CN 29 THƯỜNG NIÊN - Năm C
16.10.2016
" Trong thành kia,
có một ông quan toà. và một bà goá "
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách Xuất Hành (17, 8-13).
Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim. Ông Môisen nói với ông Giosuê rằng : "Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec. Ngày mai, tôi sẽ cầm gậy Thiên Chúa trong tay đứng trên đỉnh núi". Ông Giosuê thực hiện như lời ông Môisen đã dạy, và ra chiến đấu với người Amalec. Còn ông Môisen, Aaron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môisen giơ tay lên thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môisen mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó, hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.
THÁNH VỊNH 120
R/ Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa,
Là Đấng tạo thành trời đất.
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ ngủ quên.
Đấng gìn giữ Ít-ra-en,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn,
chính Chúa là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
BÀI ĐỌC II
Thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê (3,14-4,2)
Con thân mến, con hãy giữ vững những gì con đã học được và đã tin chắc. Con biết con đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, con đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy con nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.
Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, cha tha thiết khuyên con : hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (18,1-8).
Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói : "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông : "Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi". Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng : "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc". Rồi Chúa nói : "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó ! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?"
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
"THẨM PHÁN BẠO NGƯỢC VÀ BÀ GÓA"
Theo văn mạch của dụ ngôn, đây có phải chỉ là giáo huấn về việc cầu nguyện nói chung ? Hay ở đây còn có sự so sánh trực tiếp giữa Thiên Chúa và vị thẩm phán bạo ngược ?
Câu nhập đề xác định : Việc cầu nguyện kiên trì, trong các hoàn cảnh thất vọng nhất. Cầu nguyện không chỉ là một bổn phận hay một nhân đức; mà là một nhu cầu thiết yếu phải thực hiện, không thoái nhượng, giảm sút và không buông thả. Nghĩa là trong khi chờ đợi ngày Ðức Kitô trở lại, đấy là thời thử thách, người môn đệ không được trì trệ hay buông thả việc cầu nguyện. Thay vì chán nản khi lời khẩn cầu xem ra tuyệt vọng, người môn đệ phải phấn đấu, chống lại mệt mỏi và hăng say tiếp tục công việc bổn phận hằng ngày cách liên lĩ bền chí.
Ðể đối chiếu với vị thẩm phán bạo ngược, chỉ yêu chính mình, không sợ Thiên Chúa cũng như loài người; đối với y, bà góa chỉ là một người quấy rầy. Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh người Cha trên trời vô cùng nhân từ, giàu lòng thương xót, luôn luôn lo lắng cho những người được chọn, luôn thành khẩu kêu cầu Ngài ngày đêm.
Sự kiên nhẩn cầu nguyện được quy chiếu với tính cứng đầu của bà góa. Cũng như bà ta, các môn đệ sẽ bị ngược đãi trong thế giới, phải gánh chịu nhiều bất công, không được ai bênh vực chở che. Người môn đệ chỉ có Thiên Chúa quan tâm đến. Nếu người môn đệ bền chí tiếp tục cầu nguyện, không nản chí sờn lòng, "Vị Thẩm Phán Tối Cao" sẽ không thể làm ít hơn "thẩm phán bất công và bạo ngược". Nối kết lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa với tiếng van nài liên lĩ và hiện thực của các môn đệ.
Nhưng tại sao phải cầu xin ? Việc cầu xin có ích lợi gì không ? Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa là một trong những thành tố hữu hiệu nhất để thực hiện ơn cứu độ phổ quát (Rm. 2,4; 1Tm. 1,16). Từ đó, sự bất động hay không can thiệp của Thiên Chúa, thay vì được coi như là dấu hiệu Ngài tỏ ra thờ ơ lãnh đạm; lại là bằng chứng lòng nhân từ vô biên của Ngài, không có gì đáng tức giận, như bà góa đã không nóng giận trước thái độ chậm chạp, câu giờ và chống đối của thẩm phán bạo ngược. Chính trong thời gian trì hoãn này mà chúng ta liên tục bền chí cầu xin, không sờn lòng vì kinh nguyện nằm trong chương trình kiên nhẫn của Thiên Chúa.
Thiên Chúa luôn nhận lời chúng ta, tại sao ? Vì Ngài là Cha vô cùng nhân từ và giàu lòng thương xót. Xác tín việc Thiên Chúa luôn nhận lời chúng ta là một trong những cột trụ nền tảng vững chải của đời sống Kitô hữu. Nghi ngờ điểm này là phạm đến đức trông cậy. Do đó, khi cầu nguyện chúng ta đừng nhiều lời, vì Thiên Chúa biết trước và hiểu rõ hơn chúng ta những điều chúng ta cần thiết cầu xin.
Ích lợi của việc cầu nguyện. Vì tôn trọng sự tự do của con người, Thiên Chúa không áp đặt trên chúng ta những ân huệ của Ngài, nhưng Ngài đáp ứng mọi ước vọng của chúng ta. Lòng tư bi quãng đại của Ngài chan hòa vượt quá lời chúng ta cầu xin. Vì lòng ước muốn càng nung nấu, lời khẩn xin càng kiên trì bền chí, tâm hồn và con tim chúng ta càng rộng mở. Việc cầu nguyện thật có ích cho chính chúng ta, vì Thiên Chúa muốn tự hiến, trao ban chính Ngài cho nhân loại trong thế giới hôm nay.
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm C",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt,1975)