Mai Đức Vinh
Chân Phước Anrê Phú Yên
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU :
ỨNG XỬ BẤT BẠO ĐỘNG
Chúa Giêsu đã sống điều Chúa dạy
Anh em đã nghe người ta nói rằng : "Mắt đền mắt, răng đền răng" (Xh 21,24) Nhưng , nhưng Ta bảo anh em rằng : "Đừng đối địch với kẻ hung ác. Trái lại nếu bị người ta vả má phải, thì hãy giơ má trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện con để cướp lấy áo trong, hãy trao cả áo ngoài cho kẻ ấy. Và ai muốn bắt con đi một dặm thì hãy đi với kẻ ấy hai dặm. Ai xin, con hãy cho, ai mượn con đừng từ chối" (Mt 5,38-42). Đó là lệnh truyền 'ứng xử bất bạo động' của Chúa Giêsu trong Tin Mừng.
Lệnh truyền này quả là cực đoan (radicale), vì thế khó chấp nhận đối với một số người. Thậm chí họ bảo: 'giơ má trái ra', là lệnh truyền ngố nghế, ngây thơ, thụ động, và vô bổ…
Nhưng, Chúa Giêsu đã thực hiện điều Chúa truyền dạy. Lần ôn lại việc Chúa Giêsu chịu thương khó, từ vườn Cây Dầu cho tới lúcChúa thở hơi cuối cùng, là chúng ta thấy rõ... Chúa Giêsu đã để quân dữ đến bắt Ngài một cách dễ đàng, Ngài không chống cự. Đón nhận cái hôn giả hình và mưu kế của môn đệ Giuđa, Chúa Giêsu đã chỉ hỏi : 'Bạn làm gì thế?'. Quân lính đến bắt Ngài , không phải ở trong nhà nhưng ở nơi hoang vắng, tronng vườn cây dấu, không phải giữa ban ngày những giữa đêm khuya, lúc Chúa đang cầu nguyện... Trước toà vua quan Chúa yên lặng nhiều hơn trả lời. Và khi trả lời, Chúa nói với giọng cương quyết, nhưng vắn gọn, rõ ràng, không chua cay, thách đố hay tố giác ai. Chúa chỉ nói sự thật. Khi quân lính tra tấn, xỉ vả Chúa Giêsu, Ngài hoàn toàn im lặng, không một lời thở than. Cả khi bị môn đệ Phêrô từ chối công khai, Chúa Giêsu chỉ trả lời bằng cái nhin âu yếm…
Nhất là khi chức sắc và dân chúng Do Thái đòi đóng đanh Chúa Giêsu, Ngài không nói một lời thanh minh hay kháng cự. Im lặng, chịu đựng, nhẫn nhục, hiền hòa… Bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu không quan tâm đến lời nhục mạ, trách xéo của 'người trộm dữ' mà chỉ quan tâm đến lời cầu xin của 'người trộm lành'. Chúa Giêsu sống phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa Cha : 'Lạy Cha, Con phó thác linh hồn con trong tay cha'. Quả thật Chúa Giêsu đã sống phó thác, nhẫn nhục và bất bạo động như vậy cho đến lúc 'mọi sự được hoàn tất'…
Các Thánh Tử Đạo noi gương Chúa Giêsu
Các thánh Tử Đạo, kể từ thánh Têphanô, vị tử đạo đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo (Cv 7,1-60), các ngài luôn ứng xử theo gương 'bất bạo động' (non-violent) của Chúa Giêsu. Hai câu nói cuối đời của thánh Têphanô là hai lời cầu nguyện : "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con", và "Lạy Chúa, xin Chúa đừng chấp tội họ"..
Là con cháu đã nghe biết, đã đọc truyện các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãnh diện nói lên rằng : mỗi vị tử đạo là một Têphanô đã noi gương trọn vẹn gương sống bất bạo động của Chúa Giêsu, Vua các Thánh Tử Đạo.
Sau đây, giữa hàng vạn trường hợp, khuôn khổ tờ báo chỉ cho phép chúng ta nêu bật hai trường hợp : chân phước Anrê Phú Yên, vị Tử Đạo đầu Tiên (1644), đời Chúa Thượng, Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) và nhóm 5 thánh giáo dân thuộc xứ Ngọc Cục, bị trảm quyết năm cuối cùng (1862) thời bách hại của vua Tự Đức (1847-1883).
* Chân Phước Anrê Phú Yên : Cha Đắc Lộ, dòng Tên, là vị truyền giáo nổi tiếng ở Việt Nam vào thế kỷ XVII, cũng là người có sáng kiến thiết lập 'Hội Các Tháy Giảng' mà Chân Phước Anrê Phú Yên là một trong những thày giảng đầu tiên. Cha đã theo dõi gần gũi và ghi lại trung thực việc thày Anrê bị bắt, bị giam cầm, bị tra tấn và bị trảm quyết của người đồ đệ yêu quý này. Sau đây là những lời cha đã ghi lại về thày Anrê : Thày Anrê bị quân lính bắt giữa đêm khuya. Trước khi dẫn thày đi, họ xô đổ tứ tung bàn thờ và ảnh tuợng. Thày không chống cự, chỉ ôn tồn xin được xếp lại bàn thờ và ảnh tượng. Họ không cho, bắt dẫn Anrê đến thẳng quan tòa. Quan hỏi thày Anrê : "Tại sao anh lại đi ở với ông cố đạo. Có phải để kiếm cơm ăn áo mặc không?. Anrê trả lời lễ độ và cương quyết : Khônng phải vì miếng cơm manh áo, mà chỉ vì muốn sống đạo Thiên Chúa. Quan tòa thương Anrê là người trẻ thông minh, mới 19 tuổi đầu mà tỏ ra có nhiều tư cách, nhất là đức hiền từ, khiêm tốn và cương nghị, can đảm. Nhưng quan không thể tha Anrê được, vì Anrê cương quyết xưng đạo và sẵn sàng chịu khổ vì đạo. Vì thế quan cho lệnh tống ngục và bắt Anrê đeo gông thật nặng. Tiếp đến là quan làm biên bản tâu về chúa Nguyễn. Chúa phúc đáp bằng bản án trảm quyết… Trên đường ra pháp trường và trước khi bị chém đầu, Anrê luôn bình tĩnh, khuyên dân chúng trên đưòng đi và tại pháp trường. Tuy mang gông nặng, Anrê bước đi mau lẹ, nét mặt vui tươi, hớn hở. Tại pháp trường, quỳ trên mảnh chiếu hoa, Anrê cầu nguyện cho mình và cho mọi người, kể cả chúa Nguyễn, vua quan và lý hình…Quả thật, tuy tuổi đời ngắn ngủi với 19 xuân xanh, nhưng phúc tử dạo miên trường và vinh quang. Đó là hồng ân Thiên Chúa ban cho Anrê… (1).
* Năm thánh giáo dân giáo xứ Ngọc Cục : Đây là những bậc gia trưởng nổi tiếng đạo đức trong họ đạo và có thế giá về mặt xã hội. Thánh Đaminh Nguyện 60 tuổi là thày thuốc rành nghề, thánh Vinhsơn Tường 48 tuổi là ký lục làm việc trên huyện, thánh Đaminh Mạo 44 tuổi là phó lý, thánh Anrê Tường 50 tuổi giàu có nhờ nghề nuôi vịt, thánh Daminh Nhi trẻ tuổi nhất, 44 tuổi là trưởng bạ của làng. Các ngài bị bắt vào ngày 14. 09. 1861.Trước tiên bị giam giữ và tra tấn tại phủ đường Xuân Tràng. Ngày đêm các ngài bị cùm chân và mang cùm gỗ lim. Lâu lâu quân lính lại đến đánh mỗi người năm trượng. Trong hoàn cảnh khổ cực như vậy, các ngài vẫn bình thản, không một lời trách oán quan quân hay những người hàng xóm đã tố cáo. Các ngài chỉ biết khích lệ nhau đọc kinh, cầu nguyện để quyết chí 'không đạp ảnh Thánh Giá và mong mau được chết vì đạo Chúa Trời'. Lần thứ tư vai mang gông, tay đeo xích sắt, ra hầu tòa quan tỉnh, khi nghe quan hỏi 'các ông có muốn đạp ảnh để được tha không?', thánh Đaminh Mạo đã từ tốn nhưnng mạnh mẽ trả lời thay anh em "Tại sao các quan còn thử thách chúng tôi như thế này? Các ngài coi chúng tôi như trẻ con sợ hãi hình khổ hơn là sợ xúc phạm đến Thiên Chúa. Nếu muốn đạp ảnh để được tha, thì chúng tôi đã đạp ngay khi còn ở làng hay khi bị đưa ra phủ để khỏi bị tra tấn hành hạ, chứ đâu có đợi đến bây giờ. Các quan cứ xử như luật pháp cho phép và như ý các quan muốn. Phần chúng tôi, chúng tôi không bao giờ đạp lên Thánh Giá của Đấng Cứu Thế, và chúng tôi cương quyết không bao giờ chối Đức Chúa Trời đâu'. Nghe vậy, quan tỉnh nổi giận, truyền cho lính đem các ngài ra pháp trường Vụ Bản chém đầu luôn cả năm vị. Trước khi bị chém, các ngài đọc kinh Ăn Năn Tội và xin lý hình chém mỗi vị ba nhát để dâng kính Chúa Ba Ngôi (2).
Xin kết thúc bằng lời Thánh Thi lễ các Thánh Tử Đạo :
Đoàn hùng binh quyết kiên gan cùng Chúa,
Vui đau thương, khổ ải lẫn gian nan,
Chẳng trách móc thở than lời ca thán,
Lòng tin yêu nhẫn nại vô vàn …
---------
(1) Lm Đắc Lộ, 'Tường trình về cái chết vinh quang của Thày giảng Anrê tử đạo tiên khởi xứ Đàng Trong ngày 26.7.1644', trong cuốn Chân Phước Tử Đạo Anrê Phú Yên', 2000 tr. 53-77. Nguyẽn Khắc Xuyên phiên dịch)
(2) Lm Giuse Vũ Thành 'Dòng Máu Anh Hùng' III, Hoa Kỳ 1987, tr;326-328.
Bài viết khác
Chương Trình Hành Hương Đức Mẹ Lộ Đức 16/08/2024-20/08/2024 và Phiếu Đăng Ký
Hành Hương Thánh Địa : Cùng Mẹ La Vang Bước Theo Dấu Chân Chúa từ 23 đến 30/04/2023
Cáo Phó : Sơ Marie-Sophie Nguyễn Thị Phú
Thành Kính Phân Ưu - Thân phụ Cha Gioan Vũ Minh Sinh
Thơ : Thánh Lễ Tiễn Biệt Cursillista Many Hùng - Lê Đình Thông
Hình : Thánh Lễ Thêm Sức cho 27 em Thiếu Nhi Giáo Xứ ngày 10/10/2020
Thơ & Nhạc : Ngước Mắt - Lê Đình Thông
Hội Linh Mục Xuân Bích - Phó Tế Phạm Bá Nha
Dân Pháp trước sự chết - Mai Đức
Hàng trăm ngàn Tín hữu năm châu dự Đại Lễ phong Thánh Mẹ Têrêsa - Lê Đình Thông
Bữa Cơm Liên Đới Xây Dựng Giáo Xứ
Ngày Gia Đình thứ 14 Chúa Nhật 15-03-2015
CHIỀU THƠ NHẠC 05 Tháng 10 Năm 2014 Chương Trình Diễn Tiến & Âm Vang