"Anh em phải canh thức, vì anh em
không biết khi nào chủ nhà đến."
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách I-sai-a (63,16b-17.19b.64,2b-7).
Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng Cứu Chuộc chúng con : đó là danh Ngài từ muôn thuở. Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài ? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài ? Xin Ngài mau trở lại. Ngài ngự xuống : và núi non rung chuyển trước Thánh Nhan ! Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình. Ngài đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui và nhớ đến Ngài khi theo đường lối Ngài chỉ dạy...
Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi. Không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài, vì Ngài đã ngoảnh mặt không nhìn đến, và để cho tội ác chúng con phạm mặc sức hành hạ chúng con. Thế nhưng, lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con ; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.
THÁNH VỊNH 79
R/ Lạy Chúa xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.
Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giu-se
như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe!
Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá,
Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,
bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.
Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
Cúi xin Ngài ban cho được sống
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
BÀI ÐỌC II
Trích thơ Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 1,3-9).
Thưa anh em, xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (13,33-37).
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến : Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là : phải canh thức ! "
SUY NIỆM TIN MỪNG
Fr. Vincent, CSF
Hãy Tỉnh Thức
Năm Phụng Vụ cũ đã qua với lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, chúng ta bước vào một Năm Phụng Vụ mới được đánh dấu bằng Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng. Bước vào một chu kỳ Phụng Vụ mới, mỗi người chúng ta được mời gọi sống tâm tình Mùa Vọng là Mùa tỉnh thức mong chờ. Tuy nhiên, có phải cứ đứng và trông với đợi hay chúng ta phải có một hành động đợi trông xứng hợp với tinh thần của Chúa và lời mời gọi của Giáo hội?
Khi nhắc lại những lời Đức Giêsu nói với các môn đệ về ngày tận thế, thánh Marcô muốn các độc giả của mình hiểu rằng Lời Chúa xưa nói với các môn đệ cũng là lời Ngài muốn nói với chính họ. Cũng thế, khởi đầu Mùa Vọng, Phụng Vụ hôm nay trích đọc đoạn Mc 13,33–37 này để giúp soi sáng thêm ý nghĩa của Mùa Vọng mà chúng ta đang bước vào.
Làm sao có thể đứng vững trước mặt Con Người nếu không có được tương quan thân thiết với Chúa? Nhưng làm sao có được mối thâm giao đó nếu không gặp gỡ, trao đổi với Ngài ngay trong cuộc sống thường ngày? Mà nếu không gặp Chúa trong cuộc sống thì cũng không thể gặp Ngài vào giây phút cuối đời!
Chỉ khi đạt đến mức độ thân mật thì tình thương mới mong được triển nở. Chỉ khi yêu thương nhau mới có thể mặc lấy tâm tình chờ mong. Có chờ mong mới thấy thời gian trôi qua chậm chạp và chỉ khi ấy mới thấy mình đang mỏi mòn. Nhưng chính sự mỏi mòn đó càng làm cho cuộc gặp gỡ thêm nồng thắm hơn.
Nhiều Kitô hữu thấy bao cái chết hầu như mỗi ngày. Nhưng cuộc sống của họ không có gì là tỉnh thức, là sẵn sàng. Người khác sống sao, tôi cũng phải vậy: gian dối, mánh mung, hưởng thụ...không thì thiệt thòi, dại dột! Đối với họ, hình như Chúa là ông quan toà mà họ cố tránh né hết sức có thể, hơn là một người Cha là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu của họ.
Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta khó mà tỉnh thức nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ. Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Đức Giêsu. Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình.
Lạy Chúa Giêsu, Mùa Vọng là Mùa của chờ đợi, xin Chúa ban cho chúng con biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa “hãy tỉnh thức” để ngày giờ Chúa đến, chúng con được gặp Chúa và hân hoan ra đi đón chào Ngài. Amen.