ƠN GỌI VÀ ĐẶC SỦNG
Đời sống Thánh Hiến
+ Marie Thụy Thiên-Nga
« Có
nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác
nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một
Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một
cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình
bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin ; kẻ thì cũng được chính Thần
Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép
lạ, người thì được ơn nói tiên tri ; kẻ thì được ơn phân định thần
khí ; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ ; kẻ khác nữa thì được
ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những
điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người. (1 Cr 12,
4-11).
M |
ỗi người chúng ta sống trên đời này đều
có một « ơn gọi » và « sứ mạng » của mình. Khi được
sinh ra, ta mang ơn gọi làm người ; khi được rửa tội, ta trở nên con Chúa
và được mời gọi trở nên người kitô hữu tốt trong Giáo Hội với ba sứ vụ :
« ngôn sứ, tư tế và đế vương »; khi lập gia đình, đó là ơn gọi sống đời
tình yêu hôn nhân ; và khi ta được kêu gọi dấn thân vì Nước Trời trong đời
sống tu trì, đó là ơn gọi thánh hiến … Và còn biết bao ơn gọi khác nữa trong cuộc
sống muôn màu này. Tất cả đều hướng tới lời
mời gọi của Chúa Giêsu là « trở nên hoàn thiện, nên thánh ».
Trong giới hạn của bài này, chúng ta chỉ chia sẻ cho nhau « ơn gọi
thánh hiến », cũng thường được gọi là « đời tu ». Trích đoạn Lời Chúa
trên đây trong 1Cr 12,4-11, cho
chúng ta thấy mỗi người đều được Chúa ban cho « đặc sủng » khác nhau
để dấn thân và phục vụ. Để hiểu hơn về « đời tu », chúng ta sẽ đề cập
trước tiên « ơn gọi thánh hiến là gì ?», làm sao biết mình có ơn kêu
gọi ? Tiếp đến chúng ta sẽ nói về « đặc sủng », đặc sủng giúp gì
cho ơn gọi của mình ? Và sau cùng, chúng ta cùng tìm hiểu « đặc sủng »
Mến Thánh Giá, Hội Dòng đầu tiên được khai sinh trên mảnh đất Việt Nam (1670)
mà năm nay là « Năm thánh » mừng kỷ niệm 350 năm thành lập.
1.
1. Ơn gọi thánh hiến
Ơn gọi
là một « ân sủng » mà Thiên Chúa ban cho những ai Người muốn. Đó là lời mời
gọi dấn thân của Thiên Chúa trong lòng ta để sống ba lời khuyên Phúc Âm : Khiết Tịnh, Nghèo Khó và Vâng Phục, là sự
đáp trả của chúng ta đối với lời mời gọi ấy và để sai đi cho một sứ vụ mà Thiên
Chúa muốn. Vậy một ơn gọi tu trì thực thụ trong Giáo Hội cần hội đủ ba yếu tố :
1°/ Lời mời gọi từ Thiên Chúa ; 2°/ Sự đáp trả tự nguyện của đương sự ;
3°/ Sự xác nhận của Giáo Hội qua các vị có thẩm quyền.
Tôi có
ơn gọi hay không ? Yếu tố thứ ba trên giúp cho chúng ta khẳng định lại chắc
chắn ơn gọi của mình. Tôi ước muốn sống ơn gọi thánh hiến, tôi muốn dấn thân
trong dòng tu, tuy nhiên, tôi
không có đủ các yếu tố hoặc một lý do nào đó để được xác nhận và sai đi cho sứ
vụ mà Giáo Hội cần đến, thì chắn chắn có một ơn gọi khác, một nơi khác, thời điểm
khác cho tôi.
Nguồn gốc Thánh Kinh : trong Cựu Ước, Thiên Chúa gọi
một ai đó bằng chính tên của họ, điển hình là Sa-mu-el (1Sm 3,1-14). Sa-mu-el
nghe tiếng Chúa gọi tên mình trong khi ngủ, nhưng không phân định được tiếng gọi
từ đâu, tưởng là thầy Ê-li gọi, cho đến lần thứ ba, được thầy Ê-li cho biết là
Thiên Chúa gọi thì Sa-mu-el sẵn sàng lắng nghe và nhận lấy sứ vụ từ Thiên Chúa.
Ê-li đại diện cho vai trò của Hội Thánh để xác nhận ơn gọi của Sa-mu-el.
Tân Ước
lại cho chúng ta thấy muôn màu muôn vẻ của ơn gọi. Đặc biệt, Chúa gọi những ai
Người muốn (Mc 3,13). Chúa gọi các
Tông Đồ là những người bình thường, yếu đuối, đôi khi xấu tính, cả những người
thu thuế được xem là tội lỗi… Vì tôn trọng tự do của mỗi người, Chúa Giê-su
cũng từng bị từ chối khi mời gọi người thanh niên giàu có bỏ mọi sự mà theo Người
(Mt 19,21-22). Trong thời đại hôm nay, lời mời gọi của Chúa vẫn còn đó, nhưng
chúng ta có can đảm đáp trả hay không ? Hay chúng ta vẫn đi theo Chúa,
nhưng lại vẫn muốn làm theo ý riêng mình. Chính Chúa Giê-su cũng đã nói trong
« dụ ngôn tiệc cưới » : « vì
kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít » (Mt 22,14). Tuy
nhiên, có lúc Chúa cũng « cưỡng bức » một ai đó vì sứ vụ đặc biệt của
Người, đó là trường hợp của thánh Phao-lô (Cv 9,1-19). Phao-lô trên con đường
hăng say đi bắt bớ các môn đệ Chúa Giê-su, « một luồng ánh sáng làm Ngài bị ngã xuống » và bị mù mắt,
Phao-lô đã nghe tiếng Người : « tại sao ngươi bắt bớ Ta ? ». Đấng Phục Sinh đã nắm bắt
Phao-lô bằng cách mà Ngài không thể cưỡng lại được. Và sau đó, Kha-na-ni-a và
các Tông Đồ chứng giám cho ơn gọi đặc biệt của Phao-lô. Một lần nữa chúng ta thấy
vai trò các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội.
Trong
các dòng tu hay tại chủng viện cũng vậy, trải qua một thời
gian học hỏi, huấn luyện và tập tu, ứng
sinh sẽ khám phá ra ơn gọi của mình dưới sự hướng dẫn của những người hữu
trách. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi có những người rời bỏ đời tu, hay
chuyển dòng tu này sang dòng tu
khác, có thể chính bản thân họ hay người có trách nhiệm nhận ra họ không phù hợp
với đoàn sủng hay đặc sủng mà họ đang theo. Ơn gọi cũng là cả một hành trình
tìm kiếm Thánh ý Chúa, và mỗi giai đoạn Chúa dẫn dắt ta đi trên những con đường
khác nhau của cuộc đời mình để sống đặc sủng Chúa ban và để nên thánh.
2. Đặc sủng
« Đặc
sủng - charisme » xuất phát từ tiếng Hy-lạp « χάρισμα » - món
quà, gốc từ của nó là « χάρισ » có nghĩa là : quà tặng, ân huệ, ân sủng
có nguồn gốc Thần Linh. Khi Chúa muốn chọn ai, Người sẽ ban cho họ một đặc sủng, riêng biệt và nhưng không, để
thi hành một sứ vụ. Lời Chúa trong 1Cr
12,4-11 trên đây giúp chúng ta hiểu rõ đặc sủng của mỗi người. Thời đại hôm
nay con người dễ bị pha trộn giữa cái thật - giả, tiên tri thật, tiên tri giả,
ngay cả trong các phong trào của Giáo Hội hay các hoạt động của dòng tu. Làm thế nào để chúng ta tránh được « cái giả » và tiến
gần với « cái thật », và không dẫm chân lên nhau trong khi thi hành sứ
vụ ? Đặc sủng cũng giúp
cho chúng ta điều đó, giúp ta phân biệt sự khác nhau của các dòng tu trong Giáo Hội. Chính đặc sủng tạo nên căn tính của
mỗi Hội Dòng. Thử hỏi nếu các tu sĩ trong Dòng Kín nói rằng : chúng ta phải
ra đi sống theo Tin Mừng, vì Chúa dạy : « Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo » (Mc 16,15) ; hay chúng ta phải
sống lời mời gọi của Đức Thánh Cha « hãy
ra đi đến với người nghèo »…. Chúng ta cùng ngẫm nghĩ xem !
Vậy, đọc
lại Lời Chúa trên đây cũng giúp cho chúng ta phần nào tìm lại đúng vị trí của mình
trong Giáo Hội, trong giáo xứ,
trong cộng đoàn và cả trong gia đình ; cũng tránh áp dụng Lời Chúa không
đúng chỗ, không đúng người và không đúng thời điểm để biện minh cho việc làm của
riêng mình. Và nếu nhận được ơn Chúa ban, chúng ta cũng không chôn vùi ơn thánh
mà cần dùng ơn ấy để phục vụ Chúa và tha nhân.
3. Đặc sủng của Dòng Mến Thánh Giá
Hiến
chương Dòng Mến Thánh Giá điều 2 dạy rằng : « người nữ tu Mến Thánh Giá thông dự vào linh
đạo và đặc sủng của Đấng sáng lập bằng cách : 1°/ hướng trọn lòng trí và
cuộc sống về Đức Giêsu Ki-tô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất ; 2°/ sống
sứ vụ tông đồ thừa sai, để loan báo Phúc Âm cho các dân tộc và góp phần xây dựng
Giáo Hội địa phương ». Đặc sủng này cũng được thể hiện trong « mục đích » của Hội Dòng
đó là : « đạt tới sự
hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Ki-tô bằng việc chuyên
chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người »
(HC 3). Như vậy, đặc sủng mà Hội dòng Mến Thánh Giá thừa hưởng từ di
sản tinh thần của Đấng sáng lập, Đức Cha Lambert de La Motte, mang hai khía cạnh :
chiêm niệm và hoạt động tông đồ.
Hai khía cạnh này thiết yếu cho một ơn gọi mang sứ mạng truyền giáo, đặc biệt
ơn gọi Mến Thánh Giá. Chính Chúa Giêsu cũng lập Nhóm Mười Hai với mục
đích : « để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng » (Mc 3,14). Điểm đặc biệt
của đặc sủng Mến Thánh Giá đó là tinh thần « hy sinh » và « khổ chế », được đưa vào trong đời sống cầu nguyện
cũng như tất cả các hoạt động tông đồ của người nữ tu Mến Thánh Giá.
Trải
qua 350 năm, lớn lên trong lòng Giáo Hội Việt Nam và cùng đi qua bao thăng trầm
của lịch sử Giáo Hội địa phương, Dòng Mến Thánh Giá vẫn duy trì, gìn giữ và
thích nghi gia sản thiêng liêng của Đức Cha Lambert de La Motte. Nữ tu Mến
Thánh Giá được mời gọi sống đặc sủng đặc biệt của mình trong tất cả các sứ vụ
được sai đi và trong mọi lĩnh vực : văn
hóa, xã hội, y tế, luân lý và đức tin. Vì thế chị em Mến Thánh Giá sống gần
gũi với mọi người và đi vào từng ngỏ ngách của cuộc sống đời thường vì yêu mến
Chúa Giêsu Ki-tô Chịu-Đóng-Đinh, sẵn lòng đón nhận thập giá « để hoàn tất nơi thân xác những gì còn thiếu
trong các nỗi gian truân Đức Ki-tô phải chịu cho Thân Mình Người là Hội Thánh »
(Cl 1, 24). Trong tất cả mọi sự, dù chiêm niệm hay hoạt động tông đồ, mục đích
cuối cùng là để yêu mến Chúa Giêsu Ki-tô Chịu Đóng Đinh và làm cho nhiều người
biết Chúa hơn : « ở với Chúa và
để Người sai đi ».
Để kết
thúc, xin mượn lời của thánh Gioan Phao-lô II trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến « Vita consecrata », số 106 : «Tôi nói với các bạn trẻ là :
nếu các con nghe được tiếng Chúa gọi, thì đừng đẩy lui ! Hãy can đảm tham gia
những trào lưu nên thánh mà các bậc đại thánh, nam và nữ, đã khơi dậy theo chân
Đức Ki-tô. Hãy nuôi dưỡng nơi các con những khát vọng đặc biệt của tuổi trẻ,
nhưng đừng trì hoãn thực hiện ý định của Thiên Chúa nếu Người mời gọi các con
nên thánh trong đời thánh hiến. Hãy thán phục mọi kỳ công Thiên Chúa làm trong
thế giới, nhưng hãy biết ngắm nhìn những thực tại không bao giờ qua đi. Thiên
niên kỷ thứ ba đang mong chờ sự đóng góp của lòng tin và óc sáng tạo của nhiều
người trẻ tận hiến, để cho thế giới sống an bình hơn và có khả năng tiếp đón
Thiên Chúa, và trong Thiên Chúa, biết tiếp đón mọi con cái của Người ».
Các bạn trẻ thân mến, tôi cầu nguyện cho các bạn
… !
+ Marie Thụy Thiên-Nga
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang