TÔN KÍNH TỔ TIÊN
Mai Ðức Vinh
TÔN KÍNH TỔ TIÊN
Tôn kính tổ tiên đã có lâu đời ở Việt Nam. Và đây là một điểm son của nền văn hóa tâm linh của dân tộc. Nó mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng và với thời gian đã trở thành tín ngưỡng cổ truyền của người Việt, người ta quen gọi tắt là Ðạo thờ Ông Bà. Vì thế trước khi là Nho sĩ, Phật tử hay Kitô hữu, người Việt Nam, ai cũng mang tâm thức sâu đậm về việc tôn kính tổ tiên. Việc tôn kính tổ tiên là một tín ngưỡng phổ biến không riêng gì ở Việt Nam mà còn ở nhiều dân tộc khác trên thế giới, nhất là tại các nước Á Châu, như Ấn Ðộ, Nhật Bản, Trung Hoa. Nhưng theo sự quan sát của nhiều nhà dân tộc học thì tại Việt Nam, việc tôn kính tổ tiên phổ biến hơn cả (1) . Nó đã có một giao thoa hỗ tương đối với các tôn giáo từ ngoài du nhập vào Việt Nam như Nho giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Vì thế trong bài viết này, chúng tôi muốn trình bày:
I. Những nét chính yếu về việc tôn kính tổ tiên theo truyền thống Việt Nam.
II. Tôn kính tổ tiên trong Thiên Chúa giáo.
III. Từ va chạm đến dung hòa.
IV. Tôn kính tổ tiên của người công giáo Việt Nam hiện nay tại Quê Nhà và ở hải ngoại.
V. Tôn kính tổ tiên với việc sống đạo và truyền giáo hôm nay.
I. NHỮNG NÉT CHÍNH YẾU CỦA VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN
THEO TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM.
1. Căn bản tín ngưỡng của người Việt Nam.
Trong cuốn Ðất Việt, Người Việt, Ðạo Việt, ông Phan Thiết viết : «Từ thượng cổ cho đến ngày nay, người Việt Nam có một đạo giáo riêng biệt. Ðạo ấy là đạo tự nhiên tin vào sức mạnh của thần quyền của các lực lượng tự nhiên như bất cứ một dân tộc nào. Ðối với người Việt thượng cổ thì sấm chớp cũng là thần (...). Trên các thần, có một thần lớn nhất đó là Thần Trời. Bởi đó, tín ngưỡng của người Việt Nam được xem là đạo thờ Trời và thờ cúng người đã khuất» (2)
Thờ trời là một tín ngưỡng đặc biệt lâu đời và phổ biến tại vùng Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hầu hết các trống đồng, thạp đồng đều khắc hình mặt trời trên mặt . Riêng tại Việt Nam, lễ tế Nam Giao Thăng Long và Huế là những bằng chứng lịch sử (3). Thờ Trời rõ ràng là một điểm nổi bật trong căn tính đạo giáo của người Việt Nam. Trời đây không hiểu theo nghĩa vật chất, được diễn tả như một hiện tượng, một dấu chỉ, một yếu tố về thời tiết, về mùa màng, nhưng như :
● Ðấng Tối Cao, Ðấng Toàn Năng : Mọi sự tại Trời, Trời cho mới được, Trời sinh Trời dưỡng, Trời kêu ai nấy dạ...
● Ðấng Sáng Tạo, Ðấng Quan Phòng : Mọi sự bởi Trời, Trời sinh voi Trời sinh cỏ, Trời sinh ra ta làm người, Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên ...
● Ðấng Chí Công, Ðấng Chính Trực : Tránh sao cho khỏi mắt Trời, Trời có mắt, Tránh nắng không khỏi mặt trời, Giàu sang ở Trời, Ðói no ở Trời...
● Ðấng Nhân Ái, Từ Bi, Nhân Hậu: Trời đánh còn tránh bữa ăn, Trời sinh chẳng phụ ai, Khi nên Trời giúp công cho...
● Ðấng nghe lời người ta cầu khẩn, minh oan : Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy... Trời ơi hãm kẻ anh hùng làm chi ? Trời ơi, sinh giăïc làm gì ? Trời sao Trời chẳng có công ! Lạy Trời cho cản gió lên... (4)
Lời nhận định của Ðức Quốc Trưởng Bảo Ðại sau đây khẳng định thêm «đạo thờ Trời » của người Việt Nam : «Ðối với dân chúng Việt Nam cũng như đối với vua, Trời là bậc chí tôn, độc nhất và vô nhị, không hình hài. Người ta khấn vái, nguyện cầu, vì tất cả đều nằm trong tay Ngài. Ngài là Ðấng Tạo Hóa bất diệt và thuần nhất » (5)
Song song với việc thờ Trời là việc thờ người đã khuất. Ðối với người Việt Nam, thờ Trời gắn liền với việc thờ người đã khuất. Ai cũng hiểu «trời sinh người, chứ không phải người sinh trời, trời có trước người chứ không phải người có trước trời. Do đó, đối với người Việt Nam, thờ người đã khuất là thờ «người đã quy thiên», đã trở về cội gốc của con người.
Trong mỗi con người có phần vật chất và phần tinh thần, nói khác có thể xác và linh hồn (6). Chết là linh hồn lìa khỏi xác. Người Việt Nam tin rằng chết là linh hồn về nơi chín suối, và vẫn thường xuyên đi về thăm nom hộ phù con cháu. Do đó thờ người chết hay người quá cố là cơ sở của việc tôn kính ông bà. Cũng do đó, nếu người Tây phương trọng ngày sinh nhật thì người Việt Nam lại trọng ngày chết : ngày thi hành việc cúng giỗ tổ tiên, vì đây là ngày người chết đi vào chín suối, vào cõi vĩnh hằng.
Vậy điều dễ hiểu, thờ người đã khuất là cơ sở của việc tôn kính Tổ Tiên hay đạo Ông Bà. Nói khác, thờ cúng Tổ Tiên là chóp đỉnh cao đẹp nhất của việc thờ cúng người đã khuất (7). Vì thế việc thờ cúng Tổ Tiên vốn là một đạo cổ truyền, đạo lâu đời của người Việt Nam. Trong dòng lịch sử của dân tộc, việc thờ cúng Tổ Tiên hay đạo thờ Ông Bà của người Việt Nam càng ngày càng được củng cố thăng hoa nhờ những công trình giao thoa văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên, trước khi đề cập đến những giao thoa tốt đẹp ấy, chúng ta muốn nêu bật những yếu tố sâu đậm hình thành Ðạo thờ cúng Tổ Tiên (8) của người Việt Nam.
2. Những yếu tố hình thành Ðạo Thờ kính Tổ Tiên.
Trời là gốc : Ðối với người Việt Nam, những ý niệm về Trời tự nhiên gắn liền với quan niệm Trời siêu nhiên. Vì thế, từ quan niệm coi Trời là nguồn gốc của mọi hiện tượng tự nhiên, người Việt Nam coi Trời là nguồn gốc mọi thiện hảo. Người ta thường nói : «Có Trời rồi mới có ta, Cha Mẹ sinh con trời sinh tính, Mọi sự tại Trời, Nhờ Trời nọ nhờ ai, Trời cho hơn lo làm, Trời sinh trời dưỡng, Mọi sự nhờ Trời». Nhờ Trời mình mới có cha mẹ, mình mới có sự sống, mình mới được làm người, mới nên thân người... Nếu tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình, thì Trời sinh ra tất cả, do đó người Việt Nam nhớ ơn Trời trước tiên. Nhớ ơn Trời trước là đạêt Trời trên hết. Càng nhớ ơn Trời càng nhớ ơn cha mẹ. Nói khác những ý niệm về Trời là nguyên ủy về lòng biết ơn Trời, là yếu tố sâu đậm nhất dẫn đến việc tôn kính tổ tiên.
Tình huyết tộc, công ơn cha mẹ : Bất cứ ai sinh ra trên đời đều có cha có mẹ, có ông có bà, có dòng họ, có huyết tộc, có gốc rễ... có tổ tiên. Bởi lẽ «con người có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn, Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Người ta có gốc từ đâu ? Có cha có mẹ, rồi sau có mình». Vì lẽ đó người Việt Nam xác tín «công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con, uống nước phải nhớ đến nguồn, Tu đâu cho bằng tu tại gia, thờ cha kính mẹ mới là chân tu».
Tin linh hồn con người bất tử và tin đời sống vĩnh cửu : Như vừa nói ở trên, người Việt Nam từ xa xưa tin tưởng rằng, con người không chỉ có thân xác mà còn có linh hồn. Xác chết nhưng hồn vẫn sống vẫn tồn tại, vẫn gần gũi với gia đình. Quả thật «Thác là thể phách, còn là tinh anh» (Kiều) ; «Chết không phải là hết». Khi nói «sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, âm sao dương vậy», người Việt Nam xác tín rằng : sau khi chết còn có một cuộc sống nơi chín suối, không khác gì ở dương gian, cũng cần ăn, cần uống, cần mặc, cần tiêu xài và thậm chí cần tích trữ phòng xa khi bất trắc. Do đó việc cúng giỗ tổ tiên là cần thiết. Hơn thế, «sinh ký tử quy », chín suối mới là nơi an nghỉ thực sự (9).
Khung cảnh xóm làng và phần mộ: Ðối với người Việt Nam, làng xóm hay sinh quán có một ý nghĩa gắn liền với việc tôn kính tổ tiên : Làng là nơi «chôn rau cắt rốn», là nơi «mồ mả của tổ tiên». Làng là nơi «hương hỏa mả dài». Vì thế người trong làng gắn bó với nhau đến độ «bán anh em xa mua láng giềng gần, phép vua thua lệ làng, lấy người khó trong làng còn hơn lấy người sang thiên hạ». Chính trong «lũy tre xanh» mà tình huyết thống được củng cố thêm, mà việc tôn kính tổ tiên được bảo đảm hơn. Người Việt Nam cũng thường nói «sống về mồ về mả, ai sống về cả bát cơm». Ðiều đó có nghĩa là mồ mả rất quan trọng, là nơi an nghỉ cuối cùng của người quá cố. Vì thế người ta thường nói «giữ như giữ mả tổ». Câu chửi «mồ cha mả mẹ mày» bao giờ cũng bị coi là lời chửi bới nặng nề. Chúng ta dễ hiểu việc viếng mộ, xây mộ, chăm lo phần mộ đặc biệt trong lễ Tảo Mộ và lễ Thanh Minh (10) là điều quan trọng là cách báo hiếu cụ thể làm mát lòng cả nguời đã khuất lẫn người còn sống. Chúng ta cũng hiểu được tại sao các vua chúa chăm lo xây mồ, xây miếu cho mình trước. Mồ mả thường gắn liền với thôn làng, nơi chôn rau cắt rốn. Có thể nói : mồ mả và thôn làng chính là bản địa, là cơ sở vật chất cho việc hình thành và phát triển vững chắc đạo tôn kính ông bà.
Quan niệm về hôn nhân : Một trong những mục đích chính yếu của việc lập gia đình, việc «dựng vợ gả chồng» là để có con trai nối dõi tông đường, để lo việc cúng bái tổ tiên. Vì thế vợ chồng không có con là «phạm một lỗi lớn », và trong các con, phải có ít ra một đứa con trai, «nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô». Khi không có con hay không có con trai, người chồng có quyền đi lấy thêm vợ lẽ để có con, và người vợ «biết điều» phải lo «cưới vợ lẽ» cho chồng (11). Hơn thế trong ngày cưới hỏi, lễ Gia tiên có một ý nghĩa đặc biệt đối với đạo tôn kính ông bà.
3. Tính cách hòa đồng của việc tôn kính tổ tiên.
Việc tôn kính tổ tiên sắc động lại bao nhiêu tâm tình tự nhiên và thiêng liêng của người Việt Nam. Có thể nói những tâm tình ấy gắn liền với con người, với tâm thức với cuộc sống của người Việt Nam. Cũng do những tâm tình tự nhiên và thiêng liêng ấy, không người Việt Nam nào lại không tôn kính tổ tiên, không coi tổ tiên là phần chủ đạo của gia đình. Gia đình Việt Nam không chỉ là gia đình nhỏ, riêng rẽ, nhưng là gia đình liên kết, là đại gia đình với «bốn đời trên và bốn đời dưới». Gia đình còn được hiểu theo nghĩa rộng lớn là «gia tộc» hay «họ» bao gồm tất cả những người xuất phát từ một tổ tiên chung. Tổ tiên, tuy đã mất, nhưng vẫn đứng đầu dòng họ, vẫn được con cháu tôn kính. Ðây chính là phổ quát tính của việc thờ cúng tổ tiên. Và do tính phổ quát này, như ông Toan Ánh nói ở trên, người Việt Nam một trật vừa tôn kính tổ tiên vừa theo một tôn giáo khác, dù là Nho giáo, Phật giáo hay Kitô giáo. Thực ra, trước khi chọn một tôn giáo khác từ nước ngoài du nhập vào, người Việt Nam đã là người «đầy lòng tôn kính tổ tiên», việc thờ kính tổ tiên đã đi vào máu huyết, vào tâm thức của họ. Vì thế không một tôn giáo nào có thể tồn tại và phát triển trên giải đất Việt Nam đã mấy ngàn năm văn hiến mà dám loại bỏ việc tôn kính tổ tiên vốn được coi là bản sắc văn hóa của dân tộc. Dưới đây chúng ta sẽ đề cập đến việc tôn kính tổ tiên trong ba tôn giáo : Nho giáo, Phật giáo, và Thiên Chúa giáo.
4. Việc tôn kính tổ tiên hòa nhập vào Nho giáo.
Nho giáo là đạo xây dựng trên khả năng con người chứ không phải là đạo mạc khải. Nho giáo cố đi tìm một chân lý độc nhất làm căn nguyên cho sự hiện hữu của vũ trụ, của con người. Chân lý tuyệt đối đó chính là Ðạo hay là Trời. Dĩ nhiên việc suy tư hay diễn tả chân lý ấy, vì thuộc Hình Nhi Thượng, luôn rất khó. Nho giáo dựa trên nguyên lý nhân quả, nguyên lý tất yếu và nguyên lý cứu cánh để chứng minh Thượng Ðế, để trình bày Thiên đạo và Nhân đạo. Mà vì luôn có sự liên đới giữa Thiên đạo và Nhân đạo, nên Nho giáo khẳng định : biết được Nhân đạo là biết được Thiên đạo, biết được Thiên đạo hay đạo Trời là biết có Trời vậy (12). Ông Trần Trọng Kim viết : «Nho giáo chỉ dạy : Trời sinh ra người có phú tính cho, tức là phú cho một phần thiên lý. Phần thiên lý ấy là cái tâm, là cái tinh thần của người ta. Nhờ cái tinh thần ấy, người ta mới biết cái cội gốc của con người là do Trời, và người với Trời có thể tương cảm tương ứng với nhau (...). Sự sống chết chỉ là việc biến hóa tự nhiên của trời đất. Chết là hư hỏng cái hình hài mà thôi, còn cái tinh thần vẫn không mất, vẫn giữ được cái tính cách riêng của mình mà lưu hành. Những người đã tu hành đến bậc nhân, bậc thánh, thì sau khi chết rồi lên ở trên Trời, như trong kinh Thi có nói «Tam hậu tại thiên» hay là «Văn vương trắc giáng tại đế tả hữu». Chính là cái nghĩa cho tinh thần người ta không bao giờ mất vậy» (13)
Trên đây là quan điểm của Nho giáo về Trời, về Thượng Ðế, cội gốc của con người. Từ đó, Nho giáo rất để ý đến đạo Nhân, trong đó có tình nghĩa gia đình, có việc tôn kính tổ tiên. Quả vậy, bỏ qua những điểm hẹp hòi, vị kỷ, bất công như ‘trọng nam khinh nữ » (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), như coi việc cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha là điều đúng đắn, ngay thẳng (Phụ vi tử ẩn, tử vi phụ ẩn, trực tại trung hỹ, Luận Ngữ, Tử Lộ 8), thì đối với Nho giáo, hiếu đễ là tâm điểm của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín (Mạnh Tử, Ly lâu thượng, 27). Vì thế một nho sĩ Việt Nam chân chính là «người uống nước nhớ nguồn, người xây dựng lại nhà thờ tổ tiên, sửa sang mồ mả tổ tiên, đi tìm mồ mả bị thất lạc, lập lại gia phả, chăm lo việc thờ cúng, giỗ tết» (14). Cho nên người con có hiếu là «khi cha mẹ còn sống, mình phải noi theo lễ mà phụng dưỡng, khi cha mẹ qua đời, mình phải noi theo lễ mà tống táng, rồi đến những kỳ tế tự, mình cũng phải noi theo lễ mà thờ cúng. Như vậy mới đáng là con có hiếu» (Sinh, sự chi dĩ lễ ; tử, táng chi dĩ lễ ; tế chi dĩ lễ ; khả vị hiếu hỹ) (15).
Ðức Khổng đã từng nói : «Vị năng tri sinh, yên năng tri tử», sống còn chưa biết, nói gì chuyện chết. Nhưng điều đó chỉ có nghĩa Nho giáo không muốn lý giải nhiều về vấn đề mình không nắm chắc, không biết rõ, chứ không có nghĩa là Nho giáo không tin vào sự tồn tại của linh hồn con người sau khi chết. Hơn thế, theo Phạm Thị Bích Hằng : «Nho giáo hòa nhập vào quan niệm của bản địa (của Việt Nam) về sự tồn tại của hồn ông bà đến nỗi khó mà phân biệt được quan niệm nào là của bản địa, quan niệm nào là của Nho giáo. Nho giáo đã nâng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lên một trình độ cao hơn, phức tạp, bài bản với một hệ thống qui phạm chặt chẽ hơn. Nho giáo cũng tin ông bà vẫn còn hưởng dùng những của cúng, nên đã đặt ra những nghi lễ cúng giỗ và qui định cả về thời gian thực hiện lễ cúng. Những nghi lễ đó được người Việt xử dụng và trở thành tập tục cúng giỗ của mọi gia đình Việt Nam không theo một tôn giáo nhất định nào, chứ không chỉ có những nhà Nho mới thực hiện và dĩ nhiên việc cúng giỗ ấy có khác với việc cúng giỗ của những thành viên của một tôn giáo nào khác.
Nho giáo không bàn đến việc ông bà tổ tiên sẽ trở thành gì sau khi chết, nhưng qua các nghi lễ cúng giỗ họ vẫn thể hiện một niềm tin là ông bà tổ tiên thuộc về thế giới thần tiên và cũng là thần thánh có quyền độ trì cho con cháu. Quan niệm này khác với Phật giáo nguyên thủy cho rằng giữa ông bà và tổ tiên đã chết và con cháu đang sống không có sự liên đới, không còn có sự tương quan với nhau, người đã xuất gia tu hành chỉ thờ cúng Phật, không thờ cúng tổ tiên mình» (16).
5. Việc tôn kính tổ tiên hòa nhập vào Phật giáo
Phật giáo vào Việt Nam, nơi đang diễn ra quá trình Hán hóa cưỡng ép, thì Phật giáo mau hội nhập và thích nghi với tâm tình hiếu thảo và việc tôn kính tổ tiên của dân chúng Việt Nam. Truyền thuyết Ðức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát là một bằng chứng. Câu chuyện kể về công chúa Diệu Thiện được gọi là bà Chúa Ba, con vua Trang Vương nước Sở đã trốn cha sang tu trong một cái am ở Ngàn Hống (được xây thành chùa Hương Tích Nghệ Tĩnh ngày nay). Dù bị cha cấm đoán, Diệu Thiện không những không trách cha mà khi nghe cha ốm, nàng đã cắt thịt mình và moi một mắt trái gửi về luyện thuốc chữa bệnh cho cha. Sự hiếu thảo động đến lòng Phật Tổ, nên Diệu Thiện được phong là Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát ( 17).
Trong Phật giáo, hai lễ quan trọng dành cho người quá cố đó là lễ Cầu Siêu (18) và lễ Vu Lan hay Vu-lan-bồn (19). Lễ Vu Lan hàng năm tại Việt Nam được tổ chức hết sức long trọng, long trọng hơn cả ngày mừng Phật Ðản. Cho nên đối với người Việt, việc tôn kính tổ tiên có tầm mức quan trọng rất lớn, luôn tìm mọi cách để thể hiện lòng mộ mến tổ tiên của mình.
Hơn thế, trong Phật giáo người ta gọi hồn con người bằng từ «tâm thức», khi tổ tiên cha mẹ qua đời, tâm thức rời xác thể, xuống địa ngục chờ một thời gian là 49 ngày. Thời gian này được gọi là định kiếp, sau 49 ngày này, người chết sẽ hóa sang một kiếp khác. Những người theo quan niệm nầy tin rằng, trong 49 ngày đó, con cháu cần phải ra sức cầu cúng, mời các Sư tụng kinh cầu siêu, làm việc thiện, để những lỗi lầm của ông bà cha mẹ được giảm bớt, đến ngày hóa kiếp (sau 49 ngày) sẽ được vào kiếp tốt hơn. Còn một khi đã hóa kiếp rồi thì con cháu có làm gì đi nữa, cha mẹ, tổ tiên cũng chẳng được hưởng nhờ nữa, những ngày giỗ mỗi năm chỉ là dịp tưởng nhớ cha mẹ mà thôi (20).
Thực ra «thời gian định kiếp» là một yếu tố hội nhập của Phật giáo từ văn hóa Việt Nam. Vì Phật giáo nguyên thủy chỉ có quan niệm về hóa kiếp, nhưng họ buộc phải đưa vào thời gian định kiếp, để con cháu có thể làm một việc gì đó báo hiếu cho cha mẹ mình, như thế người Việt Nam Phật giáo vẫn thực hiện được chữ hiếu. Dù quan niệm thế nào thì theo Phật giáo nguyên thủy chết là không còn gì nữa, không còn tương quan gì với trần thế nữa, vì khi đã nhập Niết Bàn thì cũng là lúc cắt đứt với trần gian, hay khi còn nặng nghiệp chướng thì lại hóa sang kiếp khác không còn tồn tại sau khi chết, vì thế cũng chẳng còn vương vấn với con cháu. Ðây là điểm khác biệt với tín ngưỡng thờ kính tổ tiên của dân tộc Việt Nam, và như thế, Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam, nếu không có sự thích ứng hay hội nhập sẽ khó được dân Việt Nam chấp nhận. Cho nên, sự thích ứng của Phật giáo ở chỗ chấp nhận tâm thức của con người còn tồn tại trong 49 ngày và con cháu có thể báo hiếu trong thời gian này cũng như trong ngày lễ Vu Lan (21)
Sau này Phật giáo Hòa Hảo cũng thích ứng thêm bằng cách đưa ra thuyết Tứ Ân bao gồm : ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), và ân đồng bào, nhân loại (22). Tứ ân được nhiều chùa của Phật giáo Việt Nam hội nhập vào trong giáo lý của mình và xếp theo một thứ tự khác : Ân Sư trưởng, ân Cha Mẹ, ân Ðànna tính khí, ân quốc gia. Trong tứ ân thì ân cha mẹ được đặt sau ân sư trưởng, vì sư trưởng sinh ra ân tu hành là cơ hội cho con người có điều kiện tu luyện để mau thoát kiếp, còn cha mẹ chỉ cho con cái tấm thân trần tục mà thôi (23).
Phủ nhận thuyết linh hồn vĩnh hằng, thuyết con người hữu ngã, Phật giáo cũng chối triệt để mọi quan niệm về Thượng Ðế, về ông Trời Sáng tạo con người và muôn vật. Như trong lời kinh Devadaha : «Do sáng tạo của Thượng Ðế mà con người trở thành sát nhân, đạo tặc, dâm đãng, gian dối, phỉ báng, thô lỗ, nhảm nhí, nhục dục, hiểm độc, quỷ quái và ngộ nhận. Do vậy, nếu chủ trương có một Thần linh Tối cao là nguồn gốc của những điều ấy, thì sẽ mất tự do để làm điều lành tránh điều dữ » (24). Nói lên quan điểm này để nhấn mạnh rằng : Niềm tin vào Trời, vào Thượng đế là cơ sở của lòng tôn kính tổ tiên nơi người Việt Nam.
6. Thể hiện việc tôn kính Tổ Tiên
Nhiều sách, đặc biệt cuốn Mai Thọ Gia Lễ, viết tỉ mỉ về những việc phải làm, những nghi lễ phải tuân theo, và những phong tục đã có lâu đời trong cách bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên theo truyền thống văn hóa Việt Nam (25). Ở đây chúng ta chỉ nêu lên những việc chính yếu.
1) Tang ma :
● Khi cha mẹ gần mất phải hỏi xem các ngài có trối trăng gì chăng, rồi thay quần áo tươm tất. Khi vừa mất thì lấy chiếc đũa để ngang hàm, bỏ vào miệng ba vốc gạo và ba đồng tiền, nếu nhà giầu bỏ ba miếng vàng, chín hạt trai. Sau đó, người con cầm áo cũ của cha mẹ, trèo lên mái nhà hú vía ba tiếng, có ý còn mong cho cha mẹ sống lại.
● Khâm liệm hay nhập quan, thường cha mẹ đã sắm sẵn cỗ hậu hay quan tài. Khi liệm, người ta thường dùng vải trắng, nếu nhà giầu có, dùng tơ lụa. Nhiều gia đình xin thày phù thủy để vào hòm đủ thứ, như tấm ván đục sao Bắc Ðẩu thất tinh, dán bùa, cỗ bài, lịch Tàu, lá gồi... Khi mới nhập quan, con cháu còn được cưới hỏi, gọi là chạy tang.
● Thành phục, ba hôm sau, đặt bàn thờ bày linh sàng linh tọa và đặt hồn bạch. Con cháu mặc tang phục, xõa tóc, xếp hàng khóc lóc. Khi cha mẹ chết, con cái phải mặc tang phục ba năm.
● Chiêu linh diện là cúng trầu cau, cơm nước cho cha mẹ sáng và chiều mỗi ngày, trước linh tọa, coi như các ngài còn sống.
● Chuyển cữu là, trước khi chôn an táng, xoay quan tài đi một vòng có ý nói để người quá cố chào từ biệt tổ tiên. Nếu gia đình giầu, có nhà thờ tổ thì khiêng quan tài đến đó.
● Phát dẫn, là ngày đi chôn cất, con cháu phải có mặt và đi đưa hết. Con trai chống gậy tre khi an táng cha, chống gậy vông khi an táng mẹ. Con gái và con dâu phải khóc lóc nằm lăn xuống đường. Người thân thích đi gần linh cữu gọi là hộ tang, còn những người khác gọi là tống tang.
● Nghi trượng đi đường : trật tự đám rước linh cữu trước hết có hai thần phương tướng dẫn đường, rồi bức hoành hay minh tinh bằng vải trắng viết chức tước, húy hiệu của người quá cố. Tiếp đến là hương án, trên bày hoa, hương, nến, trái cây. Kế tiếp là linh xa rước hồn bạch, có ban kèn trống, bát âm đi hai bên. Sau cùng là linh cữu, trên đó quan tài được che phủ bằng nhà táng giấy. Trên đường đi, có người rải vàng, mã bằng giấy.
● Nhà trạm, là nhà lợp bằng lá hay bằng cót để linh cữu mà cúng tế trước khi hạ huyệt.
● Hạ huyệt, lúc đó có cúng tế thổ thần, có thầy địa lý gióng hướng. Hạ huyệt rồi, thày sư cầm hương đi quanh huyệt mà niệm kinh, và mỗi người có mặt bốc nắm đất ném xuống, gọi là dong nhan.
● Khóc lạy : Trong tang ma, con cái lúc nào cũng phải khóc, nhưng lúc linh cữu còn tại nhà, thì con cháu và khách phúng điếu chỉ lạy hai lạy, còn sau khi hạ huyệt thì lạy bốn lạy, ngụ ý từ giờ bắt đầu đạo thờ người quá cố.
2) Cúng giỗ :
● Ngu tế: an táng rồi trở về nhà phải cúng tế trong ba ngày, ngày đầu là sơ ngu, ngày thứ hai là tái ngu, ngày thứ ba là tam ngu. Ngu là yên, ngụ ý cầu cho hồn phách của người quá cố được yên ổn như thân xác đã chôn trong lòng đất.
● Viếng mộ và đắp mộ : ba ngày sau an táng, mỗi buổi chiều con cháu ra viếng mộ và than khóc. Ngày thứ ba sửa mồ lại cho đẹp, hoặc làm nhà mồ.
● Chung thất : bốn mươi chín ngày tiếp sau ngày an táng là tuần chung thất. Thường phải cúng tế ngày hai buổi hay nhờ thày đọc kinh sám hối cầu cho vong hồn được siêu thăng tịnh độ.
● Tốt khốc là lễ một trăm ngày : kể từ ngày đó con cháu thôi khóc, và thôi cúng mỗi ngày hai buổi.
● Cúng giỗ : Khi cha mẹ qua đời được một năm, phải cúng giỗ gọi là tiểu tường, giỗ năm thứ hai là đại tường. Lễ giỗ này thường tổ chức trọng thể, vì cũng là ngày xả tang tức con cháu hết mang tang phục.
● Kỵ nhật : Sau ba năm, người con thảo hiếu vẫn nhớ đến cha mẹ mà cúng giỗ vào các ngày cha mẹ qua đời, đó là kỵ nhật, hoặc vào các ngày lễ Vu lan, lễ Thanh Minh, Tết Nguyên Ðán, hoặc các ngày Hiếu Hỉ của gia đình.
● Bàn thờ : Trong mỗi gia đình Việt Nam, dù theo Nho giáo hay Phật giáo, tin ở sự bất diệt của linh hồn, lấy việc tôn kính tổ tiên làm điều hiếu, thì trong nhà đều có bàn thờ Gia Tiên kê ngay ở chính giữa nhà, gọi là bàn thờ gia tiên. Trên bàn thờ có bài vị hay di ảnh, có bộ chén để dâng rượu hoặc nước, có chân nến, bình hoa, đĩa đựng hoa trái, và bình cắm hương. Còn mỗi họ lại có từ đường : Nguyễn tộc từ đường, Lê tộc từ đường..
● Lễ vật : Ngày giỗ cụ kỵ, ông bà, cha mẹ, gọi là kỵ nhật. Chiều hôm trước là cúng tiên thường, hôm sau mới là ngày chính kỵ. Nếu là giỗ cụ kỵ, giỗ ông bà thì sắm sửa con gà, mâm xôi hoặc một vài mâm cỗ, trước cúng gia tiên, sau con cháu ngồi lại ăn uống với nhau, còn giỗ cha mẹ, thường làm thịnh soạn hơn. Nhưng giầu nghèo hay thịnh soạn đơn thường, luôn phải có bát cơm úp vào một quả trứng luộc làm đầu. Bà con, khách khứa đến dự thường đem theo chè, trầu cau, rượu, vàng hương đến cúng giỗ.
Tóm lại, việc tôn kính tổ tiên là một điểm son đậm của nền văn hóa gia đình, tâm linh và xã hội của dân tộc Việt Nam. Cách thể hiện thật phong phú, dám nói là phức tạp và nhiều khi tốn kém và có nhiều lạm dụng và mê tín. Cần gọt bỏ những rườm rà, tốn kém quá đáng và mê tín ấy đi, để duy trì và nâng cao những điểm cốt lõi, chủ yếu của việc tôn kính tổ tiên : Ðó là chữ hiếu, lòng thành, là tình nghĩa gia đình, là niềm tin linh hồn bất tử, tin vào Thượng Ðế, nguồn gốc của mọi tình phụ tử.
II. VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN
TRONG THIÊN CHÚA GIÁO
Khi Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam, một trong những hiểu lầm lớn của Nho sĩ, nhiều Phật tử, nhiều quan lại và vua chúa là cho rằng những người theo đạo Thiên Chúa «bỏ cha bỏ mẹ». Ðại diện cho những người này, nhà nho Nguyễn Ðình Chiểu đã có lời mỉa mai người Thiên Chúa giáo : «Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ». Sự hiểu lầm đáng tiếc này ngày nay đã được xóa bỏ đi nhiều. Tuy nhiên để quý độc giả nắm bắt được rằng : đạo Thiên Chúa không chỉ đề cao coi trọng mà còn truyền dạy các tín đồ phải trọn tình đối với tổ tiên ; và vì thế, người Thiên Chúa giáo có bổn phận phải thảo kính cha mẹ và tôn kính tổ tiên, chúng tôi sẽ trình bày những điểm sau đây :
1. Cơ sở việc thờ kính tổ tiên của người Thiên Chúa giáo.
● Thiên Chúa là tình yêu : Người Thiên Chúa giáo đặt niềm tin vào Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,8) . Ngài sáng tạo muôn vật và loài người (St 1,1-31), Ngài là nguồn mạch mọi tình phụ tử trên trần gian (Ep 3,15). Ngài là Ðấng truyền cho loài người phải thảo kính cha mẹ (Ðnl 5,16). Càng tin vào Thiên Chúa Tình Yêu, Ðấng dựng nên cha mẹ và nên mình, người ta càng cảm thấy một cách tự nhiên phải hiếu thảo với cha mẹ, với tổ tiên. Do đó chúng ta khẳng định rằng : Ðối với người Thiên Chúa giáo, tin vào Thiên Chúa Tình Yêu là cơ sở đầu tiên của việc thờ kính tổ tiên. Tôi nghĩ, đây là điểm gặp nhau giữa người Thiên Chúa giáo với những người Việt Nam tin có Trời, có Ðấng Tạo Hóa, tin Ngài Nhân Ái, Vĩnh Hằng ; và đây là chiều cao của việc tôn kính tổ tiên.
● Thiên Chúa dựng nên con người có linh hồn và thân xác; sau khi chết thân xác hư nát nhưng linh hồn vẫn tồn tại. Ðây là một điểm rất rõ rệt trong Thánh Kinh và Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo: «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, Ngài sáng tạo con người giống hình ảnh mình (St 1,27, GLGHCG 355) (26), do đó, «con người là một nhất thể hồn và xác (GS 14,1). Giáo lý đức tin khẳng định rằng linh hồn có tính thiêng liêng và bất tử, đã được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo (GLGHCG 382). Vì do Chúa dựng nên, xác mang tính cao quý có vai trò kết hợp với linh hồn tạo nên con người sống trên trần gian. Sau khi chết, linh hồn tạm lìa xa thân xác. Nhưng linh hồn sẽ tái hợp nhất với thân xác của mình vào ngày sống lại của các người chết (GLGHCG 1005). Trong kinh Tin Kính (Credo), người tín hữu tuyên xưng : «Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau». Khi linh hồn lìa khỏi xác, thì tùy theo công việc người ấy đã làm khi còn ở trần gian, mà linh hồn sẽ về nơi dành riêng cho họ : nhũng ai trong sạch và nhiều công phúc sẽ vào thiên đàng, vào sổ các Thánh (xem GLGHCG 1023-1029), còn những ai chưa trong sạch, còn vướng tội, sẽ vào Luyện Tội để được thanh luyện, và mang danh là các Ðẳng Linh Hồn (xem GLGHCG 1030-1031). Người Thiên Chúa Giáo xác tín rằng đây là điểm khác biệt sâu đậm giữa Thiên Chúa giáo với những tôn giáo tin nhận thuyết luân hồi hay chủ trương con người «vô ngã», không có linh hồn bất tử.
● Sự hiệp thông giữa người quá cố và người còn sống : Người Thiên Chúa giáo tin rằng : các Thánh trên thiên đàng, những người đang sống tại thế và các Linh hồn dưới luyện ngục có mối tương quan chặt chẽ với nhau, gọi là «sự hiệp thông» giữa Giáo Hội trên trời, Giáo Hội nơi luyện tội và Giáo Hội tại thế (GH 49). Và sự hiệp thông này là nền tảng của việc con cháu cầu nguyện cho các đẳng linh hồn tổ tiên hay việc con cháu khấn vái các ngài cầu nguyện cho mình (xem GH 50). Nói khác sự hiệp thông đức tin và tình yêu này thuộc về cơ sở của việc tôn kính tổ tiên theo giáo lý của Thiên Chúa Giáo.
● Giới răn tình yêu : Thiên Chúa là tình yêu, Ngài phú bẩm tình yêu cho loài người, Ngài dạy loài người sống luật tình yêu. Phúc Âm kể : Một văn sĩ đã hỏi Chúa Giêsu : «Thưa Thầy trong các giới răn của Thiên Chúa, giới răn nào trọng nhất». Chúa Giêsu trả lời : «Hỡi bạn, hãy nghe, điều răn trọng nhất là : Thiên Chúa là Chúa chúng ta, Chúa duy nhất, bạn hãy kính mến Ngài hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức bạn ; Còn điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất, là bạn hãy thương người khác như chính mình bạn. Chẳng còn điều răn nào trọng hơn hai điều răn ấy» (Mt 22,34-40 ; Mc 12,28-31 ; Lc 10, 25-28). Người khác ưu tiên đây là ai ? – Thưa chính là cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
● Yêu thương cha mẹ... tổ tiên : Chính Thiên Chúa đã truyền cho ông Maisen công bố cho dân Chúa 10 giới răn và yêu cầu họ phải cẩn thủ. Trong đó điều răn thứ bốn là : « ... các ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Thiên Chúa là Chúa các ngươi đã truyền dạy các ngươi» (Dnl 5,16 ; Xh 20,12, Mc 7,10). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo quảng diễn đầy đủ giới răn thứ bốn (xem số 2197-2257). Ngay khi còn nhỏ, người Công giáo đã được học và cắt nghĩa cuốn «Bổn dạy những lẽ cần» trong đó có « Ðiều răn thứ Bốn » tương quan đến việc tôn kính tổ tiên như sau : Ðiều răn thứ bốn dạy con cái phải làm bốn việc này : một là kính, hai là mến, ba là vâng lời, bốn là giúp đỡ cha mẹ. Riêng bổn phận giúp đỡ cha mẹ bao gồm việc chính yếu : lo liệu cho cha mẹ phần hồn phần xác khi người còn sống và khi người đã qua đời. (...). Nói khác là phải giúp đỡ cha mẹ trong bốn phạm vi này : Một là bao lâu cha mẹ còn sống, con cái phải nuôi dưỡng, không được để cha mẹ đói rách về phần xác, khi cha mẹ đau yếu phải lo tìm thuốc thang cho người; hai là về phần linh hồn phải cầu nguyện cho cha mẹ, và khi cha mẹ đau nặng, phải liệu cho cha mẹ được chịu các bí tích trong đạo (xưng tội, xức dầu, rước lễ), lại phải siêng năng thăm viếng an ủi, nhất là khi cha mẹ hấp hối ; ba là khi cha mẹ đã qua đời, phải lo an táng cha mẹ theo nghi thức của Giáo Hội; bốn là tiếp tục cầu nguyện, dâng thánh lễ và làm các việc thiện cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ mau về Thiên Ðàng ; đồng thời phải thi hành những điều cha mẹ trối lại (27 ).
2. Thể hiện lòng thờ kính tổ tiên.
1) Những việc phải làm khi cha mẹ sắp qua đời : Như trên chúng ta vừa thấy, khi cha mẹ đau nặng sắp qua đời, người công giáo phải lo cho cha mẹ được lãnh nhận các bí tích trong đạo : Tức là mời linh mục đến cho cha mẹ được lãnh nhận các Bí tích Giải Tội, Xức Dầu và Thánh Thể. Giáo Lý Công Giáo dạy : Bệnh tật và đau khổ vẫn là những vấn đề nghiêm trọng nhất, mang thử thách đến cho cuộc sống con người. Khi bệnh tật, con người có kinh nghiệm về sự bất lực, những giới hạn và tính hữu hạn của mình. Bệnh tật hé mở cho người ta nhìn thấy cái chết, khiến người ta tìm kiếm Thiên Chúa, trở lại với Ngài... Qua việc xức dầu thánh cho các bệnh nhân và kinh cầu nguyện của vị linh mục, đó là tất cả Giáo Hội đang phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh, để Ngài nâng đỡ và cứu vớt họ... Việc xức dầu thánh cho các bệnh nhân đã được Ðức Kitô, Chúa chúng ta, thiết lập như một bí tích thật sự và theo đúng nghĩa của Tân Ước : Bí tích này đã được Marcô nhắc tới (Mc 6,12-13), nhưng đã được Giacôbê tông đồ khuyến khích các tín hữu và công bố. Nếu hoàn cảnh cho phép, việc cử hành bí tích Xức Dầu, sẽ có bí tích Sám Hối đi trước, vì theo lời thánh Giacôbê «nếu có mắc tội thì sẽ được tha» (Gc 5,15), và tiếp theo sau là bí tích Thánh Thể, vì xét như là bí tích của lễ Vượt Qua của Chúa Kitô, Thánh Thể luôn phải là bí tích sau cùng của cuộc lữ hành trên trái đất này, đó là «của ăn đàng» để «sang qua» tới nơi có sự sống vĩnh cửu (GLGHCG 1499-1532)
2) Những việc phải làm ngay sau khi cha mẹ qua đời : Như trên chúng ta thấy người Kitô hữu «phải lo cho cha mẹ được an táng theo nghi thức của Giáo Hội» :
. Ý nghĩa của sự chết : Tất cả đời sống Kitô hữu đều nhằm đến lễ Vượt Qua sau cùng, đó là lễ vượt qua bằng cái chết để đưa họ bước vào sự sống trên Nước Trời. Khi đó được thực hiện điều họ tuyên xưng : «Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau». Quả thật, ý nghĩa Kitô giáo của sự chết đã được mạc khải trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Người Kitô hữu chết trong Chúa Giêsu Kitô «sẽ rời bỏ thân xác này để đến ở bên cạnh Chúa» (2Cr 5,8). Khi chết, người Kitô hữu bước vào đời sống mới, đã được khởi sự với bí tích Rửa Tội (GLGHCG 1680-1683)
. Chuông báo tử : Tinh thần liên đới của người công giáo trong một họ đạo hay giáo xứ rất chặt chẽ, nhất là khi trong họ đạo hay xứ đạo có người qua đời. Cần thông báo cho mọi người biết để cầu nguyện cho người vừa «được Chúa gọi về nhà Cha» và chia sẻ với tang quyến. Sự ra đi của một người không phải là việc riêng của một gia đình nhưng là việc chung của cả giáo xứ hay họ đạo. Vì thế ngay khi có người qua đời, gia đình phải báo cho cha xứ hay cho ông trùm họ biết để quý vị này kéo chuông sinh thì báo cho cộng đoàn biết : Theo truyền thống, người quá cố, nếu là nam giới, người ta kéo bảy tiếng rời và ba hồi liên tục, nếu là nữ giới, người ta kéo chín tiếng rời và ba hồi liên tục. Khi nghe chuông báo tử, mọi người ngưng công việc đọc kinh Lạy Cha và thầm lặng cầu nguyện cho người vừa qua đời.
. Cử hành nghi lễ an táng : Như một người mẹ, Giáo Hội đã mang các kitô hữu trong lòng mình nhờ các bí tích, trong suốt cuộc lữ hành của họ trên trái đất này, và nay tiễn đưa họ đến chỗ tận cùng của con đường, để «đặt họ vào tay của Cha trên trời », và trong niềm hy vọng, Giáo Hội đặt vào lòng đất cái mầm mống của thân xác sẽ sống lại trong vinh quang. Trong nghi lễ an táng, Giáo Hội nhằm nói lên sự hiệp thông thực sự với người quá cố và làm cho cộng đoàn đang hiện diện tham dự vào sự hiệp thông đó và tuyên chứng về sự sống vĩnh cửu. Những nghi thức khác nhau của lễ an táng nói lên tính chất Vượt Qua của cái chết của người Kitô hữu, đồng thời đáp lại những hoàn cảnh và những truyền thống của mỗi miền, cả về mầu sắc phụng vụ. Cuốn Nghi Lễ An Táng (Ordo Exsequiarum của Giáo Hội đề ra ba kiểu cử hành nghi lễ an táng, phù hợp với ba nơi diễn ra các nghi thức ở nhà (hay nhà thương), tại nhà thờ và tại nghĩa trang, tùy theo tầm quan trọng được dành cho ba nơi này bởi gia đình người quá cố, bởi các tục lệ địa phương, bởi văn hóa và lòng đạo đức bình dân. Diễn tiến này có chung cho tất cả các truyền thống phụng vụ và gồm bốn giai đoạn chính : Ðón tiếp cộng Ðoàn, Phụng vụ Lời Chúa, Thánh Lễ, Vĩnh biệt người quá cố (GLGHCG 1683-1690). Vậy tổng hợp tục lệ của người Việt Nam và sách Nghi Lễ An Táng (28), chúng ta thấy :
. Thánh lễ đưa chân : Tuy sách Nghi Thức không nói tới, nhưng nhiều nơi, người công giáo Việt Nam có thói quen xin thánh lễ cầu linh hồn người quá cố ngay khi họ qua đời.
. Canh thức, tức cử hành Lời Chúa cầu nguyện cho người quá cố trong thời gian sau khi chết và trước lễ an táng. Nghi thức này cử hành tại nhà quàn hay tại gia đình dưới sự chủ tọa của linh mục (hoặc Phó tế hay giáo dân), và sự tham dự của tang quyến, của cộng đoàn giáo dân (thường là các hội đoàn).
. Nghi thức tẩm liệm, cũng gọi là nghi thức nhập quan, thường cử hành tại tư gia hay tại nhà quàn, do linh mục hoặc phó tế hay giáo dân chủ tọa, với sự tham dự của tang quyến, họ hàng và cộng đoàn giáo dân.
. Thánh Lễ an táng : do linh mục cử hành với tang quyến và cộng doàn giáo dân, thường tại nhà thờ, nhưng cũng có thể tại tư gia hay tại nghĩa trang.
. Nghi Lễ giã biệt tại phần mộ : tức là nghi thức làm phép ngôi mộ và giã biệt người quá cố lần cuối. Người Thiên Chúa giáo để ý chăm lo ngôi mộ, nơi tổ tiên an nghỉ. Mỗi họ đạo Việt Nam thường có một nghĩa trang riêng, được làm phép, được bảo trì và được gọi là «đất Thánh». Theo Giáo Luật hiện hành, «nơi nào có thể phải có nghĩa trang riêng của Giáo Hội, hay ít ra một khoảng trong nghĩa trang dân sự được dành riêng cho các tín hữu đã qua đời, và phải làm phép thích đáng. Nếu không thể có nghĩa trang như trên, thì phải làm phép phần mộ từng lần một (Ð 1240). Luật địa phương phải ấn định các quy luật thích hợp cần giữ về nghĩa trang, đặc biệt để bảo vệ và đề cao tính cách thánh thiện của nó (Ð 1243) (29). Ðể thấy người Công giáo Việt Nam coi trọng mồ mả và nghĩa trang như thế nào, cần đọc cuốn Chỉ Nam của các Giáo Phận (30).
3) Những việc phải làm sau ngày lễ an táng : Người Thiên Chúa giáo rất trung thành với cốt lõi của đạo hiếu đối với tổ tiên hay đạo thờ cúng tổ tiên. Cắt bỏ những gì trái nghịch với đức tin, những gì rườm rà trong nghi lễ truyền thống, người Công giáo Việt Nam trung thành chu toàn nhiều việc để bày tỏ lòng kính nhớ, biết ơn, hiệp thông, khấn vái và cầu cho linh hồn tổ tiên mau được về Trời sống trong vinh quang của Thiên Chúa. Vậy, sau lễ an táng, các gia đình Công giáo Việt Nam :
. Ðắp mộ lại sau ba ngày an táng theo truyền thống Việt Nam. Trong ba ngày này, con cháu và những người thân thuộc họp nhau lại tại gia đình nhà hiếu cầu nguyện mỗi tối cho linh hồn quá cố.
. Dâng Thánh Lễ tuần ba, tuần bảy, đầy tháng, một trăm ngày cho linh hồn quá cố. Ðây là một thích ứng cách sống đạo với những truyền thống Việt Nam. Dĩ nhiên, trong những ngày đó, người ta đi viếng mộ, đi tham dự Thánh Lễ, tổ chức đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn quá cố. Nhiều khi người ta cũng có bữa cơm gia đình.
. Các ngày giỗ : Giống như bao người Á Châu, người Công giáo Việt Nam quan tâm đến ngày tử hơn ngày sinh. Vì thế họ không quên các ngày giỗ của tổ tiên. Theo truyền thống của dân tộc, khi cha mẹ chết con phải để tang ba năm, thì người công giáo không nguyên chỉ để tang mà còn tổ chức các ngày giỗ. Ngày giỗ thường tụ họp gia đình, mời họ hàng thân quen đi : dâng thánh lễ, viếng mộ, đọc kinh tại gia đình, dùng bữa cơm gia tộc. Nếu vì hoàn cảnh phải đơn giản hóa, thì người ta giữ việc dâng thánh lễ và đọc kinh gia đình. Việc dâng lễ giỗ cho cha mẹ, ông bà quá cố không chỉ hạn chế trong thời gian ba năm theo truyền thống, mà còn kéo dài mãi, gọi là «lễ cho ông bà cha mẹ » hay «lễ cho tiên nhân », hoặc «lễ đời đời» .
. Tháng các Ðẳng : Theo truyền thống của Giáo Hội hoàn vũ, người Công giáo Việt Nam có một quan tâm tốt đẹp và ý nghĩa trong việc thờ kính tổ tiên, đó là dành ngày mồng hai tháng mười một mỗi năm, dâng thánh lễ đặc biệt cầu cho Các Ðẳng. Không những ngày mồng hai, mà suốt cả tháng dành riêng cho việc cầu nguyện này, người ta quen gọi là Tháng Các Ðẳng. Thường ngày mồng một tháng mười một, con cái cháu chắt đi viếng mộ ông bà cha mẹ quá cố. Trong tháng này Giáo Hội nhắc nhủ giáo dân dâng Thánh Lễ, cầu nguyện và làm nhiều việc thiện cầu cho các Ðẳng, nhất là các Linh hồn Tổ Tiên. Ðây là hình thức thích ứng lễ Vu Lan theo truyền thống (31).
. Kinh nguyện mỗi ngày : Người công giáo bình thường vẫn dành một thời giờ để cầu nguyện và đọc kinh. Chính giây phút này, họ nhớ đến các đẳng linh hồn, mà trước hết là linh hồn những người quá cố trong gia đình. Sách Kinh nào cũng có sẵn những bản kinh cầu cho các Ðẳng, phổ biến như «Kinh Vực Sâu», «Kinh Bởi Trời». Ðặc biệt là trong Thánh Lễ luôn có lời cầu nguyện cho các Ðẳng và đặc biệt cho các linh hồn trong gia đình : «Xin Cha nhớ đến anh chị em tín hữu chúng con đang an nghỉ chờ ngày sống lại, và những người đã qua đời mà chỉ còn biết nhờ vào lòng thương xót của Cha. Ðặc biệt, xin Cha nhớ đến các bậc tổ tiên và thân bằng quyến thuộc chúng con đã lìa cõi thế. Xin cho hết thảy được vui hưởng ánh sáng Tôn Nhan ».
. Khấn nguyện với Tổ Tiên và các Ðẳng linh hồn: Trong tinh thần hiệp thông, người tín hữu không chỉ cầu nguyện cho linh hồn ông bà cha mẹ mau được về Thiên Ðàng với Chúa, mà họ còn có thể và cần khẩn cầu với các ngài, xin các ngài «cầu thay nguyện giúp cho mình trước tòa Thiên Chúa». Người công giáo không đặt tổ tiên lên trên hay ngang hàng với Chúa, cũng không coi các ngài đồng bậc với các vị Thánh đã được Giáo Hội tuyên phong, nhưng họ xác tín rằng tổ tiên thấu hiểu hoàn cảnh, ước nguyện của con cháu, sẵn sàng quan tâm giúp đỡ, và bầu chủ cho con cháu trước mặt Thiên Chúa, cũng như sẵn sàng hướng dẫn chỉ dạy con cháu còn tại thế. Sau cái chết, tình nghĩa máu mủ, gia đình không bị cắt đứt, phai nhạt, «xa mặt thì cách lòng» nhưng, trái lại, khăng khít, thắm thiết hơn «xa mặt mà vẫn gần lòng». Ðó là xác tín niềm tin của người Thiên Chúa giáo trong việc tôn kính tổ tiên : Thiên Chúa là nguồn mạch mọi tình yêu và mọi tình yêu phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa đều vĩnh cửu. Vì thế, người tín hữu có thể tâm sự với tổ tiên, xin các ngài cầu thay nguyện giúp cho. Nhiều Kitô hữu khi gặp khó khăn trong cuộc sống, hay dâng lễ hoặc làm tuần ba ngày, tuần chín ngày khấn với tổ tiên với các đẳng linh hồn...
Sau khi đã trình bày đại cương về việc thờ kính tổ tiên theo truyền thống, về những nét hòa nhập của việc thờ kính tổ tiên với Nho giáo và Phật giáo, cũng như những nét đặc trưng về việc thờ kính tổ tiên trong Kitô giáo, chúng ta cố gắng nêu bật những nét tương đồng và dị biệt chính yếu giữa việc tôn kính tổ tiên trong đạo Thiên Chúa giáo và trong truyền thống Việt Nam cũng như trong Nho giáo và Phật giáo, hầu giải tỏa một hiểu lầm cho rằng «người Việt Nam tin theo Thiên Chúa giáo đều bỏ cha bỏ mẹ».
III. TỪ VA CHẠM ÐẾN DUNG HÒA
1. Những tương đồng và dị biệt
Tuy không đầy đủ, hai trình bầy về việc tôn kính tổ tiên theo truyền thống và về việc tôn kính tổ tiên theo Thiên Chúa giáo trên đây cho chúng ta thấy những điểm tương đồng và những diểm dị biệt hai việc tôn kính tổ tiên. Chúng ta cố nêu lên vắn tắt và rõ ràng dựa trên những cơ sở và những thể hiện của việc tôn kính tổ tiên.
1) Nhìn về những cơ sở của việc thờ cúng tổ tiên, chúng ta thấy :
● Niềm tin vào Trời, vào Thượng Ðế Tạo Hóa : Từ khởi đầu người Việt Nam có niềm tin Trời là cơ sở cho việc tôn kính tổ tiên. Tuy nhiên chúng ta phải phân biệt : Khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam (Bắc thuộc lần thứ nhất, năm111 trước Tây lịch đến năm 39 sau Tây Lịch), quan niệm về Trời Sáng Tạo, về Trời Chí Thiện, về Trời dạy con người sống Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, về đức hiếu thảo, về Trời là Thiên Mệnh của Nho giáo đã củng cố và nâng cao cốt lõi việc tôn kính tổ tiên nơi người Việt Nam. Còn Phật giáo, du nhập vào Việt Nam và gây được ảnh hưởng mạnh mẽ kể từ đời nhà Lý (từ 544) trở đi, đã chuyển hướng niềm tin vào Trời của nhiều người dân Việt Nam bởi sự không tin có Trời Tạo Hóa, Tuyệt Ðối : đối với họ, vì không tin có Tạo Hóa, nên Tổ Tiên là trên hết. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số phật tử Việt Nam vẫn tin có Trời và vẫn tôn kính tổ tiên. Riêng Thiên Chúa giáo, trái với Phật giáo nguyên thủy và khẳng định hơn Nho giáo, về niềm tin vào Trời, lấy Trời làm cơ sở vững chắc cho việc tôn kính tổ tiên : họ thờ Chúa trên hết và chính Chúa dạy họ phải tôn kính tổ tiên. Như vậy, về điểm này Thiên Chúa giáo củng cố và nâng cao việc tôn kính tổ tiên của người Việt Nam hơn cả Nho giáo.
● Tin con người do Trời hay Thiên Chúa dựng nên : Liên hệ tình thương giữa con người được Thiên Chúa dựng nên củng cố mối liên hệ giữa con cái được cha mẹ sinh ra : «Cha mẹ sinh người Trời sinh tính ». Chính mối liên hệ này mà con cái tự nhiên ý thức được bổn phận yêu Thiên Chúa và thương cha mẹ. Thiên đạo và Nhân đạo gắn liền với nhau, « Hiếu tâm đã động đến Trời» (Kiều). Chính ở đây, chúng ta thấy niềm tin chung của hầu hết dân chúng Việt Nam. Niềm tin này làm vững mạnh việc tôn kính tổ tiên của người Việt Nam. Nếu đối chiếu, chúng ta thấy niềm tin này không có nơi Phật giáo, không được khẳng định trong Nho giáo, nhưng rất rõ ràng trong Thiên Chúa giáo.
● Tin linh hồn bất tử : Ðiều này xác quyết trong Nho giáo, bị phủ nhận trong Phật giáo, là niềm tin trong Thiên Chúa giáo. Ðiều này làm cho việc tôn kính tổ tiên có chiều dài vô hạn.
● Sự hiệp thông giữa tổ tiên và con cháu : Thuyết luân hồi mà Phật giáo lấy lại từ Ấn giáo làm suy yếu việc tôn kính tổ tiên, và mối hiệp thông giũa tổ tiên và con cháu không có tính cách lâu bền (32). Ðang khi đó, vì Thiên Chúa giáo tin linh hồn bất tử và kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa vĩnh cửu, nên sự hiệp thông hay liên hệ giữa tổ tiên và con cháu luôn vững bền và hằng hữu.
● Lòng biết ơn : Một trong những động lực của đức hiếu, của việc tôn kính tổ tiên là lòng biết ơn cha mẹ, ông bà. Lòng biết ơn cha mẹ gắn liền và thêm chiều sâu, chiều rộng nhờ lòng biết ơn trời : «ơn trời, lộc nước, nghĩa cha mẹ». Nhưng lòng biết ơn trời có sao được khi không tin vào Trời Sáng Tạo? Phật giáo Hòa Hảo đề cao Tứ Ân «ân Tổ tiên cha mẹ, ân Ðất nước, ân Tam bảo, ân Ðồng bào, nhân loại » mà không nói đến «Ân Trời ». Nho giáo và Thiên Chúa giáo thì khác : Ơn Trời đi trước ơn cha mẹ. Việc tôn kính tổ tiên là cụ thể hóa lòng biết ơn và lòng biết ơn là sự đền đáp tình thương của Thiên Chúa và của cha mẹ đã dành cho con cái. Vì có Thiên Chúa là Cha chung nên mọi người mới là anh em của nhau : «tứ hải giai huynh đệ».
2) Nhìn về những thể hiện việc tôn kính tổ tiên :
Nhìn chung, những thể hiện lòng tôn kính tổ tiên theo truyền thống cũng như theo Thiên Chúa giáo gồm bốn phần chính : Những việc phải làm khi cha mẹ sắp qua đời ; sau khi qua đời ; sau lễ an táng ; sau ba năm để tang. Ðối chiếu những điểm trình bày ở trên, chúng ta thấy :
● Những thể hiện theo truyền thống rườm rà, phức tạp, bài bản và tốn kém, nhiều mầu sắc dị đoan. Ông Vũ Khiêu nhận định : «Thể hiện lòng biết ơn cha mẹ, tổ tiên bằng việc săn sóc lúc còn sống, tưởng nhớ lúc qua đời, thờ cúng ngày giỗ tết, đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp. Nhưng không vì thế mà quay trở lại những hủ tục, mê tín, dị đoan, tiêu xài phung phí trong việc ma chay cúng bái. Ðó là điều mà chính Khổng Tử cũng đã phê phán : «Trong cuộc lễ vui nếu xa hoa thái quá, thì kiệm ước còn hơn, trong cuộc tang lễ, nếu lòe loẹt thái quá, thì lòng đau xót còn hơn» (33). Việt Nam có câu : «Còn sống thì chẳng cho quà, sau khi đã chết làm ma cúng ruồi ».
● Vì tin vào Thượng Ðế sáng tạo con người có hồn, có xác ; xác chết mà hồn tồn tại, và hầu hết các thể hiện của việc tôn kính tổ tiên gắn liền với nghi thức phụng vụ của Giáo Hội nên người công giáo cắt bỏ những cái «tuy là truyền thống nhưng rườm rà hay trái với niềm tin của họ như việc hóa vàng (34), thành phục, hồn bạch, khóc lạy (35).
● Người Công giáo Việt Nam không những trọng những gì là cốt lõi của truyền thống trong việc tôn kính tổ tiên (tin Trời, tin linh hồn tổ tiên tồn tại, tin sự hiệp thông giữa con cháu và tổ tiên quá vãng) mà còn giữ những thể hiện có tính cách xã hội và dân sự, như tang phục, cưới chạy tang, thời hạn để tang. Thậm chí có những thể hiện mà trong truyền thống có tính cách dị đoan, nhưng họ thể hiện một cách khác và bỏ qua nội dung dị đoan, như đi tảo mộ sau ba ngày, dâng lễ 49 ngày, dâng lễ 100 ngày (36).
● Thể hiện việc cúng giỗ, theo nhận định của Toan Ánh, «vì tin linh hồn bất tử nên người Thiên Chúa giáo cũng đề cao ngày lễ giỗ. Họ đến nhà thờ dâng lễ cầu cho linh hồn tổ tiên là việc chính. Tại gia, họ cũng tụ họp gia đình, bà con cầu nguyện và cũng có bữa cơm. Họ cũng đi viếng mộ, đắp mộ, đặt bông hoa... Bởi vậy, «dù theo tôn giáo nào người ta cũng có thể làm giỗ mà không trái đường lối của tôn giáo » (37) .
● Về bàn thờ ông bà cha mẹ hay một người thân quá cố đối với người Thiên Chúa giáo, ông Toàn Ánh nhận định xác đáng như sau : «Những người theo Thiên Chúa giáo, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ phụng tổ tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người khuất, và việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa, như vậy có nghĩa là vẫn có sự thờ phượng tổ tiên qua bàn thờ Chúa » (38). Thực tế, nhiều gia đình công giáo có lập bàn thờ tổ tiên. Phạm Thị Bích Hằng ghi : «Việc tang ma giỗ chạp trong cộng đồng Thiên Chúa giáo có nhiều yếu tố hội nhập của văn hóa bản địa. Người ta cũng đặt một bàn thờ nhỏ trưng hoa quả trước linh cữu người quá cố còn quàn tại nhà, có đặt lư hương để những người viếng xác thắp hương và xác người chết. Trong nhà người Thiên Chúa giáo cũng có bàn thờ ông bà cha mẹ, và nhiều người vẫn thường thắp hương ở đó, có một số nơi đặt hoa quả, nhất là trong dịp giỗ. Ngoài ra, khi cây nhà có trái đầu mùa, nhiều người cũng hái những trái ấy đặt trên bàn thờ của tổ tiên, nhưng người Thiên Chúa giáo không tin người chết sẽ hưởng dùng những hoa quả ấy, họ làm như vậy để biểu lộ lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu mà thôi (39).
● Về lễ vật cúng giỗ theo truyền thống cũng phức tạp, nhiều khi tốn kém. Sau này Phật giáo Hòa Hảo «cấm cúng giỗ bằng các thức ăn thịt cá và cũng không có sự dùng giấy tiền vàng bạc, phướn xá, trai đàn... khi cúng chỉ được cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng bán mùi uế trược» (40).
2. Tôn Kính tổ Tiên không phải là tôn giáo.
● Một sự thật chúng ta phải đồng ý với hai nhà thừa sai khi họ nhận định về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Linh mục L. Cadière viết : «Quả là một việc vừa khó khăn vừa tế nhị khi phải làm sáng tỏ vấn đề tôn giáo ở Việt Nam trong toàn diện, khó vì đề tài, tế nhị vì nhiều điểm còn mập mờ». Linh mục P. Louvet còn viết rõ hơn : «Tất cả những đạo giáo và những điều hành đạo dị đoan quấn quýt lấy nhau, chồng chất lên nhau, làm thành một sự hỗn tạp với những nhận thức mâu thuẫn mà người ta không sao nhận ra và phân biệt được. Ai cũng tuân theo hết mọi điều. Các bậc nho gia, trí thức, kể cả vua chúa là những người thường tự hào chỉ theo lẽ phải và chỉ tin tưởng ở những giáo điều ghi trong Tứ Thư, Ngũ Kinh của Khổng Tử, cũng vẫn thờ Phật, cúng tế thần linh và xem bói khi cần thiết» (41) Chính vì thế mà người ta, nhất là người ngoại quốc, khó nhận ra đâu là tín ngưỡng, đâu là tôn giáo, đâu là truyền thống, đâu là phong tục, đặc biệt đối với việc tôn kính tổ tiên.
● Tôn kính tổ tiên bắt gốc từ đâu ? Nhiều học giả cho rằng : việc tôn kính tổ tiên khởi đầu từ kinh tế nông nghiệp gia đình phụ quyền, và ý nghĩa thiêng liêng của nó là «cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể», cho nên con cái «uống nước phải nhớ đến nguồn ». Trong ý hướng này, nội dung chữ hiếu của Nho giáo và thuyết nhân quả của Phật giáo đã làm vững mạnh việc tôn kính tổ tiên ở chỗ «bất hiếu dĩ tử bất hiếu», mình không có hiếu với cha mẹ ông bà, thì con cháu cũng không có hiếu với mình (42).
● Tôn kính tổ tiên có phải là một tôn giáo không? Có nhiều ý kiến dị biệt. Chẳng hạn theo ông Toàn Ánh: «Dân Việt Nam thờ cúng tổ tiên, nhưng việc thờ phụng tổ tiên không kể là một tôn giáo được, vì không có giáo chủ cũng như không có giáo điều. Việc thờ cúng tổ tiên chỉ là một hành động để chứng tỏ lòng hiếu thảo của con cháu, bởi vậy, người ta cứ thờ cúng tổ tiên và song song với việc thờ cúng này, nhiều người ngoại quốc gọi nhầm là Ðạo Ông Bà, người ta vẫn theo tôn giáo riêng, miễn là giữa hai ba đạo này không có điều gì mâu thuẫn với nhau» (43). Riêng ông Ðỗ Trinh Huệ trong cuốn «Văn hóa tín ngưỡng gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L. Cadière», thì : «Việc thờ cúng ông bà xem ra như là một tôn giáo nhưng không phải là tôn giáo (...). Nhưng nếu quan sát những điều mắt thấy tai nghe hằng ngày tại Việt Nam, thì người ta, kể cả những người chủ trương «việc tôn kính tổ tiên không phải là tôn giáo», phải nhận rằng : căn bản luân lý, nền móng của việc thờ cúng tổ tiên, thường bị ngập chìm trong những ý tưởng mê tín dị đoan, đặc biệt là trong quần chúng (...). Ở tầng lớp thượng lưu việc thờ cúng còn giữ được nét thanh khiết nguyên thủy chứ ở tại quần chúng nó đã trở thành một tôn giáo thực sự, với toàn bộ mê tín dị đoan, tin tưởng vào các đấng linh thiêng che chở hộ trì (...) Những người Việt Nam tân tiến thường chỉ cho việc thờ cúng tổ tiên như là một nghi thức lễ nghi truyền thống và trút bỏ mọi ý niệm hoặc cảm thức tôn giáo. Nhưng đó là trường hợp ngoại lệ. Ðối với đông đảo quần chúng người Việt, Ông Bà vẫn tiếp tục là thành phần trong gia đình và việc thờ cúng họ rõ ràng là đậm nét tôn giáo» (44).
● Tại sao chúng tôi dùng danh xưng «tôn kính tổ tiên» ? Nhiều tác giả dùng danh xưng khác nhau, như ông Ðào Duy Anh «Tế tự tổ tiên» (sd 205), ông Phan Kế Bính dùng «Phụng thờ tổ tông» (sd18), ông Toan Ánh «Thờ phụng tổ tiên, thờ cúng tổ tiên» ( sd 22,23), ông Trần Ngọc Thêm «Thờ tổ tiên» (sd 248), bà Phạm Thị Bích Hằng, ông Ðỗ Trinh Huệ, ông Nguyễn Ðăng Duy «Thờ cúng tổ tiên», ông Paul Ðào «Tôn kính tổ tiên hay đạo thờ ông bà» (45). Trong bài này, chúng tôi dùng danh xưng «tôn kính tổ tiên» là để khẳng định lập trường «tôn kính ông bà» không phải là một tôn giáo, mà chỉ là «sự bày tỏ phong phú lòng hiếu thảo đối với tổ tiên của người Việt Nam đã có lâu đời từ trong tâm thức, trong nền văn hóa gia đình khởi thủy từ xã hội nông nghiệp và phụ quyền, sau được củng cố và thăng hoa nhờ Nho giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo». Vì truyền thống tôn kính tổ tiên hòa nhập vào mỗi tôn giáo theo những niềm tin, và những thể hiện khác nhau, như chúng ta thấy ở trên, nên có những ứng xử khác nhau xẩy ra. Ðó là điều chúng ta sẽ nói dưới đây.
3. Những lý giải khác nhau về phía Thiên Chúa giáo.
Thiên Chúa giáo là đạo độc thần, chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất, tối cao và tuyệt đối. Thiên Chúa giáo đến Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI, nghĩa là sau Nho giáo và Phật giáo trên 10 thế kỷ. Khi đi truyền giáo, các thừa sai vẫn ghi lòng những điều Tòa Thánh huấn dụ hai vị Ðại Diện Tông Tòa đầu tiên tại Việt Nam, đức cha Lambert de la Motte (18.06.1660) và đức cha Pallu (03.01.1662) :«Dù nhiệt tâm truyền giáo, quý ngài không được viện lý do khuất phục dân xứ đó phải thay đổi nghi lễ, phong tục và tập quán của họ, trừ khi những điều đó rõ ràng là nghịch với tôn giáo và với luân lý. Ðừng du nhập nước Pháp, Tây Ban Nha hay Ý Ðại Lợi vào xứ sở của họ, nhưng phải rao truyền đức tin, đức tin này không khước từ, không làm tổn thương các nghi lễ, các truyền thống của bất cứ dân tộc nào, trừ khi những nghi lễ hay những truyền thống ấy thật sự đồi bại, ngoài ra phải bảo tồn và che chở các nghi lễ và các truyền thống ấy. Có thể nói là phải ghi vào trong bản tính của mọi người lòng quý chuộng, yêu mến, phải cho cả thế giới biết những truyền thống của các xứ sở họ. Vậy đừng bao giờ đem so sánh các truyền thống của các dân tộc ấy với các truyền thống của Âu châu. Trái lại chính các ngài phải mau mắn làm quen với phong tục và truyền thống của họ. Hãy thần phục và khen ngợi những cái gì đáng thán phục và khen ngợi» (46). Nhưng khi cập bến Việt Nam, các ngài dần dần chứng kiến và phát hiện rõ ràng về những nghi lễ và phong tục hay truyền thống tương quan đến vịệc tôn kính tổ tiên có nhiều tính chất dị đoan và trái đạo. Các ngài thấy mình đứng trước một vấn đề thật nan giải và tế nhị. Vì thế các ngài có những lý giải khác nhau.
● Các cha dòng Ða Minh và các cha Thừa sai Paris cho rằng việc cúng giỗ không còn đơn thuần là để báo hiếu mà là một kiểu «thờ tà thần», coi ông bà tổ tiên là những vị Thần, có quyền chi phối đời sống sinh hoạt của con cháu. Các Thừa sai không thể và không có quyền chấp nhận như vậy, các ngài cực lực phản đối việc thờ kính tổ tiên như vậy. Vì như mọi người Thiên Chúa giáo, các Thừa sai không chấp nhận và không muốn giáo dân chấp nhận một vị Thần nào khác ngoài Thiên Chúa, chỉ có mình Chúa mới chi phối đời sống con người. Tôn kính tổ tiên là điều phải lẽ, nhưng không thể biến các ngài thành các vị Thần được. Tổ tiên ông bà có thể cầu thay nguyện giúp cho con cháu, nhưng không thể chi phối trực tiếp đời sống của con cháu. Con cháu tôn kính tổ tiên nhưng không thờ tổ tiên.
● Còn các cha dòng Tên, nhờ đã có kinh nghiệm ở Trung Hoa, nên các ngài hiểu rộng rãi nhẹ nhàng hơn về các nghi lễ truyền thống tương quan đến việc thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam. Hầu hết các ngài cho rằng : việc cúng giỗ tổ tiên của người Việt Nam mang ý nghĩa thuần túy truyền thống và cổ truyền dân sự, chứ không phải là một tôn giáo, không xúc phạm đến uy quyền của Thiên Chúa độc nhất. Tuy nhiên các ngài bãi bỏ một số các nghi thức hay quan niệm sặc mầu dị đoan.
● Sự lý giải khác nhau hay sự bất đồng ý kiến như trên giữa các thừa sai tại Trung Hoa rồi tại Việt Nam đã đưa đến hậu quả nghiêm trọng, là từ năm 1645 cho đến năm 1742, tức là gần 100 năm, có nhiều tranh luận sôi nổi mà người viết sử thường gọi là «các tranh cãi về nghi lễ» (Querelles des Rites), và ngay tại Roma, Tòa Thánh nhiều lần ra những văn kiện trái ngược, khi cho phép, khi cấm đoán. Mãi tới năm 1742, mới chấm dứt với hiến chế Ex quo singulari của đức Giáo Hoàng Benedicto XIV : cấm việc cúng bái tại Trung Hoa và tại Việt Nam, trong đó có việc cúng tế tổ tiên, mà lý do chủ yếu là sợ các tín đồ mê tín dị đoan (47).
● Các linh mục dòng Ðaminh và các linh mục Thừa Sai Paris ứng xử theo tinh thần sắc lệnh của Tòa Thánh. Vẫn truyền dạy bổn đạo tuân giữ giới răn thứ tư về «đức hiếu thảo», nhưng theo cách thể hiện hay nghi thức phụng vụ an táng của Giáo Hội, đồng thời cấm đoán một số những thể hiện «truyền thống» nhưng các ngài cho là dị đoan và nghịch với đức tin Thiên Chúa giáo. Vì thế lần lượt đã có các thư chung của giáo quyền địa phương, trước tiên là thư của linh mục Luis Espinosa Huy, cha chính địa phận Ðông Ðàng Ngoài, ra ngày 7.6.1759, nhắc lại những điều đức giáo hoàng Benedicto XIV đã cấm đoán (48) ; thư chung của đức cha Phê (Feliciano Alonso) ra năm 1796 (49), đức cha Y (Ignacio Delgado Cebrian) năm 1834 (50), đức cha Liêm (Girolamo Hermosilla) năm 1841 và 1847 (51).
● Các cha dòng Tên, cách chung vẫn tuân theo sắc lệnh của Tòa Thánh, tuy nhiên các ngài tỏ ra ít nghiêm khắc. Ngày 21.7.1717, cha Sanna ra thông cáo cho giáo dân, khi đi đám táng, được khiêng Bàn Triệu, nhưng phải viết câu «Chúng con xin Chúa thương đưa linh hồn Mỗ... về Thiên Ðàng» (52).
Tóm lại, nhìn qua quá trình việc Thiên Chúa giáo không cho thực hiện nhiều nghi thức cúng giỗ tổ tiên, chúng ta nhận thấy nguyên nhân dẫn đến sự kiện này là Thiên Chúa giáo sợ các tín hữu của mình mê tín dị đoan. Cho nên Thiên Chúa giáo chỉ cấm những hành vi mê tín chứ không cấm báo hiếu tổ tiên. Trái lại Thiên Chúa giáo còn truyền dạy cho giáo dân cẩn thủ giới răn thứ bốn về «đức hiếu thảo» với cha mẹ, tổ tiên nữa. Thực tế «Nhiều nghi lễ ma chay tống táng và kính nhớ người quá cố, giáo dân vẫn được giữ lại sau khi loại trừ những gì có vẻ mê tín hay vô lý» (53).
4. Những phản ứng của một số người ngoài Thiên Chúa giáo.
Dĩ nhiên những lý giải khác nhau của các Thừa sai hay của Tòa Thánh gây hoang mang và đau khổ về tâm lý cho nhiều người Thiên Chúa giáo. Bởi vì trước khi là tín đồ Thiên Chúa giáo, họ đã là người dân Việt Nam, vốn thành tâm tôn kính tổ tiên theo truyền thống, và nhiều ít họ cũng ảnh hưởng những giáo lý hay thể hiện của Nho giáo và Phật giáo tương quan đến việc tôn kính tổ tiên. Xin nhắc lại, hai tôn giáo này đã ăn rễ sâu vào tâm thức và sinh hoạt của dân Việt Nam hơn 10 thế kỷ trước khi Thiên Chúa giáo có mặt ở Việt Nam. Hơn thế, đa số tín đồ Thiên Chúa giáo bấy giờ là người thường dân, đơn sơ chất phác, lại chưa hiểu giáo lý của đạo mới theo là bao nhiêu. Họ đau khổ nữa là họ phải đối diện với những phản ứng nhiều khi vội vã của người đồng hương, đồng xứ, hay tệ hơn của nhiều người trí thức hay chính quyền.
Như trên chúng ta thấy «Thiên Chúa giáo không cấm việc tôn kính hay báo hiếu tổ tiên, mà chỉ cấm những thể hiện dị đoan hay phiền tạp phi lý». Nếu Nho giáo và Phật giáo đã có những điểm tích cực trong việc phong phú hóa những truyền thống tương quan đến việc tôn kính tổ tiên, thì cũng không thiếu những điểm tiêu cực mà chính những người không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo coi là dị đoan, kỳ quái cần phải thanh lọc.
● Về tục lệ ma chay, sau khi tường thuật tỉ mỉ, ông Phan Kế Bính nhận định : «Sự báo hiếu cho cha mẹ, ai lại không muốn hết lòng hết sức. Nhưng cứ như tục lệ của nước ta thì phiền văn quá thể, ăn uống lôi thôi, làm cho nhiều người khổ sở vì tục lệ. Vả lại, nhiều người khi cha mẹ còn sống thì bạc thị chẳng ra gì, đến lúc mất lại cúng tế linh đình... thực là sự vô ích quá ! Rồi khi cha mẹ mới mất, nhiều người mặt không dám rửa, ăn cơm không xỉa răng, mặc đồ sô bẩn thỉu... ai mà chịu nổi ! Cha mẹ có bắt phải tiều tụy đâu ! Lại còn khóc lóc, kể lể, gào thét... che mắt thế gian ! ... Còn như tục lệ của làng thì lắm nơi còn hủ quá ! (54). Mới đây ông Trần Ngọc Thêm cũng nói : «Ngày nay nhiều tục lệ ma chay cúng giỗ không còn nữa, lẽ chính vì chúng quá chi ly, cầu kỳ» (55)
● Về vấn đề dị đoan, trong cuốn Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam có ghi : «Phật giáo vốn là sản phẩm của xã hội Ấn Ðộ cổ đại. Nó đã thay đổi nhiều trong lịch sử, trong từng dân tộc... Vào cuối thế kỷ XIX, nó vẫn tỏ ra là lạc hậu so với những thay đổi đột biến trong xã hội, so với nhãn quan của người đương thời. Nhiều nhà sư và cư sĩ thấy được tình hình này đã kêu lên, điển hình là cư sĩ Khánh Vân trong tạp chí Duy Tâm (số 18) và cư sĩ Thanh Quang trong tạp chí Ðuốc Tuệ (số 178) (56). Giáo sư Dương Quảng Hàm cũng ghi vắn tắt : «Các tăng ni thường là những người bày ra các mối dị đoan, các lễ nghi phiền phức, để bọn hạ lưu (nhất là đàn bà) đua theo, còn các giáo lý cao thâm của đạo Phật thì ít người hiểu biết» (57).
● Không phải là hết, nhưng một phần dân chúng và giới trí thức Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu đậm về giáo lý «không tin có đấng tạo hóa, đạo Phật không phải là một tôn giáo hữu thần, đạo Phật từ đầu đã tiếp nhận thuyết luân hồi và quả báo của Ấn giáo». Ðầu thế kỷ XX, nhiều bài buổi thuyết giảng, nhiều bài báo tranh luận về vấn đề «Phật giáo có phải là đạo vô thần» không ? Tiêu biểu cho những người giữ lập trường quả quyết là các vị Thiện Chiếu, Lê Ðình Thám, An Giang, Lê Khánh Hòa, Nguyễn An Ninh, Thích Ðôn Hậu, Trường Tố, Nguyễn Thiện Thuật... (58) . Gần đây Thích Thiện Hoa khẳng định không tin nhận một «Ðấng tạo vật», dù đấng đó mang tên là một vị trời, một đức Thượng Ðế, một vị Phạm Thiên, hay một vị Chúa tạo vật... » (59).
Có thể nói ba yếu tố trên : tục lệ, nghi thức phức tạp, phi lý và dị đoan với những điều tin trái ngược giáo lý cơ bản của Thiên Chúa Giáo, là nguyên nhân khiến các thừa sai và Tòa Thánh có những dè dặt, tranh luận, lý giải khác nhau và cấm đoán nhiều nghi thức, truyền thống tương quan việc tôn kính tổ tiên, mục đích là bảo vệ đức tin của các tín đồ. Cách ứng xử này của các Thừa sai và của Tòa Thánh, muốn hay không muốn, đã tạo nên nhiều phản ứng chống lại các tín đồ, các Thừa sai và chính Thiên Chúa giáo.
● Những phản ứng ấy bộc trực ngay mỗi khi người ta thấy một người, dù không công giáo, có một cử chỉ, một hành động trái với truyền thống. Lich sử còn ghi lại hai sự việc : « Sự việc thứ nhất là khi Hoàng Tử Cảnh không chịu lạy tổ tiên trong ngày lễ kỵ, làm Hoàng Hậu giận đến nỗi bạt tai Hoàng Tử và khóc. Hoàng Thái Hậu nói với vua Gia Long rằng mình giao con cho người ta dạy thì nó phải theo lễ nghi của người ta, bây giờ muốn nó theo mình thì đem về dạy dỗ lấy. Như chúng ta biết, Nguyễn Ánh sau khi chạy sang cầu viện quân Xiêm, thì cho Hoàng Tử Cảnh theo đức giám mục Bá Ða Lộc sang Pháp. Sở dĩ Hoàng Tử Cảnh có thái độ như trên có lẽ là do ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo ở Pháp. Sự việc thứ hai : Ông Ðình Trung, một quan lớn trong triều cũng từ chối không lạy tổ tiên vua trong ngày kỵ lấy cớ chỉ lạy Ðức Chúa Trời ba Ngôi mà thôi. Ðiều ấy làm vua rất tức giận và mắng : Trẫm nuôi ngươi bấy lâu, nay còn ban chức trọng cho ngươi, mà ngươi lại vong ân bội nghĩa chẳng chịu lạy tổ tiên của Trẫm là làm sao ? Quan thưa lại : Lạy đức Bề Trên, tôi sẵn lòng lạy đức Bề Trên, thì lẽ nào tôi khinh rẻ tổ tiên đức Bề Trên làm sao được. Song các vị ấy đã khuất, chẳng có mặt ở đây, thì tôi chẳng lạy. Phép đạo cấm sự ấy» (60).
● Người ta coi những người theo đạo Thiên Chúa là bất hiếu, là «bỏ cha bỏ mẹ». Linh mục Nguyễn Hồng viết : «Những việc ma chay tống táng hay những nghi lễ kính thờ hương hồn người quá cố... những việc cúng tế, đóng góp trong làng gây bao phiền phức cho người theo đạo. Họ bảo theo đạo là bỏ cha mẹ, là bất hiếu. Trong công việc truyền giáo các cha cũng phải mất nhiều công để gội rửa các mê tín dị đoan đã lâu đời truyền kiếp còn vương vấn trong đầu óc người tân tòng (61).
● Ðặc biệt giới Nho sĩ, họ cực lực đả kích Thiên Chúa giáo, bởi lẽ Nho giáo rất coi trọng việc tôn kính tổ tiên, họ coi đây là việc báo hiếu cơ bản, trong khi đó, họ chưa hiểu được tầm mức quan trọng của giới răn thứ bốn về đức hiếu thảo và những cách thể hiện lòng tôn kính tổ tiên của Thiên Chúa giáo, nên họ có những ngộ nhận, họ dèm pha, khinh thị. Lời miệt thị tiêu biểu nhất là câu thơ của ông Nguyễn Ðình Chiểu trong Lục Vân Tiên : « Thà đui mà giữ Ðạo Nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ ».
● Thấy người Thiên Chúa giáo có những thể hiện trong việc ma chay, cúng giỗ khác tục lệ trong gia đình, họ lại không đóng góp vào phí tổn các cúng bái của làng xã... nhiều người vin vào đó tố cáo họ với quan trên, nhất là trong thời vua chúa cấm đạo hay Văn Thân sát tà. Họ cũng không ngại đổ lỗi cho người Thiên Chúa giáo mỗi khi có hạn hán, bão lụt, «vì tội bỏ ông bà» (62).
● Ðiều không may cho Giáo Hội Việt Nam bấy giờ là hoàn cảnh đất nước bị quân Pháp xâm chiếm. Do đó các nho sĩ, quan lại, vua chúa coi Thiên Chúa giáo như tà đạo «vì bỏ cha bỏ mẹ, không thờ cúng tổ tiên». Rồi họ trói buộc «tà đạo» với việc mất nước, để gây những phong trào «bình tây sát tà». Ðó là chủ trương của các vua Tự Ðức và Minh Mệnh, của các ông Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết linh hồn của phong trào Văn Thân (63)
5. Một sự dung hòa tốt đời đẹp đạo.
Với thời gian và nhất là với trí thông minh và tinh thần bao dung tôn giáo của người Việt Nam, những phản ứng tiêu cực ở trên đối với Thiên Chúa giáo sớm tan biến, có chăng chỉ còn sót lại ở một số nhỏ các Nho sĩ và những người «không tin có ông Trời Sáng Tạo, Tối Cao». Với những biến chuyển tiến lên của xã hội Việt Nam, với những phong trào «cải cách tốt đẹp » của Phật giáo (64), chung một mục đích với Phật giáo Trung Hoa, là «phát động tinh thần Phật giáo, dung hợp các tư tưởng tiến bộ hiện đại; bãi bỏ những mê tín, dị đoan » (65), việc tôn kính tổ tiên tại Việt Nam được sáng tỏ ý nghĩa và khẳng định rõ ràng hơn : Ðây là những nghi thức biểu thị lòng hiếu thảo cha mẹ, ghi ơn các bậc tiền bối chứ không phải là một tôn giáo chất đầy những tục lệ phiền toái và những nghi lễ nhuốm mầu dị đoan như xưa nữa.
Trước bối cảnh tôn giáo xã hội này tại Việt Nam (và nhất là tại Trung Hoa), Thiên Chúa giáo cảm thấy thoải mái hội nhập vào truyền thống văn hóa tâm linh của quê hương trong phạm vi tôn kính tổ tiên. Các Thừa sai tại Việt Nam (nhất là tại Trung Hoa) cảm nghiệm sâu xa điểm này, nên đã vọng vang qua Tòa Thánh, và Tòa Thánh đã đáp lại bằng Huấn thị «Plane compertum est» (xin xem bản dịch ở phần phụ lục) ngày 08.12.1939, nhìn nhận «việc tôn kính tổ tiên chỉ là một nghi thức biểu thị lòng hiếu thảo và có tính cách văn hóa, dân sự chứ không phải là tôn giáo». Huấn thị này áp dụng trước hết tại Trung Hoa và từ 1965, tại Việt Nam (xem nguyên bản trong phần phụ lục). Và đây là việc làm đáng ghi của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, được thành lập 1960. Nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo Trung Hoa và Việt Nam vô cùng phấn khởi, họ thực hiện lại những gì Tòa Thánh bây giờ cho phép, họ cảm nghiệm sâu xa về sự hòa hợp tròn đầy của đức hiếu thảo, của lòng tôn kính tổ tiên theo Thiên Chúa giáo và theo truyền thống dân tộc Việt Nam (xin đọc chứng từ của một nữ tu Việt Nam trong phần phụ lục).
IV. TÔN KÍNH TỔ TIÊN
CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY
TẠI QUÊ NHÀ VÀ Ở HẢI NGOẠI
Hiện nay, người Công Giáo Việt Nam, tại Quê Nhà cũng như ở hải ngoại, vẫn rất coi trọng việc tôn kính tổ tiên. Vì việc tôn kính tổ tiên có một chỗ đứng rất cao, rất vững và rất sâu rộng trong tâm thức của họ, xét theo căn tính, họ là người Việt Nam Công giáo hay người Công Giáo Việt Nam. Họ luôn nằm lòng rằng «cốt tủy của việc tôn kính tổ tiên là đức Hiếu Thảo», và việc làm của đức Hiếu Thảo là trọng kính, vâng lời, giúp đỡ, nhớ ơn tổ tiên, là cầu nguyện cho và với tổ tiên. Qua những thăm dò mới đây (2000) của Phạm Thị Bích Hằng tại Quê Nhà cũng như việc thăm dò của chúng tôi tại Pháp (2002), tiêu biểu cho người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, xác chứng điều quả quyết trên đây.
1. Tại Việt Nam hiện nay :
Phạm Thị Bích Hằng đã đặt ra 23 câu hỏi và gửi về bảy Giáo Phận, mỗi Giáo Phận 100 bản, để thăm dò và kết quả chúng ta thấy dưới đây.
Bảng 1 : Tổ tiên trong ý thức của cộng đồng Thiên Chúa Giáo (tính theo tỷ lệ phần trăm) (66)
số TT
|
Giáo Phận
|
Thấy Tổ Tiên quan trọng với con cháu.
|
Cần quan tâm và báo hiếu Tổ Tiên
|
Tin Tổ Tiên sẽ còn phù hộ
|
Có cầu xin với Tổ Tiên
|
1
|
Hà Nội
|
100
|
100
|
87,5
|
87,5
|
2
|
Kontum
|
100
|
100
|
86,7
|
82,7
|
3
|
Qui Nhơn
|
100
|
100
|
85,7
|
85,7
|
4
|
Ðà Lạt
|
100
|
100
|
100
|
100
|
5
|
Xuân Lộc
|
100
|
100
|
100
|
100
|
6
|
TP HCM
|
100
|
100
|
100
|
88,9
|
7
|
Cần Thơ
|
100
|
100
|
100
|
100
|
Trung bình
|
100
|
100
|
94,3
|
92,1
|
|
|
|
|
|
|
|
Nhìn vào bảng trên đây, chúng ta thấy :
● 100% số người được hỏi đã khẳng định : tổ tiên rất quan trọng đối với con cháu và do đó con cháu không chỉ quan tâm mà phải báo hiếu tổ tiên.
● 94,3% người Thiên Chúa giáo xác tín rằng tổ tiên còn phù hộ cho con cháu. Tổ tiên là trung gian hiệu lực giữa con cháu và Thiên Chúa trong mọi vấn đề tương quan đến cuộc sống cá nhân, gia đình.
● Do đó 92,1% các tín hữu vẫn thường cầu xin với ông bà, cha mẹ quá cố.
● Phạm Thị Bích Hằng còn thêm rằng : 100% số linh mục được hỏi đều xác quyết : những người quan tâm đến tổ tiên đều là những người sống đạo tốt, họ tin linh hồn bất tử, tin có đời sau, tin sự sống.
Bảng 2 : Bàn thờ Tổ Tiên trong gia đình Thiên Chúa Giáo (Tính theo tỷ lệ phần trăm) (67)
số TT
|
Giáo Phận
|
Có bàn thờ Tổ Tiên
|
Có thắp nhang
|
Ðặt hoa quả
|
Không để gì
|
1
|
Hà Nội
|
75
|
50
|
25
|
25
|
2
|
Kontum
|
74,7
|
69,3
|
20
|
32
|
3
|
Qui Nhơn
|
71,4
|
71,4
|
45,7
|
28,6
|
4
|
Ðà Lạt
|
97
|
81
|
12
|
15
|
5
|
Xuân Lộc
|
98,2
|
90,9
|
10,9
|
5,4
|
6
|
TP HCM
|
82,2
|
73,3
|
4,4
|
26,7
|
7
|
Cần Thơ
|
92,9
|
92,9
|
35,7
|
7,1
|
Trung bình
|
84,5
|
75,5
|
22
|
20
|
Từ bảng 2 ở trên, chúng ta nhận định :
● Trong mỗi gia đình Công Giáo, bàn thờ chính luôn là bàn thờ Chúa. Ðây là dấu của niềm tin, dấu chứng «là gia đình công giáo». Người ta thường cầu nguyện trước bàn thờ Chúa.
● Bàn thờ tổ tiên là bàn thờ thứ yếu, nhưng xứng đáng, trang trọng. 84,5% số người được hỏi đã quyết đáp «có bàn thờ» (hay treo di ảnh) của tổ tiên để tôn kính, tưởng nhớ, cầu nguyện đọc kinh cho tổ tiên, và để khấn vái tổ tiên.
● Kể từ khi Tòa Thánh cho phép, người Công giáo thường chưng bông, nến, hoa quả và hương nhang trên bàn thờ tổ tiên hay trước ảnh người quá cố. Với tỷ số 75,5% gia đình công giáo đốt hương hay niệm hương là dấu chứng các gia đình công giáo rất tôn kính tổ tiên và coi trọng truyền thống. Trên hết họ trung thành với đức tin công giáo, nhưng trước tiên họ hãnh diện về những truyền thống cao đẹp của dân tộc.
Bảng 3 : Thể hiện việc báo hiếu qua giỗ chạp (Theo tỷ lệ phần trăm) (68)
S TT
|
Giáo phận
|
Giỗ hàng năm
|
Giỗ long trọng
|
Giỗ bình thường
|
Xin lễ
|
Ðọc kinh chung
|
Cơm gia đình
|
Thăm mộ
|
Từ thiện
|
1
|
Hà Nội
|
100
|
62,5
|
37,5
|
100
|
87,5
|
87,5
|
50
|
25
|
2
|
Kontum
|
92
|
74,7
|
20
|
99 ,3
|
99,7
|
76
|
50,7
|
16
|
3
|
Quy Nhơn
|
85,7
|
28,6
|
57,1
|
94,3
|
85,7
|
60
|
60
|
31,4
|
4
|
Ðà Lạt
|
94
|
30
|
67
|
99
|
81
|
72
|
48
|
15
|
5
|
Xuân Lộc
|
96,4
|
41,8
|
58,2
|
98,1
|
98,1
|
61,8
|
65,5
|
14,5
|
6
|
TP HCM
|
93,3
|
15,6
|
84,4
|
100
|
80
|
60
|
40
|
6,7
|
7
|
Cần Thơ
|
100
|
28,5
|
71,5
|
100
|
100
|
85,7
|
42,8
|
21,4
|
Trung bình
|
94,5
|
40,2
|
56,5
|
98,7
|
90,3
|
71,9
|
51
|
18,6
|
Một trong những thể hiện lòng tôn kính tổ tiên là cẩn thủ ngày giỗ kỵ cha mẹ, ông bà hay thân nhân quá cố mỗi năm. Tỷ số 94,5% gia đình giữ ngày giỗ như trên thật quý và đáng hãnh diện. Và việc chính yếu của gia đình Công giáo là dâng Thánh Lễ. Ðức tin vào Thiên Chúa, vào Ơn Cứu Ðộ của Ngài là cơ bản. Thương mến, kính nhớ tổ tiên họ không mong gì hơn là tổ tiên được về Nước Chúa, được hưởng trọn vẹn Ơn Cứu Ðộ. Song song với việc dâng Thánh lễ là hợp nhau đọc kinh cho tổ tiên, hợp nhau trong bữa cơm gia đình, thân thuộc, là cùng nhau đi thăm mộ. Như mọi người Việt Nam, họ trung thành với truyền thống đầy ý nghĩa của Quê Hương trong việc thể hiện đức hiếu thảo, lòng tôn kính tổ tiên.
Bảng 4 : Nguyên do việc báo hiếu (69):
để báo hiếu
|
Sợ tổ tiên trách
|
theo thói quen
|
Sợ dư luận
|
96,6%
|
1,9%
|
5%
|
0,3%
|
Qua thành quả thăm dò trên đây, chúng ta phải khâm phục tinh thần tôn kính tổ tiên của người Công Giáo Việt Nam : Là người Việt Nam, họ trung thành với cốt lõi của đạo hiếu Việt Nam, là người công giáo họ cẩn thủ luật Chúa truyền và giáo huấn của Giáo Hội về đức hiếu thảo. Họ không làm, không giữ vì sợ tổ tiên, vì sợ dư luận hay vì thói quen, nhưng vì lòng thành, vì muốn báo hiếu cha mẹ, ông bà mà thôi !
2. Tại Hải Ngoại hiện nay.
Dựa trên các câu hỏi Phạm Thị Bích Hằng đã đặt ra, chúng tôâi cũng nêu lên 10 câu hỏi sau đây gửi đến các gia đình Công Giáo Việt Nam tại Paris, vùng phụ cận và các tỉnh xa :
1. Tuổi của Phụ huynh ? dưới 50 trên 50 ?
2. Theo Phụ huynh, Tổ Tiên (ông bà, cha mẹ quá cố) có quan trọng cho con cháu không ?
3. Theo Phụ huynh, có cần quan tâm và báo hiếu Tổ Tiên không ?
4. Theo Phụ huynh, Tổ Tiên còn phù hộ cho con cháu không ?
5. Phụ huynh có bao giờ khấn với Tổ Tiên không ?
6. Trong nhà của Phụ huynh, có bàn thờ hay di ảnh của ông bà, cha mẹ hay anh chị... quá cố không ?
7. Phụ huynh có thắp nhang, để hoa, trái cây trên bàn thờ hay trước di ảnh ?
8. Phụ huynh có quan tâm việc tổ chức lễ giỗ cho ông bà cha mẹ hay người thân quá cố không ?
9. Phụ huynh xin lễ, làm bữa cơm gia đình, thăm mộ, sửa sang mộ, làm việc thiện, đi dự Thánh Lễ ?
10. Nguyên do chu toàn bổn phận tôn kính Tổ Tiên : muốn báo hiếu Tổ Tiên, theo tục lệ, sợ người quá cố buồn hay sợ dư luận ?
Chúng tôi gửi đi 300 lá thư (kèm theo phong bì dán tem hồi âm) và chúng tôi nhận được 212 thư hồi âm và kết quả như sau :
Bảng 1 : Tổ tiên trong ý thức của cộng đồng Thiên Chúa Giáo (tính theo tỷ lệ phần trăm).
số
trả lời
|
Thấy Tổ Tiên quan trọng với con cháu.
|
Cần quan tâm và báo hiếu Tổ Tiên
|
Tin Tổ Tiên sẽ còn phù hộ
|
Có cầu xin với Tổ Tiên
|
67,8
|
96,48
|
97,98
|
77,88
|
71,85
|
Mặc dầu sống xa quê hươbg đã hơn một phần tư thế kỷ, người công giáo Việt Nam hải ngoại luôn trọng những truyền thống cao đẹp của dân tộc. Họ không phải là người mất gốc, càng không phải là ‘người đi đạo là bỏ cha bỏ mẹ’, nhưng là người biết ‘sách rách vẫn giữ lấy lề’, ‘muốn mến Chúa phải yêu người’ và người ‘ruột thịt nhất là cha mẹ, ông bà’. Do đó dù xiêu bạt nơi nao, sinh sống chốn nào họ vẫn canh cánh đức hiếu thảo bên lòng, vẫn ý thức đến lòng tôn kính tổ tiên. Nói khác như trên chúng ta thấy : họ vẫn ‘thấy tổ tiên quan trọng với con cái’ (96,46%) và do đó ‘con cái luôn quan tâm đến việc tôn kính tổ tiên’ (97,98%). Kết quả là họ xác tín rằng ‘tổ tiên bầu cử cho con cháu’ (77,88%) và ‘con cháu khấn nguyện với tổ tiên’ (71,85%). Nếu đem đối chiếu với thành quả thăm dò tại quốc nội, chúng ta thấy sự cách biệt không là bao.
Bảng 2 : Bàn thờ Tổ Tiên trong gia đình Thiên Chúa Giáo (Tính theo tỷ lệ phần trăm).
số trả lời
|
Có bàn thờ Tổ Tiên hay di ảnh Tổ Tiên.
|
Có thắp nhang
|
Ðặt hoa
|
Trái cây
|
67,8
|
83,91
|
43,2
|
59,79
|
36,68
|
Ý thức việc tôn kính tổ tiên là quan trọng, mối liên hệ giữa tổ tiên và con cháu thật thắm thiết, người công giáo ngày nay tại Việt Nam (như thành quả thăm dò ở trên), cũng như ở hải ngoại khá nghiêm chỉnh trong việc thể hiện việc tôn kính tổ tiên hay lòng hiếu thảo sau khi các vị mãn phần. Theo tục lệ của người Pháp (người Âu Mỹ) người ta đặt di ảnh của người quá cố nhiều hơn là lập bàn thờ theo truyền thống Việt Nam, người ta đặt hoa tươi, quả ngon trên bàn thờ, trước di ảnh của tổ tiên nhiều hơn là đốt nhang. Ðó là một khác biệt rõ nét giữa hai thành quả thăm dò chúng ta có ở trên.
Bảng 3 : Thể hiện việc báo hiếu qua giỗ chạp (Theo tỷ lệ phần trăm).
Số trả lời
|
Giỗ hàng năm
|
Xin lễ
|
Ði dâng lễ
|
Cơm gia đình
|
Sửa sang mộ
|
Thăm viếng mộ
|
Việc từ thiện
|
67,8
|
77,88
|
88,44
|
29,14
|
49,74
|
51,25
|
55,27
|
64,82
|
Tại Việt Nam, giỗ hàng năm (94,5%) và xin lễ hàng năm (98,7%) được quan tâm nhiều hơn. Tại Pháp số người xin lễ (88,44%) lại trội hơn số người giữ ‘giỗ hàng năm’ (77,88%). Sự ‘nghịch lý’ này có thể cắt nghĩa : vì một số người công giáo Việt Nam hải ngoại còn phân biệt việc xin lễ giỗ với việc tổ chức giỗ theo truyền thống. Chúng tôi không đặt câu hỏi về ‘tổ chức giỗ trọng’ hay ‘tổ chức giỗ thường’ hoặc ‘tổ chức đọc kinh chung tại gia đình’, vì chúng tôi biết thời giờ tại Pháp này không cho phép người ta nghĩ đến những chi tiết đó. Nhưng một điểm chúng ta thấy rõ rệt tính cách hội nhập văn hóa của người công giáo Việt Nam tại Pháp, đó là việc ‘đi viếng mộ’ (55,27%), sửa sang mộ (51,25%), nhất là ‘làm việc từ thiện’ (64,22%). Họ thể hiện việc tôn kính tổ tiên theo truyền thống bằng những thói quen thích thời và ý nghĩa của văn hóa nước người.
Bảng 4 : Nguyên do việc báo hiếu:
để báo hiếu
|
Sợ tổ tiên trách
|
theo thói quen
|
Sợ dư luận
|
96,6%
|
1,9%
|
5%
|
0,3%
|
Qua thành quả của việc thăm dò, chúng ta thấy người công giáo tại quê nhà cũng như ở hải ngoại, động cơ tôn kính tổ tiên của kitô hữu là ‘báo hiếu’ hay ‘sống đức hiếu thảo’. Ðiều này chứng tỏ họ tôn kính tổ tiên hoàn hảo vừa theo luật Chúa dạy, vừa theo cốt lõi của truyền thống dân tộc. Họ không làm vì thói quen, sợ dư luận hay sợ tổ tiên khiển trách. Thật đáng quý tinh thần hiếu thảo với tổ tiên như vậy.
Sau khi trình bày những kết quả thăm dò tại quốc nội cũng như ở hải ngoại, chúng ta có thể hãnh diện với lời khen của Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, tổng giám mục Paris, đã thốt lên trong buổi lễ tạ ơn tại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Paris, sau ngày Tuyên Phong Hiển Thánh cho 117 Chân Phước Tử Ðạo Việt Nam : «Tôi vui mừng nhận thấy người công giáo ở đâu (quê hương hay hải ngoại) vẫn trung thành với truyền thống tốt đẹp của Quê Hương của anh chị em».
V. TÔN KÍNH TỔ TIÊN TRONG VIỆC SỐNG ÐẠO VÀ
TRUYỀN GIÁO HÔM NAY
Công Ðồng Vatican II khai mạc tháng 10.1962 và bế mạc tháng 12.1965. Và ngày 15.10.1965, các Nghị Phụ đã biểu quyết bản tuyên ngôn «Nostra Aetate» về những liên lạc của Giáo Hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo. Trong đó các Nghị Phụ nhất trí : «Trong thời đại chúng ta, nhân loại ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, các mối liên lạc giữa các dân tộc cũng gia tăng, nên Giáo Hội đặc biệt chú tâm đến việc liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (NK 1)... Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy nơi nhiều dân tộc khác nhau một cảm thức về quyền lực tàng ẩn trong vòng chuyển biến của sự vật và trong những biến cố của đời người, đôi khi còn thấy cả sự nhìn nhận một vị Thần Linh Tối Cao hay một Người Cha. Cảm thức và sự nhìn nhận đó làm cho cuộc sống của họ thấm nhuần ý nghĩa tôn giáo. Phần các tôn giáo có liên quan mật thiết với tiến bộ văn hóa thì cố gắng giải đáp những vấn đề trên bằng những ý niệm sâu xa và bằng thứ ngôn ngữ ngày càng tinh tế (...) Vì thế, Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thực Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người» (NK2). Qua những lời trên đây, các Nghị Phụ hình như muốn ám chỉ đến các Tín Ngưỡng Cổ Thời tại Á Châu, như Ðạo Thờ Trời, Ðạo Thờ Ông Bà, Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam.
Mà thật, «Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật giáo, Khổng giáo, và nhất là đạo Ông Bà đã xây dựng trên một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái (...). Nước Việt Nam là một mảnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin Mừng» (70). Ðạo lý Ðông Phương vốn trọng chữ Trung, chữ Hiếu và chữ Nhân, nên rất gần với Kitô giáo luôn trung thành với Chúa, hiếu thảo với ông bà và nhân ái với mọi người. Do đó, chúng ta không khỏi buồn lòng đọc lại những va chạm còn ghi lại trong lịch sử của cả đôi bên. Ðành rằng bên nào cũng có những lý do của mình và chúng ta là hậu thế, chúng ta không có quyền trách móc. Tuy nhiên có một sự thật khách quan phải nhìn nhận, là cả hai bên đều thiếu tinh thần đối thoại, chưa tìm hiểu các tôn giáo bạn của mình cho đủ, cũng như còn thiếu tinh thần cởi mở và tinh thần hội nhập văn hóa. Phải đợi gần 200 năm sau (1742-1936) mới có một dung hòa tốt đẹp cho Trung Hoa và hơn 200 năm (1742-1965) cho Việt Nam. Lý do chậm trễ của việc áp dụng muộn màng cho Việt nam có lẽ vì tình hình chiến tranh, vì mãi tới 1960 Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam mới được thành lập. Chính thức thì muộn màng, nhưng thực tế đã có những cởi mở và dung hòa tốt đẹp với những «cơn gió cởi mở» của Công Ðồng Vatican II (1962-1965).
Theo sự suy nghĩ của người viết, chính tinh thần cởi mở của Công Ðồng Vatican II đã giúp mọi thành phần, đặc biệt các nhà lãnh đạo, của Giáo Hội Việt Nam, rút ra nhiều bài học của quá khứ, đồng thời nêu bật những cái nhìn mới, thích hợp với việc sống đạo và truyền đạo trong bối cảnh tôn kính tổ tiên :
● Tinh thần hội nhập văn hóa của Giáo Hội vào truyền thống Việt Nam, đúng như lời huấn dụ của bộ Truyền Giáo dành cho hai vị Ðại Diện Tông Tòa đầu tiên tại Việt Nam : «Các vị đừng tìm cách, tìm lý để thuyết phục các dân tộc thay đổi các nghi thức, tập tục và phong hóa của họ, trừ ra khi thấy rõ ràng là trái ngược với tôn giáo và luân lý (...) Ðừng bao giờ so sánh các tập tục của bản xứ các vị tới với tập tục của các nước Âu Châu. Trái lại các vị phải cố gắng làm quen với các tập tục của bản xứ. Hãy chiêm ngắm và ca tụng những gì đáng ca tụng. Nếu không ca ngợi cũng phải khôn ngoan, đừng phê phán và đừng bao giờ kết án một cách thiếu suy xét hoặc quá đáng» (71). Hội nhập văn hóa là một trong những điểm nổi bật của sắc lệnh Truyền Giáo (TG) :
- Kính trọng, duy trì và làm phát triển các truyền thống tốt đẹp của bản xứ : «Mọi dân tộc đều đòi hỏi được nhìn nhận bằng nhau, dân tộc này đối với dân tộc khác. Giáo Hội đã có trước sự nhìn nhận này trong tinh thần hiệp thông. Ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa, đều được đối xử bình đẳng, bởi vì tất cả đều bằng nhau trong chương trình của Thiên Chúa... Mỗi xứ truyền giáo (hay mỗi Giáo Hội trẻ) được nẩy nở từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và nền khoa học của dân tộc mình... Vì thế, đời sống Kitô giáo sẽ được thích nghi với tinh thần và đặc tính của từng nền văn hóa, những truyền thống đặc thù và đặc tính riêng của mỗi gia đình dân tộc, nhờ được ánh sáng Phúc Âm chiếu soi, sẽ được đón nhận vào sự hiệp nhất công giáo...» (TG 22)
- Giáo Hội hòa nhập vào các nền văn hóa : «Giáo Hội được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời. Trung thành với truyền thống riêng và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn» (MV 58).
- Trách nhiệm hội nhập văn hóa của mỗi Giám Mục và mỗi Hội Ðồng Giám Mục : «Ngoài những lãnh vực liên quan đến đức tin và lợi ích cho toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội không muốn ấn định một hình thức cứng rắn nào, ngay cả trong phụng vụ. Hơn nữa Giáo Hội còn tôn trọng cũng như phát huy những tinh hoa, những đặc tính của các dân nước. Bất cứ những gì trong tập tục, không liên quan mật thiết với dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội mến phục với thiện cảm, và nếu có thể, còn được bảo tồn trọn vẹn. Hơn nữa, những tập tục ấy còn được Giáo Hội nhận vào trong Phụng Vụ, miễn sao hợp với những nguyên tắc của tinh thần Phụng Vụ đích thực và chân chính» (PV 39). «Vậy, ước mong mỗi Giám Mục và mỗi Hội Ðồng Giám Mục ở những xứ truyền giáo hay những vùng rộng lớn, cùng chung một nền văn hóa xã hội, hiệp nhất với nhau thế nào có thể đồng tâm hợp ý theo đuổi đường hướng thích nghi đó» (TG 22).
● Ðối thoại và kính trọng tương hỗ giữa các tôn giáo, giữa Thiên Chúa Giáo và các dân tộc: Ðây là một thành quả tốt đẹp của thời sau Công Ðồng, ở khắp nơi và riêng tại Việt Nam dưới nhiều khía cạnh :
- Ðể phát triển phẩm giá con người : «Ðặc tính xã hội của con người cho thấy rõ sự thăng tiến của nhân vị và sự phát triển của xã hội lệ thuộc nhau. Thực vậy, nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội, bởi vì tự bản chất nhân vị phải hoàn toàn cần đến đời sống xã hội. Cho nên vì đời sống xã hội đối với con người không phải là một cái gì phụ thuộc, do đó nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người được tăng triển mọi khả năng của mình và có thể đáp ứng được thiên chức của mình» (MV 25) «Cuộc đối thoại huynh đệ giữa con người được hoàn hảo không nguyên trong những tương quan và tiến bộ kỹ thuật, nhưng một cách sâu xa hơn trong cộng đồng nhân vị» (MV 23)
- Ðể chứng tỏ sự kính trọng và lòng yêu thương : «Người Kitô hữu sống Phúc Âm là người biết thực lòng kính trọng và yêu thương những người không cùng một cảm nghĩ hoặc cùng một hành động với chúng ta trong những vấn đề xã hội, chính trị hay cả tôn giáo nữa. Quả vậy, càng lấy sự nhân ái và yêu thương để tìm hiểu sâu xa hơn những cách cảm nghĩ của họ, chúng ta càng dễ dàng đối thoại với họ» (MV 28) (25).
● Hội nhập văn hóa và đối thoại là hai điểm nổi bật trong những phát biểu của các Giám Mục Việt Nam tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu :
- Trong bản góp ý, các Giám Mục nhận định và đề nghị : «Người Á châu đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tôn giáo đã có từ lâu đời, nên tỏ ra khá dị ứng với Kitô giáo, bị coi là một tôn giáo của Tây phương. Trong lãnh vực huấn giáo (catéchèse), chúng ta nên dùng ngôn ngữ và hình ảnh của Á châu để trình bày nội dung đức tin. Cần khuyến khích và nâng đỡ việc suy tư thần học các Giáo Hội địa phương nhằm tiến tới một nền Thần học Á châu» (72)
- Trong bản trả lời các câu hỏi, về phần quan điểm, các Giám Mục bày tỏ : «Một Hội Thánh như cộng đồng gia đình sẽ dễ hội nhập vào trong xã hội Á châu. Các tín hữu Công giáo sẽ đến với anh em đồng bào của mình không phải như những kẻ xa lạ đến để thuyết phục, hay ban phát, mà trước hết là để gặp gỡ chia sẻ. Chia sẻ là vừa cho vừa nhận. Chính Ðức Kitô đã làm như vậy khi người nhận từ nhân loại máu mủ, xương thịt, cơm ăn áo mặc, lời nói và văn hóa v.v... để rồi có thể chia sẻ cho nhân loại tình thương của Thiên Chúa nhờ tất cả những gì Ngài đã nhận được từ nhân loại» (73)
- Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Hòa mở lời bằng nhận định : «Chúng ta đang sống trong một Á châu với đại đa số dân cư thuộc những truyền thống văn hóa và tôn giáo không Kitô giáo. Những truyền thống ấy đã có từ nhiều thế kỷ trước Chúa Kitô. Sự kiện này thúc đẩy chúng ta đặt ra nhiều vấn đề về Kitô học, về Giáo Hội và về Truyền giáo» (74).
- Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Sang, trong phần kết thúc của bài phát biểu, đã hướng về tương lai với nhiều đề nghị mà điều thứ 3 và 4 là : «Cần đối thoại với mọi người, kể cả những người vô thần, để tìm cách xây dựng công ích. Cần thăng tiến sự hội nhập văn hóa một cách chân chính để người Công giáo cảm thấy thoải mái hơn trong việc thực hành đức tin của mình» (75).
● Riêng về việc tôn kính tổ tiên, có hai Giám mục phát biểu như sau:
- Ðức Giám Mục Nguyễn Sơn Lâm đi từ hội nhập văn hóa đến việc thờ cúng tổ tiên : « Xin cho phép tôi nhắc thêm rằng vấn đề hội nhập văn hóa không phải là điều mới trong Giáo Hội. Nó đã được thực hiện ngay từ đầu, từ thời các Tông Ðồ. Việc hình thành các sách Tin Mừng nhất lãm từ một nguồn chung là một bằng chứng tỏ tường: mỗi sách Tin Mừng đã chẳng phát sinh trong một nền văn hóa khác nhau đó sao? Người ta có thể nói việc hội nhập văn hóa không bao giờ vắng bóng trong đời sống Giáo Hội. Lý do thật đơn giản, chính mầu nhiệm Nhập Thể luôn hiện diện trong ý thức của cộng đoàn Kitô. Nhưng phải khiêm tốn nhìn nhận, (trong lịch sử, việc hội nhập văn hóa đã bị quên sót một cách đáng trách, như trường hợp tại Việt Nam) : Giáo lý Kitô được giảng dạy mà không để ý tới chiều sâu tôn giáo của tâm hồn Việt Nam... Tâm hồn tôn giáo ấy được biểu lộ trong những thái độ rất cụ thể của lòng hiếu thảo, được phát triển dưới hình thức thờ cúng tổ tiên và diễn tả trong luân lý gia đình của Khổng Tử. Cần thấy rõ ràng không có mâu thuẫn nào về phương diện đạo lý, giữa tư tưởng Việt Nam và Kitô giáo...» (76)
- Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể cũng đi từ hội nhập văn hóa đến việc tôn kính tổ tiên : «Tất cả chúng ta đều xác tín về tầm quan trọng của sự hội nhập văn hóa trong công cuộc truyền giáo. Riêng về Việt Nam, sự hội nhập văn hóa phải đương đầu với một vấn đề rất hệ trọng là việc tôn kính tổ tiên. Ngày nay chúng tôi nói «tôn kính tổ tiên» (vénération) thay vì «thờ cúng tổ tiên» (culte) để phân biệt rõ ràng hơn về phương diện thần học. Tất cả các thừa sai và các nhà nhân chủng học như Léopold Cadière, sống tại Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc thờ thần hay là đạo thờ vật linh, là tôn giáo chính ở Việt Nam, và việc tôn thờ tổ tiên là một trong những yếu tố nồng cốt nhất của tôn giáo đó. Các tôn giáo khác hoặc các đạo lý như đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật đến từ Trung Quốc, cũng đã phải du nhập những yếu tố đó trước khi được dân chúng chấp nhận (...) Riêng Thiên Chúa giáo, mãi tới năm 1965, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam mới có thể cho phép dần dần thực hành một số hình thức tôn kính tổ tiên trong gia đình, trong đó có đặt ảnh hoặc bài vị tổ tiên và có thể dâng nhang và bái kính (...). Quả thật, việc tôn kính tổ tiên là một yếu tố văn hóa và luân lý, công trình truyền giáo ở Việt Nam có thể dùng yếu tố văn hóa rất phong phú đó và hội nhập dễ dàng vào trong giáo huấn về sự hiệp thông của các Thánh» (77)
THAY LỜI KẾT
Trên đây chúng ta đã trình bày :
I. Những nét chính yếu về việc tôn kính tổ tiên theo truyền thống Việt Nam.
II. Tôn kính tổ tiên trong Thiên Chúa Giáo.
III.Từ va chạm đến dung hòa.
IV.Tôn kính tổ tiên của người công giáo Việt Nam hiện nay tại quê nhà và ở hải ngoại.
V. Tôn kính tổ tiên trong việc sống đạo và truyền giáo hôm nay.
Tuy không đầy đủ, những điều trình bày trên đây cho chúng ta thấy rằng : tự nó giáo lý của đạo công giáo không mâu thuẫn với căn tính tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, thờ Trời và tôn kính tổ tiên ; bởi đó, tự nó đạo Công Giáo đã hội nhập vào chính nền văn hóa tâm linh cao cấp của Việt Nam là ‘đạo thờ Trời’ và ‘đạo thờ kính Tổ Tiên’. Tuy nhiên, đã bao nhiêu năm người ta vô tình hay hữu ý chưa nhận ra hay chưa đào sâu, chưa khai triển đủ những ưu điểm này. Vì thế, có những hiểu lầm, những va chạm đáng tiếc và tai hại đã xẩy ra trong dòng lịch sử. May mắn là với sự biến chuyển chung của lịch sử loài người, trong đó có lịch sử của Giáo Hội, mà những mốc điểm đáng ghi nhớ liên quan đến việc thờ kính tổ tiên, là Huấn thị «Plane compertum est» (1939), Công Ðồng Vatican II (1962-1965) và Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (1998), không những cho phép mà còn thúc đẩy chúng ta, người Công Giáo Việt Nam, tại quê nhà hay ở hải ngoại, hãy sống và thể hiện truyền thống tôn kính tổ tiên. Ðây là bài học quý giá mà những người Công Giáo Việt Nam đầu tiên đã để lại cho chúng ta. Là con cháu các Thánh Tử Ðạo, chúng ta hãnh diện và nằm lòng lời giảng huấn của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thánh lễ Tuyên Phong Hiển Thánh của 117 Chân Phước Tử Ðạo Việt Nam. Ðức Thánh Cha nói : «... Các vị Tử Ðạo Việt Nam đã khởi sự giữa lớp người đồng hương và giữ nền văn hóa dân tộc một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, bằng cách nêu cao chân lý và tin vào Chúa là sự kiện phổ cập tất cả hoàn cầu. Ðồng thời các Ngài góp phần vào việc nhận định các giá trị và nghĩa vụ thích hợp với nền văn hóa tôn giáo trong thế giới Ðông Phương.... Ra trước quan quyền tra khảo về Ðức Tin, các vị Tử Ðạo đã quả quyết mình được tự do tín ngưỡng, và Ðạo Chúa Trời là đạo duy nhất, nếu mình từ bỏ là bất tuân lệnh Thượng Ðế, là Thiên Chúa. Ðồng thời các Ngài đã can đảm nói lên ý chí tôn trọng quyền bính trong nước, nhưng không vì thế mà làm điều gì bất chính. Các Ngài đã dạy phải tôn kính Tổ Tiên theo truyền thống dân tộc, và dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh. Do đó với sự dấn thân và hành động chứng nhân của các vị Tử Ðạo, Giáo Hội Việt Nam hiên ngang nói lên sự quyết tâm và tha thiết của mình không chối bỏ truyền thống văn hóa và các thể chế quốc gia. Trái lại, Giáo Hội tuyên xưng rằng : nếu mình nhập cuộc trong truyền thống và văn hóa dân tộc là vì có ý góp phần vào việc xây dựng quốc gia một cách trung thực hơn » (78).
Paris, lễ các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, 24.11.02
--------------------------------------------------
1. Trần Ngọc Thêm, ‘Tìm về bản sắc Văn Hóa Việt Nam», T/P Hồ Chí Minh, 2001, tr.249
2. Phan Thiết, «Ðất Việt, Người Việt, Ðạo Việt», nxb Văn Nghệ Tiền Phong, Virginia, USA, 1995, tr. 267 ; Ðào Duy Anh, «Việt Nam Văn Hóa Sử Cương», Huế, 1938, tr. 202-203.
3. Toan Ánh, «Tín Ngưỡng Việt Nam» I, Xuân Thu, ‘Tế Nam giao’ tr. 267-273 ; Trần Ngọc Thêm, sd, tr. 243; Phan Thiết, sd, ‘Tín ngưỡng thờ Trời’ , tr. 267-271.
4. Ðọc thêm Báo Giáo Xứ Việt Nam, Paris, số 181, 03.2002, ‘Quan niệm về Trời trong Cung Oán Ngâm Khúc’; số 184, 06.2002, ‘Ðạo Trời trong tục ngữ ca dao’.
5. Bảo Ðại, «Con rồng Việt Nam», ‘Hồi ký chính trị 1913-1987’, Nguyễn Phước Tộc xuất bản, Hoa Kỳ, 1990, tr. 86 và 102. ; Phan Thiết, sd, tr. 298, ghi chú (1).
6. Nhiều khi người Việt Nam tách linh hồn thành ‘hồn’ và ‘via’, xem Trần Ngọc Thêm, sd, tr. 247 ; Ðào Duy Anh, sd , tr. 203.
7. Phan Thiết, sd, ‘Tín ngưỡng tin vào linh hồn bất diệt’, tr. 271-274.
8. Quanh chữ ‘Ðạo’, xin đọc Ðường Thi « Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo» , Hoa Kỳ, 2000, ‘Quan niệm Ðạo trong Nho giáo, trong Lão giáo’, tr. 265-298.
9. Toan Ánh, sd, tr.23.
10. Toan Ánh, sd, II, ‘Lễ Tảo Mộ, lễ Thanh Minh’, tr. 352-360 : «Thanh Minh trong tiết tháng 3, Lệ là Tảo Mộ, hội là Ðạp Thanh»
11. Phan Kế Bính, «Việt Nam Phong Tục», Xuân Thu, Hoa Kỳ, ‘Vợ lẽ’ tr. 63-64 ; Ðào Duy Anh, sd, tr. 115
12. Trần Trọng Kim, «Nho Giáo», Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, ‘Quan niệm về Trời và về Người’, tr. 68-94 ; Ðường Thi, sd, tr. 264-283 ; Phan Thiết, sd, tr. 276-277.
13. Trần Trọng Kim, sd, ‘Lời Phát Ðoạn’, tr. XXI.
14. Vũ Khiêu, «Nho giáo và Gia đình», Hà Nội, 1995, tr. 26.
15. Vũ Khiêu, sd, tr. 80.
16. Phạm Thị Bích Hằng, «Vấn đề Thờ Cúng Tổ Tiên trong nền văn hóa đương đại ở Việt Nam» (Luận văn tốt nghiệp Ðại Học chuyên ngành văn hóa Ðông Nam Á, khóa 1994-1998), TP. Hồ Chí Minh 1998, tr. 25.
17. Bùi Văn Nguyên, «Việt Nam truyện cổ triết lý và tình thương», trưng dẫn bởi Phạm Thị Bích Hằng, sd, tr.21
18. Toan Ánh, sd, I, ‘Lẽ Siêu thăng’ tr. 333-336.
19. Phật Học Phổ Thông, I, ‘Vu Lan Bồn’, tr. 217-225 ; Toàn Ánh, sd, I, ‘Lr Vu Lan’, tr. 326-333.
20. Nguyễn Ðăng Duy, «Văn Hóa Tâm Linh», Hà Nội, 1966, ‘Ý nghĩa việc cúng 49 ngày’, tr. 169-171.
21. Ðào Duy Anh, sd, tr.196 ; Phạm Thị Bích Hằng, sd, tr. 24.
22. Ðức Huỳnh Giáo Chủ «Sấm giảng», Saigon, 1962, tr. 128-133 ; Toàn Ánh, sd, tr. 394
23. Phạm Thị Hằng, sd, tr. 24.
24. MaJihima Nikaya II, đoạn 101, tr. 222, trưng dẫn bởi Phan Thiết, sd, tr. 281.
25. Cuốn «Thọ Mai Gia Lễ» : nhiều người nhầm tưởng đây là sách của Tàu, thực ra đây là sách của tiến sĩ Hồ Sĩ Tân (1690-1760), hiệu là Thọ Mai, người làng Hoàn Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An, sống vào thời cuối nhà Lê, soạn ra. Dĩ nhiên khi soạn cuốn sách này, ông có tham khảo cuốn sách Tàu tên là Chu Công Gia Lễ (xem Trần Ngọc Thêm, sd, tr. 2256) ; «Việt Nam Văn Hóa Sử Cương» của Ðào Duy Anh (tr. 193-202) ; «Việt Nam Phong Tục» của Phan Kế Bính : «Nếp Cũ» I của Toan Ánh (tr. 22-52) ; «Văn Hóa Tâm Linh» của Nguyễn Ðăng Duy (tr. 161-178).
26. Những chữ viết tắt : sd : sách dẫn ; 1Ga : Thư I của thánh Gioan Tông Ðồ ; St : sách Sáng Thế ; Ðnl : sách Ðệ Nhị Luật, Mt, Mc, Lc : Phúc âm theo thánh Matthêu, thánh Maccô, thánh Luc (bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh «Kinh Thánh trọn bộ Cực Ước và Tân Ước», TP Hồ Chí Minh, 1998) ; GLGHCG : sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (ban hành tại Roma, 11.10.1992, bản dịch Việt ngữ, Sài gòn, 1994 ; MV : hiến chế mục vụ «Gaudium et Spes» ; GH : hiến chế Giáo Hội, TG : sắc lệnh Truyền Giáo, PV : hiến chế Phụng Vụ (bản dịch Việt ngữ cũa Giáo Hoàng Học Viện Pio X «Thánh Công Ðồng Chung Vaticano II», Ðà Lạt, 1972).
27. Xem «Bổn dạy những lẽ cần», ấn bản của Ðịa phận Hà Nội, 1958, tr. 121.
28. «Nghi Lễ An Táng», bộ Phụng Tự ban hành tại Roma 15..08.1969, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Giám Mục về Phụng Vụ, Sài gòn 1974.
29. «Bộ Giáo Luật» được ban hành tại Roma, bản dịch việt ngữ do Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ ấn hành tại Hoa Kỳ, 1986.
30. «Directoire pour les Missions de la Cochinchine Occidentale et du Cambodge», Saigon, Tân Ðịnh 1922, tr.127 ; «Luật riêng của Ðịa Phận Hà Nội», Hà Nội, 1941, tr. 139-140.
31. Cuốn «Tháng cầu cho các Linh hồn», Kinh Ðô ấn quán, Hoa Kỳ, xem ‘Gốc tích tháng các Linh Hồn’, tr.8, ‘Lý do tôn kính các Linh Hồn’ tr. 9, ‘Chuông thần báo tử’ tr. 19, ‘Ai đã thành lập Lễ các Linh Hồn’ tr. 29, ‘Lời cầu nguyện là chìa khóa mở cửa Thiên Ðàng cho các Linh Hồn’ tr. 74, ‘Khấn xin các Ðẳng Linh Hồn rất hiệu nghiệm’ tr. 91.
32. Theo lời Ðức Phật dạy Mục Kiền Liên, thì «nhờ công đức của chư tăng chủ nguyện trong ngày lễ Vu Lan, cha mẹ hiện tại được tăng long phước thọ... còn cha mẹ bảy đời trước khỏi bị ngã quỷ... » , Phật Học Phổ Thông I, tr.222 ; Nguyễn Ðăng Duy viết : «Cúng tốt khốc (thôi khóc) : được 100 ngày, linh hồn có mầm mống đầu thai kiếp khác, nên không còn thương nhớ, thôi khóc, cũng không phải cúng cơm hằng ngày nữa » sd,tr.172 ; Phạm thị Bích Hằng ghi : «Theo Phật giáo, khi tổ tiên cha mẹ qua đời, tâm thức rời xác thể xuống địa ngục chờ một thời gian là 49 ngày, thời gian này được gọi là "định kiếp", sau 49 ngày này, người chết sẽ hóa sang một kiếp khác... Một khi đã hóa kiếp, con cháu có làm gì cha mẹ cũng không còn được hưởng nhờ nữa. Những ngày giỗ mỗi năm chỉ là dịp tưởng nhớ cha mẹ mà thôi », sd, tr.24.
33. Vũ Khiêu, sd, tr. 27 ; Phạm Thị Bích Hằng, sd, tr. 25.
34. Toan Ánh, sd, tr.46
35. Phan Kế Bính, sd, tr. 26 và 30
36. Ý nghĩa 49 ngày, 100 ngày theo truyền thống, xem Nguyễn Ðăng Duy, sd, tr. 169-171 ; Phạm thị Bích Hằng sd, tr. 24. .
37. Toan Ánh, sd, tr. 52
38. Toan Ánh, sd, tr.23
39. Phạm Thị Bích Hằng, sd, tr.31
40. Toan Ánh, sd, tr.387, 394.
41. Toàn Ánh, sd, tr.19
42. Nguyễn Ðăng Duy, sd ‘Thờ cúng Tổ Tiên bắt nguồn từ đâu’, tr. 180-182 ; Phạm Thị Bích Hằng, sd, ‘Nguồn gốc của tín ngưỡng Thờ cúng Tổ Tiên’ tr. 6-20.
43. Toan Ánh, sd, tr. 20.
44. Ðỗ Trịnh Huệ, sd, tr. 177-179
45. Paul Ðào, «Tôn kính Tổ Tiên hay Ðạo Ông Bà» trong báo Dân Chúa Âu Châu, số 217, 11.2002, tr. 21-26.
46. Joseph Nguyễn Huy Lai, «La tradition Spirituelle Sociale au Vietnam», Paris, 1981, tr. 460.
47. Chúng ta biết Ðức Giáo Hoàng Chementê XI ra sắc lệnh ngày 20.11.1704, chấm dứt ‘Mọi tranh luận về Nghi Lễ’ và cấm người công giáo không được dâng lễ vật thờ cúng tổ tiên dù tại đình chùa hay tại tư gia, cấm không được giữ các Bài vị của người quá cố. Trong hiến chế ‘Ex Illa’, ra ngày 19.3.1715, ngài còn nhắc lại những điều cấm này và truyền cho mọi Thừa sai phải thề với các Ðại Diện Tông Tòa mà họ trực thuộc. Ðức Giáo Hoàng Clementê XII, lại ra đoản sắc ngày 26.9.1735, và đức Bênêdictô XIV, trong tự sắc «Ex quo singulari», ra ngày 11.7.1742, duy trì các điều cấm của các vị tiền nhiệm.
48. «Các Thư Chung» I, Kẻ Sặt, 1903, tr. 11-19.
49. «Các Thư Chung» I, sd, tr. 46
50. «Các Thư Chung» I, sd, tr. 92.
51. «Các Thư Chung» I, sd, tr. 121, 193.
52. «Lịch sử Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1945», c.I, Văn phòng Tòa Giám Mục Huế 1994, tr. 88-89.
53. Nguyễn Hồng, «Lịch Sử Truyền Giáo Việt Nam», Sài gòn, 1959, tr. 280.
54. Phan Kế Bính, sd, tr. 32-33
55. Trần Ngọc Thêm, sd, 263.
56. Nguyễn Tài Thư và nhiều Tác giả, «Lịch sử Phật giáo Việt Nam», Hà Nội, 1991, tr. 459
57. Dương Quảng Hàm, «Văn Học Sử Yếu», Sài gòn, tr. 63.
58. Nguyễn Thư Tài, sd, tr. 473.
59. Thích Thiện Hoa, «Tài liệu nghiên cứu và diễn giảng», đặc biệt các bài ‘Ðạo phật với vấn đề «Ðấng Tạo Vật», ‘Ðạo Phật phải là tôn giáo không’, Phật Học Viện Quốc Tế, Hoa Kỳ, 1990, tr. 67-74 và 89-106
60. Phan Phát Huồn, «Việt Nam Giáo Sử», I, Sài gòn 1956, tr.244-245 ; Phạm Thị Bích Hằng, sd, 37.
61. Nguyễn Hồng, sd, tr. 57.
62. Phan Phát Huồn, sd, tr. 242 và +08 ; Nguyễn Hồng, sd, tr. 57.
63. Phan Phát Huồn, sd, ‘Văn Thân’, tr. 506-528.
64. Nguyễn Thư Tài, sd, ‘Khuynh hướng nhập thế trong Phật giáo’, ‘Phong trào chấn hưng Phật giáo trong các năm đầu thế kỷ XX’, tr. 443-500.
65. Kiêm Ðạt, «Lịch sử tranh đấu Phật giáo Việt Nam I», Hoa Kỳ 1981, tr. 46.
66. Phạm Thị Bích Hằng, sd, tr. 49
67. Phạm Thị Bích Hằng, sd, tr. 51
68. Phạm Thị Bích Hằng, sd, tr. 53
69. Phạm Thị Bích Hằng, sd, tr. 68
70. Trần Anh Dũng và nhiều tác giả, «Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 1980-2000», Paris 2001, tr. 454
71. Thời Ðiểm Công Giáo, số 48,10.1997, tr.10-11.
72. Trần Anh Dũng, sd, tr. 450-452
73. Trần Anh Dũng, sd, tr. 461
74. Trần Anh Dũng, sd, tr. 466-470
75. Trần Anh Dũng, sd, tr. 473
76. Trần Anh Dũng, sd, tr. 480-481
77. Trần Anh Dũng, sd, tr. 474-476
78. «Kỷ Yếu Phong Thánh Tử Ðạo Việt Nam », 1989, tr.95.