CN 2 THƯỜNG NIÊN – Năm A
15.01.2017
"Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống".
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a (49, 3,5-6).
Đức Chúa đã phán cùng tôi : "Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang". Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người.
Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi. Người phán : "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất".
THÁNH VỊNH 40
R/ Lạy Chúa này con xin đến để thực thi ý Ngài.
Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu,
cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: "Này con xin đến!
Trong sách có lời chép cho con
những điều Chúa muốn con làm.
Lạy Chúa, con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng.
Lạy Chúa, Ngài từng biết:
con đâu có ngậm miệng làm thinh.
con đã nói lên cùng đại hội
rằng Ngài thành tín và yêu thương.
BÀI ĐỌC II
Thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô (1, 1-3).
Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm tông đồ của Đức Ki-tô Giê-su và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
TIN MỪNG
Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (1,29-34)
Một hôm, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước". Ông Gio-an còn làm chứng : "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần". Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn".
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
"PHÉP RỬA của CHÚA GIÊSU"
Làm sao giải thích thái độ Chúa Giêsu đến xin chịu phép rửa ? Thánh sử Matthêu mô tả gì trong phép rửa của Ðức Giêsu ? Cảm xúc tôn giáo ? Thị kiến ? Việc Thần Khí xuống "như một chim câu" (c.16) và lời nói của "tiếng từ trời" có ý nghĩa gì ?
Cơ cấu văn chương và thần học chủ yếu tìm thấy ngay trung tâm (3,16-17) : Thần Khí Thiên Chúa xuống trên Ðức Giêsu và thánh hiến Người, không những như Ngôn Sứ, Tôi Tớ, mà còn như kẻ hiện thân của Nước Trời, vì Người là Ðấng Messia thiên hạ đợi trông. Trong Ðức Giêsu, trời xem ra nối liền với đất, vì trong Người, "Nước Trời đã gần bên" (3,2). Từ nay mọi cái đều hội tụ về Ðức Giêsu và mỗi người đều được kêu mời nghe tiếng phán từ trời, tiếng ban ý nghĩa cho những gì xảy ra : Từ nay Ðức Giêsu có bổn phận làm cho cuộc sống, ngôn ngữ, cử chỉ Người trở nên tiếng nói của Chúa Cha bày tỏ với nhân loại. Phép rửa của Ðức Giêsu cho chúng ta thấy Người đứng về phía các tội nhân mà Người đến tha thứ và cứu vớt. Người mong biến đổi nhân loại, nhưng là từ bên trong, bằng cách chia sẻ thân phận nghèo hèn va khốn khổ của kiếp nhân trần; hơn là từ bên ngoài bằng xét xử phán đoán. Ðức Giêsu từ chối thống trị, chinh phục với vũ lực, bắt buộc người ta phải thừa nhận Người. Từ khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ, Ðức Giêsu cho thấy chỉ muốn cứu nhân loại bằng cách tự hủy mình cho đến chết trên Thập giá. Kitô hữu nào dự định thực hiện cuộc giải phóng con người cũng phải chấp nhận các phương pháp như trên.
Giây phút Ðức Giêsu chìm dưới dòng nước sông Hòa giang, nghĩa là trong vũ trụ của tội nhân, tận cùng đáy khiêm nhường, thì ThiênChúa Cha đến gặp Người và đặt Người làm "Kitô và Vua" (Cv.2,33). Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Ðức Giêsu muốn liên đới với con người trong nỗi khốn cùng và sứ yếu hèn của họ. Người muốn đợi chờ chúng ta chính nơi đó; vì thế đừng luống công làm ra vẻ quan trọng, tự kiêu tự đắc, tự cho mình xứng đáng với tình yêu của Người. Chính trong đáy vực sâu tội lỗi mà Ðức Giêsu tìm gặp gỡ và phục hồi con người chúng ta.
Trình thuật "phép rửa của Ðức Giêsu" có liên hệ với kinh nghiệm về "phép rửa Kitô giáo" mà Thánh Matthêu sẽ đề cập đến vào phần cuối Tin Mừng của ông (28,19) : Người chịu thanh tẩy "đi lên" khỏi nước sự chết, đón nhận Thần Khí và tỏ mình ra "như con chí ái" của Chúa Cha, trước khi được dẫn cùng với Ðức Giêsu vào hoang địa thế gian, hầu chịu thử thách cùng chu toàn phận vụ trong đó. Ai chịu thanh tẩy là đi vào đời sống nghĩa tử với Ðức Giêsu, nghĩa là người ấy được làm con cái Thiên Chúa theo cách riêng của mình và cũng nhận được Thần Khí Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm A", Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt,1975.