TÌNH HUYNH ĐỆ
Lá Thư Mục Vụ Tháng 01 – 2022
Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang Csf
Đ |
êm giao thừa cuối năm 2021, tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều vui mừng đón chào Năm Mới 2022 với những tia pháo hoa sáng cả bầu trời. Lòng người chan hòa niềm vui và kèm theo đó, chất chứa những hy vọng cũng như những quyết tâm cố gắng sống thế nào để cuộc sống được tốt đẹp hơn, tốt đẹp cho mình, tốt đẹp cho gia đình, tốt đẹp cho xã hội và tốt đẹp cho cả thế giới. Mọi người đều mong ước không còn chiến tranh hận thù gây chết chóc tan thương, các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội biết yêu thương nhau, nâng đỡ nhau, để đời sống thêm an vui và an bình, các dân tộc trên thế giới biết tôn trọng nhau và đoàn kết với nhau trong tình huynh đệ để nền công lý và hòa bình lan tràn trên khắp mặt đất.
Đó cũng là hoài bảo của ĐTC Phanxicô, không chỉ cho ngày đầu Năm Mới 2022, mà từ lâu với cương lãnh tụ tôn giáo và cũng là lãnh tụ quốc gia. Trong tinh thần đó, "hôm thứ Bảy 3/10/2020 tại Assisi, ĐTC đã ký một thông điệp mới “Fratelli tutti – Tất cả anh em” mà ngài gọi là một thông điệp xã hội. Trong đó, tình huynh đệ và tình bạn hữu là những phương thức được ĐTC gợi ý để xây dựng một thế giới tươi đẹp, công bằng và hoà bình hơn, cùng với nỗ lực của tất cả các dân tộc cũng như các tổ chức. Cùng nhau nói KHÔNG với chiến tranh và vấn nạn toàn cầu hoá của sự thờ ơ. Thông điệp ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ĐTC bày tỏ : “Đây là điều khiến ngài đau buồn trong khi soạn thảo tài liệu này”. Nhưng bối cảnh y tế toàn cầu chỉ ra rằng “không ai sống sót một mình” và đây thực sự là lúc “mơ về một nhân loại duy nhất” nơi đó tất cả chúng ta là “anh em của nhau” (Vatican news).
ĐTC đã viết : " Tình yêu có tính xã hội” giúp người ta có thể tiến tới một nền văn minh tình thương, điều mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy mình được kêu gọi. Bác ái, với xung năng hướng tới tính phổ quát của nó, có khả năng xây dựng một thế giới mới. Không phải là cảm tính đơn thuần, nó là phương tiện tốt nhất để khám phá những nẻo đường hiệu quả cho sự phát triển của mọi người. Tình yêu có tính xã hội là một “lực có khả năng khơi gợi những cách thức mới để tiếp cận các vấn đề của thế giới ngày nay, để đổi mới cách sâu xa các cơ cấu, các tổ chức xã hội, và các hệ thống pháp lý từ bên trong. Bác ái nằm ở trung tâm của mọi xã hội cởi mở và lành mạnh, nhưng ngày nay “nó dễ dàng bị loại bỏ vì bị cho là không phù hợp cho việc giải thích và hướng dẫn trách nhiệm luân lý”. Bác ái, khi được đi kèm bởi một thái độ dấn thân cho sự thật, thì không chỉ là cảm nghĩ cá nhân, và do đó không nên bị nhầm lẫn với những cảm xúc và quan điểm chủ quan xảy đến bất chợt”. Thật vậy, mối liên hệ mật thiết của nó với sự thật củng cố tính phổ quát của nó, và giữ cho nó khỏi “bị giới hạn nơi một không gian chật hẹp thiếu vắng các tương quan”. Nếu không, nó sẽ “bị loại khỏi các kế hoạch và các tiến trình thúc đẩy sự phát triển nhân bản trên bình diện phổ quát, trong cuộc đối thoại giữa tri và hành”. Nếu không có sự thật, cảm xúc sẽ thiếu nội dung tương quan và xã hội. Sự mở ra của bác ái đối với sự thật, vì thế, sẽ bảo vệ nó khỏi “một chủ nghĩa duy tín tước mất tầm vóc nhân bản và phổ quát của nó ". (TH số 183-184)
Và để giúp mọi người hiều lòng bác ái đích thực và phổ quát, không bị ảnh hưởng bởi cảm tính có thể làm cho lòng người trở nên hạn hẹp, ĐTC đã nêu lên dụ ngôn người Samari nhân lành. “Ai là người thân cận của tôi ?” Để trả lời câu hỏi của người thông luật, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn người Sa-ma-ri : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc … Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
Thầy tư tế và thầy Lê-vi, những bậc đáng kính và được xem là những người đạo đức trong công đồng Do thái vào thời đó, có lẽ vì sợ liên lụy đến mình, nên đã tránh xa nạn nhân bị thương bên đường. Trái lại, người Sa-ma-ri, được xem là ngoại giáo, lại có lòng trắc ẩn, không ngần ngại đến gần nạn nhân băng bó vết thương và đưa về quán trọ để săn sóc người ấy. Và Chúa Giêsu đã biến câu hỏi của người thông luật "Ai là người thân cận của tôi ?" thành câu "Tôi là người thân cận của ai ?".
"Ai là người thân cận của tôi ?" Người thân cận tức là những người ở gần tôi, những người ở bên cạnh tôi. Nhưng những người đó chưa hẳn là những người anh em của tôi. Dù ở gần hay ở bên cạnh, khoảng cách vẫn còn rất xa nếu không có tình huynh đệ để có thể xích lại gần nhau. Ở chung dưới một mái nhà chưa hẳn là người thân tình. Vì thế, cần có một tâm tình yêu thương để có thể gặp nhau, lại gần với nhau để hàn huyên tâm sự chia sẻ nỗi buồn vui trong lòng. Tâm tình yêu thương sẽ trở thành động lực giúp con người ra khỏi cái tôi ích kỷ để đi đến với người khác dù không cùng huyết thống hay ngôn ngữ màu da. Đó là ý nghĩa thâm sâu của câu hỏi mà Chúa Giêsu đã hỏi người thông luật " Ai là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" hay nói khác đì "Tôi là người thân cận của ai ?". Qua câu hỏi nầy, Chúa Giêsu đã đổi ngược tình huống, giúp người thông luật nghĩ suy và khuyến khích ông đến với người khác dù người đó không cùng tôn giáo hay ngôn ngữ. "Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy.", chứ không chỉ tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự theo như Luật dạy. Vã lại, lòng tôn thờ cũng phải đi đôi với lòng bác ái phổ quát như câu tóm tắt các giới luật của Thiên Chúa là "mến Chúa yêu người."
Nhưng nếu Chúa Giê-su nhắc nhở người thông luật và tất cả chúng ta ngày hôm nay là hãy trở nên người thân cận của mọi người, là để chúng ta noi gương Ngài mà thôi. "Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế." (Phil 2,6-7). Khi chấp nhận nhập thế và nhập thể vì vâng lời Chúa Cha, Chúa Giê-su đã trở thành người thân cận của chúng ta, tự nguyện đến gần chúng ta mang đầy thương tích tội lỗi để băng bó vết thương khổ đau của kiếp người và đưa chúng ta đến cõi hằng sống.
"Fratelli Tutti – Tất cả anh em". Tâm tình của người cha chung, nhưng cũng là tâm tình của Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta sống yêu thương đoàn kết, vì chúng ta đều là con một Cha trên trời và là anh chị em trong đại gia đình nhân loại cũng như trong đại gia đình Giáo Hội. “Hãy thể hiện lòng trắc ẩn: đây là chìa khóa. Đây là chìa khóa của chúng ta. Nếu bạn không cảm thương một người đang cần sự giúp đỡ, nếu trái tim bạn không rung động, nghĩa là có điều gì đó không ổn. Hãy thận trọng, Chúng ta hãy thận trọng. Đừng để chúng ta rơi vào sự vô cảm ích kỷ.” (Phanxicô)
Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, CSF
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 6 - 2024 - Lịch Sử Việc Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lá Thư Mục Vụ Tháng 5 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 4 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 3 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 2 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 1 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 09 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 06 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 05 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 04 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 03 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 02 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 01 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2022 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf