CN 7 THƯỜNG NIÊN – Năm A
19.02.2017
"Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện
cho những kẻ ngược đãi anh em."
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách Lêvi (19,1-2.18-19).
Đức Chúa phán với ông Mô-sê rằng : "Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.
THÁNH VỊNH 102
R/ Đức Chúa là Đấng từ bi nhân hậu !
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
BÀI ĐỌC II
Thư thứ nhất thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô (3, 16-23).
Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.
Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng : Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả : thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.
Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em ; dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.
TIN MỪNG
Tin Mừng theo thánh Mat-thêu (Mt5,38-48)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. "Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
HÃY YÊU KẺ THÙ.
Yêu tha nhân là một chỉ thị, một chỉ dẫn hay một điều luật ? Yêu tha nhân là yêu sách của Ðức Giêsu có thể thực hiện được không ? Phải chăng đây là cả một chương trình sinh hoạt sống trong xã hội ? Hay chỉ là toàn bộ "Hiến Chương Kitô Giáo : Hiến Chương Nước Trời" ?
Câu tuyên bố về việc làm gương xấu, về yêu sách chặt bớt các phần thân thể là một trường hợp rõ ràng và chúng ta cũng phải hiểu theo một nghĩa tương tự phán quyết của Ðức Giêsu về sự giận hờn và nhục mạ. Vì quả thực Ðức Giêsu buộc phải triệt để xa lánh các dịp tội, chấp hành tốt tình huynh đệ không chỉ bên ngoài, mà còn từ ý tưởng, con tim và từ chối mọi quyền trả thù chính đáng (Mt.5,38-42).
Ðức Giêsu đến kiện toàn "Lề luật Môisen", chính là để kiến tạo công bình và huynh đệ giữa con người. Việc hoàn chỉnh "Lề luật Môisen" chỉ có thể được thực hiện trong chiều hướng triệt để hóa các yêu sách tuyệt hảo nhất của nó. Vì thế mọi lời giải thích học thuyết luân lý của Ðức Giêsu về bài giảng "Tám Mối Phúc Thật" (Mt.5,1-12) đều phải lưu ý đến bối cảnh tổng quát : Lối giải thích nào khuyến khích các lạm dụng và có khuynh hướng biến xã hội thành một đàn cừu phó mặc cho lũ sói cắn xé, thì không phù hợp với bối cảnh Tin Mừng. Chính vì thế, thái độ bất kháng cự tuyệt đối trước mọi hình thức bạo lực đang hoành hành trong thế giới ngày nay, chỉ tổ khuyến khích việc bóc lột kẻ cô thân yếu thế, tước đoạt các quyền lợi và phương hại phẩm giá con người cách trầm trọng.
Lời khuyên bảo chìa cả hai má cho kẻ vả mặt (c.5,39), hiển nhiên đây không phải là một nguyên tắc về phán lệ chính thức, song chỉ là một ví dụ cố ý phóng đại. Cũng vậy khi nói phải móc mắt hay chặt bàn tay, thì trong thực tế hành động như thế chẳng có hiệu quả gì !!! Cho dầu bị móc mắt hay bàn chặt lìa hai bàn tay, không thể bảo vệ người tín hữu khỏi một gương xấu khác. Chính Ðức Giêsu sẽ đưa ra một lời giải thích độc đáo, hay nhất về câu hỏi của Người : Khi bị tên đầy tớ vả mặt, Ðức Giêsu đã không đưa má kia, song nghiêm nghị hỏi chính nó : "Nếu Ta nói không phải, thì hãy làm chứng không phải chỗ nào ? Còn nếu là phải, thì tại sao lại đánh Ta ?" (Gn.18,23) Hãy phân biệt rõ ràng : một đàng là mệnh lệnh, có giá trị đối với mọi người, mọi thời đại, mọi hoàn cảnh; đàng kia là một ví dụ cố ý phóng đại mà chẳng xét đến các điều kiện cụ thể hằng luôn biến đổi. Ðức Giêsu công bố một lý tưởng , chứ không ban hành một điều luật.
Giả thiết rằng Giáo Hội và xã hội phải tuân theo một quá trình tiến hóa có tính cách năng động và quá trình này, ít ra trong các nguyên tắc, nhằm tinh luyện ý thức luân lý dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thì Ðức Giêsu đã biết đến một quá trình như vậy và muốn trình bày trong "Bài Giảng Trên Núi", các nguyên tắc năng động sẽ hướng quá trình đó tiến về việc thực hiện ngày càng toàn hảo một xã hội công bằng và huynh đệ. Trong viễn ảnh ấy, các lời khuyên bảo có tính cách tuyệt đối của Ðức Giêsu có lẽ không nhằm đưa ra các mệnh lệnh cụ thể phải thực hiện tức khắc, nhưng đưa ra một phương hướng cần phải tuân theo để tiệm tiến, với thời gian, sự hoàn thiện lướt thắng sự gian tà.
Khi nhận thấy mình hoàn toàn không thể sống tình yêu mà Ðức Giêsu truyền dạy cho các môn đệ, người Kitô hữu hôm nay, liền ý thức rằng với ân sủng Chúa Thánh Thần, mới có thể biến đổi tâm hồn hẹp hòi của mình và làm cho mình phản ứng nên giống Ðức Giêsu cầu nguyên trên cây thập giá : "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc.25,34).
Lm. Giuse Trần Anh Dũng (viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm CN Năm A",) Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt, 1975