(bài 2)
Thanh Hương
3. Tết Cao Niên Kỷ Sửu 2009 tại Giáo xứ Việt Nanm Paris, trưa chủ nhật 15.02.2009
Paris. Chủ nhật 15.02.2009 : Một TẾT CAO NIÊN đã được đặc biệt tổ chức cho các bậc cao niên trong cộng đoàn. Đây là một sinh hoạt mới mà Nhóm Chuyên Gia khởi sự tổ chức, tiếp nối công việc của Ban Mục Vụ Hôn Nhân đã khởi sự trước đây mười năm, vào năm 1999, với Lễ Thượng Thọ. Nhưng nếu lễ thượng thọ là một sinh hoạt nặng tính lễ nghi và chỉ tổ chức vào khoảng cách 7, 8 năm một lần, thì sinh hoạt cao niên lại thiên hẳn về gặp gỡ, sinh sống thường ngày và sẽ tổ chức nhiều lần trong năm, mà khởi đầu là « tết cao niên ».
Từ Lễ Thượng Thọ đến Tết Cao Niên. Ở Việt Nam ta, người cao tuổi rất được kính trọng, nhất là ở thôn quê. « Triều đình trọng tước, hương đẳng trọng xỉ » (Ơ triều đình quí trọng chức tước, ở nhà quê trọng người rụng răng cao tuổi). Nhà thơ Tam Nguyên Yên Ðổ, làm quan đến chức Tổng Ðốc, khi về làng vẫn đến quì lậy cụ già 80 tuổi trong làng không có chức tước gì.
Theo thuyền thống tốt đẹp ấy, cộng thêm với văn hóa hiếu thảo Việt Nam, con cháu thường tổ chức lễ mừng thọ cho các bậc cha mẹ ông bà, thường là vào tuổi 60 trở lên. Có gia đình tổ chức mừng từ 40, 50. Có năm bậc thọ, theo tuổi. Tiểu thọ từ 60 ; Trung thọ từ 70 ; Đại thọ từ 80 ; Thượng thọ từ 90 ; và Bách tuế từ 100. Những vị thọ từ 70 tuổi trở lên, nhất là từ 80, và đặc biệt được 100 tuổi, thì lễ mừng rất lớn.
Giáo Xứ Việt Nam Paris tiếp tục truyền thống hiếu thảo và tôn kính các bậc cao tuổi. Thánh lễ mừng thượng thọ các bậc cao niên đã thành thói quen. Ngày 31.12.1999 hơn 150 vị cao niên đã đến tham dự thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ, do Nhóm Mục Vụ Gia Đình lấy sáng kiến tổ chức. Bảy năm sau, ngày 31.12.2006, khoảng 200 vị cao niên, từ 70 tuổi trở lên, đã đáp lời mời của Ban Giám Ðốc Giáo Xứ, đến dự lễ mừng kính thượng thọ.
Ðể mừng thọ, trong những gia đình không công giáo, trước nhất người ta làm lễ gia tiên, ở nhà quê có thể làm lễ thần hoặc báo cáo với thôn giáp. Thôn giáp phải cử người đến mừng. Ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, lễ mừng thượng thọ luôn luôn được cử hành trong khuôn khổ một thánh lễ. Trước nhất, đại diện cho Cộng Ðoàn, Ðức Ông Giám Ðốc chúc mừng các bậc cao niên đến tham dự lễ. Ngài cũng không quên vạch rõ mục tiêu của lễ mừng thọ là để cho mọi người trong cộng đoàn và con cháu tỏ lòng quí mến và biết ơn các vị đã có công gây dựng gia đình, gầy dựng giáo xứ. Ðồng thời ngài trình bày ý nghĩa của tuổi thọ. Theo truyền thống Việt Nam và truyền thống Công Giáo, tuổi thọ là tuổi khôn ngoan, kinh nghiệm, là điềm có phúc, là dấu hiệu lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tuổi già cần được tôn trọng và phải được đánh giá cao.
Trong Hội Đồng mục vụ, từ hơn chục năm nay, nghĩa là từ những năm 90, nhiều tiếng nói đã gióng lên để đề nghị cộng đoàn làm một việc gì cho người cao niên. Trong buổi tọa đàm kỷ niệm năm hồng ân 60 tuổi của giáo xứ, tổ chức ngày 30.09.2007, một người đã phát biểu « Nói về tương lai tôi xin đề nghị 3 ước vọng, trong đó việc đầu tiên là xin Giáo Xứ lưu tâm hơn đến mục vụ xã hội, đặc biệt đến người già để tổ chức cho họ họp mặt, thảo luận, giải trí ».
Ngày chủ nhật 14 tháng 12 năm 2008, trong Đại Hội Mục Vụ lần thứ 51 của Hội Đồng Mục Vụ, ông tân chủ tịch đã loan báo một chương trình làm việc, trong đó có công việc lo cho các bậc cao niên. Ông nói : « Con xin được thông báo Ngày Hội Tết Cao Niên sẽ được tổ chức vào chủ nhật 15.02.09 tại Giáo Xứ bắt đầu bằng Thánh Lễ Cộng Đoàn lúc 11giờ 30. Sau nhiều năm đồng hành với Nhóm Chuyên gia / Liên Đới Nghề Nghiệp, dưới sự chỉ dạy của Cha Đinh Đồng Thượng Sách ; được Ban Thường Vụ và nhóm Chuyên Gia ủy thác, Con xin loan báo một quyết định là phải tìm cách tổ chức những sinh hoạt cho các vị cao niên của Giáo Xứ. Công việc này quả là một nhu cầu chính đáng, nhưng chỉ riêng Nhóm Chuyên Gia thì không thể nào làm được, rất cần có sự hổ trợ của Ban Giám Đốc, Ban Thường Vụ, Địa Điểm Mục Vụ, Đơn Vị Mục Vụ, nhất là Liên Đới nghề Nghiệp mà con muốn nhắm đến, cũng như tất cả mọi người thiện chí. Chúng ta có thể hình dung vài sinh hoạt như tổ chức các buổi hành hương bằng phương tiện công cộng tại các nhà thờ ít người biết đến, ví dụ Notre-Dame des Victoires Quận 2, Nhà Nguyện Dòng các sơ Adoration, Quận 6 Paris. Hoặc mỗi Địa Điểm Mục Vụ có thể đăng cai tổ chức một ngày cho các vị cao niên đến tham dự thánh lễ cộng đoàn, ngày cộng đoàn, hội Tết. Việc này cần vài người hy sinh lái xe đưa đi đón về, hoặc đem lại công tác tình nguyện cho các Nhóm khác của Liên Đới Nghề Nghiệp. Hội Tết Cao Niên được tổ chức nhằm nghe các nhu cầu ưu tiên, những ước vọng thiêng liêng, văn hóa xã hội của quý cụ để xem chúng ta có thể làm gì được cho các vị cao niên mà giáo xứ ít có dịp quan tâm đến. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta trong công việc hữu ích này ».
Quả đúng như lời ông chủ tịch. Ông đã được Ban Thường Vụ và Nhóm Chuyên Gia ủy thác. Trong hai phiên họp ngày 10.06.2008 và 16.09.2008, nhóm Chuyên Gia đã nêu ra một số công việc, có thể làm đối tượng cho sinh hoạt 2009 : thuyết trình, trực y-khoa trong các lễ chúa nhật, trực chuyên khoa chủ nhật thứ nhất mỗi tháng : y, nha, duợc, tâm lý, luật ; Sinh hoạt cho người lớn tuổi ; Giúp phát triển mạng Internet gxvn ; Hướng học, hướng nghề, tìm việc ; Nói về Thánh Phaolô ; Nói về Văn hóa (nhóm thư viện) ; Nói với phụ huynh có con học giáo lý thứ bảy, .. Nhóm cũng quyết định chọn một phương pháp làm việc mới : phương pháp dự án, với 4 nguyên tắc hành động căn bản : 1- Mỗi công việc là một dự án. 2-Mọi người đều có thể tham gia nhiều dự án. 3-Nhưng mỗi dự án phải có người trách nhiệm. 4- Tất cả những người trách nhiệm dự án đều phải liên lạc và thông cảm với cha tuyên úy, là linh hồn của nhóm, để bảo đảm cho công việc được thống nhất và đi đúng hướng mục vụ mong muốn của giáo xứ.
Hai dự án có tích cách chung cho nhóm thì người trách nhiệm dự án cũng là người trách nhiệm nhóm. Đó là dự án lễ Ba vua, bổn mạng của nhóm, và dự án tham gia Đại Hội và Tiệc thân hữu Liên Đới Nghề Nghiệp 01.05. Ba dự án mới cho niên khóa 2009 : Thuyết trình về thánh Phaolô, do Bs Tú trách nhiệm ; Hiện diện y khoa lễ 11giờ mỗi chủ nhật, do Bs Tú và Bs Hiền trách nhiệm ; Sinh hoạt cao niên, do ba chuyên gia Định, Tiến, Vượng đồng trách nhiệm.
Sau 4 phiên họp chuẩn bị, sinh hoạt cao niên đã được khởi đầu với TẾT CAO NIÊN, tổ chức vào chủ nhật 15.02.2009, qua hai phần : Thánh lễ xuân cao niên kỷ sửu và Tiệc văn nghệ cao niên.
Thánh lễ Xuân Cao Niên 15.02.2009. 11 giờ 30, ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ bước lên cung thánh và quay về cộng đoàn, ông nói : « Kính thưa Quý Cha, Quý Cụ, Cô, Bác cao niên,
Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày mồng 2 tết để cầu nguyện cho tổ tiên ông bà, nhằm mục đích nhắc nhớ và khuyến khích con cháu tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đó cũng là ý nghĩa của ngày Hội Tết Cao Niên được tổ chức hôm nay, theo sáng kiến của Nhóm Chuyên Gia, thuộc Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp của Giáo Xứ. Bước vào Thánh Lễ Cộng Đoàn này, chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các bậc Cao Niên được luôn khoẻ mạnh, an khang, vui hưởng tuổi già. Đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho hàng con cái biết trân trọng thực hành chữ hiếu, bổn phận hàng đầu của mỗi kytô hữu, biết nhận ra rằng « Không bao giờ để cha mẹ phải sống cô đơn, vì các ngài, khi đến tuổi cao, cần tình thương hơn là tiền bạc, cần viếng thăm hơn là của cải ».
Trong tinh thần đó, xin mời cộng đoàn chúng ta cùng đứng lên đón chào đoàn tế lễ và cùng hiệp dâng thánh lễ ».
Đoàn tế lễ, gồm toàn ban giám đốc và hai cha khách, từ cuối nhà thờ từ từ tiến vào cung thánh. Chiêng trống ba hồi chín tiếng nổi lên nhộn nhịp đón chào. Rồi tiếng chiêng trống nhỏ dần, nhường chỗ cho bài ca « Cầu cho cha mẹ » : Xin Chúa í a chúc lành cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn . Con sinh đến trong đời an vui nhờ có ơn trời, và ơn cha mẹ, suốt đời coi nhẹ khổ đau. Xin choc ha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời. Cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan »…. Rồi cứ thế, trong trang nghiêm và sốt sắng thánh lễ tiếp tục được cử hành trước sụ tham dự của cả cộng đoàn, trong đó, khoảng 200 khuôn mặt cao niên. Nhưng năm sự kiện độc đáo khiến các vị cao niên đến tham dự « Thánh lễ xuân cao niên » hôm nay ghi tạc một kỷ niệm đẹp.
Trước nhất là bài chia sẻ Lời Chúa của thầy sáu « cao niên » Phạm Bá Nha. Thầy chia sẻ : « Thật là ý nghĩa, hôm nay Nhóm Chuyên Gia Liên Đới Nghề Nghiệp tổ chức Thánh lễ xuân, chúc tuổi và tiệc xuân để mừng các vị cao niên trong cộng đoàn. Một sáng kiến mới, hay và ấm lòng trong giáo xứ. Trong dịp này, tôi xin chia sẻ với cộng đoàn và đặc biệt với các vị cao niên về hai ý nghĩa của việc « Mừng tuổi xuân các vị cao niên Kỷ Sửu 2009 ».
Ý nghĩa với các vị cao niên. Trước hết là lời cảm tạ Thiên Chúa đã cho mỗi vị sống thêm một tuổi mới, trong thời gian nghỉ hưu, được thảnh thơi, được đầm ấm nhìn thấy con cháu ríu rít đến chúc tuổi, được hạnh phúc ông bà dìu nhau đi lễ, dắt nhau đi dạo. Còn cảnh nào đẹp bằng.
Cảm tạ ơn Chúa đã cho ta một năm mới, có tuổi đẹp, không phải là để đi thụt billard, đi vào sòng bạc đỏ đen, mà là để thờ phượng Chúa, như ông già Simon xưa đa thưa cùng Chúa : Lậy Chúa, tuổi con đã gìà, con chắp tay ngợi khen và cảm tạ Chúa. Và nếu Chúa muốn con ra đi, con cũng luôn sẵn sàng.
Tuổi cao niên thảnh thơi vui sống cuộc đời, sốt mến thờ phượng Chúa, và để lập công lập phúc. để đền bù lại những thiếu sót thời xuân xanh. Khi ra đi, đáp theo tiếng Chúa gọi về. Lối vào và nơi đến đẹp hay không là tùy vào thời gian sống ở trần gian này.
Tuổi cao niên còn là bóng mát, như tàn che cho con cháu. Chiều cuối tuần, con cháu ra vào tấp nập, con trai con gái, cháu nội, cháu ngoại,… Thiếp chúc mùng, thơ thăm hỏi bay đến từ Mỹ, từ Canada, từ Úc đại lợi, từ Việt Nam,…Còn cảnh nào hạnh phúc hơn !
Nhưng tuổi cao niên cũng là tuổi của bệnh tật, của trắc trở, của hao mòn. Đó không phải là điều không may, cũng không phải là điều Chúa phạt. Nhưng hãy dùng tất cả những hao mòn của thân xác đó, để cùng vác thánh giá với Chúa, cùng chịu đau khổ với Ngài.
Ý nghĩa với con cháu, họ hàng, bạn bè. Thực là một hạnh phúc cho con cháu được có ông bà, để « kính lão đắc thọ », để « Bẩm thưa ». Bẩm thưa là nết đẹp của văn hóa Việt Nam, diễn tả sự tôn kính gốc gác, cội nguồn. bày tỏ lòng hiếu thảo đối với những « Bông hồng » trong gia đình còn sống này. Hãy kính lão đắc thọ, để được tuổi cao như ông bà ; Hãy nhờ và xin ông bà nội ngoại hai bên cố vấn cho để lấy được những quyết định sáng suốt khôn ngoan hơn cho cuộc sống ; Hãy lợi dụng thời gian ông bà cao niên còn sống, để báo hiếu đền ơn, đến thăm hỏi, biếu tặng đồng quà, tấm bánh, để tuổi già bớt cô đơn .
Có những vị cao niên còn đủ cả gia đình, còn đủ cả con cái, cháu chắt. Nhưng cũng có những vị cao niên côi cút, không có con cháu, gia đình không còn ai. Các vị cao niên đơn độc này cần đến sự thăm viếng, hỏi han của cộng đoàn. Xin cộng đoàn hãy nhớ đến những vị cao niên không thân nhân, mệt mỏi trong các viện dưỡng lão, đau yếu trong các nhà thương !
Kết luận, xin các vị cao niên hãy dâng lên Chúa những bệnh tật của mình cũng như của các bệnh nhân cao niên khác, để xin Chúa thánh hóa bệnh, tật, đau, yếu như thánh giá đền tội và lập công, lập phúc. Cộng đoàn chúng ta, cùng với các vị cao niên, hãy cảm tạ Chúa về những hồng ân Chúa ban, để thêm tuổi, cũng như các vị cao niên, chúng ta sẽ được thêm đạo đức và thánh thiện. Làm con, làm cháu, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta được biết giữ chữ hiếu cho vẹn toàn, biết luôn luôn đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục, biết nhận ra rằng « Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ».
Việc thứ hai có lẽ sẽ ghi một kỷ niệm đẹp nơi quí vị cao niên về dự Thánh Lễ Xuân Cao niên hôm nay là hai lời nguyện giáo dân, với những ý nghĩa rất đẹp, được một vị cao niên biên soạn bằng những lời văn hay, độc đáo.
Lời nguyện I
Hội Tết Cao Niên mừng Kỷ Sửu
Thanh niên tiếp nối phúc Thiên Hựu.
Măng non tiến bộ đức và tài,
Suốt cả năm nay, ơn cố cựu.
Giáo xứ là hình ảnh một đại gia đình. Tuổi cao niên thể hiện thế hệ từng trải luôn nâng đỡ con cháu. Trong thánh lễ xuân sáng nay, cao niên chúng con xin chúc tuổi Thiên Chúa là Đấng ban cho đất trời mùa xuân vĩnh cửu. Nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành cho các thế hệ con cháu tiếp nối, để họ biết giữ gìn công trình do các bậc đàn anh của các thế hệ trước đã khổ công gầy dựng, mà thêm khả năng và thiện chí kiện toàn các di sản ấy nơi các thế hệ trẻ. Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lời nguyện II
Thế hệ xuân hồng một ý thiêng,
Xin cho phụ mẫu được ơn riêng.
Niềm vui sức lực đều viên mãn,
Nhận lãnh hồng ân chớ muộn phiền.
Trong tâm tình thảo kính và tri ân, thế hệ con cháu chúng con nguyện xin Chúa luôn giữ gìn, che chở Đức Ông, Quý Cha, Quý Thầy Phó Tế, Quý Sơ, các bậc phụ mẫu và các bậc cao niên trong cộng đoàn, để các ngài luôn là lũy tre kiên cố nâng đỡ luỹ tre xanh là các thế hệ tiếp nối. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho các bậc cao niên sức khoẻ, sống lâu trăm tuổi. Càng thêm tuổi, tấm gượng của các ngài càng thêm trong sáng, làm mẫu mực cho con cháu mạnh dạn phục vụ Giáo Hội, qua cộng đoàn giáo xứ. Chúng ta cùng cầu nguyện.
Kỷ niệm đẹp thứ ba là hình ảnh ba cặp dâng lễ. Từ phía phải một đôi tân hôn trẻ mới lập gia đình, kề vai, sát cánh, bưng của lễ lộc Lời Chúa và hoa mai vàng.
Từ phía trái một cặp cao niên trẻ sóng đôi, dìu nhau bưng của lễ bánh chưng và trái, mứt.
Từ giữa lòng nhà thờ một đôi cao niên trẻ khác dắt nhau tiến lên, bưng của lễ bánh rượu.
Và cùng với hình ảnh đẹp dâng lễ, hẳn thật kỷ niệm thứ bốn sẽ là một bài thơ hay, tựa đề « Kinh Chiều », do linh mục thi sĩ Cung Chi soạn để « Kính tặng quí vị cao niên, Paris, ngày Tết Cao Niên, tại Giáo Xứ Việt Nam, 15.02.2009 » đã được nghệ sĩ Bích Thuận ngâm khéo, trước cộng đoàn, sau rước lễ. Thơ rằng :
« Chúa là Đấng suốt đời con nương tựa
Chớm thành hình sống động một bào thai
Chợt sinh ra rét mướt mảnh hình hài
Con đã được Chúa quan phòng che chở.
Trẻ non dại, đôi mắt nhìn bỡ ngỡ
Tuổi thanh xuân dào dạt ý xôn xao
Bước vào đời niên tráng mộng trời cao,
Chúa hướng dẫn đường đi như mục tử.
Bao nhiêu năm, bấy nhiêu năm trào ứ
Những ơn thiêng phúc lộc Chúa ân ban
Càng nhìn lại, càng cảm kích muôn vàn
Không có Chúa, đời con, đâu được thế ?
Giờ tuổi tác, từ núi đồi, dâu bể
Hướng « Nê-bô », Đất Hứa đã gần bên
Niềm an ủi cuối cùng cho « Mai-Sen »
Là hy vọng đời con lúc chiều xế.
Xin đón nhận con đi, cùng một thể
« Nào tự do, trí nhớ, lẫn quan năng
Nào nghị lực, nào ý chí sẵn sàng
Điều con có, mọi của con đang giữ
Chúa ban cho, giờ đây xin hoàn đủ
Chúa tùy nghi sắp xếp theo Chúa thôi
Gia Nghiệp con là chính Chúa : đủ rồi !
Con chỉ khát : Tình thương, Ơn Thánh Chúa.
Xin xót thương khi tuổi già héo úa
Như đã thương thời xuân sắc tươi xanh
Thủa tuyết trắng phủ kín trơ lá cành
Cần hơi ấm nhiều hơn thời hoa thắm ».
Kỷ niệm đẹp thứ năm có lẽ là ấn tượng và độc đáo nhất của Thánh Lễ Xuân Cao Niên Kỷ Sửu hôm nay là việc các vị cao niên nhận quà biếu và nhận lộc xuân đầu năm, do Đức Ông Giám Đốc và Cha Tuyên Úy trao tặng. Quà biếu là một món quà tinh thần, một lời Chúa được trích từ Thánh Kinh, trình bày rất trang nhã và ý vị trên một trang giấy in mầu, có hình diễn tả, gói gọn trong một phong bì đỏ ngày Tết. Lộc xuân là một cành hoa mai vàng, đã được chọn lựa và mua tận vườn từ hai tuần nay, ươm ủ trong một bầu khí ấm áp đủ ngày đầy tháng, nở rộ, hoành tráng. Hàng lối, rồi chen chúc, các vị cao niên và gia đình dẫn nhau lên bàn thánh nhận quà và nhận lộc xuân. Một năm mới rất nhộn nhịp, rất đạo đức, rất vui tươi đã bắt đầu !
Tiệc Xuân Văn Nghệ Cao Niên Kỷ Sửu 2009. Sau khi đã nhận quà và lộc xuân, các vị cao niên đã được mời qua không gian « Tiệc Xuân và Văn Nghệ Cao Niên Kỷ Sửu 2009 ». Từ cửa vào, các bạn trẻ đã đến phụ giúp Nhóm Chuyên Gia, dẫn đưa từng vị đến chỗ ngồi. Một sân khấu oai nghi, trang hoàng theo cảnh ngày Tết. Phần trên, giống như một bức hoành phi, ghi câu : « Xuân Kỷ Sửu, Mừng tuổi Quí Vị Cao Niên ». Cả giữa bức phông, một cành đào nụ hoa hồng đã được họa ra. Hai bên tả hữu một đôi câu đối : « Ơn Trời Lộc Đất - Con Cháu Thảo Hiền ». Chung quanh sân kháu ấy, tám dẫy bàn dài, mỗi bàn kê 10, 12 ghế. Hai bên tả hữu không gian tiệc xuân là hai dẫy bàn dài, trên mỗi bàn 5, 6 bếp lửa đang hâm nóng những thức ăn đã được chuẩn bị sẵn. Phía cuối không gian tiệc xuân, hai dẫy bàn khác bày sẵn rượu, nước, trái cây, bánh mứt.
Trong cung nhạc ngày tết, Quí vị cao niên dan díu chào hỏi nhau, đã từ từ đến chỗ ngồi và an vị. Theo lời mời của chị Thanh Lý, điều hợp chương trình và xướng ngôn viên, Đức Ông Giám Đốc, Cha Tuyên Úy và Ban Tổ chức Tết Cao Niên lên sân khấu. Đức Ông, rồi Cha Tuyên Úy ngỏ lời chào mừng các vị cao niên đã đáp lời mời của cha tuyên úy và ban tổ chức Chuyên Gia, đến dự Tết Cao Niên hôm nay ; chúc tuổi quí vị và chúc các vị vui vẻ hưởng xuân. Đức Ông cũng đặc biệt cám ơn Cha Tuyên Úy và Nhóm Liên Đới Nghề Nghiệp Chuyên Gia đã đưa ra sáng kiến mới là tổ chức Tết và các sinh hoạt khác cho các vị cao niên.
Tiếp lời Đức Ông và Cha Tuyên Úy, ông đại diện Ban Tổ Chức chào mừng quí vị cao niên. Ông nói : « Kính quý cụ, quý cô bác cao niên, Con rất lấy làm hân hãnh được đại diện Hội Đồng Mục Vụ, cách rêng Nhóm Chuyên Gia của Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp, xin có lời kính chúc Ân Sủng và Bình An đầu năm đến tất cả quý cụ hiện diện ở đây hôm nay.
Anh em Chuyên Gia phân công cho con đọc diễn văn, Con nghĩ mình bất tài làm sao thưa chuyện cho cân xứng với quá khứ dầy cộm huy hoàng của quý cụ được. Nhưng thôi, vâng lời trọng hơn của lễ. Thưq quý cụ cao niên, mời quý cụ đến đây hôm nay, chúng con chỉ ao ước được nghe quý cụ nói ra điều quí cụ mong muốn, hầu chúng con cùng đồng hành với quý cụ và tìm cách đáp ứng những ước muốn của quý cụ. Hội Tết Cao Niên được tổ chức hôm nay là nhằm lắng nghe quý cụ, xem quý cụ có những nhu cầu thiêng liêng, văn hóa, xã hội nào, hầu tìm cách làm một cái gì để đáp ứng những nhu cầu ấy.
Đầu Xuân Kỷ Sửu nơi xứ lạ quê người, xin kính chúc quý cụ được sức khoẻ dồi dào, được thọ, khang, an. Chúc quý cụ hôm nay Vui xuân và Ăn ngon với một thực đơn thanh đạm mà thịnh soạn, với đầy yêu thương, tâm tình và thiện chí của Nhóm Chuyên Gia và của các bạn trẻ trong Giáo Xứ đã hy sinh ngày « Tình Yêu » để đến đây từ tối hôm qua mà chuẩn bị cho Hội Tết Cao Niên hôm nay.
Lời chào mừng của người đại diện vừa dứt, cha Tuyên Úy ban phép lành, rồi Ban tiếp tân và hầu bàn bắt đầu làm việc, từ từ mời quí vị dùng nước, dùng rượu. Rồi các món ăn được liên tiếp bưng ra. Mỗi bạn trẻ lo hầu tiếp một bàn. Các vị cao niên vui vẻ dùng tiệc trong tiếng nhạc xuân êm ả, thảnh thơi.
Tiệc gần về cuối, Ban Văn Nghệ bắt đầu xuất hiện. Một chương trình đặc biệt đã được chuẩn bị, xoay quanh tám tiết mục chuyên nghiệp và độc đáo, với sự tham dự của một ban nhạc hùng hậu và một ban trình diễn điêu luyện.
Ly rượu mừng / Ban tổ chức đồng ca với thực khách
Múa Xuân ca / do 3 Thiếu Nhi diễn múa
Đồng ca « Cảm tưởng của người già về tuổi cao niên » / Gs Phuong Oanh
Hoà tấu nhạc dân tộc Công đức sinh thành / Minh Đức
Nu Nghe Si Bich Thuận Ngâm thơ
Vẻ đẹp Kim Vân Kiều qua lời phổ nhạc của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện / Thanh Vân
Vọng cổ / Minh Đức
Văn nghệ tự do (Ban Nhạc đảm trách) với thành phần nhạc sĩ : Clavier (Dac), Batterie Khanh), Basse (Khiem), Guitare solo (Chau), Guitare dem (Alain Dung), Saxo (Phat), Sono (Khoi)
Viet Nam - Viet Nam / đồng ca
Cuối tiệc, Gs Đỗ Mạnh Tri, đã đại diện các vị cao niên lên phát biểu cảm tưởng. Cụ Chi nói : Tuổi trẻ rất đẹp. Tuổi già cũng rất đẹp. Trong đầu óc tôi, tôi thấy mình không già đi tý nào cả. Nhưng trên đường phố, qua lời chào hỏi, tôi biết mình đang già đi. Cách đây ít lâu, ra đường, gặp người việt nam, có người chào tôi « Chào bác ». Tôi giật mình. Trước đây, người ta luôn luôn chào tôi : « Chào anh ». Nay có người « Chào chú », rồi « Chào bác ». Có người lại « Chào cụ ». Tôi thấy mình thật già. Một bữa đi lễ trong một nhà thờ, gặp Đức Cha Thống, ngài chào tôi « Chào Cụ ». Về nhà, chẳng nhớ tôi đã làm gì, mà nghe nhà tôi bảo « Ông sao mà lù khù vậy ». Thế mà tôi vẫn thấy trẻ, trẻ trong đầu óc, trẻ trong tâm tư. Trong các thứ trẻ có lẽ « trẻ với người trẻ » là khó nhất. Do đó, nếu muốn trẻ với người trẻ, thì người già phải học lại với người trẻ.
Tất nhiên người cao niên cũng có kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm thì như những bó đuốc, chỉ soi sáng được cho người cầm đuốc, chứ có soi sáng cho ai khác được đâu. Nếu người ta soi sáng được cho người khác bằng nhưng kinh nghiệm của mình, thì với bao nhiêu kinh nghiệm của bao thế hệ tích lũy, dồn đọng, làm gì còn chiến tranh, làm gì còn giặc giã.
Nhưng người ta vẫn bảo rằng « ta sống là sống trong hy vọng ». Có hy vọng thì ta mới vui được. Mà muốn có hy vọng thì phải có mục tiêu. Nếu chết là hết thì hết niềm tin rồi, hết hy vọng rồi. Người công giáo ta sống vì hy vọng. Ta hy vọng, và ta biết cái gì chờ đợi ta. Trên đường hy vọng, ta đã có một Đấng để mà theo. Đấng ấy chính là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống.
Không lên phát biểu trước công chúng, nhưng 75 vị cao niên khác đã ghi phiếu liên lạc, cho địa chỉ và cho cảm tưởng. Sau đây là 37 cảm tưởng đầu tiên đã được mở ra và ghi lại.
1. "Cám ơn các Cha tổ chức cuộc vui này, làm vui tuổi già cho các con."
2. "Vô cùng khen ngợi Ban Tổ chức "Mừng tuổi quý vị Cao Niên " và hy vọng sẽ tiếp tục"
3. "Xin cám ơn quý Cha và tất cả các anh chị em. Hôm nay tổ chức hết sức chu đáo. Tất cả mọi người rất vừa lòng "
4. " Cám ơn Hội Chuyên Gia đã nghĩ tới người lớn tuổi. Hy vọng trong tương lai sẽ có những buổi gặp gỡ cho những người lớn tuổi cho đở cô đơn nơi xứ lạ quê người "
5. "Rất ấm lòng vào dịp Tết 2009. Xin thành thật cám ơn "
6. "Rất Vui cho ngày hôm nay, nếu không có ngày hôm nay thì rất buồn, và xin cám ơn Ban Tổ Chức "
7. "Rất vui với tiệc hôm nay, vì có phong tục Việt Nam, ấm cúng "
8. "Tổ chức rất chu đáo . Xin tiếp tục hoan hô "
9. "Hôm nay rất vui mừng cho những người cao niên chúng tôỉ "
10. " Mong được dự lễ như vậy nhiều hơn Vui. Thích ."
11. " Cầu xin Ơn Lành, tất cả cho tốt đẹp"
12. " Rất thành công, nên tiếp tục tổ chức "
13. "Rất là vui trong lòng của tôi hôm nay, rất là phấn khởi và các cha tổ chức rất là đẹp đẽ trong ngày hôm nay "
14. " Khen tổ chức rất chu đáo. Món ăn rất ngon "
15. " Tôi rất hoan nghênh ý kiến của Cộng Đoàn Giáo Xứ "
16. " Lần đầu tiên rất vui mừng"
17. " Rất hân hạnh được dự lễ ngày hôm nay 15/02/09 . Rất Vui và rất cảm động
18. " Vui. Đặc biệt thường xuyên tham dự "
19. " Ăn ngon, Hát hay Đẹp. Tốt "
20. " Thành thật cám ơn nhiềủ "
21. " Ước mong, sẽ đến thường xuyên hơn. Hội càng ngày phát triển"
22.. " Ăn ngon thích "
23. " Tôi không có ý kiến gì hết . Tất cả đều tốt đẹp "
24. "Vui, thích . Mong được tham gia nhiều hơn "
25. " Nên có Ban Thăm Viếng người Cao Niên cô đơn , bệnh tật "
26. " Nên có những cuộc họp về tuổi già ( sức khỏe, ăn uống ) và cũng cần có những gặp gỡ,trao đổi không lệ thuộc tuổi tác "
27. "Có thể đi thăm bệnh trong Paris "
28. "Xin có dịp tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, các chương trình y tế để nâng cao việc giữ gìn sức khoẻ cho người lớn tuổi
29. " Nên cho mỗi vị cao niên biết số Tél của người trách nhiệm, để khi cần thì họ có thể liên lạc "
30. " Giữ gìn văn hóa Việt Nam. Cả Bắc lẫn Nam "
31. " Cụ có thể giúp đở cho chương trình "
32. " Bác xin làm xôi vò , Giò Thủ "
33. " Giúp Sức bằng bỏ giỏ "
34. " Rất muốn lên hát, nhưng vì bị trục trặc kỹ thuật; xin hẹn lần sau, nếu Chúa muốn "
35. " Tôi rất vui mừng khi đi dự lễ ở Mission Catholique Giáo Xứ Việt Nam. Vì được nghe Thánh Lễ bằng tiếng Việt và được gặp gở bạn bè cùng một xứ sở "
36. " Nên có những tổ chức cộng đổng tại Giáo Xứ để có một sự liên kết giữa các Kitô hữu Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các linh mục "
37. " Nếu có thể được, nên có mục hướng về giúp đỡ những người nghèo đói khó khăn ở trong nước để tỏ tình đơàn kết với đồng bào vùng xa xôi hẻo lánh "
Xin cám ơn các vị cao niên đã về dự TẾT CAO NIÊN được Nhóm Liên Đới Chuyên Gia tổ chức lần đầu tiên, ngày chủ nhật 15.02.2009, tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Tết Cao Niên đã liên tục được tổ chức. Tết Cao Niên Ất Mùi 2015 sẽ được tổ chức vào chủ nhật 15.02.2015, từ 11g30.
4. Tết Thiếu Nhi Canh Dần 2010 tại Giáo xứ Việt Nam Paris, trưa chủ nhật 21/02/2010
Paris- Chúa nhật 21/02/2010. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam Mừng Xuân Canh Dần. Đón xuân mới, niềm vui hiện rõ trên nét mặt các em thiếu nhi : mặt non non, xinh xinh như chồi xuân vừa mọc ; mắt long lanh, ngây ngô như ánh bình minh rón rén trong sương mai ; môi nhúm nhím như mỏ chim ra ràng chim chíp. Thiếu nhi là mầm non đang lớn lên. Của tuổi đời đang chập chững. Của sức sống đang trào lên. Của tương lai giáo xứ. Của tương lai dân tộc. Của tương lai nhân loại. Muốn biết tương lai của một cộng đoàn, hãy nhìn vào các thiếu nhi, mầm non của cộng đoàn ấy.
Thiếu nhi Cộng đoàn Việt Nam Paris dâng Chúa « Lời Kinh đầu Xuân ». Trưa 31/01/2001, là thành phần trẻ, hăng say, tích cực, các trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể đã giúp Ban Thường Vụ phục vụ Tiệc Xuân Canh Dần của Giáo Xứ. Tối 13/02/2001, đón Giao Thừa Canh Dần, là con cháu trong giáo xứ, các em Thiếu Nhi Thánh Thể đã đến tham dự thánh lễ, chúc tuổi Các cha, các bô lão và quí ông bà trong cộng đoàn. Trưa nay, chúa nhật 21/02/2010, từ 14 đến 18 giờ hơn, Toàn thể gia đình Doàn Thiếu Nhi Thánh Thể, gồm các em Dự bị Ấu nhi, Ấu nhi, Thiếu nhi, Nghĩa Sỹ, Huynh trưởng, Các Giáo Lý Viên, Các giảng viên Việt Ngữ, Các Phụ Huynh, … cùng nhau mừng xuân Canh Dần 2010. Mừng Xuân, trước nhất là mừng tuổi Chúa. Tất cả các em thiếu nhi đều tập trung trong nhà nguyện, để cùng cha tuyên úy và các cha khác cùng đồng ca nhập lễ, dâng lên Chúa « Lời Kinh Đầu Xuân »
Trong nắng xuân hồng, đàn chim hót ca vang lừng,
Trong gió Xuân nhẹ, ngàn hoa hương nồng khoe sắc.
Mùa hồng ân an vui cho gian trần,
Mùa mộng mơ nên thơ như mong chờ
Là mùa Xuân Cha ban cho trần gian,
Người vui xuân không quên câu tạ ơn.
Bao lỗi lầm ngày tháng cũ dại khờ,
Cha chí lành nguyện chớ chấp tội tình
Mơ có được lòng son sắt trung trinh
Qua bao ngày sống trong tình Chúa đẹp mơ,…
Thiếu nhi Cộng Đoàn Việt Nam Paris hiếu thảo. Mừng xuân sau nữa là nhớ đến công ơn cha mẹ, nhớ đến ông bà nội ngoại, nhớ đến cội nguồn, tổ tiên. Đó là điều mà nhiều em thiếu nhi đã kể lại với tôi trong buổi chiều. Tôi hỏi các em « Trong thánh lễ, Cha Tuyên Úy đã giảng cái gì, cháu có nhớ không » ? Một em trả lời tôi : thưa bác, cha đọc cho chúng con nghe câu thơ rất hay :
« Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con »
Em khác lại nói « Thưa ông, cha nhắc chúng cháu phải biết hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Nghĩa là phải biết vâng lời. Phải biết ngoan ngoãn. Phải biết giúp đỡ ông bà cha mẹ. Phải biết làm điều ông bà, cha mẹ muốn ».
Em khác thêm vào : « Thưa ông, cha bảo chúng cháu phải hiếu thảo với cha mẹ, vì cha mẹ là đại diện của Chúa. Vì cha mẹ đã sinh ra ta. Vì cha mẹ đã nuôi dưỡng, cho ăn, cho mặc. Vì cha mẹ đã dậy bảo, giáo dục ta ».
Một nhóm em khác lại nói với tôi rằng : « Thưa bác, cha kể cho chúng cháu câu chuyện hai bố con của một anh có tuổi cỡ nghĩa sỹ. Hai bố con anh này vào rừng chặt gỗ. Hai bố con, ai lo việc người nấy, Bố chặt. Con chặt. Tình cờ anh nghĩa sỹ quay lại chỗ bố. Anh hoảng hốt vô cùng, vì thấy một con hổ to, oai phong vô cùng, đang rón rén đến gần chỗ bố. Anh lấy bình tĩnh, tìm cách cứu bố, La to. Hét lớn. Thét mạnh, Rồi giơ dao phang vào dao, gây lên một tiếng mạnh chói tai. ! ! ! Con hổ giật mình chạy mất. Thế là bố anh được thoát nanh hổ. Thế là cái oai của hổ thua cái hiếu của anh nghĩa sỹ. Cha bảo nếu hùng dũng được như anh nghĩa sỹ thì tốt. Nhưng trong mọi trường hợp, phải giúp dỡ bố mẹ ».
Một vài em khác hỏi tôi : « Thế bác có biết hát bài Cầu chúc bình an cho cha mẹ không » ? Tôi hỏi lại : « Hát làm sao, các cháu hát cho bác nghe được không » ? Mấy em hát « 1- Xin Chúa í a chúc lành cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời và ơn cha mẹ suốt ngày coi nhẹ khổ đau. ĐK : Xin choc ha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời, cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan. 2- An vui cũng như đau buồn, luôn đẹp tấm lòng mẹ cha. Ai qua là bao chốn xa thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời, dù xa vô bờ vẫn nhờ đến tình mẹ cha ».
Thiếu nhi Cộng Đoàn Paris mừng xuân Canh Dần « TUỔI TRẺ VỀ NGUỒN ». Và mừng xuân là vui niềm vui của tuổi trẻ, niềm vui của về nguồn. « Tuổi Trẻ Về Nguồn » Đó là chủ đề văn nghệ của Thiếu Nhi Paris mừng xuân Canh dần. Theo chủ đề ấy, 16 mục Ca, Vũ, Kịch đã được chuẩn bị. Ai ai cũng tham dự. Cha Tuyên Úy đọc diễn văn. Các Huynh trưởng múa « Khúc hát ân tình ». Nghĩa sĩ đóng góp 4 màn : « múa lân », diễn kịch « Sự tích hạt lúa », múa « Tặng nhau dóa hồng », múa « Lối về xóm nhỏ ». Thiếu nhi tham gia 5 màn : diễn kịch « Ông Táo », hợp ca « Liên khúc Xuân », múa « Tuổi Ngọc », « Hành trình trên đất phù sa » và « Non nước hữu tình ». Ấu nhi cũng không chịu thua các anh Thiếu và Nghĩa sỹ. Các em góp 5 màn : Hợp ca « Mừng tết đến », « Xuân thắm tươi », múa « Tết đến rồi », « Điều ước », kịch sự tích dưa hấu ». Riêng các em DỰ BỊ ẤU NHI nhỏ nhất, chỉ làm có một màn, nhưng dễ thương nhất và gây hào hứng cho nhiều người nhất. Các em hợp ca « Bài chúc tết ».
Về nguồn qua Ca vũ nhạc kịch. Và về nguồn qua hương vị ẩm thực quê hương. Bánh chưng, bánh tét. Các thứ kẹo mứt. Chả giò, gỏi cuốn. Chả lụa, chả quế. Chè nhiều loại,…Các hương vị này do các phụ huynh Gia Đình Thiếu Nhi Thánh Thể đảm trách, phục vụ mọi người, từ trưa đến tối. Công lao phục vụ ấy làm sao mà các em quên được. Không chỉ ở Gia đình, mà còn ở Giáo Xứ. Chả trách các em vẫn hát : « Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời, dù xa vô bờ, vẫn nhớ đến tình mẹ cha » !
LỜI KẾT
Tết chính yếu là của gia đình. Nhưng gia đình lại thuộc vào một hay nhiều cộng đoàn, mà cộng đoàn lớn nhất là dân tộc, quốc gia. Cho nên, Tết cũng là ngày xum họp cộng đoàn, để nhớ đến xóm làng mình, nghề nghiệp mình, chí hướng mình, sinh hoạt mình, quốc gia mình. Mỗi người chọn hình thức cộng đoàn thích hợp của mình. Người thỉ chọn làng xã, đình chùa, nhà thờ. Kẻ khác chọn hội nghề nghiệp, như hội Nha Y Dược, hội Chuyên Gia, hội Giáo Chức, thân hữu Taxi, hội Doanh Thương, hội Dịch vụ, hội Xây Dựng. Người lại chọn Cộng Đồng, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, Tổng hội Sinh Viên, Balê Thi Xã, đảng phái chính trị.
Xum họp Cộng đoàn đặc biệt phát triển nơi kiều bào sinh sống ở hải ngoại. Vào dịp Tết, nhu cầu gặp gỡ đồng bào, đồng hương, để cùng thấy lại những bộ áo dài tha thướt, những bộ áo tấc, áo lương quê hương, để cùng ăn với nhau một bát phở, một miếng bánh chưng, cùng đọc lại với nhau những câu ca dao cổ truyền, cùng hát với nhau một bài dân ca, cùng nhắc nhớ nhau những ý nghĩa, phong tục ngày Tết, những trang sử dân tộc,… dường như mạnh mẽ hơn, thúc bách hơn.
Ở hải ngoại, Tết là một dịp hiếm hoi, mà một cách tự nhiên, có khi ý thức, có khi không, người Việt Nam bột phát cư xử với căn tính và căn cước là người Việt Nam của mình. Những ký ức tập thể dân tộc, chôn sâu trong tiềm thức, lại nổi phình lên, thúc bách, đưa đẩy mỗi người trở về với văn hóa, truyền thống, giá trị, niềm tin Việt Nam ; Những liên lạc, nối kết rộng ra với các đồng hương, đồng bào lại đặc biệt nổi cộm to ra, dẫn đẩy, thu hút phải đến gặp gỡ, sinh hoạt với người Việt Nam.
Người ta cùng đến xum họp cộng đoàn để thấy mặt nhau, gặp gỡ nhau, chúc tuổi nhau, trao tặng quà cho nhau, trao đổi khai bút xướng họa, cùng nhau nhớ về quê hương, dân tộc, với « văn hiến, sơn hà, độc lập, hùng cứ, cường nhược, hào kiệt » của mình. Mỗi người trở thành một Nguyễn Trãi mà đại cáo rằng :
« Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu.
Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác.
Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập ;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương.
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
(Nguyễn Trãi, « Bình Ngô đại cáo »,
trong Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Sống Mới, Q.1, tr. 242)
Paris, ngày mồng bốn Tết Ất Mùi
Chủ nhật 22 tháng 02 năm 2015
Thanh Hương