CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM B
I. LỜI CHÚA
Bài Đọc 1: Đnl 6, 2-6
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: Như vậy anh em cũng như con cháu anh em sẽ
kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi
ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người
mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu. Hỡi Ít-ra-en, hãy
nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành ; như vậy anh em sẽ được hạnh
phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tuôn chảy sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với
anh em. Nghe đây, hỡi Ít-ra-en
! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết
sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi
tạc vào lòng.
Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab
Ðáp:
Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
1. Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến
Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh.
2. Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động
chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con
xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.
3. Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của
con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại
thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.
Bài Đọc 2:
Dt 7, 23-28
Lại nữa, trong dòng tộc Lê-vi, có nhiều người kế tiếp
nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. Còn Đức
Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại
mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ
Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho
họ.
Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến :
một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và
được nâng cao vượt các tầng trời. Đức Giê-su không như các vị thượng tế
khác : mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau
là để đền thay cho dân ; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một
lần là đủ. Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng
giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn
cho đến muôn đời.
ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời
do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Tin Mừng: Mc 12, 28b-34
Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
II. SUY NIỆM
“Giới Luật Yêu
Thương”
« Mến Chúa, yêu người » là
giáo huấn căn bản của Chúa Giêsu và theo lời Chúa Giêsu đã nói với nhà luật sĩ
trong Tin mừng hôm nay, đó cũng là hai giới luật căn bản của Kitô
giáo « Ngươi hãy yêu mến Thiên
Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. […] Ngươi hãy
yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới
răn đó »(Mc 12,30-31). Nhưng
xét cho cùng, hai giới luật đó cũng chỉ là một : Đó là giới luật Yêu
thương.
Yêu Chúa thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng yêu
Chúa, vì đó là lẽ đương nhiên khi chúng ta gia nhập Kitô giáo qua Bí tích Rửa
tội. Chúng ta yêu Chúa vì chúng ta tin vào Ngài. Chúng ta cám ơn Ngài khi chúng
ta nghiệm thấy ơn lành Ngài ban cho chúng ta, chúng ta cầu khẩn với Ngài khi
chúng ta gặp khó khăn nguy biến trong cuộc đời. Nhưng thử hỏi Ngài chiếm vị trí
nào trong cuộc sống của chúng ta ? Chúng ta có thật sự yêu Chúa « hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức » của chúng ta
không ? Hay chúng ta chỉ yêu Chúa chỉ khi nào chúng ta cần đến Ngài ?
Yêu Chúa dẫn đưa chúng ta đến Yêu người. Thánh
Gioan đã viết trong thư thứ 1 của ngài : « Nếu ai nói : ‘Tôi yêu
mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai
không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên
Chúa mà họ không trông thấy. Ðây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ
Người : Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình » (1Ga 4,20-21). Như thế, mực thước để đo tình yêu của chúng ta dành cho Chúa chính là
tình yêu mà chúng ta dành cho tha nhân. Nói cách khác, chúng ta không thể yêu
Chúa mà không yêu người anh em của chúng ta. Như thân xác của chúng ta, niềm
tin Kitô giáo luôn có hai chiều kích : chiều dọc là mối tương quan của chúng ta
với Thiên Chúa qua việc sống đạo, đi lễ, cầu nguyện, sống kết hợp với Chúa, và
chiều ngang là mối tương quan của chúng ta với tha nhân qua sự giúp đỡ và phục
vụ mọi người. Phải có hai chiều kích nầy, có chân, có tay, thì cơ thể chúng ta
mới quân bình. Cũng thế, phải có hai chiều kích nầy, mến Chúa và yêu người, thì
đời sống tâm linh của chúng ta mới hài hòa. Một lý do khác để chúng ta yêu
người là vì Chúa Giêsu luôn hiện diện nơi người anh em như Ngài đã nói : « Ta
bảo thật các ngươi : Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em
bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy » (Mt 25, 40).
Chúng ta không cần lặn lội đi tìm tha nhân nơi chân trời góc bể để yêu
thương. Chỉ cần xoay mặt nhìn quanh chúng ta là đã gặp rồi. Đó là những người
trong gia đình, trong khu phố, trong xí nghiệp, trong cộng đoàn … Theo tác giả
Nguyễn Thế Cường :
‘Yêu’ là chấp nhận bị quấy rầy và sẵn sàng giúp đỡ với nụ cười trên môi.
‘Yêu’ là mở rộng vòng tay để chào đón,
nhưng nhắm mắt bỏ qua lỗi lầm sơ suất.
‘Yêu’ là nói lên sự thật,
nhưng lặng thinh để đừng phiền lòng hay xúc phạm.
‘Yêu’ là nhẫn nại lắng nghe, ngay cả khi lời tâm sự có vẻ vụng về.
‘Yêu’ là đấu tranh cho công lý, nhưng không
áp chế hay hạ nhục đối thủ.
‘Yêu’ là nhìn nhận sai lầm của mình để thành
thật xin lỗi.
‘Yêu’ là rộng lòng tha thứ để đem lại yên vui
cho cuộc sống …
Ước gì Lời Chúa hôm nay tác tạo lại con tim và cuộc sống của chúng ta để
chúng ta luôn là chứng nhân Tình yêu của Chúa Giêsu. « Ðây là giới răn
của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » (Ga 15, 12).
Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - NĂM C - Ngày 01/12/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Lễ Chúa KiTô Vua - Ngày 24/11/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 10/11/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 03/11/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 27/10/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 20/10/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 13/10/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 05/10/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 29/09/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 22/09/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 15/09/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 08/09/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 01/09/2024
SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 21/07/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 30/06/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 23/06/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 16/06/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT X MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 09/06/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA - NĂM B - 02/06/2024