CN 29 THƯỜNG NIÊN - Năm B
18.10.15
"Các anh muốn Thầy thực hiện
cho các anh điều gì ?"
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Tiên tri Isaia (Is 53, 10-11).
ĐỨC CHÚA đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.
ĐÁP CA (Tv32)
Đáp : Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con,
theo như chúng con tin cậy ở nơi Chúa.
Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài,
nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài,
để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết
và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
BÀI ÐỌC II
Bài trích thơ gởi tín hữu Do Thái (4, 14-16).
Anh em thân mến, chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.
TIN MỪNG
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô (10, 35-45).
Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây". Người hỏi : "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?" Các ông thưa : "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang". Đức Giê-su bảo : "Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?" Các ông đáp : "Thưa được." Đức Giê-su bảo : "Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được". Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : "Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em ; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người".
SUY NIỆM LỜI CHÚA :
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
"QUYỀN BÍNH TRONG GIÁO HỘI"
Lời loan báo cuộc khổ nạn được tiếp nối bằng câu hỏi phi lí và ngây ngô của hai anh em Giacôbê và Gioan : "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy" (c.35). Hai ông muốn được chấo thuận ngay cả trước khi trình bày thỉnh nguyện, hai anh em muốn được tham dự vào quyền điều hành trong vinh quang, trong quyền tối thượng thiên sai của Ðức Giêsu. Chúa Giêsu thân mật hỏi : "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?". Hai con ông Ðêbêđê thưa : "Xin cho hai anh em chúng con, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang" (c.37).
Ðức Giêsu muốn bảo lời thỉnh cầu của họ thật ngây ngô và khờ khạo. rồi bằng hai hình ảnh "chén uống" và "phép rửa" có nghĩa là chấp nhận đau khổ và sỉ nhục, sẳn sàng và khả năng tử đạo là điều kiện cho việc "đồng quyền tối thượng". Trong giáo hội thời sơ khai, uy thế của môn đồ Giacôbê đặt cơ sở không phải trên trách nhiệm điều khiển cộng đoàn, như đối với môn đồ Phêrô, nhưng bằng cái chết tử đạo được lịch sử minh chứng.
Ðề tài bây giờ là trật tự hiền thời giữa các môn đồ, Cộng đoàn cần phải bảo toàn trong phạm vi của mình cách thức suy tưởng của Ðức Giêsu, điều chỉnh bằng tình huynh đệ Kitô giáo và đừng để bị lôi cuốn vào những tranh chấp vì một cấp cao và một cấp thấp như lề lối tổ chức xã hội trần gian : "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ" (c.43), phải hiểu vai trò, sứ mạng của người môn đồ chân chính trong Cộng đoàn, không phải là quyền bính, sự thông thái... nhưng là "phục vụ" và làm "tôi tớ mọi người". Ðó là tính cách đáng tin cậy của một Tin Mừng nhằm thanh luyện con người môn đồ.
"Vì Con Người đến không phải dể được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (c.45) như vậy Ðức Giêsu đã hoàn thành sứ mạng bằng cái chết đau đớn để chứng tỏ mức độ sự phục vụ đúng nghĩa phải đạt tới.
Thế nhưng, trong xã hội hôm nay, đều bị cám dỗ là sử dụng những phương tiện điều hành, bởi vì đối với ta chúng có vẽ hữu hiệu để hướng dẫn con người hơn là sự thuyết phục, sự tự do và lòng yêu thương. hai môn đồ Giacôbê và Gioan đã mong ước thực thi việc tông đồ trên ngai và Ðức Giêsu đã cho hai ông biết sẽ thực thi việc đó trên cây thập giá.
Ðức Giêsu là Thủ lãnh và là Thầy tuyệt hảo, muốn biết quyền bính trong Giáo Hội phải thực thi như thế nào ? Hãy nhìn vào Ðức Giêsu xem Ngài sử dụng quyền năng ra sao. Quyền bính Kitô giáo, phải được thực thi bằng thuyết phục, bằng cảm hóa, soi sáng, dạy dỗ. Thái độ ngây ngô của Giacôbê và Gioan vẫn còn là thái độ của nhiều người trong Giáo Hội.
Ngày nay, người ta khám phá rằng quyền bính trong Giáo Hội không phải là quyền áp đặt những quyết định của thủ lãnh cho các cấp dưới; nhưng là khả năng khơi dậy sự hiệp thông. Vấn đề không phải là truyền lệnh hay là thanh trừng, nhưng là mời gọi lương tâm và xác tín. Vì lãnh đạo không phải là người ra lệnh, nhưng là người tạo nên bầu khí tin tưởng, tôn trọng, thương yêu trong một Cộng đoàn cùng chung những quan điểm và hy vọng. Ðức Giêsu không nói đến nguy hiểm vô trật tự trong Giáo Hội; nhưng Người quan tâm đề cập đến một quyền bính tôn giáo được thực thi như một quyền bính trần thế.
Ngai vàng duy nhất, uy quyền duy nhất, quyền bính duy nhất mà Ðức Giêsu đã hứa cho hai môn đồ Giacôbê và Gioan là hãy yêu mến như Người, uống chén đắng và hiến mạng sống trên thập giá vì yêu anh em như Người.
Lm. Giuse Trần Anh Dũng (viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm B", Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt, 1975)