Đọc Triết học nhân bản
Hà Giang
WESTMINSTER, Calif (NV) – Trong số những người đặc biệt sùng kính Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, phải nói đến luật sư Lê Đình Thông, tác giả cuốn “Triết học nhân bản của Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II - Biến Đổi Cục Diện Thế Giới” vừa được phát hành vào tháng Tư, 2014, làm dài thêm danh sách kỷ lục của những cuốn tiểu sử đã xuất bản về ngài.
Hình bìa cuốn "Triết học nhân bản của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II Biến Đổi Cục Diện Thế Giới” của luật sư Lê Đình Thông do Giáo Xứ Việt Nam tại Paris ấn hành.
“Triết học nhân bản của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II Biến Đổi Cục Diện Thế Giới” do Giáo Xứ Việt Nam tại Paris ấn hành, là cuốn sách thứ ba của luật sư Lê Đình Thông về vị lãnh đạo Công Giáo nổi tiếng thế giới, người được cho là đã góp phần lớn vào việc sụp đổ của bức tường Bá Linh, kéo theo sụp đổ của cộng sản ở Đông Âu vào cuối thập niên 1980s.
Lý do viết sách, theo lời của tác giả, là để nói lên lòng biết ơn của Giáo Xứ Paris nói riêng, và đất nước Việt nam nói chung, đối với Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II. Vì:
“Lúc sinh thời, ngài rất mực thương yêu đất nước Việt Nam. Không những thư ký riêng của ngài từ 1988 đến 1996 là Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ; vào năm 1988, ngài còn bổ nhiệm Đức Hồng Y Phanxicô-Xavier Nguyễn Văn Thuận làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa Bình (ngang hàng bộ trưởng trong Giáo triều). Ngày 19/08/1988, ngài phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam. Ngày 5/3/2000, ngài phong chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên.”
Là một công trình biên soạn công phu, dài hơn 250 trang, cuốn “Triết học nhân bản của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II - Biến Đổi Cục Diện Thế Giới” được chia làm 3 chương.
Chương I trình bày tỉ mỉ về tiểu sử của Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, chương II nói về triết học về con người của ngài, và chương III, những hoạt động cũng như vai trò của ngài trong việc biến đổi cục diện thế giới qua việc đánh đổ chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.
Với tiêu đề này, sách rất kén người đọc, nhưng sẽ hấp dẫn với những ai muốn tìm hiểu thêm về con người và quan điểm của vị giáo hoàng vừa được phong thánh vào ngày 27 tháng Tư vừa qua, trong một tiến trình phong thánh nhanh kỷ lục, và tại sao ông đã có ảnh hưởng lớn trên cục diện thế giới.
Nói đến sự tận tụy của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II với lý tưởng sự phụng sự, việc ngài luôn luôn trăn trở với câu hỏi phải làm sao để phục vụ con người trong tình yêu Thiên Chúa. Luật sư Lê Đình Thông viết: “Ngày 28/9/1958, ngài (Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, lúc đó còn là linh mục Woityla) được tấn phong giám mục tại nhà thờ chính tòa Wavel. Năm 1960, vì nhu cầu mục vụ, ngài xuất bản cuốn Tình Yêu và Trách Nhiệm. Cuốn sách đặt vấn đề về đạo đức học giới tính, tình yêu thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với người khác và đối với Thiên Chúa. Trước các đòi hỏi cách mạng giới tính trở nên thời thượng, tác giả cho rằng “ta đừng bao giờ đối xử với người khác như phương tiện hoặc như dụng cụ, mà phải coi là cứu cánh. Ngài soạn vở kịch 'Cửa hàng kim hoàn' dựa trên kinh nghiệm của ba cặp vợ chồng.”
Hãy đọc thử một đoạn khác:
“Nếu chế độ cộng sản áp dụng chủ nghĩa Mác Lê nin giết hại hàng triệu sinh linh vô tội, học thuyết nhân vị của Triết gia Karol Wojtyla (Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II) có công chặn đứng thảm họa này. Ngay từ khởi nguyên triều đại giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II thường đề cập đến quyền tự do của con người. Trong các diễn văn đọc trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 1979 và 1995 , tổ chức Văn Hóa Giáo dục Khoa Học Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Paris, 1980, Nghị viện Âu châu, Strasbourgh, 1988, ngài đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của nhân loại học (anthropologie) và triết học nhân bản (philosophie de l'homme).”
Theo luật sư Lê Đình Thông, những băn khoăn về con người đã thôi thúc Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II để đưa đến kết quả:
“Nhà triết học Woityla (tên thật của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II) bác bỏ chủ nghĩa cộng sản coi rẻ con người. Ngài đưa ra học thuyết nhân bản công giáo nhằm khai triển quan điểm Thiên Chúa giáo về con người.”
Vì thế:
“Trong bài báo nhan đề 'Chủ nghĩa nhân bản và sự cáo chung của nhân loại' đăng trong tạp chí 'Tygodnik Powszechny' (số 31, năm 1957) Woityla cho rằng học thuyết nhân bản đi đôi với đạo đức hộc công giáo. Cả hai đều bàn đến vấn đề chân lý và lòng từ nhân, hành động vô vụ lợi, hướng về phúc lợi chung.”
Hay:
“Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II xem con người là đối tượng phát triển nhằm thăng tiến phẩm giá con người. Phát triển con người toàn diện là nhắm vào hữu thể con người. “Việc đẩy lui nạn nghèo tuy cấp bách và cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Cần xây dựng một thế giới trong đó mọi người có thể sống phù hợp với nhân phẩm, thoát khỏi ách nô lệ.”
Về vai trò quan trọng của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong việc làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu, tác giả dẫn chứng:
“Sau này, Gorbatchev đã nhắc lại câu chuyện cũ, trong một bài báo đăng trong tờ La Stampa viết: “Ngày nay, chúng tôi có thể xác nhận rằng những biến chuyển tại Đông Âu trong các năm vừa qua không thể xẩy ra nếu không có đức giáo hoàng, không có vai trò lỗi lạc của ngài trên bình diện chính trị mà ngài đã đảm nhận trên trường quốc tế.”
Chương III của sách tả lại những biến đổi tại xã hội Ba Lan trong những thập niên 1970s, 1980s, và sự tham gia ngày càng mật thiết của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong tiến trình dân chủ hóa của đất nước này.
Về câu nói đã đi vào lịch sử “các con đừng sợ” của ngài, một đoạn trong chương III viết:
“Trong thánh lễ nhậm chức cử hành ngày 16/10/1978, vị tân giáo hoàng lấy hiệu là Gioan-Phaolô II tuyên bố:
“Các con đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô. Vì quyền năng cứu độ của ngài, hãy mở biên giới các quốc gia, hãy mở rộng kinh tế và chính trị, các phạm vi rộng lớn về văn hóa, văn minh và phát triển.
Các con đừng sợ. Chúa Kitô biết thế nào là con người. Chỉ có ngài mới biết rõ mà thôi.”
“Hãy mở biên giới các quốc gia, hãy mở rộng kinh tế và chính trị, các phạm vi rộng lớn về văn hóa, văn minh và phát triển!” Những thông điệp này không thuần túy chỉ là một thông điệp tôn giáo, mà là một thông điệp đầy nhân bản của một vị lãnh đạo luôn trăn trở với câu hỏi làm sao để tạo một môi trường nhân bản nhất cho tất cả mọi người trên thế giới.
Có lẽ vì thế mà Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đặc biệt được nhiều người tôn kính, và cũng có lẽ vì thế “Triết học nhân bản của Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II Biến Đổi Cục Diện Thế Giới” của luật sư Lê Đình Thông sẽ không phải là cuốn sách cuối cùng được viết về ngài.
Hà Giang
Báo Người Việt - Cali