CN 4 MÙA VỌNG - Năm A
18.12.2016
"Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít,
đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về."
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia (7,10-14).
Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng: "Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh." Vua A-khát trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA."
Ông I-sai-a bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en. Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong cho tới khi biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt. Vì trước khi con trẻ biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt, thì đất đai của hai vua mà ngài khiếp sợ đã bị bỏ hoang.
THÁNH VỊNH 24
R/ Chúa sẽ ngự vào : chính Người là Đức Vua vinh hiển.
Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
Ai được lên núi Chúa ?
Ai được ở trong đền thánh của Người ?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.
BÀI ĐỌC II
Lời Chúa trong thơ của Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma (1,1-7).
Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.
Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng. Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.
Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (1,18-24).
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : "Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ". Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ : Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
THIÊN SỨ BÁO TIN CHO GIUSE
Nhân vật nào là chủ đề chính của trình thuật : Chúa Giêsu ? Ðức Mẹ Maria ? hay Thánh Giuse ? Tìm hiểu bí ẩn của trình thuật : Thánh Giuse tỏ ra công chính ở chỗ nào ? Nên đặt cho trình thuật trên tiêu đề nào : "Việc thụ thai Ðức Giêsu cách đồng trinh" hay "Thánh Giuse đứng trước mầu nhiệm nhập thể" ? Và có thể so sánh Thánh Giuse và Thánh Gioan Tiền Hô theo nghĩa nào ? Ðâu là vai trò Thánh Giuse trong nhiệm cục cứu độ ?
Trong lúc Tin Mừng Luca trình bày việc truyền tin cho Ðức Mẹ Maria, thì thánh sử Mathêu lại trình bày việc truyền tin cho Thánh Giuse và vì thế mọi viễn tượng đều thay đổi. Nơi Mathêu, Thánh Giuse, "con vua Ðavit" (c.20b), kẻ đưa Ðức Giêsu vào dòng dõi hoàng gia Ðavit, là khuôn mặt chính yếu chứ không phải Ðức Mẹ Maria. Xem ra Thánh Giuse và Ðức Maria sống tại Bêlem, và hai đấng trở về làng Nadarét theo một mạc khải đặc biệt nào đó. Còn trình thuật của Mathêu chất chứa một loạt hành động được truyền thực hiện từ trong giấc mơ; trong lúc Luca không kể một giấc mộng nào hết. Các chi tiết chính của trình thuật Mathêu xem ra được chọn lọc cho phù hợp và hoàn thành lời sấm ngôn.
Thánh sử Mathêu muốn chỉ về lời tiên tri "Chúa ở cùng chúng ta" của ngôn sứ Isaia : "Tất cả sự việc nầy xảy ra như lời Thiên Chúa phán qua miệng vị tiên tri được nên trọn : "Một Trinh Nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai mà họ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là : Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
"Giuse, chồng bà, vì là người công chính và không muốn tố giác bà" : Sự "công chính" của Thánh Giuse hệ tại chỗ nào ? Vấn đề ở đây là "sự công chính tôn giáo", sự công chính đòi hỏi Thánh Giuse tôn trọng công trình Thiên Chúa nơi Ðức Maria và cấm ông không được đoạt lấy công lao của một hành động thần linh : Thánh Giuse nghĩ rằng mình không được quyền đem về nhà một kẻ mà Giavê đã dành riêng cho Ngài. Trước mầu nhiệm ấy, Thánh Giuse muốn rút lui và vì tế nhị đối với Thiên Chúa, ngài cẩn thận không muốn tiết lộ mầu nhiệm thần linh nơi Ðức Maria. Thánh Giuse phản ứng như hết thảy mọi kẻ công chính trong Thánh Kinh trước việc Thiên Chúa can thiệp vào đời họ : Như Môsê cởi giày trước bụi gai rực cháy; như Isaia khiếp đảm trước sự xuất hiện của Vị Thiên Chúa ba lần thánh; như bà Elisabeth tự hỏi tại sao mình được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm ?
Một luận cứ xác nhận khác là chính lời thiên sứ (cc.20.21), nếu được hiểu đúng. Cách dịch hay nhất có lẽ như thế này : "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, chớ sợ đem Maria về nhà làm vợ, vì quả thật, thai sinh nơi bà là công trình của Thánh Thần, nhưng bà sẽ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu; vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi".
"Emmanuel", thánh sử Mathêu không cố ý nêu ra một tên mới của Ðấng Thiên Sai, song chỉ muốn nói lên ý nghĩa của con người và của công cuộc Người thực hiện. Như vậy, qua Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ hiện diện giữa Dân Ngài để cứu vớt họ. Lời minh hứa long trọng của Chúa Kitô vinh hiển : "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (28,20), đánh dấu việc thể hiện hoàn toàn lời loan báo trên. Tin Mừng Mathêu mở đầu và kết thúc với ý tưởng : Thiên Chúa đã hiện diện tích cực với nhân loại trong Con Người Ðức Giêsu.
Thánh Giuse im lặng, Thánh Kinh không ghi lại một lời nào của ngài, một kẻ dù sao cũng là con cháu vua Ðavit và đã cho Ðức Giêsu vào đời theo dòng dõi Ðavit. Sự "công chính" của Thánh Giuse, chính là ý thức của ngài về Thiên Chúa, là sự tôn trọng của ngài đối với mầu nhiệm và thánh ý Thiên Chúa. Thánh Giuse đã đón nhận Ðức Giêsu Kitô hằng sống, vì Chúa đang thực sự sống động trong Giáo Hội; nhờ Giáo Hội mà Người tự thông ban cho chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Thể.
"Emanuel" : Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sở dĩ Thiên Chúa ở với chúng ta, đó là để luôn luôn cứu độ chúng ta. Sự hiện diện của Người trong cuộc đời mỗi người chúng ta là nguồn bình an hoan lạc lớn lao nhất. Hôm nay, Ðức Giêsu là "Emmanuel" đối với nhân loại hơn bao giờ hết, vì sau cuộc tử nạn và phục sinh, Ngài đoan hứa ở cùng nhân loại chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế.
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm A",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt, 1975)