Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 – 2021 Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang Csf Ngưòi Việt Nam chúng ta luôn có một tâm tình đặc biệt dành cho người mẹ, cách riêng qua các vần thơ như : "Ở bên mẹ vô cùng hạnh phúc, Chẳng lo gì gió vụt mưa sa, Tháng ngày tuy thiếu bóng cha, Nhưng với con trẻ mẹ là thái dương." (Hòa Hiệp Lê) hay những bài hát đầy yêu thương như bài "Lòng Mẹ" của Y Vân : "Lòng Mẹ bao la như biển Thái Ɓình dạt dào, Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào, Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ уêu." Chính tâm tình dành cho người mẹ trong gia đình giúp cho chúng ta dễ có lòng tôn kính Mẹ Maria, người mẹ của chúng ta ở trên trời, như hai làn sóng hòa hợp với nhau để hướng tâm hồn chúng ta bay vút lên cao. Tháng 5 dâng hoa kính Mẹ, tháng 10 dâng Mẹ chuỗi Mân côi. "Theo nghĩa tiếng Hán, “Mân” có nghĩa là một loại đá giống như ngọc và “Côi” có nghĩa là một loại ngọc quí (Hán Việt Từ Điển, tác giả Đào Duy Anh, 1957). Như thế, mân côi có nghĩa là ngọc quí. Chuỗi hạt mân côi là kết tinh của những mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Kinh Mân Côi là con đường thiêng liêng dẫn đưa người tín hữu đến gặp gỡ Chúa Kitô trong vinh quang Nước Trời (Thánh GH Gioan-Phaolô II). Kinh Mân Côi còn là “dây chuyền hy vọng” (Cha Benedict Groeschel, Dòng Phanxicô)." (trích Logos C). Nhưng theo nghĩa tiếng Pháp, kinh Mân Côi gọi là " le Rosaire", và chữ "Rosaire" bởi chữ "rose" là hoa hồng mà ra. Tại sao là hoa hồng ? Thưa vì vào thời Trung cổ, trong các gia đình công giáo, người ta thường kết vòng hoa hồng đặt trên đầu tượng Đức Mẹ, và mỗi một hoa là một lời kinh. Vì hoa hồng mau tàn, nên người ta thay thế bằng những trái ô liu hay trái "buis". Đến thế kỷ thứ 6, thánh nữ Brigitte Aí Nhĩ Lan, khởi xướng đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng với những hạt đó. Chuỗi Mân Côi như thế được hình thành. Tuy nhiên, cũng có truyền thuyết cho rằng : Vào thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhiều khủng hoảng, nhất là từ những nguy cơ đến từ một bè lạc giáo có tên là Albigeois ở miền nam nước Pháp. Năm 1213, Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Đaminh và trao cho ngài một cỗ tràng hạt. Mẹ hứa, nếu các tín hữu siêng năng lần hạt thì Giáo Hội sẽ được an bình trở lại. Thánh Đaminh vâng lời Đức Mẹ, nhiệt thành kêu gọi mọi người đọc kinh Mân Côi và đúng như lời Đức Mẹ đã hứa, bè lạc giáo đã tan rã và Giáo Hội được hưng thịnh. Như thế, lần chuỗi Mân Côi là "một hình thức cầu nguyện với Mẹ và cũng là một cử chỉ tôn kính và dâng lên Mẹ Maria những đoá hoa hồng thiêng liêng là các Kinh Kính Mừng. Một trăm năm mươi kinh Kính Mừng là một trăm năm mươi bông hồng hay một trăm năm mươi Thánh vịnh dâng kính Mẹ, vì chuỗi Mai Khôi được coi như tập Thánh vịnh về Đức Mẹ, cũng giống như một trăm năm mươi Thánh vịnh để tôn vinh, ca tụng và cầu xin cùng Chúa vậy. Trong khi đọc thì lòng suy gẫm về vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong Mầu nhiệm Cứu độ được gắn kết với cuộc đời Mẹ." (www.songtinmungtinhyeu.org) Trong Tông thư "Kinh Mân Côi" (Rosarium Virginis Mariae), Thánh GH Gioan-Phaolô II đã viết : " Kinh mân côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức Maria, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Maria, kinh Magnificat ca ngợi việc Nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với Kinh mân côi, Dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Kitô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh mân côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế." Thật thế, cho dù lòng chúng ta hướng về Mẹ Maria khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi, nhưng những mầu nhiệm mà chúng ta suy gẫm, từ các mầu nhiệm truyền thống như Năm sự Vui, Năm sự Thương, Năm sự Mừng đến mầu nhiệm Năm sự Sáng do Thánh GH Gioan-Phaolô II thêm vào năm 2002, chúng ta đều suy niệm mầu nhiệm cứu độ từ khi Thiên thần Gabriel đến báo tin cho Mẹ Maria cho đến khi Mẹ được ân thưởng trên thiên đàng. Giữa hai điểm mốc đó, chuỗi Mân Côi nhắc lại cho chúng ta cuộc đời của Chúa Kitô và ơn cứu độ Ngài mang đến cho nhân loại trong cái chết và sự phục sinh của Ngài. Nói khác đi, "chúng ta lần chuỗi Mân Côi với tinh thần của Tin Mừng, cũng chính là tâm tình của Đức Maria: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19)." (Jos. Hoàng mạnh Hùng). Như thế, có thể nói rằng : Ý nghĩa chính yếu của kinh Mân Côi không phải chỉ để ca tụng Mẹ và cầu nguyện với Mẹ cho bằng là cùng với Mẹ, bước theo Chúa Kitô; hay cùng với Mẹ, kết hiệp với Chúa Kitô trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trong tháng 10, Giáo Hội mời gọi và khuyến khích chúng ta siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Đó là một trong những khí cụ hữu hiệu để thánh hóa đời sống mình và cầu bình an cho chính mình cũng như cho gia đình và cả thế giới. Trong những lần hiện ra với ba trẻ Lucia, Phanxicô và Giaxinta vào năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã nhắn nhủ : "Hãy cầu nguyện, hãy ăn năn đền bồi, hẫy hy sinh nhiều để xin ơn tha thứ, hãy tôn sùng Trái tim Mẹ và hãy siêng năng lần hạt Mân Côi." Đáp lại lời mời gọi đó, mọi người đã lần hạt, ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa và kết quả là chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã kết thúc vào ngày 11 tháng 11 năm 1948. Người ta tin chắc đó là do quyền năng của Mẹ Maria. Qua Mẹ, Thiên Chúa đã ban ơn hòa bình cho nhân loại. Hơn lúc nào hết, trong lúc bệnh dịch Covid đang hoành hành trên thế giới và cách riêng ở quê hương Việt Nam chúng ta, chúng ta hãy siêng năng lần hạt Mân Côi trong niềm tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa và của Mẹ Maria, để muôn ngàn ân thiêng được tuôn đổ trên nhân loại và cứu mọi người thoát cảnh lầm than, sầu khổ, tang tóc do dịch bệnh mang lại. Chúng ta cũng cầu nguyện cho niềm tin được sáng ngời trong mọi tâm hồn Kitô hữu để họ luôn sống thánh thiện và tuân hành thánh ý Thiên Chúa, hầu mai sau, được hưởng niềm vui thiên quốc với Mẹ.
"Mẹ ơi, trước nhan Mẹ, con dâng về Mẹ, Một tràng hoa Mân Côi và ngàn lời ca chan chứa tình yêu, Lời con tiếng ca hòa dâng lên Mẹ hiền, Tựa ngàn hoa thắm tươi xin dâng lên Mẹ thương yêu …" Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
|