"GIÁO HỘI TRẦM
LUÂN"
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 – 2021
Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang Csf
àng năm, Giáo Hội dành riêng tháng 11 để cầu cho các tín hữu đã qua đời, cho dù trong mỗi thánh lễ, Giáo Hội đều cầu cho họ. "Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa." (KNTT 2)
Vì sao Giáo Hội cầu cho những người quá cố và vì sao Giáo Hội dành riêng tháng 11 để cầu cho những người đã an giấc ngàn thu ?
Người Việt Nam chúng ta có bốn chữ để định nghĩa cuộc đời của mỗi người : "sanh, bệnh, lão, tử". Đã được sanh ra làm người thì không tránh khỏi cái bệnh nó đến. Có ai khỏe mạnh từ ngày sanh đến ngày chết mà không một lần ốm đau bao giờ ? Và có ai thoát khỏi giai đoạn "già nua tuổi tác, tóc bạc răng long" để "trẻ mãi không già" ? Và có ai thoát khỏi giây phút "nhắm mắt xuôi tay" giã từ cuộc đời này và chia lìa với người thân ?
Nhưng, có phải chết là hết không ? Từ thuở xa xưa, khi có một người trong thôn xóm qua đời, gia đình và cả xóm làng tổ chức lễ an táng rất trọng thể, vừa để tôn kính người quá cố, vừa để linh hồn của người đó được thư thái nơi suối vàng. Như thế, ngay từ đầu, con người đã tin chết không phải là hết. Người Kitô hữu chúng ta cũng tin như thế, vì các lý do sau :
- Thiên Chúa tạo dựng con người có thân xác, tâm trí và linh hồn. Chính linh hồn làm cho con người khác với các loài có sự sống trên trái đất và đứng ở bậc cao nhất của nấc thang tạo vật. Hơn nữa, con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26). Vì thế, Thiên Chúa yêu quí con người và chỉ muốn cho con người luôn được hạnh phúc trong tình nghĩa của Ngài. - Linh hồn bất tử, không tan biến vào cõi hư vô khi con người lìa đời, nhưng, về với Thiên Chúa như một sự trở về nguồn. "Lá rụng về cội". Đến ngày cánh chung, khi Đức Ki-tô trở lại trong vinh quang, con người sẽ phục sinh từ cõi chết để hưởng hạnh phúc thiên đình hay chịu phạt trong cảnh tối tâm, tùy theo cách sống của mỗi người khi còn sinh tiền. Chính sự phục sinh của Chúa Ki-tô là bảo chứng cho sự phục sinh của nhân loại. - Thật vô lý nếu khi chết, tất cả điều tan biến thành mây khói như tình cảm dành cho người thân, những cố gắng để xây dựng gia đình và xã hội, những việc lành đã làm theo lời Chúa dạy … Vì thế, khi chết, "sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi". "Những người đã ra đi khỏi cuộc sống trần gian về thế giới bên kia và những người còn đang sống, trước sau vẫn thuộc về nhau. Tất cả đã cùng chung sống với nhau. Chúng ta và họ đã cùng chia sẻ cuộc sống niềm tin, cuộc sống tình người với nhau." (Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)
Tuy nhiên, khi đã nhắm mắt xuôi tay thì con người không còn làm được gì nữa. Lúc còn sống, con người có thể sám hối đền bù mỗi khi sa ngã lỗi lầm. Trên dương gian này, có ai trọn ven bao giờ ? "Nhân vô thập toàn." Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo do Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô 2 ban hành năm 1992 có 3 số nói về luyện ngục như sau :
Số 1030 : Cần có Luyện ngục : “Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng”.
Số 1031 : Luyện ngục để thanh tẩy : “Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện: “Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau” (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau” (Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).
Số 1032 : Người sống cứu người chết : Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh : “Đó là lý do tại sao ông Giu-đa Ma-ca-bê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình” (x. 2 Mcb 12,46).
Như thế, lời cầu nguyện của những người còn sống, nhất là khi họ xin lễ để nhờ hy lễ của Chúa Ki-tô tái diễn trên bàn thờ, có thể giúp các linh hồn sớm được thanh tẩy để hưởng hạnh phúc thiên đàng. Chính vì thế, Giáo Hội không quên cầu nguyện cho những người quá cố mỗi khi một thánh lễ được cữ hành trên trái đất này. Đó là niềm tin vào mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, tức là sự hiệp thông giữa ba thành phần của Giáo Hội : Giáo Hội khải hoàn (các Thánh trên trời) cầu cho Giáo Hội lữ hành (các Kitô hữu đang sống) và Giáo Hội lữ thứ cầu cho Giáo Hội trầm luân (các linh hồn đang được thanh luyện). Ba thành phần này luôn hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện và ân sủng do Chúa Ki-tô ban cho.
Nhưng nếu Giáo Hội dành riêng tháng 11 để cầu cho các linh hồn, chắc hẳn là để giúp chúng ta đừng quên những người thân hay bạn bè của chúng ta bên kia ngưỡng cửa cuộc đời. Họ đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Cầu nguyện, xin lễ, dâng những hy sinh, những việc lành là giúp họ sớm hưởng Nhan thánh Chúa. Đó cũng là cách nói lên lòng yêu thương và tri ân của chúng ta dành cho những đấng đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta hay những người đã từng giúp chúng ta trong cuộc sống khi họ còn tại thế, một lời động viên, một cử chỉ ân tình, một tình yêu cho đi, một nụ cười cảm thông tha thứ, để chúng ta vững tin tiến bước trên đường đời.
Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên đời đời, Và xin cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen
"Hỡi người hãy nhớ chính thân phận mình, chỉ là bụi đất trong vòng tay Chúa tình yêu. Ngài dựng nên ta, ban cho ta xác thân linh hồn, để rồi một mai ta sẽ trở về với cát bụi. Xin hãy nhớ, người ơi hãy nhớ, ta được dựng nên từ bụi tro, là bụi tro mong manh bé nhỏ, cuối cuộc đời ta trở về tro bụi. Ôi lạy Chúa nguyện xin nâng đỡ giữ gìn đây hạt bụi đời con được cậy tin mến Chúa sắt son, bởi Ngài là gia nghiệp đời con." (Thánh ca Hạt bụi đời con)
Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
|
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 6 - 2024 - Lịch Sử Việc Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lá Thư Mục Vụ Tháng 5 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 4 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 3 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 2 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 1 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 09 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 06 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 05 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 04 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 03 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 02 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 01 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2022 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf