G |
ần đây mắt bên phải của tôi thường bị nhức mỏi khi tôi viết
bài, bỏ mắt kiếng ra hai con mắt hoa lên, ngàn sao lấp lánh quay tít mồng mồng.
Đến định kỳ khám mắt hằng năm, tôi tái ngộ BS nhãn khoa Dorothée,
cô đầm lớn hơn con trai cả của tôi vài tuổi, lịch lãm từ vóc dáng cho đến cung
cách, rất thân thiện vì gia đình tôi là khách ruột hơn thập niên.
Sau khi đo hai mắt, bảo tôi đọc vài hàng chữ cái, cô phán
tỉnh rụi :
- Cườm (cataracte) trong hai mắt của bà tăng nhanh hơn
năm ngoái, bên phải tăng nhiều nên mắt mau mỏi và độ viễn thị cũng tăng theo.
Tôi hỏi một câu ngớ ngẫn :
- Theo BS có cách chi cải thiện đôi mắt già nua của tôi
không ?
Cô cười :
- Có chứ, mổ cườm mắt là xong, tuy nhiên độ viễn thị có
thể tăng theo tuổi tác.
Tôi tò mò :
- Như vậy là tôi sẽ mang kiếng lão suốt đời.
Cô xác định :
- Đương nhiên cặp kiếng sẽ là bạn tri kỷ của bà, nó thân
thiết hơn cả ông xã của bà nữa đấy.
Thấy tôi tỏ vẻ thất vọng, cô bật mí :
- Có một cách giã từ vĩnh viễn cặp kiếng khó ưa kia nếu
bà chịu mổ cườm mắt và cẩn tròng mắt nhân tạo vào mắt chận đứng bệnh viễn thị.
Tôi mừng như bắt được vàng :
- Hay quá, thế cô tiến hành mổ mắt giúp tôi vậy.
Cô viết thư gửi tôi đến một đồng nghiệp, chuyên gia phẫu
thuật mắt để khám, lên lịch mổ và đưa bản chi phí giá cả cho hai ca mổ và ghép
tròng nhân tạo.
Tuần sau tôi đến phòng mạch chuyên gia mắt, một BS nổi tiếng
trong vùng, mát tay, mổ mắt liền tù tì như mổ gà, già trẻ lớn bé có đủ, khách
ngồi đầy kín phòng chờ.
BS tên Thomas, trên dưới ba mươi tuổi, tướng tá gần giống
Tonton « Macron, The kid» của Tây. Hắn khá điển trai trong bộ quần
Jean trắng, áo thun Lacoste màu cam tươi, giầy Bata xám dây giầy màu vàng,
« bộ cánh » multicolor mang phong cách thật nghệ sĩ chả dính dáng gì đến
ngành Y.
Nhìn BS tôi run, nhủ thầm, Chúa ơi tuổi trẻ tài cao, tài
tử kiểu này giao hai con mắt của con cho hắn liệu sau ca mổ con có nhìn đời nửa
trắng nửa cam như quần áo hắn đang mặc chăng ?
Chăng chớ gì, lỡ dẫn xác đến đây chỉ có nước nộp mạng cho
thiên thần mổ xẻ hay nghệ sĩ chi đó, sau ca mổ mới rõ hư thực, vì tất cả các cuộc
phẫu thuật đều có xác xuất năm phần trăm rủi ro.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, ông kẹ nào từng phán như rứa
làm tôi đâm hoảng, sau ca mổ nếu mắt của tôi bị biến sắc liệu đời có còn đẹp
như mơ hay sẽ loạn lạc khi hai con mắt nhìn màu sắc không đồng điệu.
Đến phiên tôi vào phòng khám, tôi chìa lá thư giới thiệu
của BS Dorothée, đọc sơ hắn cười nói :
- Bà có quen biết hay họ hàng với BS nhãn khoa họ Đoàn
tên Serge không ?
Tôi lắc đầu, hắn tiếp :
- BS Serge Đoàn một đồng nghiệp rất giỏi ở bệnh viện
Bichat trong Paris, người VN, chơi kèn Clairinette trong dàn nhạc thính phòng thật
tuyệt vời.
Hình như hắn thán phục BS Đoàn đồng hương cùng họ với tôi
vì tài đàn hơn là phần chuyên môn, biết đâu đó là một lợi điểm cho tôi.
Cặp mắt của tôi được đưa lên máy đo chạy một vòng, in bản
thông số mắt, hắn giải thích :
- Tuần sau tôi sẽ mổ mắt bên phải trước vì cườm nhiều hơn
bên trái, hai tuần sau sẽ tiến hành con mắt còn lại.
Bà phải nhịn ăn mười hai giờ đêm hôm trước, sáng hôm sau
vào bệnh viện mổ mắt, dĩ nhiên trước đó bà phải nhỏ mắt bằng mấy loại thuốc đặc
biệt, tôi sẽ ghi đơn và cách sử dụng…
Đợi hắn dứt lời, tôi nêu thắc mắc :
- Ca mổ kéo dài bao lâu, tôi sẽ được gây mê toàn thân hay
chỉ con mắt được mổ, có đau lắm không ?
Hắn trấn an :
- Chỉ mất mươi mười lăm phút để mổ và cẩn tròng mắt, tuy
nhiên phần gây mê mắt và chuẩn bị mất khoảng nửa giờ.
Tôi chợt nhớ :
- Thuốc gây mê được chích vào mắt ?
Hắn khoát tay :
- Chỉ vài giọt thuốc nhỏ vào mắt là xong, bà tin tôi đi,
mọi việc sẽ diễn ra không đau đớn, bà sẽ tìm lại đôi mắt sáng rỡ như thuở thanh
xuân.
Lạ thật hắn tên Thomas, cùng tên với môn đệ đa nghi thề sẽ
không tin Chúa đã sống lại nếu ông không xỏ tay vào cạnh sườn của Chúa, thế mà
hắn chả nghi ngờ chi cả, tin chắc như bắp là cuộc phẩu thuật sẽ thành công mỹ
mãn.
Tôi ra về nửa tin, nửa ngờ lời hứa của hắn, thắc mắc nghi
ngờ làm tôi mất ăn mất ngủ cả tuần, dù tôi cố tin sau ca mổ tôi sẽ tìm lại đôi
mắt tuổi đôi mươi, tuy không ướt át, lóng lánh lãng mạng nhưng sẽ sáng rỡ tha hồ
xỏ chỉ vào lỗ kim tí tẹo.
Đúng như thầy thuốc Thomas phán, sau mươi phút được BS
gây mê nhỏ vài giọt thần dược vào mắt, tôi được đưa lên bàn mổ nằm nhìn lên chiếc
đèn tròn sáng choang.
Bà y tá đến bên tôi tự giới thiệu bà phụ BS trong ca mổ
này rồi bôi thuốc sát trùng chung quanh mắt phải, nhỏ thêm vài giọt gây mê.
Trong giây phút này tôi chợt nhớ đến phép mầu Chúa chữa
người ăn xin bị mù bẫm sinh, chất bùn Chúa đắp vào mắt đã chữa lành ông ta, sau
đó ông đã đi theo Chúa.
Tôi được làm con Chúa từ lúc mới sinh chắc Chúa không nỡ
quên tôi, vài giọt thần dược bà y tá vừa rót vào mắt tôi biết đâu lại chả cỏ một
chút bùn của Chúa trong đó, tôi hy vọng và phó thác.
Ca mổ thành công, không đau đớn như BS Thomas khẳng định,
tôi ra về lòng còn hoang mang vì phải nhỏ thuốc vào mắt một tháng để tròng mắt
nhân tạo thích ứng hoàn toàn vào mắt thật, tuy nhiên cuộc tái khám tuần sau sẽ
xác định mắt bên phải của tôi có lành bệnh không.
Một tuần nhìn đời bằng hai con mắt không đồng điệu, mặc
cho con mắt vừa được « thanh tẩy » và mắt kia còn mang phận tội đồ bệnh
tật, tôi tiếp tục viết lách.
Hàng chữ trên Laptop lúc mờ lúc tỏ, tôi nhíu con mắt bệnh
tật để nhìn mặt chữ rõ hơn, ly Cappuccino màu café sữa trên bàn thoáng ngã màu café
đen, rồi trở lại màu café sữa.
Trong nháy mắt, đôi mắt của tôi bị « loạn sắc »,
chuyện thường khi mắt kia chưa được chữa lành, may thay đầu óc tôi vẫn sáng suốt
không ngộ nhận bất cứ điều gì.
Nhất là khi viết cho báo đạo tôi không thể tùy tiện cho rằng
« café đen, café sữa » đều như nhau, tôi làm sao dám « cải biên »
Phúc Âm theo ý mình nên không thể viết lang mang kiểu « tạp ghi ».
Từ bàn phím khi gõ chữ tôi thường nghĩ đến độc giả, người
bên kia bài viết của tôi sẽ nghĩ gì nếu tôi viết thật nhiều chạy theo số lượng mà
bỏ qua chất lượng, mặc cho bạn đọc không tài nào giải mã đám chữ mông lung khó
hiểu chi chít trong bài.
Có những bài viết, những bài thơ vi vu có vẻ cao siêu ẩn
dụ, thực chất nội dung lộn xộn khiến độc giả thẫn thờ lắc đầu…chịu thua, chữ việt
bỗng trở nên khó hiểu ngoằn ngoèo nhảy múa y như mẫu tự Ả Rập.
Thời nay văn nhân, thi sĩ mọc lên như nấm sau cơn mưa, mỗi
tác giả có phong cách riêng, ai có biệt tài đưa sản phẩm tim óc của mình vào
lòng độc giả người đó sẽ thành công.
Phần thưởng cao quý nhất của người cầm bút là được độc giả
tìm đọc bài của mình, số lượng người ái mộ quan trọng hơn số lượng bài viết, vì
tác giả không thể tự xếp hạng hoặc tự trao giải cho mình.
Hai con mắt mới của tôi đang sáng dần, một ngàn lẻ một
câu hỏi nghi ngại trước đây đã lùi vào dĩ vãng, giờ đây café sữa chắc chắn không
thể lẫn với café đen.
Mắt tôi đã sáng, cảm tạ Chúa luôn hiện diện trong mọi bước
ngoặc đời tôi, xin Chúa soi sáng để tôi tiếp tục đóng góp phần việc nhỏ bé của
mình vào cộng đoàn dân Chúa.
Juillet 2018 /
Đoàn Thị
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang