Trần Anh Tuấn & Vietcatholic.net
LTS : Sau khi tập thơ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 được dịch giả Lê Đình Thông chuyển sang việt ngữ được đông đảo nhạc sĩ trong và ngoài nước ca ngợi & phỏ thành nhạc, hai buỏi Chiều Thơ Nhạc đã được tổ chức để vinh danh Ngài : một tại giáo xứ VN Paris ngày 5 tháng 10 và một tại San José chiều ngày 8 tháng 11 vừa qua.
Một số ca khúc Chiều thơ nhạc ở Giáo xứ Paris đã được đưa lên site giaoxuvnparis.org, hôm nay, mời quý vị cùng xem vidéo phóng sự buổi Chiều Thơ Nhạc Vinh Danh Thánh GH Gioan Phaolô 2 tại San José do VietCatholic.net thực hiện và bài giới thiệu & tường thuật của TS Trần Anh Tuấn.
Giới Thiệu
MỘT CHIỀU THƠ NHẠC
TRẦN ANH TUẤN
Tiến sĩ Sử học
San Jose, California thủ phủ tình thương của người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, là nơi hàng tuần diễn ra những buổi ra mắt sách, hòa nhạc, họp mặt, tưởng niệm, gây quĩ... Những sinh hoạt xã hội này, vì thế, đã trở nên thường xuyên, ít để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán thính giả, thường là họ hàng thân hữu của ban tổ thức.
Nhưng chiều thứ bẩy vừa qua, ngày 8 tháng 11, một buổi trình diễn thơ và nhạc đã diễn ra còn đọng lại trong lòng người hiện diện một cảm giác đặc biệt. Đó là sự trang trọng mà chân thành và cảm động của một buổi trình diễn hòa nhập thơ và nhạc, tôn giáo và văn nghệ, kỷ niệm và ân sủng, cũng đồng thời là dịp hòa nhập tình đồng môn, đồng đạo, và đồng hương nơi hải ngoại.
Đó là "Chiều Thơ Nhạc" diễn ra tại hội trường John Philip Sousa Center thuộc trường trung học Yerba Buena, San Jose, suốt trong ba giờ, từ 2 đến 5 giờ chiều.
Với sức chứa 470 ghế, hội trường đã gần như không còn chỗ trống làm tôi ng̣ạc nhiên cho một buổi thơ-nhạc-và-tặng-sách, vốn quá thường xuyên tại thành phố San Jose mà buổi nào hấp dẫn được 100 người hiện diện đã là một thành công.
Có nhiều người được sắp xếp lên sân khấu phát biểu để góp lời ca tụng ̣đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và giáo sư Lê Đình Thông. Phần mình, dịch giả họ Lê lên sân khấu trong cung cách nho nhã và khiêm tốn. Ông ý nhị nhắc đến con số 7 như một huyền nhiệm trong ngày hôm nay: chào quốc kỳ và hát quốc ca VNCH trên sân khấu là 7 tà áo vàng, Ban Tổ Chức có 7 người, hiện diện trong hội trường là 7 đồng môn trung học Chu Văn An của ông, ông chỉ được nói 7 phút, hôm nay là ngày thứ 7... tất cả trùng với con số 7 trong Thất Trảm Sớ của Chu Văn An từ thế kỷ XIV. Và cuối cùng, hai chữ Việt Nam cũng đúng 7 mẫu tự, nên phải chăng hôm nay là buổi nối kết quá khứ với hiện tại và hướng về vận hội tự do dân chủ cho đất nước ?
Được dịch giả chia sẻ tâm tình, tôi tự hỏi phải chăng đó là ý nguyện của ông khi ông chọn dịch thơ của vị Giáo Hoàng gốc Ba Lan, nhân vật làm sụp đổ thế giới Cộng Sản Đông Âu và giải phóng nhân dân trong toàn khu vực thoát khỏi ách độc tài đảng trị ?!
MC có hai người. Thanh-Thúy, nữ MC mảnh mai, thanh lịch và duyên dáng trong những tà áo dài lộng lẫy và sang trọng. Nam MC là Trưởng Ban Tổ Chức, Giáo sư Nguyễn Đức Lâm. Ông bao sân một cách chuyên nghiệp, giọng nói sang sảng khiến cả hội trường bát ngát ai nghe cũng rõ. Ông tỏ ra vững vàng và tự tin, vốn là đặc tính bất biến của dân CVA.
Dịp này, 200 quyển Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II Và 61 Ca Nguyện (Giáo Xứ Việt Nam Paris xb, 2014, 230 trang) được phân phát hết. Ban Tổ Chức phải lên sân khấu cáo lỗi những ai không nhận được sách.
Tuyển Tập bao gồm 25 bài thơ của thi sĩ Karol Wojtyła, tức giáo hoàng Gioan-Phaolô II, qua bản dịch Việt ngữ của giáo sư Lê Đình Thông. Trừ một bài hài cú trang 23, sách in ra không có nguyên tác của Karol Wojtyła, nên độc giả không rõ công phu của dịch giả cụ thể thế nào.
Tuy nhiên, sau buổi trình diễn thơ nhạc, dịch giiả cho biết ông đã sử dụng nguyên tác của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II bằng tiếng Ba Lan. Và việc in thêm nguyên tác bằng tiếng Ba Lan trong Tuyển Tập không cần thiết vì ít ai trong số độc giả gốc Việt sử dụng ngôn ngữ này. Đây lại thêm một khía cạnh đáng quí của một trí thức gốc Việt miền Nam. Ông đã nêu một gương hiếu học và cầu học, hết luật học lại đến ngôn ngữ, sinh ngữ lại kèm từ ngữ, văn xuôi lại tiếp văn vần...
Thật thế, Tuyển Tập có những câu dịch rất Việt Nam như : Bóng hình sương khói, ngô đồng hiu hắt, nắng hanh vàng, hoàng hôn chạng vạng, buồn diệu vợi, cây cành lả lơi, bóng chiều hiu hắt...
Có nhiều câu thuần tôn giáo như : Phúc ân nước trời, sáng soi lời Chúa...
Có những câu vượt ra khỏi khuôn Thiên Chúa Giáo, như : Tử sinh vô thường, chúng sinh, chính đạo nhiệm mầu...
Có những cách dùng chữ đắc địa như các câu: Qua bao năm tháng bơ vơ nỗi sầu, sóng nhấp nhô nhịp võng đong đưa...
Có âm hưởng vè, như:
Trên đường thập giá cheo leo
Simon lặng lẽ bước theo chân người
Giêsu áo rách tả tơi
Simon vác phụ lên đồi Calvaire...
Mẹ Ơi trang 32-34 là một bài thơ dịch thật độc đáo. Dịch gỉa đã sử dụng nhiều khổ thơ khác nhau. Mở đầu là thể song thất lục bát, rồi chuyển sang thể thất ngôn, và kết luận bằng thể ngũ ngôn. Vậy mà thi ngữ không hề chông chênh hay đứt đoạn. Ba thể thơ hòa quyện thành một trường ca phong phú, ấm áp, lại có phần chân chất về tình cảm bao la của Mẹ.
Nói chung, bản Việt ngữ những bài thơ dịch của giáo sư Lê Đình T̉hông rất chân thành và bình dị, phản ánh bản chất của dịch giả. Lê Đình Thông là một thi sĩ, nhưng không phải là người trau chuốt chữ nghĩa. Tâm hồn thuần Việt của ông hòa nhập với vần thơ đạo vị của Đức Giáo Hoàng là những gì độc giả của Tuyển Tập có thể nhận biết.
Tuyển Tập có tới 61 bản nhạc phổ từ 25 bài thơ dịch. Nghĩa là một bài thơ có thể được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Điển hình là bài thơ Hoa Trắng ̣̣được 9 nhạc sĩ (Mi Trầm, Kiều Linh Nguyễn Linh Diệu, Liên Bình Định, Phạm Đức Huyến, Nguyên Long, Trần Thụy Minh, Trung Nguyên, Phạm Vĩnh Sơn, và Văn Duy Tùng) phổ thành 9 bản nhạc khác nhau.
Tuyển Tập, như thế, chứng tỏ sự kết hợp chặt chẽ và hữu hiệu trong một công trình văn hóa của giáo dân và tu sĩ Thiên Chúa Giáo gốc Việt. Các nhạc sĩ phổ nhạc cư ngụ rải rắc trên ba lục địa Á Châu, Âu Châu, và Mỹ Châu tại các nước Việt, Pháp, Na Uy, Canada, và Hoa kỳ. Hiếm khi độc giả tại hải ngoại chứng kiến sự hợp tác rộng rãi, phong phú, và hài hòa đến thế.
Ngày hôm ấy, khán thính giả hiện diện còn được thưởng thức giọng ca của nhiều ca sĩ trong ca đoàn Đức Mẹ La Vang. Ít người ngoài cộng đoàn dân Chúa ở San Jose biết đến tên tuổi của những ca sĩ này, nhưng tất cả đều lão luyện và chuyên nghiệp. Họ gồm Anh-Thư, Bé Hải-Mi, Bích Phượng, Bích Liên, Kim Yến, Hoàng Yến, Hồng Nhiệm, Ngọc Ánh, Ngọc Huệ, Ngọc Thúy, Nguyên Hồng, Nguyễn Phụng, Nguyế̃n Văn Viên, Như Ý, Thu-Hương, Tuý-Vân, Vũ Hà...
Giới ca sĩ địa phương có bé Victoria Thúy-Vi lưu loát và cao vút trong bản quốc ca Hoa Kỳ. Vĩnh Thanh Thảo vẫn dài hơi và điệu nghệ trong chất giọng của cô. Nguyệt Thanh, Duy Khanh, và nhất là Phương Thuận, thu hút lòng người qua làn ngâm ngọt ngào truyền cảm. Hai nghệ sĩ sau là phần đóng góp của Oakland, thành phố phía bắc San Jose.
Vốn định cư tại Pháp, dịch giả Lê Đình Thông đã đem tác phẩm của ông từ Paris ra mắt đồng hương California tại San Jose. Ông xuất thân trường trung học Chu Văn An Sài Gòn, cử nhân và cao học Chính Trị Kinh Doanh Đại Học Đà Lạt, tiến sĩ Luật Khoa Đại Học Sorbonne. Ông hiện là giáo sư Luật Khoa Đại Học Paris. Ông sinh hoạt lâu dài và tích cực trong các phong trào Thanh Sinh Công thời VNCH và phong trào Cursillo tại hải ngoại.
Lê Đình Thông là người khiêm cung nho nhã, ham làm việc lành việc thiện. Con người bình dị của ông vẫn giữ được nụ cười ngỏn ngoẻn, hệt như thời học sinh trung học.
Ông sống tình nghĩa với bạn bè và thân hữu. Ngay buổi chiều thơ nhạc ấy, ông đã bỏ hàng ghế danh dự để ngồi hàn huyên với người bạn đồng môn trong hàng ghế cuối. Nhiều lần MC mời ông lên sân khấu đã phải lên giọng trong micro tìm người đi lạc, và sốt ruột thấy ông rảo bước từ cuối hội trường !
15.11.2014
TRẦN ANH TUẤN
(Viết tặng Lê Đình Thông và Nguyễn Đức Lâm )
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang