Pt. Trần Văn Nhật
(Hoa Kỳ)
T |
rong khung cảnh đầm ấm của một gia đình gồm ba thế hệ, họ đang quây quần trong một căn phòng ấm cúng có cây thông rực rỡ với những trang hoàng đẹp mắt và đó là đêm Giáng Sinh. Cũng như các người tin vào Thiên Chúa, họ mừng lễ Giáng Sinh, mừng ngày kỷ niệm Con Thiên Chúa giáng trần. Và theo một tục lệ không biết có từ lúc nào, họ trao nhau những món quà đắt tiền được gói cẩn thận trong giấy mầu sặc sỡ. Đang khi mọi người lao xao cười nói với các món quà trong tay thì một em bé nhỏ nhất nhà, khoảng 8 tuổi, lên tiếng hỏi: "Mẹ ơi mẹ, sao không có quà cho Hài Nhi Giêsu?"
"Sao không có quà cho Hài Nhi Giêsu?" có lẽ cũng là một câu hỏi quan trọng cho chúng ta trong mùa Giáng Sinh. Chúng ta đã dành khá nhiều thời giờ rảo bước trong các "shopping mall" đến rã rời đôi chân để tìm mua những món quà ưng ý cho người thân yêu. Chúng ta đã tốn khá nhiều thời giờ để nắn nót những hàng chữ đầy ý nghĩa trên các tấm thiệp xinh đẹp, hoặc gói lại các món quà trong các giấy mầu sặc sỡ, nhưng "Sao không có quà cho Hài Nhi Giêsu?"
Dù biết rằng Đức Giêsu đã giáng trần cách đây trên 2,000 năm, tuy Người đã sống lại và không còn ở với chúng ta, không còn cần những món quà vật chất, nhưng câu hỏi "Sao không có quà cho Hài Nhi Giêsu?" vẫn khiến chúng ta cảm thấy bứt rứt.
"Sao không có quà cho Hài Nhi Giêsu?"
nghe tương tự như "Sao không đến thăm ông nội/bà ngoại
đang nằm trong viện dưỡng lão?" hoặc "Sao không nhớ đến người vợ hay
người chồng đang còn kẹt ở Việt Nam?" hoặc "Sao không cho phép đứa
con đi hoang đó trở về với gia đình?" hoặc "Sao không tặng cho hội từ
thiện nào đó một chút tiền?"
Hài Nhi Giêsu tượng trưng cho một người thật nghèo, cần thiết đủ mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần. Hài Nhi Giêsu tượng trưng cho một người vợ hay người chồng đang trong cảnh chia ly, cần đến sự hàn gắn, cần đến một vòng tay yêu thương. Hài Nhi Giêsu tượng trưng cho một đứa con từng hỗn hào với cha mẹ, mà giờ đây đang lang thang trên một góc trời nào đó, mong được tha thứ để trở về với mái ấm gia đình. Hài Nhi Giêsu cũng có thể tượng trưng cho bố mẹ già trong tuổi lú lẫn, đang cô đơn trong một ngôi nhà tuy sang trọng nhưng lạnh lẽo tình người. Hài Nhi Giêsu cũng có thể là một em bé tật nguyền ở đâu đó trong môt quốc gia nghèo nàn mà chưa bao giờ có được một bữa cơm no.
"Sao không có quà cho Hài Nhi Giêsu?" câu hỏi ấy đã
làm không khí tưng bừng của ngày Giáng Sinh dường như ảm đạm vì đã đưa chúng ta
trở về với thực tế. Tất cả những hào nhoáng của quần áo, xe cộ, tiệc tùng, có ý
nghĩa gì khi để lại một số nợ to lớn trong "credit card"? Tất cả những
rộn rã bên ngoài có ý nghĩa gì khi không thể lấp đầy sự trống trải của tâm hồn
đang khao khát chút tình người không giả dối ?
"Sao không có quà cho Hài Nhi Giêsu?" có thể là một
ám ảnh mà chúng ta muốn quên đi chỉ vì không dám đối diện với sự thật.
Kitô Hữu là những người theo Chúa Giêsu Kitô, theo một con đường gian nan, dám khước từ mọi quyến rũ của tiền tài, của danh vọng, của quyền lực, của xa hoa vật chất để khôi phục lại phẩm giá của con người mà Chúa Giêsu đã trả bằng giá máu—nhưng chúng ta đã không có can đảm để đi theo con đường đó.
Quà cho Hài Nhi Giêsu có thể là một hy sinh thật nhỏ bé, năm mười đôla tặng cho một tổ chức từ thiện, hay một ngày làm việc thiện nguyện cho những người vô gia cư trong thành phố.
Quà cho Hài Nhi Giêsu còn cao quý hơn nữa, nếu đó là một hy sinh gạt bỏ mọi tự ái để ngỏ lời xin lỗi người mà chúng ta đã xúc phạm, hoặc quên đi sự hận thù để tha thứ cho một người đã làm hại chúng ta.
Quà cho Hài Nhi Giêsu cốt yếu là tấm lòng thành khẩn được bầy tỏ trong một hình thức đơn sơ, không tính toán. Nhưng chính món quà đơn sơ đó lại là điều khó khăn để thực hiện chỉ vì nó đòi hỏi một thay đổi quyết liệt, một chiến thắng đầy khó khăn với bản tính yếu hèn của chính con người chúng ta, đó là tự ái, ích kỷ, tham lam, ghen tị và kiêu căng.
Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống trần để làm người
như chúng ta. Chính nhờ biến cố Nhập Thể này mà Đức Giêsu đã chuộc lại phẩm giá
chính đáng của loài người như được viết trong Sáng Thế Ký, đó là Thiên Chúa
"đã dựng nên con người theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa".
Cũng nhờ Đức Giêsu, chúng ta mới được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha, được làm con cái của Thiên Chúa, và điều đó có nghĩa, mọi người là anh chị em trong một đại gia đình, và bổn phận của những người trong một gia đình là yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trên quãng đường đời.
Chúng ta không thể mừng lễ Giáng Sinh một cách có ý nghĩa nếu
quên đi sứ điệp mà Đức Giêsu đã đem đến cho nhân loại. Chúng ta không thể tự
hào mình là người theo Đức Giêsu nếu chúng ta không thực hành lời của Người.
Mỗi lần Giáng Sinh đến là mỗi lần chúng ta được nhắc nhở rằng: Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ chúng ta, để đưa linh hồn chúng ta về hiệp nhất với Cha trên trời, nhưng điều đó không thể xảy ra nếu không có sự cộng tác của chính chúng ta. Sự cộng tác của chúng ta trong chương trình cứu độ là món quà có giá trị cho Hài Nhi Giêsu.
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang