Alléluia, Alléluia ! Chúa Kitô đã phục sinh, Alléluia !
Kể từ tối Thứ Bảy 16-04-2022, tiếng ca mừng Alléluia đã vang dội trên khắp trái đất, hòa với tiếng chuông các giáo đường thánh thót ngân nga, để báo tin vui Phục sinh. Cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Kitô đã toàn thắng tử thần, Ngài đã phục sinh từ cõi chết và mở ra một trang sử mới cho nhân loại. Một sự kiện có một không hai trong lịch sử loài người. Đấng phục sinh chính là Con Thiên Chúa giáng trần sống kiếp người như mọi người và cuối đời, Ngài cũng đã trải qua kinh nghiệm của sự chết, một cái chết ô nhục trên thập giá. Nhưng Chúa Cha đã phục sinh Ngài để Ngài trở thành Đấng Cứu thế hoàn vũ. "Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu " (Ph 2,6-9)
Tuy nhiên, niềm vui Phục sinh đã được khởi đầu bằng sự sợ hãi, lo âu và thất vọng. Sự sợ hãi cùa bà Maria Mađalêna và vài phụ nữ khác, khi các bà ra viếng mộ Đức Giêsu, khám phá tảng đá lấp mộ đã được đẩy ra và thi thể của Đức Giêsu không còn ở trong mộ. Nỗi lo âu của Phêrô và người môn đệ Chúa yêu, sau khi nghe các bà kể lại sự việc, đã vội chạy ra mộ xem thực hư như thế nào ? Lòng phiền muộn thất vọng của hai môn đệ trên đường đi về quê Emmau khi thấy Đấng mình đặt tất cả hy vọng là sẽ giải thoát dân tộc khỏi ách đô hộ của đế quốc La mã nay đã chết. Chính những tâm trạng trên đã làm cho niềm vui thêm cao vời và tâm hồn các môn đệ thêm phấn chấn khi Đức Kitô hiện ra với họ. Maria Mađalêna vui mừng ôm lấy chân Chúa, người môn đệ Chúa yêu thêm lòng tin khi thấy các khăn liệm xác được xếp ngăn nắp, hai môn đệ trên đường Emmau vui mừng trở về Giêrusalem báo cho các môn đệ khác biết là Chúa đã phục sinh. Nội phiền, âu lo, sợ hãi, đã tan biến để nhường chỗ cho niềm vui khôn tả khi họ gặp lại Thầy chí thánh của mình sau cuộc hành quyết trên đồi Golgotha. "Tôi đã xem thấy Chúa" (Ga 20,18). Đó là lời minh chứng của Maria Mađalêna như một lời tuyên xưng đức tin và lời đó đã được rao truyền cho đến ngày hôm nay.
"Tôi đã xem thấy Chúa". Chắc hẳn, chúng ta không được diễm phúc nhìn thấy Chúa Kitô Phục sinh cách nhãn tiền như các môn đệ và bà Maria Mađalêna xưa kia. Nhưng niềm tin thì chúng ta có, vì nếu chúng ta không tin Chúa Kitô phục sinh thì chúng ta không phải là Kitô hữu. Với con mắt Đức Tin, chúng ta cũng có thể thấy Ngài qua các dấu chỉ.
- Chúa hiện diện trong các Bí tích, cách riêng trong Bí tích Thánh Thể, để ở với chúng ta. "Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người." (Mc 14,22-24)
- Chúa hiện diện trong Giáo Hội vì Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm mà Chúa là Đầu. "Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh ; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu." (Col 1,18)
- Chúa hiện diện qua khuôn mặt của tha nhân, cách riêng những người nghèo khó. "Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25,40)
- Chúa hiện diện trong mỗi người chúng ta. “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.” (1Cr 12, 27)
Mỗi người chúng ta là một dấu chỉ của Chúa Kitô phuc sinh. Thật lạ lùng ! Là những con người yếu đuối thấp hèn, nhưng Chúa đã thánh hóa chúng ta trong Bí tích Thanh tẫy để chúng ta trở thành những người mới, mang dấu ấn Phục sinh của Ngài. "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em." (1 Cor 3,16). Vì thế, để trở thành thực sự dấu chỉ Đức Kitô, chúng ta cần phải sống đích thực ơn Phục sinh mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta. Theo Lm. Giuse Nguyễn Quang : "Đức Giêsu sống lại là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới, ngay bây giờ và chính tại đây, như thánh Phaolô nói: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Vậy, chúng ta chỉ có được sự sống mới sau khi chết đi con người cũ, có nghĩa là chúng ta phải dứt khoát từ bỏ con người cũ, là con người của ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình, lo cho mình, chỉ quan tâm tới hạnh phúc và đau khổ của chính mình, không quan tâm gì tới ai. Đây chính là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho là thói vô cảm toàn cầu hóa. Nếu chúng ta diệt trừ thói vô cảm này, nguyên nhân mọi tội lỗi, chúng ta mới có được sự sống mới. Vì vậy, Thánh Phaolô nói: “Nếu sống nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được sống” (Rm 8, 13).
Cũng như niềm vui Phục sinh được khởi đầu bằng sự hốt hoảng, lo âu, sợ sệt, thì đừng để những khó khăn của ngày hôm nay làm chúng ta thất vọng và mất niềm tin, đừng để những khổ đau chôn vùi chúng ta trong ngôi mộ đen tối của cõi lòng, đừng để tảng đá đè lấp chôn vùi chúng ta trong nỗi thất vọng. Trái lại, hãy để ánh sáng Phục sinh chiếu dọi vào tâm hồn chúng ta để chúng ta luôn hy vọng và cố gắng vượt qua những khó khăn của kiếp người. Nói cách khác, "Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta sống vui tươi, hy vọng, trong niềm tin phó thác cho dù những khó khăn vẫn còn đó nhưng Chúa luôn đồng hành với chúng ta, Người hiện diện với chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta. Và Người mong chúng ta biết đem niềm vui Phục Sinh đến với những ai đang buồn sầu, đem hy vọng cho những ai đang chán nản mất cậy trông … Ngài cũng ước mong chúng ta sống bình an. Chúa biết rõ chúng ta yếu hèn, mong manh và hay lo lắng. Chúa biết điều chúng ta cần hơn cả là sự Bình An của chính Chúa. Đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa, chúng ta sẽ bình an. Khi bình an, tin tưởng, chúng ta sẽ sống hết tình hết mình vì Chúa và cho anh em." (Dã Quỳ)
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh, Alléluia, Alléluia !
Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 6 - 2024 - Lịch Sử Việc Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lá Thư Mục Vụ Tháng 5 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 4 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 3 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 2 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 1 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 09 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 06 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 05 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 04 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 03 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 02 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 01 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2022 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf