CHIẾN HAY HÒA…
Bác Năm gái sửa soạn bước ra cửa đi
mua quà Noel cho đám cháu nội thì Bác trai ngồi uống trà trong nhà, gọi giật lại
để nhắn :
- Bà nhớ đừng mua cho tụi nhỏ mấy
thứ đồ chơi đánh nhau như súng, dao hay gươm nhé !
- Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói
mãi ! Ông thì lúc nào cũng ghét chiến tranh, chuộng hòa bình.
- Chẳng riêng mình tôi đâu ! Tất
cả mọi người đều ghét chiến tranh. Được sống trong hòa bình là ước vọng khao
khát, tha thiết của mọi người trên thế giới ! Bà không thấy sao, từ đầu
năm, tháng hai đến nay đã chín tháng rồi, chiến tranh diễn ra khốc liệt giữa
Russie và Ukraine với bao cảnh tàn phá, tang thương, gia đình ly gián, đau khổ
triền miên. Nhìn những cảnh ai oán thống khổ ấy thì làm sao mà thờ ơ, không thù
ghét chiến tranh và ước mơ hòa bình ?
Theo dòng lịch sử nhân loại, biết
bao trận chiến xẩy ra giữa các nước trên thế giới, cứ nối tiếp nhau theo thời
gian, tùy theo mức độ quan trọng, tùy theo sắc tộc. Có nhiều động lực tinh thần,
tâm lý, thúc đẩy xung đột tranh chấp giữa các đối thủ lâm chiến : nào là
tâm địa xấu của lòng người, gian ác, phi luân lý như bản năng hiếu chiến, dối
trá, hiếu thắng, độc tài, tham lam, khiêu khích, kiêu căng, bản năng căm thù
phá hoại ; sau là vì quyền lợi kinh tế, mục tiêu chính trị, tôn giáo giữa
các quốc gia, do tham vọng của vài người hay một nhóm lãnh đạo. Chiến là đấu,
là đánh, tranh là dành giật, chạy đua vũ khí để chiếm đất dành dân, tạo ảnh hưởng
tôn giáo, văn hóa, khuếch trương thế lực dưới sự bành trướng của các ý thức hệ
khác nhau, các chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tư bản.
Từ thủa Thượng Đế khai thiên lập địa,
hai anh em Cain và Abel đã khơi mào xung đột đầu tiên giữa loài người, chỉ
vì tự ái, hiếu thắng, ghen tuông mà xẩy ra tranh chấp giữa hai anh em ruột thịt.
Rồi lịch sử thế giới được in nét đậm, tràn ngập với các hình ảnh man rợ và đẫm
máu của biết bao xung đột qua các thời đại cho đến ngày nay, tại khắp các lục địa
trên thế giới, trong mọi dân tộc, mọi quốc gia. Chiến tranh bùng nổ, tiếp diễn
và kéo dài vô thời hạn, không theo định luật thời gian và không gian. Hiện tượng
chiến tranh xẩy ra liên tiếp với các cuộc đấu tranh càng ngày càng quyết liệt với
khuynh hướng bành trướng, lan rộng, lớn mạnh với đông người tham gia hơn. Khởi
đầu chỉ là đụng chạm nhỏ giữa các xóm làng, cạnh tranh giữa các bộ lạc, rồi đấu
tranh mở rộng giữa các sắc tộc, lan mạnh giữa các dân tộc đến các quốc gia hợp
thành một khối liên minh mạnh mẽ và uy quyền. Thường bắt nguồn từ các cuộc xâm
chiếm đất đai để mở rộng bờ cõi, để tạo ảnh hưởng bởi tham vọng tranh quyền bá
chủ mang tính cách diệt chủng, xóa tan văn hóa giữa các nước láng giềng. Vài trận
chiến khốc liệt như Trận chiến 30 Năm (Guerre de Trente Ans) và 100 Năm (Guerre
de Cent Ans) của nước Pháp, chiến tranh Trung –Nhật của Trung Quốc, và nước Việt
chúng ta trong ngàn năm đã chịu cảnh lầm than, đau thương khi phải đương đầu chống
giặc xâm lược và đô hộ, có cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, và sau này hai trận
chiến tương tàn dẫn đến hậu quả tang thương của cuộc di cư từ Bắc vô Nam năm
1954 và cuộc di tản không tiền khoáng hậu năm 1975 phải rời bỏ quê hương chạy khắp bốn phương trời. Điển hình là hai
cuộc chiến lớn nhất, Đaị chiến Thế giới thứ nhất (1914-1918) và Thế chiến thứ hai
(1939-1945) đã
diễn
ra khốc liệt và bạo tàn, bao trùm khắp
Âu Châu, lôi kéo các đồng minh thuộc Mỹ và Á châu. Mãi đến ngày 11/11/1918 mới ký
được Hiệp định Đình chiến, kết thúc bốn năm dài chinh chiến của Đại chiến Thế
giới thứ nhất.
Chiến tranh là thảm họa cho nhân loại,
một hiện tượng xã hội, chính trị thể hiện qua cuộc đấu tranh, xung đột võ trang
giữa các quốc gia, mang nhiều hậu quả tai hại cho con người do sức tàn phá nặng
nề về mặt tinh thần cũng như vật chất. Chiến tranh mang thiệt hại, mất mát về
sinh mạng con người với số rất cao về tử vong, thương binh tàn phế, và rạn nứt
tình cảm khi gia đình ly tán. Chiến tranh mang thiệt hại vật chất, về tài sản khi
biết bao công trình, nhà máy, đường xá, cầu cống, chung cư, nhà cửa bị phá hủy không
khôi phục được, còn làm xáo trộn đời sống hàng ngày của người dân vô tội. Chiến tranh mang tàn phá nặng nề cho môi
trường, đất đaibị cằn cỗi, rừng ruộng bị phá hủy dưới làn bom rơi lửa đạn. Hai
quả bom nguyên tử dội xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki đã mang lại bao
nhiêu tổn thất về sinh mạng, bao nhiêu khốn khổ đau thương đầy nước mắt và tàn
phá môi trường sống vì tác hại của vũ khí hạt nhân. Chiến tranh Thế giới thứ nhất
cho thấy những con số kinh khủng chứng minh sự tàn khốc vật chất và nỗi đau
thương tinh thần : tổng số hao tổn về sinh mạng lẫn của cải cho thấy 38 nước
đã tham gia gồm 37 triệu người, một tỷ rưỡi người dân bị lôi cuốn vào chiến
tranh khói lửa, cả mười triệu người chết, 20 triệu người bị thương và biết bao
thành phố, làng mạc, công xưởng, kỹ nghệ cầu cống bị phá hủy. Tổng chi phí lên
tới 85 tỉ đô la, riêng Âu Châu thiệt hại 338 tỷ.
Chiến tranh ngày nay càng dễ sợ và
nguy hiểm hơn, vì các vũ khí được sản xuất nhiều, tối tân, rất lợi hại về sức mạnh
giết chóc và tàn phá. Trên mọi lục địa thấy xuất hiện thêm nhiều những « điểm
nóng » sôi động, sẵn sàng bùng nổ và lan rộng dẫn đến Chiến tranh Thế giới
thứ ba. Đấu chiến ngày nay không những chỉ dùng súng đạn mà còn xử dụng nhiều
vũ khí khác nhau, đa dạng, tối tân và nguy hiểm, ác hại như chiến tranh kinh tế,
dành uy thế qua ngả ngoại giao, chiến tranh tâm lý tuyên truyền, chiến tranh
hóa học, sinh học, mạng lưới điện tử và muôn cách để phá hại đời sống dân gian
về lương thực, chất đốt nhiên liệu. Sau cùng là viễn ảnh đáng sợ của một cuộc chiến
hạt nhân. Chiến tranh cứ như thế tiếp tục kéo dài ngày này qua tháng nọ kể cả
nhiều năm, hai bên tham chiến cũng đều chán nản, mệt mỏi, mất mát đủ mặt, mà không
phân thắng bại, lại dẫn đến tình thế trầm trọng, khủng khoảng kinh tế, thiếu hụt
lương thực và nhiên liệu, gây đói rét, kiệt quệ, tinh thần suy nhược vì ám ảnh
bởi nguy cơ đe dọa xử dụng vũ khí hạt nhân !
Vậy chiến tranh mang lại được gì
cho hai bên tham chiến ? Bên mạnh cũng như bên yếu, bên thắng cũng như bên bại,
chỉ thấy đau khổ triền miên, mất mát, tan thương trong máu lửa của hận thù và
nước mắt của chia lìa, nuối tiếc và nhớ thương. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vạch
rõ : « Chiến tranh chẳng đem lại
gì ngoài nghĩa trang và người chết ;
bài học này, nhân loại vẫn chưa học được hay không muốn học. » Mỗi năm,
hai bên tham chiến cùng nhau thỏa thuận một ngày ngưng chiến, gác súng vào lễ
Giáng Sinh hay đầu năm mới.
Có câu chuyện thật xảy ra vào đêm
Giáng Sinh năm 1944, tại tỉnh Aachen, Đức Quốc, một đêm kỳ diệu giữa Chiến
tranh Thế giới thứ hai trở thành biểu tượng của tình người trong cuộc chiến, nói
lên niềm tin và ước vọng khao khát một cuộc sống an bình trong lòng mỗi con người
: Có 3 binh sĩ Mỹ lạc đơn vị, trong đó có một người bị thương đến xin tạm trú
qua đêm để chờ rạng đông, tại túp lều bà Fritz Vincken. Vài lúc sau, có nhóm bốn
người lính Đức cũng bị lạc đường đến gõ cửa xin vào. Bà chủ nhà can đảm và nhân
ái mang hết lương thực còn lại để sửa soạn bữa ăn cho cả hai nhóm thù nghịch. Bà
khéo léo trình bầy hoàn cảnh éo le và dặn :
- Tối nay, hãy để chúng ta quên chiến
tranh, không nghĩ đến giết nhau.
Binh sĩ hai bên thù nghịch tình cờ
gặp nhau mới đầu sửng sốt, căng thẳng, ngạc nhiên rồi hoang mang bối rối và sau
cùng đồng lòng nghe lời khuyên của chủ nhà để ngồi cùng nhau chia sẻ bữa ăn tối.
Họ suy nghĩ về nhân tính, hai bên cùng là con người, là đồng loại, đều là nạn
nhân của thời cuộc. Dù phải tham chiến theo nghĩa vụ quốc gia, đứng hai chiến
tuyến đối nghịch nhưng họ giống nhau, đều là những con người có tình cảm thiêng
liêng, cùng một mong ước khi chấm dứt chiến tranh sẽ trở về gia đình và quê
hương, người này sẽ được ôm hôn đứa con mới sinh chưa biết mặt cha, người kia sẽ
về chăm nom mẹ già lủi thủi cô đơn. Họ vui vẻ trò chuyện, chia nhau bánh rượu
trong bữa ăn, người Mỹ bị thương lại được người Đức băng bó và làm cho cái cáng
để các bạn khiêng. Sau bữa cơm, bà Fritz đứng trên ngưỡng cửa, chào tạm biệt các
binh sĩ :
- Mong Thượng Đế phù hộ các con sớm
trở về xum họp với gia đình.
Hai nhóm ra đi mỗi bên một ngả, biến
sâu vào màn đêm rừng rậm, sau khi cả hai bên cặn kẽ chỉ dẫn cho nhau những vùng
đóng quân nguy hiểm cần tránh xa. Đúng là phép lạ mầu nhiệm của mùa Giáng
Sinh nói lên giá trị của tình người, của nhân loại, sức mạnh của tình
thương nhân ái, của khát vọng một đời sống an bình trong lòng người.
Vào giai đoạn cuối của Cuộc chiến Thế
giới thứ hai với mục đích ngăn chặn viễn ảnh xung đột có thể tái diễn trong
tương lai trên toàn thế giới, 50 nhà lãnh đạo quốc gia họp lại, bàn bạc để
thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc vào 24/10/1945. Cơ quan này có vai trò nỗ lực
xây dựng và duy trì hòa bình, giữ gìn trật tự an ninh, phát triển các mối quan
hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ
sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc. Họ cố gắng
tìm biện pháp để hòa hoãn dẫn đến cuộc ngưng chiến qua các tham khảo, đàm phán…Liên
Hiệp Quốc có nghĩa vụ thực hiện các cam kết lâu dài để dành lấy hòa bình cho
nhân loại. Ngày nay đã có tất cả 193 nước tham gia và trụ sở nằm tại Nữu Ước. Để nói lên tầm quan trọng của
hòa bình, LHQ chọn ngày 21/9 là ngày Quốc Tế Hòa Bình. Mỗi năm Liên Hiệp Quốc
chọn một đề tài để kêu gọi chấm dứt các hình thức chiến tranh và bạo lực. Lời tuyên
bố đọc giữa tiếng ngân vang báo hiệu của « Chuông Hòa Bình ». Chuông
Hòa Bình là quà biếu của Nhật Bản được đúc bằng đồng tiền quyên góp từ trẻ em
khắp các lục địa và được khắc hàng chữ « Vạn tuế Hòa Bình tuyệt đối
trên thế giới » coi như lời nhắn nhủ cho các thế hệ tương lai về phí tổn
nhân mạng trong chiến tranh.
Khát vọng hòa bình là mơ ước của
bao thế hệ con người trong toàn thế giới. Theo Unesco, hòa bình là một trong mười
hai giá trị sống của nhân loại, được Ủy Ban Unicef công nhận vào tháng 8/1996
cùng với tình thương yêu, hạnh phúc, hợp tác, tôn trọng, khoan dung v.v…. Hòa bình theo định nghĩa rộng là ước mơ của một
« xã hội văn minh » cho một cuộc sống hạnh phúc không chiến tranh và
bạo lực trong một quốc gia, một dân tộc, trong đó mọi người đều yêu thương và hợp
tác cùng nhau. Hòa bình còn được định nghĩa hẹp như một trạng thái tinh thần
bình an của con người có tư tưởng, tình cảm, ước muốn, trách nhiệm hành động
trong sáng, có ý thức, quyết tâm và sức mạnh để dàn xếp dẹp bỏ mọi dị biệt. Sự
khát khao mọi người sống hòa bình và hợp tác được nhiều văn nghệ sĩ nói lên như
trong bài hát «Imagine» của John Lennon « Imagine all the people loving live
in peace, sharing all the world » và trong bản nhạc « Cho tôi một
ngày vui » của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn « Khi đất nước tôi không còn giết nhau, mọi người ra phố mời rao nụ
cười », như trong bài thơ « Tôi sẽ thăm » của ông Trần
văn Lương viết cho Ukraine : « Tôi sẽ được nghe chim trời tươi tốt, thay vì nghe tiếng đạn từ xa; sẽ
được nhìn những phố xá phồn hoa, thay vì cảnh tha ma buồn thê thiết. »
Các nhân vật có ảnh hưởng quốc tế về
chính trị, văn hóa và tôn giáo đều góp nỗ lực, đưa sáng kiến để khuyến khích,
xây dựng một nền hòa bình bền bỉ, chân chính, có tự do, công lý, nhân ái, bình
đẳng và không biên giới. Người Kitô hữu chúng ta, trong khi chờ đợi được hưởng
hòa bình vĩnh cửu trên nước Thiên Đàng, mỗi khi dự thánh lễ vẫn hằng cầu xin ơn hòa bình, một thứ an bình
trong tâm linh, được sống với lòng kính và trông cậy Chúa, sống trong tình bác
ái, yêu mến tha nhân. Hưởng an bình đặc biệt của Chúa Giêsu bằng cách « mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người ».
Đức Thánh Cha Phanxicô có khuyến khích « Nói về hòa bình không đủ, phải
tin vào nó, tin vào nó không đủ, phải hành động vì nó ». Trên con đường
lữ thứ trần gian, mỗi người chúng ta, trong phạm vi hạn hẹp của mình, nên tìm nhiều
cách, bằng việc to hay nhỏ, cố gắng xây dựng hòa bình : « Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa,
mang yêu thương vào nơi oán thù, mang thứ
tha vào nơi lăng nhục, mang an hòa vào nơi tranh chấp, mang chân lý vào chốn lỗi
lầm. Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, chiếu tin cây vào nơi thất vọng, đem
niềm vui đến chốn u sầu… » (Kinh Hòa Bình –Thánh François thành Assise).
Bên hang đá, xin cầu Hòa Bình cho cả
hai nước Ukraine và Russie, cho kẻ sống được can đảm, nhiều nghị lực để xây dựng
tương lai. Với kẻ chết, xin mượn vần thơ « Tôi
sẽ đến quỳ dâng lên Thượng Đế, lời
nguyện cầu cho những kẻ không may, giờ không còn có mặt ở nơi đây, bỏ xác trong
chuỗi ngày oan nghiệt » (trích từ
thơ TÔI SẼ THĂM của Trần Văn Lương).
Và cho toàn thế giới, ước mong một
ngày gần đây, chim bồ câu trắng ngậm cành lá, biểu tượng của Hòa Bình sẽ bay lượn
khắp vòm trời, vòng quanh trái đất, mang tin vui Hòa Bình đến cho mọi dân tộc.
Nguyễn Đăng Quế
(Mùa Giáng Sinh 2022)
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang