Trúc Tiên, Vũ Hạ
I. Phần mở đầu
[Trúc Tiên]
TT xin cám ơn các Cha, Thầy, Sœur, các bác, các anh chị đã đến bắc chung nhịp cầu thơ nhạc TGH GP II, để cùng nhau chúng ta hướng về Thiên Chúa.
Khi đã được chuyển ngữ sang lời việt, thơ của TGH đã được các nhạc sĩ công giáo VN trên thế giới phổ nhạc và đã được hát trong những thánh đường, trên các mạng internet xã hội như trên youtube,… Trong phần 1 của chương trình, TT xin giới thiệu một số bài diễn ảnh đó.
Để mở đầu, TT xin mời anh Vũ Hạ, anh Vũ Hạ sẽ cùng chúng ta đến gần hơn với TGH GP II.
[Vũ Hạ]
Nhắc đến Ba Lan thì không khỏi liên tưởng ngay đến những danh nhân như : Marie Curie với hai giải Nobel Vật Lý và Hóa Học, thiên tài âm nhạc Chopin, nhà thiên văn học Copernicus với thuyết Nhân Tâm, Nobel Văn Chương với Władysław Stanislaw Reymont (1924), Czesław Miłosz (1980), Wisława Szymborska (1996) và gần đây, hai trong những tác nhân trọng yếu khiến khối Cộng Sản xụp đổ là giải Nobel Hòa Bình Lech Wałęsa, và vị Thánh Giáo Hoàng của chúng ta : Jean-Paul II. Ngài không chỉ là Thánh Giáo Hoàng, mà trước đó, đã nổi tiếng với những vần thơ tuyệt mĩ ; được mệnh danh là một trong bảy đại thi hào của nền văn học Ba Lan, sánh vai với thi hào bậc nhất Âu Châu thuộc trường phái lãng mạn, Adam Mickiewicz. Thú thật, về thi tài của Ngài thì tôi mới biết đây thôi qua tác phẩm Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Jean-Paul II do anh Lê Đình Thông xuất công thực hiện.
Anh Lê Đình Thông có thành công trong việc chuyển ngữ 25 tuyệt tác của Thánh Giáo Hoàng Jean-Paul II không ? Tôi thì thấy hay lắm, nhưng tôi không là thì sĩ và cũng không sỏi thơ – và chắc chắn là trong khán phòng nầy, hôm nay, hiện diện không ít những nhà thơ – nên chẳng dám đa sự lạm bàn đâu. Có điều : chỉ 25 vần thơ trong tuyển tập mà hiện nay đã được phổ đến trên 60 nhạc phẩm. Thế thì chúng ta cũng đã có chút ít khái niệm để bước từ nghi vấn “có hay hay không ?” sang một, gần như khẳng định, vì còn chút hoài nghi : “hẳn là hay !”
Tiện đây cũng xin giới thiệu đôi lời là những thi phẩm của Thánh Giáo Hoàng Jean-Paul II được phổ từ những nhạc sĩ thành viên của Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Đây là một hội thành lập chính thức mới chỉ cách nay… vài hôm ; quy tụ 83 nhạc sĩ mà một số thành viên lại còn là linh mục, nam nữ tu sĩ như LM Ngô Hoàng Khôi, LM Chu văn Chi, LM Vũ Mộng Thơ, LM Vũ Thái Hoà… – tôi cũng được hân hạnh có tên trong danh sách, nhưng… không phải là tu sĩ, và cũng không chắc mai nầy sẽ được lên thiên đàng – Chủ trương của Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại là cùng nhau ca tụng Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội trong phạm vi Thánh Nhạc.
Không gì bằng, ngay khi này, kính mời quý vị thưởng thức một vài nhạc phẩm vừa đề cập đến để làm quen với thi ca Thánh Giáo Hoàng Jean-Paul II do anh Lê Đình Thông chuyển ngữ và Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại phổ nhạc.
II. Diễn ảnh
[Công Bình]
III. Vào chương trình
Đức Ông có đôi lời chào mừng quan khách cùng cộng đoàn.
Kính mời cộng đoàn đứng dậy cùng đọc kinh “Lạy Cha”.
1/ Hợp xướng “Theo Ngài” – Ca Đoàn Giáo Xứ trình bày.
[Trúc Tiên]
Chúng ta vừa thưởng thức bài hợp xướng “Theo Ngài” nhạc Hàn Thư Sinh do Ca Đoàn Giáo Xứ trình bày.
Triều đại Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đậm sắc văn học. Vì Ngài còn là kịch tác gia, là thi nhân ; ngài luôn đề cao hội nhập văn hóa nhằm diễn đạt Tin Mừng đến mọi dân tộc. Trong ý nghĩa này, ý thơ của Ngài được chuyển đến chúng ta qua ngôn ngữ và các thể thơ quen thuộc như Lục Bát, Song Thất Lục Bát, thơ Tự Do và cả thơ Đường.
Ở đây TT muốn nói đến sự mầu nhiệm của ngôn ngữ thơ, quả thật như vậy, không những thơ khoác áo óng ả, mềm mại lên những từ ngữ khô khan, thơ còn là con đường khác đưa ta về thực tại. Không nhằm thuyết phục, thơ vẽ lại dòng đời mà thoạt nhìn ta không cảm nhận sâu xa. Cho nên chúng ta không lạ gì khi Thánh Đức Cha đã dùng thi văn để thay cho lời nguyện.
Để tiếp tục chương trình, TT mời anh Vũ Hạ. Anh Vũ Hạ sẽ cùng chúng ta tìm hiểu thêm về thơ của TGH qua thi từ của anh Lê Đình Thông – người đã chuyển ngữ thơ của Ngài – và hơn nữa, là chất xúc tác để chúng ta có dịp thưởng thức những ca khúc phổ thơ hôm nay.
[Vũ Hạ]
IV. Sơ lược về TGH
Có một dạo cái giọng khàn khàn cứ như bát sành vỡ của Pierre Bachelet xuất hiện dầy đặc các đài phát thanh cũng như màn ảnh truyền hình Pháp với ca khúc đầy lạc quan, lắm nhiệt tình và gom góp nhận xét qua những câu như thế nầy :
« Il descend de l’avion il embrasse la terre
A genoux sur le sol comme on fait sa prière
Et même les officiels ne savent plus quoi faire
Avec leurs vieux discours, leurs tenues militaires
Il arrive il descend il est là l’homme en blanc
Il embrasse les enfants que la foule lui tend
Dieu que la terre est rouge quand on le voit si blanc
Comme un bateau qui bouge sur la marée des gens… »
Đó là ca khúc L’homme en Blanc nói về vị giáo hoàng đương nhiệm khi đó, Jean-Paul II của chúng ta ; lúc đó là vào khoảng hè năm 1989, tức là vừa hơn mười năm sau khi Ngài chịu chức vào năm 1978. Tôi vội chạy đi mua về nghe đến mòn cái đĩa 45 vòng. Mãi đến năm 1979 tôi mới vượt biển được để đến bến bờ Tự Do, tức là một năm sau ngày Ngài chịu chức. Những năm sống dưới chế độ độc tài bưng bít thông tin – không gì ngoài thế giới Cộng Sản – nên ngay cả ban nhạc ABBA mà tôi còn không biết thì nói gì đến Đức Giáo Hoàng.
Khi đặt chân đến Pháp tôi mới biết vị ấy tên gọi Jean-Paul II và được trông thấy Ngài… tuy chỉ trong ảnh thôi. Ngài có ánh mắt nhân hậu quá, nhưng không kém phần cương nghị. Ngài là vị Giáo Hoàng không phải người Ý kể từ Giáo Hoàng người Hoà Lan, Adrien VI (1520 – hơn bốn thế kỉ trước), và là vị giáo hoàng đầu tiên người Ba Lan.
Ba Lan đã từng là một quốc gia phú cường vào bậc nhất châu Âu. Nhưng Ba Lan của Ngài thủa đó đầy đau khổ vì chiến tranh. Mới vừa được tái lập sau đệ nhất thế chiến thì lại buộc phải khẳng định độc lập bằng những xung đột quân sự chống Cộng Sản Xô Viết (1919-1921). Và Ngài chào đời ngay trong cuộc chiến nầy, năm 1920.
Chưa được bao lâu thì Ba Lan lại bị chia cắt bởi hai cường quốc thời bấy giờ là Đức Quốc Xã và Cộng Sản Xô Viết (1939) – khi ấy Ngài mới 19 tuổi – và thế chiến thứ hai nổ tung ra. Trong thế chiến nầy, Ba Lan tổn thất sáu triệu dân quân, là con số lớn nhất tính theo dân số quốc gia.
Mới chiến thắng chống Đức Quốc xã với số quân tham chiến đứng vào hàng thứ tư của phe Đồng Minh thì lập tức rơi ngay vào quỹ đạo Cộng Sản, cùng số phận với một số quốc gia Đông Âu khác theo hiệp định Yalta. Mất mát chưa đủ, lại còn đói khát và những nhà tù mọc lên như nấm…
Trong khoảng thời gian Ba Lan của ngài đẫm trong chiến tranh chống xâm lược thì vũ khí đắc thế của Ngài là ngòi bút và những vở kịch – Ngài là kịch tác gia, là nghệ sĩ – lẽ tất nhiên khi ấy phần lớn tác phẩm của Ngài là với chủ đề yêu nước. Tình yêu nước, Ngài mang theo suốt cuộc đời, vì sau này, khi đã là Giáo Hoàng, Ngài chân thành bày tỏ : « Dù là Giáo Hoàng, tôi vẫn có trái tim để yêu quê hương và đất nước của tôi, như các bạn ». Ngài còn khẳng khái tuyên bố : « Tôi sẽ cởi áo giáo hoàng để về bảo vệ và chiến đấu nếu Liên Xô hay một quốc gia nào đó tiến quân xâm lược đất nước tôi ! »
Trong khoảng thời thanh thiếu niên, Ngài cũng như những thanh thiếu niên khác, khi thì phủ áo trận đen khói thuốc, lúc thì khoác áo công nhân rách tả tơi… Chưa hết, trong suốt khoảng thiếu thời Ngài đã phải nhìn từng người thân lần lượt ra đi…, để đến năm 21 tuổi thì chẳng còn ai nữa cả.
Mẹ, người mà Ngài yêu quý nhất qua đời khi Ngài mới lên 9. Sau này, có lúc Ngài tâm sự : « Khi mất Mẹ, tôi chưa đủ tuổi rước lễ lần đầu. Mẹ tôi không còn để dự buổi lễ trọng đại đời tôi. Mẹ hằng mong anh tôi là bác sĩ và tôi là linh mục. Mẹ tôi mất mà không thấy được mong ước thành sự thật ». Trong bài Matka (Mẹ) in trong tập Poezje có câu : Ta nghe trong thinh lặng oà lên tiếng nức nở gọi mẹ “mamo, mamo”. Nỗi đau không dứt nên mỗi khi nhắc đến Mẹ, không thể nào Ngài cầm được nước mắt…
V. Văn nghệ phần 2
[Trúc Tiên]
Giới thiệu 2 bài hát đầu
2/ Bài thơ “Mẹ ơi” Ngài viết lúc 19 tuổi, 10 năm sau khi mất mẹ. Qua bài thơ nầy, chúng ta cảm nhận được tình cảm của ngài đối với người mẹ của mình, dạt dào nhưng luôn khắc khoải và sâu lắng. Ngài không che dấu niềm đau vật vờ, nỗi chua xót thiếu thốn người mẹ trong cuộc đời.
Chúng ta hãy vận dụng trí tưởng để nhìn vào cuộc đời đơn côi của đứa bé bị mất mẹ, với tháng ngày ngỏ vắng, với dại khờ, với lờ mờ sớm trưa mà ngài phải gánh chịu trong quãng đầu đời đúng ra phải hồn nhiên đó.
Ca khúc đầu tiên là “Mẹ Ơi”, sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đức Huyến, sẽ do Phượng Ca hợp tấu gồm :
Đàn tranh với Vân Anh và Phương Oanh.
Đàn Nguyệt : Gérard Andrieux
Hiếu Vincent với đàn nhị
Tiếng sáo của Mỹ Ly
Ngoài ra còn có tiếng đàn vĩ cầm của cô Mai
Guitar của anh Thơ
Dương cầm với Xuân Giao
3/ Thơ TGH như có âm thanh khiến ta dường nghe vẳng tiếng khóc thầm của ngài bên mộ mẹ, sau đây TT mời các bác, các anh chị và các em thưởng thức ca khúc “Hoa trắng”, nhạc Phạm Đức Huyến, do Mỹ Ly Trình bày.
[Trúc Tiên mời Vũ Hạ]
VI. Sơ lược về TGH phần 2
[Vũ Hạ]
Trọn cuộc đời TGH Jean-Paul II, Ngài đã công du 129 quốc gia và thông thạo mười ngôn ngữ (nghe nói Ngài cũng biết một chút tiếng Việt), nhưng thi phú thì phần lớn Ngài viết bằng tiếng… Ba Lan. Thú thật, tôi chưa hề đọc thơ Ngài… bằng tiếng Ba Lan vì lẽ giản dị là… vì tôi không biết tiếng Ba Lan ; mãi cho đến gần đây tôi dược đọc thơ Ngài, bằng tiếng Việt, qua tác phẩm Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Jean-Paul II do anh Lê Đình Thông chuyển ngữ.
Ta vẫn thường nghe nói : “Traduire, c’est trahir” (dịch là phản). Văn hào Victor Hugo cũng đã từng nói : “Dịch văn cũng như đổ rượu từ bình lớn sang bình nhỏ, sự mất mát tất nhiên sẽ xảy ra.” Đồng ý vô cùng ! Nhưng, có thể khác về lượng thật – bình lớn sang bình nhỏ – nhưng về phẩm thì… rượu ngon vẫn là rượu ngon. Có ít đi thì vẫn cứ là rượu ngon.
Đôi khi tôi nghĩ : anh Thông đây gan thật. Gan cùng mình ! Dám chuyển ngữ 25 tuyệt tác của Thánh Giáo Hoàng, một trong bảy thi hào của Ba Lan ; đó là chưa kể đến màu sắc tâm linh của đấng tu hành. Chuyến nầy, thêm một bài nữa hẳn anh ấy… đắc đạo. Nếu không thì… lại thêm một bài nữa… Rồi thêm một bài nữa (!)
Nhưng, dám làm là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Tôi thấy anh Lê Đình Thông… làm được đấy chứ ! Bằng chứng là Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Jean-Paul II đang có đây và hôm nay là buổi ra mắt. Thế, làm được nhưng có hay hay không thì chúng ta đã được chứng minh phần nào qua những ca khúc trình tấu đầu buổi. Và khi chuyển ngữ thì anh LĐT có gặp trắc trở gì không ? Anh có mất nhiều thời gian cho công việc nầy không hay anh nhắm mắt viết một lèo rồi xong ? Rồi còn những thắc mắc khác nữa…
Để tường tận, tôi nghĩ không gì bằng thẩm vấn chính tác giả. Vậy, xin mời anh Lê Đình Thông bước lên hàn huyên cùng chúng ta.
VII. Vấn đáp phần 1
[Vũ Hạ – Lê Đình Thông]
1. Anh đã viết và đã dịch thơ bao giờ chưa hay đây là lần đầu tiên ?
Lê Đình Thông : Mỗi khi đọc một bài thơ hay, tôi thường mượn vần thơ Việt để chuyển ngữ. Với thời gian, các bài thơ này đã mất mát hết rồi. Tôi chỉ nhớ câu thơ dịch từ Erlkönig của Goethe :
‘‘rừng hoang vắng chim buồn nên chẳng hót’’.
Tuy rừng lặng lẽ mà lòng người vẫn cảm thấy chơi vơi.
Tôi rất thích Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Tuy vẫn biết đã có nhiều người dịch, nhưng có người bạn văn nhờ tôi viết về bài thơ này nên tôi đã chuyển thể lục bát.
Sau đây là nguyên tác của Thôi Hiệu :
Hoàng Hạc Lâu
黃 鶴 樓
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
昔 人 已 乘 黃 鶴 去,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
此 地 空 餘 黃 鶴 樓。
Hoàng hạc bất khứ bất phục phản,
黃 鶴 一 去 不 復 返,
Bạch vân thiên tải không du du.
白 雲 千 載 空 悠 悠。
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
晴 川 歷 歷 漢 陽 樹,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲。
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
日 暮 鄉 關 何 處 是,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
煙 波 江 上 使 人 愁。
Tôi mạo muội khoác mảnh hồn Việt cho bài thơ Đường xa xôi :
Hoàng Hạc Lâu
Người xưa cưỡi hạc bay đi,
Chơ vơ Hoàng Hạc chốn ni một mình.
Hạc Vàng kiếp sống ba sinh,
Ba chìm bẩy nổi hành trình gió mây.
Hạc Vàng biền biệt chốn đây,
Hán Dương xanh lá sông đầy chiếu soi.
Cỏ thơm Anh Vũ một thời,
Quê nhà chập tối đôi lời hỏi han,
Trên sông buồn bã khói tàn,
Sóng buồn tê tái lệ tràn xót xa.
2. Là luật gia, duyên cớ nào đưa đẩy anh đến với văn chương nói chung, và thơ nói riêng ?
LĐT : Trong thánh lễ 11 giờ 30 Chúa nhật 26/10 vừa qua, trong lời nguyện của ca đoàn, tôi còn nhớ ý tưởng này : ‘‘Thánh nhân nào cũng có quá khứ. Tội nhân nào cũng có tương lai’’. Nhịp cầu hướng tới tương lai là duyên cớ đưa đẩy tôi vượt thoát thực tại đến với văn chương nói chung, và cõi thơ nói riêng. Vì thi ca đưa ra cái nhìn minh triết (vision de sagesse), như lời Đức Giáo Hoàng Bênêdicxtô XVI.
3. Cho đến nay thì đã có bao nhiêu bản dịch thơ Thánh Giáo Hoàng và anh chuyển ngữ từ nguyên bản hoặc từ phiên bản nào ?
LĐT : Bài thơ Hoa Trắng in trong Tuyển Tập Thơ đã giải đáp câu hỏi này. Tôi chép lại bản dịch tiếng Pháp, đối chiếu với nguyên bản tiếng Ba Lan. Tôi còn chuyển ngữ mấy vần thơ của Thánh nhân sang thơ Hài cú nữa.
Tôi căn cứ vào ba nguồn tài liệu chính :
. Nguyên bản : tôi đã chép lại trong iPad
. Phiên bản :
- tiếng Pháp : Poème de Karol Wojtyła (Ed. du Cerf, 1979)
- tiếng Anh : Poezje - Poems (Libreria Editrice Vaticana, 1998)
(ghi chú: LĐT sẽ mang theo iPad và hai cuốn sách này)
Hai bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh đều không có bài Hoa Trắng. Tôi phải tìm nguồn tài liệu khác.
4. Có phải các bản chuyển Anh và Pháp Ngữ đều ở thể văn xuôi ? Lí do nào khiến anh lấy quyết định chuyển ngữ từ thể thơ sang thơ, một công việc mà tôi nghĩ là cực kì khó khăn ?
LĐT : Các bản dịch Pháp ngữ và Anh ngữ đều ở thể văn xuôi. Tôi chuyển dịch vần thơ Ba Lan sang vần thơ Việt. Nếu dịch sang văn xuôi chỉ mới diễn tả được ý thơ mà thiếu mất tình thơ. Phải chuyển dịch sang thơ mới cảm nhận được niềm vui của Thánh nhân trước mầu nhiệm Phục sinh, nỗi buồn khi mất mẹ, niềm đau xót khi Ba Lan bị quân Đức và Hồng quân Liên Xô giày xéo. Như vậy là ta vui với người vui, khóc với người khóc (Rom 12,15).
Ngoài ra, còn một lý do khác nữa : tôi thiết nghĩ Việt Nam là một Ba Lan miền Đông Á. Tôi dịch thơ Ngài sang thơ Việt để cầu xin Ngài ban ơn cho quê hương Việt Nam (Đông Á) sớm được hưởng tự do, giống như Ba Lan (Đông Âu).
Tôi xin lấy lại ý tưởng của Victor Hugo mà anh Vũ Hạ đã nói lúc đầu. Khi chuyển ngữ, tôi không rót từ bình rượu lớn sang bình nhỏ hơn, mà là đổi từ rượu Spiritus của Ba Lan sang rượu nếp cẩm nước ta. Nhưng ý tưởng của Thánh nhân thì vẫn còn nguyên vẹn.
5. Anh có thể cho biết lí do vì sao chọn 25 thi phẩm nầy của Thánh Giáo Hoàng để thực hiện Tuyển Tập ?
LĐT : 25 bài thơ chính là hành trình nhân thế, khởi đi từ thân phận con người, với bao nhiêu chứng nhân: người ‘‘mẹ’’, ‘‘diễn viên’’, ‘‘đồng hành’’.
Cuộc hành trình nào cũng trải qua đất nước thân yêu, nên mới ‘‘Mùa lúa mới’’.
Sau cùng, nếu cuộc sống chỉ quanh quẩn ở cõi trần thì thật là chán ngắt. Vần thơ thánh còn dẫn ta về với cõi siêu nhiên, mời gọi ta ‘‘Theo Ngài ’’, để cùng Thiên Chúa cảm nhận niềm vui Phục sinh với ‘‘Mầu nhiệm vượt qua’’.
Bản dịch là đôi khi còn là sự chuyển hóa. Tôi xin đưa ra hai dẫn chứng:
- Nguyên tác tiếng Ba Lan là ‘‘Nad Twoją białą mogiłą’’ (Trên nấm mộ trắng). Tôi mượn ‘‘Białe kwitną’’ (Hoa trắng) trong câu 2 để đặt tên cho bài thơ, vì cánh hoa trắng như cánh bướm trắng thấp thoáng bay, vượt khỏi thực tại (động). Còn mộ trắng chỉ nằm yên nơi đất thánh (tĩnh). Khi chuyển từ tĩnh sang động là thấy được trái tim ta thổn thức mỗi khi nhớ đến mẹ.
- Bài thơ ‘‘Matka’’ (Mẹ), tôi dịch là ‘‘Mẹ ơi’’ vì hai lý do: nguyên bản tiếng Ba Lan gồm hai âm tiết (syllables). Trong tiếng Việt, con cái gọi ‘‘Mẹ’’ khác với ‘‘Mẹ ơi’’:
- Khi gọi ‘‘Mẹ’’ là để người mẹ quay lại.
- Còn ‘‘Mẹ ơi’’ (hai âm tiết) là để người mẹ lắng nghe lời con kể lể.
6. “Vẫn là cõi trần nhưng không vướng bụi trần”, anh nghĩ sao về câu này của bác Vũ Quốc Thúc trong Lời Tựa cho Tuyển Tập ?
LĐT : GS Vũ Quốc Thúc đã vượt xa chặng đường đời cửu thập khi đưa ra các nhận định minh triết này :
– ‘‘vẫn là cõi trần’’ thì dễ hiểu rồi ;
– ‘‘không vướng bụi trần’’ đồng nghĩa với siêu việt (transcendant) theo định nghĩa của triết gia Kant : ‘‘est transcendant ce qui dépasse les limites de l’expérience’’ (siêu việt là vượt khỏi giới hạn của kinh nghiệm).
Câu nói của GS Thúc về cõi trần, bụi trần diễn nghĩa mấy câu thơ sau đây của thi hào Nguyễn Du :
‘‘Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.’’
Còn gì thanh cao hơn là mùa lúa mới, qua mấy vần thơ thánh như sau :
‘‘Đồng lúa chín miệt mài gợn sóng,
Sóng nhấp nhô nhịp võng đong đưa.
Bao nhiêu ý nghĩ cho vừa,
Thoáng qua cơn gió ngày mùa sang đông.’’
[Vũ Hạ]
Kính thưa quý vị, những câu thơ vừa rồi là một đoạn trích trong thi phẩm “Mùa Lúa Mới”.
Một thi phẩm đã được bốn nhạc sĩ phổ nhạc, gồm : Thanh Hiên, Văn Duy Tùng (Hoa Kỳ), Nguyễn Anh Thơ (Pháp) và Nguyễn Văn Hiển (Gia Nã Đại)
VIII. Văn nghệ phần 3
[Trúc Tiên]
4/ Để tiếp nối lời các anh Vũ Hạ và Lê Đình Thông : Thơ TGH còn có màu sắc như tranh, với ca khúc “Mùa lúa mới” – Anh Thơ phổ nhạc – Ngài chấm phá đó đây hình ảnh sống động của nông dân với con trâu lấm bùn đen, của lá xanh, của cánh đồng lúa vàng… Chúng ta sẽ thấy bác nhà nông cày cấy mà, có thể, bác nhà nông đó cũng chính là Ngài với những mong ước rất là bình thường và giản dị... « Ánh mắt nào còn mong còn đợi, mau đến mùa lúa mới đơm bông. Cấy cày vất vả nhiều công, mong sao mưa thuận, cầu mong gió hòa... »
Và đây là phần song ca Quỳnh Trang và Xuân Chương. Ca khúc “Mùa lúa mới”.
5/ Bài thơ ngợi ca “Giếng Nước Đầu Làng” cảm đề từ câu chuyện thiếu phụ Samari gặp gỡ Chúa Giêsu bên bờ giếng, sẽ giúp chúng ta chuyển dần từ cái nhìn phân biệt đầy bất công và thành kiến xã hội đến cái nhìn tự do và công bằng. Ngài muốn chúng ta hiểu chỉ có chúng ta mới có thể cứu chúng ta khỏi tất cả những gì khiến chúng ta mất đi cuộc sống hiệp thông và viên mãn.
Giếng nước đầu làng, Trung Nguyên phổ nhạc, Lệ Thanh trình bày.
6/ Tháng 4 năm 1984, TGH GP II đã nói với giới trẻ : « Chúng con là niềm hy vọng của Cha, của Giáo Hội, và của xã hội. Với sức mạnh của Ðức Tin trẻ trung của chúng con, chúng con nâng đỡ cho niềm hy vọng về một thế giới được canh tân trong Chúa Kitô. », từ đó Ngài sáng lập ra « Ngày Giới Trẻ Thế Giới » mà mỗi năm hàng triệu thanh thiếu niên thế giới hội tụ. Đối với giới trẻ, Ngài là một huynh trưởng nhiệt tình, gần gủi, thông cảm, hiểu biết, tế nhị, hài hước, tha thứ, kiên nhẫn, bền bỉ, và nhất là, nhìn thấy tương lai.
Xin mời thưởng thức “Theo Ngài và Mưa Xuân”, hai thi phẩm trong Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng do Lm. Vũ Thái Hoà phổ nhạc, và đặc biệt, với phần phụ diễn do Chị Anh Tú và các em TNTT đoàn Kitô Vua trình bày.
[Trúc Tiên] : (Sau bài hát TT sẽ mời hai anh trở lại sân khấu và anh Vũ Hạ tiếp tục phỏng vấn)
IX. Vấn đáp phần 2
[Vũ Hạ – Lê Đình Thông]
7. Anh có thể cho biết một ít nhận xét riêng về thơ của TGH ? Và thi phẩm nguyên tác nào của TGH mà anh yêu thích nhất ?
LĐT : Thơ Wojtyła là vần thơ thánh. Thánh nhân là nhịp cầu nối liền giữa Thiên Chúa và phàm nhân, giữa trời mới đất mới, giữa nghệ thuật và đức tin. Ngài làm thơ dưới bút hiệu Andrezj Jawien. Thơ Wojtyła gạn lọc cát bụi trần gian nên trong sáng. Về hình thức, thơ ngài mới mẻ. Về nội dung, vần thơ Wojtyła siêu hình (métaphysique) nói về bản thể (Être), tự do, ý thức, ý nghĩa dòng lịch sử rồi mở rộng đến bến bờ siêu nhiên, cứu độ. Thơ Wojtyła ngợi ca thiên nhiên với ghềnh thác, núi rừng hùng vĩ. 25 bài thơ tuyển dịch vẽ nên tấm bích họa về đời người, tuy nhọc nhằn vất vả vác cây thập giá nặng trên chặng đường quá xa mà vẫn một lòng cậy trông.
8. Theo anh thì sở trường của TGH ở thể thơ nào ?
LĐT : Tôi xin đơn cử bài thơ Hoa Trắng, nguyên tác tiếng Ba Lan:
Nad Twoją białą mogiłą
Emilii, Matce mojej
Nad Twoją białą mogiłą
białe kwitną życia kwiaty-
- o, ileż lat to już było
bez Ciebie – duchu skrzydlaty –
Nad Twoją białą mogiłą,
od lat tylu już zamkniętą,
spokój krąży z dziwną siłą,
z siłą, jak śmierć – niepojętą.
Nad Twoją białą mogiłą
cisza jasna promienieje,
jakby w górę coś wznosiło,
jakby krzepiło nadzieję.
Nad Twoją białą mogiłą
klęknąłem ze swoim smutkiem –
o, jak to dawno już było –
Jak się dziś zdaje malutkiem.
Nad Twoją białą mogiłą,
o Matko – zgasłe kochanie –
me usta szeptały bezsiłą:
- Daj wieczne odpoczywanie –
Vì tâm hồn rộng mở, không chịu gò bó trong tù túng cộng sản, ngài thường làm thơ tự do, số chữ trong mỗi câu không nhất định: - bốn câu đầu gieo vần gián cách (rime embrassée), tận cùng bằng âm tiết ‘‘y’’, rồi chuyển sang vần liên tiếp (rime pates) với các âm tiết ‘‘a’’. Như vậy là thể hiện được mấy tiếng i a bập bẹ gọi mẹ.
Vào thế kỷ XVII, linh mục Ba Lan dòng Tên Sarbiewski (1595-1640) có công định thể cách cho thơ Ba Lan.
9. Khi chuyển ngữ 25 bài thơ thì bài thơ nào anh tâm đắc nhất ? Vì sao ?
LĐT : Tôi chuyển dịch đầu tiên bài Hoa Trắng mà không chọn lựa. Tôi thích bài thơ này nhất vì tôi cũng đã mất mẹ. Bài thơ như gió thoảng mà có sức mạnh cuồng phong, cuốn tôi mải mê dịch suốt 25 ngày.
10. Nhận thấy có nhiều bài thơ ở thể lục bát ; thế thì, vì là sở trường của anh ở thể thơ nầy hay vì lí do nào khác nữa ?
LĐT : Khi chuyển dịch, tôi thường mượn thể thơ lục bát, đôi khi là song thất lục bát để vần thơ Ba Lan trú ngụ trong vần thơ Việt, thay vì tạm trú trong thơ mới của Tây, hoặc thơ Đường của Tàu. Thể thơ của Tây và Tàu đều gieo vần ở cuối câu. Còn lục bát và song thất lục bát của Ta vừa gieo vần ở cuối câu thơ, gọi là cước vận (腳 韻), lại vừa gieo vần ở lưng chừng câu thơ, gọi là yêu vận (腰 韻). Như vậy tiết tấu sẽ nhịp nhàng hơn, âm vận lại càng thêm phong phú, giàu nhạc điệu. Vần thơ Ba Lan của Thánh nhân phải trú ngụ trong thơ lục bát của ta, vì thơ còn là âm nhạc như nhận định của Verlaine trong Art poétique:‘‘De la musique avant toute chose’’. Những vần thơ thánh đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong số có linh mục Vũ Mộng Thơ, linh mục Vũ Thái Hòa, linh mục Mi trầm, nữ tu Lê Ánh Tuyết và rất nhiều nhạc sĩ nữa. Chúng con xin bầy tỏ lòng tri ân đến các nghệ sĩ công giáo.
11. Để chia xẻ kinh nghiệm, anh có thể cho biết một ít những khó khăn gặp phải khi chuyển ngữ, nhất là những gì thuộc về tâm linh, trong 25 thi phẩm của TGH ?
LĐT : Dịch thơ Wojtyła thật không đơn giản chút nào. Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI nói về thơ Wojtyla như sau: ‘‘Thi ca của Thánh Gioan-Phaolô II đưa ra cái nhìn minh triết (vision de sagesse) của triết học. Các nhà thơ lớn đều có cái nhìn toàn diện, bao quát. Họ diễn tả bằng ngôn ngữ biểu tượng. Ngược lại, các triết gia lớn đều diễn đạt bằng thi ca, từ Platon đến thánh Augustinô và Heidegger. Thánh Gioan-Phaolô II làm thơ để truyền đạt thông điệp thiết thân, có cùng nội dung như triết học và thần học, nhưng phong phú hơn nhiều.’’
Ngoài các cảm xúc riêng tư, Wojtyła làm thơ là để diễn tả các suy tư về triết học và thần học. Người dịch cần làm theo nhận định của Cicéron là ‘‘đem triết học từ trời xuống đất’’ (la philosophie est descendue du ciel sur la terre). Cuộc hành trình từ trời xuống đất đã khó khăn, mà xuống đất nước Việt, đến tận trái tim người Việt lại càng thêm trắc trở.
12. Anh có nghĩ TGH có cùng cách nhìn với chúng ta về cuộc sống, về con người, hay về thiên nhiên… không ?
LĐT : Ngày 02/06/1979, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đến hành hương ở trại Auschwitch trên đất nước Ba Lan. Ngài gọi nơi đây là Núi Sọ của thời đại mới, nơi có vô số nấm mồ vô chủ. Ngài mượn ý tưởng của Giáo sư Pawel Wlodkiwic, Viện trưởng Đại Học Jagellon (Ba Lan) nói đến cuộc sống, tự do, độc lập, văn hóa. Các ý nguyện nhân bản của Thánh Giáo Hoàng có khác gì tâm nguyện của người Việt đâu.
Triết học nhân bản của ngài rất gần gũi với vần thơ nhân bản nước ta:
‘‘Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng trông nom.
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa.’’
Chính vì vậy, thơ nhân bản của Ngài được reo rắc khắp nơi. Ngày 08/11/2014, một Chiều Thơ Nhạc sẽ được tổ chức tại San José (Hoa Kỳ). Tập thơ này cũng đã được gởi đến 26 giáo phận tại Việt Nam với tâm nguyện hạt nhân bản yêu thương sẽ nở lúa vàng tự do, bác ái trên đất nước ta.
13. Xin cắt lời anh vì nhân dịp đề cập đến tính nhân bản trong thơ Ngài, cách đây không lâu anh đã “trình làng” quyển “Triết Học Nhân bản Thánh Giáo Hoàng Jean-Paul II”. “Triết Học Nhân bản Thánh Giáo Hoàng Jean-Paul II” là một tác phẩm khảo luận rất đáng được lưu ý, và là công trình quý hiếm, vậy xin mọi người một tràng pháo tay hoan nghênh anh LĐT.
X. Văn nghệ phần 4 (giới thiệu các bài còn lại)
[Trúc Tiên]
7/ Với cái nhìn cụ thể về sự vật qua không gian Thiên – Nhân - Địa, thơ của Ngài diễn tả mầu nhiệm về cuộc sống con người cùng với thiên nhiên. Ngài đã nói : “Mỗi lần tôi đứng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, của những dãy núi, tôi thấy Người hiện hữu”. Ca khúc “Mưa Xuân” của Lm Vũ Thái Hòa, do anh Lê Như Quốc Khánh trình bày.
8/ Trong thơ của TGH,
- Nhân được diễn tả qua người mẹ, là thiếu phụ, người chung quanh ta
- Địa là Hoa Trắng, là Mùa Lúa Mới, là cơn Mưa Xuân
- Thiên là ý hướng của các thi phẩm ‘‘Mầu nhiệm vượt qua’’… nhạc Thế Thông do Ca Đoàn Giáo Xứ hợp xướng.
[Trúc Tiên]
Lời cám ơn :
Xin thay mặt ban tổ chức, xin cám ơn Đức Ông, quý Cha, quý Thầy, quý Sœurs, quý Hội đoàn, ca đoàn, quý anh chị văn nghệ sĩ và chị ... đã tặng bánh.
Mời ăn bánh uống trà cà phê…
Đức Ông xướng kinh bế mạc.
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang