VĂN HÓA GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRONG ĐỜI SỐNG TẠI PHÁP
Tạ Thanh Minh-Khánh
VĂN HÓA GIA ĐÌNH
VIỆT NAM TRONG
ĐỜI SỐNG TẠI PHÁP
Văn hóa dân tộc là di sản tinh thần bao đời truyền lưu. Sử sách biên khảo cũng như cuốn Văn Hóa và Ðức Tin (Giáo Xứ Việt Nam Paris xuất bản năm 2004) đều nhận định rằng : Gia đình Việt nam có văn hóa và văn hóa gia đình chịu ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng dân gian cùng các tôn giáo hiện diện trên đất Việt.
Ba mươi năm qua, ‘‘Cội Nguồn Chưa Dứt’’ hay ‘‘Cội Nguồn Bất An’’ ?
‘‘Trải bao thỏ lặn ác tà’’, văn hóa gia đình truyền thống giờ đây thế nào ? Người viễn xứ ’‘thương cội thơm nguồn cũ’’ đã hành xử ra sao trong đời sống giữa lòng xã hội Pháp, mà theo một số người, dường như cũng đang trăn trở vì những chao đảo với các căn chứng thời đại liên quan đến gia đình.
Câu trả lời không dễ, vì chỉ nhìn vào một số trường hợp thì chưa thể xem như kết luận. Trong lúc chờ đợi các bậc thức giả viết sách lý giải với đầy đủ thống kê, chi tiết hoặc các người trình luận án cao học, tiến sĩ... có phương tiện khảo sát vấn đề, tôi chẳng đặng đừng, vì sự phân định của Ban Mục Vụ Gia Ðình Giáo Xứ Việt Nam Paris, thử cố gắng đưa ra vài nhận xét qua những quan sát, có thể không được chuẩn xác vì quen biết giới hạn, nhất là vì không phải chuyên ngành. Mong độc giả thông cảm, chỉ giáo và bổ túc cho.
I. Văn hóa gia đình ngày cũ :
Thử nhìn lại văn hóa gia đình
A.Qua văn chương bình dân truyền khẩu :
Từ tiểu gia đình nhỏ hẹp : ‘‘Người có cha có mẹ, không ai dưới đất nẻ chui lên’’.
Tới gia tộc, họ hàng : ‘‘Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn’’.
Và đại gia đình dân tộc với huyền sử Âu Lạc một mẹ trăm con, phân nửa xuống biển, phân nửa lên non, dặn khi có việc thì gọi nhau.
‘‘Anh em là nghĩa đồng bào
Người trong một nước phải thương nhau cùng’’.
Mở Tự Ðiển, nhìn vào các từ ngữ bắt đầu bằng chữ ’gia’’, có thể hình dung được phần nào diễn trình văn hóa gia đình.
● Lập gia thất bước vào đời sống gia đình-gia tộc, thấy vai trò của gia trưởng-gia chủ, với gia nghiêm-gia mẫu, gia phụ-gia từ, gia huynh.
● Trong gia đạo nuôi dạy con gia huấn theo gia pháp, gia lễ, gia phong tùy gia thế, gia thuộc, gia phả, gia truyền, tránh gia xú (tai tiếng hổ thẹn cho gia đình).
● Gia sự, gia biến vui buồn của gia quyến đều được kính cáo với gia tiên tại gia môn, gia đường, gia miếu.
● Làm việc gầy dựng gia tư, gia nghiệp, gia sản, gia tài, gia cư, gia trạch, gia bảo.
Văn hóa nầy chính danh định phận (quyền hạn đi đôi với trách nhiệm) được thực hành gia giảm tùy vào các giai tầng xã hội khác nhau, nhưng có những nề nếp cốt lõi mà quan quyền thượng lưu hay dân giã đều tuân giữ.
B. Qua các tác phẩm truyện nôm :
Văn hóa gia đình giáo dục con người phân biệt thiện ác, tốt xấu, làm lành lánh dữ, lấy đức báo oán, làm phước tạo phước...
Ngoài phương ngôn, tục ngữ, ca dao ngắn gọn dễ nhắc nhớ, văn hóa gia đình còn được sáng tác thành văn chương, chuyện tuy hư cấu, vẽ vời nhưng cốt đề cao tình cảm thắm thiết của gia đình.
- Tống Trân Cúc Hoa : vợ trung trinh tiết liệt.
- Phạm Công Cúc Hoa : chồng cực kỳ chung thủy.
- Trương Viên : Dâu hiếu thảo hiếm thấy.
- Tôn Mạnh-Tôn Trọng : Anh em cư xử cao thượng.
- Các truyện Lục Vân Tiên, Nhị Ðộ Mai, Phương Hoa... tô đậm tình yêu chung thủy. Tất cả đều được truyền kể, diễn ngâm, viết thành tuồng tích, kịch nghệ. Ðó là chưa đề cập đến rất nhiều sách gia huấn về dạy con, dạy vợ, khuyên chồng v.v...
C. Qua văn học quốc ngữ :
Văn hóa gia đình được diễn tả dưới hình thức truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết... Thời cận đại, mỗi tác giả một khuynh hướng, tuy vẫn chủ trương gìn giữ phong hóa cũ, nhưng đã nhìn thấy những rạn nứt, những chịu đựng bất công... đối diện với cuộc đời thực tế muôn mặt.
Trần Tiêu : Con Trâu, Chồng Con.
Mạnh Phú Tư : Làm Lẽ, Nhạt Tình...
Khái Hưng : Thừa Tự
Vũ Trọng Phụng : Giông Tố...
Hồ Biểu Chánh : Cha Con Nghĩa Nặng
Ðổ Ðức Thu : Ðứa Con...
Tuy nhiên tiêu biểu cho vấn đề xung khắc mới-cũ bất dung trong gia đình là hình ảnh bà mẹ chồng của Nhất Linh với tiểu thuyết luận đề : Ðoạn Tuyệt.
Tương phản lại, cũng hình ảnh Bà Mẹ Chồng nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Công Hoan, ‘‘Cô Giáo Minh’’, bằng tư cách, tâm thành đã khắc phục hoàn cảnh, cảm hóa, được bà mẹ chồng khoan nhượng cái mới.
Nhà văn Lê Văn Trương xây dựng các nhân vật có ý chí phấn đấu với hoàn cảnh để lo tròn bổn phận :
- Một Người Cha : dằn lòng gìn giữ gia đình, dù biết vợ lỗi lầm.
- Tôi Là Mẹ : góa bụa ở tuổi còn xuân, hy sinh giữ gìn tiết hạnh, để nuôi con.
- Người Anh Cả : tận tình chăm sóc cho các em.
Tóm lại, dù tình trạng đất nước bất ổn, dù tư tưởng ảnh hưởng theo đà phát triển Tây học, đa số gia đình nông thôn vẫn giữ theo nề nếp, chỉ thích nghi chuyển hóa chầm chậm theo thời gian, giảm bớt giáo-điều. Những đặt lại vấn đề, những tranh luận sôi động có lẽ chỉ xảy ra ở đô thị nhờ báo chí. Dù vậy, nói chung giá trị văn hóa gia đình vẫn được đề cao,khuyến khích tuân giữ.
II. Ðời sống gia đình : Lễ tiết phong hóa và hội nhập
Người Việt hải ngoại định cư ở nhiều nơi khác nhau, tùy vào hoàn cảnh địa phương mà văn hóa gia đình biểu hiện. Xin miễn đề cập tới lễ hỏi, lễ cưới, lễ tang, lễ giỗ vốn đậm nét văn hóa gia đình vì đã có tác giả khác phân tích tỉ mỉ trong quyển sách nầy.
Ðây chỉ lược kể những lễ thức thuộc diện phong hóa và hội nhập, được các gia đình Việt nam tổ chức, tùy ý thức và hoàn cảnh thực tế. Ðường nét văn hóa sinh động quanh năm nhắc nhớ và ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của gia đình, cũng cố mối liên kết thân ái giữa các thành phần tộc hệ.
Lễ đầy tháng : trẻ sơ sinh đầy một tháng. Gọi thế nhưng thường chọn cuối tuần, (không nhất thiết đúng ngày), để tiện mời ông bà cha mẹ, anh chị em đôi bên và một ít bằng hữu, láng giềng thân cận. Ý nghĩa chính là mừng sức khỏe người mẹ trẻ có lộc con và đứa bé chào đời lành mạnh không vương mang tật bệnh ‘‘mẹ tròn con vuông’’. Với những gia đình còn chú trọng hiếu tự tông đường thì sinh trai đầu lòng được xem như hoàn thành phần vụ quan trọng mà gia tộc nhà chồng mong muốn.
Lễ rửa tội : với người Công giáo, ghi dấu ngày đứa bé chính thức gia nhập cộng đoàn dân Chúa, tùy người giữ Giáo Luật hay làm muộn do hoàn cảnh cư trú và chờ thời tiết, ngày giờ thuận tiện để qui tụ đại gia đình, thân hữu.
Lễ thôi nôi : giáp năm, đầy một tuổi. Nhiều gia đình vẫn giữ lệ bày các vật dụng, đồ chơi... để thử trẻ và dự đoán tương lai mai hậu. Không hẳn tin, chỉ cốt tạo thêm một thoáng vui tươi hồi hộp ti tí cho ông bà, cha mẹ. Truyền thống yêu chuộng chữ nghĩa nên khi nào cũng có cây bút, tập vỡ, miếng phấn, cuốn sách...
Bên cạnh những yêu thương và tiện nghi được cung ứng, tuổi ấu nhi Việt Nam hải ngoại có đôi điều mất mát. Dễ thấy là các điệu hò ru con dường như lui về dĩ vãng, bởi các bà mẹ trẻ thời nay quên, hoặc biết thì cũng ít tận dụng, vì điều kiện sinh sống. Phải nhận rằng những điều nhân nghĩa, cách xử kỷ tiếp cận thế thái nhơn tình đi vào tâm hồn tuổi trẻ qua tiếng ru của những người bà, người mẹ, người chị. . . đã là phương cách giáo dục hữu hiệu : vừa ru dỗ trẻ thơ vừa dặn dò con gái, khuyên nhủ con trai chuẩn bị vào đời với ý thức trách nhiệm và tư tưởng đạo lý phổ quát.
Thơ nhạc nghe bằng cassette, DVD xem ra khó thấm vào lòng hơn, dù vậy cũng tập được cho trẻ quen thuộc với giọng hát tiếng đàn của dân tộc.
Sinh nhật : nhập gia tùy tục, có thêm kỷ niệm ngày sinh hằng năm (anniversaire). Tổ chức trang trọng hơn khi trẻ đủ 18 hoặc 20 tuổi, nhắc nhớ lễ gia quan. Ngày trước con trai tới tuổi đôi mươi thì gia đình chịu ảnh hưởng Trung Hoa làm lễ đội mũ quan cho con, chủ đích khuyến khích trách nhiệm tự lập, không ỷ lại vào cha mẹ. Cũng kể từ đó, nếu muốn, thanh niên có thể chọn cho mình một tên ‘‘tự’’ để bày tỏ ý chí hoặc lý tưởng ấp ủ.
Theo tác giả Kim Ðịnh, người Việt có’‘lễ thành đinh’’ : thường tổ chức các cuộc thi chạy nhảy bơi đua, nấu cơm, thi vật, xâm mình... để biểu lộ sáng kiến, tài năng tự lập, tự cường...
Lễ khao : mừng thi đậu, tốt nghiệp, thăng chức. Vì không sống tập hợp thành làng xã nên không có lễ vọng (kính cáo với thần làng, tiền nhân, thết đãi các bậc trưởng thượng, thân hào, nhân sĩ... về thành quả thu đạt được). Một hình thức tạm thế là đăng báo, do họ hàng thân cận vừa thông tin vừa chúc mừng.
Lễ mừng thọ : 60 tuổi, 70 tuổi, 80 tuổi... tùy gia đình. Truyền thống ‘‘kính lão đắc thọỂ các chức sắc làng xã trách nhiệm lo việc khoản đãi những người tuổi tác. Nay ở hải ngoại thỉnh thoảng có nghe vài nơi đăng báo hoặc tổ chức lễ chúc thọ mừng các bậc cao niên.
Ngoài ra, hòa đồng với thông lệ văn hóa của xã hội định cư, người Việt cũng bày tỏ thâm tình, tặng quà trong ngày Lễ Các Bà Mẹ (Fête des Mères), Lễ Các Người Cha (Fête des Pères), Lễ Các Bà Nội Ngoại (Fête des Grandes Mères), Lễ Giáng Sinh, Tết Dương Lịch, Lễ Tình Yêu (Saint Valentin) và kỷ niệm ngày cưới : một tiệc nhỏ hằng năm, tươm tất trang trọng hơn khi 10, 20, 30, 40 năm...
Về phương diện tín ngưỡng, ngoài việc hành đạo theo một tôn giáo, một số người Việt hải ngoại còn giữ lệ thờ các thần khác vì tin rằng trong mỗi gia đình có nhiều thần để giám sát và bảo vệ gia đình. Nhiều nhà không bày khảm thờ, không hẳn tin, cũng dễ dãi, không bài bác di sản văn hóa cổ lưu truyền.
Thờ Tổ tiên : rất nhiều nhà có bàn thờ gia tiên, trang trọng đầy đủ bộ tam sự hay ngũ sự, bày theo quy tắc ngũ hành âm dương, tam tài, đông bình tây quả, thêm bài vị, hạc đồng, hoành phi, câu đối, hoa quả hay giản dị thì chỉ bát hương với di ảnh người quá cố; lễ bạc lòng thành, cốt có nơi để tưởng nhớ, khấn vái trong các ngày giỗ kỵ.
Một số ít hơn, còn tin thờ các vị thần khác.
Thờ Thần Tài :
Sự tích kể rằng : một người thương buôn phát đạt từ ngày có cô giúp việc vốn là nữ tỳ của Thủy Thần vào làm. Lần kia, dịp Tết, ông chủ có điều bực dọc đánh cô, cô sợ quá chui vô đống rác rồi biến mất. Từ đó người phú thương trở nên sa sút, tiêu tan sản nghiệp. Tin cô là hiện thân của Thần Tài nên dân gian, nhứt là, các cửa hàng buôn bán thờ ở một góc nhà. Cũng vì thế có tục kiêng quét nhà, đỗ rác trong mấy ngày đầu năm, ngụ ý không xua đuổi Thần Tài. Tư gia người Việt hiếm thấy, trừ một ít gia đình chịu ảnh hưởng tín ngưỡng Trung Hoa.
Thờ Táo quân :
Truyền thuyết kể rằng : Trọng Cao với Thị Nhi cưới nhau đã lâu mà không con. Một hôm, họ cãi nhau, trong cơn nóng giận, Trọng Cao đánh vợ, nên Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi tái hôn với Phạm Lang. Phần Trọng Cao sau đó ăn năn, bỏ nhà đi tìm vợ. Lang thang mãi, hết tiền, trở thành hành khất. Bữa kia, ghé vào một nhà xin ăn, tình cờ gặp lại Thị Nhi. Nhìn ra chồng trước, Thị Nhi cư xử tử tế, nhưng chưa kịp tiễn người xưa rời nhà thì Phạm Lang về. Sợ bị nghi kỵ, Thị Nhi xui chồng cũ ẩn trốn tạm nơi đống rơm sau hè. Ngờ đâu, Phạm Lang nói rằng cần thêm phân tro bón ruộng nên châm lửa đốt rơm. Trọng Cao không muốn lộ chuyện, sợ Thị Nhi bị chồng ngờ vực nên liều chết. Thị Nhị cảm kích nhảy vào đống rơm cháy, Phạm Lang lao vào cứu vợ cũng chết luôn. Ngọc Hoàng Thượng Ðế nghe kể chuyện cảm thương ba con người chung tình, phong cho cả ba làm Táo thần : Phạm Lang coi việc bếp, Trọng Cao coi việc trong nhà, Thị Nhi coi việc chợ búa.
Hàng năm, theo tục lệ, Thần Bếp phải về trình tâu cùng Ngọc Hoàng Thượng Ðế các việc xảy ra trong gia đình. Lễ tiễn đưa, người ta nấu xôi chè, đốt hương, sắm cá chép vì tin rằng chỉ cá chép mới có thể vượt vũ môn hóa rồng bay cao. Ðể đốt lửa nấu (củi hoặc than), lò hay cà ràng ông táo bằng đất nung đều có ba chấu.
Dân gian thương cảm nỗi niềm chung thủy của ba nhân vật hơn là diễu cợt lên án.
Bây giờ ở đây, tương đối ít người cúng lễ 23 tháng chạp tiễn đưa ông Táo về trời, nhứt là không mấy ai đốt hình cá chép (bằng giấy). Chỉ còn là dịp để nhắc nhở mọi người rằng thời gian chuẩn bị Tết bắt đầu ráo riết.
Thờ tổ nghiệp : (thần nghề nghiệp), bày tỏ lòng biết ơn khai sáng ra nghề để người sau có việc làm sinh sống. Mỗi ngành đều có tổ : tổ nghề mộc, dệt, thêu... Ở Pháp, hàng năm có nghe cúng tổ : ngành kim hoàn, cải lương, hàng hải...
Lễ Vu Lan : Nhớ ngày xá tội vong nhân,
Lên chùa lễ Phật đền ơn sinh thành.
Rằm Trung Nguyên tháng 7 âm lịch : báo hiếu ông bà cha mẹ đã qua đời, mà cũng giải oan cứu khổ vong nhân uổng tử đơn độc lạc loài. Còn ít nhà đốt vàng mã (giấy tiền vàng bạc). Các chùa cúng cổ ‘‘vàng áo cháo nổ’’ thập loại chúng sinh.
Phật giáo đã đem lễ vu lan vào đất Pháp.
Người Công giáo dành tháng 11 dương lịch đặc biệt cầu cho các đẳng linh hồn, nhưng theo dịp vu lan, có nhà cũng xin lễ cầu nguyện thêm một lần nữa (không kể giỗ riêng của gia đình).
Mấy năm gần đây, Tòa thị chính Paris đã qui tụ chức sắc các tôn giáo cử hành chung buổi cầu nguyện cho những người Á châu quá cố, lấy tháng 7 âm lịch làm móc thời gian định ngày tổ chức. Công giáo Việt Nam được mời và Giáo Xứ Việt Nam Paris đại diện. Có lẽ cũng là hình thức cầu nguyện chung, ‘‘hợp nhất trong dị biệt’’ mà Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng, chiều kích hạn hẹp hơn vì chỉ trong thành phố Paris.
Lễ Trung Thu : ‘‘Tháng tám phá cổ rước đèn
Là ngày Tết của các em nhi đồng’’
(Trương Anh Thụy).
Bánh nướng, bánh dẽo, trống dục, lân múa, đèn sao, đèn cá, đèn bướm, đèn lồng... tục rước đèn thường do các đoàn thể tổ chức ở hội trường riêng biệt, rộng rãi để qui tụ nhiều trẻ em nhập cuộc, dĩ nhiên với sự hiện diện của ông bà, cha mẹ, anh chị lớn. Gia đình chỉ còn ăn bánh dẽo, bánh trung thu. Tiết trời chớm lạnh nên các nhóm tổ chức đón thu cũng làm ban ngày cuối tuần, hiếm người thưởng thức trăng thu.
Tết Nguyên Ðán : luôn đến giữa mùa đông, là sinh nhật chung vì mỗi người đều thêm một tuổi, tính theo âm lịch. Lớp người sinh trưởng ở Việt Nam ‘‘không muốn ra đi mà thành viễn xứ’’ từ lác đác riêng lẻ ngậm ngùi ‘‘đất khách không nêu’’ ‘‘quê người vắng pháo’’ đã góp công tái tạo lại hình ảnh, sắc màu Tết Việt Nam theo phong hóa :
Mai vàng, pháo nổ, bánh chưng xanh,
Nêu treo, lân múa, thịt kho, dưa hành.
Rồi cúng giao thừa, đi lễ chùa hay nhà thờ Việt nam, mừng tuổi, tặng phong bao lì xì, hái lộc, đạp đất xông nhà, khai bút đầu năm... Họp mặt tất niên, đón mừng tân niên, sum họp gia đình, thân tộc, bằng hữu... vui xuân, mỗi người mỗi cách, mỗi nhà mỗi vẻ, mỗi đoàn nhóm mỗi tổ chức... cũng cử cũng tránh... vì ‘‘có kiêng có lành’’, bài bạc thì cờ tướng, mà chược, tứ sắc, bài cào, bầu cua cá cọp.
Ý nghĩa ngày Tết quan trọng đến nỗi các cô gái thời trước dùng làm thước đo, xét suy chọn lựa chàng rể :
Ba mươi anh không đi Tết
Mùng một anh không tới lạy bàn thờ
Hiếu trung chi nữa mà chờ cho uổng công.
Truyền thống Tết lại tiếp tục hiện diện khắp nơi có người Việt cư ngụ, và cùng với cộng đồng Trung Hoa, Tết Á Châu rộn rịp trên toàn thế giới.
Bây giờ ngoài thiệp chúc, điện thoại, điện thư, các nhà xử dụng internet còn chuyển thêm lời chúc với hình ảnh, sắc màu, âm thanh trên màn ảnh nhỏ : một hình thức giữ nếp lễ nghĩa văn hóa gia đình tân thời. Dù vậy, vẫn còn một lớp người luyến tiếc bầu khí đoàn tụ ấm cúng nơi cố quốc.
‘‘Thì có năm nào... nơi đất lạnh
Ðón xuân... mà chẳng buồn bâng khuâng’’
(Nguyễn Tất Nhiên).
‘‘ . . . Mỗi năm tuổi hạc một cao
Vạn lý bi thu tác khách
Giờ nầy lận đận phương nao ?
Ngựa hoang nào biết hồi tàu
Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay’’
(Vũ khắc Khoan).
Lễ Rước, Tiễn Ông Bà : Rước Ông Bà thì nhiều nhà vẫn giữ lệ cúng kiến, nhưng Tiễn Ông Bà thì dường như chỉ có những nhà còn các ông bà cao tuổi bày biểu thì con cháu mới nhớ làm. (Vì Tết thường nhằm ngày trong tuần phải đi làm, nếu nhớ thì cũng làm rất giản dị)
Lễ dựng nêu-hạ nêu cũng thế, chỉ cử hành nơi có đông người lui tới.
Tết hàn thực, Tết thanh minh, Tết đoan ngọ là của Trung Hoa, ít người còn lưu ý, có lẽ chỉ chợt nhớ khi vô siêu thị Tàu thấy bày bán các thức gia dụng để cúng tế.
Hầu như tất cả lễ thức văn hóa kể trên đều nhằm bày tỏ lòng yêu thương, tâm tình biết ơn với người đang sống hay đã qua đời. Phương cách giáo dục tình gia đình nầy phần lớn dựa trên hôn nhân và hôn nhân bền vững là yếu tố thuận lợi để thực thi văn hóa gia đình.
III. Ðời sống gia đình : hôn nhân trong cộng đồng người Việt.
Giáo Luật Công Giáo ghi rằng : ‘‘vợ chồng được kêu gọi hiệp thông qua sự trung tín hằng ngày đối với lời hứa trao ban trọn vẹn cho nhau ngày hôn phối.’’ (GLCG 1644)
Trừ những người mà tư tưởng quá ư vượt thoát, xem tình yêu như khát vọng tính dục đơn thuần, thích tìm lạ, đổi nhiều, ‘‘khi vui thì đậu, khi buồn thì bay’’, không đặt vấn đề truyền sinh có trách nhiệm, đa số bình thường đều muốn cụ-thể-hóa tình yêu chân thật bằng hôn nhân bền vững :
‘‘Ðem nhau lên thác xuống ghềnh
Trăm năm đôi chữ chung tình ta chớ quên’’
(Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu).
A. Hôn nhân vì nghĩa :
Nhiều người nghĩ rằng hôn nhân thời trước là hôn nhân vì nghĩa, vì hiếu do ông bà cha mẹ đôi bên quyết định, lắm khi cưỡng ép, dựa vào ý niệm và kinh nghiệm ‘‘môn đăng hộ đối’’ (vật chất hay tinh thần) hoặc đáp ứng nhu cầu hai họ, tình sẽ đến sau, theo tháng rộng năm dài, bổn phận buộc ràng khi cùng sống cùng lo : Có chồng thì phải thương chồng
Ðắng cay cùng chịu mặn nồng cùng vui
Hôn nhân ‘‘nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha’’ nhưng việc kén rể, lựa dâu của cha mẹ chẳng phải lúc nào cũng suông sẻ, con cái rồi cũng ‘‘đâu vào đấy’’ với người bạn đời mà cha mẹ lựa chọn. Không thiếu ca dao than thở nỗi niềm đau khổ bởi cha mẹ :
‘‘Em về đã mấy năm nay
Buồn riêng thì có vui vầy thì không’’.
Trên thực tế, vì truyền thống nối dõi tông đường, nên trai phải có vợ, gái phải có chồng. Miệng tiếng thế gian đàm tiếu người sống độc thân, cách riêng nữ giới bằng những lời bông đùa, chế nhạo, lắm lúc cay nghiệt. Nên có khi chưa gặp được người trong mộng thì các cô cũng bằng lòng ưng nhận người ngỏ ý, theo đuổi mình hoặc người do cha mẹ chọn lựa hay mai mối đưa đường dẫn lối.
Nam giới cũng vậy. Lớn lên, cha mẹ tìm lựa, có khi chưa kịp gặp tình yêu đầu đời hoặc chưa thật sự yêu ai... thì rồi mọi việc cũng xuôi thuận. Hôn nhân nầy không hoàn toàn cưỡng ép mà có sự đồng tình. Cho dầu sau đó cảm thấy trái duyên lạc phận thì
Chàng buồn có ‘‘chốn’’ thở than
Thiếp buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya.
Khi đã bước vô đường hôn nhân, người nữ được khuyên dặn :
‘‘Chim có đôi có bạn
Kià hãy xem cặp nhạn làm gương
Ðứng làm người trong đạo tào khương
Thủy chung như nhứt giữ đường ngãi nhơn’’.
Hôn nhân vì nghĩa ngày xưa được hỗ trợ bởi làng xóm, xã hội, thắm nhuần phong hóa kỷ cương, người nữ phải sống với ý thức vị tha, bổn phận trên hết :
Tập tàng đem nấu canh suôn
Lấy chàng thiếp quyết đổi buồn làm vui.
[Thật ra, dường như thời nào cũng còn ‘‘phép vua thua lệ làng’’ bao giờ cũng có một số nơi, một số gia đình dựa vào phong tục, nếp nhà, dành quyền xếp đặt, định đôi vì nghĩ rằng cha mẹ kinh nghiệm hơn con trong việc lựa chọn (theo tiêu chuẩn thích hợp với từng nhà).]
B. Hôn nhân vì tình :
Tình yêu dang dỡ, hôn nhân gượng ép là đề tài muôn thuở.
Thi văn, ca nhạc, kịch nghệ, chuyện kể, phim ảnh, sách báo truyền trải bao đời vẫn diễn tả nỗi niềm chia ly của 2 kẻ yêu nhau với nhiều thương cảm, những ngang trái éo le do nghịch cảnh quyền uy làm xúc động lòng người, gợi ý quý trọng tình yêu chân thật (lừa dối, lầm lẫn... lại là chuyện khác) gián tiếp ca ngợi tình yêu không áp lực, không biên giới... tình yêu do đôi tâm hồn đồng cảm. Rồi xã hội với những thể chế hôn nhân đề cao quyền tự do lựa chọn và tự do quyết định. Trừ một số trường hợp vượt thoát khác thường, ngoại lệ, bất chấp sự phản đối của gia đình, đạo lý xã hội... Nói chung, phần lớn hôn nhân do con cái lựa chọn, cha mẹ tác thành. Ngay cả khi bố mẹ lựa chọn, giới thiệu cũng nghe theo ý kiến con.
Hôn nhân con cái lựa chọn, cha mẹ tác thành :
Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng hôn nhân cưỡng ép thịnh hành trong giới hoàng tộc vua chúa, tầng lớp quan lại theo khuôn mẫu nặng nề của nho giáo và tục lệ Tàu. Còn quần chúng thì tuy chịu nhiều ảnh hưởng nhưng linh động gạn lọc không bị đồng hóa. Lễ nghĩa luân thường đạo lý đan kết dung hợp tạo thành bản sắc riêng của dân tộc.
Không ‘‘kín cổng cao tường, nam nữ thụ thụ bất thân’’ đại đa số dân chúng sống bằng nghề nông, môi sinh, sông nước, đồng ruộng bao la, ngày mùa vụ lúa, công việc cày cấy, vườn tược... rồi cúng kỳ yên, hát hội đình đám, lễ tục của làng xã... tất cả đều là cơ hội thuận tiện cho trai gái gặp biết nhau, dò hiểu nhau. Qua ca dao, nhìn ngó, cảm mến, nhớ thương, ngõ ý, ưng thuận, chối từ, trách phiền, thề hứa... tất cả đều thể hiện nề nếp phong hóa gia đình Việt Nam :
- Bày tỏ tình yêu : Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Tới đây trời khiến đem lòng thương em.
- Tiêu chuẩn lựa chọn : Mặt trời vừa lặn, mặt trăng vừa t
Qua đây xin nói thiệt với nàng
Con gái ông Bang, con gái ông Phủ,
Qua cũng không màng
Chỉ chuộng con bạn ngọc biết đá vàng thỉ chung.
- Băn khoăn dò hỏi : Buồn tình gá nghĩa mà chơi
Hay là anh quyết ở đời với em ?
- Lựa lời từ chối : Ai bưng buồng cau tới đó chịu khó bưng về
Em đây vốn thiệt không chê
Nhưng (ở vậy) nuôi mẹ trọn bề hiếu trung.
- Hay gợi ý nhắc nhở : Thương em thì nhờ thầy mẹ tính toan
Không phải vô sòng hát giã gạo hò khoan mà thành.
Xưa nay những đoạn đường tình của tuổi thanh xuân bình thường đều trải qua tiến trình tương tự. Thời gian khác, không gian đổi thì cách biểu lộ tình cảm có thể thay đổi. Nhưng khi hôn nhân thành tựu như ý thì đôi bạn đều
- ý thức : Yêu nhau chữ vị là vì
Chữ dục là muốn, chữ tùy là theo,
- để trở nên : Một thuyền một bến một dây
Ngọt bùi ta hưởng, đắng cay chịu cùng,
- dặn nhau kiên nhẫn trước thử thách :
Sông sâu sóng cả em ơi
Chờ cho sóng lặn, buồm xuôi, ta xuôi cùng
Trót đem nhau vào kiếp bềnh bồng
Xuống ghềnh lên thác quyết một lòng thương nhau.
- mong ước : Dìu nhau đi suốt cuộc đời
Nguyện cầu mình được như lời Tử Sinh.
Trong vấn đề hôn nhân con cái, cha mẹ ít còn uy quyền như xưa. Vài lý do giải thích :
● Môi trường sinh sống với các thể chế qui định quyền tự do lựa chọn, không chấp nhận hôn nhân cưỡng ép.
● Ngại con cái trách cứ : ‘‘cớ sự này cũng tại mẹ cha’’.
● Chứng kiến những bất đồng, xung khắc do hôn nhân xếp đặt.
● Tuổi thành hôn trễ hơn. Trai gái đều có nghề, tự lực cánh sinh, ngay cả có thể tự túc phí tổn hôn lễ. Cha mẹ chỉ tùy tiện giúp thêm.
Một số phụ huynh thấy rõ vấn đề, dùng đối thoại hướng dẫn, lựa dịp nói xa-nói gần, gợi ý nhắc con đắn đo, giúp con lựa chọn.
Nhiều cha mẹ ở hải ngoại đã cố gắng gìn giữ sự sum hợp toàn vẹn của gia đình vì thương con, ngại ‘‘hai đàng cùng kéo coi chừng đứt dây’’, thích nghi thực tế sẵn lòng theo sự lựa chọn của con, đồng ý không thắc mắc hay cực chẳng đã phải chấp nhận, lòng vương chút xót xa hoài vọng quá khứ... tất cả đều nhân danh tình thương.
C. Hôn nhân dị chủng :
Hôn nhân giữa người Việt với người sắc tộc khác. Từ rất xa xưa, Việt Nam đã có hôn nhân dị chủng theo dòng lịch sử bị trị cũng như trên đường Nam tiến mở rộng biên cương bờ cõi; thường với người Trung Hoa hoặc các dân tộc lân bang châu Á. Khi người Tây phương đến Việt nam, cách riêng Pháp... rồi sau tới Mỹ, Úc, v.v... do hoàn cảnh cá nhân hay gia đình, thời thế đưa đẩy, hôn nhân dị chủng với người khác màu da rõ nét hơn. Những gia đình đó ở tại Việt Nam hay ly hương nơi đất khác, chưa tới nỗi đặt thành vấn đề nhân danh bảo truyền nòi giống. Có thể vì chỉ là số nhỏ.
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
(Chinh Phụ Ngâm, Ðoàn Thị Ðiểm).
Thời loạn ly, người ta cảm thương thân phận nữ giới, đa số hôn nhân dị chủng là vợ Việt lấy chồng xứ khác. Nhưng không phải không có những lời bởn cợt mĩa mai, đàm tiếu, đôi khi miệt thị... ngoài các lý do cá nhân, có lẽ dụng ý chung chung xã hội muốn nữ giới đừng theo đường đó, hàm nghĩa chưa đồng tình với hôn nhân dị chủng, không lý tới tình yêu.
Vài thập niên gần đây, do vận nước đổi thay, người Việt đi tìm đất lành đã tản mác khắp địa cầu. Vấn đề hôn nhân dị chủng được chú ý nhiều hơn. Lần nầy, con số gia tăng, không riêng nữ giới mà cả về nam giới.
- Phụ nữ trưởng thành ở Việt Nam qua thời xuân trẻ muốn tìm nơi nương tựa bình yên cho chuỗi ngày định cư nơi đất mới, quả phụ chưa đến tuổi già, ly hôn với chồng trước... Mỗi người một hoàn cảnh, không được thuận tiện lựa chọn thì chấp nhận tương đối, cũng là một cách sống.
- Nam giới cô lẻ, ít gặp đồng hương, một lần lỡ duyên, tìm hổ trợ nơi người bản xứ; có những phụ nữ Tây phương thuộc giai cấp trung lưu trở xuống ít đòi buộc thủ tục kết hôn trước khi đi vào đời sống lứa đôi và còn các lý do linh tinh khác nữa...
● Nữ giới trẻ tuổi thời nay không mấy khi vì sinh kế, hoàn cảnh, họ có nghề nghiệp, ở tầng cấp trung lưu, học vấn cao, không bị hàng rào ngôn ngữ, tự chọn ưng người chồng khác chủng tộc nhân danh tình yêu. Nhưng thỉnh thoảng cũng nghe thổ lộ :
- Không gặp đồng hương yêu thương theo đuổi;
- Thất vọng với tình đầu người Việt hoặc một lần dang dở;
- Không hài lòng với cảnh sống và cách sống của bố mẹ;
- Ngại gặp người chồng quyền uy như cha trong gia đình;
- Thường nghe những nhận định về người Việt, một cách tổng-quát-hóa các vấn đề ở khía cạnh tiêu cực làm ngại tiếp giao với đồng hương nên thiếu cơ hội gặp gỡ, trao đổi.
● Nam giới trẻ tuổi cũng cùng các lý do tương tự. Ngoài ra :
- Thiếu nữ Việt Nam có lẽ do bởi ảnh hưởng kỹ cương gia đình, chờ đợi được ngỏ lời hơn là bày tỏ tình cảm, khuyến khích nam giới tiến tới, nhất là những người học lực cao. Do đó có cảm tưởng giao tiếp với các cô Việt nam mệt trí và khó khăn hơn với người ngoại quốc;
- Người Việt tỏ ra xét nét, kén chọn hơn với gia đình người Việt. Có khi chỉ vì cha mẹ hai bên mà đôi trẻ rã duyên :
Cây da trốc gốc, thợ mộc đương cưa
Ðôi đứa ta đi ra cũng xứng, đứng lại cũng vừa
Tại cha với mẹ kén lừa suôi gia.
● Ngoài ra, giới trẻ nam cũng như nữ, vì bận rộn học vấn, nghề nghiệp, đa số ít có dịp tìm hiểu thấu đáo để cảm nhận, ý thức được truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam đầy đủ, đúng nghĩa với tất cả ưu và khuyết điểm, cái nhìn vì thế dễ có phần phiến diện. Chẳng hạn thỉnh thoảng vẫn nghe ‘‘Sợ gặp người Việt kiểu chồng chúa vợ tôi’’ hoặc ‘‘ngán mấy cô Việt Nam mà cứ như đầm’’ v.v...
● Phần đông nam cũng như nữ, không thích được cha mẹ họ hàng làm vai trò mai mối, giới thiệu. Có thể vì nghĩ mình đã tự lực cánh sinh, thì cũng muốn tự định liệu duyên phận ?
Ðời sống chạy theo đồng hồ, nhiều phụ huynh lặng lẽ giữ gìn phong hóa gia đình nghĩ rằng ‘‘gương bày lôi kéo’’ thì không sai, nhưng chưa đủ vì phải đến một cơ duyên, một tuổi đời nào đó con người mới có khuynh hướng quay tìm về nguồn, trầm tĩnh nhớ lại, lượng giá được những điều cha mẹ hành xử, chấp nhận nề nếp hay tốt cũng như còn khiếm khuyết. Ðiều nầy phần nào giải thích các cuộc tái hôn trong đó nam giới Việt Nam góa hay đỗ vỡ với người ngoại quốc đã làm lại đời sống có đôi lần sau với người đồng hương (ở vùng Paris và các thành phố đông người Việt). Do đó, mối lo thường trực của người Việt hải ngoại muốn bảo lưu văn hóa là ‘‘vừa nói vừa làm’’, vừa trao truyền vừa chuẩn bị cho trẻ tiếp thu những gì thuộc về văn hóa gia đình, hiểu được ý nghĩa của các truyền thống tốt và thông cảm điều sai sót của quá khứ, để tránh bớt hoặc không tái diễn.
Thông thường nam nữ đều lo chuẩn bị tương lai. Nếu theo học trình dài, khi ổn định nghề nghiệp, tuổi trẻ đi qua. Tuổi lập gia đình trễ thì suy tính đắn đo, tiêu chuẩn lựa chọn tỏ ra đòi hỏi hơn. Lại chứng kiến những trường hợp ly thân, phân rẽ con cái, tranh chấp tiền của... kéo theo nhiều hệ lụy... thì thêm tâm lý lo ngại thất bại trong đời sống vợ chồng, chờ đợi tình yêu như duyên số, công ăn việc làm chiếm mất nhiều giờ nên cũng ít nao nức tìm kiếm như tuổi trẻ thời mới lớn. Tình trạng nầy đưa dẫn tới cuộc sống độc thân có chiều hướng gia tăng tại Pháp nói chung và cộng đồng Việt Nam nói riêng.
Còn một số nguyên nhân chi tiết có tính cách cá biệt, giới hạn bài nầy khó thể đề cập hết.
Phần những người Việt, vì ‘‘không muốn ra đi mà thành viễn xứ’’ nên nhiều phụ huynh vẫn mơ một ngày về, khó chấp nhận hôn nhân dị chủng, có những phiền muộn, tranh cãi, xung khắc giữa cha mẹ và con cái, thậm chí nhiều bố mẹ còn mặc cảm tủi nhục. Lần hồi theo thời gian, tầm mức trầm trọng giảm nhẹ dần vì an phận với thực tế, ý thức vấn đề hơn, nhưng chưa hoàn toàn dứt hẳn nỗi đau thầm lặng chỉ thỉnh thoảng hé lộ với bằng hữu tâm giao.
Dĩ nhiên không phải mọi nhà đều như vậy. Vẫn có người bình thản, vui vẻ tán thành hôn nhân dị chủng để giữ hòa khí, nhất là khi dâu hay rể thuộc gia đình sung túc, bề thế, chức phận cao, cư xử đàng hoàng với gia đình vợ (hay chồng). Ảnh hưởng nếp suy nghĩ ngày trước, nhiều bố mẹ khuyến khích con gái kết hôn chính thức với người khác chủng nhiều hơn trai cưới vợ ngoại quốc. Lý do đưa ra là nhận thấy hôn nhân với vợ Âu Tây ít bền vững suốt đời, do đó nhiều cặp sống không giá thú, người nữ giữ vai trò đồng hành (compagne ou concubine) theo trào lưu đương thời.
Tóm lại, ‘‘Ta về ta tắm ao ta’’ vẫn là ước muốn thầm lặng của nhiều phụ huynh Việt Nam với lý do một nhà chung tục lệ, cùng tiếng nói, trò chuyện thoải mái, dễ tương hợp thông cảm nhau hơn. Nhưng hôn nhân dị chủng có chiều gia tăng vì một lớp trẻ không nói tiếng Việt, ngại giao tiếp với đồng hương. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng hôn nhân dị chủng với người châu Á, tuy khác ngôn ngữ nhưng gần gủi với văn hóa Việt hơn.
Khoảng một thập niên gần đây, nhiều gia đình trở lại thăm cố quốc, khuyến khích con trai về Việt Nam tìm vợ. Hiếm nghe các cô về lấy chồng. Sự có thể qua - lại thường xuyên làm cho phụ huynh trẻ chú ý lo cho con cái học tiếng Việt nhiều hơn, khác với thời trước chưa thấy ngày về.
Dường như nhờ những đi - về đó mà con số hôn nhân đồng chủng phát triển, đa phần thành người Việt nước ngoài, một thiểu số rất ít về Việt Nam sinh sống luôn.
Cùng với trào lưu phát kiến tin học điện tử, mạng lưới toàn cầu internet, cộng đồng người Việt đã hình thành, các cơ sở tôn giáo, hội đoàn sinh hoạt quanh năm, nơi nào cũng có ý biểu trưng văn hóa dân tộc, người Việt nếu muốn, có thể gặp nhau dễ dàng hơn thời 30 năm về trước. Liệu đây có thể là cơ hội cho thế hệ trẻ lớp sau nầy không ? Phải chờ thêm thời gian để trả lời, vì chiều hướng toàn-cầu-hóa tuy chưa toàn bị, nhưng đã có một số người trẻ mang tâm cảm :
‘‘Em hỏi mình quê ở đâu
Mình quê ở dưới bầu trời bao la’’
(Thùy Dương Tử)
D. Hôn nhân dị giáo :
Hôn nhân dị giáo là hai vợ chồng không cùng chung một niềm tin tôn giáo. Hôn nhân dị giáo có thể giữa hai người đồng chủng hoặc dị chủng.
Hôn nhân khác tôn giáo do khác chủng tộc dường như ít đặt thành vấn đề, vì khi chấp nhận lập gia đình với vợ hay chồng khác xứ, dễ có khuynh hướng dung nạp văn hóa và niềm tin của người phối ngẫu, theo về cùng một tôn giáo cho hợp nhất hoặc đạo ai nấy giữ. Những nhà chồng hay vợ là người Việt cũng thường để di ảnh cha mẹ quá cố với một bát hương, có khi thêm bài vị.
Trong khuôn khổ nhỏ hẹp của bài nầy, chỉ xin lướt qua
Hôn nhân dị giáo giữa hai người đồng chủng Việt Nam : Thường thấy nếu một bên là Phật Giáo, bên kia Thờ Ông Bà, Cao Ðài, Hòa Hảo... thì không mấy khi gặp vấn đề, trừ các nhà còn giữ lệ coi tuổi kiêng kỵ. Ngược lại, nếu một bên là Thiên Chúa Giáo thì có thể bị ngăn trở gièm pha. Lý do tiềm ẩn nơi lòng người rất khó biết, đôi lúc chỉ là mượn cớ.
Nói chung, ở hải ngoại tương đối còn ít người bị trắc trở nhân duyên vì tôn giáo, nhưng không phải là không có. Các trường hợp đó phần nhiều do ảnh hưởng nặng nề của cha mẹ, ông bà bởi định kiến khó lòng thuyết phục. Một số gia đình đến nay vẫn đặt tôn giáo vào tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân, nhất là chọn dâu. Chẳng hạn không thiếu người theo Phật Giáo hoặc Thờ Ông Bà không muốn con trai ‘‘theo đạo vợ’’(Thiên Chúa Giáo), vì đề quyết người ‘‘có đạo’’ không tôn kính tổ tiên và nữ phải tòng phu. Ngược lại, nếu con gái, thì có thể theo đạo của chồng, ‘‘con gái là con người ta’’.
Rồi cũng có một số gia đình ‘‘đạo dòng’’ từ chối cô dâu bên lương với lý do không chắc sau nầy siêng năng giữ đạo.
Khi Ngài rời trái đất, phải chăng Ngài có dạy :
Này các tông đồ hãy đi khắp thế gian
Giảng dạy và truyền rao về tình yêu Thiên Chúa
Như Ta đã yêu loài người vậy loài người hãy yêu nhau.
Lạy Chúa,
Giờ chúng con yêu nhau như lời Ngài đã bảo
Nhưng... nhưng... Ngài lại là một thành trì vô hình
Xây chắn giữa chúng con
Như con đã rắp tâm đánh đỗ bức chắn kia
Và đã kiệt sức hao mòn
Mà không được. . . thưa Ngài con cúi đầu xin thua thiệt.
Lạy Chúa,
Nên một trong những ngày hôm nay
Quỳ bên chàng, con có chắp tay
Cầu nguyện với Ðấng Cao Tối Thượng
Nếu ý của Ngài là muốn chúng con kết hợp
Thì xin Bề Trên tháo gỡ những khó khăn
Ðã cản ngăn và làm hai con buồn khi ở gần
Ðang vây hãm tình con vào ngỏ hẹp.
Còn như nếu. . .
Chàng với con chỉ đẹp duyên
Quyết không thành nợ
Xin cho chàng gặp được người có đạo và ngoan
Cũng biết thương chàng và chàng thương lại... ít hơn thương con...
(Lạy Chúa, PH.Ð 1988-1989).
Dĩ nhiên không phải ai cũng khó khăn đặt vấn đề tôn giáo trong hôn nhân, nhất là bây giờ ở hải ngoại. Khi thấy đôi bạn trẻ thật tình thương nhau, muốn nên bề gia thất, nhiều phụ huynh đã tương nhượng đồng ý hôn nhân ‘‘đạo ai nấy giữ’’ hoặc cởi mở hơn cho phép con tự quyết định vì ‘‘đạo nào cũng dạy làm lành’’. Các phụ huynh còn giải thích kinh nghiệm chứng kiến : ‘‘đồng vợ đồng chồng’’ cùng một niềm tin tôn giáo vẫn hơn.
Ða số người Việt vốn rộng rãi niềm tin, không bài bác dù không cùng tôn giáo. Tại Pháp hiện nay vẫn có một số nhà lương - giáo đề huề.
- Chàng rể Công Giáo có bàn thờ, thánh giá và tượng Ðức Mẹ. Bà nhạc mẫu ở chung nhà theo Phật Giáo, để nơi góc khác tượng Phật Bà Quan Âm. Mỗi ngày tụng kinh bà lên đèn cả hai bàn thờ. Cô gái theo chồng đi lễ nhà thờ, thỉnh thoảng cũng chở mẹ đến chùa.
- Một số nhà khác hai vợ chồng, hai tôn giáo : chồng thờ Ông Bà Cha Mẹ trên nóc tủ, vách đối diện vợ treo Thánh Giá, hình Ðức Mẹ, Thánh Nữ Têrêxa... Giỗ kỵ bên chồng, bà sắm sửa đầy đủ và vợ chồng cùng nhau dự lễ cầu nguyện cho thân nhân quá cố của gia đình bà.
Với các người nầy niềm tin tôn giáo không ngăn cách họ.
Ðây chỉ ghi lại những điều trông thấy, không lý giải về phương diện giáo luật, nguyên tắc niềm tin v.v... Vì đôi bên trọng nể nhau nên hôn nhân khác tôn giáo xem ra suôn sẻ.
Cũng có những gia đình hôn nhân dị giáo, về lâu dài niềm tin của một hoặc cả hai tàn rụi dần, hoặc cản ngăn không muốn vợ (chồng) đi lễ nhà thờ hay sinh hoạt chùa như thời chưa cưới. Không hiểu có phải do đó mà một số phụ huynh đặt vấn đề tôn giáo khi lựa dâu kén rể ?
IV. Các vấn đề của gia đình thời nay :
A. Môi trường xã hội :
Hai người một dạ yêu nhau, tình mãn nguyện, mộng ước đã thành, sao ‘‘đời lại mất vui’’,
chán ngán : ‘‘ngày xưa nợ vợ, ngày nay nợ chồng’’,
than thở : ‘‘yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp’’
(Vũ Hoàng Chương),
rồi chia xa đôi ngã : ‘‘tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi’’, kéo theo nhiều hệ lụy.
Hầu như ai cũng thấy rõ tầm quan trọng của gia đình. Xã hội đề cao gia đình. Những gì liên quan đến gia đình đều được phân tích, suy nghiệm tỉ mỉ để truyền thông cho đại chúng : bí quyết giữ gìn hạnh phúc, nghệ thuật làm chồng, người đàn bà lý tưởng, thuật yêu đương, nghề làm cha mẹ, phương pháp nuôi dạy trẻ, nghệ thuật làm ông bà... Nhà cầm quyền chủ trương nâng đỡ gia đình, hiệp hội công dân hổ trợ gia đình qua nhiều tình huống...
Vậy tại sao con số ly dị gia tăng ?
Vùng Paris có tỉ số ly hôn 1/2 và toàn nước Pháp 1/3. Nhiều gia đình độc phu độc phụ (famille mono-parentale), trẻ chỉ sống với cha hay mẹ, hoặc thêm chồng sau, vợ sau (nếu cha mẹ tái hôn) và các anh chị em khác (demi-frère, demi-soeur).
Cấu trúc gia đình truyền thống biến dạng vì tỉ số gia đình tái tạo (famille recomposée) có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê thì nạn ly dị, sống chung không giá thú (union libre), trẻ sinh ngoài vòng hôn nhân có tỉ lệ cao ở các xứ mà nữ giới độc lập về tài chánh.
Các lý do giải thích rất tổng quát và giản lược : tại nam nữ bình quyền, phu thê bình đẳng, tại xã hội nhìn nhận tự do luyến ái, đề cao hạnh phúc tính dục cá nhân quá đáng... Và vài yếu tố khác (thuộc ẩn tình tế nhị chỉ người trong cuộc mới tường) như những giọt nước tích đọng tràn ly.
Chuyện ai nấy biết. Tuy nhiên qua các lời kể, những u buồn, bực dọc, chán nản, đôi co... thường khởi phát giữa vợ chồng về quan niệm sống liên hệ đến tài chánh, sở thích cá nhân, nuôi dạy con cái, gia đình hai họ (cách riêng gia đình nhà chồng với nàng dâu Việt Nam) và gần đây là vấn đề tính dục, lấn hiếp bạo hành thông thường bởi người chồng (được phơi bày ra ánh sáng nhiều hơn).
Những xung khắc nầy không mới lạ, trong quá khứ đã manh nha hoặc hiện hữu. Nhìn lại sách báo thời cận đại, chiến tranh tô điểm hình ảnh bà mẹ chờ con, cô phụ trông chồng, đồng thời cũng nhận thấy dấu hiệu xã hội thay đổi, một số nữ giới yêu cuồng sống vội, thích vật chất xa hoa, mê tiền của, tệ bạc với chồng và bắt đầu lo danh vọng cá nhân...
Người ta đổ lỗi cho ảnh hưởng Tây phương :
Văn minh gặp buổi Lang Sa
Tri âm thì ít trăng hoa thì nhiều.
Nhưng ở Việt Nam nhờ nếp sống làng xã (nơi đô thị còn hàng xóm, đồng nghiệp...), với ý niệm tôn ti định sẵn, ảnh hưởng đạo lý, văn hóa và hoàn cảnh chiến tranh lắm lúc khốc liệt làm nổi bật các vấn đề ưu tiên cấp thiết hơn là gia đình xào xáo rạn nứt. Ðổ vỡ, tan rã, chối bỏ trật tự truyền thống chỉ là thiểu số quần chúng.
Còn ngày nay, sống giữa lòng xã hội tây phương hiện đại, nam nữ bình quyền phu thê bình đẳng, tuy không phải khái niệm mới lạ nhưng hệ quả vẫn còn là đề tài tranh luận và bị xem như là đầu mối làm bại hoại gia đình.
Hằng ngày qua các phương tiện truyền thông, mỗi người đều nghe biết các vấn đề của gia đình với định chế pháp lý giải quyết tựa vào các quyền tự do căn bản. Truyền trải bao đời tranh đấu, con người mới được thế giới nhìn nhận là cần có những quyền tự do căn bản, lẽ nào sự thăng tiến nầy chỉ toàn mang tới tai ương, bất ổn, thử thách ? Câu hỏi đặt ra không nhất thiết phải có lời giải đáp tức thì mà để quan sát, suy nghĩ.
Một trong các yếu tố góp phần thay đổi liên hệ vợ chồng trong xã hội hiện nay là
Vấn đề tính dục :
Tự do bình đẳng được đề cao, thân xác thuộc chủ quyền cá nhân, hàm nghĩa toàn quyền trong vấn đề tính dục, đưa dần tới khuynh hướng dung túng tự do luyến ái. Ảnh hưởng cách nghĩ ngày trước, việc ngoại tình quen thuộc với nam giới, khó chấp nhận nơi nữ giới.
- Nhưng bình thường nam nữ đều có nhu cầu tính dục. Bản năng sinh lý tự nhiên nầy thời xưa ít được luận bàn công khai. Bây giờ trào lưu duy-sinh-lý kết hợp với ý thích cá nhân thụ hưởng hổ tương được quảng bá rộng rãi khắp nơi bằng các phương tiện truyền thông, cám dỗ, thúc dục, mơ hồ giữa lạc thú xác thân và tình yêu chân thật.
- Vợ chồng đều có thể vin vào lý do người bạn đời không hòa hợp chuyện chăn gối để bỏ nhau. Hay ‘‘ở thử’’ rồi ở luôn, không đám cưới, không giá thú.
- Cảnh huống đồng sàng dị mộng, các trường hợp vẫn sống chung nhà, không ly hôn trước pháp luật, nhưng mỗi bên (hoặc một bên) có những liên hệ giao tình riêng tư, theo sự thỏa thuận giữa hai người.
- Người vợ ít còn khoan nhượng chuyện chồng dan díu tình nhân, không thiết chờ ‘‘lá rụng về ‘‘ cội’’.
- Chân dung phụ nữ thay đổi, từ e thẹn kín đáo, dịu dàng chịu đựng... trở nên ngổ ngáo, gợi dục, táo bạo, chủ động trong tình trường, sống buông thả vì tình yêu mà có khi cũng vì tư lợi. Phim ảnh gần đây còn tạo ra những nhân vật nữ dữ dằn, lạnh lùng, sắc thép, bạo ác... không thua nam giới.
- Các cơ sở thương mại trước giờ chỉ tổ chức cho đàn ông mua vui, nay bắt đầu chú ý đến đàn bà, tìm hưởng lạc thú xác thịt.
Thủ tục ly thân ly dị dễ và nhanh. Hôn nhân theo luật đời chỉ còn là khế ước pháp lý có thể chấm dứt hợp đồng khi cảm thấy bị tù túng mất tự do. Bằng ấy đổi thay làm cho xã hội lần hồi thay đổi cách nhìn, dễ thông cảm chuyện ngoại tình (vì tự do cá nhân, chuyện ai nấy biết). Ly dị từ bị qui trách, dè bỉu, đã trở thành căn chứng xã hội. Sự biến thái nầy là một đe doạ đồng thời cũng là một trăn trở của xã hội thời nay đối với gia đình.
Một trong những thực trạng đáng quan ngại được ghi nhận do hệ quả của ly dị trong xã hội Pháp là vấn đề tuổi trẻ. Các cuộc thăm dò mấy năm gần đây tiếp tục cho thấy gia đình vẫn là nơi nương tựa tinh thần cần thiết, giá trị hàng đầu với người trẻ. Mỗi người trong gia đình đều có một vai trò khó thể chuyển đổi, tình thương và uy quyền đều quan trọng. Và xã hội giữ phần hổ trợ gia đình giúp cha mẹ ý thức vị thế đó để hành xử đúng bậc. Nhưng gia đình thời nay lại dòn mỏng. Kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng kéo theo sự nghèo khổ, thêm nhiều gia đình đổ vỡ tạo ra một tầng lớp trẻ phần đông (80%) chỉ sống với mẹ, tất bật sinh kế (số còn lại sống với cha). Ly dị là mất mát, nhiều rủi ro cho tuổi trẻ. Hình ảnh quen thuộc mô tả về đứa trẻ của gia đình một mẹ (hoặc một cha), sống khó khăn, ẩn lặng, ưa tụ tập la cà, biếng học, cảm thấy trống vắng tình thương, sớm đi tìm tình yêu bù đắp, dễ bị khích động lôi cuốn theo các tệ trạng... mặc cảm xã hội lơ là trước nỗi nghèo khó của họ, sinh ra bất mãn, giận đời đôi khi đưa tới bạo động phản kháng để bày tỏ sự hiện hữu.
Người Việt Nam, nhờ truyền thống quí chuộng sự học, lại đến từ một đất nước đang hồi hoạn nạn, nên dù phải một mình nuôi con, phần đông vẫn chịu đựng, can đảm dự kiến tương lai con, tạo thuận lợi cho trẻ học hành, đưa vào khuôn nếp, khuyến khích sinh hoạt tôn giáo hoặc các hoạt động lành mạnh. Nhờ đó, trẻ có nhiều cơ may vượt thoát khủng hoảng ở tuổi lập thân.
B. Liên hệ vợ chồng : Tình yêu và trách nhiệm
Trong chiều hướng thời đại gần như đi dần tới toàn-cầu-hóa, gia đình được nghiên cứu trải dài qua các lục địa, dưới nhiều lăng kính dị biệt. Nhưng trong các giá trị thẩm định mang lại bình an cho gia đình, có liên hệ vợ chồng yên ổn.
Theo văn hóa gia đình Việt Nam, ‘‘Chồng hòa vợ thuận’’ (nhà thường yên vui),
Ðể gia đình là tổ ấm, vợ chồng hạnh phúc, cần có sự :
● Ðồng lao cộng tác của hai người : vợ và chồng
Em về cắt rạ đánh tranh
Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà
Sớm khuya hòa thuận đôi ta
Hơn ai gác tía lầu hoa một mình.
● Thông hiệp trong bổn phận, chia xẻ trách nhiệm liên đới :
Ðôi ta lên thác xuống ghềnh
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.
● Vun bồi cho nhau :
Vợ có chồng như rồng có mây
Chồng có vợ như cây có rừng.
Việt Nam có Luật Hồng Ðức, 24 điều gia huấn của vua Lê Thánh Tông, Luật Gia Long, cùng hương ước các làng đều xác nhận chức năng vợ chồng, bảo vệ gia đình.
Theo Dân luật Pháp : hiện nay, liên hệ nầy được qui định cũng nhằm mục tiêu bảo vệ gia đình. Trong lễ cưới dân sự cử hành ở tòa thị xã, viên chức đại diện nhà cầm quyền sở tại có tuyên đọc lại 4 điều khoản trọng yếu trước khi ký kết hợp-thức-hóa giao ước hôn nhân :
1) Vợ chồng phải chung thủy, tương trợ (vật chất), nâng đỡ (tinh thần) nhau.
2) Vợ chồng đồng trách nhiệm về đời sống gia đình, nuôi dạy con cái.
3) Cọng góp tài chánh chi tiêu tùy khả năng.
4) Gia cư, đồ đạc trong nhà đều phải do hai vợ chồng đồng ý.
Như thế liên hệ vợ chồng theo văn hóa gia đình ngày trước hay Dân luật Pháp thời nay đều nhấn mạnh đến trách nhiệm đôi bên.
Hoàn cảnh xứ sở Việt nam chinh chiến triền miên vì ngoại xâm, nội loạn. Tình yêu thông hiệp và liên đới trách nhiệm càng rõ nét. ‘‘Nước mất nhà tan’’ nên ‘‘Việc nước trước việc nhà’’. Ðàn ông phải lo chuyện dẹp giặc an dân :
- ‘‘Cần lao quốc sự quản chi gia đình’’ (Phạm Công Cúc Hoa).
được khuyến khích - ‘‘Khuyên anh đi lính cho ngoan,
Cho dân được cậy, cho quan được nhờ’’.
trấn an - ‘‘Tổ tiên để lại em thờ
Anh ra ngoài ải cầm cờ theo vua’’.
dặn dò - ‘‘Tràng tên đạn xin chàng bảo trọng
Thiếp lui về nuôi cái cùng con’’
(Gánh gạo đưa chồng, Nguyễn Công Trứ).
người đàn bà ở nhà lo toan mọi việc :
- ‘‘Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân’’
(Chinh Phụ Ngâm, Ðoàn Thị Ðiểm).
Theo vận nước, nữ giới Việt nam đã thích ứng hoàn cảnh, quán xuyến gia đình, đảm đang, tháo vát suốt dòng lịch sử mà chiến chinh dài hơn thanh bình. Tinh thần hy sinh đó đã lần hồi bén rễ để trở thành ‘‘truyền thống’’, mà thi sĩ Hồ Dzếnh viết những dòng thơ được nhiều người nghe biết :
Hỡi cô con gái Việt Nam ơi,
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho đời cô gái Việt Nam tươi.
C. Liên hệ vợ chồng trong đời sống ly hương :
Ba thập niên gần đây, một lần nữa, sự ẩn nhẫn chịu thương chịu khó đã cực kỳ hữu dụng. Nhưng cũng từ khi ‘‘những kẻ trầm luân vì tự do’’định cư ở nước ngoài thì nhiều vấn đề của gia đình được nêu ra.
Nhận xét tổng quát cho rằng gia đình xuống cấp, rào cản đạo lý cổ truyền suy sụp, ‘‘bắt chước Tây’’, phụ nữ ra khỏi nhà đi làm. Mặc dầu hội nhập vào môi trường sinh sống mới là trách nhiệm chung, nhưng ‘‘Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, nhà đỗ tại vợ’’. Ý nghĩ nầy đề cao vai trò quyết định của nữ giới đồng thời quy trách nặng nề, có lẽ bởi ảnh hưởng văn hóa gia đình trước đây quen coi tất cả việc trong nhà là việc của đàn bà.
Khách quan mà nói, thay đổi hoặc xuống cấp dường như là tình trạng chung của nhiều xứ không riêng Việt nam, bởi các tệ nạn liên quan đến gia đình đều được nghiên cứu, luận bàn, tìm phương giải trừ ở cấp độ quốc tế.
Liên hệ vợ chồng như đã nói trên là một liên hệ hổ tương, liên đới trách nhiệm.
Hồi ở trong nước, trước 1975, phụ nữ Việt Nam đã đi làm, phần lớn thuộc giới trung lưu, công chức, buôn bán, lao động, thợ thuyền... ở các đô thị, tỉnh thành để có thêm thu nhập cho gia đình. Chưa kể vì chiến tranh, chồng đi lính miền xa, vợ ở lại nhà, hai cảnh sống hai tốn kém, và phụ nữ được khuyến học, cũng để điền thế vai trò mưu sinh của chồng. Với mức sống thời đó ở quê nhà, tuy đi làm, nữ giới bậc trung vẫn điều hành gia đình không gặp trở ngại vì có thể mượn người giúp việc, dành thì giờ còn lại chăm sóc chồng con.
Từ ngày định cư ở nước ngoài thì hầu như ai cũng đi làm, làm nơi sở hay tại nhà, tùy nghề. Ngoài chuyện chia xẻ gánh nặng áo cơm với chồng, thêm phương tiện học hành cho con, dự phòng tương lai. . . còn tiếp giúp bên nhà, báo hiếu, trả nghĩa vì vận nước đổi thay, gia đình ly tán, kẻ đi người ở.
Sự phân nhiệm truyền thống (chồng đi làm vợ ở nhà lo nội trợ) không còn thì việc tổ chức gia đình cũng thay đổi, (dù người vợ đi làm vẫn tiếp tục giữ việc trong nhà). Vị trí phụ nữ thay đổi thì liên hệ vợ chồng phức tạp hơn và có lẽ đây là một trong các giềng mối của hạnh phúc hay bất hòa, đổ vỡ.
1. Liên hệ vợ chồng : Tinh thần chia xẻ
Tình yêu sau hôn nhân đi vào thực tế rõ rệt hơn. Tinh thần liên đới, chia xẻ trách nhiệm giữa vợ chồng là điều hiển nhiên, ai cũng nhìn nhận. Nhưng cũng có một số người vô tình tưởng rằng người chồng chỉ cần đi làm, đem thu nhập về nuôi gia đình. Mọi việc khác trong nhà là của đàn bà. Khi phải cán đán cùng một lúc hai vai trò : việc sở - việc nhà và các phần vụ khác mà người vợ bó buộc phải lưu ý như : theo dõi việc học của con cái, đối xử với gia đình chồng, hàng xóm, láng giềng, đồng nghiệp và bằng hữu của hai vợ chồng v.v... Trách nhiệm trong ngoài đều phải chu toàn, nếu được chồng đồng lòng tiếp giúp dù chỉ phần nào cũng cho người vợ cảm giác được yêu thương chia xẻ.
Bằng như ngược lại, phó mặc cho vợ làm hết việc nhà, thì sự lao nhọc dài hạn có thể ảnh hưởng trên tâm thần người vợ, mệt mõi thường xuyên làm biến đổi tính nết, dễ nóng giận, sợ chuyện gối chăn, ngại sinh con, chỉ ưng ở nhà làm xong việc, từ chối ra ngoài giao thiệp, cảm thấy bầu khí gia đình buồn tẻ... đôi lúc đưa tới trầm cảm, nếu gặp thêm thử thách.
Ðối diện với cuộc đời trước mắt là cơm ăn, áo mặc, nhà ở hằng ngày (chưa kể các lo toan khác cũng quan trọng với vợ chồng như nghề nghiệp, nuôi dưỡng - giáo dục con cái, sức khoẻ, gầy dựng gia sản, đời sống tinh thần...). Báo chí gần đây cho thấy đa số phụ nữ Pháp đi làm về phải đảm đang thường xuyên 2/3 việc nhà. Ðiều nầy chắc chắn không thể không ảnh hưởng đến liên hệ vợ chồng và con cái.
Về vấn đề nầy, bà Clémentine Autain, phụ tá thị trưởng thành phố Paris, tác giả quyển Alter Egaux (NXB Laffont), khi trả lời phỏng vấn nguyệt san ELLE, cho rằng : sự bình đẳng nam nữ chỉ là ảo tưởng. Người đàn bà làm 80% việc nội trợ, không thể đòi ra luật phân chia bổn phận phải làm việc nhà, nhưng chỉ có thể làm cách nào để tâm thức người đàn ông đổi tiến hơn.
Trở lại với cộng đồng Việt Nam thì xã hội thời bình ‘‘việc nhà lo trước, việc nước lo sau’’, tề gia, trị quốc, nhà yên nước thịnh. Vợ chồng thuận hòa tiếp giúp đỡ đần nhau trong mọi việc, kể cả việc nhà là bước đầu xây nền đặt móng cho liên hệ vợ chồng hạnh phúc. Chẳng hạn như tùy sự thu xếp theo thuận tiện của đôi bạn : chồng đi chợ, vợ nấu ăn, bế con thì khỏi lau bàn, chồng quét vợ dọn cửa nhà khang trang. Ðó là thực thi trách nhiệm liên đới, thể hiện phong hóa gia đình đã có tự ngàn xưa, và ‘‘chồng cày vợ cấy trong lòng vui thay’’ vẫn là nếp sống văn hóa gia đình thời nay, một hình thức tu thân để tề gia, bớt ý riêng để chung lo gia đình.
Thật ra, đây không phải là ý kiến mới lạ vì chủ trương vợ chồng phải cùng nhau chia xẻ việc nhà, cũng như việc làng, việc nước được ông Phan Bội Châu biện luận trong cuốn ‘‘Nữ Quốc Dân Tu Tri’’ xuất bản tại Huế năm 1927 và ông Ðặng Văn Bảy với ‘‘Nam Nữ Bình Quyền’’ do Nữ Lưu Thơ Quán Gò Công xuất bản năm 1929 đã kết luận rằng : Người chồng phải giữ chữ ‘‘hòa’’, người vợ phải giữ chữ ‘‘thuận’’ để tránh đổ vỡ. Ngoài ra, ông Bảy còn chấp nhận quyền chọn vợ lựa chồng để có sự hòa hợp và cả hai vợ chồng đều có bổn phận phải giữ ‘‘trung trinh’’.
Tùy quan niệm sống, một số gia đình chồng đi làm, vợ chọn nghỉ việc ở nhà nuôi con hoặc làm bán thời gian, chờ khi trẻ được xem là Ềđủ tuổi’’ (theo quyết định của từng nhà), người vợ mới đi làm việc trở lại. Giải pháp nầy không phải lúc nào cũng dễ áp dụng, vì điều kiện thực tế mà cũng vì tâm trạng ngừa thủ, đề phòng bất trắc hoặc ly dị. Biết xử dụng phương tiện có được, ở Pháp vợ chồng cùng đi làm, thu nhập khá, mượn người giúp việc (được bớt thuế), vợ chồng dành thì giờ sống cho nhau và cho con cái. Mỗi gia đình tự do điều hành theo phong cách riêng, miễn cùng nhắm hướng duy trì liên hệ thuận hoà, vì niềm vui sống liên quan trực tiếp đến con cái. Gia đình yên ấm góp phần ổn định xã hội, trẻ học hành thăng tiến bình thường là mẫu văn hóa gia đình mà mọi dân tộc đều ưa chuộng.
Nhiều người đồng ý rằng : ba mươi năm qua, nếu người vợ đi làm mà vẫn được xem là nội tướng, cột trụ quán xuyến gia đình trong hoàn cảnh sống thay đổi, không hẳn nhờ tài khéo của các bà mà chính nhờ người chồng hiểu biết thông cảm sẵn lòng nhìn nhận vị thế của vợ mình ngoài xã hội và quảng đại chia xẻ trong đời sống gia đình. Sách báo VN cho thấy hình ảnh người chồng quyền uy vẫn còn ảnh hưởng khá nhiều trên tâm thần, hoạt động nghề nghiệp cũng như cộng đồng, xã hội... của người vợ, và để giữ cõi nhà yên ấm người vợ phải dung hợp thích ứng theo giới hạn.
2. Liên hệ vợ chồng : Khác biệt bản chất bẩm sinh
Hôn nhân thời nay đa phần là hôn nhân do đôi bạn lựa chọn, cha mẹ tác thành. Tình yêu theo bước thời gian có thể thấm đậm hoặc phai tàn.Vấn đề nghe than thở là khác biệt giữa vợ chồng về quan niệm sống bởi giáo dục gia đình, bởi bản ngã cá tính mỗi người. Sự khác biệt lắm khi đưa tới chỗ xung khắc, do đó có người nói rằng : cưới được người yêu dễ hơn là sống trọn kiếp với người yêu, vì
‘‘Dù tin tưởng chung một đời một mộng
Em là em, anh vẫn cứ là Anh’’
(Xuân Diệu).
Khác biệt nguyên thủy về bản chất bẩm sinh nam nữ được Ky-tô giáo, triết lý đông phương và khoa học nhìn nhận : ‘‘Cả hai sẽ trở nên một'' (Mt 19,7) như hai mặt của một đồng tiền, hai đường sắt song hành của lộ trình xe lửa, có nhau, cần nhau để thành một thực thể hữu dụng.
Sự khác biệt hiển nhiên mọi người đều thấy và chấp nhận khi ký kết giao ước hôn nhân, cớ nào lại trở thành xung khắc sau những tháng năm dài chung sống ?
Về phương diện khoa học :
Ngày nay, nhờ các khám phá mới trong phòng thí nghiệm, sinh học, ADN di truyền, quan sát bệnh lý, scanner, IRM... nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh nam nữ khác biệt từ thuở phôi thai cho đến khi mãn phần về một số cấu trúc cơ thể, kích thích tố... Chẳng hạn như não bộ và 5 giác quan đều có những khác biệt. Chỉ xin tóm lược thật vắn tắt để giải thích những phản ứng khác nhau giữa nam và nữ.
Bộ óc con người gồm hai bán cầu não :
- Ðàn ông có bán cầu não bên trái lớn hơn, bán cầu trái nầy giữ chức năng lý luận, phân tích, ngôn ngữ. . ., do đó phần đông dễ phân biệt phải trái hơn.
- Ðàn bà : hai bán cầu não phải - trái bằng nhau, thường có thể hoạt động cùng một lúc, chức năng ngôn ngữ ở cả hai bên.
- Do đó, khi bị chấn thương não trái, người nam không nói được, nữ thì còn nói được.
Ngũ quan cũng thế :
- Về thị giác : đàn ông, trong tổng thể chỉ chú nhìn một điểm lớn, ví như ống kính chụp zoom; đàn bà để ý ghi nhận mọi chi tiết, như ống kính góc rộng (grand angle). Tìm kiếm đồ vật trong nhà đàn bà thường thấy trước.
- Về thính giác : đàn bà tinh tế hơn, nghe trước tiếng con khóc, nước chảy, gõ cửa. Nhưng khi có tiếng động lớn khác thường, đàn ông phản ứng nhanh hơn.
Ngoài ra, đàn bà còn có thể có giác quan thứ sáu, linh tính bén nhạy, vừa thoạt trông thấy... đã đoán ngay được...
Phản ứng khác nhau : khi gặp khó khăn, đàn bà ưa kể lể tâm sự tìm an ủi, muốn được chia xẻ giúp giải quyết. Ðàn ông thích tự mình suy nghĩ tìm ra giải pháp đối phó.
Nói chung, đàn ông thường lo sự nghiệp công danh, thích quyền lợi, nhục dục, óc phiêu lưu... đàn bà thì tình cảm, ưa giao tiếp, yêu thương muốn đời sống ổn định bình yên.
Sự khác biệt nầy đôi bên đều nhận biết, nhưng nhiều lúc đôi bên đều không nhớ, lẫn lộn vai trò và phản ứng của nhau, đòi hỏi người khác phải suy nghĩ và hành xử giống mình.
Vì thế, Tông Thư Familiaris Consortio của Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhắc nhở ‘‘phải huấn luyện về mối tương quan cá nhân giữa nam và nữ, khuyến khích tìm hiểu về phái tính đôi bạn’’.
Khi chọn đời có đôi với ý thức chấp nhận con người bất toàn của nhau, không hàm nghĩa biến chuỗi ngày bên nhau thành chịu đựng trường kỳ. Trong gia đình ‘‘ta với mình tuy một mà hai’’ tuy gần mà xa, nên đừng ‘‘suy bụng ta ra bụng người’’. Tình yêu vợ chồng không chỉ bằng lời nói mà còn ở cử chỉ hành động. Vợ chồng có thể vun bồi, giúp nhau lần hồi cải sửa phần nào ‘‘giận thì giận mà thương thì thương’’, và ‘‘khoan dung là thuốc chữa lỗi lầm của con người’’ (Voltaire).
Cục đá lăn nghiêng lăn ngửa
Em sửa cho cục đá lăn tròn
Giận thời nói vậy chớ dạ còn thương anh.
Minh Ðạo Gia Huấn Ca viết rằng : ‘‘Biết sửa lỗi cũng gọi là người hiền’’. Và ‘‘vợ chồng biết nhịn nhau con trẻ chẳng bị côi cút’’. Liên hệ vợ chồng ngoài tình còn lý để giữ nghĩa. Trong cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm có ví liên hệ vợ chồng như rau phong, rau phỉ (navet, rave). Hai thứ rau nầy đều ăn được cả ngọn lẫn cuống. Nhưng cuống thì có lúc ngon lúc không. Khi hái rau chẳng nên vì cuống không ngon mà bỏ cả cây rau. Trong đời sống vợ chồng, chớ nên vì giận hờn phụ bỏ nhau.
Cư xử khoan hòa để vợ chồng đồng lòng thuận thảo thì mới nên cửa nên nhà, giữ được tiếng tăm.
Gió đông phong
Gió hòa mưa thuận
Dốc một lòng
Có giận nhau chi !
Kìa như phong, phỉ rau kia
Hái rau sao có kể gì cuống rau
Tiếng tăm trong sạch trước sau
Sống cùng nhau, thác cùng nhau với mày.
(Thi Kinh, chương I. Nguyễn Khắc Hiếu, Nghiêm Thượng Văn, Ðặng Ðức Tô cùng dịch).
Ngày nay, có người thi-vị-hóa liên hệ vợ chồng qua hình ảnh’‘Ðôi dép’’ :
... Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải, trái
Nhưng anh yêu em vì những điều ngược lại
Cho nên gắn bó đời nhau bởi một lối đi chung.
... Cùng gánh vác những nẽo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chia xẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận nầy phụ thuộc ở chiếc kia
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng.
(Nguyễn Trung Kiên)
Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa tạo dựng con người định sẳn khác biệt, không hơn - kém mà bổ túc. Cho dầu xã hội đương đại đòi hỏi con người bình đẳng bình quyền, vợ chồng kết hôn trước hết vì tình yêu, không ai kết hôn để đòi quyền hơn - kém, lấn áp.
Bao lâu trên mặt đất còn người thì vẫn có nam-nữ, có khác biệt, nhưng nam nữ ‘‘không chỉ bổ túc mà còn không thể tách ly’’ trên bình diện xã hội, cũng như trong tình vợ chồng vốn dựa trên căn bản tình yêu (Michèle Aumont).
Gia đình bền vững bởi tình yêu được duy trì, nhưng thương yêu nhau chưa đủ còn phải tìm hiểu nhau để giúp nhau sống những ngày hạnh phúc.
3. Liên hệ vợ chồng : Ðối thoại dung hòa khác biệt
Bằng cách nào ? Mỗi gia đình đều có thể tự lựa tìm phương thế thích hợp. Tuy nhiên trước tiên là đối thoại giữa vợ chồng. Bị cuốn theo xã hội văn minh cơ khí tân kỳ, đời sống đầy đủ tiện nghi với các phương tiện khó bỏ như TV, internet, video, sách báo, trò chơi điện tử... lần hồi dễ đưa tới thái độ vội vội vàng vàng, sống cạnh nhau mà dường như thiếu thì giờ để ý tới nhau, thiếu trò chuyện, cảm thông trong những bận trí lo toan của nhau. Cho dầu đời sống tất bật, nhưng vợ chồng hạnh phúc là ưu tiên hàng đầu, nên lựa cơ hội thuận tiện, chuẩn bị ngôn từ nhẹ nhàng, thành thật nói lên ý nghĩ để nhìn ra thực tế. Không chắc đôi bên có ngay sự đồng thuận, nhưng với thời gian, kinh nghiệm trường đời, người Công giáo thêm lời cầu nguyện, với ý muốn cải sửa cho nhau vui vẻ, vợ chồng có thể chuyển hóa những bất đồng thành cảm thông tương nhượng. Ðối thoại để vợ chồng khỏi lún sâu trong tình cảnh giận hờn, nói năng lạnh nhạt.
Ðối thoại là vấn đề thời đại. Ngày nay vợ chồng khuyên nhủ nhau, cha mẹ dạy con đều cần dùng hình thức đối thoại. Hạnh phúc gia đình ai cũng mong muốn, nhưng uy quyền áp đặt phải chuyển đổi thành đối thoại để các phần tử thấu hiểu lý lẽ bằng lòng chấp nhận, đối thoại cho nhà yên.
Nhà yên càng trở nên thiết yếu khi sách báo gần đây cho thấy : Ở các nước kỹ nghệ văn minh tiên tiến như Anh, Mỹ, Canada... bắt đầu có hiện tượng trẻ nữ vượt lên trên đường học vấn (qua tổng số ghi danh đại học). Theo tài liệu của Indicateur de l’Education năm 2002 thì ở Québec nữ sinh tốt nghiệp cao đẳng hơn gấp rưỡi nam sinh, đại học Montréal 60% nữ sinh viên, ngành y khoa 80% nữ sinh viên, chỉ còn cấp tiến sĩ có số nam hơn nữ. Ðiều đáng quan ngại là khi thất bại ở trường học, nam dễ buông xuôi, mất chí phấn đấu, bỏ ra tìm việc sớm để đáp ứng nhu cầu cá nhân theo đà xã hội tiêu thụ : máy móc, trò chơi điện tử, thể thao, nhạc kích động..., hờ hững với các giá trị tinh thần mà gia đình khuyên răn, tâm trạng mặc cảm dễ bị lôi cuốn vào thói hư tật xấu, có khi đưa dần tới chỗ phạm pháp.
Chuyện nước khác, nhưng với đà giao lưu tự do, truyền thông hiện đại thì có gì bảo đảm rằng thực trạng ấy không thể xảy ra ở Pháp trong tương lai ?
Người ta cho đó là hệ quả của nữ quyền và gia đình đổ vỡ, hôn nhân ly tán. Tình cảnh cha mẹ bất hòa ảnh hưởng trên tâm thần đứa trẻ, và người cha có vai trò trong tiến trình nuôi dạy, chuẫn bị cho con cái vào đời. Với người Việt thì tuy con số ly dị gia tăng, nhưng nhờ vào truyền thống quí chuộng sự học mà trẻ con được chăm nom, bảo bọc, khuyến khích học hành nên phần đông vẫn thành đạt trên đường học vấn.
4. Liên hệ vợ chồng : Chung thủy bất biến
Các phương tiện truyền thông hiện tại đề cập thời sự hôn nhân dưới góc cạnh luật lệ phiền toái, tâm lý dè chừng bất an, ngừa thủ tính toán, bi kịch gia đình với xung khắc bạo hành giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái... nhiều hơn giới thiệu những mẫu người sống thực hành văn hóa gia đình, có thể vì các thảm họa, hiện tượng liên quan đến gia đình thu hút sự chú ý theo dõi của đông đảo quần chúng và nhu cầu thông tin cập nhật.
Nhưng xã hội còn tựa vào số đông các gia đình thầm lặng, sống bình thường yên ổn. Thế giới vẫn nhìn thấy vai trò quan trọng của gia đình, không ngừng nỗ lực hoạt động để bảo lưu, thăng tiến gia đình.
Chung thủy vợ chồng được ghi :
● trong Kinh Thánh, nhắc lại khi cử hành hôn lễ : đôi phối ngẫu hứa giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Chiếc nhẫn ngày cưới biểu hiện tình yêu và lòng chung thủy.
● trong văn hóa gia đình qua văn chương truyền khẩu :
Ai ưa chè táo soạn ?
Ai chuộng chè thưng ?
Ai ưng chè mè đen chú chệt ?
Ai mê mệt chè bạch quả hột sen ?
Qua xin thề trước ngọn đèn
Thích chè đậu trắng,
thương con bạn hiền thỉ chung.
Mặc dòng đời thay đổi, chung thủy vợ chồng vẫn tồn tại, là một đức tính ràng buộc có thể ngay cả với những gia đình tái tạo (famille recomposée), nên đam mê tính dục, ngoài khuôn khổ gia đình, dầu nhất thời, vẫn có thể kéo theo nhiều hệ lụy ‘‘đa nhân duyên nhiều đường phiền não’’, đương nhiên không đồng hành với hạnh phúc gia đình.
Vì thế, bước vào đời sống vợ chồng dù nhọc nhằn, lo âu sinh kế, vợ chồng vẫn đồng trách nhiệm toan liệu cách thế duy trì niềm vui sống, trong đó có lạc thú ái ân vốn là mục đích của hôn nhân, là một trong các ưu tiên vợ chồng cần tỉnh thức nhận diện, để khỏi vô tình đưa dẫn người bạn đời tới chỗ bất trung. Nhưng hôn nhân không chỉ đơn thuần dựa trên tình yêu thể xác. Theo thời gian, dục cảm có thể suy giảm và gia đình dự phòng người nữ với trách nhiệm truyền sinh mà con cái, hệ quả của tình yêu là mối dây liên kết, khó thể bứt rời.
V. Tâm Thức gia đình chuyển đổi :
Qua chứng từ lịch sử, văn học, con gái tầng lớp vua chúa, quan quyền thượng lưu được đi học trước, rồi đến thành phần trung lưu, kế tiếp lan rộng dần tới nông thôn. Thân phận nữ giới chuyển đổi rõ hơn từ thế kỷ 20, chủ trương nam nữ bình quyền đi học song song với việc tiếp tục huấn dạy phải giữ gìn tam tùng tứ đức, bất kể giai cấp. Ðường hướng nầy sản sinh nhiều thế hệ nữ lưu có học thức, hòa nhập vào xã hội mà đại đa số vẫn trong ấm ngoài yên. Vì điều kiện cư trú nhà đất giới hạn nơi các tỉnh thành, đô thị, gia đình bắt đầu thu hẹp thường gồm cha mẹ - con cái hoặc thêm cha mẹ chồng hay vợ và một, hai anh chị em độc thân. Ở Việt Nam, đường đi nước bước tới lui cũng gần nhưng tình thâm ràng buộc theo thói quen với lợi điểm và bất cập khó tránh.
Hơn phần tư thế kỷ vừa qua, hoàn cảnh sống chuyển đổi khá nhiều cho người Việt nước ngoài.
● Tuổi trẻ dễ hòa nhập vào xứ sở định cư về phương diện học hành, làm việc. Còn văn hóa thì tùy gia đình. Thế hệ tiếp nối kiến thức tổng quát, chuyên môn, tăng cao, đa số thành công trên đường học vấn nhưng những gì gọi là lý tưởng xây dựng như làm đẹp cuộc đời, đổi mới tư duy xã hội, kiến tạo hòa bình. . . dường như rất ít hấp lực. Số người dấn thân cho cộng đồng trước mắt vẫn còn giới hạn. Có thể vì guồng máy xã hội sinh sống mà cũng vì sau những năm miệt mài học tập mệt mõi, người trẻ muốn an phận hưởng bình yên quanh quẩn trong công ăn việc làm với thú vui gia đình, bạn hữu quay quần sum hợp. Do đó, trách nhiệm các tổ chức là tìm đề ra những sinh hoạt đáp ứng thực tế, đáp ứng tâm ý hướng thiện vốn tiềm ẩn nơi mỗi con người.
● Bậc cao niên : Khi chấp nhận rời quê là vì muốn đi theo con cháu, tưởng gom một nhà đoàn tụ, sung sướng. Nhưng sang đến nơi rồi thì con bận làm, cháu bận học, các con không ở cùng một chỗ, thỉnh thoảng đại gia đình mới sum hợp. Thời tiết lạnh, ở nhà thui thủi, thấy buồn trống vắng, khác với tuổi già ngày trước đầy quyền uy, các điều muốn con cháu tuân hành không được như ý, càng nhớ vùng trời thân thương nắng ấm. Họ là những người đầu tiên trở về cố quốc, làm nhịp cầu nối kết cộng đồng hải ngoại với quê cha đất tổ.
● Lớp trung niên : Phải nỗ lực thích ứng để bảo bộc gia đình, mọi ước ao hoài bảo nếu có, đều kỳ vọng vào con cái. Những phụ huynh nầy, giờ bước vào ngưỡng cửa cao niên. Có người nằm xuống vĩnh viễn, một thiểu số rất ít về VN ở luôn, lớp khác đi đi - về về, vì con cháu cư ngụ nơi hải ngoại, tình thương cầm chân, đồng thời họ cũng nhận ra thực tế chưa thể trở về ở luôn, ít ra là trong thời điểm hiện tại. Thế hệ nầy đã qua nửa đời lao nhọc trên đất người nên đa số dường như mệt mõi, an phận nhìn văn hóa gia đình chuyễn đổi với niềm xót xa tiếc nuối.
Những điều trông thấy :
- Hôn nhân do con cái chọn lựa rồi xin cha mẹ tác thành. Ða số thông thường đều lựa dịp giới thiệu với gia đình để dò dẫm phản ứng, thuận thì tiến, không thì kéo dài thêm thời gian tìm hiểu chờ đôi đàng thông cảm hoặc dứt khoát; và khi đã quyết định mà cha mẹ vẫn không đồng ý thì tự ý rời gia đình, sống chung.
- Lệ có con trai nối dõi tông đường giảm nhẹ, cũng chẳng thấy cần ‘‘lộc’’ nhiều con để được xem là ‘‘có phúc’’ và hiểu rằng tuyệt tự không chỉ là trách nhiệm ở người vợ.
- Không khuyến khích mà cũng không chối bỏ hôn nhân dị chủng, dị giáo.
- Nhìn nhận nữ giới giữ nhiều vai trò nặng nhọc, trong đó chức năng truyền sinh nuôi dưỡng là sứ mệnh trọng đại khó lòng thay thế, nên cha mẹ dễ thông cảm với con dâu, nhắc nhở con trai chia xẻ phần nào việc nhà với vợ. Tuy nhiên, không thiếu người vẫn so bì than thở khi thấy con trai giúp vợ làm việc nhà.
● Vị thế người vợ : Theo Kinh Thánh ‘‘Thiên Chúa tạo nên loài người có nam, có nữ. Vì thế người đàn ông sẽ lìa xa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình’’(Mc 10,6). Xã hội thời xưa phó giao cho nữ giới bổn phận ‘‘lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng’’, nhưng đồng thời nhìn nhận ảnh hưởng Trung Hoa :
Anh em cốt nhục đồng bào,
Vợ chồng như áo, mặc vào cởi ra.
Ý nghĩ mâu thuẫn, thiên vị, đôi lúc bởi hậu ý cá nhân, đưa dẫn tới bất hòa ngấm ngầm giữa các thành phần trong gia đình, có khi vợ chồng phải ly tan.
Thế hệ ‘‘một rưởi’’ đến Pháp hồi bé, nay trưởng thành, có tư tưởng chuộng sự công bằng. Khi kết hôn rồi ít ai nghĩ vợ là người dưng ngoại cuộc trong bất kỳ tình huống nào. Ðiều nầy có thể bị phê phán tùy gia đình. Giữa thời đại mà cuộc sống vợ chồng mong manh, dễ vỡ, người nữ vào đường hôn nhân phải thủ giữ cùng một lúc nhiều bổn phận, nên rất cần được nhìn nhận, hổ trợ bằng tình thương với nhãn quan công bằng của gia dình. Việc coi nhẹ người vợ là hình thức gián tiếp coi nhẹ gia đình, không phù hợp với truyền thống Ki-tô giáo, không góp phần chấn hưng gia đình như nhiều xã hội trông chờ. Mỗi người (gái, trai) từ làm con bước lên làm vợ hay chồng, vai trò nào cũng trách nhiệm đi đôi với quyền hạn. Bên trọng bên khinh, hành xử lệch hướng thì liên hệ cha mẹ - con cái không lành, liên hệ vợ - chồng chẳng yên.
Thờ cha kính mẹ đã đành
Theo đôi theo lứa mới thành thất gia.
Gần đây quyền lợi người vợ được luật thừa kế gia sản Pháp cải sửa thuận lợi hơn xưa có lẽ cũng trong chiều hướng nhìn nhận vị thế của người vợ trong gia đình.
● Chọn lối sống cách ly :
- Gia đình bây giờ chỉ gồm vợ chồng - con cái. Ðại gia đình ba đời đã ít, bốn đời còn hiếm hơn.
- Các bậc cha mẹ thì ngoài vấn đề an sinh bảo hiểm xã hội, còn ngừa tránh miệng tiếng, ngại cảnh ‘‘ở nhờ’’ dâu rể , muốn đôi đàng thoải mái trong giờ ăn, giấc ngủ, giải trí... Những người ở với con cháu thường do tình trạng góa bụa, cao tuổi sức yếu bệnh hoạn. Một số đơn độc chọn nhà hưu dưỡng, khác với thế hệ trước (do không quen lối sống và ngôn ngữ).
- Còn con cái thì sợ điều lễ nghĩa bó buộc. Mới cưới có thể bước đầu còn nương tựa nhà cha mẹ (chồng hoặc vợ) để dành dụm chuẩn bị tạo sắm nhà cửa. Vợ, chồng đi làm khó giữ vén khéo nhà cửa, bữa cơm tươm tất đều đặn hằng ngày theo khẩu vị Việt Nam, ngại vui buồn bất chợt cảnh mẹ chồng - nàng dâu Ềthờ thì dễ, giữ lễ thì khó’’, trai thì muốn tránh trước cảnh cha mẹ và vợ bất hòa.
- Do đó đôi bên đều thích ở riêng nhưng ở gần để giao hảo tốt, phòng cậy nhau lúc tối lửa tắt đèn, giữ tình gia tộc.
- Thế hệ ông bà thời nay tỏ ra thông cảm với nỗi nhọc nhằn của dâu rể. Nếu sức khỏe tốt, họ không ngại giúp săn sóc, giữ hộ cháu, tập nói tiếng Việt, đưa đi học, nghỉ hè, xem hát v.v. . . Cách chuyển truyền tình thương nầy nuôi dưỡng tình gia tộc góp phần định hình văn hóa gia đình của cộng đồng người Việt hải ngoại.
● Liên hệ cha mẹ - con cái : Ðể bảo toàn tình thương, tương quan tốt đẹp, nhiều phụ huynh ở hải ngoại chấp nhận giảm nhẹ uy quyền, nương theo cách hành xử được sách vở, báo chí lưu ý nhắc nhở. Xin ghi lại vài điều xem như có phần thay đổi với gia đình Việt Nam thời trước.
- Ðối thoại thẳng thắn, ôn hòa về các điều cha mẹ xem là trọng yếu và những gì phụ thuộc, nhưng chấp nhận tư tưởng con cái có thể khác biệt (tôn trọng khác biệt đã trở thành qui tắc ứng xử thời đại). Giá trị của gia đình là nơi đầu tiên thực hành dung hòa khác biệt, tập khoan hòa tha thứ.
- Nếu cư xử sơ hở thì cũng nên tỏ ra biết lỗi (để làm hòa), vì không phải hể là cha mẹ thì không có lỗi hoặc không cần phải nhận lỗi.
- Bạn bè kết giao thân cận cũng có phần ảnh hưởng, liên hệ gần gủi với con cái trong đời sống. Cha mẹ cần thăm dò, tìm hiểu trước khi phê bình cấm đoán, vì bạn bè cũng có thể giúp nhau. Ngoài ra, do hoàn cảnh cư trú, đại gia đình chỉ gặp nhau trong các dịp hiếu hỉ quan trọng, lần hồi giữ vai trò chia xẻ nâng đở tinh thần chớ không hẳn là nơi nương tựa tài chánh.
- Cha mẹ làm công việc giáo dục con đôi khi rất cô đơn, phải dò tìm đường lối chuyển đạt tư tưởng thích hợp với trẻ, nhiều lúc phải dẹp bớt tự ái, khoan nhượng chờ con qua tuổi khủng hoảng tránh cảnh con bỏ nhà ra đi khi tương lai chưa định, bởi vì điều lo nghĩ của cha mẹ chưa hẳn là điều lo nghĩ của con.
- Và lời căn dặn lập lại nhiều lần là cha mẹ nên dành thì giờ trò chuyện, tạo thông cảm với con ngay từ lúc bé, càng nhiều càng tốt vì quyền uy nhờ đối thoại chuyển hóa lần hồi thành ảnh hưởng gia đình trên tâm thức con cái. Khi trẻ sắp vào tuổi trưởng thành, chưa định hình nhân cách riêng, còn phân vân giữa uy quyền của gia đình và luật lệ xã hội (về Quyền trẻ em) thì đó là lúc cha mẹ cần nghiêm túc giải thích những điều mình muốn truyền dạy.
● Những ngày cuối đời : Vấn đề tuổi xế chiều của người Việt ngoài xứ đã ló dạng từ hơn thập niên, nhưng chưa thấy được giải đáp tương đối gọi là thỏa đáng, phù hợp với lòng trông đợi của cộng đồng. Ở Pháp không có nhà hưu dưỡng riêng cho người Việt. Luật lệ về an sinh xã hội, y tế, quản trị, điều hành... rất phức tạp, chẳng những đòi hỏi vốn đầu tư lớn mà còn cần thêm trí lực, tinh thần vị tha phục vụ cao độ mới hi vọng thành tựu. Do đó, hiện giờ mỗi gia đình tự lo liệu theo hoàn cảnh riêng.
Với đà tiến hóa của y học, nói chung con người đều tăng tuổi thọ, kéo dài tiến trình lão hóa. Vì thế chuẩn bị cách sống cho tuổi già là nếp văn hóa gia đình được gợi nêu, nhắc nhở như phòng ngừa bệnh tật. Vẫn biết đến kỳ Chúa định hồn rời khỏi xác, nhưng những ngày cuối đời thì mỗi cá nhân đều ít nhiều trách nhiệm với chính mình. Do đó làm thế nào để tâm thần sống thảnh thơi cũng cần như lo cho thể xác bớt thương tổn vì chứng lão suy.
Nhân gian tỏ ra tiếc thương những cái chết’‘bất đắc kỳ tử’’ của tuổi trẻ hoặc trung niên, xem là họa biến, nhưng với người cao niên thì gọi là chết’‘lành’’ khỏi bị cảnh liệt giường bên dòng đời sinh động.
Thảm trạng già yếu, bệnh tật khiến người cao niên buồn bã, dễ mặc cảm... Vợ (chồng), con cháu yêu thương nhưng có khi vì thời gian bệnh tật lâu năm làm cho người bó buộc phải canh giữ nhọc nhằn, mệt mõi... Trong tình cảnh ấy những lời nói vô tình đôi lúc cũng dễ gây ra căng thẳng. Do đó, chuẩn bị tâm lý sống tuổi già rất cần cho vợ (chồng) và thỉnh thoảng cũng nên đối thoại lần hồi với con cháu để có ý thức về vấn đề không ai tránh khỏi.
Hơn lúc nào hết, khi đó tinh thần liên đới từ gia đình tỏ lộ, vì bạn bè thân hữu bận việc riêng, sau ít lần thăm viếng xã giao, chỉ còn trông cậy vào gia đình, mà tình nghĩa yêu thương săn sóc thì quý hơn vì bổn phận buộc ràng.
Xã hội văn minh tân tiến đầy đủ tiện nghi nhưng cuộc sống cật lực chạy theo đồng hồ càng làm cho tuổi già nhạy cảm dễ thấy bị quên lãng, cô đơn. Do đó, tạo liên hệ tốt giữa các phần tử trong gia đình từ những ngày lành mạnh trở thành một trong các ưu tiên dài hạn không thể xem thường.
● Vai trò tôn giáo : Tâm linh tín ngưỡng theo dòng thời gian vẫn tiếp tục hiện diện khắp thế giới. Chỉ 30 năm có mặt trên xứ người, nhiều cơ sở tôn giáo Việt Nam đã hình thành, sinh hoạt đều đặn. Do vận nước đổi thay, trên bước đường lưu lạc, qua những lúc cực kỳ nguy biến, cùng khốn, chỉ còn trông cậy thần quyền, một số người đã hướng về tôn giáo. Cũng có rất nhiều trường hợp sau khi ổn định tìm đến nơi thờ phụng Việt Nam như một cách thể hiện lòng yêu mến di sản văn hóa gốc. Ngoài ra, còn một số khác tự nhận không theo tôn giáo nào, chỉ tới chùa hay nhà thờ khi dự tang chế của thân nhân bằng hữu.
Niềm tin tôn giáo thuộc diện văn hóa gia đình, đồng hành với hạnh phúc vợ chồng. Lớp người luống tuổi đều nhận thấy và mong muốn gia đình con cháu đừng để bụi thời gian phủ mờ ánh sáng đức tin, đưa dần tới thói quen xuân thu nhị kỳ thực hành tín ngưỡng, tục lệ trong vội vàng vô thức theo guồng máy của xã hội tiêu thụ, mong muốn trong các ưu tiên của đời sống trần thế, cũng có ưu tiên dành một chút thời giờ quí báu cho đời sống tâm linh vợ chồng (cũng là của gia đình) vì tín ngưỡng vốn cổ võ sự khoan nhượng, hòa giải, nhắc nhở cái bất toàn - khác biệt của mỗi người, cần thiết để kiện toàn lộ trình hôn nhân bình yên và hạnh phúc của đôi phối ngẫu từng giao ước trọn đời yêu nhau.
Dường như thời nào cũng có nhận định cho rằng thế hệ mới không bằng thế hệ cũ về đạo đức. Thật ra thì dù cùng một niềm tin bao giờ thế hệ trẻ cũng nghĩ là họ sống đạo khác với lớp người cao tuổi. Ðể thực hành tôn giáo, theo nghi thức bên ngoài hay chủ hướng về nội tâm thì mỗi người một ý. Ðiều trông thấy là tầng lớp trẻ, có lẽ vì bận học hành, sinh kế, gia đình, con cái, sự nghiệp... nên đa số ít lui tới thường đều các cơ sở tôn giáo, trừ một vài sinh hoạt bất định kỳ có hấp lực lôi cuốn. Nhưng khi đã lập gia đình, có con, họ có khuynh hướng dẫn con lui tới các cơ sở tôn giáo, ghi tên cho trẻ học giáo lý nhà thờ hay sinh hoạt chùa. Tôn giáo như cái’‘thiện’’ mà cha mẹ muốn truyền lưu cho con.
Theo ông Wade Cark Roof dạy Tôn giáo và Xã hội học, Ðại học Santa Barbara, California, thì người trẻ muốn có một đời sống tâm linh. Trên mạng lưới truyền thông điện tử nhiều bài viết trao đổi cho thấy không những họ chú trọng ưu tiên cho gia đình mà còn tìm lối quay về với tôn giáo (sau những năm dài chứng kiến hoặc chịu đựng nếp sống khó khăn do gia đình tan vỡ của thế hệ phụ huynh trước đó). Một cuộc thăm dò cho biết :
- 89% tin tưởng ở Thượng Ðế, trong đó 70% đi lễ đều đặn,
- 75% tin có đời sống sau khi chết và coi trọng tôn giáo trong đời sống,
- 73% tham gia công tác thiện nguyện do trường học hay nhà thờ tổ chức.
Như thế, một lần nữa có thể hiểu rằng bao lâu con người còn là còn với niềm tin tôn giáo, cho dù có thời thịnh suy hưng phế... Tôn giáo nguyên thủy vẫn là’‘chỉ bảo đàng lành’’, giúp con người hướng thiện, góp phần chấn hưng xã hội, gieo hy vọng cho nhân gian, tô điểm cuộc đời tươi sáng hơn.
Hướng về tương lai :
Nói chung, người Việt hải ngoại đã gìn giữ được văn hóa gia đình, đào tạo, sản sinh nhiều công dân lương thiện hội nhập cân bằng, nhờ vào các giá trị truyền thống, trong đó có vợ chồng thuận hòa, gia đình yên ổn. Cho dầu văn hóa gia đình Việt Nam có những điều tiêu cực, nhưng thế hệ ly hương đầu tiên vẫn thương quý nên ít nhiều đều cố gắng bảo lưu, chuyễn truyền cho con cháu. Nề nếp gia phong của họ vẫn chịu ảnh hưởng ngày xưa, xem đời sống vợ chồng là một hòa hợp đồng thuận. Sự phân nhiệm Ềthiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây’’chẳng phải cốt yếu định vị hơn kém, và thực tế cho thấy tuy giới hạn trong’‘việc nhà’’ nhưng người vợ lại nắm giữ vai trò quyết định, từ’‘nội trợ’’ đã chuyển hóa thành’‘nội tướng’’ như xã hội gọi nhận.
Gia đình khó tránh khỏi biến thái khi môi trường sinh sống thay đổi, không tìm được dòng nước cũ mà cũng chẳng thể kềm chặn bước đi của thời gian. Người Việt tới định cư nơi đất mới, giữa lúc các xã hội Âu Mỹ trên đà chuyển đổi theo chiều hướng khác với truyền thống quen thuộc (cách đây 30 năm), trong bối cảnh kinh tế kém phát triển, gia đình dễ lạc hướng, hôn nhân ít bền vững, vai trò nữ giới Việt Nam được động viên nhắc nhở thường đều cũng như vị trí của nam giới được luận bàn nhiều hơn trong liên hệ vợ chồng. Trong ba thập niên vừa qua, cả hai đều tự lực bươn chải gầy dựng lại cuộc đời và sự thống khổ lầm than của Việt Nam trong giai đoạn đó ảnh hưởng rất nhiều đến cách sống của gia đình người Việt ly hương. Kinh nghiệm buồn sầu nhưng quí giá để tái tạo gia đình sống văn hóa bình thường. Nhưng đúng tốt - sai lỡ, lạc quan - lo âu. . . đều là kinh nghiệm cho một niềm hy vọng thăng tiến.
Khi thích nghi với văn hóa Tây phương đương thời (mà nhiều người cho là mang tính vị kỷ cá nhân), họ nhìn các vấn đề đa diện, phóng khoáng hơn. Mỗi xã hội sinh động theo qui luật phong hóa của đất nước đó. Một số đông người Việt hải ngoại ý thức rõ ràng ưu điểm của văn hóa gốc, đón nhận thêm văn hóa sở tại (nơi định cư) trong tinh thần dung hợp. Họ tự lựa chọn một cách sống hài hòa, không đánh mất bản sắc dân tộc, thản nhiên hội nhập thầm lặng chớ không đồng hóa y chang với người bản xứ. Nhưng tập thể người Việt hải ngoại gồm nhiều thế hệ cộng sinh. Thế hệ một rưỡi hoặc thế hệ thứ hai có thể thay đổi nhãn quan do sự phân nhiệm truyền thống về vai trò vợ chồng thay đổi. Thay đổi đầu tiên rõ nét là vợ chồng đều đi làm. Vai trò người vợ đương nhiên trở thành nặng nhọc hơn, vì cán đán cùng một lúc hai trách nhiệm. Do đó, làm thế nào để lần hồi thay đổi tâm thức người chồng về vai trò của họ trong đời sống gia đình thời nay cũng là một vấn đề, bởi có lẽ rất ít phụ nữ chịu rời bỏ vị thế xã hội, sau thời gian miệt mài học tập thành nghề.
Ở vào thời điểm bạo lực lan tràn đưa dẫn tới tình trạng bất ổn, nhân danh tự do không giới hạn, các nhà cầm quyền thế giới đều nhìn nhận vai trò bất khả thay thế của gia đình trong tiến trình xây dựng an sinh xã hội, hướng về gia đình, trông cậy giáo dục gia đình như phương cách chính yếu có thể góp phần giải trừ tệ nạn xáo trộn bất an cho nhân loại. Phần gia đình, muốn được sống trong bầu khí yên lành bình thường để thăng tiến thì mỗi người đều có trách nhiệm ít, nhiều góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc chung sức ổn định trật tự xã hội, vốn là mối lo chung của tập thể.
Sách Trung Dung ghi rằng :’‘Ðạo của người quân tử khởi từ đạo vợ chồng’’. Hôn nhân một vợ - một chồng, để sống bình an, nuôi dạy con cái, thực hành văn hóa gia đình cũng như văn hóa Ki-tô giáo, tuy hai mà một, toujours un et toujours deux, c’est le chant de l’amour (Tagore).
Cho dù những thảo luận về vai trò vợ chồng thỉnh thoảng vẫn tiếp diễn vì bó buộc phải thức thời đáp ứng nhu cầu hạnh phúc, nhưng trên thực tế phần đông vợ chồng đều mong muốn một sự cân bằng hài hòa giữa công việc với hạnh phúc gia đình. Ðó là điểm sáng cốt lõi của lương tâm con người, cũng như tôn giáo chọn bảo vệ gia đình’‘để mang lại một khuôn mặt thực sự nhân bản cho xã hội, tất cả các dân tộc không thể làm ngơ, không biết đến thiện ích quý giá là gia đình dựa trên hôn nhân, hôn nhân và gia đình không thể thay thế được’’ (ÐGH Bênêđitô XVI, Hội Nghị Các Gia Ðình Thế Giới 2006).
Văn hóa vốn sinh động, nối kết quá khứ với hiện tại để định hình tương lai. Kinh nghiệm lịch sử di dân Trung Hoa cho thấy nếu không tập trung lại ở các thành phố lớn với những bang, hội. . . thì có thể bị đồng hóa sau vài thế hệ. Rồi đây, cũng như các sắc tộc di dân khác, ra đi là khó thể quay về, cộng đồng Việt Nam hình thành với đường hướng đãi lọc, bảo lưu căn bản văn hóa gốc trong thực cảnh chung sống dung hòa ở đất nước mà các nền văn hóa cùng nhau hiện diện. Tương lai một nền văn hóa nhân bản hòa đồng, chấp nhận khác biệt đưa con người tiến vào bầu khí xã hội an bình không còn là viễn ảnh mơ hồ. Và hiểu biết, mến mộ không mặc cảm cội nguồn để nước không cạn dòng, cội nguồn bám rễ là ước vọng chung của người Việt ly hương :
’‘Mở nôi bỗng nhớ nguồn xa
Mở quanh trái đất đem xưa vào đời’’.
(Lưu Nguyễn Ð.Hạt)
Cuối cùng, nếu bài nầy gợi được một thoáng suy nghĩ về hoàn cảnh gia đình người Việt hải ngoại hiện thời là một khích lệ cho người viết.
Tài liệu tham khảo :
- Văn hóa Gia đình Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 1998.
- Ðường vào tình yêu, Phạm Hữu Trác, Truyền Thông 7, 2003.
- Nữ Quyền, Diễm Uyên, Truyền Thông 7, 2003.
- Nữ Quyền tại Việt Nam trong thập niên 1920, Tý Em, Truyền Thông 7, 2003.
- Ðàn ông đàn bà... Lê Phương Thúy, Y Học và Ðời Sống, 30, 2005.
- Thế hệ X tại Bắc Mỹ và Hoa Lục, Lê Phụng, Truyền Thông 5, 2002.
- L’égalité n’existe pas, ELLE, 10-2001.