"Ai liều mất mạng sống mình vì tôi,
thì sẽ cứu được mạng sống ấy."
BÀI ĐỌC I
Trích sách 1 Ma-ca-bê (4,36-37,52-59)
Bấy giờ ông Giu-đa và các anh em nói : "Này, kẻ thù của chúng ta đã bị đập tan, chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh." Tất cả đoàn quân tập hợp lại và lên núi Xi-on. Ngày hai mươi lăm tháng chín -tức là tháng Kít-lêu- năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm và theo như Luật truyền, họ dâng lễ tế trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu họ vừa mới xây. Họ đã cử hành lễ cung hiến bàn thờ giữa tiếng đàn tiếng hát, tiếng hạc cầm và tiếng não bạt, vào đúng lúc đúng ngày trước đây dân ngoại đã làm cho ra ô uế. Toàn dân sấp mặt xuống thờ lạy và chúc tụng Trời, Đấng đã giúp họ thành công. Họ cử hành lễ cung hiến bàn thờ trong tám ngày liên tục, hoan hỷ dâng lễ toàn thiêu, hy lễ hiệp thông và tạ ơn. Họ lấy các triều thiên bằng vàng và những tấm biển mà trang trí mặt tiền Đền Thờ, đồng thời cũng sửa sang các lối ra vào, các phòng ốc và làm lại các cửa phòng. Dân chúng vui mừng khôn kể xiết và quên hẳn nỗi nhục nhằn dân ngoại đã gây ra. Ông Giu-đa cùng với anh em và toàn thể đại hội Ít-ra-en quyết định là hằng năm, trong thời gian tám ngày từ hai mươi lăm tháng Kít-lêu, phải cử hành lễ cung hiến bàn thờ thật tưng bừng rộn rã.
THÁNH CA 1 Sử biên niên 20, 10.11ab-12a, 12bcd
R/ Xin dâng Chúa muôn câu cảm tạ
và ca tụng Danh Thánh hiển vinh.
"Lạy Chúa, là Thiên Chúa Ít-ra-en tổ phụ chúng con,
xin dâng lên Ngài lời chúc tụng
từ muôn thuở đến muôn ngàn đời.
Lạy Chúa, Ngài vĩ đại quyền năng,
Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ,
vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài.
Chính Chúa làm bá chủ muôn loài:
nắm trong tay dũng lực quyền năng,
nhờ tay Ngài, tất cả lớn lên và mạnh sức.
BÀI ĐỌC II
Thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma (8,31b-39).
Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta…
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (9,23-26)
Khi ấy, Ðức Giê-su nói với mọi người rằng : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
Áo Dòng Đẩm Máu
Vua Thiệu Trị băng hà ngày 04-11-1847. Vua Tự Đức lên nối ngôi, tân vương mang nhiều ác cảm đối với đạo thánh, thời gian trị vì (1847-1883), nhà vua ban hành 13 sắc chỉ "cấm đạo Gia tô"... Sắc chỉ ngày 30-03-1851: Các giáo hữu chứa chấp đạo trưởng tây phương hay bản quốc, đều bị phân thây và buông sông.
Tình hình khẩn trương, Cha Chính Borelle Hòa thuyên chuyển Cha Giuse Lựu khỏi họ đạo Mặc Bắc và chỉ định Cha Philipphê Minh từ họ đạo Cái Đôi về thay thế. Đến Mặc Bắc, Cha Philipphê trú ngụ trong nhà ông trùm Giuse Lựu, chưa dọn đồ xong, cha bắt tay vào công việc mục vụ, thăm viếng giáo dân, tiếp tục xây cất nhà phước Mến Thánh Giá Mặc Bắc trên phần đất ông bà trùm Lựu dâng cúng.
Bếp Nhẫn, gốc Cái Nhum, lanh lợi, bặt thiệp, bê bối, rượu chè, cờ bạc, làm bếp cho quan. Xin tiền Cha Giuse Lựu không được, sinh lòng oán ghét. Bếp Nhẫn, Hiệp và Vắp... tâu trình Quan tổng đốc, rồi chỉ điểm quan lãnh binh và binh lính vây bắt nhà ông trùm Lựu. Tên Hiệp tìm đến nhà ông trùm Lựu khẩn thiết xin gặp cha để xưng tội... Thấu hiểu tâm địa đê tiện tên Hiệp, bà trùm nói tránh là cha đi khỏi. Tên Hiệp rút lui, nó trốn sau vườn, khi nhìn thấy Cha Philiphphê Minh đi dạo trong vườn, nó liền nhảy ra, giả bộ vui mừng, son sen chào Cha Minh vừa về thay thế Cha Lựu.
Tin tức mật báo của tên Hiệp, chiều sập tối, tiếng quan quần hò hét vang trời, đột nhập vào nhà xét hỏi. Bẩm quan lớn, không có đạo trưởng Lựu ở đây, chỉ có tôi là trùm Lựu. Quan lớn cho bắt ông bà trùm Lựu đánh đập, tra khảo nơi ẩn dấu đạo trưởng Lựu; hai người con Danh và Nhiên kêu khóc thảm thiết... Cha Minh từ nơi ẩn trú, lòng se thắt trước cảnh gia đình ông trùm bị tra tấn. Cha Philipphê khoan thai bước ra trình diện. Xin đại quan ngưng tay, chính tôi mới là "đạo trưởng Minh", nét mặt thanh tú, đôi mắt trong sáng...
Mặt trời lên cao, quan lãnh binh ra lệnh dẫn Cha Philipphê, ông trùm Giuse Lựu và mấy quới chức họ Mặc Bắc về giam tại tỉnh đường Vĩnh Long. Quan tổng đốc đưa lời đường mật dụ dỗ chàng thanh niên 38 tuổi hiền lành, học thức, từ tốn... Quan tha cho tử tội không cần đạp thánh giá; chỉ cần tuyên bố: "Tôi bỏ đạo", để nhà quan còn toan tính cho bước đường hậu vận tương lai. Cha Philipphê Minh nhất mực cung khai cương quyết: "Tôi, đạo trưởng Minh, quê làng Cái Mơn, Đức Thầy Taberd Từ gởi tôi đi học tại Pinang (Phố Mới) và tại Thiên Trúc (Ấn Độ), tôi đi học 7 năm, về lại trong nước, tôi được Đức Thầy Ngãi truyền chức "chánh tế" và sai tôi đi giảng đạo lành".
Không thể làm gì hơn để cứu sinh mạng Cha Phan Văn Minh, Quan tổng đốc cho lệnh đưa tù nhân đức tin về giam tại Tuyến Phòng chờ đợi bản án từ triều đình. Cha Chính Borelle Hòa (1820-1860) gởi một chuổi Mân Côi và "Sách Nhật Tụng Đức Mẹ" như ý Cha Philipphê Minh ước nguyện. Cha Giuse Lựu cải trang vào giải tội hai lần. Quan đầu tỉnh, chiếu theo sắc chỉ Vua Minh Mạng tấu trình đề nghị "án lưu đày" vì chiếu chỉ vua Tự Đức chưa về đến Vĩnh Long. Bộ Hình xét án và đề nghị triều đình biến từ án lưu đày thành án trảm quyết quăng đầu xuống sông.
Cuối cùng, ngày mong đợi đã đến, án lệnh từ kinh đô Huế về đến công đường Vĩnh Long, bình minh ngày 03-07-1853, Cha Philipphê Minh an bình, lần chuổi tiến ra pháp trường. Qua bờ sông Long Hồ, đến Cái Sơn Bé là Đình Khao, bãi sân rộng, bên cái đình, gần sông Cổ Chiên, nơi dùng để khao quân. Quân lính dọn bửa ăn thịnh soạn sau cùng cho tử tội. Để sống trọn vẹn những giây phút cuối cùng, Cha Phan Văn Minh đã chọn một lương thực tâm linh, âm thầm cầu nguyện. Cha nói ngắn gọn với tên lý hình: "Đã xong rồi". Sau ba hồi chiêng trống rền vang, lưỡi gươm lý hình đưa linh hồn người tôi tớ trung tín, kiên cường đi vào vĩnh cữu thiên thu. Như đã mặc cả, với ba quan tiền, lý hình trao đầu vị tử đạo cho xã Phương, khâu vào thân thể, đặt vào quan tài, đưa xuống ghe, xuôi thẳng về Cái Nhum. Quý Cha Gioan Thiêng, Phaolô Lượng và Laurensô Lân hát lễ trọng thể với hơn một ngàn giáo dân cung kính rước xác thánh an táng trong lòng nhà thờ Cái Mơn.
Năm 1900, Đức thánh cha Lêô XIII tôn phong Cha Philipphê Phan Văn Minh lên hàng "Chân Phước" và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong lên bậc "Hiển Thánh Tử Đạo" tại Roma, ngày 19-06-1988.
Nguyện ước Cha Thánh Minh cầu bàu trước uy nhan Thiên Chúa và Đức Mẹ La Vang cho hàng linh mục Việt Nam hôm nay sống thánh và nuôi trồng ơn gọi linh mục; không tìm hào quang trần thế trong xây cất thánh đường nguy nga, lộng lẫy, hoành tráng... Nhưng xây dựng tâm hồn người tín hữu như những "viên đá sống động" thành đền thờ Đức Kitô hiện diện trong lòng anh em đồng bào Việt Nam thân thương còn chưa được biết Chúa giữa lòng xã hội hôm nay.
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
(Hạnh Chứng Nhân đức tin, trang 214-220)