Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
PHƯƠNG CÁCH LÀM THĂNG TIẾN CÁ NHÂN
VÀ CỘNG ĐOÀN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU
Thiên Chúa tạo dựng chúng ta mỗi người có đôi mắt, và theo luật tự nhiên, đôi mắt giúp chúng ta nhìn về phía trước. Nhìn về phía trước để bước đi an toàn, không vấp ngã, không bị tại nạn, và nhất là để biết hướng mà đi. Điều nầy chúng ta cũng có thể áp dụng cho mọi khía cạnh của đời sống chúng ta : gia đình, sự nghiệp, tinh thần, kể cà đời sống thiêng liêng. Về phương diện nầy, chúng ta cần phải làm gì và làm thế nào để thăng tiến cá nhân và cộng đoàn trong đời sống Kitô hữu của chúng ta ? Tôi thiết nghĩ là cần phải biết Chúa Kitô, biết Chúa Kitô để biết mình và biết mình để phục vụ hữu hiệu hơn.
1/ Biết Chúa Kitô
Chúng ta nhớ câu chuyện Chúa Giêsu hỏi các môn đệ trong Phúc âm : « Người ta nói Thầy là ai ? … Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » (Marcô 8,27-30). Một câu hỏi để các môn đệ xác định về thân thế của Chúa Kitô để rồi từ đó xác định lại quan niệm của mình về người mà mình theo. Người đó là ai ? Biết Chúa Kitô để xem có thể tin vào ngài và bước theo ngài hay không ? Nhưng biết Chúa Kitôngười cũng để biết mình là ai ? Mình có phải là người môn đệ mà Chúa Kitô muốn không ? Cha ông chúng ta thường nói : « Biết người biết ta ». Biết người biết ta không chỉ để có một mối quan hệ đẹp mà thôi, vì nhờ biết người mà ta mới biết ta là ai, biết tánh tình, biết khả năng của mình hơn hay kém người đó.
Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta cũng cần phải biết rõ Chúa Kitô là ai ? Biết ngài thì mới tin vào ngài, bết ngài là ai thì mới dám bước theo ngài, mới dám dấn thân cho ngài và vì ngài. Một người mà chúng ta không biết thân thế rõ ràng thì làm sao chúng ta dám tin và kết nghĩa, dám tâm sự chia sẻ những gi thầm kính nhất của mình ? Nhưng biết Chúa Kitô cũng để nhìn lại mình xem mình có sống như ngài không, có những đức tính như ngài không, để từ đó cố gắng sống và hành động như ngài.
Muốn biết Chúa KItô là ai, thì chúng ta có chứng từ của các Tông đồ đuợc ghi lại trong những quyển Tin Mừng Mathêu, Marcô, Luca và Gioan. Các ngài không chỉ kể cuộc đời của Chúa Giêsu, mà còn nói lên niềm tin của mình vào ngài qua đời sống của ngài, các việc ngài làm và nhựng lời ngài nói. Dĩ nhiên, điều làm cho các ngài xác tín Chúa Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế, Đấng Thiên sai, chính là mấu nhiệm Tử nạn và Phục sinh.
Nhưng chúng ta thấy các Tông đồ không chỉ tin, mà còn làm theo ý Chúa KItô là thầy của mình, dấn thân rao truyền cho mọi người, và cuối cùng dám chết vì ngài. Niềm tin của các ngài không phải là một niềm tin thụ động, mà là một niềm tin sống động, theo nghĩa niềm tin đó đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời của các ngài.
Từ đó, chúng ta đọc Phúc Âm không chỉ để biết Chúa Kitô là ai, mà còn để lời Phúc Âm thấm nhập vào tâm can của mình để biến đổi chính con người của mình, thì lúc đó danh xưng Kitô hữu của mình mới đúng ý nghĩa và có giá trị thực sự. Nói như thế có nghĩa là nhờ biết Chúa Kitô thì chúng ta mới hiểu và biết mình là ai ? Ví dụ :
- sự vâng lời phó thác của Chúa Giêsu giúp cho chúng ta hiểu và thấy niềm tin phó thác của mình đến mức độ nào ?
- tình yêu hy sinh vị tha của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu và thấy mối quan hệ của mình với tha nhân như thế nào ?
Như thế, nhờ biết Chúa Giêsu thì chúng ta mới biết mình để từ đó cố gắng sống và thực thi những lời ngài dạy. Nói cách khác, Chúa Kitô phải là lý tưỏng của chúng ta. Có thế thì đời sống thiêng liêng của chúng ta mới phát triễn. Dĩ nhiên, đọc Phúc Âm, học Phúc Âm không phải là cách duy nhất, cần phải sống kết hiệp với ngài thường xuyên qua việc tham dự các Bí tích, cầu nguyện và thì hành Đức ái như lời ngài truyền : « Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em » (Gioan 15,12)
2/ Biết Chúa Kitô để biết mình.
Anh chị em là đại diện của các Ban ngành để tham gia vào Ban Thường vụ của Giáo xứ, có nghĩa là anh chị em là những đầu tàu của các Ban ngành, tham gia tổ chức các việc mục vụ của Giáo xứ để làm thăng tiến Giáo xứ, và qua đó cũng làm thăng tiến các Ban ngành mà anh chị em là Đại diện.
Nói như thế thì anh chị em cũng đủ hiểu là sự hiện diện của anh chị em trong Ban Thường vụ không chỉ là cho riêng mình, mà cho cả Giáo xứ nói chung và cho các Ban ngành nói riêng, giúp cho Giáo xứ luôn phát triển theo tinh thần Phúc Âm và giúp cho từng người trong các Ban ngành sống niềm tin của mình và biết hy sinh dấn thân phục vụ.
Mà muốn cho trách nhiệm của anh chị em mang nhiều hoa trái tốt, ngoài việc biết Chúa Giêsu và sống kết hợp mật thiết với ngài, thì anh chị em cũng cần phải biết mình là ai. Biết mình là ai thì sự phục vụ cûa anh chị em mới hữu ích và hiệu quả.
Biết mình là ai có nghĩa là biết những khả năng mình có và biết đời sống nội tâm của mình như thế nào. Hai chiều kích của đời người : chiều kích nhân linh và chiều kích tâm sinh.
Chiều kích nhân sinh là biết những khả năng, những đức tính mình có, những gì mình có thể làm được, những hiểu biết mà mình thu lượm được qua việc học hỏi hay qua những kinh nghiệm mà mình rút tỉa từ những biến cố của cuộc đời, những biến cố trong đời mình hay những biến cố đã xãy ra nơi người khác. Nói chung lại đó là kinh nghiệm sống của mình. Và ngoài khả năng và hiểu biết, cần phải biết cá tính của mình như thế nào : dễ tiếp cận, biết thông cảm, thích suy nghĩ tim tòi, biết nhận định vv…
Chiều kích tâm linh là biết sức mạnh tinh thần của mình, đời sống nội tâm của mình ở mức độ nào ? Nó có vững mạnh, vững chắc, không gì lay chuyễn nổi hay là nó yếu ớt, gặp thử thách thì lại nản lòng buông xuôi. Một đời sống nội tâm cao sâu thì cũng có những khát vọng cao siêu, những « đam mê » thánh thiện giúp cho mình có sức bước đi trên con đường thiêng liêng và cố gắng đạt tới lý tưởng của mình là chính Chúa Kitô. Nói như thế có nghĩa là những ơn Chúa ban cho chúng ta không chỉ để giúp chúng ta sống thành đạt ở đời nầy, mà còn để giúp ta hướng tới và đạt tới cái lý tướng của đời Kitô hữu là sự viên mãn của Tình yêu hay còn gọi là Hạnh phúc vĩnh cữu.
Phối hợp hai chiều kích này lại thì mình có thể tạo cho mình một nhân cách (personnalité). Phúc Âm của thánh Gioan đã mô tả phần nào nhân cách của Chúa Giêsu trong giai đoạn đầu của cuộc Thương khó của ngài. Khi quân lính đến bắt ngài, ngài hỏi : « Các ông tìm ai ? ». Họ đáp : « Tìm ông Giêsu Nazareth. » Ngài đáp : « Chính tôi đây. » (Gioan 18,1-6) Câu nầy nói lên nhân cách của Chúa Giêsu : thẳng thắng, can đảm, trung thực, không sợ sệt, không tránh né, không dối dang … Một nhân cách như thế thì mới có thể làm chúng ta thán phục và noi gương. Còn nhân cách của chúng ta thì sao ?
3/ Biết Chúa Kitô để biết mình, và biết mình để có thể phục vụ hữu hiệu hơn.
Kitô hữu, chúng ta đều là môn đệ của Chúa Giêsu. Một hồng ân ngài ban cho từng người trong chúng ta. Nhưng hồng ân đó không chỉ để riêng chúng ta hưởng, mà còn để chúng ta rao truyền và làm chứng cho ngài qua đời sống bác ái yêu thương và hy sinh phục vụ. Như tôi đã từng nói : ngày nay người ta không chỉ nói « môn đệ » mà thôi, mà nói « môn đệ truyền giáo » của Kitô.
Muốn được thế, thì theo Talenthéo (một Hội do giáo dân lập ra để giúp các linh mục làm mục vụ), mỗi người chúng ta phải kết hợp trong cuộc sống 5 điều :
- Chuyên tâm cầu nguyện để sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, tôn thờ ngài là Chúa tể càn khôn, là Cha nhân từ, và chúng ta những người con của ngài. (Adoration)
- Sống tình đoàn kết hiệp thông với nhau, vì chúng ta đều là con một Cha chung trên trời và là anh em trong Chúa Kitô, trong đại gia đình Giáo hội. (Communion)
- Luôn dấn thân phục vụ vì Đức Ái vì lòng yêu thương để như Chúa Kitô, Đấng đã đến « không phải để được phục vụ, mà để phục vu và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. » (Mathêo 20,28) (Service)
- Học hỏi, nghiên cứu để hiểu biết thêm và tin vững vàng hơn. (Formation)
- Truyền giáo, rao truyền Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Kitô. (Evangélisation)
Năm điều nầy cần phải được áp dụng trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống cộng đoàn Giáo xứ thì lúc đó, tưng người và cả Giáo xứ mới phát triển và thăng tiến trong lãnh vực tinh thần cũng như trong lãnh vực mục vu. Nếu lời nói của chúng ta thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và được nung đúc bởi lòng Bác ái thì làm gì có những lời nói hận thù chia rẽ ? Nếu việc làm của chúng ta xuát phát từ những hiểu biết tinh tường về Chúa Kitô và được thúc đẩy bởi tinh thần truyền giáo thì làm gì có phản chứng Tin Mừng của ngài ?
Ngày xưa, Chúa Giêsu cũng đã làm như thế trong cách huấn luyện và hướng dẫn các môn đệ của ngài cũng như những người đến với ngài.
- 1- « Cầu nguyện và tôn thờ » khi ngài nói đến giới răn thứ nhất : « Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực » (Luca 10,27)
- 2- « Yêu thương đoàn kết » khi ngài nói đến giới răng thứ hai : « Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình » (Mathêô 22,39)
- Và trong đoạn cuối của Phúc Âm theo thánh Mathêô (28,16-20) có cả ba điều :
3- Phục vụ : « Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ »
4- Học hỏi : « Dạy bảo họ tuân giữ những điều thầy truyền cho anh em »
5- Truyền giáo : « Và làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần »
Năm diều căn bản nầy cần phải được thực hiện trong mỗi việc làm cá nhân hay tập thể thì Giáo xứ của chúng ta mới thăng tiến. Mà muốn như thế, chúng ta cũng cần phải hoán cải và thay đổi.
- Thay đổi cái quan niệm xa xưa cũ rích để có những quan niệm mới thích hợp với tâm tính thời đại hiện nay.
- Thay đổi cách làm mục vụ : từ « mục vụ an toàn » (từ trước tới giờ chúng ta vẫn làm như thế) đến mục vụ năng động và sáng tạo, tìm những nơi để rao truyền Chúa Kitô Phục sinh.
- Thay đổi cái não trạng cho mình là nhất, là trung tâm điểm, muốn mọi người theo mình, muốn qui tụ tất cả về mình hơn là về với Chúa Kitô, để mở rộng vòng tay đón tiếp người khác và đồng hành với họ.
- Thay đổi cái nhìn để nhận ra Thiên Chúa nơi khuôn mặt người anh em hơn là có cái nhìn phê phán, đả kích, loại trừ, và từ đó thay đổi cách giao tiếp để thêm tình bác ái huynh đệ.
Do biến chuyển của thời thế và tâm tính, đạo Kitô giáo không còn có một chỗ đứng ưu thế trong lòng người cũng như trong xã hội. Chúa Kitô kêu mời chúng ta hãy hoán cải và năng động hơn để xây dựng chính mình và xây dựng cộng đoàn Giáo xứ, làm thăng tiến chính mình và cả cộng đoàn Giáo xứ, để mỗi người là một sứ giả Phúc Âm và cả cộng đoàn Giáo xứ trờ thành một Cộng đoàn yêu thương phục vụ để qua đó, làm chứng cho Tình yêu của ngài. Biết ngài đặt tất cả hi vọng vào chúng ta thì chúng ta đừng phụ lòng ngài.
Câu hỏi để suy nghĩ :
1/ Điều gì có giá trị đối với tôi và cần phải làm gì để thăng tiến đời sống nội tâm của tôi ?
2/ Tôi dựa vào đâu để phục vụ và làm mục vụ ?
3/ Điều gì cần thiết cho Giáo xứ để Giáo xứ trở thành một Công đoàn yêu thương và truyền giáo ?
Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Năm Điều Thăng Tiến
Trong khuôn khổ ngày tĩnh tâm của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris sáng ngày 15/10/2017 tại Đan viện Saint-Benoît của các Nữ tu Bénédictines du Sacré Cœur de Montmartre, Cha Giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang đã thuyết giảng về đề tài : Phương cách làm thăng tiến cá nhân và cộng đoàn trong đời sống Kitô hữu.
Trong phần kết luận, ngài đã đưa ra năm nguyên tắc thăng tiến mà Talenthéo đả đề ra như sau :
1 - Cầu nguyện (Adoration)
2 - Hiệp thông, sống đoàn kết (Communion)
3 - Dấn thân phục vụ (Service)
4 - Học hỏi, nghiên cứu (Formation)
5 – Rao giảng Tin Mừng (Évangélisation).
Trong phần chia sẻ, anh Lê Đình Thông đã chuyển thể lục bát năm nguyên tắc thăng tiến như sau :
‘‘Năm điều thăng tiến’’ thực thi :
Là ‘‘Tôn Thờ Chúa’’ uy nghi đời đời.
‘‘Hiệp thông, Đoàn kết’’nơi nơi,
‘‘Dấn thân Phục vụ’’ có người có ta.
Cùng nhau ‘‘Học hỏi’’ gần xa,
‘‘Rao truyền Lời Chúa’’, ngợi ca Thiên Triều.