PHỤ LỤC 1, 2, 3, 4
PHỤ LỤC 1
Tóm lược
Hiến Chế "EX ILLA DIE"
ngày 19.03.1715
Linh mục Ðỗ Quang Chính lược dịch. Bản mẫu lời thề được dịch nguyên văn trong Constitutio
Benedicti xic ‘Ex quo singulari’ super ritibus sinicis (11 julii 1742), Imp. De T’ou-sè-wè,
Shangai, không ghi năm in), tr.15
1. Ðức Thánh Cha Clementê XI tỏ ra sự lo âu của người về Tên chỉ Ðức Chúa Trời trong tiếng Trung Hoa và những lễ nghi ở xứ đó, mà có người cho là mê tín, có người cho là được làm, vì chỉ có tính cách dân sự. Vậy cần phải chấm dứt sự tranh luận.
2. Ngay từ đời các Ðức Thánh Cha trước đây, như Ðức Innocentê XII vị tiền nhiệm, đã giải quyết rồi. Ngày 20.11.1704 ta đã ra sắc lệnh cấm:
- Dùng từ Kính Thiên trong các bức hoành phi treo ở nhà thờ hoặc ở nhà riêng.
- Cấm tế Khổng Tử và tổ tiên trong các dịp:
* Một năm hai lần mặt trời đến chính đường hoàng đạo
* Khi các quan lớn, bé, thi đậu ra miếu kính Ðức Khổng Tử để cúng tế.
* Ðơm cúng ông bà trong nhà tổ (từ đường).
* Ðơm cúng ông bà trước bài vị (thần chủ) trong nhà riêng, nơi mồ mả, trước khi mai táng.
* Giữ Thần chủ trong nhà.
3. Ngày 25.09.1710, Ðức Clemente XI ra sắc công nhận việc Ðức khâm sai De Tourmon công bố sắc lệnh 20.11.1704 vào ngày 25.01.1707 tại Trung Hoa.
4. Buộc mọi thừa sai ở Trung Hoa hoặc ở các nước lân cận phải thề theo mẫu đính kèm. Ai chẳng vâng mà thề sẽ bị vạ tuyệt thông dành cho Tòa Thánh. Ai chưa thề, thì không được cử hành các Bí Tích dù ở trong giáo phận hay ở trong nhà Dòng riêng của mình.
5. Không ai được nói, làm điều gì khác với Hiến chế này như xin xét lại, hay xin Tòa Thánh rộng ơn ....
* Tóm lại, không ai được bàn cãi gì nữa, chỉ có việc tuyệt đối vâng phục theo Hiến chế.
6. BẢN MẪU LỜI THỀ
Tôi là .. .. .. .. .. thầy cả giảng đạo, mà Tòa Thánh hay là Ðấng bề trên tôi bởi phép Tòa Thánh sai tôi hay đã định cho tôi làm các phép cho bổn đạo trong nước Trung Hoa hay nước .. .. .. .. hoặc tỉnh .. .. .. .. , thì tôi sẽ vâng phép Tòa Thánh dạy về các lễ phép Trung Hoa, trong Hiến chế Ðức Thánh Cha Clemente XI đã dạy mẫu thề này. Tôi đã đọc trọn Hiến chế ấy cách kỹ càng, tôi xin vâng giữ trọn vẹn, đúng như Hiến chế dạy một cách chính xác, tuyệt đối và bất khả xâm phạm, mà chẳng thoát thác cách nào. Nếu tôi không giữ như vậy, thì hễ lần nào tôi lỗi phạm, tôi cam lòng chịu phạt vạ như Hiến chế qui định. Vậy tôi xin đặt tay trên sách Phúc Âm này mà hứa, khấn và thề.
Xin Thiên Chúa cùng sách Phúc Âm của Chúa phù hộ tôi.
Tôi là .. .. .. .. chính tay tôi ký.
7. Truyền dạy phải công bố Hiến chế này.
8. Ban hành tại Roma, trong đền thờ Ðức Bà cả đã đóng dấu ấn Ngư Ông ngày 19.03.1715, là năm thứ 15 từ khi ta trị vì Hội Thánh.
(Trích dẫn từ ‘Vấn đề thờ kính tổ tiên trong nền văn hóa Việt Nam đương đại’ của Phạm Thị Bích Hằng, phần phụ lục trang I)
PHỤ LỤC 2
Huấn Thị
"PLANE COMPERTUM EST"
(Ban hành ngày 08.12.1939)
Bản dịch của linh mục Ðỗ Quang Chính, từ bản Pháp ngữ trong Le siège apostolique et les missions,
Textes et documents pontifcaux, T. II, Paris, in lần II. 1959, tr. 152-155.
Rõ ràng tại Cực đông xưa kia có một số nghi lễ dính liền với nghi thức ngoại giáo, nay vì những biến đổi theo thời gian về các phong tục và ý tưởng, nên nó chỉ còn mang ý nghĩa dân sự để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, tỏ lòng yêu tổ quốc và lịch sự trong các tương quan xã hội.
Năm 1935 và 1936, với sự chấp thuận của Ðức Thánh Cha Piô XI, Thánh bộ truyền giáo dựa theo điều khoản 22 của giáo luật, đã ban cho các đấng Bản quyền Mãn Châu và Ðế quốc Nhật những nguyên tắc mới trong việc hướng dẫn cho thích hợp hơn với điều kiện hiện tại.
Vừa rồi, các Ðức Hòng Y Thánh Bộ truyền giáo trong phiên họp toàn thể ngày 04.12.1939, đã xem xét vấn đề là: Nên chăng dùng phương pháp tương tự cho các xứ khác mà thời gian đã mang lại sự thay đổi y hệt.
Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng những lý lẽ nghịch, thuận và đã hỏi ý kiến các nhân vật thông thạo, các Ðức Hồng Y quyết định đưa ra những tuyên bố sau đây:
1 - Xét rằng, nhiều lần chính phủ Trung Hoa đã tuyên bố cách minh nhiên là để mỗi người được tự do chọn lựa tôn giáo, và chính phủ cũng chẳng cần đặt ra những đạo luật hay chỉ dụ về vấn đề tôn giáo, và bởi đấy các nghi lễ do nhà cầm quyền thi hành để kính Ðức Khồng Tử không có mục đích tế tự tôn giáo, nhưng chỉ là để tôn kính một nhân vật cao quí theo cách tôn trọng phải làm như một tập tục tiền nhân, nên người công giáo được phép tham dự các nghi lễ kính Ðức Khổng Tử trước hình ảnh hay bài vị mang tên ngài ở các văn miếu hay ở trường học.
2 - Vậy không còn là bất hợp thức, nhất là khi nhà chức trách truyền lệnh, khi trưng bày hình ảnh hay bài vị mang tên Ðức Khổng Tử trong các trường Công giáo, hoặc phải cúi đàu bái chào, nếu sợ gây ra gương mù, thì người công giáo nên cẩn thận tuyên bố về lòng ngay thẳng của mình khi làm cử chỉ đó.
3 - Nhân viên và học sinh các trường công giáo, nếu có lệnh ban hành cho họ, thì đừng từ khước dự các nghi lễ công cộng, mặc dầu có thể bề ngoài nhuốm màu dị đoan, miễn là theo đúng giáo luật khoản 1258 (Gl 1917).
Họ thi hành cách thụ động với ý tưởng duy nhất là để tôn kính theo nghi thức hoàn toàn dân sự. Ðể tránh mọi hiểu lầm về cử chỉ của họ, họ sẽ tuyên bố về ý hướng của họ mỗi khi xét là cần.
4 - Phải coi là được phép và xứng hợp tất cả những cử chỉ cúi đầu, và các cách biểu lộ khác có tính cách tôn kính dân sự trước những người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ.
Ðàng khác, các Ðức Hồng Y nhận thấy lời thề về nghi lễ Trung Hoa do Ðức Thánh Cha Benedito XIV truyền dạy trong hiến chế Ex Quo singulari ngày 11.07.1742 cho tất cả các Linh mục trong đế quốc Trung Hoa, các vương quốc lân cận và các xứ lân cận không còn hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc hướng dẫn mà Bộ Truyền giáo mới ban bố. Vả lại, ngày nay lời thề đó như phương thế kỷ luật trỡ nên tuyệt đói dư thừa, bởi vì thực tế các cuộc tranh luận xưa về nghi lễ Trung Hoa đã chấm dứt như mọi người biết, và các Thừa sai cũng như các Linh mục khác chẳng còn bị bó buộc phải tuyên thệ để vâng phục mau mắn với tình con thảo đối với Tòa Thánh. Vậy các Hồng Y quyết định bãi bỏ lời thề đó ở tất cả nơi nào còn thi hành, hoặc ở Trung Hoa, hoặc các nơi khác. Dĩ nhiên tất cả các lệnh truyền khác của Ðức Thánh Cha Benedito XIV vẫn còn giá trị, nếu chưa được thay đổi do các huấn dụ mới đây và đặc biệt là còn cấm tranh tụng về các vấn đề nghi lễ Trung Hoa.
Trong cuộc triều yết ngày 07.12.1939, những quyết định của các Hồng Y thuộc Bộ Truyền giáo được đệ trình lên Ðức Thánh Cha Piô XII, Ðức Thánh Cha đã chấp thuận hoàn toàn và đã phê chuẫn.
(Trích dẫn từ ‘Vấn đề thờ cúng tổ tiên trong nền văn hóa Việt Nam đương đạĩ của Phạm Thị Bích Hằng, phần phụ lục trang II-III)
PHỤ LỤC 3
THÔNG CÁO
CỦA HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
VỀ VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN
VÀ CÁC BẬC ANH HÙNG LIỆT SĨ
Ngày 20.10.1964, Tòa Thánh, qua Bộ Truyền giáo đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng huấn thị Plane compertum est (08.12.1939), về việc tôn kính tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ cho giáo dân Việt Nam.
Ðể hiểu rõ tinh thần Giáo Hội trong việc chấp thuận này, và để có những chỉ thị hướng dẫn trong khi áp dụng, Hội Ðồng Giám Mục muốn nêu lên mấy điểm sau đây:
I - Giáo Hội Công giáo đối với nền văn hóa và truyền thống các dân tộc
1 - Giáo Hội Chúa Kitô bao giờ cũng tha thiết thực hiện mệnh lệnh Ðấng Sáng lập, để hiện diện khắp nơi và tuyên giảng Phúc Âm cho mọi người. Cố gắng đàu tiên của Giáo hội là giúp sao cho con người được nên hình ảnh dích thực của Thiên Chúa và được trung thực với sứ mệnh Kitô hữu của mình, để đạt cứu cánh sau hết là hạnh phúc đời đời. Công trình đó được thực hiện trong nội khảm của mỗi cá nhân. Nhưng nó có vang âm đến toàn diện cuộc đời và trong mỗi khu vực sinh hoạt của con người[1].
2 - Mặt khác, từ nguyên thủy cho đến ngày nay, Giáo hội công giáo vẫn tuân theo tiêu chuẩn Phúc Âm. Theo đó, giáo hội không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo liêm chính, chân thành của các dân tộc. Âu cũng vì bản tính nhân loại, dù còn mang dấu vết sự sa ngã của Tổ tông, song vẫn giữ trong nội tâm một căn bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng của Thiên Chúa có thể soi chiếu, dinh dưỡng và nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một nếp sống siêu nhiên đích thực. Cũng vì vậy mà Giáo hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Công giáo. Trái lại, Giáo hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến toàn hảo. Trải qua các thế kỷ, Giáo hội đã thánh hóa những phong tục cũng như những truyền thống chân chính của các dân tộc. Giáo hội cũng đã nhiều lần đem nghi lễ của miền này xứ nọ sát nhập vào nền phụng vụ của mình, sau khi đã tu chỉnh cả tinh thần và hình thức, để ghi nhớ mầu nhiệm hoặc để tôn kính các bậc thánh nhân hay các vị tử đạo[2].
3 - Ðối với các tôn giáo khác, Giáo hội công giáo cũng chủ trương một lập trường rõ rệt. Dĩ nhiên Giáo hội không thể tham dự vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, hoặc coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không muốn tìm xem Thiên Chúa có mạc khải một đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa được nhận biết, kính mến và phụng thờ. Tuy nhiên, Giáo hội không từ chối công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác[3]. Giáo hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện của bất cứ tôn giáo nào. Giáo hội luôn luôn rao truyền Ðức Kitô là "đường đi, là chân lý và là nguồn sống" và, trong Ðức Kitô, Thiên Chúa làm hòa với muôn vật. Tuy nhiên Giáo hội thành tâm và lưu ý cứu xét những hành động và sinh hoạt, những luật pháp và lý thuyết của các tôn giáo khác tuy có sai biệt với những điểm Giáo hội đề ra, song vẫn mang lại một tia sáng nào đó của chính cái chân lý hằng soi sáng mọi người. Vì thế, Giáo hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo tuyền vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa, gặp được trong các tôn giáo khác nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo này[4].
Chính lập trường đó của Giáo hội được đúc kết trong tư tưởng của các Ðức Giáo Hoàng và trong đệ nhị Công đòng Vatican, đã giải thích lý do của quyết định Tòa Thánh khi cho áp dụng huấn thị Plane compertum est tại Việt Nam ngày nay. Và cũng chiếu theo tinh thần đó, các Giám Mục hội nghị tại Ðà Lạt trong những ngày 13, 14.06.1965 đã cho công bố thông báo này.
II - Thể thức áp dụng Huấn thị Plane compertum est.
1 - Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc Anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.
Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng, là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc Anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ...) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.
2 - Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công giáo được tinh truyền, Giáo hộI không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.
Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ỡ những nơi dành riêng cho việc tế tự... thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong giáo luật, khoản 1258[5].
3 - Ðối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo), mà chỉ biểu lộ một tinh thần tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin công giáo, nên được thi hành và tham dự. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cấn, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.
Ðó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Tòa Thánh và bàn hỏi với giáo sĩ thành thạo.
Yêu cầu quí Cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngoài công giáo. Các vị phụ trách công giáo tiến hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các buổi họp và các khóa huấn luyện.
Làm tại Ðà Lạt, ngày 14 tháng 06 năm 1965
Sacerdos-Linh Mục nguyệt san, số 43, tháng 07.1965, tr. 489-492
PHỤ LỤC 4
Việc Tôn Thờ Tổ Tiên và Kitô Giáo
NỮ TU MAI THÀNH Dòng Ðức Bà
Ngày 20 tháng 10 năm 1964, Thánh Bộ Truyền bá đức tin thông báo cho các Giám Mục Việt Nam về việc Ðức Phaolô VI chính thức chấp nhận cho đưa nghi lễ tôn kính tổ tiên vào đời sống đạo đức gia đình của những người Việt Nam đã trở lại Thiên Chúa giáo.
Cử chỉ này của Giáo hội đã được người Thiên Chúa giáo Việt Nam đón nhận với niềm vui mừng lớn lao và với lòng biết ơn sâu sắc. Ðặc biệt đối với những người từ các tôn giáo khác trở nên người Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Ðiều đó như là một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất về tính phổ quát của Giáo hội Thiên Chúa giáo, luôn sẵn sàng đón nhận những giá trị tôn giáo của những nền văn minh ngoài Kitô giáo, trong mức độ những giá trị này tương hợp với sứ điệp Tin Mừng.
"Tôi kính phục cái nhìn bao dung và lòng nhân hậu của Ðức Thánh Cha" - một người cha của một gia đình ngoại giáo đã bộc phát nói lên như thế khi những người con của ông đã theo đạo báo tin về quyết định của Giáo hội Rôma.
Người cha này là một Nho gia thấm nhuần những nguyên tắc của một nền luân lý đề cao lòng hiếu thảo, vốn được coi như là khởi điểm và nền tảng của sự hoàn thiện. Lòng hiếu thảo này được biểu lộ qua tâm tình biết ơn sâu xa và sự kính trọng thủy chung đối với cha mẹ khi còn sống cũng như qua sự tôn kính và tưởng nhớ khi họ đã qua đời.
Từ 25 năm qua, vị nho gia ấy đã dâng cho Giáo hội sáu trong số bảy người con của mình, chấp nhận trong sự thinh lặng anh hùng những người con của mình lấn lượt xa rời bàn thờ tổ tiên. Trong những dịp tang lễ hay giỗ chạp, trước bàn thờ chỉ còn lại duy chỉ mình ông.
Nhưng giờ đây, thật bất ngờ, Giáo hội trả lại cho ông những người con "đã mất". Thật vậy, ngày 26.06.1965, năm người trong số những người con ấy đã về với mái ấm của người cha, trước bàn thờ mà từ lâu họ đã tránh xa để trung tín phụng thờ Chúa. Khi tất cả chúng tôi tụ họp quanh người cha già của chúng tôi, bằng những lời giản dị đày cảm xúc, ông đã bày tỏ với chúng tôi niềm vui sâu xa của ông về việc gặp lại chúng tôi hôm nay tại cung thánh của gia đình. Ông nhắc đi nhắc lại lòng tốt của Ðức Thánh Cha và niềm vui khôn tả khi thấy các con mình thực thi văn tự là tinh thần sắc lệnh của Giáo hội Rôma. Ông khẳn định với chúng tôi bằng một giọng xác tín : "Tây phương đã xích lại gần Ðông phương" và ông nói thêm: "Kitô giáo không còn xa cách với những truyền thống lâu đời của tổ tiên chúng ta nữa. Nếu sự du nhập việc tôn kính tổ tiên này được hiểu rõ và được áp dụng khắp nơi, sẽ gây ảnh hưởng sâu xa và tích cực đến các tôn giáo khác".
Với niềm xúc động sâu xa, chúng tôi lắng nghe những lời này. Lần đầu tiên từ khi chúng tôi trở lại đạo Thiên Chúa giáo, chúng tôi mới cảm nghiệm niềm hiệp thông sâu sắc giữa gia đình; trong giây phút thiêng liêng này, trước bàn thờ để tưởng niệm người thân đã khuất, biểu hiệu tâm tình hiếu thảo của những người con Thiên Chúa giáo.
Ở gian chính, bàn thờ được chuẩn bị từ sáng: hoa quả được bày biện, di ảnh Ông bà được đặt lên bàn thờ, còn ảnh mẹ thân yêu của chúng tôi thì đặt ở bàn thờ nhỏ bên cạnh, cả nhà chìm đắm trong tưởng niệm. Mỗi người chúng tôi ý thức rằng, những gì cha tôi đang cử hành là trọng đại, vừa đượm tinh thần Kitô giáo vừa nặng tình gia đình huyết thống dân tộc. Hôm nay chúng tôi làm chứng được tinh thần hiếu thảo của Tin Mừng; bắt được nhịp cầu giữa gia đình huyết nhục trần thế và đại gia đình Giáo hội mà Ðức Kitô là Trưởng tử và cũng là Thượng Tế.
Chúng tôi tin chắc rằng việc này làm vui lòng người cha trần thế cũng như Cha trên trời: sự hiếu thảo của chúng tôi đã chẳng nói lên ước muốn bắt chước Ðức Kitô, Người đã suốt đời tuyệt đối vâng phục Cha Người sao?
Trong tâm tình đó, chúng tôi đến trước bàn thờ, cha tôi trải chiếu, mỗi người chúng tôi chia nhau người đốt nến, người đốt trầm hương. Bàn thờ được thắp sáng, Cha chúng tôi là người chủ và là thầy cả gia đình, tiến bước đầu tiên, đùng và sau đó quỳ xuống thật lâu trên chiếu, tay chắp lại, mắt nhắm nghiền, tất cả chúng tôi đều xúc động trước sự mặc niệm của người. Qua cử chỉ của cha chúng tôi, chúng tôi tưởng như đọc được niềm tin sâu xa vững chắc và tuyệt đối rằng, ngoài đời này còn có một cuộc sống khác mà người sống và người chết gặp nhau trong sự hiệp nhất thiêng liêng.
Ðến lượt đoàn con chúng tôi, chúng tôi đã tập trung để diễn đạt qua nghi lễ thờ cúng, tất cả lòng tri ân đối với tổ tiên và với Thiên Chúa là Cha của mọi người cha. Lúc đó, chúng tôi cảm nghiệm được hồng ân Thánh tẩy và cái hồn phụng tự trong nghi lễ Giáo hội giúp chúng tôi lĩnh hội được một ý nghĩa hết sức mới mẻ, một chiều sâu nội tâm mà trước đây, trước khi trở thành Kitô hữu, chúng tôi chỉ thực hiện một cách máy móc thôi.
Nghi lễ chấm dứt, cha tôi nhắc nhở lại kỷ niệm của những người đã khuất, những công đức, gương lành của tổ tiên. Sau đó, người giảng giải các nghi thức cúng tế, khuyên chúng tôi nên giữ các nghi thức truyền thống, không phải là vật chất phù phiếm hóa thành mê tín, nhưng là tâm hồn, biểu hiện lòng sùng kính của người con hiếu thảo. Lời bình phẩm của Người làm chúng tôi rất phấn khởi vì đó là ý muốn thành thực nhất mà Giáo hội đã khuyên dạy chúng ta trong việc thờ cúng người quá cố.
Sau đó, quây quần để cùng nghe tiểu sử của tổ tiên do chính tay cha tôi viết, một câu làm chúng tôi tâm đắc: "phần gia tài tốt đẹp nhất mà người ta có thể để lại cho con cháu không phải tiền bạc, cũng chẳng phải là kiến thức, mà là đạo đức, điều duy nhất không thể bị hư mất."
Qua lời nói đó, chúng tôi hiểu được rằng cuộc sống Kitô hữu của chúng tôi vừa là ân sủng của lòng thương yêu của Thiên Chúa, vừa là nỗ lực đạo hạnh của tổ tiên gia đình chúng tôi. Nhưng ơn lớn nhất chiếu sáng ngày hôm đó là được cảm nghiệm tính nghịch lý của Kitô giáo.
Ngay buổi đầu ngày trở lại đạo Thiên Chúa giáo, chúng tôi đã nghe những lời này trong Phúc Âm: Ta không đến để đem lại hòa bình mà là gươm giáo, không phải để kết hợp mà ly tán. Việc từ bỏ thờ cúng tổ tiên của chúng tôi đối với gia đình thật là một đề tài não lòng; hồng ân chúng tôi nhận được hôm nay trước bàn thờ gia đình là nghe lời xác nhận của Thầy Chí Thánh: Thầy đến không phải để phá hủy mà để đưa mọi sự đến thiện toàn.
Vậy thì những gì trước kia gây mâu thuẫn và gián đoạn, hôm nay sau một đoạn đường khá dài với ân sủng và thái độ khoan hậu của mẹ Giáo hội, đã trở nên nhân tố hiệp thông và hoàn tất.
(Trích dẫn từ ‘Vấn đế thờ kính tổ tiên trong nền văn hóa đương đại ở Việt Nam’ của Phạm Thị Bích Hằng, phần phụ lục từ trang VII-XI)
________________________________________
[1] Ðức Piô XII : Huấn dụ tại Cơ mật viện, ngày 20.02.1946
[2] Ðức Piô XII : thông điệp Evangelii praecones, 02.06.1951 ; Ðức Gioan XXIII trích dẫn tư tưởng này trong thông điệp Princeps Pastorum, 28.11.1959
[3] Ðức Phaolô VI, thông điệp Ecclesiam suam, 06.08.1964
[4] Công Ðồng Vatican II, khóa III : Tuyên ngôn «Giáo Hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo», ngày 20.11.1964
[5] Giáo Luật khoản 1258 (Bộ giáo luật năm 1917)
1) Người tín hữu không được phép tham dụ cách chủ động bằng bất cứ cách nào, hoặc tham dự một phần trong các nghi thức của người không công giáo.
2) Có thể chước chuẩn cho người tín hữu hiện diện cách thụ động, hay chỉ có tính cách bề ngoài vì trách nhiệm dân sự hoặc vì danh tiếng, bởi có lý do quan trọng, trường hợp nghi ngờ đã được giám mục xác nhận. Trong các lễ an táng người không công giáo, các đám cưới và những cuộc lễ long trọng tương tự, miễn là không có nguy hiểm làm gương mù và sinh lợi.