GIA ÐÌNH TRONG CỘNG ÐOÀN VÀ GIÁO HỘI
Nguyễn Ngọc Ðĩnh – Mai Ðức Vinh
GIA ÐÌNH TRONG
CỘNG ÐOÀN VÀ GIÁO HỘI
Vì gia đình là đơn vị cơ bản của Cộng Ðoàn và Giáo Hội, nên khi đề cập đến ‘Văn Hóa Gia Ðình’, chúng ta, người công giáo, không thể bỏ quên những vụ việc lớn xẩy ra trong sinh hoạt của gia đình nhưng mang nhiều ý nghĩa và mầu sắc cộng đoàn và giáo hội. Ðúng như lời khẳng định của Ðức Gioan-Phaolô II : «Gia đình là con đường dài quan trọng của Giáo Hội»[1]. Mà vì cộng đoàn nhất thiết nằm trong Giáo Hội, nên con đường này cũng xuyên qua cộng đoàn, đến độ những vụ việc của gia đình xẩy ra trong cộng đoàn thì một trật cũng xẩy ra trong Giáo Hội. Nói khác: những vụ việc chúng ta viết về ‘gia đình trong cộng đoàn’ thì cũng là viết về ‘gia đình trong Giáo Hội’. Giáo Hội bao trùm cả cộng đoàn và gia đình. Ðiều này, cho phép chúng ta chia bài viết thành hai phần, A, ‘Gia đình trong Cộng đoàn’ và B, ‘Gia đình trong Giáo Hội’, nhưng phần B rất vắn gọn:
A. GIA ÐÌNH TRONG CỘNG ÐOÀN
Ðiều hiển nhiên, chúng ta không thể nêu lên và trình bày hết được mọi vụ việc của gia đình tương quan với cộng đoàn. Chúng ta chỉ nói đến những vụ việc chính yếu trực tiếp liên hệ đến đời sống gia đình công giáo. Những sinh hoạt hay những vụ việc của gia đình trong cộng đoàn có thể gom vào ba trục lớn: Hôn nhân, Tang chế và Lễ tiết.
I. HÔN NHÂN
Chúng ta biết Giáo Hội rất quan tâm đến hôn nhân và gia đình. Nhưng gia đình là đơn vị trực tiếp của cộng đoàn. Do đó, đối với một đôi bạn hay một gia đình muốn sống đầy đủ giáo huấn của Giáo Hội, họ không có môi trường nào khác hơn là cộng đoàn hay giáo xứ. Nói khác, môi trường trực tiếp hiện hữu, hoạt động và thăng tiến của gia đình công giáo là cộng đoàn. Nhưng trước khi lập gia đình mọi người tín hữu đã sinh ra và lớn lên trong cộng đoàn.
1. SINH RA VÀ LỚN LÊN TRONG CỘNG ÐOÀN
1). Gia nhập cộng đoàn nhờ Bí tich Rửa Tội : Theo giáo luật hiện nay ‘cha mẹ có bổn phận lo cho con mình được rửa tội ngay trong những tuần lễ đầu tiên’ (Ð 867,1), để em trở nên con Chúa và gia nhập vào Giáo Hội (Ð 849)[2]. Linh mục phải chuẩn bị tinh thần cho phụ huynh, có thể tổ chức buổi cầu nguyện chung với nhiều gia đình trong giáo xứ (Ð 852,1), và thường phải cử hành bí tích Rửa Tội trong nhà thờ giáo xứ (Ð 858, 2) để nhiều người trong xứ tham dự.
2). Chính thức được đăng ký vào sổ ‘nhân danh’ của cộng đoàn : Trong mỗi giáo xứ phải có các sổ sách hàng xứ, tức là sổ Rửa Tội, sổ Hôn Phối, sổ An Táng… Trong sổ Rửa Tội còn ghi chú thêm việc Thêm Sức và cả những gì liên hệ tới tình trạng giáo luật của tín hữu, như hôn phối, chịu chức, khấn dòng… (Ð535)[3].
3). Lớn lên trong Cộng Ðoàn nhờ việc huấn luyện giáo lý, rước lễ, thêm sức, sinh hoạt hội đoàn : Người trao truyền đức tin cho trẻ em trước tiên là cha mẹ (GH 41; Ð 774,2), nhưng trong giáo xứ hay cộng đoàn là cha sở với sự cộng tác của giáo dân (giáo lý viên) (Ð 776, GM 30). Trước tiên là chuẩn bị cho các em, sau một thời gian học giáo lý đầy đủ, được xưng tội rước lễ lần đầu, cũng như chịu phép Thêm Sức một cách xứng đáng. Sau đó còn phải trau dồi giáo lý cho các em hầu các em có căn bản giáo lý sâu xa hơn (Ð 777). Chẳng hạn, nhờ việc học giáo lý để lãnh nhận bí tích Thêm Sức, người tín hữu sẽ thêm ý thức và kiên cường nên nhân chứng của Chúa Kitô, bênh vực và loan truyền Ðức Tin bằng lời nói và việc làm (Ð 879). Muốn đạt được như vậy, việc huấn giáo phải hướng các thanh thiếu niên gia nhập các hội đoàn, để trong đó các em học làm việc tông đồ. Trong gia đình là bổn phân của cha mẹ, trong họ đạo là bổn phận của linh mục, của giáo lý viên, của các nhà giáo dục và của các bậc đàn anh trong hội đoàn (TÐ 30). Tất cả đều nhằm huấn luyện cho các em trở nên những giáo dân trưởng thành, ý thức trách nhiệm tông đồ trong mọi môi trường, đặc biệt trong cộng đoàn.
Chúng ta có thể xác định lại những điều nói trên đây bằng lời dạy của Công đồng Vaticanô II : “Cha mẹ đã sinh ra con cái, tự nhiên có trọng trách giáo dục, bởi vậy, cha mẹ là những người đầu tiên và quan trọng nhất đối với con cái… chỉ cha mẹ mới tạo nổi một bầu không khí gia đình, bằng tình yêu và lòng kính cẩn đối với Thiên Chúa và nhân loại, sống động đến nỗi thuận lợi cho sự giáo dục toàn diện con em trong phạm vi biệt vị và xã hội... Nhưng chính trong gia đình công giáo, vì có ơn Chúa dồi dào và bí tích hôn phối đòi hỏi nhiều, cho nên phải giáo dục con cái tự tuổi thơ ấu theo đức tin mà chúng đã được trong bí tích Rửa tội, để chúng học biết Thiên Chúa và tôn kính Ngài và đồng thời thương yêu tha nhân. Từ gia đình công giáo em học được kinh nghiệm đầu tiên về Giáo Hội và về đới sống thực tế của con người trong xã hội; từ gia đình, em dần dần gia nhập cộng đồng nhân loại và nhập tịch Dân Tộc Thiên Chúa. Bởi vậy, phụ huynh phải ý thức ra tầm quan trọng của gia đình đích thật công giáo trong cuộc đời và trong sự tiến bộ của toàn thể Dân Tộc Thiên Chúa (GD3). Từ gia đình con cái lớn lên, được hướng dẫn đúng thời và đúng cách, hầu ý thức đầy đủ về phẩm giá, chức vụ và lối sống tình yêu vợ chồng, để khi được đào tạo trong sạch, thanh thiếu niên sẽ thành đôi vợ chồng tốt lành sau những năm đính hôn sống cách đúng đắn (MV 49).
2. CHUẨN BỊ HÔN NHÂN TRONG CỘNG ÐOÀN
Lý tưởng của một người công giáo và ước nguyện của Giáo Hội là một người sinh quán và lớn lên trong cộng đoàn hay giáo xứ nào thì thành hôn trong cộng đoàn đó. Ðiều này phù hợp với phong tục ‘ruộng đầu chợ, vợ giữa làng, ruộng giữa đồng, chồng trong xóm’ hay ‘Lấy chồng khó giữa làng, hơn lấy chồng sang thiên hạ‘ của xã hội Việt Nam trước đây. Ngày nay, tại Việt Nam, nhất là tại các Cộng đồng Việt Nam hải ngoại, có lẽ không ai đặt vấn đề đó nữa. Tuy nhiên, cộng đoàn mình sinh sống vẫn luôn là môi trường thuận lợi và ý nghĩa cho việc hôn nhân của đôi bạn trẻ, bắt đầu từ việc quen nhau, tìm hiểu nhau… cho đến lúc quyết định thành hôn. Nhưng dù với trường hợp nào, trong vấn đề giáo dục thanh thiếu niên, lời dạy của Công Ðồng vẫn là kim chỉ nam: “Cha mẹ phải giáo dục thế nào để khi con cái lớn khôn, có thể có lương tâm trách nhiệm mà theo ơn Chúa gọi để chọn bậc sống, hoặc tu dòng, hoặc kết bạn. Nếu kết hôn, họ có thể xây dựng gia đình với những điều kiện thuận lợi về mặt luân lý, xã hội và kinh tế. Cha mẹ và người bảo hộ có bổn phận dùng lời khuyên bảo khôn ngoan để hướng dẫn lớp trẻ trong việc thành lập gia đình, lớp trẻ sẽ sung sướng lãnh nhận những lời chỉ bảo này” (MV 52).
1). Cộng đoàn, môi trường đôi bạn trẻ quen thân nhau: Dưới nhiều dạng sinh hoạt, quen nhau từ lúc còn nhỏ trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, lớn lên gặp nhau thường xuyên và dần dần để ý đến nhau trong Ca đoàn, hay trong một sinh hoạt người trẻ (đi trại hè, đi Ngày Trẻ Thế Giới, đi hành hương, một dịp cấm phòng). Tại Giáo Xứ Việt Nam-Paris có nhiều trường hợp như vậy. Cộng đoàn không chỉ là môi trường quen thân của đôi bạn trẻ mà còn của chính các phụ huynh. Nhờ đó, khi đôi bạn trẻ thưa với cha mẹ và gia đình về sự quyết định của họ, các phụ huynh sẽ dễ dàng đón nhận.
2). Cộng đoàn là môi trường đôi bạn trẻ được chuẩn bị đi vào đời sống hôn nhân và gia đình: Sau thời gian quen biết, tìm hiểu nhau, cầu nguyện chung với nhau… đôi bạn trẻ quyết định ‘nên vợ nên chồng’ bằng ngày lễ hỏi chính thức giữa hai gia đình theo tục lệ dân sự. Là đôi bạn công giáo, họ biết rằng Giáo Hội đòi buộc ‘tình yêu hôn nhân của họ phải được bảo đảm bởi cả luật đời và luật đạo. Luật đời là nghi thức hôn thú cử hành tại thị xã, và luật đạo là hôn phối cử hành tại nhà thờ. Hơn thế, trước ngày ‘cử hành trọng đại này‘, đôi bạn trẻ phải được chuẩn bị chu đáo bằng một khóa học về những khiá cạnh chính yếu của đời sống hôn nhân và gia đình. Ở đây chúng ta có thể lâùy Cộng Ðoàn Giáo Xứ Việt Nam – Paris làm thí dụ.
3). Chuẩn bị theo Giáo Luật đòi buộc : Các chủ chăn có bổn phận lo liệu sao cho cộng đoàn Giáo Hội của mình biết trợ giúp các tín hữu bảo toàn bậc sống hôn nhân theo tinh thần kitô giáo, thăng tiến bậc sống hôn nhân trên đường trọn lành. Việc giúp này, tiên vàn phải được thực hiện 1) bằng việc rao giảng, huấn luyện giáo lý thích hợp cho vị thành niên, thanh niên và người lớn… 2) bằng việc chuẩn bị riêng cho những người sắp kết hôn, để đôi bạn được sửa soạn lãnh nhận sự thánh thiện và những bổn phận của bậc sống mới (Ð 106,1-2)[4]. Vì hôn nhân của Kitô hữu là thánh Bí Tích, nên cần phải có ơn nghĩa thánh mới lãnh nhận bí tích này cách xứng đáng và hiệu lực. Do đó, việc xưng tội rước lễ là cần thiết cho lễ thành hôn. Ngoài ra Giáo Luật cũng đòi hỏi đôi bạn công giáo phải lãnh nhận Bí tích Thêm Sức trước (Ð 1065).
4). Khảo hạch và bá cáo ngăn trở : Hội Ðồng giám mục phải ra những quy luật về việc khảo hạch các đôi bạn, việc rao hôn phối và về những phương thế tùy tiện khác để hoàn tất công việc điều tra phải có trước khi kết hôn[5]. Sau khi tuân hành kỹ lưỡng những điều đó, cha sở mới có thể tiến hành việc chứng giám hôn phối (Ð 1067). Ngoài ra, mọi tín hữu trong cộng đoàn có bổn phận phải bá cáo lên cha sở hay Bản quyền sở tại, trước khi cử hành hôn phối, những ngăn trở mà họ biết được (Ð 1069)[6].
5). Tại Giáo Xứ Việt Nam-Paris : Trước kia vẫn do các linh mục đảm nhiệm. Từ 1996, Giáo Xứ có một Ban Mục Vụ Gia Ðình (BMVGÐ) gồm 10 người, 2 linh mục, một Phó tế vĩnh viễn và bảy giáo dân có khả năng văn hóa chuyên môn và nhiều kinh nghiệm gia đình và vững chắc trong đời sống đạo. Sinh hoạt chính yếu của Ban này là mở hai khoá Chuẩn bị Hôn nhân mỗi năm, khoá Phục sinh và khoá Giáng Sinh, mỗi khóa sáu tuần, mỗi tuần học một buổi tối thứ sáu, từ 20 đến 23g30. Cho tới nay, trung bình mỗi khoá có từ 8 đến 14 đôi bạn tham dự. Chủ yếu là những đôi bạn trẻ sắp lập gia đình, nhưng cũng có những đôi bạn đã nhiều năm hôn phối rồi, cũõng ghi danh tham dự để ôn lại và đào sâu giáo lý hôn nhân. Cuối khoá là một buổi trao đổi chung, thánh lễ tạ ơn và sau thánh lễ là nghi thức trao chứng chỉ khóa học. Sau đây là chủ đề giảng dạy và danh sách giảng viên:
- Lm Mai Ðức Vinh (trưởng ban): “Mục đích và đặc tính của Bí tích Hôn nhân”.
- Ls Lê Ðình Thông: “Gia đình trong dân luật Pháp”.
- Gs Trần Văn Cảnh: “Giáo dục con cái”.
- Bs Tạ Thanh Minh (Phó ban), (1996-2001, Bs Nguyễn Văn Ái): “Ðời sống sinh lý vợ chồng”.
- Gs Nguyễn An Nhơn (1996-2002, Pt Phạm Bá Nha): “Tài chánh trong gia đình”.
- Bs Nguyễn Thị Bích Hiền (1996-2001, Bs Tạ Thanh Minh, 2001-2003, bs Trần Kim Uyên): “Vệ sinh, dinh dưỡng trong đời sống vợ chồng”.
- Gs Tạ Thanh Minh Khánh: “Vai trò người vợ”.
- Bs Nguyễn Ngọc Ðỉnh: “Vai trò người chồng”.
- Pt Nguyễn Văn Thạch: “Sống đạo trong gia đình”.
- Lm Ðinh Ðồng Thượng Sách: “Cử hành Bí tích Hôn nhân”.
Ðể nói lên tính cách khẩn trương của việc chuẩn bị cho các đôi bạn trẻ đi vào đời sống gia đình, chúng ta phải ghi lại đây nhận xét của Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong cuốn Ðường Hy Vọng: “Chuẩn bị làm linh mục có chủng viện, chuẩn bị làm tu sĩ có đệ tử viện, chuẩn bị làm giáo sư có trường sư phạm, chuẩn bị làm cha mẹ có gì? Không có gì cả. Thật là sự thiếu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này tạm có lớp dự bị hôn nhân, nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân của sự thiếu sót này” (463).
6). Hồ sơ hôn phối : Nhờ khóa chuẩn bị, đôi bạn trẻ có tạm đủ hành trang xin cha sở hoặc một linh mục liên hệ chuẩn bị hồ sơ cử hành hôn lễ. Ðây là công việc thực tế quan trọng phải làm trước ngày cử hành hôn phối giữa cộng đoàn, nên luôn được nhắc lại trong cuốn lịch phụng vụ Giáo Xứ phát hành mỗi năm những quy định của Giáo Luật và của Hội Ðồng Giám Mục Pháp.
7). Dọn mình lãnh Bí Tích :
- Ít là ba tháng trước khi kết bạn, hai người phải liên lạc với linh mục đặc nhiệm vấn đề hôn phối, để tùy hoàn cảnh và nhu cầu linh mục giúp họ học hỏi thêm về giáo lý và cách riêng về thánh Bí tích Hôn phối. Tại Giáo Xứ Việt Nam – Paris, từ mười năm nay, có Ban Mục Vụ Gia Ðình đảm nhiệm.
- Vì thuộc sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, nên bao giờ cũng thông báo công khai hai, ba tháng trước khi mở khoá.
- Trường hợp đặc biệt, có thể xin học riêng với một linh mục quen biết, nhưng phải có sự đồng ý của cha sở
8). Thủ tục hành chánh :
- Mỗi người công giáo phải có trích lục rửa tội mới được cấp trong vòng ba tháng (xin nhớ trích lục chứ không phải bản sao) (Ð 1055,2).
- Mọi người phải có một trích lục khai sinh mới được cấp trong vòng ba tháng. Một tờ phóng ảnh của trích lục vừa nói trên cũng được.
- Mọi người phải ký, dưới sự chứng giám của linh mục lo nghi lễ hôn phối, một tờ cam kết (Déclaration d’intention) do giáo phận làm sẵn.
- Nếu là hôn nhân khác đạo (mariage mixte, một bên công giáo, một bên là kitô giáo nhưng không phải là công giáo), hay hôn nhân dị giáo (marige de disparité de culte, một bên là công giáo, một bên là ngoài kitô giáo, như phật giáo, thờ cúng ông bà), cha sở hay linh mục phụ trách hồ sơ còn phải làm đơn xin phép chuẩn nộp lên Văn phòng Hôn phối và Phép chuẩn (Bureau de mariages et de dispenses) xin cho bên công giáo quyền kết hôn với người không đồng đạo. (Ð 1086, 1129).
- Trước khi cử hành nghi lễ thành hôn công giáo, phải trình cho linh mục chứng giám hôn phối tờ giá thú dân sự.
- Luật nước Pháp cấm linh mục ngặt linh mục không được chứng giám nghi lễ thành hôn tôn giáo trước lễ thành hôn ở tòa thị sảnh.
- Ngoài hồ sơ hôn phối, còn phải ghi đầy đủ vào hai sổ cái mà linh mục chứng hôn, đôi tân hôn và hai người làm chứng phải ký vào. Một sổ sẽ đệ nộp lên tòa giám mục, một sổ sẽ lưu trữ tại giáo xứ (x.Ð 1121-11123).
3. CỬ HÀNH LỄ HÔN PHỐI GIỮA CỘNG ÐOÀN
Hai ngày lễ của gia đình có bầu khí hay đúng hơn là biến cố trong sinh hoạt cộng đoàn hơn cả chính là lễ cưới và lễ an táng. Ở đây chúng ta nói đến lễ cưới hay lễ thành hôn của một đôi bạn trẻ cử hành giữa cộng đoàn giáo xứ. Ở đây chúng ta không đề cập đến các thủ tục dân sự, các nghi thức diễn ra tại trụ sở của làng xã theo phong tục và văn hóa quốc gia, cho dù rất phong phú và các làng xã công giáo vẫn tôn trọng và cẩn thủ, như ‘lễ rước dâu’. Những nghi lễ và tập tục đó được nói đến trong các chương khác của tập sách này. Trong khuôn khổ của chương này, chúng ta tường trình đến:
1). Lễ gia tiên: Lễ thành hôn bình thường cử hành trong gia đình trước. Ðiều này hợp lý, vì lễ hôn nhân bao giờ cũng là lễ của gia đình trước, sau đó mới đến làng xã (trụ sở xã) hay nghi lễ dân sự, rồi mới đến nhà thờ hay nghi lễ tôn giáo giữa cộng đoàn giáo xứ. Lễ Gia Tiên là một sáng kiến phụng vụ nhằm thể hiện tinh thần hội nhập văn hóa phụng vụ công giáo trong gia đình. Nghi lễ này thường chỉ hạn chế trong hai gia đình bên trai và bên gái. Mấy chục năm gần đây, nghi lễ này được phổ biến với nhiều sáng kiến ý nghĩa, thường được cử hành tại nhà gái. Sau đây là một mẫu hình:[7]
*. Ý nghĩa lễ gia tiên : Gia tiên là tổ tiên gia đình. Lễ gia tiên là lễ ra mắt ông bà trong ngày cưới. Trong tinh thần tôn kính tổ tiên, người Việt Nam công giáo hay không, vẫn xác tín rằng dù khuất đi, tổ tiên vẫn hiện diện và chia sẻ cuộc sống với con cháu, nhất là trong những dịp sinh sản, hôn nhân, tang chế, lễ tiết… Vì thế, nếu chỉ là gia đình việt nam, chúng ta có thể nói, lễ gia tiên bắt nguồn từ lòng nhớ ơn: “Cây có gốc mới có nhành xanh tươi, Nước có nguồn mới bể rộng sông dài, Người ta nguồn gốc từ đâu? Có cha có mẹ, rồi sau có mình”. Còn nếu là gia đình Việt Nam công giáo, chúng ta có thể thêm, lễ gia tiên bắt nguồn từ giáo huấn Thánh kinh, như lời sách Huấn ca sau đây : “Hãy nhớ ơn những vị ân nhân, mà trước tiên là cha ông qua các thế hệ. Công đức các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài qúy báu đó là lũ cháu đàn con… Nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng bao giờ phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44,10-15). Trực tiếp hơn cả là cha mẹ đôi bên, còn sống hay đã qua đời, thật xứng đáng đón nhận lòng biết ơn của con cái trong ngày chúng thành gia thất. Trước mặt đầy đủ của hai gia đình, đôi tân hôn nói lên công khai “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Nhưng trước tiên và trên hết là lòng biết ơn đối với Thượng Ðế, Ðấng dựng nên con người và thiết chế đời sống hôn nhân và gia đình: “Từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên người ta có nam có nữ, bởi đó người nam từ giã cha mẹ và luyến ái vợ mình. Cả hai trở nên một huyết nhục… Ðiều gì mà Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mt 19,8-6).
*. Diễn tiến nghi thức:
. Tiếp đón: Nhà trai tập trung đông đủ, đem các lễ vật theo tục lệ việt nam, tiến vào nhà gái. Nhà gái hiện diện đầy đủ tại phòng khách có đặt bàn thờ Chúa và bàn thờ Tổ Tiên, chờ đón nhà trai vào. Chủ hôn nhà trai chào mừng bên gái, giới thiệu thành phần nhà trai, trao tặng lễ vật…
. Cầu nguyện: Chủ hôn nhà gái trình diện cô dâu, giới thiệu gia đình nhà gái… Hai gia đình đọc kinh, bố mẹ đôi bên hay người chủ hôn, đốt hương trầm, dâng lời nguyện cảm tạ Thiên Chúa, và tổ tiên, chúc mừng cha mẹ đôi bên, cầu cho con dâu, chú rể trăm năm hạnh phúc…
. Trao quà tặng: Bố mẹ đôi bên cho con dâu, chú rể, anh chị em trong nhà, họ hàng, bạn hữu thân thiết tặng quà cho đôi tân hôn…
. Lời cám tạ và đoan hứa của cô dâu và chú rể với ly rượu mời cha mẹ và mọi người hiện diện…
. Rước dâu: Sau lễ gia tiên cử hành ở nhà gái, có thể rước dâu về thẳng nhà trai, hay đi tới trụ sở xã hoặc tới nhà thờ, tùy theo sự sắp đặt của hai gia đình.
2) Lễ hôn phối tại nhà thờ giáo xứ hay giữa cộng đoàn.
*. Tính cách cộng đoàn: Chúng ta không nói đến ở đây việc cử hành hôn phối dân sự tại thị xã, vì đã được nói đến trong các bài viết khác của cuốn sách này. Vì Bí Tích, dù là Bí tích Xức dầu hay Rửa tội, luôn mang tính cách cộng đoàn (GLCG 1517), nên ngày lễ hôn phối được kể như ngày lễ đặc biệt trong cộng đoàn giáo xứ. Quả vậy, kể từ khi rao cho cộng đoàn biết tin, mọi người đã được nhắc nhở cầu nguyện cho đôi bạn, và dù không phải là bà con thân thuộc, cũng đã dành giờ để đi dự lễ cưới. Hôm đó, nhà thờ giáo xứ được chưng hoa nến trọng thể hơn. Có ghế dành riêng cho cô dâu chú rể, trải phủ khăn vải thêu lộng lẫy, và đặt ngay gần cung thánh. Thánh lễ được cử hành long trọng đúng theo nghi lễ phụng vụ và những điểm phụng vụ dành cho sáng kiến trang nghiêm của đôi tân hôn, như cùng lên đốt chung một cây nến tượng trưng cho tình yêu ấm cúng và hiệp nhất của vợ chồng, như đôi tân hôn thay nhau đọc những lời nguyện đặc biệt của ngày lễ hôn phối, như nghi thức dâng của lễ với sự tham dự của nhiều thành phần trong gia đình hay bạn bè thân thiết… Ca đoàn và cả cộng đoàn tham dự đều trầm bổng với những bài thánh ca thật sốt sáng và ý nghĩa riêng của lễ hôn phối. Ðăïc biệt cô dâu chú rể và các em phù dâu phù rể nổi bật trong những bộ quốc phục thật ‘văn hóa’, lôi kéo sự chú ý của mọi người, nhất là mấy thợ chụp ảnh.
*. Diễn tiến Thánh Lễ:
. Phần mở lễ: Trong khi ca đoàn hát bài mở lễ, linh mục và đoàn phụ lễ tiến ra đón tiếp cô dâu chú rể và đoàn tùy tùng từ cửa nhà thờ tiến vào. Sau lời chào cộng đoàn, cha chủ lễ chúc mừng đôi bạn và xin mọi người cùng hợp tâm cầu nguyện. Lễ hôn phối bao giờ cũng hát Kinh Vinh Danh.
. Lời nguyện và Lời Chúa: Có nhiều mẫu cầu nguyện, linh mục có thể chọn. Chẳng hạn: “Lạy Chúa, khi tác thành nhân loại, Chúa đã muốn có sự phối hợp giữa người nam và người nữ, xin Chúa dùng giây tình yêu duy nhất mà liên kết các tôi tớ Chúa đây là T… và X..., những người sẽ kết hợp với nhau bằng khế ước hôn nhân, để khi Chúa rộng ban cho họ được hưởng hiệu quả trong tình yêu, thì Chúa cũng cho họ trở nên nhân chứng của chính tình yêu ấy”. Cả cộng đoàn thưa: Amen. Tiếp theo là các bài đọc Sách Thánh. Thường chính đôi tân hôn cùng chọn với cha chủ lễ hai hay ba bài trong những bài mà phụng vụ đề nghị (trích ra từ Cựu ước hay từ các thư thánh Phaolô hay Gioan và cả bài Tin Mừng)[8]. Mấy lời Kinh Thánh sau đây rất căn bản cho đời sống gia đình mà vợ chồng nghiền ngẫm cả đời: “Tobia nói với Sara : chúng ta là con cháu của các thánh, chúng ta không thể kết bạn như những người chư dân không nhìn biết ThiênChúa…” (St 2,18). Lời dạy của thánh Phaolô: “Như những người được Thiên chúa tuyển chọn, anh chị em hãy mặc lấy những đức tính từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện oán trách người kia. Như Thiên Chúa hằng tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh chị em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc mọi điều toàn thiện. Nguyện xin bình an của Ðức Kitô làm chủ trong lòng anh chị em, sự bình an mà anh chị em đã được kêu gọi tới hưởng thụ để làm nên một thân thể…” (Cl3,12-14). Lời Chúa Giêsu: “Các con hãy biết rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã tác tạo nên người ta, và người đã tác tạo nên họ, cả nam và nữ. Và Thiên chúa đã phán dạy rằng : “Bởi lẽ đó người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và luyến ái người vợ của mình và cả hai sẽ thành nên một huyết nhục. Như thế họ không còn phải là hai, nhưng là một huyết nhục. Vậy điều gì mà Thiên chúa đã liên kết, loài người không được tháo gơõ” (Mt 19,4-6). Chỗ khác Chúa Giêsu lại phán : “Ðây là giới răn của Thầy : các con hãy mến thương nhau như Thầy đã mến thương các con. Không ai có tình yêu cao qúy hơn mối tình của người dám hiến mạng sống mình cho người mình yêu” (Ga 15,12).
. Cử hành Bí Tích: Sau bài giảng linh mục chủ lễ mời cộng đoàn đứng lên, hai người làm chứng đứng gần đôi tân hôn. Người làm chứng hôn phối không buộc phải là người đã chịu phép Rửa tội, nhưng cần là hai người đứng đắn, ý thức việc họ làm (Ð 1116,2; 1117) và nghi lễ ban hành Bí Tích Hôn Phối bắt đầu: Người cử hành Bí Tích thực sự chính là đôi bạn, linh mục chủ sự chỉ là người chứng giám thay mặt Giáo Hội. Theo nghi thức phụng vụ, chúng ta thấy có ba phần: Phần thứ nhất là đối thoại giữa linh mục chứng giám và đôi bạn qua ba câu hỏi: “Anh chị có tự do và thật lòng đến đây, chớ không bị ép buộc, để kết hôn với nhau không?”. – “Khi chọn đời sống hôn nhân, anh chị có sẵn sàng yêu thương và kính trọng nhau suốt đời không?” – “Anh chị có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?”. Dĩ nhiên, sau mỗi câu hỏi, đôi bản phải trả lời “Thưa có”, và phải nói lớn để ít ra linh mục chủ lễ và hai người làm chứng nghe rõ. Phần thứ hai là lời giao kết của đôi bạn với nhau. Nhiều đôi bạn và nhiều người tham dự đã xúc động về hai lời cam kết này. Người nam rồi người nữ lần lượt kết ước với nhau : “Anh là T (X)… nhận em là X (anh T) làm vợ (làm chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”. Lời giao ước này nói lên ý chí ưng thuận tự do của đôi vợ chồng, làm cho hôn phối thành tựu và không thể thối lui được (Ð 1057). Và linh mục long trọng kết thúc : “Xin Thiên chúa đoái thương xác nhận sự ưng thuận mà anh chị đã tỏ bày trước Hội thánh, và xin Chúa đoái thương đổ tràn đầy ơn phúc xuống cho anh chị; Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”. Phần thứ ba là đôi bạn trao nhẫn cho nhau ‘để làm bằng chứng tình yêu và trung thành’. Hai chiếc nhẫn cưới được linh mục làm phép và hai vợ chồng trao cho nhau với lời đọc: “X… (T...) em (anh) nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của anh (em), nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
. Lời nguyện của đôi tân hôn: Ngay sau việc cử hành Bí Tích, đôi tân hôn thay nhau đọc những lời cầu nguyện mà chính họ đã dọn (có thể nhờ người khác đọc). Thường có bốn ý cầu nguyện như sau: - Cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân họ đã lãnh nhận, đặc biệt trong ngày thành hôn. - Xin Chúa trả ơn cho cha mẹ đôi bên, cho những người đã giúp đỡ, những người hiện diện trong thánh lễ. – Cầu cho những người quá cố trong hai đại gia đình. – Cầu cho những đôi bạn trẻ đang bước vào đời sống gia đình. Tuy nhiên đôi tân hôn hoàn toàn tự do sáng kiến, như Jacqueline Huỳnh và Phạm Tử Trước (cưới 27.07.2002, tại Giáo Xứ) đã tự soạn như sau:
- A. Trước: “Với tấm lòng biết ơn, chúng con xin Chúa ban cho quí Cha, quí Ông Bà, Cô Chú, Anh Chị em và các Bạn, đã dành thời gian để đến dự Thánh Lễ hôn phối của chúng con hôm nay, muôn ơn lành trong cuộc sống hằng ngày. Thành tâm, chúng con cầu xin Chúa. (Sau mỗi lời nguyện, cộng đoàn hát: Lạy Chúa, Xin trông nghe và xin thương xót chúng con).
- C. Jacqueline: Với tất cả tấm lòng hiếu thảo, chúng con xin Chúa chúc lành cho Cha Mẹ đôi bên đã dầy công sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ, cho chúng con có ngày hôm nay. Xin Chúa ban cho Cha Mẹ chúng con được nhiều sức khỏe an vui. Thành tâm, chúng con cầu xin Chúa.
- A. Trước: Với tấm lòng trìu mến, chúnh con xin Chúa nhớ đến các Ông Bà Tổ Tiên bên nội, bên ngoại của chúng con đã qua đời. Xin Chúa đem các Vị về bên Chúa và cho các Vị được hưởng Nhan thánh Chúa ngàn thu. Thành tâm, chúng con cầu xin.
- C. Jacqueline: Với tấm lòng yêu thương ngập tràn, xin Chúa dìu dắt hai chúng con, cũng như những đôi bạn trẻ khác trong đời sống hôn nhân. Xin Chúa ban cho tất cả chúng con luôn ý thức trách nhiệm, biết thương yêu lo lắng và biết tha thứ, yên ủi nhau mỗi ngày trong cuộc sống lứa đôi. Thành tâm, chúng con cầu xin Chúa.
Còn một hình thức cầu nguyện khác, là cả hai vợ chồng cùng đọc chung một bản kinh, quen gọi là ‘Kinh nguyện của Ðôi Tân Hôn’:
- “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con người bạn trăm năm, xin cho con hiểu biết trách nhiệm của con là phải tạo hạnh phúc cho bạn con, và tình yêu của bạn con là sức mạnh giúp con can đảm để làm tròn bổn phận Chúa trao phó cho con. Lạy Chúa, xin cho con được biết bạn con ước muốn những gì, lo lắng những gì, để con vỗ về an ủi chở che. Lạy Chúa, xin cho con biết đối đãi tử tế với bạn con. Xin cho con nhớ rằng một lời âu yếm, một cử chỉ yêu thương, cũng đủ làm cho bạn con vui lòng hả dạ. Lạy Chúa, xin dạy con hiểu rằng: “yêu thương thì phải giầu lòng từ bi nhân hậu, nhẫn nại khiêm tốn, chấp nhận sửa bảo lẫn nhau. Lạy Chúa, xin chớ để con bất công, tàn nhẫn, xin dạy con biết ăn ở mềm mại và hiền từ với bạn con, và nếu cần sửa dạy, thì xin cho con biết dùng những lời khôn khéo, chỉ bảo và yêu thương. Con biết rằng, con cũng có nhiều khuyết điểm, nên con không có quyền đòi bạn con phải trọn lành. Con biết rằng, tha thứ sai lầm, nín nhịn yếu đuối, là dấu yêu nhau thành thực. Lạy Chúa, xin giữ lòng con khỏi tính ghen tương ngờ vực. Xin cho gia đình chúng con luôn được đoàn tụ ấm cúng, là gia đình sống đức tin và truyền giáo, biết góp phần xây dựng Cộng Ðoàn và Giáo Hội. Lạy Chúa và Mẹ Maria, xin thương giúp chúng con”. Amen.
. Dâng của lễ và đốt nến hay niệm hương: Một sáng kiến phụng vụ mới vừa có sắc thái văn hóa vừa thêm tính chất cộng đoàn, đó là: - Dâng của lễ với hoa nến và hương, với trái cây và bánh cưới, với nước và rượu lễ, với chén thánh và đĩa thánh. Ðoàn dâng của lễ là cô dâu, chú rể, các em nhỏ phù dâu phù rể. Sau khi đặt của lễ trên bàn thờ, đôi vợ chồng trẻ hoặc cùng nhau niệm hương kính Chúa, hoặc cùng đốt chung một ngọn nến để nói lên sự hiệp nhất của vợ chồng trong tình yêu và niềm tin.
. Những lời cầu riêng cho đôi tân hôn: Trong Thánh Lễ, phụng vụ dành những lời cầu riêng cho đôi tân hôn, cho đời sống gia đình với nhiều kiểu mẫu mà linh mục chủ tế lựa chọn tùy theo hoàn cảnh. Ðó là lời ‘cầu nguyện đầu lễ’, ‘lời cầu dâng lễ’, ‘kinh tiền tụng’, ‘Lời cầu sau kinh Lạy Cha’, ‘lời cầu kết lễ’ và ‘lời chúc lành riêng cho đôi tân hôn’. Ở đây, chúng ta trích dẫn một vài lời kinh tiêu biểu:
- Một trong ba mẫu ‘lời kinh dâng lễ’: Lạy Chúa, xin nhậm lời chúng con khẩn nguyện, và xin lấy lòng nhân hậu chấp nhận của lễ chúng con dâng để cầu cho các tôi tớ chúa đây, là… đã kết hôn bằng giao ước thánh thiện, để nhờ các mầu nhiệm này, họ sống kiên vững trong lòng mến Chúa thương người.
- Kinh tiền tụng: … Lạy Cha, vì yêu thương, Cha đã tạo dựng con người và nâng con người lên địa vị cao qúy, để tình yêu vợ chồng nên hình ảnh tình yêu của Cha. Cha lại không ngừng kêu gọi họ sống theo luâït bác ái, để họ tham dự vào tình yêu bất tận của Cha. Chính Bí tích Hôn nhân diễn tả tình yêu đó, đồng thời cũng thánh hiến tình yêu nhân loại, nhờ Ðức Ki tô…
- Một đoạn nhỏ trong các mẫu cầu nguyện sau kinh Lạy Cha: … Lạy Cha, xin cho hai anh chị… hằng biết ngợi khen Cha khi vui, tìm đến Cha lúc buồn; khi vất vả, được vui mừng vì có Cha hiện diện ủi an, lúc ngặt nghèo, cảm thấy Cha gần bên nâng đỡ. Xin cho họ biết siêng năng họp mặt với cộng đoàn dân thánh mà cầu khẩn danh Cha, biết làm chứng cho Cha trước mặt người thế….
. Kết thúc Thánh Lễ Hôn Phối: Tiếp theo việc rước lễ và lời nguyện kết lễ là ba lời nguyện chúc lành cho đôi tân hôn và chúc lành cho cộng đoàn. Sau đó có ba việc nối tiếp nhau:
- Cám ơn :Theo thường lệ, gia đình bên trai và bên gái nói đôi lời cám ơn linh mục chủ lễ, cộng đoàn và ca đoàn, đã sốt sáng dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho đôi tân hôn và chia vui với hai gia đình bên trai và bên gái. Lời cám ơn nhiều khi được ghi trên bìa sau của tập hát lễ. Chẳng hạn: “Chúng con xin chân thành cảm ơn Qúy Cha, Qúy Thầy đã dâng Thánh Lễ và cầu nguyện cho chúng con. Chúng con xin chân thành cám ơn Qúy Ông Bà, Qúy Cô Bác, các Anh Chị và Cộng Ðoàn đã dành thời giờ qúy báu đến tham dự Hôn lễ của chúng con. Trong ngày vui này, chúng con hết lòng ghi nhớ công ơn sinh dưỡng của Cha Mẹ, đã lo lắng trăm chiều cho chúng con có ngày hôm nay. Chúng con xin chân thành cảm tạ”. (Phượng-Linh và Ngọc-Cang, Thành hôn tại Giáo Xứ, 31.10.1998).
- Dâng gia đình cho Ðức Mẹ: Một nghi thức ngoài Thánh Lễ, đầy ý nghĩa đối với đôi vợ chồng trẻ, là trước mặt cha mẹ và cộng đoàn, họ kết thúc Thánh Lễ Hôn Phối bằng việc đến cám ơn và dâng gia đình tân lập cho Ðức Mẹ, xin Ðứùc Mẹ chúc lành và luôn chia sẻ với đời sống lứa đôi của họ. Họ xác tín rằng gia đình họ sẽ thật diễm phúc khi được Ðức Mẹ luôn hiện diện với tình mẫu tử. Họ quyết tạo lập một gia đình cầu nguyện, đức tin, can đảm, chung thủy và nhất trí trong tình yêu, nhờ ơn phù trợ của Ðức Mẹ. Bài thánh ca quen được hát lúc này là bài Diễm Tình Ca với những lời lẽ như sau: “ÐK: Chiều hôm nao, tiếng hát bay cao, qùy bên nhau trước Ðấng tối cao, hứa yêu nhau, trao câu thề chung sống trọn đời. Rồi mai đây kiếp sống có nhau, đời buồn vui mãi mãi bên nhau. Khấn xin Mẹ thương dắt dìu tình yêu dâng cao. - TK1: Tay trong tay nhịp bước đi trên đời, xin yêu thương hạnh phúc đến cho người, Người anh em yêu, người em anh mến, Mẹ ơi trông đến. Như chim kia liền cánh trên mây ngàn, đôi tim con hòa khúc hát huy hoàng. Trọn đời yêu nhau dù bao gian khó, có Mẹ đừng lo. – TK2: Mai sau đây gặp lúc phải lúc u sầu, xin cho con đừng thế dễ quên lời. Lời thề hôm xưa cùng người yêu dấu, tình thương tha thứ. Hay khi nao hạnh phúc đến dâng đầy, xin cho con đừng thế dễ quên lời. Lời ca tri ân, nhờ Mẹ thương đến chở che đời con”.
- Ký sổ và vỗ tay chúc mừng : Trước khi ra về, đôi tân hôn, hai người làm chứng và linh mục chủ tế phải ký tên vào hai sổ Hôn Phối lớn. Rồi đây một sổ sẽ giữ lại văn khố của Giáo Xứ và một sổ đệ nạp lên Toà giám mục (Ð 1121,1). Ngoài ra còn phải ký vào Sổ Gia Ðình Công Giáo dành riêng cho mỗi gia đình trong cộng đoàn. Thánh Lễ hoàn tất bằng một tràng pháo tay thật lớn của những hiện diện để chúc mừng đôi tân hôn và cha mẹ đôi bên. Một gia đình mới được thiết lập trong cộng đoàn giáo xứ, cũng là trong Giáo Hội.
4. THÁNH CA HÔN PHỐI
Không dám lạm bàn, nhưng thiết tưởng khi nói đến văn hóa gia đình, chúng ta không thể bỏ qua một phần bộ quan trọng của thánh lễ hôn phối là các bài Thánh ca. Có thể nói không tôn giáo nào đề cao tính cách cao trọng của đời sống gia đình và phẩm chất cộng đoàn của lễ hôn phối bằng Giáo Hội Công Giáo. Vì thế, lễ hôn phối đương nhiên trở thành nguồn hứng cho các nhạc gia công giáo. Chính nhờ các bài thánh ca mà lễ hôn phối thêm phần vui tươi, phấn khởi, dẫn cộng đoàn đi vào chiều sâu của Bí Tích Hôn Phối, của mầu nhiệm tình yêu Thánh Thể và mầu nhiệm tình yêu vợ chồng. Tình yêu vợ chồng thật cao siêu đúng như lời kinh phụng vụ “Lạy Chúa, Chúa đã thánh hiến sự phối hợp vợ chồng bằng mầu nhiệm cao cả, để dùng khế ước hôn nhân mà báo trước mầu nhiệm kết hợp giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh…”. Từ lâu, người ta khó quan niệm một lễ hôn phối giữa cộng đoàn mà không có ca đoàn hát thánh ca… Nói về Thánh ca Hôn phối, chúng ta nêu lên mấy điểm sau đây:
1). Số lượng: có thể tới hơn một trăm bài hiện đang được lưu hành trong các cộng đoàn hay giáo xứ, tại Việt Nam và Hải ngoại.
2). Những chủ đề tiêu biểu:
*. Hướng về Chúa: ‘Dâng Ðôi Tim Hồng’ của Ðỗ Vy Hạ: TK3 “Cùng dâng lên Chúa đôi tâm hồn, thề kết duyên sắt cầm. Nguyện xin Cha khứng ban hồng ân, hạnh phúc trong đôi tim tràn dâng…”. – ‘Xin Khấn Nguyện’ của Phanxicô: TK3 “Xin khấn nguyện cho đời tân hôn, dư luôn luôn muôn ơn thánh linh hồn. Cùng nhau trót đời tôn kính Chúa mà thôi, đưa bước nhau đi đến quê hương thiên đàng”. ÐK: “Tình dâng cao, tình trăng sao, tình tỏa sáng đường đi tới. Tình bao la, tình như hoa, tình tỏa ngát hương gia đình. Dù mai sau, dù thương đau, nguyện còn giữ tình yêu dấu. Tình miên man, tình kiên gan, tựa tình Chúa yêu trần gian”.
*- Nhấn mạnh đến Giao ước Hôn phối: ‘Một Ngày Hân Hoan’ của Nguyễn Khắc Tuần và Hoài Chiên: ÐK “Một ngày hân hoan qúy báu cho hai người, Chúa lấy linh tích ràng buộc, ban nhiều ơn cao siêu. Nguyện cầu ơn trên xuống phúc cho hai người, một đời thắm tươi, Thiết tha nguyện hứa trên đời, trung thành yêu mến nhau”… - ‘Hôn Ước’ của Duy Cần: ÐK “Một ngày yêu nhau, một đời yêu nhau, một đời ghi dấu, những ân tình ghi dấu ban đầu. Ðường đời xa xăm, tình dâng miên man, tình luôn tươi thắm, Chúa dắt dìu tình người đến trăm năm”…
*- Hướng về Ðức Mẹ: ‘Tình Hồng Dâng Mẹ’ của Văn Chi: TK1 “Ðời hồng dâng Mẹ, đẹp chiều nay hai hàng nến hồng. Một đời ước nguyện, đôi tim hồng tròn câu dâng hiến. Trọn đời yêu thương, cho tình này mãi mãi sắt son…”.- ‘Trước Ngai Mẹ Dấu Yêu’ của Ðỗ Vi Hạ: TK1 “Cùng qùy bên nhau, trước ngai Mẹ dấu yêu. Thầm lời khấn xin, Mẹ thương hai mái đầu…”
*- Ðậïm mầu Thánh Kinh: ‘Diễm Tình Ca 2’ của Thành Tâm: ÐK “Người tôi yêu hỡi, tôi đã thấy người rồi. Người ở bên tôi đây, mà tôi đâu có hay. Thôi nhé, chớ xa tôi, cho buốt con tim tôi, tôi hứa sẽ yêu người mãi, người yêu ơi”. – ‘Diệu Ca’ của Nguyễn Văn Trinh: TK1 “Trời mùa đông rét buốt qua rồi, này lại đây người yêu của tôi. Ðông đã hết, hoa xuân ngập trời, mùa về cho tình yêu lên ngôi…”.
*. Tình yêu của hai người: ‘Tận Hiến Cho Nhau’ của Phanxicô: ÐK “Xin yêu thương đẹp mãi đến mai sau, cho con luôn tận hiến sống cho nhau. Xin ơn thiêng dìu bước chúng con luôn, cho yêu thương nồng thắm như ban đầu”. - ‘Thắm Ân Tình’ của Kim long: ÐK “Tiến bước theo tiếng kinh cầu, nến sáng hoa thắm muôn mầu, đôi tim reo vui, tay nắm, vai kề vào qùy đây. Khấn ước cho mối duyên đầu, mãi không vướng u sầu, mong sao thiên thu luôn thắm ân tình như phút này”.
3). Những nét đặc thù: Là Thánh ca, các bài hát lễ hôn phối bao giờ cũng dựa trên nền tảng giáo lý và thánh kinh, nhưng không vì thế mà thiếu mầu sắc văn chương, nhẹ nhàng, tha thiết, diễn đạt tình yêu cao siêu, chung thủy của vợ chồng, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa. Những bài Thánh ca Hôn phối là những lời cầu nguyện cộng đoàn dành cho đôi bạn. Nhờ những bài Thánh ca, phụng vụ trở nên nhẹ nhàng, tươi mát, hấp dẫn và phong phú về tình Chúa và tình người. Cả hai tình yêu quyện lấy nhau nơi đôi tân hôn, cho họ hành trang vững chắc hầu xây dựng một gia đình hạnh phúc giữa cộng đoàn…
II. TANG CHẾ
Tang chế luôn là một vụ việc hay một biến cố lớn của gia đình và của cộng đoàn. Vì theo Khổng Tử và Mạnh Tử ‘Tang chế là một trong ba việc quan trọng: ăn, tang, tế’, và chồng chất nhiều tục lệ còn phức tạp hơn việc hôn nhân[9]. Cũng như vấn đề hôn nhân ở trên, ở đây chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề tang chế của một gia đình công giáo trong cộng đoàn hay giáo xứ công giáo. Tuy vẫn giữ những tập tục chính đáng về tang chế, các gia đình công giáo có những nét văn hoá, quy luật và tập quán riêng về ma chay. Dĩ nhiên ngày nay đã có nhiều thay đổi và đơn giản hoá theo tinh thần chung của Giáo Hội và xã hội, theo hoàn cảnh sống riêng của các cộng đoàn công giáo Việt Nam rải rác trên thế giới. Do đó, đoạn viết của chúng ta chỉ nằm trong khuôn khổ: Tang chế của một gia đình công giáo trong cộng đoàn công giáo.
1.QUAN NIỆM VỀ SỰ CHẾT
Theo giáo lý công giáo, “chết là linh hồn lìa ra khỏi xác”. Tất cả các Bí tích, nhất là các Bí tích gia nhập Kitô giáo, đều nhằm đến lễ Vượt Qua sau cùng của con cái Chúa, đó là Vượt qua bằng cái chết để họ bước vào sự sống trên Nước Trời. Lễ Vượt qua hiểu đơn sơ là biến cố dân Do Thái từ kiếp sống nô lệ ở Ai Cậâp đã vượt qua biển đỏ đi vào đất hứa; ám chỉ Chúa Kitô từ cuộc thương khó đi qua cái chết thập giá để sống lại vinh quang; và người Kitô hữu từ kiếp sống trần gian tạm bợ đi qua cái chết để vào cuộc sống vĩnh cửu. Khi đó được thực hiện điều họ tuyên xưng trong đức tin và đức cậy : “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” (GLCG 1680).
Như một người mẹ hiền, Giáo Hội đã đồng hành với người Kitô hữu trong suốt cuộc lữ hành của họ trên mặt đất này, và nay tiễn đưa họ đến chỗ tận cùng của con đường, để “đặt họ vào tay của Cha trên trời”. Trong Chúa Kitô, Giáo Hội dâng lên Chúa Cha những người con của ân sủng Ngài, và Giáo Hội, trong niềm hy vọng, đặt vào lòng đất cái mầm mống của thân xác sẽ sống lại trong vinh quang (x. 1Cr 15,42-44)… (GLCG 1683)
Những điểm giáo lý cơ bản về sự chết trên đây sẽ giúp chúng ta nắm bắt ý nghĩa của lễ an táng Giáo Hội dành cho một kitô hữu qua đời, được cử hành giữa cộng đoàn dân Chúa.
2. NGHI LỄ AN TÁNG VÀ LỄ AN TÁNG
Trước tiên cần phân biệt ‘lễ an táng’ với ‘nghi lễ an táng’. Nghi lễ an táng là một cử hành phụng vụ không có thánh lễ, còn lễ an táng là cử hành nghi lễ an táng trong đó phần chủ yếu là thánh lễ. Chủ sự nghi lễ an táng có thể là linh mục, phó tế hay một giáo dân được ủy nhiệm, nhưng chỉ linh mục mới là chủ sự lễ an táng. Nghi lễ an táng không bị hạn chế, nhưng lễ an táng bị phụng vụ cấm cử hành trong một số ngày[10]. Theo thói quen hiện nay, các xứ đạo Pháp cử hành ‘nghi lễ an táng’ nhiều hơn là ‘lễ an táng’; các cộng đoàn Việt Nam thì trái lại, tang quyến luôn mong có ‘lễ an táng’. Ðiều đáng chú ý là Giáo Hội muốn nghi lễ an táng hay thánh lễ an táng được thích ứng với hoàn cảnh và truyền thống địa phương ngay cả về mầu sắc phụng vụ (PV 81). Vì thế trong lễ an táng của người tín hữu việt nam tại Pháp thường được cử hành bằng tiếng việt, hát thánh ca việt nam và có thể niệm hương… Nghi lễ an táng gồm ba giai đoạn: tẩm liệm (ở gia đình hay nhà thương, nhà quàn), phó dâng và vĩnh biệt (ở nhà thờ), mai táng (tại nghĩa trang hay nơi hỏa thiêu). Còn lễ an táng thì có thánh lễ trước giai đoạn phó thác và vĩnh biệt[11].
3. DIỄN TIẾN LỄ AN TÁNG
Sau nghi thức tẩm liệm ở nhà thương, tại nhà quàn hay tại gia đình, linh cữu người quá cố được đem tới nhà thờ để cửû hành thánh lễ, có thể là thánh lễ đồng tế, và thường có ca đoàn trong xứ hát lễ: Những ý tưởng nổi bật là tạ ơn Thiên Chúa, là cầu nguyện cho người anh chị em quá cố, là nêu cao đức cậy trông và niềm tin vào sự sống lại. Thánh lễ diễn tiến theo luật phụng vụ lễ an táng (Ordo exsequiarum):
1). Ðón linh cữu: Linh mục ra cửa nhà thờ đón quan tài vào nhà thờ, được đặt giữa nhà thờ, gần bàn thờ. Gia đình và cộng đoàn tham dự vây quanh, ca đoàn hát bài nhập lễ…
2). Mở lễ: Linh mục nói lời đón tiếp: đón tiếp người quá cố, chia sẻ với tang quyến. – tùy thói quen, hai người trong tang quyến đốt những ngọn nến dọn sẵn quanh quan tài để nhắc nhở ngọn nến Rửa Tội, tuyên chứng Ðức Kitô là Ánh sáng; hoặc trải trên quan tài chiếc áo trắng nhắc nhở áo trắng của ngày chịu phép Rửa Tội… Hát kinh thương xót, đọc lời nguyện… Thật ý nghĩa, vì hầu hết các lời nguyện đều coi người quá cố như anh em, chị em của cộng đoàn hiện diện: “Lạy Chúa, xin thương đón nhận người anh em (chị em) chúng con…. ; Lạy Chúa, chúng con xin phó thác người anh em (chị em) chúng con….”
3). Phụng vụ Lời Chúa: Linh mục và tang quyến chọn lựa giữa các bài thánh kinh mà phụng vụ đề nghị. Bài giảng của linh mục chủ sự.
4). Phụng vụ Thánh thể: Như thường lệ, trừ bài tiền tụng: luôn nêu cao niềm tin sống lại “Chính Ðức Kitô đã khơi dậy nơi chúng con niềm hy vọng sống lại vinh hiển, để dù có buồn rầu vì số phận phải chết, chúng con vẫn được an ủi, bởi cha đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt…”
5). Phần phó thác và nghi thức giã biệt: Sau lời nguyện kết lễ, không ban phép lành, linh mục dành thời gian cho những chứng từ về người quá cố, những lời tạ của con cháu, những lời cám ơn của tang quyến. Tiếp đến, nghi thức phó thác và giã biệt được bắt đầu bằng bài hát đầy ý nghĩa niềm hy vọng sống lại, linh mục đọc lời nguyện xin ơn và phó thác, đoạn rẩy nước thánh ám chỉ nước rửa tội đã thánh hoá và biến đổi thân xác người quá cố thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi, rồi xông hương quan tài để nhắc nhở rằng Giáo Hội luôn kính trọng thân xác con người, vì chính thân xác này sẽ được Chúa cho sống lại nguyên vẹn sau này…
6). Cộng đoàn tiễn biệt: Không nguyên tang quyến, mà tất cả những người hiện diện đều lần lượt lên rảy nước thánh hay chắp tay xá để từ biệt người quá cố… Rồi cùng với linh mục tiễn người anh hay người chị mình ra khỏi nhà thờ, đi về phần mộ… (hay tới nơi hỏa táng, vì Giáo Luật hiện nay chấp nhận việc hỏa tác, Ð 1176,3). Với bài hát ‘Ði vào Thiên Ðàng’ (In Paradisum), cộng đoàn tín hữu tại thế xin cộng đoàn thiên thần và cộng đoàn các thánh đón nhận người anh, người chị vào Thiên đàng…
4. TÍNH CÁCH CỘNG ÐOÀN
Thường lệ, lễ an táng cho một tín hữu quá cố phải cử hành tại giáo xứ của người ấy (Ð 1177,1) để nói lên tính cách cộng đoàn của lễ an táng và sự gắn bó tình nghĩa giữa người quá cố với cộng đòan trong đó họ đã sống và sinh hoạt. Chúng ta thấy điều đó rõ nét tại các xứ đạo Pháp, nhất là tại các xứ đạo ở Việt Nam. Riêng Giáo Xứ Việt Nam Paris, hay các Cộng Ðoàn việt Nam khác, tính cách cộng đoàn của ngày lễ an táng không được đậm đà như chúng ta mong ước. Tuy nhiên, có những việc làm khác biểu dương tính cách cộng đoàn bù lại: Thăm viếng xác tại nhà thương, nhà quàn; các gia đình ở gần kề họp nhau tại nhà hiếu để đọc kinh, thường là ba buổi tối; ai có thể, họ đi tham dự lễ an táng; nhiều cộng đoàn có thói quen xin cho người quá cố ba thánh lễã… Tính cách cộng đoàn còn được biểu lộ bởi việc mỗi giáo xứ có một nghĩa trang riêng, và bình thường người tín hữu quá cố được an táng trong đó (Ð 1180). Sách Giáo Lý Công Giáo nhấn mạnh đến tính cách cộng đoàn như sau:
*. Trong lễ nghi an táng, người chủ sự nhân danh Giáo Hội, phải nhằm nói lên sự hiệp thông thực sự với người quá cố, và giúp cho cộng đoàn đang hiện diện, tham dự vào sự hiệp thông đó và loan báo cho họ về sự sống vĩnh cửu (GLCG 1684).
*. Trong phần đón tiếp, một lời chào của đức tin sẽ mở đầu cuộc cử hành. Bà con thân thuộc của người quá cố được đón tiếp bằng một lời an ủi. Cộng đoàn cầu nguyện họp nhau đây cũng đón chờ những lời của sự sống muôn đời. Cái chết của một thành viên cộng đoàn là một biến cố làm mọi người vượt qua viễn ảnh của thế gian này, và lôi kéo các tín hữu nhìn về những viễn ảnh đích thực của niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh (GLCG 1687).
5. HƯỚNG VỀ VIỆT NAM
Nhiều người Việt Nam trọng tuổi, sau những năm sống ở hải ngoại, ước mong về chết tại quê hương để ‘được ấm cúng hơn, không cô đơn khi nằm xuống’ như tại các nước Âu Mỹ. Một trong những nguyên nhân sâu xa, là các ngài nghiệm thấy rõ ‘tại Việt Nam, ngay trong làng xã không công giáo tục lệ an táng cũng nặng tính cách làng xã[12], đặc biệt là trong các họ đạo Việt Nam. Ðọc lại một số tài liệu chính thức, như các cuốn Chỉ Nam Giáo Phận (Directoire de Vicariat Apostolique), các thư chung của các Giám mục[13], chúng ta sẽ thấy tính cách cộng đoàn hay xứ đạo hết sức nổi bật: Từ tiếng chuông báo tử, đến thánh lễ đưa chân, những đêm canh thức bên linh cữu, nghi thức tẩm liệm, thánh lễ an táng, cho đến lễ giã biệt tại phần mộ đều là những giờ khắc cả cộng đoàn hay giáo xứ được mời gọi tưởng nhớ và cầu nguyện cho người anh chị em quá ‘được Chúa gọi về’, được mời gọi hiệp thông và chia sẻ với tang quyến[14]. Hơn thế, nếu đã sống giữa cộng đoàn, chết giữa cộng đoàn, thì cũng an nghỉ giữa anh chị em cùng một đức tin, cùng một gia tộc, cùng một cộng đoàn hay một giáo xứ. Ðây là một trong những ý nghĩa khuyên ‘mỗi họ đạo cần có một nghĩa trang riêng’[15].
6. THÁNH CA AN TÁNG
Sau lời Chúa và lễ Thánh Thể, thánh ca là một phần bộ quan trọng trong việc cử hành nghi lễ an táng hay thánh lễ an táng. Nó cũng biểu dương cộng đoàn tính cách đặc biệt. Ở đây chúng ta không đề cập đến các bộ lễ latinh, chúng ta chỉ điểm vắn gọn về thánh ca an táng bằng việt ngữ.
1). Về số lượng: Tuy không nhiều bằng thánh ca hôn phối, thánh ca an táng bằng việt ngữ có tới gần một trăm bài để chọn lọc, thật phong phú.
2). Về ý nghĩa đạo đức: Thánh ca an táng luôn nêu bật:
*. Tình thương mến dành cho người quá cố: bài ‘Lời kinh tạm biệt’ của Nguyễn Duy: “Người nằm xuống giã từ năm tháng, xin cho người ngủ yên, lúc chết đi mới được hỉ hoan, Chúa giang tay chờ đầy tớ trung thành… Xuôi tay xuống có gì người ơi, có những gì để trình diện Chúa, chút mến yêu mỏng manh mà thôi…; Một đời sống hy sinh, tìm về bến an bình, hưởng nguồn vui trong Chúa chí thánh. Chờ ngày mai phục sinh, trọn vẹn kiếp cậy tin: sống cho đi để được chết lành”.
*. Cảm tạ Thiên Chúa về tình yêu vô biên: bài ‘Từ muôn thuở’ của Kim Long: ÐK “Từ muôn thuở Chúa đã yêu con, một tình yêu không bờ bến, nay con biết lấy chi báo đền, lòng từ ái Chúa vô biên”. TK1 “Trong khi tạo dựng đất trời, cho muôn vật được sinh sống. Trước khi con xuất hiện trên đời, thì Chúa đã yêu con”…
*. Xin ơn tha thứ tội khiên: bài ‘Chốn thảm sầu’ của Nguyễn Duy, ÐK: “Chốn thảm sầu, tiếng con kêu cầu Chúa ơi. Xin lắng nghe lời con nài van, nguyện thứ tha bao lỗi lầm”. Chủ đề này có nhiều bài khác, như ‘Cậy trông Chúa’ của Nguyễn Duy, ‘Từ nơi ngục hình’ của Duy Thiên, ‘Từ vực thẳm’ của Nguyễn Duy, ‘Xin Chúa thương con’ của Thành Tâm, ‘Từ vực sâu’ của Kim Long… Tất cả đều lấy ý từ bài latinh ‘De profundis’.
*. Phó thác: bài ‘Giữ gìn con’ của Kim Long: ÐK “Giữ gìn con Chúa ơi, Vì Chúa là chốn con tựa nương tháng năm, Trong cánh tay Người, hồn con vui sống, Tình yêu Chúa khoan dung bền vững muôn đời’. TK1 “Hồn con thao thức bên lòng Chúa, Chúa là gia nghiệp duy nhất đời con, Là chén phần phúc con trông mong, Con tiến dâng Người tấm lòng cậy trông”…
*. Mong chờ ngày sống lại: bài ‘Ngày ấy’ của Mi Trầm: TK1 “Ngày ấy Thiên Thần báo tin mừng, Ngày ấy tiếng kèn thổi vang lừng, Người chết đã bao đời lắng nghe tiếng kêu mời. Dậy đi thôi, hãy dậy đi thôi”. ÐK: “Hỡi sự chết, chiến thắng ngươi ở đâu, nọc đọc người ở đâu? Vì này đây Chúa đã sống lại vinh quang, rồi ta sống lại huy hoàng”.
*. Về với Chúa trong hoan lạc: bài ‘Khi Chúa thương gọi tôi về’ của Kim Long, ÐK “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi vang lời ca hát, ngàn dân tung hô, tôi thật vinh phúc !”.
III. LỄ TIẾT
Như trên chúng ta thấy hai vụ việc lớn nhất của đời sống một người hay của sinh hoạt một gia đình trong cộng đoàn là Hôn Nhân và An Táng. Giữa hai vụ việc đó còn có những vụ việc khác mà sách xưa gọi là ‘Lễ Tiết’ (ngày lễ). Ngày lễ của gia đình trong cộng đoàn có nhiều, như lễ Rửa tội, lễ Thêm sức, lễ Rước lễ lần đầu, lễ Bao đồng, lễ giỗ, lễ khao vọng, lễ tân niên… Trong khuôn khổ của chương sách này, chúng ta chỉ nói đến ba lễ tiết: Lễ kỷ niệm hôn phối, lễ Mừng thượng thọ và Ngày gia đình.
1.LỄ KỶ NIỆM HÔN PHỐI
1) Hồng ân chia sẻ: “Thương nhau cho đến dầu bạc răng long”, đó là tâm nguyện tự nhiên của bất cứ những ai bước vào đời sống lứa đôi. Từ lúc tuổi đôi mươi cho đến ‘tuổi đầu bạc răng long’ là một quãng đường dài chất chứa nhiều hạnh phúc, niềm vui, ân sủng… và cũng không ít những khó khăn, phiền muộn, lỗi lầm… Vì thế, cần phải có những ‘mốc thời gian’ ngừng lại để cảm tạ, chia sẻ niềm vui, và kiểm thảo, sửa sai. Mốc thời gian đó, phải chăng là những ngày được gọi là “kỷ niệm 10 năm, 15 năm, 20 năm, 25 năm, 30 năm, 40, năm, 50 năm, 60 năm… hôn phối, hay long trọng hơn, là lễ Ngân Khánh, Kim Khánh, Ngọc Khánh Hôn Phối.
Ðây là những ngày lễ gia đình không riêng của đôi vợ chồng, của riêng con cháu đối với cha mẹ-ông bà, mà còn là niềm vui chung của họ hàng, bạn hữu xa gần và cả của Cộng Ðoàn và Giáo Hội.
Các ngày lễ kỷ niệm hôn phối đặc biệt ý nghĩa đối với những cặp vợ chồng chân nhận : “Từ đầu Thiên chúa đã tác tạo nên người ta, có nam có nữ, và Ngài đã phán dạy rằng “Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và luyến ái người vợ của mình và cả hai sẽ thành nên một huyết nhục.Như thế, họ không còn phải là hai nhưng là một huyết nhục. Vậy điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được tháo gỡ” (Mt 19,4-6). Ðối với họ, đi qua những chặng mốc thời gian hôn phối là một hồng ân thậït cao quý, như lời thi sĩ Lê Xuân Mầøng đã kính chúc ông bà cụ thân sinh của Ðức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận:
“Hạnh phúc thật, quả là Thánh Ý,
Họp một nhà, Phu Quý, Phụ Vinh,
Nguyễn Văn kết với Ngô Ðình,
“Trăm Năm” tươi đẹp! Tốt xinh một đời!
Rày giọt lệ đầy vơi cảm xúc!
Ðược Chúa Trời tiếp tục ban ơn!
Vừa mầng Lễ Ngọc thành hôn,
Vừa mầng Thượng Thọ Bát Tuần thỏa thay[16].
Như thánh vương David, như Ðức Maria, cảm nghiệm thấy những hồng ân lớn lao và siêu phàm, từ mốc mười năm cho đến mốc Ngân Khánh, Kim Khánh và Ngọc Khánh, người ta không thể không nói lên lời cảm tạ, không thể không đem chia sẻ với thân nhân, với cộng đoàn, để cùng cảm tạ, cùng dấn thân thêm nữa trong ơn gọi hôn nhân, trong nếp sống gia đình… Chính đây là lý do, các ngày lễ kỷ niệm hôn phối cũng được tổ chức chung giữa cộng đoàn, cho dù đã tổ chức trước hay sau ở gia đình với con cháu.
2) Tại Cộng Ðoàn Giáo Xứ Việt Nam-Paris:
Theo chiều hướng mục vụ trên đây, từ năm 1998, Ban Mục Vụ Gia Ðình của Giáo Xứ Việt Nam Paris, đã đưa sáng kiến tổ chức lễ Kỷ Niệm Hôn Phối cho những đôi phụ huynh đã sống 10, 15, 20, 25, 30, 40, 50, 60 năm hôn phối. Ngay từ năm đầu tiên đã có 16 đôi phụ huynh ghi danh tham dự, rất hào hứng. Chương trình tổ chức như sau:
*. Lễ Kỷ Niệm Hôn Phối được ấn định vào ngày lễ Thánh Gia Thất.
*. Dành một chiều chủ nhật trước để trao đổi về một đề tài liên hệ đến đời sống và hạnh phúc gia đình[17]; đồng thời cầu nguyện và phân công tác phụng vụ của ngày lễ.
*. Chính ngày lễ Thánh Gia, các phụ huynh sẽ giữ phần chủ động như đọc Sách Thánh, đọc lời nguyện giáo dân, dâng của lễ, đọc chung bản kinh cầu cho gia đình, rước lễ dưới hình bánh và rượu, chia sẻ giữa cộng đoàn những kinh nghiệm và chứng từ về nếp sống gia đình đã trải qua.
*. Sau thánh lễ, có cuộc tiếp tân chung cho cả cộng đoàn do các phụ huynh đóng góp.
*. Một vài chứng từ tiêu biểu[18]: Hai cụ Ngô Ðồng Châu 65 năm hôn phối: “Bí tích Hôn nhân do Thiên Chúa tác thành để chỉ có một vợ một chồng… chúng tôi cố sống trung thành với hồng ân của Chúa nhờ lời cầu nguyện mỗi ngày: sống yêu chân thành, lòng hy sinh nhẫn nại, tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm… Nhờ đó mà gia đình chúng tôi an vui, con, cháu, chắt đông đúc, nay đã tới con số 84 linh hồn.”. Ông và bà Laberibe: “Chúng tôi thành hôn đã 50 năm tại Hànội, cám ơn Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và thánh Giuse đã cho hai đứa chúng tôi, hai người mà như một sợi dây tơ hồng còn bền chặt cho tới ngày hôm nay”. Nữ nghệ sĩ Maria Vũ Bích Thuận: “Thiên Chúa và Ðức Mẹ đã là nơi nương tựa và đem lại hạnh phúc cho gia đình. Gia đình là nền tảng xã hội. Muốn tu thân tề gia phải có đức tin và sống Lời Chúa. Ðó là bí quyết sống gia đình hạnh phúc của vợ chồng chúng tôi trong 46 năm qua”. Ông bà Trần Xuân Lâm: “Dù lúc tôi bị tù tội hay khi chúng tôi gặp khó khăn tại nước người, vợ tôi đây luôn đảm đương và vững niềm tin tạo dựng cho chồng cho con về đời sống đạo đức. Hôm nay tôi vừa tạ ơn Thiên Chúa và Ðức Mẹ, vừa cám ơn vợ tôi. Tôi đã và còn cố gắng mãi là người chồng tốt, người cha tốt đối với con cái…Chúng tôi cảm tạ ơn Chúa, chúng tôi đã cưới nhau 30 năm rồi”. Ông và bà Nguyễn Năng Ðịnh mừng 20 năm hôn phối: “Vì luôn có Chúa đồng hành trong đời sống lứa đôi, nên chúng tôi không có gì phải lo lắng trước những khó khăn của đời sống, của công ăn việc làm… Thành thật yêu nhau và sống phó thác…”. Ðược như vậy, thì Lễ Kỷ Niệm Hôn Phối luôn là ngày trọng đại và đầy hồng ân như thi sĩ Lê Xuân Mừng quả quyết:
Kim Hôn Khánh Lễ, quý vô ngần,
Nội, Ngoại, đôi bên hợp ý mừng,
Cảm tạ Chúa vì ơn trọng đại,
Mong Ngài xuống phước chớ hề ngưng[19]
2. LỄ MỪNG THƯỢNG THỌ
1). Tuổi già đáng quý: Mọi dân tộc, mọi văn minh, mọi thế hệ và mọi tôn giáo đều ‘kính lão đắc thọ’, vì người sống lâu là người ‘đầy ơn phúc’. Cũng vì thế, người Á Châu quen chúc nhau ‘Phúc, Lộc, Thọ’. Ðọc Cựu Ước, chúng ta thấy điển hình về điểm này: các Tổ phụ đều là những người trường thọ, ông Mathuselac sống 569 năm ‘(St 35,28), ông Noe 950 năm (St 9,29), ông Sem 500 năm (St 11,25), ông Isac 180 năm (St 35,20), ông Abraham 175 năm (St 25,7), ông Ăron 123 năm (Ds 33,19), ông Maisen 120 năm (Nl 31,2)… Vì thế sách Cách Ngôn đã khẳng định “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển” (Cn 16,31). Cho nên, dù biết hay không biết Thánh Kinh, khi đặt ra tiền lệ ‘Năm Quốc Tế của Người Cao Niên’ (1999), người ta đã làm một việc rất hữu lý, vì:
*. “Tuổi già là tuổi quý” ai cũng mong muốn, như tục ngữ Hy lạp có câu ‘Chúng ta ai cũng muốn đạt tới tuổi già’ (Tous, nous désirons parvenir à la vieillesse). Tục ngữ của người Ðức cũng bảo ‘Cây càng già cội, quả càng ngon ngọt’ (les arbres les plus vcieux ont les fruits les plus doux).
’
*. ‘Người già là người đầy khôn ngoan và kinh nghiệm quý báu', như lời trong sách Huấn Ca: “Người cao niên phán đoán, bậc lão thành chỉ bảo, thật đẹp đẽ biết bao! Sự khôn ngoan của các vị bô lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc cao niên, thật đẹp đẽ chừng nào! Giầu kinh nghiệm là triều thiên của các bậc bô lão, lòng kính sợ Chúa là niềm hãnh diện của các ngài (Hc 25,3-6).
*. ‘Người già là người đã nhiều công đóng góp và xây dựng’. Cái hiện tại là công trình của các ngài. Ông bà chúng ta thường bảo: “Phi cổ bất thành kim”, “Phải có bột mới làm nên hồ”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước phải nghĩ đến nguồn”.
*. ‘Người già hay tuổi già đáng được mọi người nhớ ơn và kính trọng’. Sách Huấn Ca khuyên con cái : “Con ơi hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi, người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh rể người” (Hc 3,12-13).
Vì những lẽ trên, nhiều dân tộc, nhiều cộng đoàn, nhiều gia đình đã có tục lệ lâu đời là Mừng Tuổi Thọ, như ở Việt Nam chúng ta.
2). Tục xưa của Việt Nam: Theo Phan Kế Bính và Ðào Duy Anh, tại Việt Nam từ lâu đã có tục mừng tuổi thọ, nhất là các gia đình phú quý. Gia đình càng giàu có, lễ mừng thọ càng linh đình và kéo dài cả tuần lễ. Ðào Duy Anh viết: “Khi cha mẹ già bảy tám mươi tuổi, thì con cái làm lễ mừng thọ, gọi là thượng thọ. Trước hết con cái biện lễ vật hoặc gà xôi, hoặc lợn bò, hoặc tam sinh, đem ra đình lễ thần, gọi là tạ thần hưu, nghĩa là tạ ơn thần đã phù hộ cho cha mẹ mình được sống lâu. Ðoạn rước cha hay mẹ ăn mặc chỉnh tề, lên ngồi thọ tịch đặt ở giữa nhà, con cháu đến lạy rồi mỗi người dâng một chén rượu hay một quả đào chúc thọ. Sau đó, bầy tiệc mừng, mời thân thích bằng hữu cùng xóm làng đến ăn… Những khách đến dự, đem lễ vật cùng đối trướng đến tặng mừng”[20].
Các gia đình công giáo cũng duy trì tục lệ tốt lành này với những hình thức khác, như dâng lễ ở nhà thờ, con cháu tập trung cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa và Ðức Mẹ trước bàn thờ trong gia đình. Phần ăn uống, lễ vật dâng biếu cũng đơn giản hoá. Quan tâm đến ý nghĩa thiêng liêng của ngày lễ: Lễ tạ ơn Thiên Chúa, lễ hiếu thảo với cha mẹ.
3). Tổ chức tại Giáo Xứ Việt Nam-Paris : Báo Giáo Xứ số 160, ra ngày 01.02.2000, tr.19-20 có ghi: “Ngày 31.12.1999, tại nhà nguyện hơn 150 vị cao niên đến tham dự Thánh Lễ tạ ơn mừng Thượng Thọ. Ðược biết, theo số thư gửi mời, các vị cao niên trong giáo xứ hơn 350 người. Thực tế có khi còn đông hơn. Tổ chức lễ này là cho người trong cộng đoàn và con cháu tỏ lòng quý mến và biết ơn qúy vị đã có công gầy dựng Giáo Xứ. Trên bàn thờ có bốn cha cao niên. Cha bề trên Phaolô Huỳnh Ngọc Tiên (chủ tế), cha cựu giám đốc giáo xứ Phanxicô Xaviê Trần Thanh Giản, cha quản lý Vicentê Nguyễn Văn Cẩn và cha Louis Nguyễn Hậu, cùng thầøy phó têÙ Xaviê Girard. Cộng đoàn dâng lễ với tâm tình người con thảo bày tỏ qua bài thánh ca: “Xin Chúa chúc lành cho cha mẹ của con, công ơn như núi non, dưỡng nuôi con vuông tròn… Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời. Cho con giữa gia đình, sống theo tình người con ngoan”. Trong bài giảng lễ, cha Vicentê Nguyễn Văn Cẩn trình bày ý nghĩa của tuổi già theo thư Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các người cao niên ngày 01.10.1999: “Tuổi thọ là tuổi khôn ngoan, kinh nghiệm và là dấu hiệu lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tuổi già cần được tôn trọng và đánh giá cao”. Sau Thánh lễ, các em thiếu nhi dâng hoa cho quý ông bà cao niên. Ðức ông giám đốc và cha Ðinh Ðồng Thượng Sách trao phép lành Tòa Thánh và quà kỷ niệm cho các vị cao niên hiện diện. Trong phần tiệc trà, con cháu quấn quýt bên các cụ, hàn huyên truyện trò thật vui vẻ, trong bầu khí gia đình. Một cụ bà còn nhanh nhẹn, đã thổ lộ với hàng lệ cảm động: “Từ mấy mươi năm, nay tôi mới xưng tội lại. Thật là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho tôi dịp này”. Một đôi cụ ông cụ bà trong bộ quốc phục khăn đống áo dài, đẹp lão và rất đẹp đôi, cho biết: “Con cái chúng tôi đều khôn lớn, có việc làm, đã ở riêng mà vẫn về thăm cha mẹ. Thích lắm, chúng tôi rất thích đến dự Thánh Lễ với giáo xứ thế này”.Thiết nghĩ còn nhiều cảm xúc khác không có dịp bộc lộ công khai. Ðó là ý nghĩa của ngày vui tìm thấy: Thiên Chúa là tình thương với mọi lứa tuổi. Và ở hoàn cảnh nào, con cháu, ông bà và cha mẹ vẫn yêu thương bên nhau. Tuổi thọ là một hồng ân, và là một hồng ân không ngờ. Ðó là cảm nghĩ của linh mục thi sĩ Lê Xuân Mầng :
Tám mươi tuổi trọn, lạ lùng thay !
Ai ngờ Ông ni sống tới rày,
Ðoạt chữ Bát-Tuần, ghi Thượng-Thọ,
Sớm chiều Thi-Phú quá mê say… [21]
Từ thuở xưa, thánh vương David cũng đã có cảm giác đó, và Ngài không biết làm gì hơn là lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng ngài, đồng hành với ngài và cho ngài tuổi già đáng kính:
“Từ độ xuân xanh, lạy Thiên Chúa,
Con đã được Ngài thương dạy dỗ,
Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài,
Cả lúc con già nua, tóc bạc,
Lạy Thiên Chúa, xin luôn ở với con,
Lạy Thiên Chúa, con xin gẩy khúc hạc cầm,
Tạ ơn Ngài mãi mãi…” (Tv 70).
3. NGÀY GIA ÐÌNH
1) Lý do tổ chức Ngày Gia Ðình: Như chúng ta đã nói, gia đình là yếu tố cấu trúc của cộng đoàn, gia đình gắn chặt với sự sống còn và với mọi sinh hoạt của cộng đoàn hay giáo xứ. Do đó, nếu đã có những ‘Ngày Quốc Tế Gia Ðình’, “Ngày Giáo Phận Gia Ðình”… thì gần gũi, cơ bản hơn là cần có “Ngày Gia Ðình trong Cộng Ðoàn”. Nhiều gia đình họp thành cộng đoàn, cũng như nhiều cộng đoàn họp thành giáo phận và các giáo phận họp thành Giáo Hội. Càng nhiều gia đình họp thành, cộng đoàn càng lớn, càng mạnh, nguồn nhân lực càng dồi dào, khả năng sinh hoạt càng phong phú, kể cả về phạm vi tài chánh.
Khi nói đến ngày Gia Ðình trong Cộng Ðoàn, trước tiên là nói đến những phương thức cộng đoàn giúp gia đình thêm vững chắc, thêm hạnh phúc, thêm phát triển, thêm liên đới giữa các gia đình với nhau và gia đình với cộng đoàn, với giáo phận, với Giáo Hội hoàn vũ và với cả xã hội con người. Hơn bao giờ hết, ngày nay gia đình đang bị băng hoại vì đủ mọi hình thức: ly thân, ly dị, sống chung ngoài hôn phối, đồng tình luyến ái, thuốùc phá thai, ngoại tình… vì thế các giá trị và đặc tính cơ bản của gia đình, như một vợ một chồng, chung thủy trọn vẹn, trách nhiệm sinh dưỡng và giáo dục con cái, trao truyền đức tin… cần được phục hồi lại ngay từ trong môi trường cộng đoàn.
Giáo Hội nhấn mạnh đến điểm này khi đề cập đến bổn phận của cha quản nhiệm: Các chủ chăn có bổn phận lo liệu cho các gia đình trong cộng đoàn sống đời sống hôn nhân đúng theo tinh thần Kitô giáo, thăng tiến bậc sống hôn nhân trên bậc trọn lành. Có thể thực hiện bằng việc mở lớp chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ sắp lập gia đình, bằng những buổi thuyết trình và trao đổi theo đề tài, bằng những buổi học hỏi về giáo lý và tài liệu mục vụ hôn nhân của Giáo Hội, bằng phổ biến sách báo và qua các phương diện truyền thông hiện đại, bằng những giúp đỡ huynh đệ cho những gia đình gặp khó khăn… (xem Ð 1063).
2). Ngày Gia Ðình tại Giáo Xứ Việt Nam: Giáo Xứ Việt Nam-Paris đã có những hoạt động mục vụ hôn nhân theo tinh thần của Giáo Hội: Ban Mục Vụ Gia Ðình, khoá chuẩn bị hôn phối, lễ kỷ niệm hôn phối, những buổi thuyết trình về gia đình, nhóm gia đình trẻ[22] và từ năm 2000, có ‘Ngày Gia Ðình’ theo sáng kiến sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Ðình.
*. Ðại quan hình thức tổ chức: Do một nhóm năm sáu đôi gia đình trẻ chọn thời gian, gợi ý đề tài, đề nghị chi tiết khai triển, phác họa chương trình và có thể đề nghị những người thuyết trình.
*. Thời gian: Năm 2001 tổ chức vào hai buổi chiều thứ bảy và chủ nhật của một cuối tuần. Các năm khác lại dồn vào chủ nhật, nhưng thay đổi ngày tháng vì phải thích ứng theo sinh hoạt chung của giáo xứ.
*. Ðề tài: Năm 2000, (29.10), ‘Tình trạng gia đình công giáo Việt Nam’; Năm 2001 (27-28.10) có hai đề tài cho hai ngày: ‘Niềm vui và nỗi buồn của vợ chồng’ và ‘Sóng ngầm lứa đôi’. Năm 2002 (11.12), ‘Khác biệt tính tình’; Năm 2003 (20.12), ‘Gia đình và vấn đề truyền giáo’; Năm 2004 (30.01), ‘Giáo dục các con thơ’; Năm 2005 (23.05), ‘Hạnh phúc gia đình’; Năm 2006 (11.06), ‘Ðối thoại vợ chồng’.
*. Người tham dự: trên dưới 100 người trẻ tham dự, góp ý và chia sẻ theo từng nhóm nhỏ.
*. Cảm nghĩ: Nhiều bạn trẻ tham dự đã cho biết cảm tưởng như sau: Chị Nguyễn Minh Tuấn: “Niềm vui và phấn khởi nhất là nhờ buổi trao đổi vợ chồng biết sống hài hoà và kính trọng nhau hơn. Cần cầu nguyện để bầu khí gia đình êm ả, thoải mái hơn cho vợ chồng và các con nhỏ…” – Anh Chị Phạm Giuse: “Không cặp nào mà không có sóng ngầm, giống như không ruộng lúa nào mà không có cỏ dại… nhưng muốn vượt qua cơn sóng cần cầu nguyện, lắng nghe nhau, và thọ ý những người trên, cũng như học hỏi qua các buổi trao đổi như hôm nay…”. – Chị Marie Ngọc Thủy: “Vẫn biết là không bao giờ có thể trình bày hay trao đổi hết các khía cạnh vấn đề, nhưng nếu biết sống lấy một nửa những điều đã nghe thì quý lắm rồi. Nói thế, tôi muốn nhấn mạnh rằng cần có những Ngày Gia Ðình như hôm nay. Chỉ tiếc một điều là số các gia đình trẻ đi tham dự còn ít quá. Bận việc cũng có nhưng chưa ý thức cũng không ít …”. – Ông Hoàng Văn : “Tôi chúc mừng cho cả ban tổ chức và các người tham dự. Theo tôi, một trong những ích lợi của Ngày Gia Ðình là giúp vợ chồng sống tích cực những điều Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II gọi là ‘Văn minh tình thương’… Tôi xin chúc cho Ngày Gia Ðình được tổ chức liên tục mãi.”.
Trên đây chúng ta đã trình bầy về ‘Gia Ðình Trong Cộng Ðoàn’. Chúng ta cũng đã khẳng định tự đầu rằng những vụ việc chúng ta viết về ‘Gia đình trong Cộng đoàn’ thì cũng là những vụ việc chúng ta viết về ‘Gia đình trong Giáo Hội’. Gia đình vừa ở trong cộng đoàn vừa ở trong Giáo Hội. Giáo Hội bao trùm mọi cộng đoàn và mọi gia đình trong cộng đoàn. Do đó, để tránh lập lại, chúng ta sẽ trình bày phần thứ hai, ‘Gia Ðình trong Giáo Hội’, cách đại cương và vắn gọn.
B. GIA ÐÌNH TRONG GIÁO HỘI
I. TƯƠNG QUAN GIỮA GIA ÐÌNH VỚI GIÁO HỘI.
Gia đình là đơn vị cơ bản của Giáo hội. Ðây là một điểm rất hiển nhiên và tròn đầy ý nghĩa, đến độ trong nhiều trường hợp, Giáo Hội không ngần ngại dùng từ ‘gia đình‘ để chỉ về chính Giáo Hội : Giáo Hội là một gia đình (GH 6 ; GLCG 917, 1049), Gia đình là Giáo Hội thu nhỏ hay Giáo Hội tại gia (GH 11 ; CÐGÐ 21 ; GLCG 2204). Hơn thế, Giáo Hội là Gia đình của Thiên Chúa (x. Mt 12, 46 ; GLCG 764), gia đình của Chúa Ba Ngôi (GH 51 ; GLCG 959).
Chính với tinh thần này mà trong bản góp ý chuẩn bị ‘Thượng Hội Ðồng giám mục – Á Châu’, có đoạn đã viết: «Một Hội Thánh như một gia đình, sẽ dễ hội nhập vào trong xã hội Á châu. Các tín hữu công giáo sẽ đến với anh em đồng bào của mình không phải như những kẻ xa lạ đến để thuyết phục, chinh phục, hay ban phát, mà trước hết là để gặp gỡ chia sẻ. Chia sẻ là vừa cho vừa nhận. Chính Ðức Kitô cũng đã làm như vậy khi người nhận từ nhân loại máu mủ thịt xương, cơm ăn áo mặc, lời nói và văn hóa v.v. để rồi có thể chia sẻ cho nhân loại tình thương của Thiên Chúa nhờ tất cả những gì mà chính Người đã nhận đuợc từ nhân loại. Một giám mục của chúng tôi đã phát biểu đề tài này như sau tại Công đồng Vatican II : «Quan niệm Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Cách trình bày mầu nhiệm Giáo Hội bằng những từ ngữ về gia đình rất quen thuộc và dễ hiểu đối với mọi người (…) Trình bày Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa giúp các Kitô hữu trở về với Tin Mừng, trở về với cách giảng dạy đơn sơ của Ðức Giêsu, Ngài dùng rất nhiều hình ảnh về Gia Ðình. Nhờ đó để dễ hiểu và thắm nhuần Tin Mừng hơn» (Acta Synodalia Vat. II. vol II, Pars II, p. 42-45, Typus polyglottis Vaticanis, 1972). Chính Công Ðồng Vatican II đã nói về đề tài này trong nhiều văn kiện, như trong Hiến Chế về Giáo Hội 6,32; 51 – Sắc Lệnh về Truyền Giáo 1 – Sắc Lệnh về Linh Mục, 6”.
Từ những mối tương quan mật thiết ấy, Giáo Hội rất quan tâm đến đời sống gia đình. Giáo Hội vừa có uy quyền vừa có bổn phận bảo vệ và thăng tiến gia đình. Có thể nói, không một tôn giáo nào bảo vệ và đề cao các giá trị tự nhiên và siêu nhiên của gia đình bằng Giáo Hội Công Giáo. Khi gia đình hạnh phúc là Giáo Hội hạnh phúc, gia đình tan rã là Giáo Hội đau buồn. Chính vì thế như chúng ta sẽ nói dưới đây, Giáo Hội ra nhiều quy luật tương quan đến hôn nhân, nhiều văn kiện nhằm bảo vệ và thăng tiến đời sống hôn nhân. Theo Công Ðồng Vatican II, bảo vệ và thăng tiến gia đình là bổn phận của mọi người, như lời mời gọi dưới đây:
· «Gia đình là một trường học phát triển nhân tính. Nhưng để gia đình có thể sống trọn vẹn, và chu toàn sứ mệnh mình, trước hết chính những người sống đôi bạn cần phải biết hòa hợp tâm hồn (chu toàn bổn phận làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ…)…Rồi đến những ai có ảnh hưởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội, phải góp công hữu hiệu vào việc bảo vệ và thăng tiến hôn nhân và gia đình… Mà đặc biệt la các kitô hữu trong thời đại hôm nay phải biết chính mình làm gương sáng… và nhiệt tình cộng tác với những người thiện chí trong công việc mục vụ và tông đồ gia đình này… ngay những người có khả năng chuyên môn như các nhà khoa học, y học, tâm lý, xã hội học… Nếu nhìn vào từng cộng đoàn thì trước tiên là các linh mục, các tu sĩ lo mục vụ, rồi các tổ chức hội đoàn, ban, nhóm công giáo tiến hành… Nói tắt là hết mọi người» (xem MV 52).
· Trong thư chung về ‘Thánh Hoá gia Ðình’, các Giám Mục Việt Nam cũng mượn lại giáo huấn của Thánh Công Ðồng tỏ mối bận tâm mục vụ của các Ngài, đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp giáo dân, mọi người chuyên lo mục vụ phải quan tâm đến việc đề cao giá trị hôn nhân và gia đình trước những khó khăn mà chính các gia đình và Giáo Hội trong sứ mệnh mục vụ, đang phải đối đầu mỗi ngày một căm go. (Thư chung, 11.10.2002).
Trước gia đình, cộng đoàn hay giáo xứ là đơn vị cơ bản của Giáo Hội hay là Giáo Hội thu nhỏ (GLCG 2179 ; Ð 515,1). Vì thế, trước khi đi vào một giáo phận, cũng gọi là Giáo Hội địa phương, và Giáo Hội hoàn vũ, gia đình công giáo trực thuộc cộng đoàn hay giáo xứ. Ðiều đó chứng tỏ gia đình có sự gắn bó với cộng đoàn. Gắn bó với cộng đoàn hay giáo xứ là gắn bó với Giáo Hội. Do đó nói đếùn tương quan giữa gia đình và cộng đoàn hay giáo xứ là đã nói về tương quan giữa gia đình và Giáo Hội. Trong khuôn khổ của bài viết, chúng ta theo nguyên tắc này.
II. GIÁO HỘI QUAN TÂM ÐẶC BIỆT ÐẾN VẤN ÐỀ HÔN NHÂN
Ðể thấy rõ mối quan tâm và những giáo huấn mới đây của Giáo Hội về gia đình, chúng ta chỉ cần tìm đọc những tài liệu căn bản sau đây :
* Thông điệp Casti Connubii (khiết tịnh hôn nhân) ban hành 31.12.1930, Ðức Piô XI nhấn mạnh đến ba điểm : Sinh con cái là mục đích hàng đầu của hôn nhân ; Ðức chung thủy vợ chồng là điều kiện cần thiết để bảo vệ hạnh phúc vợ chồng và gia đình ; Tính cách bất khả phân ly của Bí tích Hôn Phối
* Thông điệp Humannae vitae (sự sống nhân loại) ban hành ngày 25.07.1968, Ðức Phaolô VI đề cao tình yêu nhân bản và việc sinh con cái có trách nhiệm ; đồng thời từ chối những phương pháp nhân tạo trong việc điều hòa nhân bản.
* Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và hy vọng) ra ngày 07.12.1965, Công Ðồng Vatican II dành chương I của phần II đề cập đến phẩm giá của Hôn Nhân và Gia Ðình (số 47-52).
* Tông huấn Familiaris Consortio (Cộng đồng Gia đình) ra ngày 22.11.1981, Ðức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh đến ba điểm : - Tiếng gọi đầu đời và cuối đời của con người là ‘tình yêu‘. Tình yêu là ơn gọi cơ bản và thiên phú của con người. - Vậy chính trong kinh nghiệm của đời sống gia đình, người ta được mời gọi và thực hiện một cách ưu biệt ơn gọi tình yêu. – Cái nhìn về con người, cũng là cái nhìn về gia đình, được xây trên nền tảng đức tin vào Thiên Chúa Sáng Tạo và tìm thấy nơi Thiên Chúa sự hiệp thông huyền nhiệm. Chính trong cộng đồng nhân loại bé nhỏ này đã cho một kinh nghiệm đầu tiên về ‘Giáo Hội tại gia’.
* Bộ Giáo Luật mới (Codex Juris Canonici) phát hành 25.01.1983 thời Ðức Gioan-Phaolô II, đã dành thiên VII trong cuốn IV nói về Bí Tích Hôn Nhân, gồm 10 chương, 110 điều (1055-1165) đề cập về mọi khía cạnh tương quan đến hôn nhân và gia đình.
* Hiến chương về ‘Quyền lợi của Gia đình’ (Charte des droits de la famille), ban hành 24.11.1983, Tòa Thánh nêu lên 12 điểm, yêu cầu mọi quốc gia tôn trọng những quyền lợi của con người trong phạm vi hôn nhân và gia đình.[23]
Ngoài ra, chúng ta có thể đọc thêm cuốn ‘Sel de terre’ (Muối Ðất) (Cerf, Paris, 2005) của Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI viết khi còn là hồng y. Trong đó ngài nói lên quan điểm về ‘ngừa thai, phá thai, và những người ly dị tái hôn’. Rồi cuốn ‘La Famille‘ (Gia Ðình) (Mame, Paris, 2002) của Ðức Tổng Giám Mục Paris, André Vingt-Trois. Dưới hình thức trả lời 15 câu hỏi, ngài đã đề cập đến nhiều khía cạnh tín lý và mục vụ tương quan đến đời sống hôn nhân và gia đình.
....
Qua những điểm trình bày về ‘Gia đình trong Cộng Ðoàn và Giáo Hội’ trong bài viết này, chúng ta có thể kết luận với Ðức Hồng Y Eùmile Léger rằng «Giữa gia đình với cộng Ðoàn và Giáo Hội luôn có một trách nhiệm hỗ tương»[24]. Một đàng gia đình phải tham dự tích cực vào mọi sinh hoạt của cộng đoàn hay giáo xứ gia đình đang sống, để từ đó đóng góp vào việc xây dựng và mở rộng Giáo Hội. Cộng Ðoàn và Giáo Hội không thể tồn tại và phát triển nếu không có sự cộng tác của gia đình. Ngược lại các gia đình công giáo sẽ không đứng vững, sẽ không còn là gia đình đức tin, gia đình cầu nguyện, gia đình muối đất và đèn sáng giữa xã hội, nếu không có môi trường sống hay điểm tựa bảo vệ và thăng tiến là Cộng Ðoàn và Giáo Hội.
________________________________________
[1] Tông huấn Cộng Ðồng Gia Ðình số 1.
[2] Những chữ viết tắt : GM : Sắc lệnh ‘Mục Vụ của Giám Mục’ ; GH : Hiến chế về Giáo Hội ; MV : Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay ; TÐ : Sắc lệnh Tông Ðồ Giáo Dân ; PV : Hiến chế Phụng Vụ thánh ; GLCG : sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ; Ð : Ðiều luật (của Luật Giáo Hội) ; CÐGÐ : Cộng Ðồng Gia Ðình (Thông điệp của ÐGH Gioan Phaolô II).
[3] Có thể đọc thêm :Primum Concilium Indoniense (1934) số183. -Directorium Vicariatus Apostolici de Hanoi (1941) số 304, 462-463. – Directoire du Vicariat du Quinhon (1942) số 159-160.
[4] Có thể đọc thêm : Directoire du Vicariat Apostolique de Quinhon (1942) số 217 ; Directoire du Vicariat de Huế (1940) số 187-189 ; Directoire de la Cochinchine Occidentale (1922) trang156-157 ; Primum Concilium Indosinense (1934) số 255-262).
[5] Có thể đọc thêm Directoire de la Cochinchine Occidentale (1922) tr. 157 ; Directoire du Vicariat de Huế (1940), số 190-196 ;
[6] Các ông trùm, ông biện… quý chức giúp đỡ cha sở, có thể đọc thêm Directoire de la Cochinchine Occidentale (1922), tr. 162 tt.
[7] Phạm Bá Nha ‘Gia Lễ trong Hôn nhân’ trong cuốn ‘Ðường vào Tình yêu’, Giáo Xứ VN-P xuất bản, 2000, tr. 306-315.
[8] Có thể đọc thêm cuốn ‘Ðường vào tình yêu’ : Cử Hành Bí Tích Hôn Phối’, tr. 169-200.
[9] Ðào Duy Anh, ‘Việt Nam Văn hóa Sử Cương’, Bốn Phương, Hà Nội, 1938, tr ; 191 : chú thích «Sở trọng giả : thực, tang, tế (Luận ngữ).
[10] Nguyễn Thế thủ ‘Cẩm nang các nghi thức bí tích và á bí tích’, Sài gòn 2003, tr. 144, số 2 : Nghi thức tẩm liệm.
[11] Ðọc Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, bản dịch TTÐ, Hoa Kỳ 1996 số 1678-1690.
[12] Ðào Duy Anh, sd, tr. 198-200.
[13] Ðọc Directoire du Vicariat de Huế (1940) số 239-244 ; Directoire du Vicariat du Quinhon (1942) số 267-268 ; Directoire de la Cochinchine (1922), tr. 127, số 2.
[14] Mai Ðức Vinh ‘Tôn kính Tổ Tiên’ trong cuốn ‘Văn Hóa Ðức Tin’, Giáo Xứ VN-P xuất bản, 2004, tr. 316-318.
[15] Ðọc Directoire du Vicariat de Huế (1940), số 236-238 ; Primum Concilium Indoniense (1934) số 284-287, Directoire du Vicariat de Quinhon (1942) số 264-265.
[16] Lê Xuân Mầng ‘Thơ Lê Xuân Mầng’ trong bài ‘Mầng chúc hai Cụ’ lễ Ngọc Hôn Phối và Thượng Thọ Bát tuần của cha mẹ ÐTGM P.X. Nguyễn Văn Thuận, Toulouse 1990, tr.129.
[17] Nhiều bài trao đổi đã được đăng trong cuốn ‘Ðường vào Tình Yêu’, sd, tr.205-255.
[18] Các chứng từ có thể đọc thêm trong Báo Giáo Xứ số 181, tr.20-21.
[19] Lê Xuân Mầng ‘Thơ nhờ Mẹ’, Aix-en-Provence, 1999, (không đề số trang).
[20] Phan Kế Bính, ‘Việt Nam Phong Tục’, Xuân Thu in lại tại Hoa Kỳ, tr. 24-25 ; Ðào Duy Anh, sd, tr.200-201.
[21] Lê Xuân Mầng ‘Thơ Lê Xuân Mầng’, Toulouse, 1992, tr.115.
[22] Trần Văn Cảnh ‘Cây văn hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris’ : khóa trình gia đình trẻ, khoá trình kỷ niệm hôn phối, khóa trình ngày gia đình, trong cuốn ‘Văn Hoá và Ðức Tin, sd, tr. 625-632.
[23] Lê Ðình Thông trình bày đầy đủ về Hiến Chương này trong chương ‘Học Thuyết Công Giáo về Gia Ðình trong thế kỷ XXI’ của cuốn sách này. Ngoài ra có thể đọc bằng Pháp ngữ trong cuốn THÉO (L’Encyclopédie catholique pour tous), Fatard, Paris, 1993, tr. 808-809.
[24] Trích dẫn trong Abbé Pierre Descouvemont, ‘Guide des difficultés de la foi catholique’, éd. Du Cerf, Paris, 1995, tr. 57.