ể kỷ niệm 5 năm ban hành Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui của Tình yêu), ĐTC Phanxicô đã quyết định thiết lập "Năm Gia đình Amoris Laetitia", khai mạc ngày 19.03.2021 và sẽ kết thúc vào ngày 26.06.2022 trong dịp Ngày Thế Giới Hội Ngộ Các Gia Đình, tổ chức tại Rôma. Điều này đã nói lên sự quan tâm của ĐTC dành cho các gia đình, nhất là khi hình ảnh của gia đình không còn như trước và các giá trị của gia đình không còn được quí trọng.
Chia sẻ nỗi ưu tư và đáp lại lời mời gọi của ĐTC, chúng ta cũng chọn "Năm Gia đình Amoris Laetitia" làm đường hướng mục vụ cho Năm Mục vụ mới nầy 2021-2022, hầu giúp các gia đình trong các cộng đoàn của chúng ta trở thành những gia đình yêu thương và hạnh phúc, những gia đình đầy niềm tin để làm dấu chỉ cho gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật thế, Thiên Chúa cũng là một gia đình. Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần, Ba Ngôi yêu thương nhau và kết hợp chặt chẽ với nhau để trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Một là ba, ba là một, đồng bản thể dù khác ngôi vị, hiệp thông trong tình yêu và trong nhiệm vụ cứu độ nhân loại. Một sự thật được mạc khải nhờ Ngôi Con nhập thế làm người. Và chính Ngôi Con khi nhập thế làm người cũng đã đến trong một gia đình nhân loại, gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, một gia đình thánh nên được gọi là Thánh Gia. Theo cha Giuse Cao văn Quang, "Dù ở nền văn hóa hay dân tộc, quốc gia nào... khi nhắc đến gia đình, chúng ta đều có thể có chung một liên tưởng đến những hình ảnh sống động như ông bà, cha mẹ và anh chị em - những người có liên hệ máu mủ và ruột thịt với cuộc sống của mình. Gia đình là nơi cha mẹ trao ban sự sống cho con cái. “Gia đình là trường học đầu tiên”, và cha mẹ là người thầy đầu tiên giáo dục nhân cách đầu đời cho con cái, giúp con nên người và trở thành con Thiên Chúa. Gia đình là tổ ấm yêu thương, vì ở nơi đó, cha mẹ và con cái yêu thương, gắn bó với đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cũng là chốn trở về khi con cái đạt đến thành công, hay khi con cái có lầm lỡ, thất bại. Gia đình thật là thiêng liêng và là tổ ấm đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống của con người." Thật thế, trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng con người có nam và nữ, và đã phối hợp hai người thành vợ chồng, để từ đó, qua việc trao hiến cho nhau và sanh sản, vợ chồng cộng tác với Ngài trong việc tạo dựng nhân loại, từ đời này đến đời khác. Đời sống hôn nhân là một ơn gọi được Thiên Chúa chúc phúc khi Ngài nâng lên hàng Bí tích, Bí tích Tình yêu. Và con cái là kết quả của tình yêu đó, nếu không muốn nói là tình yêu nối dài của đôi vợ chồng. Như thế, cha mẹ và con cái họp thành một gia đình mà các thành viên được nối kết với nhau bằng dây tình yêu. Riêng với gia đình Công giáo, chắc hẳn Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành với gia đình đó để giúp mỗi người hoàn thành nhiệm vụ theo vị trí của của mình trong gia đình. Có Ngài là có tình yêu, có niềm vui, có hạnh phúc. Cha Giuse Quang viết tiếp: "Từ những cảm nghiệm tự nhiên này, chúng ta ý thức rõ hơn về một “ơn gọi” cao cả của các gia đình Công giáo, đó là cái nôi giáo dục lòng Chúa thương xót. Ơn gọi này đã được Hội Thánh nêu lên trong Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, Công đồng Vaticanô II nói: “Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân”. Tiếp đến Thư chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 viết: “Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương ...”. Như thế, gia đình phải là “Hội Thánh tại gia” để Thiên Chúa giàu lòng thương xót ngự trị qua đời sống cầu nguyện của gia đình; là trường học để cha mẹ dạy cho con cái hiểu biết và yêu mến Đấng Thương Xót đã tạo dựng mọi sự và cứu độ muôn loài; là môi trường để mọi thành viên được học hỏi và thực hành lòng thương xót bằng sự tôn trọng, hy sinh, quan tâm phục vụ lẫn nhau. Nhân Năm gia đình Amoris laetitia, chúng ta cùng nhau suy tư về vai trò của gia đình như cái nôi giáo dục lòng Chúa thương xót." (https://hdgmvietnam.com) Năm Gia đình Amoris Laetitia, mỗi gia đình trong các cộng đoàn của chúng ta cố gắng xây dựng gia đình mình qua việc sống cao độ niềm tin và tình yêu: - sống niềm tin là phó dâng gia đình mình cho Thiên Chúa, cầu nguyện và đọc Thánh Kinh trong gia đình, để Lời Chúa soi dẫn mỗi thành viên trong cuộc sống hằng ngày. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết xin Chúa Cha : "Xin cho con lương thực hằng ngày". Lương thực đó không chỉ là thức ăn vật chất nuôi dưỡng cơ thể, mà còn là thức ăn tinh thần, thức ăn thần linh, là sự sống của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, là Lời Thánh kinh như Chúa Giêsu đã nói : "Người ta sống không chỉ vì cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miêng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4,4) - sống tình yêu là xây dựng gia đình mình qua sự dịu dàng và hy sinh giúp đỡ nhau, nhất là trong việc giáo dục con cái, quảng đại và quan tâm chia sẻ niềm vui cũng như những khó khăn trong cuộc sống, nhịn nhục, thông cảm và tha thứ cho nhau vì "mỗi người một cá tính" và "nhân vô thập toàn", chu toàn nhiệm vụ làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ, làm con. Với ánh mắt Đức Tin, nhìn mỗi thành viên là một hồng ân, là quà tặng Chúa ban cho mình, chứ không phải là một tài sản mình cần chiếm hữu. Đừng đặt câu hỏi :"Hôn nhân, gia đình, mang lại gì cho tôi ?". Ngược lại, hãy đặt câu hỏi : "Tôi đã mang lại gì cho đời sống hôn nhân và gia đình tôi ?". Câu hỏi này sẽ giúp cho mỗi thành viên đóng góp vào hạnh phúc của gia đình mình. ĐTC Phanxicô đã viết trong Tông Huấn Amoris Laetitia : "Sự hiện diện của Chúa trong gia đình là sự hiện diện thực tế và cụ thể, cùng với mọi khổ đau, chiến đấu, niềm vui và những cố gắng hằng ngày của nó. Khi sống trong gia đình, chúng ta không thể mang một bộ mặt nạ vì khó mà giả vờ hay nói dối. Nếu như tình yêu linh hoạt sự chân thực ấy, thì đúng là Chúa đang ngự trị ở đó, bằng niềm vui và sự bình an của Người. Linh đạo tình yêu gia đình được cấu thành từ hàng ngàn cử chỉ thực tế và cụ thể. Trong tình hiệp thông được xây dựng từ bao nhiêu là dâng hiến và gặp gỡ, Thiên Chúa có chỗ ngự trị của Ngài. Sự dâng hiến cho nhau đó kết hợp “những giá trị nhân văn và thần linh”, vì nó là sự tròn đầy của tình yêu Thiên Chúa. Cuối cùng, linh đạo hôn nhân là một linh đạo của mối dây ràng buộc, trong đó tình yêu Thiên Chúa cư ngụ." (§ 315) Ước gì năm hồng ân này, Năm Gia đình Amoris Laetitia, sẽ là dịp để chúng ta nhìn lại đời sống gia đình qua việc gặp gỡ, trao đổi, cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa hầu cố gắng xây dựng gia đình trong niềm tin yêu phó thác và cùng nhau bước đi tay trong tay, để gia đình trở thành một tổ ấm hạnh phúc có Thiên Chúa ngự trị và một hình ảnh sống động làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
|