí mật, Giáo Phận hay Giáo Hội cần phương tiện để hoat động. Tiền Giúp Giáo Hội có mục đích hiển nhiên và tổng quát đó !
ÔB. Amaury và Bérangère Derville 35 và 36 tuổi, 5 con, thuộc giáo xứ St-Francois de Molitor (16e). Nhà thờ thánh Francois de Molitor đã thành quá nhỏ đối với số giáo dân hiện nay. Giáo xứ quyết định phá đi và xây nhà thờ mới. Chúng tôi ý thức phải đóng góp để xây cất và bảo trì lâu dài. Vì thế mọi người trong xứ hồ hởi góp giúp theo lòng quảng đại và khả năng của mỗi gia đình, của mỗi người. Chúng tôi nói « của mỗi người », bởi vì rất nhiều người trẻ độc thân và đi làm ý thức về việc đóng góp này. Đây cũng là dịp tốt để nhiều phụ huynh dạy cho các con cháu hiểu được lý do tại sao cần đóng góp giúp Giáo Hội.
Ô. Jacques Guilhamet, 61 tuổi, cán sự hồi hưu, xứ St-Pierre de Montrouge (14e). Tôi sống đạo lại cách đây 15 năm. Tôi cảm thấy tràn đầy hạnh phúc khi «khám phá ra ý nghĩa của một cộng đoàn hay một giáo xứ». Mỗi chủ nhật tới giáo xứ, nhìn ngắm Chúa, trao đổi đơn thành với bà con, nghe lời kinh tiếng hát, ngắm nghía những cành hoa đẹp chưng trên bàn thờ... lòng tôi chan đầy niềm vui, thấy đời sống dồi dào ý nghĩa, thật đáng sống. Tất cả những yếu tố ngoại phụ ấy cần thiết cho đời sống đức tin của tôi. Và bấy giờ tôi mới hiểu tại sao tôi có bổn phận góp giúp Giáo Hội, tại sao tôi phải dấn thân vào một công tác tông đồ nào đó trong họ đạo ! Dấn thân hoạt động và rộng rãi đóng góp là hai yếu tố thực tế và cần thiết để làm cho giáo xứ sống động, và do đó giáo phận và Giáo Hội phồn thịnh. Kể từ đó tôi tham dự vào Nhóm Tang Chế (Groupe des Obsèques) của giáo xứ và rộng tay góp giúp Giáo Hội.
B. Antonina Léonétout, 68 tuổi, cán sự xã hội hưu trí, có 2 con, thuộc xứ St-Denys de la Chapelle (18e). Tuy nghèo, nhưng tôi tự cảm thấy có bổn phận về tình hình tài chánh của xứ đạo tôi sống từ hơn mười năm nay. Các linh mục phục vụ giáo xứ không sống bằng nước lã ! Vì thế mỗi năm tôi dành một phần tiền của tôi để giúp Giáo Hội. Cùng với mấy bà bạn, chúng tôi sắm sửa cho nhà thờ nhà xứ những đồ cần thiết. Nhà xứ và nhà thờ phải đầy đủ tiện nghi hơn nhà riêng của chúng tôi. Nói thì dễ nhưng bỏ tiền ra để thực hiện thật khó. Phải hy sinh ! Thế mới có công phúc !
Cô Isabelle de Bodard, 30 tuổi, cán sự thương mại, xứ St-Léon (15e) : Tôi tới giáo xứ St-Léon năm 1992, tôi hiểu ngay cái người ta gọi là «Denier de Culte». Tôi đọc hàng tuần Tờ Giáo Xứ. Cha sở bấy giờ là P. Paul Bouqbeau. Ngài nhắc nhở giáo dân bổn phận phải góp giúp Giáo Hội. Từ lúc 22 tuổi, tuy còn là sinh viên, tôi đã dành tiền giúp ‘denier de culte’ mỗi năm. Tôi cũng dành thời giờ phục vụ giáo xứ trong công tác dạy giáo lý trẻ em, thăm viếng bệnh nhân và người già. Và từ ba năm nay, tôi hân hạnh điều khiển thánh ca phụng vụ tại nhà thờ St-Louis de Gonzague (16e). Tôi xác tín giúp giáo xứ hay Giáo Hội về tài chánh là bổn phận của mỗi kitô hữu, không phân biệt già trẻ hay thế hệ. Giúp Giáo Hội là trả lại cho Thiên Chúa một phần hồng ân thiêng liêng hay vật chất tôi đã lãnh nhận.
Ô. Robert Rochefort, giám đốc CREDOC, thuộc giáo phận Corbeil-Essonnes : Tôi mừng vì thấy Giáo Hội giữ một vai trò quan trọng trong xã hội hôm nay. Đặc biệt trong phạm vi giáo dục. Theo cuộc thăm dò mới đây, các phụ huynh rất hài lòng về đường hướng giáo dục tại các trường công giáo : không nguyên về giáo lý, nhưng còn về tinh thần liên đới, đời sống lương thiện, tinh thần trách nhiệm... Tất cả gần với Phúc Âm. Còn việc ‘góp tiền giúp Giáo Hội’, tôi rất ý thức và đóng góp hàng năm. Đây là thói quen tốt lành tôi thừa hưởng từ cha mẹ tôi. Nhiều người Paris cho là hợp lý khi nghĩ rằng ‘anh đến nhà thờ thì anh cho, tôi không đến tôi không cho’. Thực ra nếu mình thuộc về Giáo Hội, điều đó đã đủ nhắc mình đóng góp giúp Giáo Hội rồi, để Giáo Hội có đủ phương tiện sống và hoạt động. Một người, một nhóm người không là gì, nhưng nhiều người, nhiều nhóm đóng góp sẽ tạo nên nguồn tài chánh giúp Giáo Hội tồn tại và phát triển. Tôi rất buồn khi thấy nhiều giáo dân nhắm mắt để các sinh hoạt của Giáo Xứ hay Giáo Phận lâm vào tình trạng nghèo nàn hơn cả mức sống thường nhật của họ. Cần phải cho Giáo Hội cấp Giáo Xứ, cấp Giáo Phận, cấp Quốc Gia hay cấp Hoàn Vũ có đủ phương tiện hoàn thành sứ mệnh phục vụ Nước Chúa và Con Người.
(Báo Notre Dame de Paris, số đặc biệt về ‘Le Denier de L’Eglise 2000-2001, tr.10-11).