BA MẸ - SÁNG MÃI MÀU BÍ TÍCH
“Ba Mẹ”, hai tiếng gọi trìu mến, thân thương mà tôi
mãi mãi khắc ghi trong trái tim mình, vì Ba Mẹ không chỉ là người trao ban sự sống
cho tôi vào ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, nhưng Ba Mẹ vẫn đang tiếp tục
trào đổ sự sống mình cho tôi trong từng phút giây; ngay cả khi tôi đang miệt
mài dưới ánh đèn để viết những dòng suy tư mang tính bí tích này, thì Ba Mẹ vẫn
chưa được nghỉ ngơi.
Ba Mẹ chăm chỉ miệt mài làm lụng, gia đình tôi cũng tạm
đủ ăn qua ngày. Cuộc sống êm đềm hạnh phúc dần qua đi khi nhà nước thu hồi đất
liên kết để chia cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, và cấp lại cho
gia đình tôi một mảnh đất khác. Ba Mẹ tôi kể như phải “làm lại từ đầu”, vì cây
cà phê đã quá già cỗi và hết khả năng cho thu hoạch. Lấy đâu ra tiền lo liệu để
giữ đất chăm lo cho bảy đứa con ăn học đây? Chỉ còn cách vay ngân hàng và những
nơi có thể. Ba Mẹ, từ đó phải dấn thân không mỏi mệt, không ngơi nghỉ vì trách
nhiệm gầy dựng tương lai cho con cháu. Đã đến độ tuổi hai thứ tóc trên đầu, “muối
nhiều hơn tiêu” rồi, mà Ba Mẹ vẫn phải lam lũ cơ cực quá sức tưởng tượng. Những
ngày nghỉ phép trong dịp tết âm lịch vừa qua là thời gian vàng ngọc tôi được sống
và sẻ chia với Ba Mẹ về những vất vả gian nan mà các ngài phải gánh chịu hằng
ngày hằng giờ.
Chào đời trên miền đất đỏ bazan trù phú Banmêthuột,
tôi gắn bó với cây cà phê từ thuở nằm trong bụng mẹ. Để có được thứ nông sản xuất
khẩu nổi tiếng xuất xứ Ban Mê - Việt Nam này, người nông dân đã phải gánh chịu
nhiều vất vả gian nan. Ba Mẹ tôi cũng không nằm ngoài số phận ấy. Các ngài đã
phải trải qua bao gánh nặng nhọc nhằn, dầm sương giãi nắng trong từng mùa làm cỏ,
xịt thuốc trừ sâu bệnh, vét bồn, tưới nước, bón phân, thu hoạch, phơi phong,
xay xát ra cà phê nhân thành phẩm. Những ngày giáp tết âm lịch vừa qua, khi nhiều
người được nghỉ ngơi sửa soạn đón tết, Ba tôi vẫn dầm mình trong rẫy cà phê
tranh thủ phát ít cỏ cho bớt việc để qua tết còn đi tưới. Mấy ngày cuối năm chị
em chúng tôi từ phương xa trở về nên nhà đông người hơn, chúng tôi chia ra người
ở nhà làm vườn rau với Mẹ, người cùng đi phát cỏ, bẻ chồi với Ba. Sau khi lên rừng,
tôi đi theo hướng Ba chỉ để nhổ cỏ trong gốc cà phê và bẻ chồi còn Ba thì phát
cỏ. Vì khá lâu mới lên rừng nên tôi luôn mất phương hướng, chốc chốc tôi lại
nhìn lên Ba để định hình lại hàng cà phê. Nhìn Ba gầy gò lấm lem, lất phất mấy
sợi tóc điểm bạc phủ mặt, liên tay phát cỏ lòng tôi bùi ngùi biết bao. Tôi nhớ
những khi còn ở nhà, Ba thường lái xe máy cày chở mấy anh chị em chúng tôi lên
rẫy làm cỏ mỗi dịp hè. Tôi luôn xí đi cạnh Ba vì hay được Ba cứu trợ mấy gốc
bên cạnh. Chị em làm thật mệt nhưng rất vui vẻ, sau ăn cơm trưa tất cả đi ngủ
còn Ba luôn dành thời gian nghỉ để mài cuốc cho từng đứa con. Ba luôn có dụng cụ
mài, cắt…chỉ cần nói cuốc cùn, đồ trong nhà hư là Ba đi mài, sửa cho ngay. Giờ
đây, chúng tôi đâu còn ai ở nhà, Ba Mẹ lại căm cụi làm với nhau. Rẫy cà phê đã
già nên không có trái nhiều thế mà năm nào Ba Mẹ tôi cũng an ủi chúng tôi “Nhà mình vài năm nữa sẽ khá thôi con, mấy đứa
cứ lo tu học cho tốt, sống cho tốt là Ba Mẹ vui rồi”. Chúng tôi im lặng và
thầm cầu xin trong tin tưởng bởi biết rằng chỉ có Chúa mới đủ sức làm những việc
diệu kỳ. Ngước mắt nhìn trời, lòng tôi lại se thắt bởi mấy ngày nay trời se lạnh
lại cứ lấm tấm mưa xuân, những dấu hiệu mà những người ở vùng Tây Nguyên chúng
tôi đều biết sẽ làm cho hoa cà phê nở không đều và thối ngay. Tôi ao ước kỳ nghỉ
phép không chỉ là mười ngày mỗi năm mà dài bao nhiêu cũng được, để tôi được có
cơ hội đỡ đần Ba Mẹ. Gia đình tôi bảy người con, hai anh chị đầu lập gia đình
còn năm chị em chúng tôi đều đang đi học. Là con gái trong gia đình nông dân,
tôi cũng được chia sẻ một chút những trải nghiệm khó khăn vất vả thường ngày, lòng
tôi không sao nguôi ngoai niềm thương cảm và khát khao được giúp đỡ Ba Mẹ, dù
‘đường con theo Chúa’ đã hơn mười năm trường.
Năm nay, chị em chúng tôi về thấy một vườn rau xanh um
nào là dưa leo, cà chua, xà lách, cải ngọt… lại thêm các loại rau thơm. Ba Mẹ
nói mấy đứa về đông nên năm nay Ba Mẹ chuẩn bị ít rau để khỏi đi mua tốn kém. Mấy
hôm tôi về cứ chiều chiều không thấy Mẹ đâu hỏi mãi Mẹ mới nói: “Mẹ tranh thủ đi cắt rau dưa cho người ta”.
Đã vất vả rau cỏ tưới tắm cho vườn rau ở nhà Mẹ còn tranh thủ đi làm thêm, Mẹ
nói “Mẹ quen rồi, với lại phải giữ mối để
còn có việc mà làm lâu dài”. Sau những bộn bề việc nhà, năm nào cũng vậy
khi gần giáp tết, Ba lại vui vẻ tham gia công việc túc trực Hội chợ Xuân của
Giáo xứ nên thường ăn vội chén cơm rồi đi trước và mãi đến giữa đêm mới về đến
nhà. Cuộc sống vẫn thế, dẫu vất vả ngược xuôi nhưng Ba Mẹ luôn sống trong sự
bình an của cái nhìn hướng thượng, đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và dành
cho chúng tôi tình yêu thương lớn lao.
Nhìn tóc Ba mỗi ngày bạc thêm, bởi những vất vả chồng
chất, trông đuôi mắt Mẹ in hằn thêm nhiều dấu chân chim bởi những lam lũ tân
toan của cuộc sống, lòng tôi như thắt lại. Khủng khiếp nhất là mùa tưới, Ba Mẹ
thường phơi mình dưới cái nắng gắt cháy da, mồ hôi nhễ nhãi để kéo ống, tưới nước
cho vườn cây cà phê đang ‘há mồm’ chờ những dòng nước mát, hầu đủ sức tồn tại
dưới cái nắng ghê hồn của trời Ban Mê. Sau những đêm thức để tưới cà, cột sống
của cả Ba và Mẹ đều như muốn sụp xuống vì gánh nặng cuộc đời. Nhiều đêm Ba đau
chân và tê gót không ngủ được. Năm ngoái đã có lần Mẹ nằm một chỗ đau phần ngực
vì không thở và làm gì được, dù chỉ là một việc rất nhẹ như cầm cái rổ rau. Mấy
ngày về, tôi cũng lao vào thử phát cỏ, cuốc luống…nhưng sức con gái đâu có là
gì. Ba thấy lại nói tôi đi làm việc khác, tôi vẫn lén làm giúp những khi không
có Ba Mẹ nhưng rồi cũng cảm thấy quá sức. Có lần, tôi điện thoại về thăm nghe
Ba ho nhiều quá, lại thấy lạ vì nghe tiếng mấy cô bác, chú thím tới thăm mới
hay Ba bệnh nặng. Tôi đau lòng qúa nhưng biết làm sao. Tôi thầm thỉ “Chúa ơi! Xin nâng đỡ ban sức khoẻ bình an
cho Ba Mẹ con.” Rồi trộm nghĩ: “Giá
mà ngày ấy mình đừng đi tu”, có lẽ sẽ rứt nghề nghiệp để về phụ giúp gia
đình được một cách tự do hơn, chẳng phải đợi có phép mới về. Lập tức, tôi nghe
tiếng thì thầm trong tim mình: “Ta cần
con cho sứ mạng dựng xây Nước Trời trong ơn gọi Nữ Vương Hòa Bình”. Tôi bật
khóc đang khi hai chị em cố cuốc cho xong mấy luống rau sẵn cho Ba Mẹ. Bật khóc
vì bất lực trước khó khăn quá lớn của Ba Mẹ. Hơn hết, tôi bật khóc vì cảm động
trước tình yêu tuyển chọn và hiến thánh mà Thiên Chúa dành cho tôi trong ơn gọi
của Dòng mang bản chất thừa sai: ưu tiên truyền giáo cho anh em sắc tộc trên miền
cao nguyên, dù tôi chẳng đáng là chi.
Cùng lúc ấy, những lời từ trái tim Đấng Sáng lập Dòng
như chảy vào tai tôi, như thấm vào dòng lệ mặn nóng lăn đều trên má và như muốn
nói với riêng tôi rằng: “Thiên Chúa muốn
con đem Chúa Kitô cho những người Thượng ở đây, những người đã được cứu rỗi
cùng một giá máu như con trên núi Calvariô” (Trích thư chung của Đức Cha
Paul Léon Seitz-Giám mục Giáo phận Kontum, gửi Anh Em Giáo Hữu Việt Nam Về Nhiệm
Vụ Truyền Giáo Đối Với Anh Em Thượng, năm 1958). Thiên Chúa đã lôi cuốn tôi vào
kế hoạch yêu thương ngàn đời của Người, tôi chỉ còn cách dấn thân theo Ngài
trong niềm tín thác của người môn đệ trung tín, mặc cho bão tố cuộc đời gào
thét ngay bên.
Ba Mẹ tôi phải vật lộn với cuộc đời vì miếng cơm manh
áo, vì tương lai của lũ cháu đàn con. Qua lăng kính siêu nhiên, tôi thấy Ba Mẹ
đang hiến tế chính cuộc đời mình cho con cháu, cho xã hội và Giáo hội. Kể từ
khi vào Dòng, tôi không phụ giúp gì cho kinh tế gia đình, thì dường như bờ vai
của Ba Mẹ càng phải ‘oằn gánh hơn’. Không ai bảo ai, năm chị em chúng tôi đều lần
lượt chọn con đường thánh hiến. Một chọn lựa dấn thân trong niềm tin tưởng phó
thác của tình yêu hy hiến. Mà Ba Mẹ là những người đã hy sinh quảng đại dâng hiến
chúng tôi cho Thiên Chúa. Mẹ luôn nói: “Tất
cả gia tài của Ba Mẹ bây giờ là chúng con thôi”. Ba Mẹ tôi không đi tu cũng
chẳng khấn dòng nhưng các ngài đã sống chiều kích hiến dâng âm thầm cho Thiên
Chúa, cho Giáo hội bằng sự vui vẻ dâng con lòng để phụng sự Chúa và phục vụ
Giáo hội. Sự hao mòn sức lực nơi Ba Mẹ cho tôi ánh nhìn xuyên thấu tới tình yêu
Thiên Chúa. Các ngài đang từng ngày trao ban nguồn sống của Thiên Chúa cho chị
em chúng tôi. Các ngài đang dần qua đi khỏi thế giới hữu hình này, bởi tôi thấy
được sự chết đi dần dần của Ba Mẹ nơi những hy sinh tảo tần sớm hôm, nơi cuộc sống
lam lũ thường ngày. Qua tấm lòng yêu thương như trời bể của Ba Mẹ, tôi nhận ra
dung mạo đầy yêu thương của Thiên Chúa nhân từ. Ẩn sâu trong từng giọt mồ hôi
thấm trên nương rẫy và trong suốt hành trình của đời lao tác là cả khối tình tựa
non cao của Ba Mẹ dành cho từng đứa con. Nhãn quan siêu nhiên cho tôi cảm nhận
chính Thiên Chúa đang tuôn đổ sự sống Ngài cho tôi ngang qua trung gian hữu
hình là chính hai đấng sinh thành nên tôi. Dù đi xa mái nhà dấu yêu đầy ắp sẻ
chia và kỷ niệm, lòng tôi luôn sống trọn tình con thảo và không ngừng hiệp
thông nguyện cầu. Hình ảnh Ba Mẹ luôn luôn ăm ắp trong tâm hồn tôi. Nhiều kinh
nguyện, nhiều đóa hoa hy sinh nhỏ bé và cả lòng yêu mến, là những món quà tôi
thường xuyên dâng tặng các ngài nơi Bàn Tiệc Thánh mỗi buổi bình minh. Tôi đặt
trọn con người và cuộc sống Ba Mẹ, đặc biệt là những ưu phiền lắng lo của các
ngài ‘trên đĩa thánh cuộc đời’ cho
tình yêu quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa. Nhờ đó, tôi an tâm tiến bước
theo Chúa trong hành trình của Tình Yêu và dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng
Hòa Bình của Chúa Kitô cho mọi người trong linh đạo của Hội Dòng, bởi trái tim
tôi mang niềm xác tín rằng Ba Mẹ đang hy sinh cống hiến dựng xây Nước Trời tại
thế và các ngài lao lực vất vả để chuẩn bị ‘hành lý’ tiến về cõi hạnh phúc đời
đời trong Thiên Chúa. Con người và trọn cuộc sống của Ba Mẹ là mẫu gương cho
tôi trong đời tông đồ về cách sống ‘cho đi vô vị lợi’, hy sinh không tính toán
và không trông mong đáp đền. Ba Mẹ, tuy hai mà một; hai con người, hai trái
tim, hai cuộc đời, hai mẫu gương phản chiếu màu tình yêu, màu bí tích và mãi
mãi là một bí tích duy nhất, hiệp nhất và nên một trong trái tim tôi.
Ba Mẹ, hai mẫu gương tôi tự hào và yêu mến nhất trên đời.
Tình yêu các ngài dành cho chúng tôi đơn sơ bình dị nhưng với tôi, mối tình phụ
tử phụ mẫu ấy trong sáng hơn pha lê và quý giá hơn kim cương vàng bạc gấp bội.
Nó phản ánh Tình Yêu vô biên của ‘Đấng Vô Thủy Vô Chung’. Mặc dầu là những thụ
tạo hữu hình, nhưng các ngài đã góp phần lột tả gương mặt tốt lành của Đấng Vô
Hình. Dù là thụ tạo hữu hạn, nhưng các ngài đã thể hiện xuất sắc tấm lòng của Đấng
Vô Biên-một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Tôi thầm cảm tạ ơn Chúa đã lập nên ‘Bí
tích thứ Tám’ cho riêng tôi là chính Ba Mẹ. Và tôi cũng vô cùng biết ơn Ba Mẹ
vì đã sẵn lòng cộng tác với Thiên Chúa để diễn tả sống động bí tích tình yêu của
Ba Ngôi, ngang qua đời sống mộc mạc chân quê nhưng giàu sự hy sinh của chính
các ngài. Với tôi, Ba Mẹ mãi mãi là gương yêu thương và là dấu chỉ hữu hình biểu
lộ tình yêu nhưng không lạ lùng của Thiên Chúa. Đặc biệt, qua hình ảnh Ba Mẹ,
tôi nhận thấy Chúa Giêsu đang hiến tế cho tôi trên Thánh giá. Ngài đang trút đổ
sự sống thần linh để tôi được sống dồi dào và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, nếu như
Ba Mẹ hiến mình cho chúng tôi trong thời gian và cách thức hữu hạn, thì Thiên
Chúa hiến mình cho con người mãi mãi. Nếu như Ba Mẹ chỉ có thể trao ban cho chị
em chúng tôi một phần sự sống của các ngài, thì Thiên Chúa lại trao ban cho
chúng ta tất cả sự sống của Ngài. Xin tri ân Thiên Chúa đã ban Ba Mẹ cho tôi.
Xin cám ơn Ba Mẹ đã chắp cho tôi đôi cánh thiên thần để nhẹ bổng bay cao trong
bầu trời hy vọng của đời tận hiến, dù nhiều lúc trời xanh có pha lẫn những đám
mây xám của mệt mỏi chán chường phủ vây, giăng kín. Tôi ao ước tiếp bước hành
trình gieo yêu thương Ba Mẹ đã đi qua, để dựng xây cho thế giới này thêm tươi đẹp
và dậy men Tin Mừng của lòng nhân từ Thiên Chúa hơn. Để rồi từ đây, tôi cố gắng
trở thành một mẫu gương và bí tích mới cho mọi người và cho thế giới, theo
khuôn mẫu tuyệt hảo là Chúa Giêsu, Bí Tích Tình Yêu cao cả muôn đời.
Mary
Thùy Dương
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang