Lm Mai Đức Vinh
Từ 1906, Giáo Hội Pháp sống nhờ lòng quảng đại của giáo dân.
Cách đây một trăm năm, khi hủy bỏ hoà ước giữa Giáo Hội và Nhà Nước Pháp để khởi đầu chế độ ‘Giáo Hội tách biệt với Nhà Nước’, Giáo Hội Pháp đi vào một nếp sống đổi mới toàn diện : không còn một trợ giúp nào của nhà nước, mà hoàn toàn phải tự lập tự cường, nhờ vào sự giúp đỡ của giáo dân. Giáo Hội hoàn toàn tự do, không lệ thuộc vào chế độ chính trị trần thế nào và trở về với đức khó nghèo thời Giáo Hội sơ khai. Ngày 11.02.1906, đức giáo hoàng Piô X ban thông điệp Vehementer nos (Chúng ta can trường) kêu gọi giáo dân Pháp : «Bổn phận thiết yếu của anh chị em là cứu nguy tôn giáo của tổ tiên anh chị em. Nhất thiết anh chị em phải tỏ ra can trường và quảng đại. Chúng tôi tin tưởng vào lòng quảng đại của anh chị em… ». Từ đó, người công giáo Pháp được động viên và hình thành tổ chức, khai sinh ‘đồng tiền giúp Giáo Hội đào tạo chủng sinh, cấp dưỡng cho hàng giáo sĩ và tiếp tục mọi sứ mệnh của mình’. Ngày nay hơn khi nào hết, Giáo Hội nói chung và Tổng Giáo Phận Paris (TGPP) nói riêng đang dần rơi vào tình trạng không kém chật vật như năm 1905 ! Tình hình là như thế, nhưng nhiều người còn yên trí ‘Giáo Hội giầu có’ và không biết đến rằng ‘Giáo Hội chỉ sống nhờ lòng quảng đại của giáo dân’.
Giáo Hội Paris phải hoàn tất sứ mệnh của mình.
Từ quãng mười năm nay, người ta không còn gọi là ‘tiền giúp giáo sĩ’ (denier du clergé) hay ‘tiền giúp phụng tự’ (denier du culte) nữa mà gọi là ‘tiền giúp Giáo Hội’ (denier de l’Egilse). Lý do, vì số giáo dân làm việc mà giáo xứ, giáo phận hay tòa thánh phải trả luơng (laics salariés) mỗi ngày một thêm đông. Hơn thế, Giáo Hội phải dấn thân vào nhiều phạm vi hoạt động, chứ không chỉ thu gọn trong việc dạy giáo lý, thánh lễ ngày chủ nhật hay cử hành các phép Bí tích mà thôi. Công tác giáo dục, đào tạo nhân sự giáo sĩ và giáo dân mỗi ngày một đòi hỏi phải đầu tư, một tốn kém nhiều, các công tác từ thiện, y tế, truyền thông… phạm vi nào cũng đòi hỏi phải ‘hiện đại hoá’. Cụ thể là nhà hưu dưỡng của các linh mục cao niên, sau nhiều năm phục vụ trong giáo phận… Cụ thể và cơ bản là việc loan báo Tin Mừng… Mở rộng ra là tinh thần liên đới với các giáo phận khác, các Giáo Hội tại các ‘xứ truyền giáo’, hay góp tài chánh cho sự thiếu hụt của Tòa Thánh. Hoạt động của Tòa Thánh còn bao la và đòi hỏi nhiều phí tổn hơn…
Hai giáo xứ điển hình.
St-Germain de Charonne là một giáo xứ với 43.000 dân, thuộc quận 20, Paris. Tiền giúp giáo Hội (denier de l’Eglise) năm 2005 đã thu được 92.553 euros nhờ 500 gia đình cho. Số tiền này đã trội lên 28% hơn sánh với năm 2002 và 2003. Tiền quyên trong Thánh Lễ cũng tăng thêm 10%. Năm 2005 số chi của giáo xứ St-Germain de Charonne là 413.000 euros, mà còn thiếu hụt 14.300 euros. Những món chi lớn : 175.000 euros cho bảy giáo dân làm việc, 58.000 euros cho việc trùng tu nhà thờ và phòng giáo xứ, 42.000 euros cho năm linh mục làm mục vụ. 15% ngân khỏan góp về tổng giáo phận Paris.
Saint Jean-Baptiste de Grenelle, quận 15 Paris : Tiền giúp Giáo Hội năm 2005 thu được 485.000 euros. Trung bình một gia đình cho trong năm 1999 là 240 euros, đã tăng lên 300 euros trong năm 2005. Số gia đình cho cũng tăng từ 1.000 lên 1.600 trong 10 năm qua. Số dân thuộc xứ đạo từ 38.000 người vào năm 1999 đã tăng lên tới 42.000 người vào năm 2005. Nhiều gia đình trẻ, có lương cao đã về cư ngụ trong xứ đạo. Ngân qũy hàng năm của giáo xứ là 978.000 euros, như vậy tiền giúp Giáo Hội đã chiếm 50% ngân khỏan. Những món thu khác đáng kể của giáo xứ là : 200.000 euros tiền quyên trong thánh lễ, 120.000 euros cho thuê các phòng ốc của giáo xứ, 180.000 euros tiền dâng cúng và đốt đèn nến, 50.000 euros tiền thu ngày Kermesse. Còn những món chi tiêu lớn : Điều hành : 100.000 euros, trùng tu cơ sở (3500m2) : 100.000 euros, cấp dưỡng năm linh mục : 100.000 euros, lương của bảy giáo dân làm việc : 260.000 euros, góp lên qũy tổng giáo phận : 200.000 euros. Ngân qũy của xứ Saint-Jean Baptiste de Grenelle là vững vàng.
Ngân qũy của TGPP năm 2004.
Tình trạng quân bình về tài chánh của TGPP được nhận diện trong hai phạm vi :
Phạm vi các giáo xứ : Năm 2004, ngân khỏan của 110 giáo xứ paris là 49.500.000 euros. Trong đó tiền giúp Giáo Hội thu được 18.800.000 euros, tức 38%. Còn các dâng cúng hay đóng góp khác của giáo dân cho giáo xứ là 22.300.000 euros, tức 45%. Trong khi đó, phí tổn về nhân sự mà các giáo xứ phải trả là 20.900.000 euros, tức 42%. Năm 2004, các giáo xứ góp vào các phí tổn chung của giáo phận Paris và của các giáo phận khác thuộc vùng Paris, số tiền 8.600.000 euros, tức 17% ngân quỹ của các giáo xứ.
Phạm vi TGPP : Năm 2004, ngân khỏan dành cho các hoạt động mục vụ của giáo phận Paris và liên giáo phận vùng Paris là 36.200.000 euros, được phân ra bốn mảng lớn : 1) Tông đồ (mục vụ giói trẻ, mục vụ gia đình, mục vụ truyền thông) : 15.800.000 euros. 2) Liên đới (linh mục hưu trí, tương trợ linh mục, giúp các cộng đoàn ngọai quốc…) : 11.300.000 euros. 3) Đào tạo (chủng sinh, giáo lý, phó tế, école cathédrale…) : 4.700.000 euros. 4) Kiến thiết, trùng tu…các cơ sở : 4.400.000 euros.
Nhìn về Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Trích đăng lại phần trên đây từ tuần báo Paris Notre-Dame (số 1133, 23. 03. 2006, tr. 4-5), tôi muốn nhấn mạnh rằng : Món tiền mà quý Gia Đính giúp Giáo xứ và Giáo Hội hàng năm, mang nhiều ý nghĩa sâu đậm :
. Các Giáo xứ và các Giáo phận tại Pháp sống và hoạt động nhờ ở lòng quảng đại của qúy Gia Đình từ 100 năm nay.
. Giáo xứ và TGPP không có sự trợ giúp nào khác : Từ 1905 giáo Hội pháp hoàn toàn tách rời nhà nước, nhà nước chủ trương ‘thế tục’ (laique) – Từ năm 2001, Giáo Xứ Việt Nam chúng ta hoàn toàn tự lập về tài chánh.
. Nhu cầu tài chánh cho các hoạt động mục vụ mỗi ngày một nhiều cả về phạm vi giáo xứ cả về phạm vi giáo phận. Mục vụ của Giáo Xứ Việt Nam cũng nằm trong cả bốn phạm vi như TGPP : Tông đồ (mục vụ giới trẻ, mục vụ gia đình, mục vụ truyền thông…), Liên đới (góp giúp lên giáo phận, giúp về các đại chủng viện ở Việt Nam, góp giúp các cô nhi, nạn nhân bão lụt…), Đào tạo (tham dự các khóa huấn luyện do giáo phận hay tuyên úy đoàn tổ chức…), kiến (trùng tu cơ sở, trang bị máy móc…)
. Tiền giúp Giáo Hội đã có từ 100 năm rồi (1906, danh từ thay đổi tùy theo sự biến dạng của sinh hoạt tông đồ trong Giáo Hội : denier du Clergé, denier de Culte, denier de l’Eglise). Giáo Xứ Việt Nam chúng ta đã trải qua các chiến dịch Sổ Vàng (1987-1997), Kế hoạch Ngũ Niên (1998-2002), và từ 2004 đi vào hệ thống’Tiền giúp Giáo Hội’. Việc làm của chúng ta thật cụ thể và ý nghĩa.
. Về khía cạnh ‘Tiền giúp Giáo Hội’, hai giáo xứ Saint-Germain de Charonne và Saint Jean-Baptiste de Grenelle nói ở trên, mời gọi chúng ta quảng đại nhiều hơn nữa. Chẳng lẽ, người ta mỗi năm một tăng thêm, mà chúng ta thì năm 2005 đã sút giảm hơn năm 2004, về cả số gia đình cho, về cả số tiền thu nhận… Như đức TGM André Vingt-Trois ngỏ lời với giáo dân trong TGPP : «Tôi trông chờ anh chị em quảng đại giúp Giáo Phận chúng ta có đủ phương tiện tiếp tục sứ mệnh của mình trong những năm tới. Tôi ước mong anh chị em hưởng ứng chiến dịch ‘Giúp tài chánh cho Giáo hội’ (Denier de l’Eglise)», tôi cũng muốn thưa với qúy Gia Đình, nhất là các Gia Đình Trẻ, trong Giáo Xứ Việt Nam Paris như vậy.
Lm Mai Đức Vinh