Thanh Hương
Ở Hải ngoại, người Việt Nam vẫn có khuynh hướng ăn Tết Gia Đình. Nhưng có lẽ đơn giản hơn ở Việt Nam. Bù lại, một nét văn hóa mới về Tết đã được sáng tạo và phát triển nhiều ở Hải Ngoại, đó là phong tục ăn Tết Cộng Đoàn. Mỗi vùng, mỗi thành phố lớn ở Pháp đều có Cộng Đoàn Việt Nam. Khi ở Lyon, từ 1973 đến 1975, tôi sinh hoạt và đã dự hai Tết 1974 và 1975 với Hội Sinh Viên (Quốc Gia) Việt Nam. Từ năm 1975, lên sống và làm việc ở Paris, tôi sinh hoạt và ăn Tết với cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Người Việt Nam công giáo đầu tiên đến Pháp là linh mục Hồ văn Nghi, thông ngôn của phái đoàn Bá Đa Lộc 45 người đến Pháp ngày 28.11.1787, được Nguyễn Vương trao quốc ấn và quốc thư sang thương nghị với chính phủ Pháp để xin viện binh (Trần Trọng Kim, Việt sử yếu lược, Q.2, tr. 109-111). Chiến tranh thế giới thứ nhất, 1914-1918, 50.000 thanh niên Việt Nam bị động viên sang Pháp tham chiến. Thế giới chiến tranh thứ hai, 1939-1945, 35.000 thanh niên Việt Nam khác bị “Mẫu quốc Pháp” động viên sang Pháp tham chiến. Giữa hai chiến tranh, khoảng 1500 sinh viên học sinh Việt Nam sang Pháp du học.
Năm 1946, khi Hội Công Giáo Việt Nam mở Đại Hội Nghị Toulouse trong hai ngày 31.03 và 01.04.1946, tại trại Saint-Cyprien, người ta đã ghi nhận sự hiện hữu của 47 cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Đại Hội này đã biểu quyết thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp vào ngày 01.04.1946. Liên Đoàn đã được Giáo quyền Pháp công nhận ngày 01.10.1947, lớn lên thành Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp năm 1952, và phát triển thành Giáo Xứ Việt Nam (vùng) Paris từ năm 1977 (Trần Văn Cảnh, Lịch sử biên niên Giáo Xứ Việt Nam Paris 1787-2013; 2014: 410 tr.)
Năm 1995 người ta ước lượng ở Pháp số người Việt Nam có khoảng 200.000; Vùng Paris có khoảng 44.769; Và số người công giáo thuộc Giáo Xứ Việt Nam (vùng) Paris vào năm 2006 có khoảng từ 13.000 đến 16.000 người (Ibid. tr. 103).
Về Tết Nguyên Đán ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, từ 1998, mỗi năm có nhiều cái Tết đã được tổ chức. Lịch trình Tết Ất Mùi 2015 đã được phổ biến trong tờ tuần san “Thông báo mục vụ”, số 424, ngày 11.01.2015 với 10 cái Tết như sau:
1. Thứ bảy 31.01.2015: Tiệc Xuân Thân Hữu Taxi
2. Chủ nhật 01.02.2015: Tết Giới Trẻ
3. Chủ nhật 08.02.2015 : Tiệc Xuân của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris
4. Chủ nhật 15.02.2015 : Tết Cao Niên, Cộng Đoàn Ermont, CĐ Antony
5. Thứ Tư 18.02.2015 : Lễ Giao Thừa (20g00)
6. Thứ Năm 19.02.2015 : Mồng Một Tết (Lễ 11g30)
7. Chủ nhật 22.02.2015 : Tết Cộng Đoàn Cergy Pontoise
8. Thứ bảy 28.02.2015 : Cộng Đoàn Villiers Le Bel
9. Chủ nhật 01.03.2015 : Tết Thiếu Nhi, Cộng Đoàn Marne La Vallée
10. Chủ nhật 08.03.2015 : Nhóm Xây Dựng
Dẫu mỗi năm cả chục lễ hội Tết đã được tổ chức, nhưng bốn cái Tết đã được nhiều người tham dự hơn cả, vì ý nghĩa của nó và vì liên hệ đến nhiều người hơn cả. Xin ghi lại 4 Tết này trong 4 năm khác nhau, qua 4 phóng sự khác nhau, mà tôi gọi là « Bốn cái Tết cộng đoàn ấn tượng ở Giáo Xứ Việt Nam Paris ». Đó là Lễ Giao Thừa Tết Đinh Hợi 2007, Tiệc xuân Tết Mậu Tý 2008, Tết Cao Niên Kỷ Sửu 2009 và Tết Thiếu nhi Canh Dần 2010.
1. Giao thừa Tết Ðinh Hợi 2007 tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, tối thứ bảy 17.02.2007
Cũng như bất cứ người việt nam nào khác, người việt nam công giáo Paris, hàng năm hội họp lại để mừng tết nguyên đán. Tất cả các tục lệ việt nam đều được cử hành một cách nghiêm trang, đặc biệt là thánh lễ giao thừa.
Canh thức Giao Thừa. 20 giờ, tối thứ bảy 17.02.2007, tất cả các giáo hữu tụ họp tại giáo xứ, khởi đầu bằng phần canh thức. Chữ canh thức được diễn tả rất đày đủ, bởi vì mọi người đều thức để mà đợi, đợi trong sự ôn lại tục lệ ngày tết, nhớ lại ông bà, đọc lại một vài trong sử quốc gia, trao đổi một số ý kiến dân tộc... có lẽ ít có đơn vị xã hội nào cử hành canh thức giao thừa một cách ‘văn vẻ như giáo xứ Balê’.
Dâng lễ kính Chúa. Sau phần canh thức là phần thánh lễ giao thừa. Nói là giao thừa, chứ thực ra không đúng là giao thừa, vì bắt đầu khoảng 20 giờ 30. Không kể những phần nghi lễ hoàn toàn công giáo, hai điểm rất độc đáo văn hóa việt nam. Đó là phần lời nguyện. Tất cả những lời nguyện đều hướng về tổ quốc, đều đượm tình dân tộc, như cầu cho quốc gia được bình an, cầu cho các nhà lãnh đạo biết lấy công ích quốc gia làm chuẩn đích thay vì tư lợi, cầu cho dân tộc được đoàn kết, thương yêu nhau... Rồi qua bài giảng, như là gia trưởng trong đại gia đình giáo xứ, Ðức Ông Giám Ðốc, vì thường là Ðức Ông Giám Ðốc chủ tế lễ này, nhắn nhủ cộng đoàn giáo xứ một cách rất khiêm tốn, nhưng không thiếu phần uy quyền về những vấn đề cộng đoàn, dân tộc. Chia sẻ Lời Chúa của thánh lễ giao thừa năm Đinh Hợi, Đức Ông đã đặc biệt nhắc đến « Những cái Phúc của Chúa ». Thường thì vào dịp Năm Mới, mọi người đều chúc nhau ba chữ « Phúc, Lộc, Thọ » và đôi khi giản tiện, họ chỉ chúc nhau chữ « Phúc ». Thực ra trong chữ Phúc đã ngầm ý có Lộc và có Thọ. Thậm chí, chữ Phúc đã gồm cả năm cái phúc là « Phúc, Lộc, Thọ, An, Khang » rồi. Chữ « Phúc » của thế gian là thế. Nó gồm năm cái. Nó là may mắn, là lương bổng, là sống lâu, là an bình, là khoẻ mạnh.
Cái Phúc của Chúa gồm tám cái : Nó là hiền lành, sầu khổ, khao khát nên người công chính, có lòng xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì công chính, bị xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều vì Chúa. Chúc Cộng Đoàn cảm nhận được những cái phúc của Chúa, để sống cho, sống vì và sống với Chúa và anh em. Chúc Công Đoàn được Phúc Lành của Chúa.
Chúc tuổi, Mừng tuổi, Hái lộc Lời Chúa. Phần « Dâng Lễ Kính Chúa » kết thúc với bài hát cầu cho gia đình, Đức Ông thay mặt Ban Giám Đốc, chúc tuổi các Bô Lão, các Chức Việc trong Ban Mục Vụ Giáo Xứ và toàn thể giáo dân hàng xứ. Đại diện giáo dân, ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ chúc tuổi các cha, các tu sĩ, các bô lão quan viên và toàn thể cộng đoàn. Lời chúc tết của ông chủ tịch thường vắn gọn, nhưng chan chứa văn hoá và văn thơ. Xin trích nguyên bản lời chúc tết đọc vào giao thừa Ðinh Hợi, tối 17.02.2007 như sau :
Kính thưa Đức Ông Giám Đốc Giáo xứ, quý Cha Tuyên Úy, quý Thầy Phó tế, quý Nữ tu, quý Ông Bà và các Bạn trẻ,
Cùng với Thánh lễ Giao Thừa, Cộng đoàn Giáo Xứ hân hoan đón nhận Hồng Ân Thiên Chúa trong năm kỷ niệm 60 thành lập, kể từ năm Đinh Hợi 1947 đến năm nay cũng là Đinh Hợi 2007. Trong vận niên lục giáp, thời điềm 60 trong lịch sử Giáo Xứ có một ý nghĩa đặc biệt : Trong ngũ hành, Đinh tượng trưng cho Hỏa là lửa thiêng : Thánh Thần Thiên Chúa ban cho cộng đoàn nhiều ơn ích thiêng liêng. Hợi tượng trưng cho sự sung túc. Trong suốt lịch sử 60 năm, Giáo Xứ đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, luôn vững vàng thẳng tiến. Đón mừng năm Hồng Ân Đinh Hơi 2007, Hội đồng Mục xin có hai câu đối :
Đinh Hợi giao hòa Hồng Ân hồn xác
Cộng đoàn hiệp nhất mở mang đạo đời
Hồng Ân năm nay còn thể hiện ý thơ của Tú Xương : Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà. Trong khói trầm hương linh thiêng của Thánh Lễ đầu năm, Hội đồng Mục vụ kính chúc Đức Ông Giám Đốc, quý Cha, quý Thầy Phó tế, quý Nữ tư được nhiều ơn lành hồn xác, quý Cụ nhiều sức khoẻ, quý Ông Bà thịnh vượng, các Bạn thanh niên thăng tiến việc làm, các cháu học hành tấn tới. Chúng tôi cũng không quên tất cả các bệnh nhân trong cộng đoàn đang trải qua những ngày khó khăn thử thách. Nguyện xin Thiên Chúa Tình yêu ban cho quý vị sớm được phục hồi sức khoẻ.
Chúng tôi xin kính chúc cộng đoàn bằng bài thơ Đường sau đây :
Đêm nay Giáo Xứ đón Hồng Ân,
Khấn nguyện ơn ban khắp Cộng đoàn :
Các cụ tăng thêm nhiều sức khoẻ,
Người đau bớt nhẹ ách cơ hàn.
Gia đình ấm cúng thêm nhiều phúc.
Tuổi trẻ chăm lo việc học hành.
Các bậc chăn chiên nhiều Thánh Đức,
Năm Đinh Hợi đến Tết Hồng Ân.
Xin cám ơn toàn thể quý vị.
Tiếp theo là phần mừng tuổi, lì xì trong một bao giấy đỏ, một món tiền nho nhỏ được những thành viên Hội Đồng Mục Vụ trao cho các hội đoàn thanh thiếu niên. Gọi là nhỏ, chứ thực ra tò mò, tôi hỏi mấy em thiếu nhi, mấy em bật mí rằng khoảng trên dưới trung bình 1.000 euros.
Nghi lễ chúc tuổi và mừng tuổi chấm dứt, Ban Giám Đốc ban « Lộc Lời Chúa ». Trong những khay, nhiều Lời Chúa đã được gói trong các bao thơ đỏ. Các linh mục và phó tế chìa khay ra để mỗi người « hái » lấy một bao thơ, trong đó có một Lời Chúa. Lộc Lời Chúa năm nay tôi hái được là câu Sách Khôn Ngoan 1, 1 như sau : « Hãy yêu chuộng đức công chính, hỡi những người cai trị thế gian, hãy suy tưởng ngay lành về Đức Chúa và thành tâm kiếm tìm Người ».
Ăn Tết, chia nhau ly rượu, bánh tét, mứt gừng, quà Tết. Sau thánh lễ, mọi người đều được mời ra ‘ăn tết’. Trên một bàn dọn sẵn nào bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, nào kẹo mứt, nào trái cây, nào rượu nước, mọi người nâng ly uống với nhau một ly đầu xuân. Cũng lúc này, nhiều người trao cho nhau những gói quà được chuẩn bị từ trước, với lời lẽ và nghi lễ rất ư là tết ‘Xin biếu anh chị chút quà tết’ ! Bạn bè, con cháu, thân thuộc lợi dụng dịp này chúc tuổi nhau. Đôi khi cảm động đến khóc. Mấy năm nay, thường có mấy cặp đã học khóa chuẩn bị hôn nhân đến chúc tuổi tôi vào lúc này ‘chúng em xin chúc tuổi thầy cô’. Rồi một vài học trò cũ ngày xưa ở Việt Nam, trong đó thỉnh thoảng có vài linh mục cũng đến kính cẩn thưa ‘em xin chúc tuổi thầy’. Văng vẳng đâu đây lời ca « Ngày xuân nâng chén, ta chúc cho nhau,… », « Chúa ôi nay ngày xuân,… » xen lẫn những lời chúc : « Chúng con xin kính chúc tuổi cha, … Xin chúc cha một năm mới dồi dào ơn Chúa và sức khoẻ,… Xin chúc anh chị và các cháu mọi điều an lành trong năm mới, anh chị làm ăn phát tài, các cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới,… được Chúa chúc lành,…
Ngày mồng một tết năm nay trùng vào chủ nhật cuối tuần, nhưng nhiều năm khác vào ngày thường trong tuần vẫn phải đi làm. Với một tinh thần ‘đáo giang tùy khúc, nhập gia tùng tục’, một ngày chủ nhật gần, trước hay sau tết, đã hoặc sẽ được chọn để ăn tết chung, qua một bữa TIỆC XUÂN trọng đại và đông đủ cho toàn cộng đoàn. Bà con họ hàng nhiều khi dành chỗ đến cả năm ba bàn, để cùng gặp nhau trong ngày tết, cho con cháu ăn uống chung và nhận biết anh em !
2. Tiệc xuân Tết Mậu Tý tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, trưa chủ nhật 27.01.2008
Tết Mậu Tý 2008 năm nay nhằm ngày thứ năm 07.02.2008. Một tháng trước và sau đó, ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, Tết đã được liên miên tổ chức. Tết kéo dài cả hai tháng. Tết chung cho toàn giáo xứ, với Lễ giao thừa và Tiệc xuân của Hội Ðồng Mục Vụ ; tết riêng cho từng địa điểm mục vụ, tết của Antony, của Sarcelles, Villiers-Le-Bel, Cergy, Marnes La Vallée,…Tết của các hội đoàn, ban, nhóm, tết của Thân hữu Taxi, tết của Thiếu Nhi, tết của Nhóm Trẻ, tết của các lớp Pháp văn, …
Thành lập ngày 30.10.1983, Hội Ðồng Mục Vụ đã quyết định tổ chức Tiệc Xuân Thân Hữu từ 1986. Từ đó, Tiệc Xuân Thân Hữu trở thành truyền thống của cộng đoàn Giáo xứ Việt Nam Paris. Chương trình đại cương gồm hai phần : Thánh lễ tạ ơn chung cho toàn cộng đoàn và tiệc xuân với phụ diễn văn nghệ.
Thánh lễ tạ ơn. Mở đầu Tiệc Xuân Thân Hữu MẬU TÝ chủ nhật 27.01.2008, một thánh lễ đã được cử hành với sự tham dự của toàn Ban Giám Ðốc : Ðức Ông Mai Ðức Vinh, cha Ðinh Ðồng Thượng Sách, cha Trần Anh Dũng, cha Nguyễn Thanh Ðiển, cha Nguyễn văn Cẩn ; các thầy phó tế vĩnh viễn Nguyễn Văn Thạch, Phạm Bá Nha, Tạ Ðình Chung ; các nữ tu Thân Kim Liên và Nguyễn Thị Kim Thoa. Dĩ nhiên trong cộng đoàn tham dự thánh lễ, chật cả nhà thờ, có Ban Thường Vụ và các thành viên của Hội Ðồng Mục Vụ. Ngoài ra còn có một số linh mục gần xa liên lạc với giáo xứ.
Chào mừng cộng đoàn và đoàn đồng tế, Bà Huỳnh Anh Thư, Ủy Viện Phụng Vụ và Thánh Ca, mời cộng đoàn chuẩn bị đi vào thánh lễ : « Ngày Thân Hữu với Bữa Tiệc Xuân. Đây là dịp để mọi người trong cộng đoàn gặp gỡ nhau. Gia đình gặp gỡ gia đình. Cộng đoàn Giáo xứ vui mừng đón Bạn hữu đến từ các cộng đoàn khác. Vòng tay sẵn sàng. Cõi lòng rộng mở. Chúng ta không chỉ còn là cộng đoàn thuộc Phao lô, hay thuộc Apollo, là cộng đoàn chia năm xẻ bảy ở các địa điểm mục vụ xa gần, mà chúng ta chính là cộng đoàn Giáo xứ Việt nam Paris. Cộng đoàn ấy, hiệp nhất trong Chúa Kitô, sống giữa lòng Giáo Hội và xã hội ngày nay.
Do đó, Ngày Thân Hữu của chúng ta thực sự có ý nghĩa khi có sự Hiệp Nhất : Hiệp Nhất cộng đoàn, xum họp bạn hữu. Hiệp nhất trong Chúa Giêsu Thánh Thể vì cùng một tấm bánh và trong Anh Chị Em vì cùng là con của một Cha trên trời. Trong tinh thần Hiệp Nhất ấy, chúng ta cùng vui mừng đứng lên đón đoàn tế lễ ».
Chia sẻ lời Chúa, Ðức Ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh nhắc đến ba ý nghĩa của Tiệc Xuân Thân Hữu : 1- Ý nghĩa cộng đoàn cảm tạ và cầu nguyện về những ơn lành Chúa đã ban cho cộng đoàn trong 60 năm qua và đặc biệt trong năm 2007 vừa qua, năm mà giáo xứ kỷ niệm 60 năm thành lập với nhiều lễ hội và công việc ; 2- Ý nghĩa cộng đoàn ánh sáng, để chiếu tỏa tin mừng ánh sáng phục sinh ra khắp chung quanh, trong đời sống tập thể cộng đoàn cũng như trong đời sống cá nhân mỗi người ; 3- Ý nghĩa cộng đoàn hiệp nhất, trong cùng một tinh thần của Chúa Thánh Linh, qua cùng một tấm bánh của Chúa Thánh Thể, để mỗi người và mọi người cảm thấy minh là anh em của những anh em khác.
Tiệc xuân có phụ diễn văn nghệ đã được khai diễn trong phòng khánh tiết. Trên dưới 33 bàn tiệc đã được dọn sẵn. Thực khách đa số là Việt nam. Nhưng thân hữu ngoại quốc, đặc biệt là người Pháp cũng hiện diện một số.
13 giờ 30n một hồi trống xuân vang lên, Các em thiếu nhi múa lân. Ông chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ và toàn Ban Thường Vụ lên sân khấu ; Ông chủ tịch ngỏ lời chào mừng và chúc xuân toàn thể cộng đoàn. Ðức ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh ban phép lành và tuyên bố khai mạc tiệc xuân. Mọi người nhập tiệc. Khởi đầu với 6 món khai vị : Nem chua, Bì cuốn đặc biệt, Tôm lăn chiên bột, Càng cua chiên ; Rồ hai món chính : Tôm cải xào thập cẩm, Xôi bát bửu ; và kết thúc với ba món tráng miệng : Chè ba ba, trái cây, café và rược sâm banh. Rất nhiều người khen món ăn năm nay ngon, rất ngon.
Trong bữa ăn, Ban Du ca đặc biệt góp phần vui xuân với nhiều màn trình diễn đặc sắc : ca, hợp ca, kịch, múa, ngâm thơ,…hợp ca Du ca hành khúc, hợp ca Mừng xuân đến, hợp ca Chúc xuân, hợp ca Em đón tết, cổ nhạc Ngắm hoa chúc tết, nhạc kịch Lý đất giồng & Ðò đưa, múa Khùc nhạc ngày xuân, kịch vui Kính đeo mắt, hợp ca xuân về, Ðơn ca Xuân tha hương, múa Xuân và tuổ trẻ, nhạc kịch Hát xuân AVT, hợp ca Nắng đã lên rồi. Kết thúc phần văn nghệ, Ban Nhạc Dân Tộc đã cống hiến cộng đoàn giáo xứ một khắc hòa nhạc nhạc cụ cổ truyền việt nam.
Vừa để giúp vui, vừa để gây quĩ, nhóm Thân Hữu Taxi đã nhận đảm trách việc tổ chức xổ số Tombola.
Câu chuyện Tết trên bàn tiệc. Tôi tò mò đi một vòng phòng tiệc, tay cầm máy ảnh chụp hình, hỏi thăm và nghe xem các bàn nói chuyện gì với nhau. Hai chị hoạt náo viên của Ban Du Ca đang nói trên máy vi âm, đố tứ quý là gì ? Tại một bàn nọ gần giữa phòng, tôi thấy họ trao đổi rất hào hứng ? Một cậu thanh niên trạc 20, « Dạ, cháu nghĩ tứ quí là bốn quý của một năm. Quý một gồm tháng 1, 2 và 3. Quý hai gổm ba tháng 4, 5 và 6. Quí ba gồm ba tháng 7, 8 và 9. Quí bốn gồm ba tháng 10, 11 và 12 ». Một bác đứng tuổi, trạc 50 tiếp : « Cậu nói cũng đúng. Nhưng tôi xin góp thêm một ý. Mỗi năm có bốn mùa. Mỗi mùa có ba tháng. Theo thứ tự, người ta gọi ba tháng này là : mạnh, trọng, quý. Tứ quý là bốn tháng cuối của bốn mùa. Tháng ba là Quý xuân. Tháng sáu là Quý hạ. Tháng chín là Quý thu. Tháng mười hai là Quý đông ». Người ngồi cạnh bác đứng tuổi thêm : « Theo tôi, Tứ quý là có ý nói về Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình, vẽ cảnh tứ thời. Mùa xuân vẽ hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ vẽ hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu vẽ hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông vẽ cây trúc, cây thông (tùng). Mỗi loài hoa, loài cây lại tương ứng với một loài chim. Vẽ hoa ấy phải đi với chim ấy mới là đúng quy tắc, đúng luật. Như vẽ hoa mai phải vẽ với chim khổng tước (mai/điểu), hoa hồng với chim công (hồng/công), hoa cúc với gà (kê/cúc), cây thông với chim hạc (tùng/hạc) »,...
Tôi có cảm giác như hôm nay là tiệc xuân, mọi người nói chuyện về xuân. Hai cô hoạt náo viên, gợi ra nhiều ý về xuân. Từ những thú chơi xuân, những cảnh xuân,… đến những phong tục ngày xuân, …ca xuân, thơ xuân,….
Thực ra trong nhiều bàn câu chuyện xoay quanh cuộc sống hằng ngày. Từ ăn mặc, công việc làm ăn, đến gia đình, con cái. Nhiều người lại rủ nhau đi du lịch mùa hè, đi về Việt Nam,…
Đến một bàn tiệc khác, có mấy người pháp. Một ông hỏi tôi « Ông có thể cho biết những cô cậu hầu bàn đông khoảng bao nhiêu » ? Tôi trả lời, mặc đồng phục thì khoảng 20-30. Không mặc đồng phục, thì cũng khoảng bấy nhiêu. Nhưng không chỉ có thanh niên. Bên cạnh họ còn có Ban Thường Vụ của Hội Đồng Mục Vụ, với khoảng 10 người, một số hội đoàn rất tích cực, như Nhóm Thân Hữu Taxi, Nhóm Xây Dựng,… ». Ông ta bảo tôi : « Giáo xứ của các ông thật tuyệt vời. Thấy người trẻ cộng tác tích cực và đông như vậy, chúng tôi thành thật chúc mừng các ông. Ở giáo xứ Pháp của tôi không được như vậy ».
Tôi thuận đà thêm luôn : « Ông có biết rằng tất cả các bàn ghế mà chúng ta đang xử dụng hôm nay, mới đây đã được sửa lại hết. Làm chắc thêm, làm đẹp lại. Ông có biết ai làm không ? Do một số giáo dân thuộc nhóm mộc của Ban Xây Dựng đến tình nguyện làm từ mấy tháng nay ».
Ông tây nhìn tôi với hai cặp mắt mở to và nói : « Chức mừng giáo xứ các ông. Xin chúc mừng Năm Mới ông ». Tôi bắt tay và đáp lễ : « Xin cám ơn ông. Trong ngày áp cuối của tháng giêng, còn được phép chúc Năm Mới, tôi xin gởi ông những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới 2010 này. Chúc ông an khang, thành đạt ».
Nói chuyện với ông Tây hôm nay làm tôi nhớ đến xuân 1984, ngồi dự tiệc cùng bàn với đức cha Frikart, lúc ấy còn làm cha chính. Trong câu truyện, có lúc tôi tò mò hỏi ngài « Theo cha, thì cộng đoàn GXVN phải làm gì để trường tồn và phát triển » ? Ngài trả lời tôi : « Ba việc. Thứ nhất các ông phải là một gíáo xứ việt nam, giữ lấy đặc tính cá biệt của mình. Thứ hai các ông phải là một giáo xứ của tổng địa phận Paris, tham gia vào đời sống của tổng giáo phận. Thứ ba, các ông không được quên gốc việt nam của mình, hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam ».
Tiệc vui ,… rồi cũng tàn, họp ròi tan, … 16 giờ, Ban Tổ Chức tỏ lời cám ơn tấ cả mọi thực khách tham dự tiệc Xuân Thân Hữu và hẹn năm tới. Và vì Tết là lễ của Việt Nam, để nhớ đến Tổ Quốc, nhớ đến Quê Hươnng, để vinh danh Quốc Gia và giống nòi, mọi người đã cùng đồng ca nhạc phẩm « VIỆT NAM, VIỆT NAM của Phạm Duy « Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời, Việt Nam hai câu nói trên vành môi, Việt Nam nước tôi. Việt Nam, Việt Nam tên gọi là người,… Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời. Việt Nam, Việt Nam muôn đời ».