LTS : 30/04/1975 - 30/04/2015 : 40 năm đã qua .....
Ngày này năm ấy... trong số "hàng triệu người buồn" vì mất tất cả, có hàng hàng lớp lớp người, bắt đầu bỏ nước ra đi (cho dù có thể phải đánh đổi cả mạng sống mình), chĩ với hy vọng mong manh là tìm lại được Tự Do và Nhân Quyền đã bị đánh mất (tráo).
Nếu quý vị đã đọc qua LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 của GS Trần Văn Cảnh đã đươc đăng trên site GX, ở chương 5, chúng ta sẽ thấy, cũng từ ngày này... Lịch sử Giáo xứ đã sang 1 trang mới với chương trình Mục Vụ hoàn toàn mới để thích nghi với làn sóng người Tỵ nạn càng ngày càng đông trên đất Pháp nói chung và Thủ Đô Paris nói riêng.
Ngày này năm ấy.....
Xin được chia sẽ cùng quý vị bài hồi tưởng về ngày 30/04/1975 của TS Lê Đình Thông với tựa đề : Chùm Nho Uầt hận.
Lê Đình Thông
Bốn chục năm về trước, tháng tư bắt đầu bằng nhiều ưu tư, xao xuyến ; kết thúc bằng ngày 30. Lòng dân ba chìm bảy nổi dấy lên cái tên Quốc Hận :
- ba chìm là hàng triệu người chìm sâu dưới đáy biển ;
- bảy nổi là những người lao đao khổ cực trong núi rừng Việt Bắc ; cả những người biệt xứ ra đi.
Hôm nay là ngày 1 tháng 4. Tôi hồi tưởng chuỗi ngày xót xa, ngồi viết Chùm Nho Uất Hận
Quốc hận tiếng nói của dân gian (vox populi) là một loại bia miệng :
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Không phải 40 năm về trước, nhưng vào năm 1940, John Steinbeck được trao giải Pulitzer nhờ tác phẩm The Grapes of Wrath, Võ Lang dịch là Chùm Nho Uất Hận (Khai Trí xuất bản, 1972). Steinbeck viết 30 chương sách nhưng lúng túng trong việc đặt tên tác phẩm. Chính vợ nhà văn nói thay tiếng nói dân gian, đặt tên sách là The Grapes of Wrath, mượn câu thơ The Battle Hymn of the Republic của Julia Ward Howe :
Mắt tôi thấy vinh quang sự hiện đến của Chúa Ngài sẽ chà đạp vườn nho, nơi chứa những chùm nho uất hận.
Trong tác phẩm Chùm nho uất hận, Steinbeck viết về nỗi thống khổ của nhà nông, gạt nước mắt, bỏ lại ruộng vườn Oklahoma, lưu lạc đến California. Tính theo đường ‘‘chim bay’’, khoảng cách từ Oklahoma đến California là 1 252,5 dặm mà còn uất hận, nói chi đến đường ‘‘cá lặn’’, từ Việt Nam đến các nước tây phương, thiết tưởng không có tên nào chính xác hơn Quốc Hận.
Nói đến Chùm Nho Uất Hận còn quá xa xôi. Gần gũi ta hơn có Hận Đồ Bàn. Năm 1471, binh lính vua Lê Thánh Tông vây hãm, hạ được thành Đồ Bàn (Vijaya) của vua Trà Toàn. Nhờ vậy mà nước Việt mới có thêm xã Nhơn Hậu, tỉnh Bình Định. Từ đó mới có Hận Đồ Bàn.
Quốc Hận của ta có năm có tháng, có tờ lịch đã phai màu :
Quốc Hận, nói lên lòng dân oán than, là lời bia miệng. Không một định chế nào, kể cả cơ quan lập pháp của một quốc gia, có thể thay đổi được. Huống hồ văn kiện lập pháp chỉ áp dụng cho nước sở tại, quốc tế tư pháp gọi là lex fori. Quốc Hận như sóng thần, tràn ngập khắp nơi. Ý định xóa bỏ chỉ là đội đá vá trời :
Đổi tên Quốc Hận tiếng cười thế gian.
Tôi viết bài này trong một thư viện đại học ở Paris, vào đầu tháng Tư 2015. Ngoài trời nhiều gió lộng. Không gian và thời gian gợi nhớ nước mắt sinh viên người Việt tại Paris, vào tháng Tư 1975.
Trong ký sự ‘‘Câu chuyện về một tấm hình’’, nhà báo Tường An của đài RFA (10/03/2015) đã in lại tấm hình đen trắng, nói lên cuộc diện miền Nam đổi trắng thay đen :
Tôi xin trích vài đoạn trong ký sự đẫm lệ của nhà báo Tường An:
‘‘Những ngày cuối tháng 4, khi các chiến trường ở Việt Nam còn mịt mờ khói súng, khi các thây người tiếp tục ngã, và khi các dấu chấm đỏ dần dần tiếng về miền Nam trên bản đồ hình chữ S thì cũng là lúc ngổn ngang tâm trạng của các sinh viên trong các khu đại học Paris và vùng phụ cận.
‘‘Cuộc biểu tình xuất phát lúc 3 giờ trưa từ cư xá sinh viên Đất Việt. Dẫn đầu cuộc biểu tình là lá cờ VNCH với bình nhang. Gần 300 sinh viên chít khăn tang trắng lặng lẽ, trang nghiêm đi xuyên qua các trục lộ chính của Paris.
‘‘Anh Nguyễn Sơn Hà kể lại: «Cuộc biểu tình ngày 27/4 chít khăn tang, đi từ cư xá sinh viên, ngang qua Quốc hội Pháp đưa thỉnh nguyện thư ; đến tòa đại sứ Mỹ để phản đối, tố cáo. Anh em đã gửi rất nhiều thư cho chính giới, từ ông Tổng thống Giscard d’Estaing cho đến lưỡng viện Quốc hội, ông Jacques Chirac, nhưng tất cả đều không trả lời, tất cả đều làm ngơ.
‘‘Anh Trần Văn Bá kêu gọi một số anh em sinh viên cùng các đoàn thể sinh viên khác tiếp tục giương cao lá cờ vàng chính nghĩa đó để xác định với Quốc tế và dân tộc Việt Nam cùng nhau ghi ơn các chiến sĩ bảo vệ tự do. Đó là lý do tại sao có cuộc biểu tình ngày 27/4. Cho thấy tuổi trẻ Việt Nam chúng ta vẫn còn đây.
‘‘Từng thước vải đen kẻ đòng chữ trắng: “Vinh Danh Các Chiến Sĩ Đã Nằm Xuống Cho Tự Do", “Miền Nam Tự Do Bất Diệt", “ Ngày Đại Tang" v.v. bằng tiếng Pháp được căng lên. Vành trắng chít trên đầu để tang cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến.
‘‘Anh Vũ Quốc Thao, lúc đó là một thanh niên còn rất trẻ, vẫn còn rất lạc quan về tương lai đất nước. Anh nhớ lại ngày 27/4 của 40 năm về trước:
«Năm đó tôi mới 18 tuổi có tham dự đoàn biểu tình. Vào lúc đó thì 18 tuổi không giống như tuổi trẻ bây giờ đâu, còn ngây ngô lắm, các anh lớn kéo đi đâu thì mình đi theo. Tại cư xá Đất Việt ở đường Lutèce trong quận 5 được coi như là trụ sở thứ nhì của Tổng hội Sinh viên lúc bấy giờ. Chính cái cư xá đó được dùng làm địa điểm xuất phát cuộc biểu tình, anh em tập họp tiến ra đường Gay Lussac, đi lên phía công viên Luxembourg, đi ngang qua rue d’Assas có tòa đại sứ VNCH, đi ngang qua Thượng viện Pháp. Tại thượng viện Pháp, tình hình bắt đầu căng thẳng vì phía cực hữu và cực tả lợi dụng vấn đề Việt Nam giằng co với nhau, mình ở giữa, mình chỉ muốn nói về vấn đề Việt Nam mà thôi, nhưng rồi sau đó thì cũng yên.
‘‘Riêng tôi thì tôi không nghĩ là chế độ sẽ sụp đổ mau chóng như vậy, thành ra tôi cũng biểu tình nhưng không đến nỗi đau nhiều, mặc dù cũng có để tang, để tang này là để tang cho những nạn nhân chứ không phải để tang cho đất nước, bởi vì lúc đó chưa biết rằng mình sắp mất nước. Anh em đi rất trang nghiêm, nhưng không phải là thất vọng »
Tấm hình “Sinh viên Paris xuống đường” được anh Trần Đình Thục chụp ở đường Gay Lussac trưa ngày 27/4.Tấm hình trắng đen với vận mệnh dân tộc nổi trôi đã nằm im một thời gian dài trong ngăn kéo để rồi 39 năm sau xuất hiện trở lại trên bìa tuyển tập “Ngậm ngùi tháng tư” của nhà văn Huy Phương ở quận Cam, California, Hoa kỳ. Tấm hình được nhân bản và lưu truyền trên internet.’’
Nhà báo Tường Anh vừa nói đến anh Vũ Quốc Thao. Anh Thao nối tiếp truyền thống của thân phụ là Giáo sư Vũ Quốc Thúc, một lòng vì nước vì dân.
Tôi viết bài này để tưởng niệm tất cả bà con thân yêu, những người góp xương máu, biến biển Đông trở thành đại dương uất hận. Trong số có người bạn thân thân yêu là nhà thơ Trần Đại.
Lê Đình Thông
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang