Áo Tết
C |
hiếc áo dài đầu đời của tôi xuất hiện năm tôi lên mười chẳng
phải nhân lễ lạc gì mà đơn giản vì năm đó chị em tôi bắt đầu đi lễ chiều ở nhà
thờ Tân Sa Châu trên đường Trương Minh Giảng.
Đồng phục của chị em tôi toàn áo đầm, học sinh con bà Sơ
không váy xanh áo trắng thì cũng áo đầm, xứ đạo Tân Sa Châu (TSC) thập niên sáu
mươi con nít người lớn đều mặc áo dài.
Ma Sơ nhắc nhở vài lần, ông Từ xứ đạo nói khẻ với chị em
tôi như ri :
- Lần sau đi lễ phải mặc áo dài, không được mặc váy củn cỡn
thế này.
Con bé nhát gan tôi đây bỗng thấy tủi thân gật đầu buồn
hiu, nhưng chợt thấy vui nghĩ đến chiếc áo dài của người lớn mà mình sẽ được mẹ
sắm để đi lễ.
Chiều hôm đó chị tôi phụng phịu kể cho mẹ nghe chiếc áo đầm
của chúng tôi lạc điệu, lạc loài giữa rừng áo dài của người lớn lẫn con nít, có
cụ bà đóng chít khăn mỏ quạ nữa đấy, bảo sao Ma Sơ ông Từ không khó chịu.
Hôm sau mẹ dẫn chúng tôi ra hàng vải chợ Trương Minh Giảng
cắt mấy khúc đưa cho cô thợ trong xóm may cấp tốc chín cái áo dài cho ba chị em
tôi.
Một tuần không đi Lễ, chúng tôi trở lại nhà thờ với chiếc
áo dài mới toanh, không nhấn ngực, không ôm eo rộng mênh mông khiến ông Từ, ma
Sơ hài lòng lắm.
Ông Từ cầm cây quạt giấy, quạt phành phạch, nhìn chúng tôi
cười toe toét :
- Mặc như thế có phải đẹp hơn không, trang nghiêm và đẹp
lòng Chúa nữa chứ.
Miệng lưỡi ông Từ Bắc Kỳ 54 có khác, áo dài quốc phục đẹp
nhất VN, nghiêm trang cũng đúng nốt, nhưng đẹp lòng Chúa là cụ nói đấy ạ.
Đạo Công Giáo đâu riêng của một quốc gia nào, dân Châu Âu
mặc áo đầm, người Ấn Độ quấn Sari… làm răng Chúa có thể buồn nếu chúng tôi không
mặc áo dài mà cụ phán như rứa.
Trở lại nhà thờ TSC với chiếc áo dài thuần Việt chị em tôi
« hội nhập » nhanh chóng vào đám thiếu nhi đọc kinh nhuyễn như cháo, từ
đó tôi thích chiếc áo dài, dù mỗi ngày đi học phải mặc đồng phục.
Khoát chiếc áo đầm đến trường tôi chả thấy mình « Tây »
chút nào dù học tiếng Pháp với đám Tây con, đám bạn Mít của tôi có đứa lấy thêm
tên tây nặc mùi bơ sữa như Sylvie Phượng, Francis Tiến…, tôi hãnh diện tên cúng
cơm Thị Mít bố đặt cho tôi chính hiệu tên con gái VN.
Tôi nghiện áo dài từ dạo bị ông Từ nhà thờ TSC « hù
dọa », cảm ơn cụ đã truyền cho cháu tình tự quê hương qua chiếc áo truyền thống mà cháu hãnh
diện khoe với bạn bè ngoại quốc.
Hồi nhỏ Tết đến mẹ sắm cho chị em tôi mấy chiếc áo đầm, vài
bộ đồ bộ mặc ở nhà, khi vào Đại Học tiền đi dạy kèm con nít tôi dùng mua sách vở,
đi xinê, ăn phở, ăn vặt với bạn bè và may áo dài.
Xin nói thêm đầu thập niên sáu mươi gia đình tôi ở gần
Ngã Ba Ông Tạ giữa nhà thờ Ba Chuông (Đa Minh) và nhà thờ TSC, thủ phủ dân Công
Giáo « Bắc Kỳ Ri cư » (BK), nhà thờ mọc lên như nấm, bóng ông Từ dạo
đó to hơn cây cổ thụ nên tiếng nói của cụ chỉ đứng sau cha chánh xứ thôi.
Cũng vì sống trong thủ phủ « Ri cư » rồi nghiền
phở, mắm tôm, bún riêu, bún thang… đến lúc quen gã Công Giáo vừa tốt nghiệp ĐH
Nông Lâm Súc tôi chợt nhận ra mình lặm dân BK mất rồi.
Tình cảm giữa hai đứa chưa đến đâu, vừa nắm tay níu chân
nhau vài niên, hẹn mai này sẽ bên nhau, nhưng ngày mai cũng chỉ là tương lai mù
mịt khi làn sóng đỏ tràn vào Miền Nam, gia đình hắn đã lên chiến hạm Mỹ ngoài
khơi VN.
Mấy năm sau tôi gặp chàng của tôi, lại là dân « Ri cư »
đạo Phật, gốc Nam Định nhập tịch Sàigòn từ năm 54, chàng vào đạo Công Giáo theo
« yêu sách » của bố tôi nếu muốn rước tôi dìa dinh.
Thời sinh viên tôi
thường mặc áo dài đi lễ, đi phố, đi quán cà phê nhạc, tết đi loanh quanh khắp nơi
với anh bồ đầu tiên cho đến tháng tư năm 75, chiếc áo dài bị bứt tử.
Sau tháng tư đen, trở lại ĐH Văn Khoa nhóm sinh viên chúng
tôi bị liệt vào loại tàng dư Mỹ Ngụy từng viết bản tự kiểm điểm vì cái tội mặc áo
dài Mousseline ủy mị.
Vixi (Việt cộng) lên án chiếc áo dài đài các ủy mị, thế mà
năm 1978 cô bạn Văn Khoa và tôi làm thông ngôn trong Ban Kiến Thiết Nhà Máy Dệt
Thắng Lợi ở Bà Quẹo được đồng chí cán cuốc chỉ thị hai đứa tôi mặc
áo dài ra phi trường đón phái đoàn Pháp viện trợ công trình Xây Cất Phân Xưởng
Sợi.
Phi trường Tân Sơn Nhất thập niên bẩy mươi mỗi tuần chỉ có
một chuyến Air France hạ cánh, hai đứa tôi mặc áo dài ôm bó hoa tặng khách mà
nao nao buồn cho dân VNCH bị tước đoạt quyền Tự Do tối thiểu, đến chiếc áo dài
truyền thống cũng bị lên án một cách ngu xuẩn.
Ông Tây trố mắt trước chiếc áo dài VN huyền thoại
nửa kín nửa hở từng làm siêu lòng mấy gã GI thuở Sàigòn chưa bị đổi tên, trang
phục xứ Ta đã được người ngoại quốc khen ngợi từ lâu.
Quốc Phục của phụ nữ VN, chiếc áo dài huyển hoặc, kín mít
từ trên xuống dưới nhưng lại ôm sát ba vòng phô trương đường nét hấp dẫn, theo
tôi đó là chiếc áo « sexy » nhất, vừa kín vừa hở như rứa bảo sao không
mê hoặc « người đối diện ».
Gần đây áo dài đã được đồng hương ở hải ngoại khôi phục
nhân mùa Tết, người lớn con nít đều mặc « quốc phục VN ».
Họp mặt Hội Cựu Học Sinh, Sinh Viên, Cựu Quân Cán Chính
VNCH… áo dài trở thành bộ vía của các bà các cô, ban văn nghệ có áo dài đồng phục
cho ca viên và ca sĩ cây nhà lá vườn.
Như vết dầu loang, phong trào áo dài nở rộ, nở toe toét bất
kể Xuân, Hạ, Thu, Đông nơi nào có họp mặt bạn bè hội đoàn là chị em thi nhau diện
áo dài.
Xướng ngôn viên các Đài THVN tại Mỹ, Canada mặc áo dài đọc
tin tức, phỏng vấn khách mời giống như Sàigòn trước khi bị đổi tên, tất cả xướng
ngôn viên Đài TH VNCH đều mặc áo dài, trong số đó bà Mai Liên của Đài số 9 được
dân Miền Nam mến mộ nhất.
Nhắc đến bà làm tôi nhớ đến biệt danh « Mai Liên »
bạn bè đặt cho tôi vì tôi có nước da bánh mật nhìn giống y « Miên lai » chứ
tôi nào có tài cán như nữ xướng ngôn viên ăn khách nhất thời VNCH.
Đa số ca đoàn các xứ đạo ở hải ngoại đều có áo dài đồng
phục, nhân dịp các lễ lớn như Phục Sinh, Giáng Sinh, Tết cha xứ thường kêu gọi giáo
dân mặc áo dài cho buổi lễ thêm long trọng.
Nhà thờ Saint Columban ở Garden Grove, Nam California, các
chị đọc thánh thư, dẫn lễ, xin tiền rổ đều mặc áo dài, cha xứ mời gọi phụ nữ mặc
áo dài trong thánh lễ Giáng Sinh năm 2017.
Đặc biệt ca đoàn nhà thờ « Đền Thánh Mẹ La Vang »
(ĐTM LV) ở Las Vegas có một đạo quân Áo Dài hùng hậu đến độ cha sáng lập Giáo Xứ
LV, ngài Giuse Nguyễn Đức Trọng tặng cho các chị danh hiệu « Tử vì Điệu »
vì ngoài ái dài đồng phục, các chị có sơ sơ năm bẩy chục chiếc áo dài mặc chơi
với đời.
Năm 2008 tôi tham dự thánh lễ Tết Mậu Tý ở Las Vegas, đúng
như lời cha Trọng nói, các chị ca viên mặc « áo dài điệu » đủ màu đủ
kiểu nhìn hoa cả mắt, tôi rơi vào mê cung suýt quên đường về.
Chiếc áo dài tôi mang sang đây gần ba mươi năm, vải
Mousseline hoa lá cành tươi như thuở tôi chưa làm sui, chưa lên chức bà nội, tôi
vẫn còn giữ làm kỷ niệm, nhớ những năm đầu tha hương mặc chiếc áo dài đi chơi Tết
mà nhớ nhà đến ướt mi.
Bây giờ tôi có một rổ áo dài mặc dài dài vẫn chưa hết, ấy
thế mà mỗi năm tôi lại may thêm áo mới và tôi chợt phát giác mình bị nghiện nặng,
ngoài cà phê, chiếc áo quốc phục bao giờ cũng có ma lực làm tôi siêu lòng.
Nghiện gì chứ nghiện áo dài nhiêu khê lắm, ăn uống phải cẩn
thận kẻo bị lên cân phải tháo banh chành bốn cái eo mà chui vẫn không lọt vào
chiếc áo mới may là tiêu tùng, hỏng việc.
Chị bạn vừa gửi lịch Tết Mậu Tuất của các cộng đoàn Công
Giáo quanh Paris, Chùa Khánh Anh…, làm tôi nhớ hồi xưa Tết đến tôi với đám bạn
gái mặc áo dài đi chùa xin xăm xem đứa nào sẽ « sang ngang » bỏ cuộc
chơi.
Chúng nó thành khẩn lim dim mơ màn, tôi run không biết phải
xưng tội làm răng với cha dù tôi chả có đốt nhan vái lạy chi cả, chỉ mặc áo dài
« đi chùa chơi » chứ có Đi Chùa Hương khấn vái chi đâu.
Sau Tết tôi xưng tội đi Chùa, cha cười nhân từ :
- Vào chùa cưỡi ngựa xem hoa, đi trẩy hội xuân làm sao mắc
tội được, có ăn « cơm chùa » cũng chẳng hề hấn chi nhưng đừng quên bỏ
tiền vào thùng Phước Thiện cho phải đạo con nhé.
Hú hồn, cha đã giải oan cái tội đi chùa mà tôi tự thêu dệt,
năm sau tôi lôi ông bồ ri cư công giáo của tôi đi chùa, ăn cơm chùa, đốt nhan để
nghe hương Tết, tiết xuân bên mấy chậu Mai nở rộ, tuyệt đối không xin xăm, tôi đang
học năm thứ hai Văn Khoa đâu dám tính chuyện bỏ cuộc chơi đi theo ông bồ dìa
dinh.
Tết này cũng như mọi năm, tôi sẽ diện áo dài ăn Tết dài dài
từ GX Paris và ăn Tết dạo các cộng đoàn Marne La Vallée, Saint Denis…, ghé chùa
đốt nhan thơm lừng mùi tết níu kéo tiết xuân cho hết tháng giêng.
Vui xuân với đồng hương cũng là cái cớ để mặc Áo Mới, Áo
Tết của tôi, chiếc áo dài VN thuộc loại trang phục sang trọng không thua bộ áo
đầm dạ hội của Phương Tây.
Tết Mậu Tuất đang gõ cửa, trước thềm Năm Mới, thân chúc bạn
đọc Năm Mậu Tuất thật nhiều Sức Khoẻ, An Vui và tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa.
Jan. 2018 /Đoàn Thị
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang