HỌC THUYẾT CÔNG GIÁO VỀ GIA ÐÌNH TRONG THẾ KỶ XXI
LÊ ÐÌNH THÔNG
HỌC THUYẾT CÔNG GIÁO
VỀ GIA ÐÌNH
TRONG THẾ KỶ XXI
Ban Mục vụ Gia đình thành lập tại Giáo Xứ năm 1995 đến năm 2005 vừa tròn 10 tuổi. 10 năm hoạt động gồm 5 năm cuối thế kỷ XX, 5 năm đầu thế kỷ XXI. Sự gối đầu năm tháng với :
• nửa thời gian gắn liền với thế kỷ XX mang ý nghĩa thường xuyên (permanence) ;
• nửa thời gian còn lại bước sang thế kỷ XXI mang ý nghĩa biển dâu (métamorphoses) cho thấy các định chế gia đình không ngừng biến chuyển.
Tính thường xuyên của định chế gia đình được trình bầy trong bài chuyên khảo ‘‘Xã hội học Gia đình Công giáo Việt Nam’’ trong Ðường vào Tình yêu do Giáo Xứ ấn hành năm 2000. Bài viết về «Học thuyết Công giáo về Gia đình trong Thế kỷ XXI» trong Văn Hóa Gia Ðình (2006) chủ yếu khai triển về một số vấn đề mới phát sinh trong thiên niên kỷ mới. Gia đình xưa và nay khác nhau ở chỗ gia đình xưa tra vấn gia đình từ đâu đến. Ngược lại, gia đình ngày nay tự hỏi sẽ đi về đâu. Trong tác phẩm Muối đất (Le Sel de la terre), Ðức Hồng Y Josef Ratzinger (nay là Ðức Thánh Cha Bênêdictô XVI) nhận định: ‘‘Vào cuối thế kỷ XX, nhiều học thuyết xã hội trước kia rất ăn khách đều đã sụp đổ. Có thể dẫn chứng : chủ nghĩa mác xít (Marx : tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân), phân tâm học (Freud : tôn giáo là tâm loạn của nhân loại). Thời mới đã đến rồi.’’[1] Ðức Ratzinger đã mệnh danh thời đại mới là ‘‘mùa xuân mới của tinh anh nhân loại’’[2]. Mùa xuân mới là thời điểm để tìm hiểu các quan điểm của Giáo hội về gia đình trong thế kỷ XXI. Giáo hội là một căn nhà lớn che chở mỗi gia đình chống lại nhiều hiểm họa : gia đình mất đi tình liên đới, gia đình không còn là nơi trao đổi v.v. Bài này nhằm giới thiệu quan điểm của một số tác giả công giáo trước các biến chuyển của gia đình ngày nay, đặc biệt là các vị lãnh đạo Giáo hội và Giáo phận. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy :
• Luận đề: Các biến chuyển của gia đình hiện nay.
• Phản đề: Các khó khăn trong lãnh vực gia đình.
• Hợp đề: Học thuyết công giáo về gia đình trong thế kỷ XXI.
I - CÁC BIẾN CHUYỂN CỦA GIA ÐÌNH HIỆN NAY :
Các biến đổi về kinh tế và xã hội vào cuối thế kỷ XX đã làm thay đổi liên hệ gia đình. Gia đình là định chế lâu đời nhất của xã hội loài người. Một số người lo ngại tương lai của định chế này trước những thử thách của thời đại. Nhưng gia đình vẫn còn đó. Nhiều nhà xã hội học, nhân loại học, tâm lý gia, kinh tế gia v.v. đã đề nghị nhiều khuôn mẫu khác nhau. Chủ nghĩa mác xít chủ trương tập thể hóa gia đình. Mô hình này từng được áp dụng ở Trung Quốc (dưới thời Mao Trạch Ðông) và Kampuchia (dưới thời Pol Pot) nhưng đều thất bại. Emile Durkheim cho rằng kiểu mẫu gia đình hạt nhân gồm vợ chồng con cái vẫn còn thích hợp trong xã hội hiện nay.
Sự biến chuyển của định chế gia đình được phác thảo qua một số ngành học có liên hệ đến gia đình : dân số học, luật học, kinh tế học, nhân chủng học, lịch sử, tâm lý học, phân tâm học và chính trị học.
1.1. Dân số học :
Tự điển Dân số học của Liên Hiệp Quốc định nghĩa : Dân số học là khoa học nhằm nghiên cứu dân cư, đồng thời bàn về chiều hướng, cơ cấu, sự tiến triển cũng như các đặc tính chung khác, nhất là về phương diện số lượng.’’ Ðịnh nghĩa này vừa tĩnh khi xét đến ‘‘tình trạng dân số’’, vừa động khi xét đến sự vận hành của dân số. Theo Martine Segalen,[3] gia đình lấy lại vị trí hàng đầu là nhờ bộ môn dân số học. Các nhà xã hội học đã dựa vào các số liệu dân số học để có hình ảnh tổng hợp về các biến chuyển trong cơ cấu gia đình. Năm 1965 bắt đầu cơn địa chấn dân số tại châu Âu : sinh suất giảm nghiêm trọng, làm tiêu tan hy vọng về sự gia tăng dân số ngoạn mục (baby boom) xuất hiện sau Thế chiến. Giới hạn thay thế các thế hệ là 2,1 đứa con cho mỗi bà mẹ[4]. Năm 1994, người ta ghi nhận tỷ lệ 1,45 đứa con cho mỗi bà mẹ, so với 2,72 năm 1965. Tỷ lệ sinh con môãi năm mỗi giảm đối với các thiếu phụ dưới 26 tuổi, tỷ lệ này có khuynh hướng gia tăng sau 26 tuổi. Các nhà chịu trách nhiệm về chính sách gia đình, các nhà dân số học, xã hội học tìm cách trả lời câu hỏi : Khuynh hướng sinh muộn liệu có thể bù đắp được sự thiếu hụt dân số ? Vấn đề này đòi hỏi định nghĩa lại sự kiện gia đình : sự kiện gia đình có thể tiếp tục như trước đây hay phải cắt đứt với quá khứ ? Người ta có khuynh hướng chọn phương pháp đoạn tuyệt.
Sự phát sinh của các hình thức gia đình do các nhà dân số học thu thập cho phép tìm hiểu xã hội học về gia đình. Từ cuối thế kỷ XIX, việc giám định y khoa được mở rộng sang lãnh vực phân tâm học ghi nhận tình trạng chắp vá của con em không sống với cha mẹ, các trẻ mồ côi, các trẻ bị bỏ rơi, con tư sinh, con có cha mẹ sống ly thân hoặc ly dị.
Các nhà xã hội học tìm ra các từ mới để chỉ định các hình thái gia đình vừa phát sinh ngày càng nhiều. Từ những năm 60 trở lại đây có các từ ngữ như ‘‘gia đình một cha hoặc một mẹ’’ (familles monoparentales), thân phận con trẻ trong các ‘‘gia đình sẩy đàn tan nghé’’ (familles dissociées). Tại Âu châu, từ những năm 80, số gia đình chỉ có một cha hoặc một mẹ gia tăng. Khoa dân số học còn phát hiện một hình thái gia đình mới từ những năm 80 : ‘‘gia đình chắp nối (tái tạo)’’ (familles recomposées) : con cái sống chung với cha hoặc mẹ không phải là ruột thịt. Tại Pháp trong những năm 90 cứ ba gia đình có một gia đình chắp nối. Trong các nước anglo-saxon, nhất là tại Hoa Kỳ, đa số gia đình là chắp nối. Các nhà xã hội học đặt hai vấn đề :
• Các gia đình chắp nối có khả năng hàn gắn những đổ vỡ ?
• Các gia đình chắp nối phải chăng thể hiện một khuynh hướng gia đình mới ?
Các số liệu của khoa dân số học thiết yếu đưa đến việc khảo sát gia đình như một định chế đang gặp khủng hoảng. Ðịnh chế này hiện trải qua các biến đổi nhanh chóng, tác động cả đến lãnh vực luật học.
1.2. Luật học :
‘‘Nhà nước là đối tác của cuộc sống gia đình’’ (L’Etat est devenu un partenaire de la vie domestique). Nhận định vừa kể của Emile Durkheim cách đây một thế kỷ vẫn còn đúng trong xã hội ngày nay, được thể hiện rõ nét trong lãnh vực luật học. Trong thời gian vừa qua, pháp chế về gia đình của nhiều nuớc có nhiều quy định mới để thích hợp với các tập quán mới. Các số liệu dân số học ghi nhận năm 1980 là thời kỳ có nhiều thay đổi trong lãnh vực gia đình : tại Pháp, tỷ lệ sinh sản xuống còn khoảng 1,7 đứa con cho mỗi gia đình, số lứa đôi cử hành hôn lễ dân sự khoảng 280 000 trong số đó, cứ ba gia đình thì có một ly dị. Số gia đình một cha (gà trống nuôi con) hoặc một mẹ chiếm khoảng 8% tổng số gia đình. Các hình thái gia đình loại này là một phần của toàn cảnh gia đình hiện nay.
Toàn cảnh của xã hội và gia đình đã đưa đến các biến đổi về pháp chế. Có ba lãnh vực được các nhà lập pháp quan tâm :
• Vấn đề tử hệ.
• Vấn đề liên đới giữa các thế hệ.
• Vấn đề địa vị của phụ nữ.
Năm 1998, số gia đình có đủ cha mẹ tại Pháp là 24 triệu gia đình vẫn còn chiếm đa số, nhưng số gia đình chắp nối không ngừng gia tăng. Năm 1993, một đạo luật quy định rằng dù đã ly dị, cha mẹ vẫn còn cộng tác với nhau. Dù tái hôn hoặc chung sống với nhau, cha mẹ cùng chia sẻ trách nhiệm đối với con cái. Nếu không đạt được đồng thuận, cả hai xin thẩm phán chuyên trách vụ kiện gia đình giải quyết, dựa trên tiêu chuẩn ‘‘quyền lợi của con cái’’.
Ngoài tử hệ do quan hệ máu mủ ruột thịt, ngày nay còn có ‘‘dượng’’, tiếng Pháp gọi là ‘‘pères sociaux’’, không phải là cha ruột, người chắp nối với mẹ ruột. (Pères sociaux : cha do quan hệ xã hội). Một số ‘‘dượng’’ mong muốn quan hệ với con vợ được pháp luật nhìn nhận.
Luật 1972 bác bỏ quan hệ cha con do người chồng chắp nối với mẹ ruột đứng xin, hoặc do người mẹ đứng xin, sau khi người mẹ đã ly dị với chồng cũ. Trường hợp Yves Montand được tòa án cho phép khai quật tử thi chôn tại nghĩa trang Père Lachaise vào năm 1998 (7 năm sau ngày Montand qua đời) để thử nghiệm ADN (ADN :viết tắt của acide désoxyribonucléique : cơ sở thông tin di truyền của một sinh vật) cho phép kết luận người tự nhận là con gái của Montand để xin được hưởng một phần di sản không phải là con ruột.
Mặt khác, sự phát triển kỹ thuật trợ giúp việc sinh sản phụ trợ và sự tiến bộ của sinh vật học đặt lại vấn đề tử hệ : việc thụ thai nhân tạo thực hiện bằng việc hiến tinh dịch và việc hiến noãn phụ nữ, cả hai đều vô danh, làm rối loạn quan hệ máu mủ.
Các chỉ số về dân số học khiến các nhà luật học quan tâm : dân số có khuynh hướng già đi trong khi số sinh sản giảm sút. Vấn đề này tác động đến quan hệ gia đình giữa các thế hệ.
Có thể tóm lược pháp chế mới về gia đình như sau :
• năm 1939, theo đề nghị của nhà dân số học Alfred Sauvy, chính phủ Paul Reynaud tập hợp các quy định về gia đình trong bộ ‘‘Luật gia đình’’.
• năm 1956 : luật gia đình đổi tên là luật gia đình và côâng tác xã hội.
• năm 2000 đổi lại thành bộ luật công tác xã hội và gia đình.
Từ khoảng 10 năm nay, luật gia đình thay đổi rất nhiều và thường xuyên được bổ sung.
Gia đình có cấp tài phán riêng : thẩm phán chuyên trách vụ kiện gia đình (juges aux affaires familiales). Số vụ án gia đình chiếm tới 60% hoạt động của 181 tòa sơ thẩm tại Pháp và 5 tòa án tỉnh và lãnh thổ hải ngoại (DOM-TOM).
Ngoài những hệ quả về phương diện luật học, các chỉ số dân số học về hôn nhân và gia đình còn đặt ra những vấn đề mới mẻ trong lãnh vực kinh tế.
1.3. Kinh tế học :
Trong lãnh vực kinh tế gia đình, các nhà nghiên cứu chú ý đến hiện tượng phụ nữ tham gia thị trường lao động. Các nhà kinh tế đưa ra ba kiểu mẫu hoạt động của phụ nữ :
• Kiểu mẫu thứ nhất, phụ nữ làm việc trước khi lập gia đình, hoặc trước khi sinh con. Hình thái này thường thấy trong xã hội tây phương cổ truyền, hiện còn tồn tại trong các xã hội đông phương và tại Việt Nam. Các phụ nữ theo mô hình này làm việc từ 15 đến 19 tuổi.
• Kiểu mẫu thứ hai được mệnh danh là đường biểu diễn có hai lần hội nhập : người phụ nữ làm việc khi tốt nghiệp đại học, sau đó xin nghỉ việc để trông nom con cái. Khoảng 35 tuổi, khi con cái đã lớn, người phụ nữ tái hội nhập vào thị trường lao động.
• Kiểu mẫu thứ ba là sự bình đẳng giữa nam nữ trong công ăn việc làm. Ðường biểu diễn lao động của phụ nữ hầu như đồng biến với đường biểu diễn của nam giới.
Năm 1960, kiểu mẫu thứ nhất còn rất phổ biến tại các nước tây phương, nhường chỗ lại cho kiểu mẫu thứ hai kể từ 1970. Ðan Mạch là nước duy nhất có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động ngang với nam giới. Tại các nước khác, phụ nữ đi làm trước khi lấy chồng. Tỷ lệ này chỉ gia tăng từ năm 25 tuổi.
Ba kiểu mẫu lao động nói trên ảnh hưởng đến việc sinh sản. Tỷ lệ sinh sản tăng tại những nơi phụ nữ tham gia sinh hoạt hội đoàn, và giảm sút tại những nơi phụ nữ phải chịu áp lực gia đình. Người ta cũng ghi nhận con số con ngoại hôn tại Bắc Âu cao hơn là tại các nước phía nam châu lục này. (Con ngoại hôn là con của cha mẹ không làm lễ cưới dân sự).
Tại các nước Bắc Âu (Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Anh quốc) có sự cân bằng giữa nam và nữ trong thị trường lao động. Cũng tại các nước này, tỷ lệ thiếu niên có con nhiều hơn là tại các nước phía nam.
Tại các nước Bỉ, Hòa Lan, Lục Xâm Bảo và Ðức, phụ nữ có khuynh hướng nghỉ việc khi con cái còn quá nhỏ. Số con ngoại hôn cũng thấp hơn so với các nước Bắc Âu. Các nước này chú trọng đến vai trò của người mẹ trong việc nuôi con. Chỉ có khoảng 25 % các cháu từ 3 đến 5 tuổi gửi tại nhà trẻ, so với 90% tại Pháp.
Tại Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, phụ nữ chịu ảnh hưởng của gia đình và xã hội. Sự phản kháng của phụ nữ được chứng minh qua số con sinh ngoài hôn nhân : tại hai nước Ý và Tây Ban Nha, số thiếu nữ có kinh nghiệm tính dục ngoài vòng lễ giáo ngày càng nhiều. Số nam nữ sống chung cũng nhiều hơn tại Bồ Ðào Nha. Số phụ nữ tại các nước này đòi được nam nữ bình quyền. Phụ nữ tại ba nước Ý, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha có khuynh hướng theo đuổi việc học đến năm 25 tuổi. Khuynh hướng này còn có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhân chủng học.
1.4. Nhân chủng học :
Nhân chủng học (ngày nay gọi là dân tộc học) chủ yếu bàn về các quan hệ phát sinh tự cuộc sống xã hội. Thí dụ : người cha vui chơi với các con sau giờ tan sở. Hệ thống này bao gồm các liên lạc xã hội lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế (đi làm việc) hoặc pháp lý (gửi con sau khi ly dị).
Trong phần luật pháp, chúng tôi đã nói qua về quan hệ thân thuộc (liens de parenté). Khoa nhân chủng học cho phép hiểu biết thấu đáo bản chất của quan hệ này. Quan hệ thân thuộc là sự nhìn nhận xã hội về liên hệ máu mủ (liens biologiques), dù là có thực hay giả định, được phát sinh từ việc sinh con đẻ cái hoặc bằng hôn nhân. Sự liên tục của mọi xã hội tùy thuộc vào truyền sinh và giáo dục. Tính hợp pháp của con cái được đảm bảo bằng hệ thống thân thuộc trong nhân chủng học.
Nhân chủng học còn xét đến gia đình hạt nhân (famille nucléaire) là đơn vị cơ bản, để phân biệt với đơn vị nhà ở (unité domestique : maisonnée). Trong các xã hội cổ truyền, lứa đôi bắt đầu cuộc sống gia đình trong nhà của cha mẹ trước khi dọn ra ở riêng. Ngày nay, lối sống này bị mai một. Vợ chồng sau khi lấy nhau là ra ở riêng.
1.5. Lịch sử :
Ngoài phương diện nhân chủng, các nhà xã hội học xác nhận sử tính cũng như tính biến đổi của gia đình. Hình thức và nội dung của gia đình tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội. Các tác giả Durkheim, Weber, Tocqueville đều nhấn mạnh đến tính xã hội lịch sử của gia đình. Sử học giúp khảo sát các hình thức gia đình bằng cách thiết lập hệ thống các hình thái gia đình, đồng thời phác họa sự tiến triển của gia đình, theo ý kiến của hai nhà xã hội học Comte và Durkheim. Chính sự tiến hóa của gia đình đã tác động đến các định chế chính trị và xã hội theo nhận định của Montesquieu trong cuốn ‘‘De l’esprit des lois’’.
Tocqueville cho rằng ‘‘gia đình theo định nghĩa của cổ luật La Mã ngày nay không còn nữa.’’ Nhận định này chứng minh rằng gia đình trong khảo hướng lịch sử biến chuyển không ngừng. Tocqueville sau khi so sánh các gia đình Mỹ và châu Âu đã kết luận rằng gia đình Mỹ san bằng các liên hệ giữa các thế hệ và nhất là giảm thiểu sự bận tâm nối dõi tông đường. Nhận định này của Tocqueville về các gia đình Mỹ giải thích phần nào sự biến chuyển của các gia đình Việt Nam sống trên nước Mỹ. Tục ngữ ta có câu : nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Theo Tocqueville, gia đình châu Âu ‘‘trong hàng thế kỷ vẫn giữ nguyên tình trạng, và thường vẫn ở lại chốn cũ’’. Nhận định này không những đúng cho châu Âu mà còn đúng cho các gia đình Việt Nam trong nước hiện nay. Từ nhận định vừa kể của Tocqueville, ta có định lý đảo : Nếu gia đình không ở lại chốn cũ, hoàn cảnh cuộc sống mới sẽ tác động đến những thay đổi trong cuộc sống gia đình. Các gia đình tại châu Âu ngày nay có nhiều biến đổi vì sự thay đổi chỗ ở từ nơi này sang nơi khác, vì công ăn việc làm và nhờ các phương tiện lưu thông thuận tiện hơn thế kỷ trước. Cuộc sống mới có thời gian rất ngắn. Các gia đình chú trọng đến hiện tại, đến quan hệ gần mà quên dần quá khứ, tương lai.
Khi phân tích về gia đình qua dòng lịch sử, Tocqueville đã nói rất đúng về mô thức gia đình tây phương trước đây và gia đình Việt Nam hiện nay : ‘‘Tinh thần gia tộc thể hiện hầu như qua ruộng vườn. Gia đình là đất đai và đất đai là gia đình’’. Ðất đai là di sản của quá khứ đồng thời bảo đảm cho tương lai. Quan niệm này không còn đúng cho gia đình ngày nay được các nhà xã hội học mệnh danh là gia đình dân chủ.
Những thăng trầm của lịch sử chắc chắn đã tác động đến tâm lý của gia đình như được lược bàn trong phần sau đây.
1.6. Tâm lý học :
Cuộc sống lứa đôi có nhiều thói quen tiếp diễn trong gia đình : hôn nhân khiến hai vợ chồng làm một. Thói quen chính là đối tượng của tâm lý học. Cuộc sống chung hình thành từng bước nếp sống gia đình. Theo Emile Durkheim, một cá nhân hoặc một nhóm người trong xã hội một khi hội nhập sẽ có tác động qua lại (interaction). Họ cùng nhau chia sẻ các giá trị chung, mục đích chung. Vấn đề đặt ra là liệu tình yêu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập giữa hai vợ chồng hay không ? Tình yêu là một trong các phương cách cho phép hội nhập lứa đôi. Yêu nhau chín bỏ làm mười. Tính không thuần lý là chất keo nối kết mỗi người trong gia đình lại với nhau. Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hay biết. Ý kiến của Pascal rất đúng trong cuộc sống lứa đôi.
Một khía cạnh khác trong đời sống gia đình cũng được các nhà tâm lý quan tâm là những thầm kín riêng tư của mỗi gia đình. Con cái trong gia đình có những bí mật thường rối loạn trong việc học tập. Chúng thường hay mơ mộng, lơ đãng, thích tập trung vào các môn chúng thích và bỏ qua các môn học khác. Các điều bí ẩn này ngoài những lỗi lầm của quá khứ, còn là tang tóc, chiến tranh, thiên tai v.v. Nhiều gia đình Việt Nam trải qua những kinh nghiệm đau thương về chiến tranh, vượt biển… để lại những vết thương thầm kín.
Từ đầu thế kỷ XXI xuất hiện lý thuyết ‘‘tình cảm quyến luyến’’ nhằm giải thích liên hệ tình cảm và nhu cầu thổ lộ của con cái. Nhà phong tục học người Mỹ Harry Harlow và nhà phân tâm học người Anh John Bowlby cho rằng sự quyến luyến của con cái là do cơ chế bẩm sinh, không phát sinh từ hành vi bú mớm như các nhà phân tâm học giải thích. Cơ chế bẩm sinh có nghĩa là sự quyến luyến có trước hành động bú mớm. Bowlby chia các cháu làm ba loại : A, B và C.
• Loại A (khoảng 1 phần 5 trẻ em): sự quyến luyến vì lý do bất an, tránh né, chúng có khuynh hướng né tránh người mẹ.
• Loại B (2 phần 3 con trẻ): loại quyến luyến được mệnh danh là ‘‘an toàn’’, đứa con tìm cách tiếp xúc với mẹ mỗi khi mẹ đến gần, nhưng sau đó lại tiếp tục vui chơi.
• Loại C (1 phần 10): Loại quyến luyến ‘‘bất an - chống cự’’: Trong đứa con trộn lẫn giữa việc tìm cách gần gũi, đồng thời gạt bỏ người mẹ.
Cả ba loại trên đây được hình thành qua cách xử sự của người mẹ :
• sự quyến luyến an toàn (attachement sécurisé): người mẹ có thì giờ rảnh rỗi, luôn đáp lại những dấu hiệu của con.
• sự quyến luyến chống đối (attachement résistant): người mẹ chỉ đến với con mỗi khi thấy cần.
• sự quyến luyến tránh né (attachement évitant): người mẹ đẩy con ra mỗi khi con chạy đến nương tựa.
Ngoài lãnh vực tâm lý, gia đình còn được xét đến dưới khía cạnh phân tâm học.
1.7. Phân tâm học :
Gia đình có một vị trí quan trọng trong phân tâm học. Theo khoa ‘‘Trị liệu Gia đình Phân tâm’’ (T.F.P. : Thérapie Familiale Psychanalytique), các cảm giác, xúc động, hình ảnh, kỷ niệm, ảo ảnh lần lượt xuất hiện lúc mới lập gia đình, nhiều khi lui lại đến tận tổ tiên. Chính trong mớ bòng bong hỗn độn đó, Freud mệnh danh là ‘‘thực thể chung’’. Nhà trị liệu áp dụng phân tâm gia đình bằng cách buông lỏng sự kiểm soát. Tiếp đó là việc gợi lại những giấc mơ dấu trong vô thức. Nhà trị liệu cùng với gia đình nối liền giữa hiện tại và quá khứ, giữa tưởng tượng và thực tại, giữa cá nhân và gia đình, giữa cha mẹ và con cái…
Phương pháp trị liệu này áp dụng cho các gia đình gặp đau khổ. Phương này áp dụng cho trẻ em và cha mẹ thay dần phương pháp trị liệu cá nhân.
Phương pháp T.F.P. tìm cách trở về nguồn cội các liên hệ nhờ vào mộng thức gia đình (onirisme familial). Mộng thức này đồng hành với gia đình trải qua những đau khổ. Nhà trị liệu chia sẻ với gia đình vốn là thực thể chung về nguồn cội, nửa tâm lý nửa sinh lý để tìm những ám ảnh, những ảo ảnh chung của gia đình.
Việc phân tích sơ lược gia đình qua nhiều bộ môn khoa học cho phép lược bàn đến vấn đề chính trị.
1.8. Chính trị học :
Ông Gérard Schrưder, thủ tướng Ðức vừa mãn nhiệm cho rằng : Việc thăng tiến gia đình luôn được coi là lãnh vực dành riêng cho các nhà bảo thủ. Ý kiến của ông Schrưder tương tự như câu hỏi của tạp chí Panoramiques : Gia đình : cánh hữu cho thấy các nhà chính trị thuộc phe hữu, bảo thủ thường chú trọng đến vấn đề thăng tiến gia đình. Người ta không quên thống chế Pétain từng đưa ra khẩu hiệu : Lao động, Gia đình, Tổ quốc. Tuy nhiên, ông Lionel Jospin lại cho rằng : Gia đình không thuộc về một trào lưu chính trị nào. Gia đình là nơi chốn không thể thay thế được cho việc phát triển trẻ em. Gia đình tạo cơ hội triển nở cho cha mẹ. Gia đình là khuôn khổ giá trị và quy chiếu căn bản cho xã hội. Giữa hai ý kiến vừa kể, gia đình ngày nay đứng ngoài các lập trường chính trị và ý thức hệ. Gia đình thời đại mới tập trung vào việc phát huy mỗi cá nhân trong gia đình, bỏ sang một bên vấn đề chính trị.
Quan niệm trên đây đưa đến hệ quả tất yếu là Nhà nước chỉ đóng vai trò đồng hành của các gia đình. Từ 30 năm nay, nhiều luật lệ được ban hành nhằm thích ứng với gia đình hiện đại :
• Trong phạm vi lứa đôi :
- 1965 :người chồng không còn là chủ gia đình nữa. Luật cải cách chế độ hôn sản thiết lập sự bình đẳng giữa hai vợ chồng.
- 1970 : Cải cách quy chế người cha : từ người cha có toàn quyền thay bằng ý niệm quyền cha mẹ.
- 1975 : Ly dị do hai vợ chồng cùng đồng ý.
- 1984 : Bình đẳng giữa hai vợ chồng nới rộng ra việc quản lý tài sản gia đình.
- 1999 : Thiết lập Pacs (Pacte civil de solidarité : Thỏa hiệp dân sự liên đới) cho phép hai người chung sống mà không làm hôn lễ (kể cả hai người cùng giới tính).
• Con cái và tử hệ
- 1972 : Con cái được bình đẳng về quyền lợi, không phân biệt con ngoại hôn hoặc con chính thức.
- 1987 : Quyền của cả hai cha mẹ, dù cha mẹ có kết hôn hay không.
- 1993 : Luật cho phép thử nghiệm truy tầm phụ hệ, có giá trị cả về phương diện khoa học lẫn luật học.
- 2001 : Con có thể mang họ cha, họ mẹ hoặc cả hai họ nội ngoại.
Việc khảo sát gia đình trong các lãnh vực khác nhau một mặt cho thấy định chế này có nhiều thay đổi, mặt khác cho thấy gia đình nói chung hiện trải qua nhiều khó khăn, thử thách như được trình bầy trong phần II.
II – NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG LÃNH VỰC GIA ÐÌNH :
Một số người đặt câu hỏi: phải chăng định chế gia đình bị lung lay ? Sự lo ngại này phát sinh từ các số liệu dân số học theo đó số kết hôn giảm sút, các đôi lứa có khuynh hướng lập gia đình rất muộn. Tuổi kết hôn trung bình tại các nước Châu Âu vào năm 1975 là 23,2 cho nữ giới và 25,9 cho nam giới. Con số này vào năm 1993 là 26,1 cho nữ giới và 28,5 cho nam giới. Hình thức sống chung không kết hôn ngày càng phát triển và dần dà trở thành tập quán. Số con sinh ngoài hôn nhân từ 8,8% năm 1980 lên tới 20% năm 1992. Tại Pháp, tỷ lệ này vượt quá 1/3. Một chỉ số khác cũng đáng lo ngại là liên hệ vợ chồng ngày càng lỏng lẻo. Số vụ ly dị tại Âu châu từ 170 000 năm 1960 tăng lên 636 000 năm 1993. Theo tiếp cận lịch sử, người ta có khuynh hướng chia hiện tượng đổ vỡ trong đời sống gia đình làm hai thời kỳ:
• Thời kỳ ổn định gắn liền với truyền thống quá khứ.
• Thời kỳ bất ổn liên hệ đến thời đại mới hiện nay.
Một số tác giả phân tích sự quan hệ giữa cá nhân và định chế dưới khía cạnh sử học. Các sử gia dành cho tình cảm vị trí chính yếu trong việc lập gia đình: chủ nghĩa cá nhân nặng về cảm tính (individualisme affectif) đặt hiện tượng dân số trong chiều dầy lịch sử. Tình yêu và hôn nhân đồng hành trong suốt thế kỷ 20. Trong thời gian gần đây, tình yêu tách riêng độc hành. Chính hình thức mới này khiến cá nhân không còn mạnh dạn bước vào đời sống hôn nhân nữa. Tuổi lập gia đình muộn dần, số hôn nhân giảm sút, con số sống chung gia tăng, số vụ ly dị cũng tăng lên.
Các chỉ số về dân số thường chỉ quan tâm đến các hình thái bên ngoài làm tổn hại đến gia đình : sống chung, gia đình chỉ có một cha hoặc một mẹ, gia đình chắp nối.
Gia đình trước đây chủ yếu lo tròn trách vụ truyền sinh. Gia đình ngày nay chỉ có ý nghĩa khi tạo được các điều kiện cho các cá nhân triển nở. Nhưng quan trọng hơn cả, gia đình ngày nay không còn liên đới và đối thoại nữa.
2.1. Gia đình không còn liên đới nữa :
Vấn đề ‘‘liên đới gia đình’’ ngày nay là trung tâm của các suy nghĩ. Sự liên hệ giữa các thế hệ được nói đến trong những năm vừa qua trước các biến đổi lớn lao cả về phương diện xã hội lẫn dân số. Các thay đổi này phải chăng đã tác động đến tình liên đới gia đình ?
Theo nghiên cứu của Viện Thống kê Pháp INSEE vào tháng 10-1997, không gian quen gọi là đại gia đình được mở rộng trung bình là 24 người (từ cha mẹ đến ông bà, từ ông bà đến các cô các bác, anh chị em họ). Ðại gia đình họp mặt vào các ngày lễ lớn. Ngoài ra, giữa cha mẹ và con cái thường điện thoại thăm hỏi nhau một tuần một lần, giữa anh chị em : nửa tháng một lần. Các thế hệ trung niên thường giúp đỡ cha mẹ và các em.
Cha mẹ lớn tuổi có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của con cái không ? Người ta nói nhiều đến mùa hè oi bức (canicule) năm 2000 và sự cô độc của các bậc cao niên.
2.2. Gia đình không còn là nơi đối thoại :
Gia đình trước đây là nơi đối thoại. Theo Françoise Dolto, ‘‘mọi nhóm xã hội được phong phú là nhờ đối thoại. Sự tương trợ và liên đới nhắm vào mục đích chung: triển nở mỗi cá nhân trong sự tôn trọng khác biệt’’. Ngày nay, gia đình mất dần sự thông cảm, nhất là sự cảm thông giữa các thế hệ.
Sự trao đổi giữa các thiếu niên và cha mẹ rất nghèo nàn. Cha và con trai cách lòng tuy không xa mặt. Sự cách lòng vì cuộc sống bận rộn, dù cố tình hay không (người cha có thể bận công ăn việc làm, hoặc ít để ý đến việc học của con cái).
Trong gia đình, người ta bàn chuyện gì ? Khoảng 20 năm trước, giữa cha mẹ và con cái chỉ nói toàn đến việc học. Lời con trẻ thường là xin tiền túi, mua sắm áo quần… Gia đình ngày nay bàn luận về các vấn đề tư tưởng, trao đổi ý kiến. Giữa thế giới người lớn và thế giới thiếu niên có khoảng cách. Gia đình ngày nay có nhiều rối loạn trong vấn đề đối thoại. Sự đối thoại trong gia đình tuy vẫn có, nhưng không hoàn toàn như trước. Bởi vì sự đối thoại đòi hỏi phải có thông cảm. Cha mẹ cần hiểu biết về đời sống xã hội của con cái. Khoảng 8% lứa tuổi 12-21 than phiền cha mẹ không quan tâm đến đời sống xã hội của mình.
Những khó khăn phát sinh từ xung khắc lứa đôi. Cuộc sống gia đình là sự đồng hành giữa hai tâm hồn. ‘‘Mình với ta tuy hai mà một’’. Ðường đời song hành nếu không có ngã tư hội ngộ sẽ đưa đến phân chia đôi ngả. Hiện tượng này thường thấy trong hôn nhân dị chủng và ly dị.
2.3. Hôn nhân dị chủng :
Từ ngữ ‘‘hôn nhân dị chủng’’ xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa ở Saigon trong những năm 60, qua loạt bài của Minh Ðức Hoài Trinh. Danh từ Pháp - Anh gọi là hôn nhân hỗn hợp (mariage mixte, mixed marriage). Hôn nhân dị chủng phát sinh từ sự gặp gỡ nam nữ có văn hóa khác biệt, mỗi người thường có tiếng mẹ đẻ khác nhau, có mầu da ‘‘dị chủng’’. Trong những năm 60, binh sĩ Mỹ, Úc và một số nước Á châu khác như Ðại Hàn, Phi Luật Tân, Ðài Loan, Mã Lai tham chiến ở Việt Nam. Trong giai đoạn này, cô dâu phần nhiều người Việt. Sau biến cố 1975, nhiều gia đình Việt Nam định cư tại nước ngoài. Một số thế hệ con rồi cháu, cả nam lẫn nữ, đến tuổi lập gia đình đã kết hôn với người nước ngoài. Theo thống kê chính thức, số hôn nhân dị chủng chiếm khoảng 10,1% so với 6,2% năm 1970. Số hôn nhân dị chủng tại Pháp khoảng 30 000. Số hôn nhân giữa người nước ngoài tại Pháp là 6 000. Tỷ lệ hôn nhân dị chủng trong cộng đồng Việt Nam tương đối thấp. Về phương diện pháp luật, sự kết hợp giữa một người có quốc tịch Pháp và người Việt cho phép người này được cấp thẻ di trú. Người này còn được nhập tịch Pháp sau thời hạn 4 năm, với điều kiện hai người thực sự chung sống. Mới đây có một số hôn nhân dị chủng giữa chồng Pháp, vợ Việt (trong nước), đa số không nói được tiếng Pháp. Ngoài ra còn một số thanh niên Việt sống tại nước ngoài kết hôn với người ngoại quốc là bạn học hoặc đồng nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay có hiện tượng một số thiếu nữ Việt Nam lấy chồng Ðài Loan, Trung Quốc hoặc Ðại Hàn. Báo chí trong nước nhận định về hiện tượng này như sau:
‘‘Hiện nay, cơn dịch lấy chồng Ðài Loan đang làm điên đảo đời sống của bao nhiêu cô gái ở Saigon và đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều cô gái biết rằng rất có thể các cô sẽ bị lừa nhưng vẫn hy vọng vào một điều chân thật nào đó.
‘‘Bạn cũng biết lấy chồng, có một gia đình nho nhỏ không chỉ là duyên phận trời định. Bạn có cho rằng nhiều trường hợp ‘‘nhân định’’ cũng có thể trở thành một gia đình êm ấm? Lấy chồng Ðài Loan lại không nằm trong cả hai trường hợp trên. Người con gái qua môi giới, hoặc ‘‘đứng ở chợ’’, mặc cho ‘‘người chồng’’ của mình lựa chọn. Nếu thành công, họ sẽ có được một người chồng Ðài Loan. Cho dù người chồng đó tốt hay xấu thế nào đi chăng nữa.
‘‘Nhưng một gia đình chỉ ‘‘tùy thuộc’’ vào người đàn ông như thế, bất luận là ai, liệu có hạnh phúc không ? Các cô gái hấp thụ nền văn hóa Việt ‘‘lấy chồng’’ rồi phải sống một nền văn hóa khác thì liệu các cô có tìm được sự yên ổn không ? Nếu không, họ sẽ sống ra sao khi cả nền văn hóa xa lạ đòi hỏi ở họ những giá trị mà họ không biết đến ?
‘‘Vậy tại sao không tìm thấy hạnh phúc ngay nơi ở của mình ? Lẽ nào tiếng gọi vật chất đồng nghĩa với hạnh phúc? Bạn có cho rằng cuộc sống đầy đủ tiện nghi là có hạnh phúc hay không ?’’
Hôn nhân dị chủng được khảo sát trên nhiều phương diện : mục vụ (xin xem bài của Ðức Ông Mai Ðức Vinh), xã hội học, nhân chủng học, luật học, ngôn ngữ học, thống kê và lịch sử. Hôn nhân dị chủng giữa người Việt và người nước ngoài chỉ thành công nếu người vợ hoặc chồng Việt phần nào tây phương hóa, và ngược lại, người vợ hoặc chồng nước ngoài biết quý trọng văn hóa Việt Nam. Thiếu sự tương kính, lứa đôi dị chủng thường gặp nhiều khó khăn hơn là trong gia đình hai vợ chồng đều là người Việt.
2.4. Ly dị :
Thế Lữ có câu thơ cảm đề tiểu thuyết luận đề Ðoạn Tuyệt của Nhất Linh, nói lên thực chất của ly dị :
Anh đi đường anh tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Cổ luật Việt Nam nêu ra thất xuất (bẩy trường hợp người chồng có quyền bỏ vợ : không con, dâm đãng, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, bị bệnh nan y). Cổ luật, chỉ cho phép người chồng bỏ vợ, và không có trường hợp ngược lại. Vì vậy mới có từ ngữ ‘‘rẫy vợ’’. Ðịnh chế ly dị được du nhập từ dân luật của Pháp (dưới thời Pháp thuộc), còn tồn tại đến ngày nay, ngoại trừ dưới thời cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm.
Sau Cách mạng Pháp 1789, luật năm 1792 cho phép ly dị :
Vợ chồng tự do ly dị bằng cách cùng nhau thoả thuận (thuật ngữ pháp luật : mutus disensus).
Sau này, dân luật quy định nhiều hình thức ly dị khác nhau:
- cùng thỏa thuận đường ai nấy đi (divorce par consentement mutuel) do tính tình xung khắc (incompatibilité d’humeur)
- ly dị do lỗi (divorce pour faute) trong các trường hợp sau đây :
• vi phạm nặng và lập đi lập lại các bổn phận và nghĩa vụ vợ chồng (bổn phận phải giúp đỡ lẫn nhau, bổn phận chung thủy, bổn phận chung sống, bổn phận giáo dục con cái…).
• ngoại tình.
• bạo hành và hung bạo, lăng nhục.
• giao hợp bất bình thường.
• bỏ nhà.
• nghiện rượu, xì ke ma túy.
• dấu diếm là đã có con với vợ (hoặc chồng) trước.
- ly dị vì đoạn tuyệt cuộc sống chung : hai người ly thân ít nhất là 6 tháng, hoặc một trong hai người bị bệnh tâm thần từ 6 năm.
Từ năm 2004, việc sử dụng internet không lành mạnh cũng là nguyên nhân đưa đến ly dị. Vợ hoặc chồng liên lạc với các địa chỉ truyện trò trực tuyến (chatrooms) hoặc hộp thư ‘‘cố nhân’’ (Copains d’avant), nối lại duyên xưa với người tình cũ đều là các nguyên nhân đưa đến ngoại tình và sau đó là ly dị.
Nói chung, các nguyên ly dị rất nhiều và đa dạng: mất đi các giá trị truyền thống, chủ nghĩa cá nhân leo thang, phụ nữ độc lập v.v. Ngày nay phải kể thêm mạng điện tử (internet).
Tại Pháp hàng năm có khoảng 110 000 vụ ly dị. Sau khi lấy nhau 5 năm là thời gian dễ xẩy ra cảnh cơm không lành, canh không ngọt đưa đến ly dị. Năm 1999, các vụ ly dị sau 30 năm sống chung tăng gấp ba lần só với 20 năm về trước. Hiện có khoảng 8 PACS trên 100 hôn nhân. Có 3/10 hôn nhân khai nhìn con. Khoảng 43% con ngoại hôn (sinh ngoài hôn nhân). Có thể ghi nhận vài số liệu thống kê liên hệ đến hôn nhân tại Pháp:
- 85 % chú rể không động phòng hoa chúc vào đêm tân hôn vì quá mệt nhọc sau ngày cưới và dạ tiệc rượu mừng.
- 20 % chú rể bị bệnh sau ngày cưới.
- Một hôn lễ tại Pháp tốn khoảng 7 622 euros (50 000 francs).
- Tuổi trung bình của của chú rể là 29,7. Tuổi trung bình của cô dâu là 27,7.
- 80 % hôn lễ cử hành từ tháng 4 đến tháng 10.
- 61 % cử hành trong ba tháng 6, 7, 8, 9.
- Chỉ riêng tháng 6 có 20 % hôn lễ.
Giáo hội đặc biệt quan tâm đến những khó khăn trong đời sống gia đình. Trong tông huấn Familiari consorti, Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói về tình trạng gia đình trong thế giới ngày nay như sau: Tình trạng này có các mặt tích cực và tiêu cực : tích cực vì là dấu chỉ cứu chuộc của Chúa Kitô nơi trần thế; tiêu cực vì con người chối từ tình yêu Thiên Chúa[5].
Nhận định về mặt tiêu cực của tình cảnh gia đình, tông huấn viết : Không thiếu những dấu hiệu về tình trạng xuống cấp đáng lo ngại của một số các giá trị căn bản: một quan niệm lý thuyết và thực hành sai lầm về sự độc lập của vợ chồng, sự mù mờ về quyền của cha mẹ đối với con cái. Các khó khăn trong việc chuyển giao các giá trị, số các vụ ly dị gia tăng, phá thai, ngừa thai.
Cỗi rễ của các hiện tượng tiêu cực này thường là sự biến chất của ý niệm và kinh nghiệm về tự do. Khái niệm này được hiểu không phải là khả năng thực hiện chân lý trong dự án cứu chuộc của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, nhưng như sức mạnh biệt lập xác nhận cái tôi, thường là chống lại kẻ khác chỉ vì lợi ích vị kỷ. Hoàn cảnh lịch sử của gia đình thường là sự trộn lẫn giữa bóng tối và ánh sáng[6].
Ðể giúp các gia đình thoát khỏi tình trạng tranh tối tranh sáng này, Giáo hội đã đưa ra lời giáp đáp trước các vấn nạn về đời sống gia đình hiện nay.
III – HỌC THUYẾT CÔNG GIÁO VỀ GIA ÐÌNH :
Phần I và II lần lượt tìm hiểu gia đình qua nhiều bộ môn khoa học liên hệ. Phần I chú trọng về lý thuyết trong khi phần II đối diện với thực tế ngày nay. Cả hai phần cho thấy gia đình đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Giáo hội là căn nhà lớn của Chúa (Domus domini) che chở mỗi gia đình công giáo. Sự che chở của Giáo hội được thể hiện qua học thuyết công giáo về gia đình như nhận định của Ðức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II : ‘‘Một đề nghị mục vụ cho gia đình đang gặp khủng hoảng trước tiên đòi hỏi một học thuyết sáng sủa (une proposition pastorale pour la famille en crise suppose qu’on exige préalablement une clarté doctrinale), được giảng dạy trong khuôn khổ thần học luân lý (théologie morale), về vấn đề giới tính (sexualité) và về việc nâng cao giá trị đời sống (valorisation de la vie). Chúng ta nhận thức khủng hoảng gia đình là sự cắt đứt giữa nhân loại học (anthropologie) và đạo đức học (éthique), được thể hiện qua thuyết luân lý tương đối nhằm đề cao hành vi của con người, không theo các nguyên tắc vĩnh cửu và khách quan, phù hợp với thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng, nhưng chỉ phù hợp với một suy nghĩ hoàn toàn chủ quan để đáp ứng dự án riêng tư về cuộc sống. Người ta phải chứng kiến sự biến đổi về ý nghĩa của các từ ngữ : sát nhân được gọi là ‘‘cái chết được giúp đỡ’’(mort assistée), giết hài nhi (infanticide) được gọi là ‘‘phá thai trị liệu’’(avortement thérapeutique), ngoại tình (adultère) được gọi là ‘‘phiêu lưu ngoài hôn nhân’’ (aventure extra-conjugale)’’[7].
Các thông điệp và văn kiện của Giáo hội về hôn nhân và gia đình gồm có:
1) Diễn văn của ÐTC Gioan-Phaolô II tại Saint Anne d’Auray ngày 20-9-1986.
2) Thông điệp Familiaris Consortio (Nhiệm vụ của Gia đình Công giáo) của ÐTC Gioan-Phaolô II.
3) Thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự sống) của ÐTC Gioan-Phaolô II.
4) Thông điệp Humanae Vitae (Sự sống Con người) của ÐTC Phaolô VI.
5) Văn kiện Vérité et signification de la sexualité humaine (Sự thật và Ý nghĩa của tình dục con người) của Hội đồng Tòa thánh về Gia đình.
6) Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) của Công đồng Vaticanô II
7) Préparation au marriage (Chuẩn bị hôn nhân) của Hội đồng Tòa thánh về Gia đình.
8) Famille, mariage et union de fait (Gia đình, hôn nhân và tình trạng nam nữ sống chung) của Hội đồng Tòa thánh về Gia đình.
9) Déclaration en nullité de mariage (Phán quyết của Tòa án Giáo hội tuyên bố hôn nhân vô hiệu) do Hiệp hội Thăng tiến Giáo luật ấn hành.
10) Thư chung năm 2002 của Hội đồng Giám mục Việt Nam ‘‘Thánh hóa Gia đình’’.
Các thông điệp, hiến chế và văn kiện trên đây của Giáo hội cho phép tìm hiểu học lý của Giáo hội về:
• Hôn nhân
• Gia đình
• Con cái
• Vấn đề khoa học
A - HÔN NHÂN :
1) Quan điểm của Giáo hội Việt Nam :
Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố Thư Chung năm 2002 về chủ đề ‘‘Thánh hóa Gia đình’’.
Ngay trong phần I : ‘‘Hiện tình hôn nhân và gia đình tại Việt Nam’’, Thư chung viết : ‘‘Nói đến gia đình Việt Nam, người ra nghĩ ngay tới một nền nếp gia phong rất gần gũi với giáo lý đức tin.
- Gia đình ấy coi chữ ‘‘Hiếu’’ làm đầu nên sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc âm, trong đó điều răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn quy định việc thờ phượng Thiên Chúa.
- Gia đình ấy coi chữ ‘‘Tín’’ làm trọng nên dễ dàng gặp nơi điều răn thứ sáu và thứ chín tiếng nói chung nhằm bảo vệ đời sống hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly.
- Gia đình ấy gồm có ông bà, cha mẹ, con cháu trên thuận dưới hòa trong một mái nhà đầm ấm, được xem như một môi trường tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển đức tin, nhất là cho việc xưng tụng Thiên Chúa là Cha và coi mọi người như anh chị em.
- Gia đình ấy sống liên đới với các gia đình khác trong tình làng nghĩa xóm, hiệp thông cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, dần dà tạo nên một hình ảnh đẹp và cụ thể để diễn tả tình huynh đệ Kitô giáo. Chính vì thế, Hội Thánh được định nghĩa như là ‘‘Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Ðền Thờ Chúa Thánh Thần thường được người Việt Nam hinh dung như một gia đình.’’[8]
2) Quan điểm của Giáo hội Pháp :
Ðức TGM André Vingt-Trois, chủ tịch Ủy ban Giám mục về Gia đình, thành viên Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình, Tổng giám mục Paris (9/2/2005) đã trình bầy học thuyết của Giáo hội về hôn nhân và những vấn đề phát sinh từ hôn nhân (ly dị) trong bài chuyên khảo nhan đề : Hôn nhân duy nhất và không thể hủy bỏ (mariage unique et définitif). Trong tiếng Pháp, định từ ‘‘définitif’’ ngoài nghĩa ‘‘thiệt thọ’’ còn có nghĩa là ‘‘không thể hủy bỏ’’, ‘‘không thể thay đổi’’(irrévocable).
Ngay phần mở đầu, Ðức TGM AndréVingt-Trois nhận định như sau :
‘‘Việc phổ cập hóa pháp lý về ly dị làm biến đổi ý nghĩa của hôn nhân. Nó mất đi tầm vóc thể chế của ‘‘hôn nhân duy nhất không thể hủy bỏ’’ để thu hẹp thành một hợp đồng tư. Người ta quên đi cam kết pháp lý trong hôn nhân tạo ra một vật thể pháp luật (être de droit) mà xã hội có trách nhiệm bảo đảm lợi ích chung. Tuy nhiên, hôn nhân mang nhiều gánh nặng, chất chứa bao kỳ vọng. Ðó là lý tưởng mà người ta mong muốn đạt được. Mặc dù có 30% lứa đôi ly dị, người ta bỏ qua không xét đến 70% đôi lứa kết hôn. Hôn nhân phải được coi là trọng đại. Chính trong tinh thần này mà đa số lứa đôi mong muốn kết hôn theo nghi lễ Giáo hội công giáo. Việc xin cử hành hôn lễ duy nhất không thể hủy bỏ biểu lộ sự đòi hỏi về quan hệ yêu thương giữa nam nữ. Ðó là sự thật mang tính nhân loại, vượt khỏi đặc tính tôn giáo. Bí tích hôn nhân dựa trên những điều kiện nhân bản, được coi như cột trụ của hôn nhân, được thể hiện qua lời tỏ bày ý định kết hôn : hôn nhân tự do, duy nhất và không thể hủy bỏ, nhằm mục đích dạy dỗ con cái. Mặc khải Kitô giáo chiếu sáng và đào sâu các đòi hỏi cơ cấu. Lễ rửa tội là căn bản thiêng liêng của hôn nhân. Trước những đòi hỏi cử hành hôn lễ giữa những người cùng giới tính, dân luật cần xác định hôn nhân chỉ dành cho hai người khác phái. Trước sự gia tăng sống chung và những hỗn loạn phát sinh từ sự sống chung ngoài hôn nhân, thiết tưởng đã đến lúc phải nhắc lại ý nghĩa nhân bản của hôn nhân nhằm thiết lập sự kết hợp xã hội (cohésion sociale). Ðối với người công giáo, sự cam kết giữa người nam và người nữ trong hôn nhân là con đường hạnh phúc không thể thực hiện ngoài hôn nhân’’[9].
Sau đó, Ðức TGM Vingt-Trois lần lượt đề cập đến các khía cạnh khác nhau của hôn nhân : hôn nhân là hợp đồng tư, hôn nhân mang nhiều gánh nặng, phản tác dụng của ly dị (contre-effet du divorce), hôn nhân là nghiêm chỉnh, nền tảng bí tích hôn nhân, hôn nhân thực sự là nhân bản, sứ mệnh đặc biệt của hôn nhân.
Trong các đề mục trên, thiết tưởng cần tìm hiểu nhận định của tác giả về phản tác dụng của ly dị để thấu triệt quan điểm của Giáo hội về vấn đề này.
Trước hết, Ðức TGM Vingt-Trois liệt kê một số các luận điểm được đưa ra để chống lại định chế hôn nhân :
• sự thay đổi đời sống xã hội (kéo dài tuổi thọ, phụ nữ đi làm…) không cho phép có cam kết thiệt thọ.
• Khả năng lựa chọn lập pháp (thỏa ước liên đới dân sự) hoặc lập quy (quy chế hai người sống chung không cưới xin, việc thiết lập các quyền xã hội hoặc thuế vụ tương đương với quyền lợi hôn nhân, đôi khi còn có lợi hơn). Các quy định này làm lu mờ các tín hiệu tượng trưng cho việc công nhận của xã hội đối với hôn nhân và làm giảm ý nghĩa của định chế này.
• Nhiều thí dụ về ly thân và ly dị khiến một số người nghĩ rằng hôn nhân không còn là chuẩn mực để quy chiếu.
• Thủ tục pháp lý cần thiết để ly dị và sự e ngại về tác dụng làm thương tổn đến hai vợ chồng trong lúc chờ ly thân hoặc ly dị, tác động đến con cái khiến người ta nghĩ rằng không nên cưới xin để khỏi phải phiền phức ly dị.
Ðể trả lời các vấn nạn trên đây, Ðức TGM Vingt-Trois cho rằng: Ngày nay, tại nước Pháp, các khóa chuẩn bị hôn nhân do Giáo hội công giáo tổ chức cung cấp chỉ số về số người chuẩn bị hôn nhân. Các khóa học này liên hệ đến khoảng 40% hôn nhân và là cấp duy nhất cho phép lắng nghe ý kiến của các đôi lứa. Họ cho rằng : ‘‘Chúng tôi xin cử hành lễ cưới tại thánh đường bởi vì hôn lễ là điều nghiêm túc[10].
Theo tác giả, ‘‘điều nghiêm túc’’ có nghĩa là:
• Nghi thức khiến hôn lễ mang ý nghĩa đại lễ thường không có trong hôn lễ dân sự tại tòa thị chính trong các thành phố lớn.
• Kỳ vọng được ban phép lành cho đôi tân hôn. Khuynh hướng này quy chiếu với tình cảm siêu việt.
• Mong muốn giáo dục con cái. Trong nhiều trường hợp, quyết định kết hôn kết hợp với việc truyền sinh, diễn đạt ý nguyện của cha mẹ lo giáo dục con cái.
Có một số lứa đôi ngoài công giáo xin được theo học khóa chuẩn bị hôn nhân và được Giáo hội ban phép lành. Các khóa chuẩn bị hôn nhân tại Giáo xứ hiện áp dụng nguyên tắc mở rộng do Giáo phận đề ra.
Nói tóm lại, bí tích hôn nhân nâng đỡ đời sống lứa đôi chung sống trong hạnh phúc và niềm vui giáo dục con cái, giúp các gia đình công giáo vượt qua các khó khăn thường thấy trong đời sống gia đình.
Việc tìm hiểu quan điểm của Giáo hội công giáo qua bài viết của Ðức TGM André Ving-Trois cho phép trình bầy vấn đề gia đình dưới ánh sáng Tin Mừng của Giáo hội phổ quát.
3) Quan điểm của Tòa Thánh :
Hiến chế Mục vụ Giáo hội trong Thế giới ngày nay, Công đồng Vaticanô II đề cập đến hôn nhân như sau :
‘‘Ðấng Tạo hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng về đời sống chung thân mật cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích con người. Chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau. Hết sức quan trọng để tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, quan trọng đối với phẩm giá, sự vững chắc, an bình và thịnh vượng của gia đình và toàn xã hội loài người. Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi quy hướng về sinh sản và giáo dục con cái như mục đích tối thượng của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ ‘‘không còn là hai, nhưng là một xương thịt’’ (Mt 19, 6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tận hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly’’[11].
Trong khóa họp thứ IX ngày 7-12-1965, 2309 trên tổng số 2391 nghị phụ đã biểu quyết chấp thuận Hiến chế Mục vụ Giáo hội trong Thế giới ngày nay. Ðây là văn kiện thứ 16 và là văn kiện cuối cùng của Công đồng Vaticanô II, chứng tỏ Giáo hội đặc biệt quan tâm đến định chế hôn nhân và gia đình. Sau 41 năm, Hiến chế này luôn là kim chỉ nam cho hôn nhân và gia đình.
B - GIA ÐÌNH :
Phần B được dành để giới thiệu quan điểm của Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình. Hội đồng này có nhiệm vụ khuyến khích mục vụ gia đình và tông đồ chuyên biệt trong phạm vi gia đình nhằm đề ra học thuyết công giáo về gia đình trong kỷ nguyên mới. Ðức Hồng Y Alfonso Lopez Trujillo, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình đã công bố quan điểm chính thức của Giáo hội về gia đình ngày nay qua hai bài chuyên khảo quan trọng:
• Sinh sản vô tính làm mất quy chế cha mẹ của đôi lứa đồng thời phủ nhận gia đình (Clonage: perte du statut parental du couple et négation de la famille)[12].
• Gia đình và vấn đề tư nhân hóa (Famille et privatisation)[13].
Trong bài thứ nhất, Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình cho rằng mọi cố gắng nhằm làm sáng tỏ vấn đề sinh sản vô tính là thích đáng. Hội đồng cũng cho rằng các nghiên cứu nhằm dẫn dến Thỏa ước quốc tế chống lại sinh sản vô sinh áp dụng vào con người (Convention internationale contre le clonage humain) phải được coi là công tác ưu tiên. Tài liệu của Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình bao gồm việc định nghĩa :
• Sinh sản vô sinh là gì ?
• Ðạo lý tiêu cực của sinh sản vô tính chống lại nhân phẩm và gia đình.
Trước hết, các kỹ thuật sinh vật học ứng dụng vào việc sinh sản đặt ra vấn đề đạo lý và sự cần thiết của nhân loại học toàn diện về con người, đồng thời suy nghĩ về vai trò của gia đình đối với xã hội loài người. Ý định ứng dụng kỹ thuật sinh sản vô sinh vào con người đặt ra các vấn đề gia đình, ý nghĩa làm cha mẹ hoặc con cái, nhân phẩm phôi thai, sự thật và ý nghĩa của tính dục con người.
Trong huấn thị Donum vitae, Thánh bộ Ðức tin cho rằng : Con người phải được tiếp nhận trong cử chỉ kết hợp yêu thương của cha mẹ ; thế hệ con cái phải là kết quả của sự trao đổi trong cử chỉ vợ chồng trong đó vợ chồng hợp tác như người làm công (không như chủ nhân) vào công trình Tình yêu của Thiên Chúa. Nguồn gốc con người là kết quả ân phúc. Hài nhi được sinh ra là kết quả tình yêu của cha mẹ. Vấn đề sinh sản vô sinh sẽ được đề cập riêng trong phần khoa học.
Phần gia đình được dành để trình bầy quan điểm của Giáo hội về một số khái niệm mới mẻ :
• Gia đình một cha hoặc một mẹ.
• Gia đình chắp nối.
• Gia đình và triết học.
• Ðại gia đình.
1 - Gia đình một cha một mẹ :
Việc đòi hỏi ‘‘quyền’’ được lập một gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ thường thấy trong khuôn khổ phong trào nữ quyền, người phụ nữ chủ ý sống độc thân nhưng lại đòi quyền được có con, hoặc bằng quan hệ tính dục, hoặc bằng cách nhận con nuôi. Một số người đồng tính luyến ái cũng có đòi hỏi này. Yêu cầu này chịu ảnh hưởng của ý thức hệ ‘‘Gender’’ cũng như các trào lưu tách rời giữa việc giao hợp và truyền sinh. Ngoài ra, gia đình một cha một mẹ còn phát sinh từ hoàn cảnh thực tế : người bị chồng hoặc vợ bỏ lủi thủi sống với con thơ. Các nghiên cứu về giáo dục đưa đến kết luận chung là con cái cần có gia đình ổn định gồm cả cha lẫn mẹ để phát triển nhân cách. Con cái sống trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ thường gặp khó khăn về bản sắc, kể cả vấn đề tính dục cũng như khó khăn trong việc xã hội hóa, việc học hành, đôi khi còn đi đến phạm pháp. Sau này một khi khôn lớn và lập gia đình, con cái có cha mẹ ly dị cũng dễ bỏ nhau. Các gia đình này cần được giúp đỡ trong việc giáo dục con cái theo tinh thần công giáo.
Ý thức hệ ‘‘Gender’’ lại càng chứng tỏ sự cần thiết của gia đình một vợ một chồng. Vậy ý thức hệ ‘‘Gender’’ là gì ?
Trong Hội nghị Quốc tế về Ðiều kiện Phụ nữ do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 3 năm 2005, các phần tử nòng cốt của phong trào nữ quyền đòi hỏi tính dục không chỉ thu hẹp vào thân thể. Họ đã dùng chữ ‘‘Gender’’để chỉ định khía cạnh không thân thể của tính dục (aspect non corporel de la sexualité). Theo họ, có thể thay đổi tính loại (gender) cũng như thay đổi ý kiến mà không cần phải thay đổi giới tính. Nói cách khác, thay vì có quan hệ tính dục với đàn ông, đàn bà có thể yêu người cùng phái mà không cần thay đổi giới tính. Trong điều kiện này, chúng tôi đề nghị chuyển dịch ‘‘Gender’’ (tiếng Anh-Mỹ) là tính loại.
Như vậy, ‘‘gender’’ là thuật từ nữ quyền mang ý nghĩa tính dục cá nhân. Giáo sư Vollmer De Colles Beatriz giảng dạy triết học tại Université Grégorienne de Rome cho rằng xác hồn không tách riêng trong cuộc sống : hồn nhập thể vào thân xác. Sự việc này mang lại ý nghĩa cho mọi quan hệ con người. Mọi thái độ cũng như mọi phát triển đều phát sinh từ sự kết hợp giữa xác hồn : tình yêu, nam tính, nữ tính, sinh hoạt con người, việc bước vào đời sống xã hội, ngay cả tương quan của mỗi người với Thiên Chúa. Tính hữu hình (corporéité) khiến mỗi người có một phái tính. Một người chỉ có thể là đàn ông hoặc đàn bà, không thể vừa là đàn ông vừa là đàn bà. Tính dục là phương diện thiết yếu của con người.
Trong De ente et essentia (Về bản thể và yếu tính), Thánh Thomas d’Aquin đã giải thích về sự cấu tạo con người. Mọi vật sờ mó được đều có vật chất (matière) và hình thái (forme). Con người quý trọng hơn muôn loài vì linh hồn là hình thái của ta, siêu việt khỏi thế giới vật chất. Theo Thánh Thomas, con người cấu tạo vừa bằng vật chất, vừa bằng hình thái. Vật chất là nguyên tắc cá thể hóa, hình thái quyết định vật chất.
Việc nhắc lại học thuyết của Thánh Thomas là để nhấn mạnh rằng Giáo hội một mặt bác bỏ chủ trương ‘‘Gender’’, mặt khác đề cao gia đình có cha mẹ và con cái. Chính gia đình truyền thống giúp mỗi người phát triển nhân cách, góp phần vào việc giáo dục cũng như hun đúc tâm hồn con cái.
Theo ý kiến của các nhà nhân loại học, định chế gia đình truyền thống xây dựng trên hôn nhân một vợ một chồng và khác tính phái (mariage hétérosexuel) là vô cùng cần thiết.
2 - Gia đình chắp nối (hay tái tạo) :
Các nhà xã hội học thường dùng các thuật từ như là gia đình tái tạo (famille recomposée), gia đình dì-dượng (famille beau-parentale), gia đình phục hoạt (famille reconstituée), gia đình xuất phát từ việc tái giá (famille issue d’un remariage), gia đình pha trộn (famille mélange). C. Currier thêm vào một số từ ngữ khác như : gia đình chỉnh đốn lại (famille réorganisée), gia đình đồng vận (famille synergique), gia đình kết hợp (famille combinée), gia đình hạng hai (famille de seconde classe) để phân biệt với gia đình hạt nhân (famaille nucléaire), gia đình ruột thịt (famille biologique), gia đình thực tế (réelle), tự nhiên (naturelle), gia đình trinh nguyên (famille intacte).
Theo giáo sư Anna Kwak (Ðại Học Varsovie) được Hội đồng Tòa thánh về Gia đình trích dẫn, một gia đình chắp nối vẫn là một gia đình, tuy khác với gia đình trinh nguyên. Mỗi người trong gia đình chăÙp nối phải chấp nhận sự khác biệt này. Gia đình chắp nối khác với gia đình hôn nhân lần đầu, phức tạp hơn. Truyện cổ tích Tấm Cám nói đến liên hệ phức tạp giữa mẹ ghẻ con chồng.
3 - Gia đình và triết học :
Ngày nay, gia đình nói chung và con người nói riêng bị tổn thương vì sự nhầm lẫn về ngôn ngữ trước các vấn đề căn bản : người ta lầm lẫn giữa con người và cá nhân, giữa bình quyền và bản sắc (identité), giữa tự do và phóng túng, giữa thú vui và hạnh phúc. Sự nhầm lẫn này đưa đến việc hiểu sai về triết học gia đình cũng như ý nghĩa đích thực của tình yê
• Triết học về gia đình : Khó khăn trong việc tìm hiểu triết học về gia đình một phần vì thiếu hiểu biết về bản chất và mục đích của các quan hệ tính dục. Người thời nay lao vào cuộc tình và quan hệ tình dục mà không kết hôn, tình cảm bắt cá hai tay, hụt hẫng giữa lâu dài và vui thú hiện tại. Người ta nói đến ‘‘quan hệ’’. Khi quan hệ chỉ là giai đoạn và hai người lại muốn kéo dài, người ta gọi hai người này là ‘‘đối tác’’ (partenaires), giống như làm ăn thương mại.
Theo quan điểm công giáo, các quan hệ tính dục thực hiện trước khi cử hành hôn lễ (hoàn toàn trao thân : don personnel total) là lạm dụng thân xác và lạm dụng con người. Làm như vậy là coi trọng quan hệ tính dục trong khi đối với những người này, cuộc sống gia đình chỉ là thứ yếu. Thú vui xác thịt đặt lên trên niềm vui lứa đôi và viễn tượng một cuộc sống mới. Ngược lại, gia đình xây trên hôn nhân tiến đến truyền sinh. Ðó chính là mục đích tự nhiên của quyến rũ tình cảm và tính dục.
• Ý nghĩa của tình yêu và hạnh phúc: Một số nhà tâm lý cho rằng sự lựa chọn của mỗi người là do tình cảm, đặc biệt là vui niềm và đau khổ. Tuy tình cảm tác động vào sự lựa chọn nhưng không phải là động lực. Tình yêu góp phần vào việc tạo dựng hạnh phúc, nhưng đó là tình yêu trong hôn nhân và gia đình.
4 - Gia đình mở rộng : Khái niệm gia đình mở rộng hoặc đại gia đình gần với quan niệm Việt Nam. Trong thế giới ngày nay, gia đình mở rộng bị thu hẹp. Tương lai của gia đình mở rộng trong các nước kinh tế phát triển tùy thuộc vào yếu tố văn hóa. Các gia đình Việt Nam tại hải ngoại tuy sống tại các nước phát triển nhưng vẫn duy trì cuộc sống đại gia đình là nhờ bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngược lại, tại các nước kém phát triển như Việt Nam hiện nay, gia đình mở rộng vẫn còn rất phổ biến. Giáo hội mời gọi ‘‘mô hình thần học’’ thay vì ‘‘mô hình xã hội học về gia đình’’. Với mô hình thần học, các mô hình xã hội học khác nhau về gia đình có thể chung sống và tiếp tục tồn tại trong các thời đại và trong các nền văn hóa khác nhau, trong sự phát triển nhân cách và thực hiện sứ mạng nhân đạo hóa trong thế giới.
5 - Cha mẹ :
Nhân loại học theo định hướng công giáo (anthropologie à orientation chrétienne) tìm hiểu chân lý toàn diện về con người và vấn đề hồn xác. Nhân loại học công giáo ý thức rằng con người không chỉ là một bí nhiệm (énigme), mà còn là một mầu nhiệm (mystère). Chân lý toàn diện về con người vượt khỏi phạm vi trần thế. Chỉ tìm được chân lý trong siêu việt hướng về vĩnh cửu, trong sự kết hợp giữa lý trí và đức tin.
Thánh Phaolô minh xác rằng mọi quan hệ cha con đều phát sinh từ nguyên tắc tuyệt đối : quan hệ cha con thiêng liêng (Ep 3, 14). Thiên Chúa là nguyên tắc và nguyên nhân của sự sống. Hình trạm nổi trên cổng thánh đường Chartres trình thuật Chúa Cha sáng tạo vũ trụ trong lúc chiêm ngắm Ngôi Hai. Chúng ta là những con người mang hình ảnh Thiên Chúa (imago Dei).
Vợ chồng hiệp nhất bằng tình yêu không thể truyền linh hồn cho con cái. Cha mẹ chỉ truyền thân xác hữu hình. Trong quan hệ cha con và mẹ con luôn có sự cộng tác của Thiên Chúa. Cha mẹ nhận đứa con từ tay đấng Tạo hóa toàn năng.
Giáo hội không những quan tâm về gia đình mà còn bầy tỏ mối ưu tư về một số vấn đề như ngừa thai, phá thai và những người ly dị tái giá. Ðức Ratzinger đã công bố quan điểm của Giáo hội về các vấn đề nhậy cảm này như sau.
6 - Quan điểm của Ðức Ratzinger về ngừa thai, phá thai và những người ly dị lập lại gia đình :
Trong tác phẩm ‘‘Muối đất’’, ÐHY Josef Ratzinger đã trình bầy quan điểm của Giáo hội trong thế kỷ XXI. Ngài là đương kim ÐTC Bênêdictô XVI. Sau đây, chúng tôi giới thiệu quan điểm của ngài về ba vấn đề thời sự có liên hệ đến gia đình : ngừa thai, phá thai và những người ly dị tái giá. Người đặït câu hỏi là ông Peter Seewald.
• Ngừa thai :
- Thưa ngài, nhiều người không hiểu thái độ của Giáo hội về vấn đề ngừa thai. Ngài có biết vì sao họ lại (cố tình) không hiểu biết ?
- Vâng, chúng ta hiểu rất rõ vấn đề này, thật là phức tạp. Với những khó khăn của thế giới ngày nay, nhiều trẻ em không được dạy dỗ chu đáo vì điều kiện chỗ ở cũng như nhiều lý do khác, chúng ta hiểu được thái độ của những người này.
Có ba lựa chọn chính yếu. Thứ nhất và căn bản, là chấp nhận thái độ tích cực về vị trí của trẻ em trong cộng đồng nhân loại. Trong phạm vi này có rất nhiều thay đổi. Trong các xã hội đơn giản, đến giữa thế kỷ XIX, việc có con được coi như hồng ân, ngày nay lại bị coi là đe dọa. Trong tương lai, trẻ em đe dọa không gian sinh tồn v.v. Thái độ của Giáo hội là trở lại với quan điểm nguyên thủy đúng đắn : trẻ em là hài nhi ân phúc. Khi mang lại sự sống, chúng ta tiếp nhận sự sống bằng cách ra khỏi cái tôi để nhận hồng ân sáng tạo con người.
Sự lựa chọn thứ hai ngày nay tách rời giữa tính dục và việc sinh con đẻ cái.
- Vào lúc đó, các đại diện của thế hệ 68 có kinh nghiệm về vấn đề này đã đưa ra nhiều lời tuyên bố lạ lùng. Rainer Langhans đưa ra khẩu hiệu ‘‘Với thuốc ngừa thai’’nhằm tìm trong cộng đồng của mình ‘‘tính dục cực khoái’’ (sexualité orgasmique), ‘‘tính dục cô lập trong yếu tố siêu nhiên khiến con người lâm vào bế tắc’. Langhans than phiền ngày nay ‘‘không còn hy sinh, cũng không còn sự tận tình’’. Sau cùng, Langhans cho rằng tính ‘‘tối thượng’’ của tính dục là ‘‘trở thành cha mẹ’’, muốn thực hiện thiên chức này, cần ‘‘sự cộng tác trên bình diện siêu nhiên’’.
- Càng ngày người ta càng có khuynh hướng tách rời hoàn toàn hai thực tại. Trong tiểu thuyết Le Meilleur des mondes (Thế giới tuyệt vời), Huxley đã đưa ra một dự kiến rất rõ rệt : tính dục hoàn toàn tách khỏi việc sinh con. Trong thế giới đó, trẻ em được hoạch định và tạo ra trong phòng thí nghiệm. Ðó chỉ là cố ý chọc cười, nhưng cũng như mọi biếm họa khác, nó tố giác một điều : ý tưởng trẻ con phải được hoạch định và tạo ra, chịu sự kiểm soát của lý trí. Làm như vậy, con người tự hủy diệt. Các con trẻ trở thành các sản phẩm không hơn không kém. Lẽ đương nhiên, quan hệ giữa hai phái cũng mất đi, chúng ta nghĩ sao nếu tình trạng này xẩy ra ?
Vấn đề ngừa thai là một trong các chọn lựa mà Giáo hội muốn con người tự chọn. Lựa chọn thứ ba là không thể giải quyết các vấn đề đạo đức lớn bằng các phương tiện đơn giản về kỹ thuật, hóa học, nhưng tìm cách giải quyết theo hướng đạo đức. Tôi nghĩ rằng một trong các nguy hiểm lớn đe dọa ta là : chế ngự thân phận con người bằng kỹ thuật mà quên đi các vấn đề gắn liền với con người vốn không thể giải quyết bằng kỹ thuật, nhưng đòi hỏi một phong cách sống và vài quyết định thiết yếu. Trong vấn đề ngừa thai, người ta cần quan tâm về các lựa chọn căn bản của Giáo hội trong cuộc đấu tranh vì con người. Khi bác bỏ một ý kiến, Giáo hội quan tâm đến con người. Lựa chọn này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng Tòa Thánh đã vận dụng chiều hướng siêu nhiên của cuộc sống.
- Ðối với vợ chồng có nhiều con, phải chăng Giáo hội trách cứ nếu họ ngừa thai
- Tất nhiên là không rồi. Vấn đề này phải bàn bạc với cha linh hướng.
• Việc phá thai :
- Giáo hội tiếp tục chống lại các biện pháp ‘‘tạo điều kiện cho việc phá thai, tuyệt sản và ngừa thai’’. Các biện pháp này làm thương tổn đến nhân cách con người là hình ảnh Thiên Chúa và xói mòn nền tảng của xã hội. Vấn đề cơ bản là phải bảo vệ sự sống. Mặt khác : tại sao không loại trừ án tử hình ?
- Trong án tử hình, khi áp dụng luật pháp, người ta trừng trị người phạm trọng tội được chứng minh và bị coi là nguy hiểm cho an bình xã hội ; chính vì vậy mà một tội phạm bị trừng trị. Trong trường hợp phá thai, án tử hình áp dụng cho một người hoàn toàn vô tội.
Một số người cho rằng các hài nhi chưa sinh ra là kẻ lấn đất bất công làm giảm bớt không gian sinh tồn, bị buộc phải nhận vào cuộc sống nên phải loại trừ. Chính trong cái nhìn này mà chúng tôi vừa nói trên đây : đứa trẻ không được coi như thụ tạo của Thiên Chúa, mang hình ảnh Thiên Chúa, có quyền được sống, trong mọi trường hợp, chừng nào hài nhi chưa chào đời, đứa bé bị coi như kẻ thù hoặc như vật quấy rầy có thể xử lý. Cần làm cho họ hiểu rằng một hài nhi một khi thụ thai là một con người, một cá nhân.
- Nhưng nếu một người lâm đường cùng quyết định phá thai, người này có phạm tội chống lại sự sống hay không ?
- Cách thức phạm tội giữa các cá nhân khác nhau không thể định đoạt một cách trừu tượng được. Nhưng hành vi xảy ra, bất kể người chịu trách nhiệm là ai, có thể là chịu áp lực của người khác : để giải quyết sự tranh chấp này, một con người bị giết bỏ. Nhưng xung đột vẫn không giải quyết được. Các nhà tâm lý cho biết rằng hành vi phá thai ghi hằn nơi tâm trí người mẹ, vì biết có một người trong bụng và là con ruột mình, có thể sau này người mẹ sẽ hãnh diện về con mình. Lẽ dĩ nhiên, xã hội phải giúp đỡ người mẹ giải quyết tình trạng này thay vì làm áp lực nơi người mẹ, khiến tình yêu con trỗi dậy trong tâm hồn.
• Những người ly dị làm lại cuộc đời :
- Việc dứt phép thông công đối với những người (lập gia đình) ly dị, tái hôn không được Giáo hội công nhận, ngày nay chỉ có thể hiểu nơi những người công giáo tuyệt đối trung thành. Việc dứt phép thông công này gây ấn tượng bất công, làm mất thể diện. Năm 1972, Ngài từng nhận định : ‘‘Hôn nhân là một bí tích… điều này không loại bỏ việc cộng đồng Giáo hội đón nhận những người gặp bước đường cùng kêu cầu phép Thánh thể.’’
- Tôi phải nói rõ, về phương diện pháp luật, những người này không bị dứt phép thông công theo nghĩa chính thức của từ ngữ (Je dois préciser, du point de vue du droit, que ces gens mariés ne sont pas excommuniés au sens formel du mot). Dứt phép thông công là một loạt biện pháp trừng phạt của Giáo hội, hạn chế việc gia nhập Giáo hội. Sự trừng phat này không áp dụng đối với những ngưòi này. Họ không bị dứt phép thông công theo nghĩa pháp lý. Họ vẫn là các chi thể của Hội thánh, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt không thể rước lễ. Ðó là gánh nặng cho họ, trong thế giới số ly dị ngày càng nhiều. (…) Những người này phải ý thức rằng họ vẫn được Giáo hội chấp nhận, Giáo hội đau khổ cùng với họ[14].
7) Quan điểm của ÐTC Bênêdictô XVI về gia đình :
Trong thông điệp Deus Amor Est (Thiên Chúa là Tình yêu) công bố ngày 25-1-2006, ÐTC Bênêdictô XVI đã đề cập đến tình yêu vợ chồng như sau :
‘‘Tình yêu nam nữ không phát sinh từ ý nghĩ hoặc ý chí nhưng cần thiết cho con người, Cổ Hy Lạp đưa ra từ ngữ ‘‘eros’’ (tình yêu vợ chồng), Cựu ước Hy Lạp sử dụng chữ ‘‘eros’’ hai lần, trong khi Tân ước hoàn toàn không nói đến[15].
C - CON CÁI :
Khoa sinh vật học bất lực trước triết học và thần học suy nghĩ về bản thể của con người (statut ontologique de l’homme), về nguồn gốc, hướng đi và phẩm giá con người. Triết học bàn đến con người tham gia vào sự hiện hữu của đấng Chí tôn. Thần học còn đi xa hơn khi nói rằng con người được sinh ra theo hình ảnh Thượng Ðế. Một con trẻ thực sự là ân huệ của Thiên Chúa cần được bảo vệ trước cũng như sau khi sinh ra. Công ước về quyền trẻ em ban hành năm 1989 đã xác nhận điều này.
Huấn thị Donum vitae (Hồng ân sự sống) (1987) của Thánh bộ Ðức tin ghi nhận : Ngay khi noãn sào thụ tinh là bắt đầu một cuộc sống mới của một con người mới độc lập.
Trong kỷ nguyên mới, các quyền chính đáng của trẻ em được nhìn nhận. Mặt khác, tại nhiều nơi trên thế giới, trẻ em vẫn còn bị lạm dụng tình dục, bị bóc lột lao động, sống cơ cực không đủ cơm ăn áo mặc, không được đi học. Các quyền trẻ em được quốc tế công nhận qua công ước 2001.
1 - Công ước về quyền trẻ em :
Thế kỷ XX được nhà giáo dục Thụy Ðiển Ellen Key mệnh danh là ‘‘thế kỷ của trẻ em’’. Bước sang thế kỷ XXI, ngày 19-9-2001, hội nghị thượng đỉnh về trẻ em nhóm họp tại Nữu Ước để hoàn tất những công trình dành cho trẻ em.
Công ước này có hiệu lực pháp lý tại các nước gia nhập và phê chuẩn. Văn kiện này phổ biến sâu rộng các hiểu biết về vấn đề trẻ em. Cha mẹ cần ý thức rằng ngoài ý nghĩa pháp luật, công ước còn nhận thức về các vấn đề trẻ em trên thế giới. Ðây không phải chỉ là một tuyên ngôn ghi rõ các ý định mà còn có giá trị pháp luật. Bản văn cung cấp những hiểu biết giúp thấu triệt các vấn đề liên hệ đến trẻ em để mỗi bậc làm cha mẹ sử dụng như kim chỉ nam trong hành động cụ thể, giúp chính quyền mỗi nước bảo vệ hữu hiệu các quyền lợi trẻ em.
Công ước dành cho trẻ em các nhân quyền căn bản, cả về dân sự lẫn chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa bằng cách xác nhận mỗi em có nhân vị và định nghĩa trẻ em về phương diện luật pháp : đó là con người dưới 18 tuổi, ngoại trừ tuổi thành niên sớm hơn theo pháp chế của từng nước. Công ước cũng ghi rõ nguyên tắc không kỳ thị (principe de non-discrimination) bảo đảm việc tôn trọng các quyền đã được công bố và việc áp dụng các quyền ‘‘cho mọi trẻ em theo pháp chế từng nước mà không có sự phân biệt nào’’.
Công ước còn đặt ra nguyên tắc ‘‘quyền lợi tối thượng của trẻ em’’để tạo ra một chuẩn mực chung cho các nước trong trường hợp có khác biệt hoặc mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp chế của mỗi quốc gia.
Văn bản Liên Hiệp Quốc bắt buộc các quốc gia phải tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ mà bậc làm cha mẹ cũng như các người có trách nhiệm phải tôn trọng cũng như các định hướng và các lời khuyên thích hợp trong việc hành sử các quyền mà Công ước nhìn nhận. Quy định này đặt vai trò hàng đầu của gia đình so với các nhà chức trách xã hội, chính trị hoặc tư pháp. Nhà nước phải bảo đảm viêäc bảo vệ trẻ em trong trường hợp không có hoặc thiếu chăm sóc gia đình.
Sau cùng, trẻ em có các quyền như mọi con người khác : quyền sống và sống còn, quyền phát triển, quyền có một cái tên, quyền gìn giữ bản sắc, quyền được ghi vào sổ bộ sau khi sinh, quyền có một quốc tịch, các quyền lợi y tế và xã hội, quyền có mức sống đầy đủ. Trẻ em cũng có quyền phát biểu, quyền suy nghĩ, quyền có ý thức riêng, quyền tôn giáo, quyền tự do lập hội và tự do hội họp.
Công ước còn nhất mạnh về tính đặc thù của trẻ em bằng cách dành cho trẻ em các quyền đặc biệt vì con trẻ còn non nớt nên cần được gia đình bảo vệ và chăm sóc.
Công ước nhìn nhận vai trò quan trọng của gia đình và xác định rằng ‘‘trẻ em phải lớn lên trong bầu khí thông cảm, yêu thương và hạnh phúc’’. Gia đình còn là nơi gìn giữ nguồn cội quê hương nhờ ngôn ngữ và văn hóa. Quy định này hoàn toàn có thể áp dụng không những với các gia đình Việt Nam trong nước, nhưng nhất là các gia đình sống tại hải ngoại, như trường hợp các gia đình Việt Nam sống tại Pháp. Công ước của Liên Hiệp Quốc giới thiệu gia đình như là đơn vị căn bản của xã hội và là môi trường tự nhiên giúp các em phát triển để đưa đến nhận định nền dân chủ phát sinh từ chốn gia đình. Vì vậy, gia đình phải được Nhà nước bảo vệ và bảo đảm để thực hiện được nhiệm vụ trong cộng đồng.
Công ước quốc tế về quyền trẻ em nhắc lại rằng quan hệ cha mẹ và gia đình là bước đầu để thực hiện quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, các nhà giáo dục cảm thấy sót sa trước hiện tượng lạm dụng tính dục trẻ em.
2 - Hiện tượng lạm dụng tính dục trẻ em (Phénomène de l’abus sexuel sur l’enfant) : Hiện tượng này phải được xét đến trong viễn tượng nhân loại thần học (perspective anthropologico-théologie) nhằm xét đến vấn đề mục đích và ý nghĩa của cuộc sống, vấn đề chiều hướng thiêng liêng và đạo đức của tính dục. Tòa Thánh sau khi thực hiện các công trình nghiên cứu đã kết luận nguyên nhân trực tiếp của việc tấn công tình dục là do tình trạng :
• bệnh lý có nguồn gốc tâm lý: tinh thần yếu đuối, sự xáo trộn nhân cách ;
• bệnh lý có nguồn gốc xã hội : nghiện rượu, thất nghiệp, nghèo túng ;
• bệnh lý tính dục người lớn: nhiều người lạm dụng tính dục trẻ con từng là nạn nhân bị lạm dụng tính dục lúc còn nhỏ.
Giáo hội công giáo nhấn mạnh ngoài việc xử lý các hậu quả tình trạng bệnh lý còn cần tập trung vào việc phòng ngừa. Vì vậy cần thực hiện các công trình khác nhau để đi từ giảm bớt đến loại bỏ các nguyên nhân của hiện tượng này.
Thế kỷ XXI được mệnh danh là kỷ nguyên khoa học kỹ thuật. Giáo hội đặc biệt quan tâm đến các vấn đề khoa học liên hệ đến gia đình.
D - VẤN ÐỀ KHOA HỌC :
Phần D được dành để tìm hiểu quan điểm của Tòa Thánh về một vấn đề khoa học mang tính thời sự : vấn đề sinh sản vô tính (clonage).
• Vấn đề sinh sản vô tính :
Hội đồng Tòa thánh về Gia đình ý thức được tầm quan trọng của vấn đề và yêu cầu Liên Hiệp Quốc sớm soạn thảo một thỏa ước quốc tế chống lại sinh sản vô tính (convention internationale contre le clonage humain).
Việc áp dụng kỹ thuật sinh học này nói lên sự cần thiết của nhân loại học toàn diện về con người, đồng thời suy nghĩ về vai trò của gia đình đối với nhân loại. Khả năng áp dụng sinh sản vô tính đặt ra các vấn đề gia đình : ý nghĩa làm cha mẹ và làm con cái, phẩm giá phôi thai, sự thật và ý nghĩa của tính dục con người.
Sinh sản vô tính là kỹ thuật thường áp dụng trong khoa sinh học để sinh các tế bào và các vi sinh vật (micro-organisme), cả thực vật lẫn động vật và thiết lập sơ đồ thông tin di truyền như là ADN (acide désoxyribonucléique), các thông tin di truyền được hệ thống hóa.
Kỹ thuật này nhằm mục đích sinh sản, người ta vận dụng chất liệu di truyền (matériel génétique) của tế bào hoặc sinh vật (organisme) (thực vật hoặc động vật) của từng đơn vị (individu) hoặc tập hợp các đơn vị về phương diện di truyền học giống hệt với tế bào mẫu. Khác với các kỹ thuật trước đây, kỹ thuật sinh sản này là vô sinh (reproduction asexuée) nghĩa là không có quan hệ tính dục (union sexuelle), đồng thời làvô giao (agamique) nghĩa là không có vấn đề thụ tinh. Tập hợp các đơn vị có được bằng kỹ thuật sinh sản vô tính (clonage) gọi là dòng (hoặc đứa con) vô tính (clones). Về phương diện kỹ thuật, kỹ thuật sinh sản vô tính đươc thực hiện bằng cách chuyển giao hạt nhân (transfert nucléaire) trong đó việc thụ thai được thay thế bằng sự phối hợp một nhân lấy từ tế bào thể hệ (cellule somatique).
Kỹ thuật sinh sản vô tính nhằm hai mục đích : sinh sản (clonage reproductif) và trị liệu (thérapeutique). Sự khác biệt giữa hai kỹ thuật này là ở mục đích sử dụng. Kỹ thuật sinh sản đượcï phát triển qua việc cấy vào tử cung người mẹ. Kỹ thuật trị liệu nhằm sử dụng phôi thai trong giai đoạn trước khi cấy (stade pré-implantatoire) để trị liệu.
Năm 1993, Ủy ban quốc tế Ðạo đức sinh học (Comité international de Bioéthique) đề nghị cấm việc ứng dụng kỹ thuật này. Năm 1998, Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận Tuyên ngôn quốc tế về bộ di truyền đơn bội con người và nhân quyền (Déclaration universelle sur le génome humain et les droits de l’homme). Tuyên ngôn nhận định rằng kỹ thuật sinh sản vô tính nhằm mục đích sinh sản là trái với nhân phẩm. Năm 2001, có 24 nước cấm kỹ thuật này, trong số có Ðức, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ba Tây, Nam Phi. Năm 2003, đến lượt Hoa Kỳ soạn thảo dự luật cấm hoàn toàn kỹ thuật sinh sản vô tính.
Việc áp dụng kỹ thuật này không những làm phương hại đến phẩm giá con người mà còn thương tổn đến đạo lý. Cuối năm 2005, nhà sinh học Nam Triều Tiên Hwang Woosuk phải từ chức vì đã vi phạm đạo đức sinh học y khoa (éthique biomédicale) khi tiến hành thí nghiệm sinh sản vô tính. Ông thú nhận đã lấy 240 noãn sào của một số nữ sinh viên để thí nghiệm. Việc lấy noãn sào gây nguy hại cho người hiến noãn. Các nữ sinh viên đều làm việc dưới quyền của ông Woosuk nên những người này có thể đã chịu áp lực của cấp trên.
Không kể trường hợp Triều Tiên, quan điểm của Tòa Thánh chống lại kỹ thuật sinh sản vô tính được cộng đồng thế giới hưởng ứng.
Có thể tóm lược toàn bộ học thuyết của Tòa Thánh về gia đình trong Hiến chương về quyền của gia đình mà chúng tôi chuyển dịch toàn văn sau đây.
Ngày 24 tháng 11 năm 1983, Tòa Thánh công bố ‘‘Hiến chương về quyền gia đình’’. Hiến chương này được soạn thảo sau khi Tòa Thánh tham khảo ý kiến của Thượng Hội đồng Giám mục. Hiến chương này đáp ứng được yêu cầu của các Nghị phụ năm 1980 trong nghị quyết số 42. Hiến chương gia đình lấy lại 12 điểm ghi trong nghị quyết này.
HIẾN CHƯƠNG VỀ QUYỀN GIA ÐÌNH (Charte des droits de la famille) :
Lời mở đầu
Xét rằng :
A. Các quyền của con người, dù được diễn tả như là quyền của cá nhân, có bản chất xã hội tìm thấy trong gia đình sự diễn đạt từ khi cha sinh mẹ đẻ đầy sức sống ;
B. Gia đình được lập trên hôn nhân, sự kết hợp mật thiết bổ sung giữa người nam và người nữ, được thiết lập bằng quan hệ bền chặt của hôn nhân, tự do lấy nhau xác nhận công khai đưa đến việc truyền sinh ;
C. Hôn nhân là định chế tự nhiên được giao phó sứ mạng truyền sự sống con người ;
D. Gia đình, một xã hội tự nhiên, có trước Nhà nước và mọi tập thể khác, có các quyền không thể tước bỏ được ;
E. Gia đình ngoài đơn vị pháp lý, xã hội học hoặc kinh tế còn tạo thành cộng đồng tình yêu liên đới, có khả năng dạy dỗ và lưu truyền các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tinh thần và tôn giáo cần thiết cho việc phát triển và phúc lợi của các thành viên trong gia đình và phát triển xã hội ;
F. Gia đình là nơi nhiều thế hệ tập hợp, giúp đỡ lẫn nhau để gia tăng sự khôn ngoan của nhân loại và điều hòa các quyền cá nhân với các đòi hỏi khác của đời sống xã hội ;
G. Gia đình và xã hội, hiệp nhất bởi liên hệ cơ cấu trọng yếu, đảm nhận vai trò bổ sung lẫn nhau để bảo vệ và thăng tiến phúc lợi của toàn nhân loại và của mỗi người ;
H. Kinh nghiệm của các nền văn hóa khác nhau trải qua lịch sử chứng minh rằng, đối với xã hội, sự cần thiết nhìn nhận và bảo vệ định chế gia đình ;
I. Xã hội, Nhà nước và các tổ chức quốc tế phải bảo vệ gia đình bằng các biện pháp chính trị, kinh tế, xã hội và pháp luật nhằm tăng cường sự hiệp nhất và ổn định gia đình, để gia đình có thể hành sử chức năng đặc biệt ;
J. Các quyền, các nhu cầu căn bản, phúc lợi và các giá trị của gia đình, dù là bất cứ giá trị nào, trong một số trường hợp, cần đươc che chở hơn nữa, thường không được nhận biết hoặc bị đe dọa bởi luật pháp, các định chế và các chương trình xã hội kinh tế ;
K. Nhiều gia đình bị buộc phải sống trong tình trạng nghèo nàn bị ngăn trở không thể hoàn thành vai trò của mình với phẩm giá ;
L. Giáo hội công giáo, biết rằng lợi ích của con người, của xã hội và lợi ích của Giáo hội được thông qua bởi gia đình, có sứ mạng truyền bá cho mọi người biết ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, được ghi trong bản tính nhân loại, để thăng tiến hai định chế này, bảo vệ chống lại những ai làm thương tổn ;
M. Thượng Hội đồng Giám mục họp năm 1980 minh thị khuyến cáo rằng Hiến chương về quyền của gia đình được soạn thảo và thông báo cho tất cả những người có liên hệ ;
Sau khi tham khảo ý kiến các Hội đồng Giám mục trên thế giới, Tòa Thánh giới thiệu HIẾN CHƯƠNG QUYỀN GIA ÐÌNH và khẩn thiết mời gọi các nước, các tổ chức quốc tế, mọi định chế và cá nhân liên hệ thăng tiến việc tôn trọng, bảo đảm sự công nhận thực sự và áp dụng các quyền này.
*
Ðiều 1
Mọi người có quyền tự do lựa chọn tình trạng sống : quyền lập gia đình, tạo dựng gia đình hoặc sống độc thân.
a) Mọi người nam và người nữ đến tuổi lập gia đình và có khả năng cần thiết, có quyền kết hôn và lập gia đình mà không có sự kỳ thị nào ; các hạn chế pháp định của việc hành sử quyền này, dù là tạm thời hoặc vĩnh viễn, chỉ có thể áp dụng nếu có những đòi hỏi quan trọng và khách quan dựa trên định chế hôn nhân và ý nghĩa công và xã hội, trong mọi trường hợp, phải tôn trọng phẩm giá và các quyền căn bản của con người.
b) Những người muốn kết hôn và lập gia đình có quyền trông cậy xã hội để có được các điều kiện tinh thần, giáo dục, xã hội, kinh tế thuận lợi cho phép hành sử quyền kết hôn trong sự chín chắn và trách nhiệm.
c) Giá trị định chế của hôn nhân phải được nhà cầm quyền nâng đỡ ; tình trạng của các đôi lứa không kết hôn không được đặt trên cùng một bình diện như những người lấy nhau hợp lệ.
Ðiều 2
Hôn lễ chỉ có thể tiến hành với sự ưng thuận tự do của vợ chồng, diễn tả một cách hợp lệ.
a) Trong vài nền văn hóa, vai trò truyền thống trong gia đình nhằm hướng dẫn quyết định của con cái, cần tránh mọi việc ép buộc hay cản trở sự lựa chọn lấy nhau.
b) Vợ chồng sắp cưới có quyền tự do tôn giáo ; vì vậy việc bắt buộc phải bỏ đạo hoặc theo đạo như điều kiện tiên quyết để làm lễ cưới là trái với lương tâm, vi phạm quyền này.
c) Trong sự bổ túc tự nhiên giữa nam và nữ, vợ chồng có cùng một phẩm giá và có quyền bình đẳng đối với hôn nhân.
Ðiều 3
Vợ chồng có quyền lập gia đình, quyết định khoảng cách sinh con và số con bằng cách cân nhắc đầy đủ bổn phận đối với các con sắp và đã sinh, đối với gia đình và xã hội, trong bảng sắp hạng chính đáng các giá trị, phù hợp với trật tự tinh thần khách quan nhằm loại bỏ việc ngừa thai, phương pháp tuyệt sản và phá thai.
a) Các văn bản công quyền hoặc các tổ chức tư nhằm hạn chế quyền tự do của vợ chồng trong quyết định liên quan đến con cái là xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người và công lý.
b) Trong quan hệ quốc tế, viện trợ kinh tế nhằm phát triển các dân tộc phải không đặt điều kiện chấp nhận chương trình ngừa thai, tuyệt sản hoặc phá thai.
c) Gia đình có quyền được xã hội giúp đỡ để sinh con và giáo dục con cái. Các đôi bạn lập gia đình có nhiều con có quyền được giúp đỡ thích hợp mà không phải chịu đựng sự kỳ thị nào.
Ðiều 4
Ðời sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ ngay từ khi mới thụ thai.
a) Phá thai là vi phạm trực tiếp vào quyền căn bản được sống của mọi con người.
b) Sự tôn trọng phẩm giá con người loại bỏ mọi thủ thuật thí nghiệm hoặc khai thác phôi thai con người.
c) Mọi việc can thiệp trên di sản di truyền của con người không nhằm điều chỉnh sự bất thường là vi phạm quyền toàn vẹn thân thể và đi ngược với lợi ích của gia đình.
d) Trước và sau khi sinh ra, trẻ em có quyền được bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt cũng như người mẹ có quyền được giúp đỡ trong thời kỳ mang thai và trong thời kỳ hợp lý sau khi sinh đẻ.
e) Mọi trẻ em, dù sinh trong hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân, được hưởng quyền bảo hộ xã hội như nhau, để phát triển con người toàn diện.
f) Các cô nhi và các trẻ em không được cha mẹ hoặc người giám hộ chăm sóc phải được hưởng một quyền đặc biệt về phần xã hội. Ðối với trẻ em được giao cho một gia đình hoặc được nhận nuôi, Nhà nước phải thiết lập pháp chế giúp các gia đình có thể tiếp nhận các trẻ em được nuôi nấng tạm hoặc thường xuyên, đồng thời, tôn trọng các quyền tự nhiên của cha mẹ.
g) Trẻ em khiếm tật có quyền có khung cảnh thích hợp trong gia đình và trường học để phát triển nhân cách.
Ðiều 5
Vì sinh con, cha mẹ có quyền nguyên thủy, đầu tiên và không thể tước bỏ trong việc giáo dục con cái, vì vậy cha mẹ phải được công nhận như nhà giáo dục chính đầu tiên đối với con cái.
a) Cha mẹ có quyền giáo dục con cái theo niềm tin đạo đức và tôn giáo, các truyền thống văn hóa và truyền thống gia đình giúp cho lợi ích và phẩm giá đứa con, cha mẹ phải nhận được từ xã hội sự giúp đỡ và trợ giúp cần thiết để làm tròn vai trò nhà giáo dục một cách thích hợp.
b) Cha mẹ có quyền tự do lựa chọn trường học hoặc các phương tiện cần thiết khác để giáo dục con cái theo sự tin tưởng của mình. Công quyền cần có những biện pháp thích hợp trong việc phân chia tiền trợ cấp để cha mẹ được tự do hành sử quyền này mà không phải chịu các chi phí không thích đáng. Cha mẹ không phải chịu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp các phí tổn phụ ngăn cản hoặêc giới hạn một cách không chính đáng việc hành sử quyền tự do này.
c) Cha mẹ có quyền về việc con cái họ không bị bắt buộc phải theo học trái với niềm tin đạo đức và tôn giáo. Ðặc biệt là giáo dục tình dục - là quyền căn bản cha mẹ phải luôn được dẫn dắt và chỉ đạo một cách thận trọngï, dù là ở nhà hoặc ở các trung tâm giáo dục do cha mẹ lựa chọn và kiểm soát.
d) Quyền của cha mẹ bị vi phạm khi Nhà nước bắt buộc một hệ thống giáo dục bắt buộc loại trừ việc dạy giáo lý.
e) Quyền đầu tiên của cha mẹ giáo dục con cái phải được bảo đảm trong mọi hình thức hợp tác giữa cha mẹ, giáo viên và những người có trách nhiệm ở trường học, đặc biệt là các hình thức tham dự nhìn nhận các công dân có vai trò trong việc điều hành trường học, trong việc bầy tỏ và trong việc áp dụng chính sách giáo dục.
f) Gia đình có quyền mong đợi các phương tiện truyền thông xã hội trở thành các phương tiện tích cực trong việc xây dựng xã hội và nâng đỡ các giá trị căn bản của gia đình. Ðồng thời gia đình có quyền được bảo vệ một cách hữu hiệu, đặc biệt những người còn non dại, để tránh các tác hại tiêu cực hoặc những tác động tổn hại của truyền thông đại chúng.
Ðiều 6
Gia đình có quyền sinh tồn và tiến bộ.
Công quyền phải tôn trọng và thăng tiến phẩm giá riêng của mọi gia đình, sự độc lập chính đáng, sự ấm úng, sự toàn vẹn cũng như sự ổn định.
Ly dị làm thương tổn định chế hôn nhân và gia đình.
Hệ thống gia đình mở rộng (đại gia đình) tại những nơi còn tồn tại, phải được đề cao và giúp đỡ để có thể hoàn thành nhiệm vụ liên đới truyền thống và giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời tôn trọng các quyền của gia đình hạt nhân và phẩm giá của mỗi cá nhân như là con người.
Ðiều 7
Mỗi gia đình có quyền được sống đạo tự do, dưới sự chỉ đạo của cha mẹ, cũng như quyền tuyên xưng và rao giảng đức tin, quyền tham dự các nghi lễ cộng đoàn và các chương trình giáo lý chọn lựa tự do, không bị kỳ thị.
Ðiều 8
Gia đình có quyền hành sử nhiệm vụ xã hội và chính trị trong việc xây dựng xã hội.
a) Gia đình có quyền cùng với các gia đình khác lập hội và các cơ quan, để hoàn thành vai trò riêng của gia đình một cách thích đáng và hiệu quả, và để bảo vệ các quyền, làm thăng tiến lợi ích và giới thiệu các quyền lợi gia đình.
b) Trên bình diện kinh tế, xã hội, luật pháp và văn hóa, vai trò chính đáng của gia đình và các hiệp hội gia đình phải được công nhận trong việc soạn thảo và phát triển các chương trình tác động đến đời sống gia đình.
Ðiều 9
Gia đình có quyền kỳ vọng vào chính sách gia đình thích đáng về phía công quyền trong các phạm vị luật học, kinh tế, xã hội, thuế vụ mà không có kỳ thị nào.
a) Gia đình có quyền được hưởng các điều kiện kinh tế bảo đảm mức sống, phù hợp với phẩm giá và sự phát triển của gia đình. Gia đình phải không bị ngăn cản trong việc thủ đắc và giữ các tài sản tư, tạo điều kiện dễ dàng cho một đời sống gia đình ổn định ; luật thừa kế phải tôn trọng các nhu cầu và quyền lợi của các thành viên trong gia đình.
b) Gia đình có quyền hưởng các biện pháp trên bình diện xã hội lưu ý đến nhu cầu của các gia đình, nhất là trong trường hợp cha hoặc mẹ mất sớm hoặc vợ chồng bỏ nhau, trường hợp gặp tai nạn, bệnh tật, tàn phế, mất việc, hoặc khi gia đình phải chịu các chi tiêu phụ của người nhà có tuổi, bị tật nguyền thể xác hoặc tâm lý, phải lo giáo dục con cái.
c) Những người có tuổi có quyền tìm thấy trong gia đình hoặc nếu không thể tìm thấy trong gia đình, trong các cơ sở thích hợp, khung cảnh an dưỡng tuổi già trong sự thanh thản bằng cách có các sinh hoạt thích hợp với tuổi già và cho phép họ tham gia đời sống xã hội.
d) Các quyền lợi và nhu cầu của gia đình, nhất là giá trị hiệp nhất trong gia đình phải được lưu ý trong chính sách hoặc pháp chế hình sự, để một tù nhân vẫn có thể tiếp xúc với gia đình ; gia đình, nhận được sự giúp đỡ trong thời gian thân nhân bị giam giữ.
Ðiều 10
Gia đình có quyền có một trật tự xã hội và kinh tế trong đó việc tổ chức công ăn việc làm cho phép các thành viên trong gia đình sống chung với nhau mà không cản trở sự hiệp nhất, phúc lợi, sức khỏe và sự ổn định của gia đình, đồng thời cung ứng khả năng giải trí lành mạnh.
Lương bổng phải đầy đủ để thanh niên có thể lập gia đình và giúp gia đình sống xứng đáng, hoặc bởi lương bổng thích ứng, mệnh danh là (phụ cấp) ‘‘gia đình’’, hoặc bởi các biện pháp xã hội khác như là trợ cấp gia đình, hoặc trả lương cho cha hoặc mẹ không đi làm, phụ cấp này làm sao để bà mẹ trong gia đình không bị bắt buộc phải bỏ gia đình để đi làm, gây thiệt hại cho gia đình và cho việc giáo dục con cái.
Công việc của người mẹ trong gia đình phải được công nhận và tôn trọng vì giá trị của công việc này đối với gia đình và xã hội.
Ðiều 11
Gia đình có quyền có chỗ ở khang trang, thích hợp với cuộc sống gia đình và tỷ lệ với số người trong gia đình, trong một môi trường bảo đảm các dịch vụ căn bản cần thiết cho cuộc sống gia đình và tập thể.
Ðiều 12
Gia đình những người di dân có quyền được bảo hiểm xã hội vốn được chấp nhận cho các gia đình khác.
Gia đình những người nhập cư có quyền được tôn trọng văn hóa riêng, giúp đỡ và trợ giúp cần thiết cho vấn đề hội nhập vào cộng đồng mà các gia đình này góp phần đóng góp.
Các người lao động nhập cư có quyền đoàn tụ gia đình ngay khi có thể được.
Các người tỵ nạn có quyền được các cơ quan công quyền và các tổ chức quốc tế giúp đỡ để làm dễ dàng cho việc đoàn tụ gia đình.
KẾT LUẬN :
Gia đình xây đắp trên tình yêu vợ chồng. Nói khác đi, gia đình là hoa trái của tình yêu. Gia đình có vai trò thiết yếu trong xã hội và Giáo Hội. Chính vì vậy, xã hội và Giáo Hội hiệp lực giúp đỡ gia đình bằng nhiều biện pháp và học thuyết thích hợp, đồng thời bác bỏ một số quan niệm phát sinh trong thời đại mới tác hại đến gia đình, từ ý thức hệ ‘‘gender’’ (mà chúng tôi tạm dịch là ‘‘tính loại ’’) đến việc ‘‘chế tạo’’ hài nhi nhân tạo trong phòng thí nghiệm (in vitro). Chúng tôi nhấn mạnh đến thuật từ ‘‘chế tạo’’ (fabrication) để thấy rằng người ta có xu hướng lãng quên vật thể, thay thế bằng vật chất. Có thể kể thêm việc phá thai tác hại đến định chế gia đình. Kỹ thuật này được che đậy bằng một số cách nói khác (euphémisme) như việc tự ý đình chỉ thai nghén (interruption volontaire de grossesse : I.V.G.). Kỹ thuật phá thai ngày nay được đa dạng hóa với việc sử dụng chất mifépristone cho phép phá thai rất sớm, hoặc kỹ thuật ‘‘contragestion’’ (tạm dịch là kỹ thuật chống thai nghén) ngăn chặn tác dụng của kích thích tố tên là progestérone, hoặc kỹ thuật ‘‘partial-birth abortion’’ (phá thai bằng cách trục thai), ‘‘interruption médicale de la grossesse’’ (ngưng mang thai bằng kỹ thuật y khoa) v.v. Trong ngôn ngữ tây phương, ‘‘avortement’’ vừa có nghĩa là phá thai, vừa có nghĩa là thất bại. Việc sử dụng kỹ thuật này mặc nhiên thú nhận sự thất bại của các gia đình liên hệ.
Như đã nói trong phần trên, gia đình là định chế lâu đời nhất của nhân loại. Mặc dù gặp nhiều thách đố, gia đình tiếp tục tồn tại như nhận định của văn hào Honoré de Balzac : Gia đình luôn là căn bản của các xã hội (La famille sera toujours la base des sociétés). Vì vậy, Tòa Thánh, Giáo hội địa phương, Giáo hội Việt Nam và cộng đoàn Giáo Xứ không ngừng nâng đỡ gia đình bằng các giáo huấn cũng như nhiều biện pháp cụ thể : từ việc tổ chức thường xuyên các khóa chuẩn bị hôn nhân gồm nhiều chuyên khoa : từ Giáo luật đến Dân luật, từ Tôn giáo đến Giáo dục, từ Y khoa đến Dinh dưỡng, từ Tâm lý đến Tài chính v.v. Ngoài ra, Giáo Xứ còn thành lập Ban Mục vụ Gia đình có nhiệm vụ đánh giá các khóa chuẩn bị hôn nhân, tổ chức các buổi hội luận về gia đình, tổ chức ngày gia đình hàng năm v.v. Ngoài việc giúp các gia đình trẻ hiểu biết tường tận bổn phận truyền sinh và giáo dục trong khung cảnh ấm êm, hạnh phúc của gia đình, các sinh hoạt này còn giúp cho các gia đình ý thức rằng Giáo Hội, thông qua Giáo Xứ, luôn đồng hành với mỗi gia đình trong cuộc sống hàng ngày, reo rắc Tin Mừng để gia đình ngày thêm hạnh phúc, thương yêu ; đồng thời hiệp thông với mỗi gia đình trong hoàn cảnh khó khăn. Ban Mục vụ Gia đình luôn tạo cơ hội cho lứa đôi đối thoại với nhau, trao đổi kinh nghiệm để mỗi gia đình vững vàng trước bão tố nhất thời trong cuộc sống. Báo Giáo Xứ thường xuyên thực hiện các số báo mang chủ đề ‘‘Gia đình’’, với sự tham gia bài vở của các giảng viên trong Ban Mục vụ Gia đình. Như con thuyền tiếp tục hải trình sau cuồng phong, gia đình không thể vấp ngã trước bão tố trường đời. Sau cơn giông trời lại sáng. Giáo hội đem lại ánh sáng hạnh phúc cho mỗi gia đình bằng tình yêu thương, như giáo huấn của ÐTC Bênêdictô XVI trong thông điệp Deus Amor Est :
‘’Tình yêu (eros) hạ giá chỉ là ‘‘tình dục’’ như một món hàng, một món đồ có thể mua bán được ; hoặc hơn nữa, chính con người trở thành một món hàng. Trong thực tế, không những con người chiều theo thân xác. Con người ngày nay coi thân xác và tính dục chỉ là phần vật chất có thể sử dụng, khai thác một cách tính toán. Vả lại tình yêu không còn là không gian tự do của con người, con người mang lại trong tình yêu sự vui thú vô hại. Trong thực tế, ta cảm thấy thân xác con người bị hạ giá, không gồm trong tự do cuộc sống, cũng không còn diễn đạt một cách sống động toàn diện bản thể, nhưng thu hẹp trong lãnh vực thuần túy sinh học. Sự ca ngợi thân xác có thể biến thành căm ghét hiện hữu. Ngược lại, đức tin công giáo luôn coi con người như một vật thể duy nhất có cả hồn lẫn xác (duel) trong đó linh hồn và thể xác thâm nhập lẫn nhau, cả hai từng trải một cách cao qúy. Vâng, tình yêu (eros) muốn nâng ta ’‘nhập định’’ (en extase) cùng Thiên Chúa, dẫn ta ra khỏi thân xác hạn hẹp, nói đúng ra đòi hỏi con đường thăng tiến và từ bỏ, thanh luyện và cứu thoát’’[16].
Con đường thăng tiến mà ÐTC Bênêdictô XVI mời gọi gia đình công giáo dấn thân từng được các nghị phụ Công đồng Vaticanô II ghi trong kết luận phần II chương II ‘‘Hôn nhân và gia đình’’ của Hiến chế ‘‘Giáo hội trong thế giới ngày nay’’ :
‘‘Chính vợ chồng, được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa và được an định trong cấp bực nhân vị, hãy kết hợp trong tình tương thân tương ái, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau, để trong khi theo Chúa Kitô là nguyên lý sự sống, giữa những vui mừng và hy sinh của ơn gọi và qua tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự tử nạn và phục sinh của Ngài.’’
Hội đồng Giám mục Việt Nam lấy lại giáo huấn ‘‘Thánh hóa lứa đôi’’ của Công đồng Vaticanô II để đặt tên cho Thư chung năm 2002 làThánh hóa Gia đình. Các vị Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục và các Linh mục Giám quản thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đồng thanh nhận định rằng thánh hóa gia đình là phương thức duy nhất giúp các gia đình Việt Nam vượt qua khó khăn thử thách :
‘‘Hình ảnh đẹp về gia đình Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ mờ nhạt dần đi. Nguyên do dễ thấy nhất là tiến trình ‘‘công nghiệp hóa, đô thị hóa’’. Tiến trình này tự nó đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong, lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng những ích kỷ và xa hơn đến lối sống buông thả sa đọa, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.’’
Trong tinh thần thánh hóa gia đình, mỗi gia đình công giáo hiệp thông với Hội đồng Giám mục Việt Nam đọc Kinh nguyện Thánh gia, để mỗi gia đình thực sự là một Giáo hội tại gia, đồng thời là một ‘‘Thánh gia’’, phát huy truyền thống tốt đẹp của Thánh gia Nazareth.
Viết xong tại Giáo Xứ Chủ nhật Lễ Thánh Cả Giuse
(19 tháng 3 năm 2006)
KINH NGUYỆN THÁNH GIA :
Lạy Thánh gia Nazareth, là gương mẫu của đời sống thánh thiện, công bình và yêu thương, xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân đức, trong hiền hòa, phục vụ và cầu nguyện.
Xin cho chúng con xây dựng gia đình, thành nơi an ủi cho cuộc đời đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội, cộng tác trong việc xây dựng Giáo hội. Xin Thánh Cả Giuse, Thánh Mẫu Maria và Chúa Giêsu luôn hiện diện trong gia đình chúng con, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi lo âu cũng như lúc hy vọng, khi sinh con cũng như lúc tang chế, để khi trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống, chúng con luôn chúc tụng Chúa, cho đến ngày được sum họp với Thánh gia trong Nước Trời. Amen.’’
*
[1] Cardinal Josef Ratzinger, Le Sel de la terre, Paris, Flammarion/Cerf, 2005, tr. 224.
[2] Ibidem (Ibid.).
[3] Martine Segalen, Jeux de famille, Paris, Presse du C.N.R.S. (Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học), 1991.
[4] Hervé Le Bras, Fécondité en Europe : Le poids des modèles familiaux, trong Familles : Permanences et métamorphoses, Paris, Ed. Sciences Humaines, 2002, tr. 87.
[5] Jean-Paul II, Familiaris consortio : Les tâches de la famille chrétienne (22 novembre 1981). Paris, Pierre Téqui, tr. 14-15.
[6] Ibid.
[7] Jean-Paul II, Allocution durant la visite ad limina des Évêques de la Région Est II de la Conférence Nationale des Évêques du Brésil, trong L’Osservatore Romano,17/11/2002.
[8] Thư Chung năm 2002 của Hội đồng Giám mục Việt Nam ‘‘Thánh hóa Gia đình’’. LM Trần Anh Dũng, Hàng Giám mục Việt Nam 1933-2003. Paris, Ðắc Lộ Tùng Thư 2005, tr. 533-534.
[9] Mgr André Vingt-Trois, Mariage unique et définitif, trong Lexique des termes ambigus et controversés sur la famille, la vie et les questions éthiques, Conseil Pontifical pour la Famille, Paris, Pierre Téqui, 2005, tr. 763.
[10] Mgr André Vingt-Trois, Mariage unique et définitif, trong Lexique des termes ambigus et controversés sur la famille, la vie et les questions éthiques, Conseil Pontifical pour la Famille, Paris, Pierre Téqui, 2005, tr. 763.
[11] Giáo hoàng Học viện Piô X, Thánh Công đồng chung Vaticanô II (Văn kiện Công đồng : Hiến chế, Sắc lệnh, Tuyên ngôn, Sứ điệp), Dalat, Phân khoa Thần học, tr. 797-798.
[12] Cardinal Alfonso López Trujillo, Clonage : perte de statut parental du couple et négation de la famille, trong Lexique, tr. 129
[13] Cardinal Alfonso López Trujillo, Famille et privatisation, trong Lexique, tr. 493.
[14] Cardinal Josef Ratzinger, op. cit., tr. 196-201.
[15] Benoỵt XVI, Dieu est amour, Lettre encyclique sur l’amour chrétien, Paris, École Cathédrale, Parole et Silence, 2006, tr. 22.
[16] Op. cit., tr. 26-27.