CN 24 THƯỜNG NIÊN - Năm A
17.09.2017
"Chạnh lòng thương,
Chủ cho y về và tha luôn món nợ"
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách Huấn Ca (27,30-28,7).
Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài. Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành ! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình ! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó ? Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi.
THÁNH VỊNH 102
R/ Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.
Chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
BÀI ĐỌC II
Lời Chúa trong thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Rô-ma (14,7-9).
Thưa anh em, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa ; vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu (18,21-35).
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng : "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không ?" Đức Giê-su đáp : "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y, vợ con y, cùng tất cả tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục : "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết". Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : "Trả nợ cho tao !" Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin : "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh". Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?" Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho nhau".
SUY NIỆM LỜI CHÚA
"THA BẢY MƯƠI LẦN BẢY"
Câu hỏi của Phêrô biểu lộ khuynh hướng cố hữu muốn hiểu giáo huấn của Ðức Giêsu theo một nghĩa duy luật. Còn câu trả lời của Ðức Giêsu thì sao ? Con số 7 với ý nghĩa biểu trưng cổ điển là sự viên mãn, tròn đầy, còn con số 77 mà Ðức Giêsu xử dụngnhấn mạnh phát xuất từ đâu ? Dụ ngôn nhấn mạnh đến số lần tha thứ hay đến đòi hỏi phải tha thứ để được thứ tha ?
Trong dụ ngôn này, Ðức Giêsu nhấn mạnh đến việc thường xuyên tha thứ, chứ không nhắm đến các điều kiện cụ thể để được thứ tha. Nó chất chứa nhiều giáo huấn : Theo trình thuật Thánh Kinh, Thiên Chúa tượng trưng trong con người của vị vua, dù có uy quyền trên các tôi tớ của mình; nhưng vì lòng trắc ẩn đã bằng lòng không xử dụng quyền uy ấy và chấp nhận chịu mọi mất mát thiệt thòi. Ðồng thời dụ ngôn cũng nhắc lại đâu là thân phận của con người trước mặt Thiên Chúa, một con nợ không thể trả nổi. Dù kê khai hết mọi thứ quý giá nhất mình có, dù thu vén tất cả gia sản, tài vật sở hữu...người tôi tớ vẫn biết rõ y không thể nào thỏa mãn các yêu sách của chủ y. Nhưng nhà vua đã quyết định tha bổng một món nợ kệch sù cho y chỉ vì ông "chạnh lòng thương xót".
Thay vì noi gương lòng nhân hậu của ông chủ; khi đi ra, tên đầy tớ để lộ rõ bản chất bần tiện, tham lam, tàn nhẩn của mình, y bóp cổ người bạn đồng liêu mắc nợ của y 100 đồng bạc. Y đòi buộc người bạn phải trả đến đồng xu cuối cùng.
Lòng nhân lành của Thiên Chúa thật vô biên. Ngài mạc khải cho con người toàn vẻ uy nghi, sự cao cả và lòng thương xót bao la của Ngài. Chính vì thế mà mỗi người chúng ta hiểu rằng bổn phận tha thứ lỗi lầm cho anh em cũng chẳng có giới hạn. Chúng ta được hưởng một lòng thương xót vô biên, chúng ta không được phép khép kín lòng mình lại và để con tim thành chai đá. Khi chúng ta đang nợ nần vô số chớ nên coi một ai khác như còn mắc nợ với chính mình.
Mỗi tương quan của chúng ta đối với anh em được qui định bởi mối tương quan của ta đối với Thiên Chúa. Chính vì thế Ngài yêu cầu chúng ta hãy sẳn sàng hòa giải với nhau, đừng hạn chế chút nào. Mối liên hệ giữa chúng ta được nâng lên bình diện mới, chúng ta đối với nhau sống chan hòa nhờ lòng nhân ái và hồng ân thứ tha của Thiên Chúa.
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm A",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt,1975