Văn Hóa Gia Đình
Quyển
sách xác định sự bổ túc liên đới và hỗ tương của văn hoá Việt Nam và văn hoá
KiTô cho văn hóa gia đình Việt Nam và ước mong góp phần vào hướng đi mục vụ cho gia đình công giáo Việt Nam
LỜI NGỎ
S |
au hai cuốn Đường vào Tình Yêu (2000)
và Văn Hóa và Đức Tin' (2004), năm nay (2006) Ban Mục Vụ Gia Đình lại muốn cống
hiến quý Độc Giả, nhất là các Gia Đình Trẻ một tác phẩm chung khác, là cuốn Văn
Hoá Gia Đình”. Ba lý do thúc đẩy chúng tôi mạnh bạo soạn cuốn Văn Hóa Gia Đình
này : ghi lại những kinh nghiệm của 10 năm sinh hoạt gia đình ; xác định sự bổ
túc liên đới và hỗ tương của văn hoá Việt Nam và văn hoá Ki Tô cho văn hóa gia
đình Việt Nam; và mạo muội góp phần vào hướng đi mục vụ gia đình cho các công
đoàn công giáo Việt Nam.
1. Trước hết, cuốn Văn Hóa Gia Đình
là kết quả tụ họp của 10 năm sinh hoạt với các gia đình : sinh hoạt chuẩn bị
hôn nhân cho các thanh niên nam nữ, sinh hoạt đồng hành với các gia đình trẻ,
sinh hoạt mừng sinh nhật hôn nhân với các gia đình kỳ cựu, sinh hoạt chúc mừng
thượng thọ với các bậc lão niên. Qua các sinh hoạt phong phú và đa dạng ấy với
người Việt Nam ở Paris thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ trung 18-30 tuổi, qua quan
viên 30-60 tuổi, đến lão niên 60- 100 tuổi, một sự kiện văn hóa nổi bật rất
mạnh đã đánh động mọi người, hướng dẫn viên cũng như tham dự viên, đó là sự
kiện văn hoá gia đình trong tâm tư và cách sống của người Việt Nam.
Huyền sử lập quốc Việt Nam đặt trên
nền tảng gia đình: gia đình Âu Lạc. Cuộc sống thường ngày của người Việt Nam
được hướng dẫn và giải quyết với một tiếp cận căn bản là tiếp cận gia đình, với
những dụng cụ phong tục gia đình đa dạng và phong phú, từ gia tài, gia sản, gia
bản, gia tư... qua gia thất, gia trang, gia đường... đến gia tiên, gia tộc, gia
phả, gia huấn, gia lễ, gia truyền, gia đạo, gia pháp, gia phong.
Như vậy cái văn hoá gia đình Việt Nam
này, khởi thủy phát xuất từ gia đình Việt Nam. Ca dao, tục ngữ, cổ tích và các
tác phẩm văn học khác là những dụng cụ tích trữ, chuyên chở và phổ biến cái văn
hoá gia đình Việt Nam này.
Một câu ca dao sau đây làm tỷ dụ :
Anh ơi, anh ở lại nhà,
Thôi đừng vui thú nguyệt hoa chơi
bời,
Còn tiền kẻ rước người mời,
Hết tiền chẳng thấy một người nào
thương.
2. Cái văn hoá gia đình Việt Nam này
lại được bổ túc và tô điểm bởi những đóng góp của các nền văn hoá nước ngoài
khác, từ Ấn Độ Phật Giáo, qua Trung Hoa Lão - Khống, đến Âu Mỹ Ki Tô. Qua dòng
lịch sử, văn hóa gia đình của tam giác Phật, Lão, Khổng
đã hội nhập vào văn hoá gia đình dân tộc Việt Nam.
Và từ thế kỷ XV, văn hoá gia đình Ki
Tô giáo đã dần dà góp phần làm tươi mát, phong phú và khởi sắc cho văn hoá gia
đình việt Nam. Đây là lý do thứ hai thúc đẩy chúng tôi mạo muội nêu lên sự bổ
túc liên đới và hỗ tương của văn hoá Việt Nam và văn hoá Ki Tô trong văn hóa
gia đình Việt Nam. Tiếp xúc với người Việt Nam, lương cũng như giáo, chúng tôi
nhận ra rằng không có điểm văn hoá nào khởi sắc của Giáo Hội và xã hội mà không
phát xuất hay quy hướng về gia đình.
Sau Thánh Kinh, Gia đình là môi sinh,
là vườn ươm, là môi trường phát triển của văn hóa. Trong gia đình công giáo
luôn có hai nền văn hóa bổ túc nhau, đó là nền văn hoá Thánh Kinh, văn hóa tôn
giáo và nền văn hoá dân tộc, văn hoá nhân bản. Vì thế :
- Chúng tôi xác tín vào điều các Nghị
Phụ Công đồng Vatican II khẳng định : « Bởi vì Đấng tạo Hóa đã đặt gia đình làm
nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người, nên gia đình trở thành tế bào đầu
tiên và sống động của xã hội (TĐ 11). Tận nguồn gốc và trên nền tảng này đã và
đang mọc lên cây văn hoá gia đình làm sống động xã hội.
- Chúng tôi tin tưởng vào lời xác
quyết của Đức Gioan- Phaolô II trong thông điệp Bách Chu Niên (Centesimus
Annus) : « Phải xem gia đình như là cung thánh sự sống. Thật vậy, gia đình là
thánh thiêng, nó là nơi mà sự sống, hồng ân của Thiên Chúa, có thể được tiếp
nhận cách xứng hợp ... Gia đình là nơi sự sống có thể phát triển theo những yêu sách
tăng trưởng nhân bản đích thực. Ngược lại với những gì người ta gọi là văn hóa
sự chết, thì gia đình là nơi phát triển văn hoá sự sống » (BCN 39).
Chúng tôi còn có thể nói theo Đức
Gioan-Phaolô II trong thông điệp Cộng Đồng Gia Đình (Familiaris Consortio): Văn
Hóa Gia Đình là Văn Minh Tình Thương (BCN 10)
3. Quả thật, Văn Hóa Gia Đình rất cơ
bản và phong phú, vượt ngoài khả năng khai thác và quảng diễn của mọi người.
Chính vì thế, với tầm sức hạn hẹp, chúng tôi chỉ dám ‘‘lần mò’’ đề cập đến một
số khía cạnh văn hóa Việt Nam trong Gia Đình Việt Nam nói chung, và đồng thời
nêu bật một số khía cạnh văn hoá Kitô giáo trong gia đình Việt Nam nói riêng.
Đây cũng là những nét hội nhập văn hóa của Kitô giáo ngay trong sinh hoạt của
Gia Đình Việt Nam. Thêm vào đó, chúng tôi không chỉ nhắc lại những điểm nét văn
hóa cổ truyền, mà còn quan tâm đến những biến chuyển của văn hoá gia đình trong
dòng thời gian, nhất là từ mấy thập niên qua. Vì văn hóa gia đình không ứ đọng,
chết mòn, nhưng là một phần bộ văn hóa sống động, thích ứng, hội nhập, tiên
tiến trong toàn bộ văn hóa của nhân loại. Do đó, văn hóa gia đình càng ngày
càng trở nên quan trọng trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội, trong sự sinh tồn
và phát triển của các Công Đoàn Việt Nam hải ngoại, và dĩ nhiên, cho cả xã hội
nhân loại. Vậy, khi chọn viết cuốn ‘‘Văn Hoá Gia Đình’’, chúng tôi muốn góp
phần nhỏ vào những bận tâm mục vụ của Giáo Hội và của các bậc chủ chăn:
- Như cộng đồng Vatican II mời gọi :
« Người kitô hữu phải biết lợi dụng thời đại và phân biệt những gì trường tồn
với những hình thức hay thay đổi, phải nhiệt thành đề cao những giá trị hôn
nhân và gia đình bằng gương sống cụ thể của bản thân cũng như bằng hành động
hợp tác với nhau và với những người thiện chí. Như vậy, sau khi vượt qua các
trở ngại, họ sẽ thoả mãn được những nhu cầu của gia đình và cung cấp cho gia
đình những tiện nghi hợp với thời đại mới». (MV 52).
- Như Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mong
muốn : ‘‘Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình’’ (CĐGD 86).
Vì thế, tất cả mọi người hữu trách và
mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ và thăng tiến các giá trị
đời sống gia đình. Dẫu cho những bóng tối và khó khăn che lấp đi phần nào sự
cao đẹp của những giá trị hôn nhân và gia đình, nhưng các Kitô hữu vẫn luôn
được mời gọi vững tin vào quyền năng của Thiên chúa để trở thành sứ giả loan
báo Tin Mừng về gia đình cho thế giới hôm nay, và để các gia đình Kitô trở nên
tin mừng cho Thiên niên kỷ thứ ba” (Thư chung, 11.10.2002).
- Như nhận định của Đức Hồng Y
Phanxicô Nguyễn Văn Thuận khi giới thiệu Tông Huấn Cộng Đồng Gia Đình : « Với
Tông Huấn này, lại một lần nữa Giáo Hội sẵn sàng đối đầu với những tranh luận
về gia đình trong thời đại hiện nay, với tính chất đa nguyên của nhiều đề nghị
văn hóa về gia đình. Như vậy chúng ta cần tìm mọi phương thế bảo vệ và củng cố
sự bền vững của văn hóa gia đình, của chính gia đình. Và việc trình bày cái
nhìn về gia đình theo Tin Mừng là một việc làm rất phù hợp với những đòi hỏi
sâu xa của gia đình kitô hiện nay. Chúng ta không quên rằng, Đức thánh cha
Gioan-Phaolô II đã bày tỏ ý thức sâu xa của Giáo Hội về tầm quan trọng của gia
đình đối với tương lai của thế giới, khi Ngài nói Tương lai của nhân loại sẽ
đến ngang qua gia đình » (FC86) (Kỷ niệm 20 năm Tông huấn Familiaris Consortio,
Roma, 21.11.2001).
Vì những nhận định trên, chúng tôi,
tuy lực bất tòng tâm, đã đồng thuận hoàn thành cuốn Văn Hoá Gia Đình với các
chủ đề :
- Dẫn nhập vào Văn hóa gia đình Việt
Nam (Gs Trần Văn Cảnh).
- Lập Gia
Đình (OB Long Hằng)
- Văn hóa
gia đình trong đời sống tại Pháp (Gs Tạ Thanh Minh Khánh)
- Những
trao truyền giữa các thế hệ (Pt Phạm Bá Nha).
- Giáo
dục con cái (Gs Trần Văn cảnh).
- Dòng
dõi, Thảo hiếu, Tổ tiên (ÔB. Bình Huyên).
- Gia
đình trong Cộng Đoàn và Giáo Hội (Bs Nguyễn Ngọc Đĩnh, Lm Mai Đức Vinh).
-
Học thuyết công giáo về Gia đình trong thế kỷ XXI (Ls Lê Đình Thông).
- Góp ý
về dinh dưỡng (Bs Tạ Thanh Minh)
- Hôn
nhân dị chủng (Lm Mai Đức Vinh)
- Thiết
lập gia đình trong luật pháp (Ls Nguyễn Thị Hảo).
- Linh đạo gia đình (Lm Mai Đức
Vinh).
Xin quý Độc giả, quý Gia đình, nhất
là các gia đình trẻ vui lòng đón nhận cuốn sách này không như một công trình
nghiên cứu đầy đủ về ‘‘Văn Hóa Gia Đình’’, nhưng như một ‘‘thiện chí phục vụ
các Gia Đình, nhất là các Gia Đình trẻ’’ trong cộng Đoàn giáo xứ từ mười năm
qua.
Muôn tạ ơn Chúa và chân thành cám ơn
mọi Độc giả.
Paris, Lễ Phục Sinh 16.04.2006.
Lm Mai Đức
Vinh
__________________
Quý vị độc giả có thể liên lạc qua địa chỉ giaoxuvnparis@gmail.com để được hướng dẫn cách thức có được bộ sách này.
Thánh Gioan Maria Viannê Qua Các Mẫu Chuyện
TÊRÊSA VỊ THÁNH LỚN NHẤT CỦA THỜI ĐẠI MỚI
Thủ bản tự thuật của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
HỘI NGỘ NIỀM TIN - ROMA 30/06/02-24/07/03
PHÓ TẾ VĨNH VIỄN, THẦY LÀ AI ?
Cây Văn Hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris
THÁNH KINH&GIA ĐÌNH : Con Cái Là Hồng Ân Của Thiên Chúa
THÁNH KINH VÀ GIA ĐÌNH : Người Trẻ Sống Đức Tin
THÁNH KINH VÀ GIA ĐÌNH : Giáo Dục Tuổi Hoa Niên
THÁNH KINH VÀ GIA ĐÌNH : Giáo Dục Con Cái
Thánh Kinh và Gia Đình : Gia Đình Sống Đạo
Tặng Cho Nhau - Kỷ Niệm 60 năm Liên Tu Sĩ VN tại Pháp
Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI (1897-1978)