LỄ CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ - Năm C
20.11.2016
"Nếu ông là vua dân Do-thái
thì cứu lấy mình đi !"
BÀI ĐỌC I
Sách Samuel quyển thứ hai (Sam 5,1-3).
Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel, đến cùng Đavid tại Hebron mà nói rằng : "Đây chúng tôi là cốt nhục của Ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính Ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với Ngài rằng : "Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel". Vậy tất cả các vị kỳ lão đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Đavid đã ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đavid làm vua Israel.
THÁNH VỊNH 121
R/ Ôi, tôi sung sướng biết bao khi nghe nói : chúng ta sẽ về nhà Chúa.
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
"Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! "
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân.
Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.
Từng chi tộc của CHÚA trẩy hội lên đền,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng.
Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít.
Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt.
BÀI ĐỌC 2
Thơ Thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côlôssê (1,12-20).
Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái ; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.
Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh ; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (23,35-43).
Họ vừa mới đóng đinh Đức Giêsu, dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo mà rằng : "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô, của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn !" Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói : "Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi !" Phía trên đầu Người, có bản án viết : "Đây là vua người Do-thái".
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người : "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !" Nhưng tên kia mắng nó : "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !" Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su : "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !" Và Người nói với anh ta : "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng".
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
LỄ CHÚA KITÔ VUA
Chúa Giêsu bị lăng nhục trên thập giá. Chúa Giêsu đã biểu lộ vương quyền mình trên thập giá như thế nào ? Các từ ngữ "nhìn xem" và "nhạo báng" (c.35) được trích dẫn từ bản văn nào của Kinh Thánh ?
Trong câu đầu của đoạn văn, tác giả Luca đã ám chỉ đến Thánh vịnh 22,8 : "Tất cả những kẻ nhìn con đều nhạo báng, chúng bỉu môi, vừa lắc đầu". Ðoạn văn này, cách nào đó đã được phản ảnh lại khi thánh sử Luca mô tả dân chúng và các đầu mục : "Dân chúng đứng đó và nhìn xem; còn các đầu mục nhạo báng". Toàn bộ đoản văn này, trong Phụng Vụ cũng như trong Phúc Âm, đã được đặt dưới dấu chỉ "Vua", vừa là đối tượng của cười chê nhạo báng" (c.35-39); vừa là đối tượng của niềm tin phó thác và được tưởng thưởng" (c.40-43).
Các đầu mục tôn giáo nhạo báng bằng cách nại đến việc Chúa Giêsu tự xưng là Vua thiên sai. Nếu Ngài là Ðấng được xức dầu của Thiên Chúa (tước hiệu Vua), là Người Thiên Chúa tuyển chọn (tước hiệu Thiên Sai), là Ðấng Cứu Thế như Ngài nói, thì hãy tự cứu mình đi ! Chính qua một cơn cám dỗ tương tự mà Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng của mình (4,3), Ngài cũng đã bị cám dỗ như thế tại Nadarét, quê hương của Ngài (4,23), đó là cơn cám dỗ đầu đời của cuộc sống trần thế; thì bây giờ là cơn cám dỗ sau cùng trước khi được tôn vinh. Ba cơn cám dỗ tự bản chất là lời mời gọi của satan đối với Chúa Giêsu trong hoang địa sa mạc. Dưới chân thập giá, các binh sĩ cũng nhạo báng khi dâng Ngài dấm chúa để uống. Tấm bảng viết treo trên thập giá, cũng gọi Chúa Giêsu là Vua dân Do Thái, đây là lối châm biếm sâu sắc của tổng trấn Philatô khi dòng chữ được ghi bằng tiếng hy bá, la tinh và hy lạp (Gioan 19,15). Người trộm dữ cũng hùa theo châm biếm...
Ngược lại, thái độ ôn tồn của người trộm lành thống hối ăn năn các tội phạm của chính mình và hùng hôn tuyên xứng việc vô tội của Chúa Giêsu. Ðiều ngạc nhiên nhất là anh trộm lành tuyên xưng đức tin vào sự vô tội của Chúa Giêsu như là Vua, là Ðấng Thiên Sai trong chính giây phút mà mọi sự xem ra đã sụp đổ : "Xin hãy nhớ đến tôi, khi Ngài đến trong Nước vinh quang của Ngài".
Trong thế giới chiến tranh hôm nay, hận thù, nghèo khổ, thất nghiệp, các cuộc di dân tỵ nạn, thiên tai, lụt lội, núi lửa, ô nhiễm môi sinh, khủng hoảng kinh tế... có nhiều người tín hữu thách thức : Nếu Ðức Kitô là Vua, thì hãy tạo cho chúng tôi một xã hội tốt hơn, đẹp hơn và bấy giờ chúng tôi sẽ tin vào Ngài ? Chúa Giêsu không trả lời điều đó bằng phép lạ và điềm thiêng. Ngài chỉ làm gương bằng một tình yêu bao la tuyệt đối, bằng giàu lòng thương xót và tha thứ miên trường.
Chúa Giêsu, vị Vua không cai trị bằng vũ lực, không chiếm đoạt trần gian nhằm phục vụ tư lợi cá nhân, không thống trị nhằm tự mãn; nhưng bằng yêu thương phục vụ và lòng tha thứ tuyệt đối. Cho đến giờ chết, Chúa Giêsu vẫn luôn mãi là Ðấng Cứu Thế. Lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa được mạc khải trong thập giá của Ðức Kitô. Ðấng đã đi lòng nhân loại để chết thay cho muôn người được lãnh nhận nguồn ơn cứu độ. Với những con tim quảng đại hằng chờ mong Vương quốc Ngài chóng hiển trị; thì an bình ân sủng của Ðức Kitô luôn chan hòa tâm hồn những người thành tâm thiện ý.
Lm. Giuse Trần Anh Dũng (viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm C", Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt, 1975)