« TÔI ĐẾN KHÔNG ĐỂ ĐƯỢC
PHỤC VỤ,
MÀ ĐỂ PHỤC VỤ »
N |
gày Thứ Bảy 03/10/2020,
tại Thánh đường Saint-Sulpice Paris 6ème, anh Michel NGUYỄN ANH HẢI đã
được lãnh chức Phó tế Vĩnh viễn để phục vụ Công đoàn Giáo xứ Việt Nam Paris và
các Cộng đoàn vùng phụ cận. Qua ngày hôm sau, Chúa nhật 04/10/2020, tại Nhà thờ
Chánh Tòa Pontoise, anh Antoine VŨ ĐÌNH KHIÊM cũng đã được lãnh chức Phó tế Vĩnh
viễn để phục vụ Giáo phận Pontoise.
Đó là
ngày vui của các anh và gia đình của các anh ở các Địa điểm Mục vụ
Marne-la-Vallée và Cergy-Pontoise. Nhưng niềm vui đó cũng tràn ngập cả Giáo xứ
Việt Nam Paris khi các anh là thành viên các Hội đoàn của Giáo xứ như Cursillo,
Thân Hữu Taxi, Ban Giáo lý Hôn nhân … Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của các anh
là cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho các anh trong giai đoạn này của
đời mình, vì chính Ngài đã chọn các anh qua lời gọi của vị Giám mục Giáo phận để
nâng các anh lên hàng « khanh tướng » của Giáo Hội. Thật thế, một khi
các anh lãnh chức Phó tế, các anh thuộc phẩm trật của Giáo Hội gồm Phó tế, Linh
mục và Giám mục. Mỗi bậc có trách nhiêm riêng, nhưng cả ba đều cộng tác với
nhau để rao giảng Tin Mừng và phục vụ cộng đoàn Dân Chúa.
Chức
Phó tế đã có từ thời Giáo Hội sơ khai như sách Tông đồ Công vụ đã ghi lại :
« Thời đó, khi số môn đệ thêm đông,
thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản
xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ
quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói : “Chúng tôi
mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy,
thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần
Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi,
chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” Đề nghị trên được
mọi người tán thành. Họ chọn ông Stê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy
Thánh Thần, cùng với các ông Phi-lip-phê, Pro-cho-rô, Ni-ka-nor, Ti-mon, Par-me-nas, Ni-ko-las, một người ngoại
quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông đồ.
Sau khi cầu nguyện, các Tông đồ đặt tay trên các ông. » (6,1-6). Nhu thế, trong giai đoạn đầu, nhiệm vụ của
Phó tế là lo việc bái ái từ thiện để các Tông đồ có giờ rao giảng Tin Mừng.
Theo nguyên ngữ Hy-lạp, Diakonos -
Phó Tế - có nghĩa là « Người Phục Vụ » ; trong các bức thư của Tân Ước, chẳng hạn như trong thư
Rô-ma 16,1, cụm từ Diakonos ám chỉ tới một người nam, kể cả nữ, mang một « chức vụ » trong cộng đoàn. Tuy nhiên, tư tưởng
Thần học có tính nền tảng dựa trên quan điểm rằng, sự sống và cái chết của Chúa
Giê-su chính là một sự phục vụ đối với chúng ta, và vì thế, sự phục vụ nên trở
thành thái độ chính yếu của người Ki-tô hữu và của người dấn thân trong Giáo hội.
Từ đó, người có chức vụ cũng là người phục vụ, và chức vụ càng cao thì phục vụ
càng nhiều như lời Chúa Giêsu : “Anh
em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn
thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm
lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em
thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mathêô 20,25-27). Vào thế kỷ I, các Phó
Tế là những người trợ giúp các Giám Mục, trong việc chăm sóc những người nghèo
và các bệnh nhân. Từ thế kỷ thứ V, chức vụ này trong Giáo hội Rô-ma đã đánh mất
đi tầm quan trọng; nó trở thành một cấp chuyển tiếp cho chức Linh mục. Chỉ tới
Công Đồng Vatican II, Giáo hội mới tái khôi phục chức Phó Tế như là chức vụ thuộc
« trật tự » Bí Tích, được thi hành một cách cố định. Nói chung, các
Phó Tế được ban các Bí Tích Thanh Tẩy, được giảng dạy, được cử hành các nghi lễ
An Táng và Hôn Phối, nhưng không được cử hành Thánh Lễ và cũng không được phép
ban Bí Tích Cáo Giải. Sau Công đồng
Vatican II, chức Phó tế được mở rộng trở về nguồn thời Giáo Hội sơ khai lúc ban
đầu cách đây hơn hai ngàn năm cho cả người đã lập gia đình có vợ con. Vì thế có
tên gọi Phó tế vĩnh viễn. Người Phó tế vĩnh viễn không được lãnh nhận chức Linh
mục bao lâu người vợ bạn đường còn sinh sống. (xem conggiao.info)
Là người được Chúa chọn để phục vụ dân của Ngài và cũng là người thuộc
hàng Giáo sĩ theo phẩm trật của Giáo Hội, vị Phó tế vĩnh viễn cần có một đời sống
đạo đức và gương mẫu. Thánh Phaolô đã nói đến đời sống phẩm hạnh của vị Phó tế
như sau : “ Các vị Phó tế cũng vậy, phải là
người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi
lộc thấp hèn ; họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong
sạch. Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức Phó tế, nếu
không bị ai khiếu nại. Các vị Phó tế phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều
khiển con cái và gia đình cho tốt. những ai thi hành chức vụ Phó tế cách tốt
đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Ðức Kitô
Giêsu. ” (1 Timotê 3, 8-13).
Theo lời Đức cố GM Vũ Duy Thống, dù là
Phó tế vĩnh viễn hay Phó tế chuẩn bị lên chức Linh mục, vị Phó tế cần « cảm nhận
chức Phó tế không phải là kết điểm nghỉ ngơi, mà chính là một khởi điểm mới thúc
giục mình cố gắng hơn, đẩy mình yêu mến hơn, gọi mình trau dồi hơn và giục mình
cống hiến nhiều hơn theo tinh thần của những động viên khát khao phục vụ “cao
hơn, xa hơn, nhanh hơn”, không phải vì
chiếc cúp vàng mà vì “trái tim vàng” của tình yêu con người muốn đáp trả tình yêu
Thiên Chúa thế thôi. Sẽ
vất vả hơn, vì đó là trách vụ phải chu toàn hằng ngày, khi Phó tế phải gần gũi
Lời Chúa và Bàn thờ để có sức sống cho mình mà chia sẻ lại cho anh em, nhưng cũng
sẽ vững chắc hơn, vì đây là những bước đi cần thiết cho sứ vụ của Giáo Hội. Có
thể nói không ngại là từ nay, vị Phó tế sẽ chính thức bước vào đời chuyên nghiệp,
và chức vụ rất tự nhiên sẽ trở thành nghiệp vụ phải trau dồi, cân chỉnh, nâng cấp
hằng ngày. Sẽ là hạnh phúc nếu nghiệp vụ vươn cao ngang tầm với đời dâng hiến,
nhưng sẽ là bất hạnh nếu nghiệp vụ trở nên cùn mòn chẳng giúp ích gì cho mình,
mong chi giúp ích cho người khác. Nếu câu nói nhân gian “lập nghiệp thì dễ, giữ nghiệp mới khó” là đúng, thì nhận chức Phó tế là dễ, nhưng sống chức Phó tế lại
là lương thực phải chịu khó cầu xin và thường khi phải khó chịu mà bươn chải hằng
ngày. »
Nhận lãnh thiên chức Phó tế như một hồng ân Chúa ban, chúng ta chúc mừng
hai Thầy Michel Hải và Antoine Khiêm, và xin chung lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài
đã thương chọn hai Thầy, nâng hai Thầy lên hàng « khanh tướng », để
hai Thầy tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô trong việc rao giảng Tin mừng và phục vụ
Giáo Hội. Cũng xin hiệp ý cầu nguyện để thiện chí hiến dâng của hai Thầy luôn
được Thiên Chúa chúc lành và sự hy sinh dấn thân phục vụ của hai Thầy mang lại
nhiều hoa trái tốt, nhất là niềm vui chan hòa trong tâm hồn khi biết rằng mình đang
phục vụ Đấng mình yêu mến, Đấng đã đến « để không được phục vụ, nhưng để
phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. »
Lm. Gilbert
Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 6 - 2024 - Lịch Sử Việc Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lá Thư Mục Vụ Tháng 5 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 4 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 3 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 2 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 1 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 09 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 06 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 05 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 04 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 03 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 02 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 01 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2022 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf