CN 12 THƯỜNG NIÊN - Năm C
19.06.2016
"Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?"
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách tiên tri Da-ca-ri-a (12,10-11)
Đây lời Chúa phán : "Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng. Ngày ấy, tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giê-ru-sa-lem, như người ta than khóc thần Ha-đát Rim-môn ở cánh đồng Mơ-ghít-đô.
THÁNH VỊNH 62
R/ Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khát khao Chúa.
Ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
Con ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.
Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.
Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.
BÀI ĐỌC II
Trích thơ thánh Phaolô gửi tín hữu Ga-lát (3,26-29)
Thưa anh em, Thật vậy, nhờ đức tin tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Ðức Kitô, đều mặc lấy Ðức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Ðức Kitô, thì anh em là dòng dõi ông Ápraham, những người thừa kế theo lời hứa.
TIN MỪNG
Bài trích Phúc âm theo Thánh Luca (9,18-24).
Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : "Đám đông nói Thầy là ai ?" Các ông thưa : "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại". Người lại hỏi : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Phê-rô thưa : "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa". Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
Người bảo rằng : "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chổi dậy". Rồi Đức Giê-su nói với mọi người : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy".
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
PHÊRÔ TUYÊN TÍN và LOAN BÁO CUỘC THƯƠNG KHÓ.
Tác giả Luca không bắt đầu đoạn văn bằng một chỉ dẫn về địa dư, nhưng bằng việc Chúa Giêsu cầu nguyện một mình. Ðề tài Chúa Giêsu cầu nguyện một mình là một trong những đề tài nổi bật nhất của Phúc Âm Luca : Sau khi chịu phép rửa (3,21); sau khi đám đông nhiệt liệt hoan nghênh (5,16); trước khi chọn 12 tông đồ (6,12); trước khi Phêrô tuyên tín (9,18); khi biến hình trên núi (9,28-29); trước khi dạy cầu nguyện kinh Lạy Cha (11,1); trên cây Thánh Giá (23,34.36). Như vậy, Luca muốn lưu ý là tất cả biến cố quan trong trong cuộc đời Chúa Giêsu đều xảy ra trong bầu khí cầu nguyện.
Luca 9,23 : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo". Khi thêm chữ "hằng ngày", bản văn đã ám chỉ về sự hy sinh, tử đạo theo nghĩa khổ chế. Người Kitô hữu phải vác thập giá mình mỗi ngày; nghĩa là phải có tinh thần chết cho chính mình.
"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" cho tín hữu một qui luật sống. Ai muốn mang danh Kitô hữu, phải dành cho thánh giá và đau khổ một chỗ trong cuộc sống mình. Ðiều đó không có nghĩa xấu, nhưng dựa trên cơ sở noi gương Chúa Kitô. Cũng như Chúa Giêsu đã lãnh nhận đau khổ theo ý Thiên Chúa thì người Kitô hữu cũng sẽ vác thánh giá mình "hằng ngày" trong đời thường để có thể nên "môn đệ" của Ngài.
Ðám đông và các môn đệ thắc mắc về Chúa Giêsu. "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?" Ngày nay, Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta như thế. Chính Thiên Chúa đến gặp gỡ con người. Chính Chúa Giêsu hỏi và hướng dẫn các môn đệ tự trả lời và tuyên xứng đức tin vào Ngài.
Nhận ra Chúa Kitô khi Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều trườc mặt đám đông dân chúng, thì quá dễ. Nhưng điều khó khăn hơn cả là trước Thánh Giá khổ nạn mà vẫn cứ tiếp tục tuyên xưng : "Ngài là Ðức Kitô". Như chúng ta biết, Phêrô đã chối Thầy ba lần trước khi gà gáy (22,61-62). Phêrô đã không can đảm giữ lời tuyên tín của mình. Tuy nhiên, sau đó nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Linh, tông đồ Phêrô đã đền bù sự phản bội và bắt đầu tuyên xưng "Ngài là Ðức Kitô" trước mặt thế gian cho đến khi bị điệu ra pháp trường, bị đóng đinh trên thập giá ngược, vì không dám bằng Thầy.
Số tín hữu sẽ phải tuyên xứng "Ngài là Ðức Kitô" như tông đồ Phêrô cho đến chết trên thập giá rất hiếm; nhưng mọi tín hữu phải vác thập giá "hằng ngày" trong đời sống và phải luôn sằn sàng bước lên thánh già đó. Nghĩa là cụ thể chúng ta không thể là "môn đệ" của Ðấng đã bị treo trên thập giá nếu không chấp nhận như Thầy của chúng ta, trở thành người tôi tớ của anh em trong đời sống hằng ngày, như Thầy đã làm.
Khi tuyên tín với Chúa Giêsu : "Ngài là Ðức Kitô", Phêrô đồng thời cũng quả quyết ông không còn chờ đợi một Ðấng Messia : Thiên Sai nào khác hơn Chúa Giêsu. Ðức Kitô : Ðấng Messia nầy không muốn biến đổi trái đất trong chốc lát, không muốn chúng ta đóng vai trò khán giả ngạc nhiên và thụ động. Nhưng Ðức Kitô muốn đi vào trong mọi khổ đau của nhân loại, mang lấy bệnh tật, thống khổ, đau buồn của chúng ta. Và Ngài mời gọi chúng ta tích cực cộng tác, trở nên những đấng cứu thế khác như Ngài, bằng cách trao ban sự sống của chính mình cho anh em ngày qua ngày : Ðó là cách duy nhất chúng ta có thể biến đổi thế giới môi trường quanh chúng ta nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần : "Ðấng canh tân bộ mặt trái đất" (Tv. 104,30)
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm C",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt, 1975)