ALLELUIA !
CHÚA KITÔ ĐÃ PHỤC SINH
Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
40 |
ngày của Mùa Chay đã khép lại. Chúng ta cùng với Giáo Hội
hoàn vũ mừng Chúa Kitô Phục Sinh khải hoàn và hiển vinh. Mùa chay thánh năm nay
có lẽ thật đặc biệt đối với mỗi người chúng ta. Điều đặc biệt này được đánh dấu
bởi dịch bệnh Coronavirus, nó có nguồn gốc từ Vũ Hán Trung Quốc. Dịch bệnh này
đang lây lan trên khắp thế giới, và trong đó có nước Pháp của chúng ta. Trước sự
nghiêm trọng của đại dịch, nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp dưới nhiều
hình thức khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và đảm bảo an toàn
sinh mạng cho con người. Ở Pháp, chúng
ta đang sống trong những ngày của lệnh phong tỏa như : cấm ra đường hay tụ
họp đông người và từ đó, các sinh hoạt của mọi tôn giáo đều tạm dừng hoạt động
vì các tín hữu không thể tập họp lại với nhau được. Chính vì vậy, người công
giáo chúng ta không có thể tham dự thánh lễ hàng ngày mà thay vào đó là tham dự
thánh lễ màn ảnh máy vi tính hay qua điện thoại nhờ hệ thống
« audio-conférence ». Có lẽ mỗi người chúng ta cảm nhận được sự trống
vắng, thiếu đi một cái gì đó đã ăn sâu vào đời sống thiêng liêng hàng ngày của
chúng ta.
Chúng ta không thể họp
lại với nhau để dâng thánh lễ ngày chú nhật và cách riêng, để mừng lễ Chúa Kitô
phục sinh. Nếu nói về khía cạnh con người thì niềm vui trong lòng chúng ta mừng
ngày đại lễ không được trọn vẹn. Nhưng nhìn theo khía cạnh thiêng liêng, niềm
vui đích thực của chúng ta xuất phát từ Chúa Kitô phuc sinh. Ngài vẫn sống và đồng
hành với chúng ta, Ngài luôn ở với chúng ta. Chính vì thế, niềm vui của chúng
ta là luôn có Chúa luôn hiện diên trong mình. Từ đó, trong bối cảnh của bệnh dịch
đang lây lan, chúng ta cần phải gia tăng lời cầu nguyện để xin Chúa ra tay cứu
giúp thoát khỏi cơn đại nạn này hầu chúng ta lại có thể quy tụ bên nhau để
chung lời ca tiếng nguyện và chung nhau thi hành mục vụ.
Thật thế, giờ đây, chúng ta chỉ biết trông cậy vào sự can
thiệp của Thiên Chúa, khi thấy các phương tiện truyền thông đưa tin mỗi ngày số
người bị nhiễm vi khuẩn Covid-19, số người nhập viện cấp cứu và số tử vong mỗi
ngày một tăng. Từ đó, chúng ta có cảm giác là con người bất lực trước sự hủy diệt
của bệnh dịch dù cho các quốc gia đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn, các
chuyên gia đang tìm thuốc chủng ngừa, các nhân viên y tế đang tận tụy cố gắng
giành giật mạng sống bệnh nhân trước tử thần để rồi chính chúng ta cũng lo âu sợ
hãi, lo âu cho gia đình và cho chính mình. Chính trước sự lo âu của bệnh dịch mà
chúng ta được mời gọi nhìn lại giá trị sự sống của mình, và mới thấy rằng con
người chỉ là sự hữu hạn chứ không phải là vạn năng. Sự lo âu, sợ hãi của chúng ta phần nào phản
chiếu lại sự lo âu, sợ hãi của Chúa trong vườn dầu năm xưa, một sự sợ hãi đã làm
cho mồ hôi máu chảy ra. Là con người, trước cái chết, ai cũng đều sợ hãi, bởi
cái chết là sự thật và sự thật ấy ai trong chúng ta cũng phải bước qua.
Cái chết tượng trưng cho sự dữ tột cùng vì nó hủy hoại và
cướp đi mạng sống con người. Nhưng Chúa Kitô đã chiến thắng nó, Ngài đã chiến
thắng mọi sự dữ. Chắc hẳn, Ngài cũng sẽ chiến thắng bệnh dịch Coronavirus, như
lời thánh Phao-lô : « Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới
đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ » (Philiphê 2, 10). Chỉ có
Thiên Chúa mới là Đấng Toàn Năng và Vĩnh Cửu. Từ khi bệnh dịch xuất hiện, lời cầu
nguyện của cả Giáo Hội đã vang lên tha thiết, khẩn nài và van xin Ngài ra tay cứu
vớt nhân loại. Nhưng từ đó đến nay, bệnh dịch vẫn chưa dừng lại và luôn hăm đe
mọi người, mọi quốc gia. Chắc có lễ hơn một lần con người chúng ta đặt câu hỏi,
phải chăng Thiên Chúa đã không nhậm lời cầu của chúng ta ? Hay Ngài đang
ngủ yên như khi xưa, lúc các môn đệ đang cố gắng chống đỡ cơn giông bão trên mặt
biển hồ ? (xem Marcô 4,35-41 hay Luca 8,22-25) Phải chăng Ngài giả vờ
ngủ yên để chúng ta đến đánh thức Ngài ? Nếu chúng ta để ý trong Tin Mừng,
rất nhiều lần Chúa Giê-su thinh lặng. Chúa đã thinh lặng trước sự thách thức của
tên trộm trên thập giá, Chúa đã thinh lặng trước sự chất vấn của Philatô, sự
thinh lặng trông nấm mồ ba ngày. Sự
thinh lặng tột đỉnh nhất chúng ta nhận thấy đó chính là sự thinh lặng của Chúa
Cha đối với Chúa Con trong vườn dầu và trên cây thập giá. « Lạy Chúa, lạy
Chúa, sao Chúa bỏ con ? » (Mathêô 27,46). Tuy nhiên, sự chiến thắng
cái chết và sự dữ của Chúa Giêsu đã là câu trả lời cho chúng ta về sự thinh lặng
của Chúa Cha. Ngài đã lên tiếng bằng sự phục sinh của Con mình. Đó là minh chứng về tình yêu của Thiên Chúa dành
cho con người trong lúc đau khổ. Dù im lặng, nhưng Ngài không bỏ rơi họ và điều
này, củng cố niềm tin của chúng ta vào Ngài. Với niềm tin và hy vọng, chúng ta
đừng nản lòng đến khẩn xin Ngài cứu vớt nhân loại, phá tan bệnh dịch sớm chấm dứt
để tất cả tìm lại được niềm vui theo đúng nghĩa của lễ Phục Sinh.
Tin tưởng và hy vọng để từ đó, biến đổi lòng mình và gia đình
của mình thành một nơi ở thật sự của Chúa Thánh Thần. Lm André Đỗ Xuân Quế thuộc
Dòng Đa-Minh có viết như sau : « Tình cảnh chung quanh lúc này có một vẻ gì thật yên lặng trầm tĩnh. Đối
với nhiều người, tình cảnh này xem ra tiêu điều ảm đạm. Mà thật thế. Trước kia,
thành phố ồn áo sinh động, nhịp sống tưng bừng náo nhiệt bao nhiêu thì bây giờ
buồn thiu, ai nấy ở trong nhà, ra đường phố cũng bị hạn chế. Buồn thật. Nhưng
trong cái buồn cũng có cái vui. Người ta buồn vì không biết làm gì hay không có
cái gì để làm. Còn vui là thấy có nhiều việc để làm như dọn dẹp nhà cửa, sửa
chữa chổ này chỗ kia, chăm sóc vườn tược, đọc kinh, đọc sách, đối xử với nhau
trong tình tương thân tương ái trọn hảo hơn vv… trong khi chờ đợi cho tai qua
nạn khỏi. Đây là cơ hội tốt cho mỗi người có thể tạo ra một không gian cư ngụ,
trong đó có Chúa ở cùng. Thật thì đức tin dạy các người Công Giáo rằng Đức Chúa
Trời ở khắp mọi nơi, chẳng có nơi nào mà chẳng có Đức Chúa Trởi, nhưng Chúa là
Đấng vô hình thể, cách ở của Người không giống như cách ở của chúng ta. Chúng
ta ở chỗ nào là thân xác ở chỗ đó, nhưng Chúa thì không vì Người là Thần Khí.
Vì thế, khi nói có Chúa ở cùng là có ý nói về cách thế Chúa ở nơi chúng ta, như
khi Người nói : “Thầy ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thê. Anh em hãy ở
lại trong Thầy”. Trong giai đoạn này, không gian cu ngụ của mỗi người là nhà
mình. Mỗi người nên dùng thời gian này để sống trong không gian cư ngụ của mình
với Chúa cách mật thiết hơn. Bằng cách nào ? Thưa bằng cách nhớ rằng mình đang
có cơ hội đặc biệt được Chúa ở cùng, trong sự thinh lặng. Có thể là mình đang
lo sợ bị lây nhiễm dịch bệnh. Vậy, hãy tin cậy vào Chúa vì Người là núi đá, là
thuẫn đỡ khiên che cho dân con Người trong lúc lúc gian nan khốn khó. »
Trên một clip video, có một người chia sẻ niềm hy vọng của mình qua
việc tìm hiểu chử Covid-19 theo thánh ý Chúa :
- Covid-19 là vi khuẩn thứ I, trước khi nó biến thể thành SARS-CoV-2
- Co(vid) làm nghĩ đến chữ Cô-rin-tô
- (Co)VI(d) làm nghĩ đến số 6
- 19 là câu 19
tức là Thư I thánh Phaolô gửi tín hữu Côtintô chương 6
câu 19. Tìm trong Tân Ước, chúng ta sẽ thấy thánh Phaolô viết như sau : « Anh
em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao ? Mà Thánh
Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.
Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa ». Qua clip này, tác giả đó đã nói
lên niềm hy vọng của mình trước bệnh dịch Covid-19, vì mỗi người chúng ta là
Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Mà Chúa Thánh Thần là Thánh Thần của Chúa Giêsu và
Ngài đang ngự trong chúng ta. Như thế, có Ngài ở với chúng ta thì tại sao phải
sợ hãi ? Là Kitô hữu, chúng ta thuộc về Chúa và chúng ta phó thác mạng sống của
mình trong tay Ngài. Từ đó, trong mỗi người chúng ta, phải bừng lên một niềm
tin tưởng và hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa hơn lúc nào hết.
Nếu Chúa Kitô không sống lại
từ cõi chết thì tất cả mọi sự trở nên vô nghĩa. Chính sự sống lại của Chúa
Ki-tô là niềm hy vọng của mỗi chúng ta. Tin cậy vào Chúa dù cho hôm nay chúng
ta phải bước trên đá sỏi của hy sinh giữa mùa dịch bệnh : hy sinh tự do đi
lại, hy sinh dành thời giờ cho Chúa và cho gia đình nhiều hơn, hy sinh để nâng
đỡ qua lời cầu nguyện những bệnh nhân, những người săn sóc họ, kể cả những
người có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe nhân dân, hy sinh để đồng hành với Giáo
Hội không ngừng nâng đỡ tinh thần mọi người trong lúc này. Chúa Giêsu cũng đã
chấp nhận hy sinh vác thập giá, lê từng bước chân trên sỏi đá đi lên đỉnh đồi
Can-vê, để hiến thân mình cứu chuộc nhân loại. Nếu Chúa Giêsu không hy sinh thì
nhân loại vẫn còn năm trong vũng lầy của tội lỗi và của sự dữ, không một tia
sáng hy vọng. Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống của mình để nhân loại có một
niềm hy vọng về nguồn ơn cứu độ. Thập giá trở thành tiếng nói tình yêu và là
nguồn ơn cứu độ, là vinh quang bất diệt. Có hy sinh Thập giá mới có được niềm
vui Phục sinh.
Niềm vui Phục Sinh đã được
Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Tiếng hát Alléluia đêm Vọng Phục Sinh mời gọi
chúng ta hãy luôn tin tưởng và hy vọng vào tình yêu Chúa Giêsu. « Nếu chúng ta cùng chết với Đức
Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. »
(Rm 6,8). Nếu ta cùng chết với Ngài trong những hy sinh hằng
ngày, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài hôm nay và mãi mãi.
Kính chúc quí Ông Bà, Anh Chị Em luôn được an bình và vững
niềm hy vọng vào Thiên Chúa trước cơn nguy khốn của bệnh dịch Coronavirus. Nguyện
xin ơn thánh Phục Sinh chan hòa tâm hồn mỗi người để luôn tìm được niềm vui
trong các công việc hy sinh bé nhỏ hằng ngày, trong gia đình để niềm vui luôn ở
lại. « Đừng
sợ, thầy đây! Bình an cho các con (Ga 20,21) …. Thầy ở cùng các con mọi
ngày cho đến tận thể. » (Mt 28,20)
Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 6 - 2024 - Lịch Sử Việc Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lá Thư Mục Vụ Tháng 5 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 4 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 3 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 2 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 1 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 09 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 06 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 05 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 04 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 03 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 02 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 01 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2022 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf