"Hãy chỗi dậy đón Maria về, vì Maria mang thai
là do quyền năng Chúa Thánh Thần"
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Samuel quyển thứ hai (7,4-5a.12-14a).
Trong những ngày ấy, Chúa phán với ông Na-than rằng :"Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Ða-vít : Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Ðối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta ; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi."
THÁNH VỊNH 88
R/ Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời.
Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
"Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời."
Xưa Chúa phán: "Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,
rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ."
Người sẽ thưa với Ta: "Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! "
Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.
BÀI ĐỌC II
Trích thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rôma (4,13.16-18.22)
Anh em thân mến, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Ápraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin. Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Ápraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép : Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông tin tưởng, Ðấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán : "Dòng dõi người sẽ đông đảo như thế". Bởi thế, ông được kể là người công chính.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (1.16.18-21.24a).
Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Ki-tô. Sau đây là gốc tích Ðức Giêsu Kitô : bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : "Này ông Giuse, là con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
Trong bốn sách Phúc Âm, các thánh sử không ghi lại một lời nào của Thánh Giuse nói. Chỉ nguyên Tin Mừng theo Thánh Matthêu trình thuật lại ba lần "ông Giuse giữa đêm khuya được báo mộng, mau mắn chổi dậy làm theo thánh ý Thiên Chúa :
Lần thứ nhất : "Hãy chỗi dậy đón Maria về, vì Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần", ông nghe được điều này, ông thực hành tức khắc. (Mt. 1,20-21)
Lần thứ hai : "Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, vì vua Hêrôđê sắp lùng bắt Hài Nhi để giết đi", ông Giuse mau mắn làm theo lời sứ thần thúc giục. (Mt. 2,13)
Lần thứ ba : "Hãy chổi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel vì những kẻ tìm hại Hài Nhi đã chết rồi", ông Giuse mau mắn thi hành lệnh Chúa như những lần trước. (Mt. 2,19-20)
Ông Giuse, "người công chính" vì ông định trốn đi khi biết Maria đang mang thai. Theo lối giải thích xưa thì Giuse trốn đi vì nghi ngờ Maria. Nhưng theo các nhà chú giải Kinh Thánh ngày nay thì ông Giuse định bỏ trốn vì cảm thấy mình không xứng đáng với danh hiệu làm cha nuôi Ðấng Cứu Thế. Chức vị làm Cha Ðấng Cứu Thế là một chức vị quá cao trọng, ông Giuse nhận thấy mình không xứng đáng làm Cha Ðấng Cứu Thế, nên ông bỏ trốn đi. (Tgm. Ngô Quang Kiệt, 18-03-2012)
Ông Giuse cũng không xuất hiện với Mẹ Maria và Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana, sự kiện khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Vì thế, khi tìm hiểu về cuộc đời trần thế Thánh Giuse, chúng ta có một cái gì đó thật ngỡ ngàng về con người im lặng hay thầm lặng của người.
Con người Thánh Giuse là một huyền nhiệm. Thánh Giuse sở dĩ trầm lặng là để giúp con người chúng ta hôm nay nghiệm ra rằng : Thiên Chúa đã nói đầy đủ, bao gồm toát lược tất cả và Thánh Giuse không còn cần phải thêm gì vào Lời của Thiên Chúa, thánh nhân thinh lặng để chiêm ngắm mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể. Thánh Giuse thinh lặng trong chiêm niệm để chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa cuộc đời ngài và để ngài hoàn toàn tự do hành động theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Giuse thinh lặng để biết lắng nghe, để sống hiệp thông với Thiên Chúa.
Ngược dòng thời gian, từ những thế kỷ đầu, giáo hội thời sơ khai có lòng sùng kính Thánh cả Giuse. Thế kỷ XII và XIII, các Thánh Bênađô, Tôma và Giêtruđê đã nêu cao các nhân đức của Thánh Giuse. Ðến đời Ðức thánh cha Gioan XXII đã thiết lập Lễ Thánh Giuse bạn Ðức Trinh Nữ Maria vào ngày 19-03-1334. Sang thế kỷ XV và XVI, Thánh Bernađinô Siênna và Thánh Têrêxa Avila đã nhiệt thành cổ động lòng sùng kính Thánh cả Giuse. Năm 1624, Ðức thánh cha Grêgoriô XV đã quyết định lễ Thánh Giuse, ngày 19 tháng 3, là lễ buộc trong Giáo Hội Công Giáo.
Trong Thông điệp "Quanquam Pluries" Ðức thánh cha Lêo XIII đã viết : "Mọi Kitô hữu, hướng về Thánh cả Giuse với lòng tôn sùng nồng nhiệt, tin tưởng khẩn cầu ngài bảo vệ và luôn luôn đặt trước mắt tấm gương khiêm tốn, cách thế phục vụ hữu hiệu trong chương trình cứu độ.
Năm 1900, Ðức thánh giáo hoàng Piô X, bàn hành sắc lệnh phê chuẩn "Kinh cầu Thánh Giuse, đã mời gọi tín hữu hết lòng cậy trông Thánh cả Giuse vì ngài là đấng cầu bầu thế lực nhất của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Ngày 10-03-1935, Ðức thánh cha Piô XI đã viết : "Thánh cả Giuse là đấng có thể cầu bầu cho chúng ta mọi ơn lành, bất luận là khó thực hiện đến đâu đi nữa, bởi Ðức Mẹ và Chúa Giêsu không thể từ chối ngài ơn gì".
Ðức thánh cha Biển Ðức XV, năm 1920, ban hành Tự sắc : Kêu gọi mọi tín hữu hãy cầu xin với Thánh cả Giuse vì ngài là đấng gìn giữ mọi gia đình khỏi mọi trào lưu vật chất và vô thần.
Năm 1955, Ðức thánh cha Piô XII, thiết lập lễ Thánh Giuse thợ, mừng kính vào ngày 01 tháng 05 hằng năm và đặt làm quan thầy giới thợ thuyền lao động Kitô giáo và các tổ chức trong Giáo Hội.
Ngày 15-08-1989, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư : "Ðấng bảo vệ Chúa Cứu Thế" quảng diễn về thân thế, sứ mạng Thánh Giuse trong đời sống Chúa Giêsu và Giáo Hội : "Vậy nếu gia đình Nagiarét là gương sáng và mẫu mực cho các gia đình nhân loại trong việc cứu độ và thánh hóa, thì Chúa Giêsu lao động bên Thánh Giuse cũng là một mẫu gương. (Chương 4, số 22)
Cách đặc biệt, Thánh Giuse quan thầy Giáo Hội Việt Nam : Giáo sĩ A Lịch Sơn Ðắc Lộ và Pedro Marquez, Dòng Tên, trong chuyến hải hành, tàu gặp bão đánh dạt vào Cửa Bạng, Thanh Hóa ngày 19-03-1627, đặt chân lên non sông đất Việt, dâng việc rao truyền Tin Mừng Ðức Kitô trên miền đất mới cho Thánh Giuse.
Ngày 17-08-1678, Thánh Bộ Truyền Giáo theo lời thỉnh nguyện của ba Giám mục Ðại diện Tông tòa Lambert de la Motte (Ðàng Trong), François Pallu (Ðàng Ngoài) và Ignace Cotolendi (Trung Hoa) đã công nhận Thánh Giuse quan thầy các Giáo phận truyền giáo Trung Hoa, Ðàng Trong và Ðàng Ngoài. Ngày 11-10-1997, trong Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam gởi Cộng đồng Dân Chúa, đã tái xác nhận tôn vinh Thánh cả Giuse làm quan thầy bảo trợ Giáo Hội Việt Nam. Xin Thánh Giuse phù hộ Giáo Hội và quê hương đất nước Việt Nam.
Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, xin nhận lời Thánh Giuse chuyển cầu cho Giáo Xứ Việt Nam Paris chúng con biết noi gương thánh nhân để chu toàn nhiệm vụ Chúa giao phó hầu được chung hường niềm vui an bình Chúa hứa cho tôi tớ trung thành. (Lm. Giuse Trần Anh Dũng, Paris 19-03-2017)