1. Những đôi câu đối Tết.
Thường được viết vào dịp đại lễ Tết Nguyên Đán, những đôi câu đối này vừa có tính cách trang hoàng, thêm vẻ lộng lẫy, tôn nghiêm và uy nghi cho thánh đường, vừa có giá trị văn hoá phô diễn thuần phong mỹ tục, vừa có ý nêu cao việc học đạo, sống đạo và truyền đạo của giáo xứ.
Ðức Ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh tìm lại được một đôi câu đối đã được treo cạnh bàn thờ, vào một mùa xuân, không nhớ năm nào. Câu đối ấy như sau :
Vạn vật đón Xuân hữu hạn
Giáo dân mừng Chúa trường sinh (MĐV)
Luật sư Lê Ðình Thông, cựu chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ, không tìm lại được câu đối cũ nào, nhưng nhân dịp xuân Ðinh Hợi 2007, đã làm một đôi câu đối mới chúc Cộng Ðoàn.
Ðôi câu đối ấy như sau :
Đinh Hợi giao hòa Hồng Ân hồn xác
Cộng đoàn hiệp nhất mở mang đạo đời (LĐT)
Dịp Xuân Đinh Hợi 2007, người viết đã gởi hai câu đối nhỏ. Câu thứ nhất nhớ đến Chúa và mọi người trong Cộng Ðoàn. Câu thứ hai đặc biệt nhớ đến các anh em trong phong trào LIÊN ÐỚI NGHỀ NGHIỆP.
Năm Hồng Ân cảm tạ Chúa
Tết Ðinh Hợi nhớ ơn người (Thanh Hương)
Tết đến nguyện chúc phúc thọ
Xuân về liên đới ngành nghề (Thanh Hương)
Xuân Quý Tỵ 2013. Cũng trong tâm tình đón xuân với cộng đoàn, nhân dịp xuân Quý Tỵ, người viết đã lấy ý bài Chia sẻ Lời Chúa của Đức Ông Mai Đức Vinh, dịp lễ Tiệc Xuân 2013 và gửi câu đối sau đây :
Cộng Đoàn Đức Tin Hiệp Nhất
Giáo Xứ Lòng Mến Thương Yêu (Thanh Hương)
Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái đóng góp thêm một câu đối Tết Tết Quý Tỵ 3013:
Tết đến nhớ ai vui nguyện ước
Xuân về tỉnh giấc thắm tình xưa (Vân Uyên NVA)
Luật sư Lê Đình Thông đóng góp thêm bốn câu đối Tết Quý Tỵ 2013 :
Nhân trần mừng Tết vô thường
Già trẻ đón Xuân bất tận (LĐT)
Tết Quý Tỵ hồng ân Trời
Năm Đức Tin tràn lộc Đất (LĐT)
Xuân về hầu bao lì xì
Tết đến mở lòng bác ái (LĐT)
Cộng Đoàn Tin Cậy Yêu Thương
Giáo Xứ Gia Tăng Hiệp Nhất (LĐT)
2. Những đôi câu đối Cổng.
Đây là những dôi câu đối có ý nhắc lại một lịch sử, đưa ra một lý tưởng, một nguyên tắc sống, một sứ mệnh, cho cả làng, cả xứ ; hoặc có ý khoe mỹ tục hay văn tài của làng của xứ với khách lạ.
Trước nhất, ta thử đi xem những câu đối cổng làng ở Việt Nam. Giáo Sư Nguyễn Thiện Chi [1] trích ghi hai câu đối cổng ở Văn miếu Hà Nội. « Văn Miếu có cả thảy 40 câu đối, trong đó câu nào cũng mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. Ở Mặt tiền cổng có câu đối :
東 西 南 北 由 斯 道 (Ðông Tây Nam Bắc do tư đạo)
公 卿 夫 士 出 此 途 (Công Khanh phu sĩ xuất thử đồ)
Tạm dịch :
Ðông Tây Nam Bắc đều do đạo này (đạo Nho)
Công Khanh Phu Sĩ xuất thân từ đường này (Khoa cử).
Và mặt sau cổng có câu đối :
綱 常 棟 幹 存 天 地 (Cương thường đồng cán tồn thiên địa)
道 德 宮 牆 自 古 今 (Ðạo đức cung tường tự cổ kim)
Tạm dịch :
Rường cột cương thường tồn tại cùng trời đất
Ðạo đức trường học có từ xưa nay.
Riêng về những câu đối cổng làng, nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh [2], trong một bài báo đăng trong số 94, năm 2006 ở « Tạp Chí Dân Tộc & Thời Ðại » đã giới thiệu một số câu.
Ở xã Liên Mạc, một xã ven sông Hồng, có làng Đại Cát (xưa là làng Kẻ), vốn là nơi trong lịch sử ghi “thế kỷ VI, Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử đã lấy nơi đây làm ranh giới chia nước “ Vạn Xuân”. Cổng làng này có câu đối viết rằng:
Thanh danh văn vật sở đô, Lý Triệu giang sơn những cựu giới
Thổ địa nhân dân như lạc, Á Âu vận hội xưởng tân quy.
Nếu giải nghĩa, thấy trong câu đối có điều kiện lịch sử, lại có cả cuộc sống hiện tại, thật là hay, mà cũng giới thiệu được quê mình.
Sang xã Yên Thượng (Gia Lâm) ngắm cổng làng Đình Vỹ, ta đọc được:
Đình nhiên! Khải yên nhất ấp cơ quan - khai hạp càn khôn thâm thủ đoạn
Vỹ tai! Môn thị vạn nhân lai vãng - thăng bình cảnh tượng diễn tài bồi.
Lấy hai chữ đầu vế để gọi được tên làng, lại lấy câu đối để ca ngợi cảnh làng cũng là một câu đối có sức bút.
Có làng nổi tiếng về văn học thì lấy chữ trong kinh sách ra dạy bảo như câu đối ở cổng làng Giáp Nhất:
Xuất môn như kiến đại tân, xử dân như thừa đại tế
Xử thế bất dư quy củ, lập thân hữu chuẩn kỷ cương.
(Ra cửa phải như gặp khách quý; Làm việc dân phải cẩn thận như làm việc nơi đại tế.
Đối với xã hội không ngoài quy củ, lập thân phải có kỷ cương).
Nhưng cũng có một làng làm nghề thủ công mà giàu lên, như làng Phú Thứ (Tây Mỗ, Từ Liêm) câu đối ở cổng làng vẫn ghi:
Hiếu đễ trung tín phú dĩ giáo chi chính trực đãng bình vương đạo
Sĩ, nông, công, thương thứ sự khang hỹ, xuất nhập thủ vọng cổ phong.
(Giàu có cũng phải có hiễu, đễ, trung, tín, giáo huấn phải chính trực theo vương đạo;
Dù là sĩ, nông, công, thương, muốn an khang thịnh vượng, sinh hoạt phải theo mỹ tục thuần phong).
Có nơi bây giờ xây cổng mới mà vẫn giữ lại cổng cũ để làm một cổ tích. Cái cổng cũ dù là nhỏ nhưng ý nghĩa của nó vô cùng lớn bởi cả làng đã yêu mến đôi câu đối:
Đại Áng cổ danh hương, mỹ tục thuần phong truyền vạn thế.
Giang sơn tân vận hội, quốc cường dân phú vĩnh thiên niên.
(Làng cổ Đại Áng, mỹ tục thuần phong còn lưu mãi;
Non sông đổi mới, nước mạnh dân giàu, đến ngàn năm).
Ở cổng làng Dịch Vọng Sở xây năm đầu thế kỷ XX, có câu đối :
Đóng ngõ không nề khuya mấy sớm
Ra vào có lúc ngựa cùng xe.
Vừa qua thôn Cự Đông, xã Thanh Liệt làm cổng, các cụ cũng ghi:
Sống có nghĩa nhân nhà hạnh phúc
Đời theo cần kiệm cảnh yên vui.
Câu đối Cổng ở Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, thực ra câu đối cổng, hiểu như là những câu đối có sức bút diễn tả được tầm vóc lịch sử hoặc văn hoá cũng đã được nhiều người nghĩ đến và ghi nhớ. Có điều vì lý do này hay lý do nọ, chúng đã chưa bao giờ được công khai công bố. Một trong những lý do là vấn đề vật chất. Cơ sở mà Giáo Xứ xử dụng, không phải là của mình, nhưng là của mượn. Và cơ sở này cũng không được ổn định. Giáo xứ đã toạ lạc trong bốn cơ sở. Năm 1950 ở số 36bis, Boulevard Raspail, 75007 Paris. Ðến năm 1957, rời về số 32 Avenue de l’Observatoire, 75014. Từ 1968 lại rời về số 15, rue Boissonade, 75014. Từ 15.08.1998 đến nay, Giáo xứ cư ngụ ở số 38, rue des Epinettes, 75017 Paris. Cả bốn cơ sở đều không có cổng. Cơ sở hiện nay là cơ sở duy nhất thực sự có một cái cổng, có mở ra khoá vào được. Nhưng là cơ sở ở trọ, không phải của mình. Giáo Xứ vẫn chưa dám nghĩ đến việc khắc ghi lên cổng một đôi câu đối, nêu ra cái khí khái, cái truyền thống văn hoá, hay cái nguyên tắc sống của mình, mà chỉ có thể dám nghĩ và ghi ra trên giấy và chia sẻ, truyền tụng cho nhau mà thôi.
Năm 2007, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Xứ, tôi đã mạo muội đề nghị năm đôi câu đối cổng cho Giáo Xứ mà tôi đã từng ghi lại.
Câu thứ nhất đã được viết ra vào lúc mà phong trào thuyền nhân ồ ạt đến Pháp vào những năm 1975 đến 1980 :
Liên đới từ xa xưa, giáo dân lòng mở rộng
Bác ái đến vạn đại, bổn đạo chí vươn cao (Thanh Hương)
Câu thứ hai viết vào dịp xây dựng Hội Ðồng Mục Vụ và Ban Thường Vụ vào năm 1983 :
Sống có nghĩa nhân cùng dân nước
Ðời giữ chung thủy với Chúa Trời (Thanh Hương)
Câu thứ ba viết vào dịp Giáo xứ thiết lập Phong Trào Liên đới nghề nghiêp vào năm 2000 :
Giáo Xứ Pa-ris, mỹ tục thuần phong truyền vạn tuế
Tiên Rồng Việt Nam, Tình dân, nghĩa nước giữ muôn đời (Thanh Hương)
Câu thứ bốn viết vào dịp Thánh Lễ tại Giáo Xứ được trực tiếp truyền hình trên đài F2 vào chủ nhật 23.03.2003 :
Ðông người thăm viếng bởi văn hoá và văn vật nhiều
Hết xứ yên vui nhờ đức ái và thiên ân lớn (Thanh Hương)
Câu thứ năm viết vào dịp xuất bản cuốn sách Văn Hoá và Ðức Tin, năm 2004 :
Bây giờ làng Văn Hoá
Mãi mãi xứ Ðức Tin (Thanh Hương)
Năm Đức Tin 2013, Giáo Xứ đưa ra một chương trình mục vụ « Năm Đức Tin và Lễ Bạc phong thánh 117 vị Tự Đạo Việt Nam », trong đó có việc soạn thảo cuốn sách « Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam », nghĩ đến gương các Thánh Tử Đạo Tiền nhân, những bậc anh hùng đốt sáng và thăng hoa Văn Hóa Việt Nam, tôi xin đưa ra đôi câu đối sau đây cho cổng Giáo Xứ Việt Nam Paris :
Văn Hóa Ngũ Luân Ngũ Thường đốt sáng
Đức Tin Bát Phúc Tam Phụ thăng hoa (Thanh Hương)
Những câu đối đóng góp thêm của Ban Tu Thư Giáo Xứ dịp Tết Quý Tỵ 2013. Trên đây là bài viết đã được phổ biến lần đầu vào năm 2007. Nhân dịp Xuân Quý Tỵ 2013, tác giả đã gửi đến những vị trong Ban Tu Thư GXVN Paris, xin đóng góp thêm. Trong tinh thần cộng tác và hiệp nhất giáo xứ, Bs Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, một trong những người sáng lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Paris vào năm 1947 và Ls Lê Đình Thông, cựu chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ GXVN Paris, 2001-2008, đã gửi đóng góp thêm những câu đối sau đây. Xin chân thành cám ơn Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái và Luật sư Lê Đình Thông.
Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, không kể đôi câu đối Tết Quý Tỵ 3013 đã ghi ở trên, đã còn đóng góp thêm một đôi câu đối Cổng như sau :
Cửa hẹp đường trần nghe tiếng gọi
Thiên đường mai mốt cạnh bên Ai (Vân Uyên NVA)
Cũng vậy, Luật sư Lê Đình Thông, không kể bốn đôi câu đối Tết Quý Tỵ 3013 đã ghi ở trên, đã còn đóng góp thêm sáu câu đối Cổng như sau :
1. Thuộc lòng bộ sách thánh, kinh nguyện khắc ghi tâm
Không quên lời kinh bổn, thứ tha là lẽ sống (LĐT)
2. Tin điều nhân nghĩa hiệp một lòng
Cậy ý thủy chung chung lời nguyện (LĐT)
3. Kinh thành ánh sáng, gìn vàng giữ ngọc giữa đầm sen
Nước Việt Văn Lang, phép tắc gia phong không phai nhạt (LĐT)
4. Ít khách vãng lai nhưng tấc lòng còn ghi nhớ mãi
Bà con đón Tết vẫn không quên những việc hàng ngày (LĐT)
5. Thuở trước vững đức tin
Ngày nay thêm lòng mến (LĐT)
6. Phúc âm Tám Mối Lời Chúa soi chung
Gương sáng Tông Đồ một lòng phục vụ (LĐT)
Xuân Ất Mùi 2015, chương trình mục vụ Tổng Giáo Phận Paris xoay quanh đề tài « 2015, năm Đời sống thánh hiến : sống đạo và ơn gọi », tôi xin gửi đến Giáo xứ Việt Nam Paris, đặc biệt với nhóm mục vụ đang học hỏi về thông điệp NIỀM VUI TIN MỪNG, đôi câu đối sau đây, vừa như một câu đối Tết, vừa như một câu đối cổng :
Xuân về, Giáo Xứ sống Tin Mừng nặng sâu,
Tết đến, Giáo Dân truyền Phúc Âm xa rộng (Thanh Hương)
Để kết luận nghiên cứu về « Câu đối - nét văn hóa tại cổng làng » nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh đã viết : « Đi qua một số làng ở Hà Nội để ngắm nhìn cánh cổng thân yêu, để mà đọc được những câu đối ý nghĩa thâm trầm hay bay bổng mà yêu quý. Đó là mảnh hồn của cha ông gửi gắm hay đó là lời dặn cho mọi thế hệ. Càng ngắm nhìn, càng tiếc rằng: với sự vô cảm, sự thiển cận của một số người, đã có nhiều cổng làng bị phá. Tại sao không nắn một con đường tránh như ở Đỗ Xá (Yên Thường - Gia Lâm) đã làm để giữ lấy tinh hoa của tiền nhân. Tại sao không xây một cổng làng khác như ở Hậu Dưỡng, Đình Trung và Dược Thượng đã làm với những câu đối nhắc nhở cho đời sau yêu quý quê hương. Tại sao lớp trẻ đang quay lưng với quê hương, phải chăng vì không còn hình ảnh nào níu kéo? » .
Ðể kết luận bài trình bày này, về « Câu đối sống, câu đối tết và câu đối cổng ở Giáo Xứ Việt Nam Paris », tôi cũng xin đặt một câu hỏi, và câu hỏi đặt cho Giáo Xứ Việt Nam Paris. Có lẽ cũng là câu hỏi đặt ra cho nhiều cộng đoàn Việt Nam tại hải ngoại khác [3]. Chúng ta vẫn than phiền rằng giới trẻ càng ngày càng xa rời cộng đoàn. Phải chăng vì chúng ta, những người đi trước, chưa thấm nhuần được cái thâm sâu của văn hoá Việt Nam, không biết phải truyền lại cái gì, cũng không biết phải truyền lại làm sao cho « người trẻ hôm nay và ở đây » chấp nhận được ? Câu đối cổng làng, cổng xứ phải chăng là dịp để ta ôn tập lại, học hỏi lại cái văn hoá của ta, cái lý tưởng của ta, cái chí khí của ta và tìm ra được phương thức hữu hiệu truyền thụ lại cho thế hệ đến sau ?
Chuẩn bị đón Xuân Ất Mùi
Paris, cập nhật lần thứ hai, ngày 17/01/2015
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
Ghi chú
1. Nguyễn Thiện Chi ; Câu đối Việt Nam, biểu tượng nhịp cầu giao lưu văn hoá Việt Trung ;
2. Vũ Kiêm Ninh ; Câu đối - nét văn hóa tại cổng làng ; trong Tạp chí Dân tộc & Thời đại, số 94/2006
3. Nguyễn Hữu Thi (Linh Mục) ; Một vài suy tư về công tác mục vụ cho kiều bào ; trong Vietcathlic, ngày 170207